Trương Ngọc Hùng
SÓNG VỖ CỒN KHƯƠNG
Tiếng sóng vỗ ầm oàm khiến gã không ngủ được, nằm suy nghĩ miên man, bao biến cố đã qua, nhiều khi như có sự sắp đặt. Gã “cầm bút” khi đã nghỉ hưu. Cả một đời áo lính, đã qua chiến tranh tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để hiểu sự tàn khốc của nó. Chả ai dạy gã viết, dù đã qua gần chục năm trường sở nhưng chẳng liên quan chút xíu đến văn chương, chữ nghĩa, chỉ rặt những “chiến dịch”, “chiến thuật”, đến đánh đấm, trận mạc, khô khốc. Gã đến với văn chương như một sự tình cờ. “Viết đi không vài năm nữa chẳng còn ai biết đến một thời gian khổ, một thời khốc liệt, một thời đói kém và một thời oanh liệt”. Gã viết vì lời khuyên đó và đã gặp may. Ông nhà văn già đã gửi Nhà xuất bản in cho gã tập truyện đầu tay và trúng ngay giải thưởng cấp tỉnh. Sau đấy, gã cũng có vài cuốn được in, vài bài được đăng ở báo này, tạp chí khác nhưng gã luôn coi mình là dân ngoại đạo dù ai đó vẫn gọi là “nhà” nọ “nhà” kia. Gã lại gặp may khi được đi dự trại sáng tác thay cho nhà văn kỳ cựu nào đó, vì một lý do nào đó không đi được. Gã trở thành người mới, lạ hoắc trong đám nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà biên kịch gạo cội trong nhà sáng tác mới toanh bên bờ sông Hậu...
Nhà sáng tác tọa lạc trên khu đất rộng chừng vài héc ta, yên tĩnh đến lạ lùng, có thể nghe rõ từng con sóng rủ nhau khi triều lên, nghe rõ từng cơn gió đùa trên ngọn sóng. Và... đêm đêm vào khung giờ nhất định, một giọng Bắc được cất lên không phải khúc vọng cổ hay một điệu hò miền Tây sông nước. Một ca khúc miền Bắc, đau đáu, khắc khoải:
“Làng tôi sau lũy tre mờ xa/ Tình quê yêu thương những nếp nhà .../Có những người chiến sỹ xa quê hương/ Súng bên mình cùng tiến bước lên đường”... (Làng tôi- Hồ Bắc)
Lần theo giọng hát, gã bước thấp bước cao rẽ qua muôn vàn cây cỏ. Nhờ trợ giúp của đèn Flash điện thoại gã lần đến căn nhà- Đúng hơn là căn chòi, ngay mí nước. Trên chiếc võng dù, loại phổ biến của Quân giải phóng thời chiến tranh mắc chéo hết chiều dài căn nhà, một người khó đoán tuổi ngồi thu lu, hai chân buông thõng, mái tóc bù xù, đôi mắt dường như không bắt sáng đang say sưa thả hồn theo điệu nhạc.
Gã ngồi lặng lẽ, đưa mắt quan sát. Dưới ánh đèn leo lét làm từ chai dầu cù là, có lẽ có từ hồi còn chiến tranh, các đồ vật cũng mang dáng dấp cổ xưa, giản đơn, thủ công. Mải quan sát, gã không nhận ra giọng ca đã dừng lại, người đàn ông cũng xoay hẳn người, hai chân vắt sang hai bên võng:
- Ở trại sang hả? Gã giật thót:
- Sao lại trại? Mình trông giống kẻ có tội à?
- Là tớ nói cái trại sáng tác ấy. - Vừa nói người đàn ông vừa hất đầu sang khu nhà có ánh điện hắt lên vùng trời một màu bàng bạc.
À, thì ra ông ta nói về cái nhà sáng tác gã vừa đặt chân đến mấy ngày qua. Gã cũng từng thắc mắc sao lại đặt cái nhà dành cho dân văn chương, nghệ thuật là “trại”? Nghe thấy gờn gợn.
- Anh ở một mình à? Nhìn anh tôi biết anh đã từng làm lính. Những người lính chúng ta, “ngửi” cái biết ngay không thể nào giấu được.
- Tôi cũng “đánh hơi” thấy “mùi lính” của anh. Ở đơn vị nào? Đã nếm mùi trận mạc chưa?
- Tôi là lính 330, lính miền Bắc gọi chệch đi là “ba ba sọi”. Gần mười năm cố thủ miền biên và chiến trường nước bạn. Cũng được coi là “lính chiến”.
- Được đấy. - Anh gật gù, tỏ sự thiện cảm.
- Anh hát hay nhưng buồn thế? Mà sao chỉ hát mỗi một bài.
- Đây là bài hát tôi đã dạy cho nàng. Nàng có giọng hát tiên cô...
Gã ngồi im chờ đợi vì gần như biết chắc người đàn ông này sẽ kể về người đàn bà mà anh ta gọi là “nàng”, người có giọng hát “tiên cô”. Lính là thế, chỉ vài câu là nhận ra nhau, nể phục nhau bởi tháng năm chiến trận, là có thể dốc bầu gan ruột, chẳng cần giữ gìn câu nệ.
Anh nói giọng trầm buồn:
- Tôi tham gia đội thủy lợi 202, nơi tụ hợp hầu hết những người có sức khỏe. Năm ấy, mưa nhiều lắm, mưa trắng trời thối đất. Làng xóm khuất sau làn mưa mù mịt như sương mùa đông. Nước mênh mông mấp mé mặt đê. Đoàn người giăng hàng lầm lũi như đàn kiến dầm mình trong mưa, cặm cụi, cần mẫn truyền tay nhau những hòn đất to như chiếc nón, chống tràn, gia cố chân đê. Đội hầu hết là chị em phụ nữ có và chưa chồng. Là số rất ít thanh niên còn sót lại, được chiều chuộng, nâng đỡ, vuốt ve, gần như được đáp ứng đầy đủ những sở thích dù là quái gở nên tạo cho tôi thói quen xấu, ích kỷ, tham lam, buông thả. Đang ngất ngây bởi “vị trí” như vua ấy, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Tôi sốc, sốc vì không nghĩ sẽ có ngày phải ra chiến trường. Tôi là con độc nhất của gia đình và dòng họ, bấy lâu nay vẫn trong diện miễn hoãn và... quan trọng hơn: Chủ tịch xã là người trong họ, ông là thương binh chống Pháp mất khả năng “đàn ông” nên mặc nhiên tôi được coi là hạt giống duy trì dòng họ.
- Chú phải lấy vợ! - Ông Chủ tịch nói sau khi tôi vừa ngồi xuống ghế.
- Em không, nếu thích thì anh đi mà lấy! Sao anh không cho em ở lại?- Tôi giở thói đỏng đảnh.
- Nếu lấy được, không cần chú phải giục. Giữ được thì không cần chú phải nhắc, tôi không quên trách nhiệm với họ hàng.- Ông Chủ tịch rớm rớm nước mắt, nói thêm: “Chiến tranh ngày càng ác liệt, sinh viên các trường Đại học, những tài hoa của đất nước cũng phải gác bút nghiên lên đường. Chú phải cưới vợ, phải có người nối dõi tông đường và phải đi. Tôi đã bàn với bố mẹ chú rồi”.
Dù “kễnh” đến mấy tôi cũng hiểu ra đó là bất khả kháng. Tôi đồng ý lấy bừa một cô gái bố mẹ đã chọn sẵn. Trong suy nghĩ của tôi, người đàn bà ấy cũng như muôn vàn những người đàn bà con gái trong đội thủy lợi, khác chăng là có cưới hỏi đàng hoàng và bố mẹ có người chăm lo, săn sóc khi tôi vắng nhà.
Vào đơn vị, mới được nửa khóa huấn luyện, chưa kịp bắn phát súng nào thì được gọi lên Sư đoàn tham gia đội Tuyên văn chuẩn bị cho hội diễn. Tôi có giọng hát không đến nỗi nào. Những ngày thật vui, đỡ vất vả hơn và được gần những người con gái. Trong các đơn vị chiến đấu thời ấy con gái hiếm lắm, con gái có thanh, có sắc càng hiếm, chọn mãi được mấy cô, trông tàm tạm nhưng hát “phô” không tả được. Đội trưởng, một người đang học năm thứ ba trường âm nhạc phàn nàn với cấp trên, thì nhận được câu trả lời: “Phô thì bảo chúng nó hát be bé thôi, dàn đồng ca có bóng dáng con gái sinh động hơn, và quan trọng là mấy thằng trong đội sẽ gân cổ lên mà hát, thằng nào chả muốn thể hiện. Đó là chiêu khích tướng đấy ông ạ”. Cũng có lý, có các nàng chúng tôi hăng hái hơn, vui hơn. Cánh văn nghệ chúng tôi, thiếu gì cũng được nhưng không được thiếu đàn bà con gái. “Bệnh” cũ tái phát, tôi dính ngay vào cái bẫy ngọt ngào, hầm hập ấy, quên phắt mình đã có vợ. Mà cũng tại họ, lúc nào cũng: “Anh ơi, dạy em...anh ơi, giúp em...”. Tôi vốn Bachikhơ, “cân tuốt”, nhưng kỷ luật Quân đội không giống đội thủy lợi 202. Lập tức bị điều đi học một lớp trinh sát, lý do thật đơn giản, tôi phải lập tức rời khỏi đơn vị, tránh một vụ Xicangđan. Đi hay ở, đến đơn vị nọ, chuyển đơn vị kia là việc rất bình thường, không ai được phép hỏi tại sao. Điều làm tôi hơi lạ là những người được tuyển chọn vào lực lượng “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” phải có phẩm chất đặc biệt trong khi tôi nhát như cáy, có trí nhớ như “ông ba mươi” lại được đào tạo làm cái việc “khua sương đá mìn”. Sẵn bất mãn, tôi chầy bửa, được chăng hay chớ, vài lần bị kỷ luật song vì yêu cầu chiến trường tôi cũng được tham gia hành quân vào thẳng B2. Lính ta có câu “Ăn B2 ở B3 ra B1” nghĩa là ở B2 không lo bị đói. Thóc gạo nhiều, tôm cá lắm, thả xuống chút thức ăn thừa là có thể kiếm ngon ơ vài ba ký cá. Nhưng nhiệm vụ thì khá mệt, ở B3 (Tây Nguyên) rừng núi, còn có hang động, cỏ cây che đỡ còn ở đây (B2, miền Tây Nam bộ) đồng bằng trống huơ, mùa nước nổi trắng đồng mênh mông nước cảm giác lúc nào cũng “lạnh lưng hở sườn”. Tôi được biên chế về đại đội chủ lực của Huyện và chính thức rời bỏ bộ quân phục Tô Châu, chiếc mũ cối để nhận trang phục nhiều ninon, nhẹ, mau khô cùng chiếc mũ tai bèo.
Tôi có trận chiến đầu tiên. Bắt đầu là pháo, cơ man nào là pháo, pháo khoan, pháo chụp, pháo dàn… đinh tai nhức óc, mặt đất đảo rần rần. Tiếp theo, trực thăng rà sát, gió cánh quạt lột thốc như kéo tung từng khóm cây ngọn cỏ, bộ binh dàn hàng ngang tung lựu đạn, bắn găm từng loạt vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ. Tôi run bần bật, sặc sụa nước khi cùng Tiểu đội trưởng nấp dưới rặng trâm bầu ven sông Bình Thủy. “Đây gọi là chém vè, hiểu chưa. Học hành kiểu gì mà ngu ngơ như bò đội nón. Nhưng thôi, quen ngay ấy mà, chả có trường nào dạy nhanh bằng bom đạn đâu”. Tiểu đội trưởng nghiêm giọng, nói. Những trận sau có khá hơn nhưng không thể nói là hoàn thành nhiệm vụ của trinh sát viên. Tôi bị điều lên làm lính cảnh vệ cho cơ quan Huyện. Với những người khác đó là hình thức kỷ luật nhưng tôi thì chẳng coi vào đâu. Lên cơ quan nhàn hơn, an toàn hơn và có điều kiện tiếp xúc với những cô du kích, những cán bộ nữ trong cơ quan Dân, Chính, Đảng. Tôi “tăm” ngay cô gái trong tổ giao liên của cơ quan Huyện ủy. Nàng đẹp- tất nhiên, tôi không thể nào rời mắt khỏi bắp chân trần xắn quá gối của nàng khi đi cùng nhau. Còn hơn thế nữa nàng có giọng hát rất hay: “Ta đi lang thang qua đồi vắng qua rừng sâu/ Cho tâm hồn bớt âu sầu/ Không còn nhớ không còn thương/ Bóng người xưa quên thề cũ/ Không còn nhớ không còn thương/ Mối tình xưa quá bẽ bàng...” Tất nhiên giai điệu ủy mị của ông nhạc sỹ tài hoa Hoàng Thi Thơ không được hoan nghênh ở thời điểm ấy. Nàng vẫn hát khe khẽ lúc chập choạng khi bên bờ suối, lúc đu đưa trên võng trong lúc mặt trời đang lặn, ánh sáng và bóng tối đang dần nhập vào nhau mê mị. Tôi mê mẩn đắm chìm trong giọng hát đó. “Này em, hát bài này đi”. Tôi chìa ra bản nhạc “Làng tôi” của Hồ Bắc. “Em đâu có biết nhạc, toàn học truyền miệng”. Thế là tôi thành “thầy giáo” của nàng. “Nhạc miền Bắc cũng “mùi” ghê anh nhỉ”. Nàng ghé vào vai tôi thì thầm. Tôi hôn nhẹ lên mái tóc vừa gội còn đậm mùi lá sả. Chỉ có thế. Tôi chưa quên cú kỷ luật hồi còn ở miền Bắc, sợ lại bị chuyển đi đâu đó nguy hiểm hơn. Có bài hát mới, nàng thoải mái không phải hát dấm dúi nữa. Trước mỗi buổi sinh hoạt tập trung chúng tôi thường song ca và được hoan nghênh nhiệt liệt. Những ngày yên ả qua nhanh khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chủ trương lấn chiếm vùng giải phóng. Những trận càn liên miên, cơ quan Huyện phân tán, hình thành những nhóm nhỏ bám trụ, xây dựng chính quyền cơ sở. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận lợi, tôi đã từng phải núp cả ngày tránh sự lùng xục của địch và không phải không có lúc đượm màu lãng mạn.
- Ông có tin chúng tôi hôn nhau ngay trước mũi súng của địch không? Không tưởng tượng được đâu, vì ai cũng nghĩ lúc ấy hồn vía “lên mây” thì hôn với hít cái nỗi gì. Nhưng thực là có đấy. Tôi và nàng chúi dưới bụi cây chìa ra mép nước. Trên bờ nhóm địch đang đun nấu gì đó, mùi thức ăn xộc xuống khiến chúng tôi cồn cào, nước miếng trào ra ong óc, lạnh run. Tôi ghì lấy nàng truyền hơi ấm cho nhau, nàng vươn người đón nụ hôn của tôi. Tôi hôn nhưng chưa yêu nàng. Tôi là thằng vô cảm luôn bị bản năng lôi kéo, nụ hôn này không khác nhiều so với các lần hôn khác và chả nghĩ gì khi tuân theo sự xếp sắp của nàng: “Xuôi về Cồn Khương!”, dù biết lúc đó hoàn toàn có khả năng trở về căn cứ.
Cồn Khương lúc bấy giờ chỉ là một doi cát được bồi đắp từ phù sa Hậu giang, sông Cần Thơ và sông Bình Thủy. Có một làng chài của người Khơ Me, còn lại tương đối hoang vu cây cối rậm rạp. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi tạo dựng cho mình một chỗ kín đáo, khá tươm tất. Những ngày ấy chúng tôi như một gia đình. Tôi cảm nhận được tình yêu của nàng, nàng chăm tôi bất chấp nguy hiểm, hơn cả người vợ lo cho chồng. Dần dà tôi hiểu, con người hơn muôn loài khác là có tình yêu. Tình yêu đến với tôi nhanh chóng đến ngỡ ngàng... Trở về căn cứ, tôi bần thần nếu mỗi ngày không thấy nàng nhưng lại cố cầm lòng giả bộ ngó ngơ khi giáp mặt. Tôi “ngấm đòn” vì đã lấy vợ vội vàng...
Mọi việc dường như yên ả với những nhớ nhung, thầm kín cho đến một đêm… Trăng sáng lắm, mọi vật lung linh huyền ảo, tôi mơ cùng nàng dạo trên bến Ninh Kiều, câu hò lan trên sóng nước… Tiếng cào nhè nhẹ trên đầu võng. Hé mắt, thấy nàng vẫy vẫy. Tôi nhẹ nhàng cùng nàng khuất dưới tán lá. Nàng kéo tay tôi đặt nhẹ lên bụng: “Anh thấy con đạp không?”. Tôi hoảng sợ cảm thấy cái nghiến răng và giọng nói rin rít của Chính trị viên, nào còn tâm trạng để nhận thấy một cái chạm mơ hồ của bào thai vài tuần tuổi. Cảm thấy bàn tay hờ hững của tôi nàng buông tay, nói: “Anh không phải lo, nó chỉ là con của em”. Tôi vội vàng ôm nàng, nàng quên giận dỗi, ngả đầu vào ngực tôi nói khẽ: “Em biết cái khó của anh, em chỉ muốn báo cho anh để chia sẻ niềm vui của chúng mình. Em sẽ xin giải ngũ về Cồn Khương sinh con. Chắc trên sẽ đồng ý, em đã có thâm niên 5 năm rừng rú”. Những ngày sau đó tôi như trên mây, nửa muốn công khai chăm sóc nàng, nửa lại sợ hãi lo cho bản thân. Cuối cùng nỗi sợ hãi đã thắng...
Hiệp định Pari được ký kết, tôi đã mơ được cùng nàng chăm sóc cho con nhưng rồi mọi việc không như dự tính. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, đôi lúc còn ác liệt hơn, đồng nghĩa với hy vọng của tôi về một gia đình ngày thêm xa vời. Tôi hoang mang khi nhiều đồng đội nằm xuống. Tôi sợ đến một lúc nào đó sẽ đến lượt mình, không được gần nàng, không được nhìn thấy đứa con của mình và... Tôi bỏ ngũ sau cú tạo giả hoàn hảo. Thằng tôi đã chết, giờ tôi là người Khơ me có vợ là cán bộ đã một thời tham gia quân giải phóng.
- Sau giải phóng anh không trở lại miền Bắc à?- Gã hỏi khi thấy người kể dừng lại khá lâu.
- Nàng giục tôi về ngay từ cuối 1975 kia: “Anh về xem ba mẹ và chị ấy thế nào”. Tôi rất muốn nhưng chần chừ vì chuyện bỏ ngũ liệu có trót lọt như tôi nghĩ: Nhỡ đâu… thì phiền cho tất cả mọi người. Hơn ai hết tôi hiểu cái giá phải trả. Mãi đến năm 1978, sau khi cả nước dùng chung một đồng tiền, nàng thu xếp để tôi có khoản kinh phí tương đối dư dật có thể giúp đỡ được bố mẹ, bù đắp một phần cho bà vợ ở quê. “Anh cứ lo mọi việc cho vẹn toàn, mẹ con em sẽ chờ. Anh không được làm chị ấy tổn thương, dù sao em cũng là người có lỗi”. Đặt chân lên con đường ngày tôi ra đi phải dùng thuyền, trong lòng dâng lên cảm giác thật lạ. Đã bao lần tôi tự bào chữa huyễn hoặc mình: “Cuộc sống ở miền Bắc chắc chắn sẽ tốt hơn vì đã qua nhiều năm xây dựng.” Nhưng tận mắt thấy quang cảnh nhà tranh vách đất, ngoài đồng loe ngoe những bông lúa lép, lòng tôi cuộn lên: “Cuộc sống của bố mẹ thế nào?”. Trong vai khách qua đường, tôi dễ dàng chung bàn ăn với một người đàn ông mà thoáng qua đã nhận ra thằng bạn học cấp hai, đi bộ đội trước tôi vài năm. Nó có vẻ tiều tụy và nát rượu. Mới vài chén, nó ề à:
- Nhà ông Đoành hả. Chết hết rồi, chết mà không nhắm được mắt. Có độc một mụn con lại theo giặc, đang ở bên Mỹ nghe nói giàu lắm. Họ nhà ấy tiệt giống. Cô vợ lo cho ông bà ấy xong cũng bỏ làng ra đi, chả biết ở đâu.
- Trời ơi! Sao lại đến nông nỗi này? Tôi muốn gào lên nhưng kìm lại được. Cái gì sẽ xảy ra khi ai đó nhận ra? Chờ đến đêm, tôi “đột nhập” vào căn nhà của mình. Mái nhà thủng dột, nước mưa xói xuống nền nhà thành vũng, vách đất tả ra từng đám. Trên bàn thờ bát hương xô lệch, vài que hương cháy dở xiêu vẹo. Tôi sụp xuống khóc không thành tiếng: “Có tội lỗi nào lớn hơn thế này không hở trời?!”. Tôi quỳ như thế thật lâu, lâu lắm. Khi vai áo ướt sương đêm, tôi chợt nhớ chưa biết bố mẹ đang “nằm” nơi nào, liền vùng dậy chạy hùng hục ra nghĩa trang, thầm khấn: “Bố mẹ chỉ chỗ cho thằng con bất hiếu này”. Mưa bắt đầu rơi, ngày càng nặng hạt, tôi chạy như vô định, ngã sấp mặt xuống hai mô đất lùm lùm giữa khu ruộng phần trăm của gia đình. Tôi dường như chắc chắn đó là mộ của bố mẹ. Lặn hụp trong đêm tối và bùn đất, hai ngôi mộ đã được đắp cao khi chân trời hé lên ánh hồng hồng. Quỳ vái lần cuối, tôi rời làng mà không biết bao giờ trở lại...
Người đàn ông ngừng lời, nơi khóe mắt rỉ ra một thứ keo dinh dính.
Nhìn dáng ngồi còm cõi trong căn lều tạm bợ, gã vừa giận vừa thương, lẩm bẩm như nói cho riêng mình: “Mấy chục năm bám đất này mà không có một mảnh đất cho riêng mình là sao?”
- Ồ không, tôi từng có rất nhiều đất. Là thằng sinh ra ở nông thôn miền Bắc, đất chật người đông, mảnh ruộng là tài sản lớn nhất của người nông dân nên tôi rất chú ý mở mang khai khẩn. Tôi có gần chục công đất. Ngừng một lúc thật lâu, ánh mắt đã tối dường như càng tối hơn: “Ông có thấy dãy biệt thự liền kề vườn dọc đường ra bến thuyền ngang sang Vĩnh Long không?” Không chờ gã trả lời, người đàn ông tiếp: “Trong đó có đất của tôi đấy.” Trước kia, từ Cần Thơ sang đây phương tiện duy nhất là thuyền, chả ai thèm ngó ngàng đến vùng đất sáng khô chiều lụt này. Cho đến khi cây cầu Cồn Khương bắc qua sông Khai Luông Lớn hoàn thành. Dự án cho khu nhà hàng khách sạn, Resort và biệt thự nhà vườn biệt lập hình thành. Chúng tôi được đền bù theo giá quy định. Tôi trích mua cho thằng con một căn trong cư xá cũ trên Sài Gòn. Còn lại một ít, dự định cất căn nhà mới dưỡng già. Nhưng… Đúng là “Số nghèo làm chẳng nên giàu”. Chưa kịp thực hiện dự định thì vợ tôi lâm bệnh. Số tiền ít ỏi được đền bù không đủ cho vợ tôi ra vô bệnh viện, phải bán nốt mảnh đất, tiền vừa hết cũng là lúc nàng bỏ tôi mà đi. Tôi ra đây dựng tạm căn lều này “trông coi” nàng. Đêm đêm, không hiểu sao đúng vào giờ này, trong lòng tôi cồn lên như có sóng. Sóng lòng tôi hay sóng Cồn Khương? Và tôi hát cho nàng nghe. Mảnh đất này, giờ không ai ngó đến nhưng đến khi tôi nằm xuống cạnh nàng, ai dám chắc nó lại không bị thu hồi. Liệu tôi có lo xa quá không ông???
Gã không thể trả lời và người đàn ông cũng không chờ câu trả lời của gã...
T.N.H