Vũ Thảo Ngọc
LÊN BÌNH LIÊU CHINH PHỤC “SỐNG LƯNG KHỦNG LONG”
(Ghi chép)
Chúng tôi lên Bình Liêu vào ngày mà Bình Liêu đón trận rét đầu tiên, nhiệt độ tại điểm đến chân “sống lưng khủng long” là 8 độ C. Một chuyến đi rất vui vì tất cả nhóm chúng tôi đều vượt qua khoảng hơn 2000 bậc đá, vượt qua mấy đỉnh núi theo con dốc thẳng đứng, để hạnh phúc trào dâng khi chạm vào cột mốc 1305 thiêng liêng của Tổ quốc…
Tự hào mảnh đất biên cương với cảnh đẹp hữu tình
Tôi có nhiều dịp trở đi, trở lại Bình Liêu, đi đến các thôn bản theo các chương trình khảo sát văn hóa, đi thực tế sáng tác, đi làm báo… Nhưng lần đầu tôi biết “chinh phục sống lưng khủng long” theo cách gọi quen thuộc của cư dân “phượt” thời hiện đại
Chúng tôi đi vào ngày mà Bình Liêu đón trận rét đầu tiên, nhiệt độ tại điểm đến chân “sống lưng khủng long” là 8 độ C. Một chuyến đi rất vui vì tất cả nhóm chúng tôi đều vượt qua khoảng hơn 2000 bậc đá, vượt qua mấy đỉnh núi theo con dốc thẳng đứng, để hạnh phúc trào dâng khi chạm vào cột mốc 1305 thiêng liêng của Tổ quốc. Cô nghệ nhân hát Then của Bình Liêu Hà Ngọc đã đồng hành cùng chúng tôi và cô vừa đi vừa động viên để chúng tôi không chùn bước trước dòng người đi trước, dù đã vượt qua mấy đỉnh núi mà vẫn… “quay xe”! Tôi đùa với nữ nghệ nhân hát Then, tại em hát Then hay quá và bọn chị đi theo tiếng Then Tày Bình Liêu réo rắt mà quên mệt để chạm đích đến. Cả đoàn cùng cười vui mừng vì chúng tôi đã không bỏ cuộc. Cô Hà Ngọc bảo, sáng hôm lễ hội hoa sở Bình Liêu 2023 thì các Câu lạc bộ xe đạp, các du khách lên đông lắm, có một giải leo núi “khủng long” nữa chị ạ, nhiều vận động viên chỉ đi mất 40 phút là chạm đích thôi đó chị. Chúng tôi cùng òa lên, trời ơi đi kiểu gì khỏe thế. Chứ chúng tôi thì vừa đi vừa nhìn các đỉnh núi tiếp theo phải vượt qua và mang theo tâm lý…quay xe. Và cô ấy cũng chỉ mất tầm một giờ đồng hồ là đến cột mốc rồi, còn chúng tôi phải mất…2 giờ đồng hồ mới cchamj đích đến! Nhưng rất vui là có bạn Hà Ngọc rất nhiệt tình, vừa đi vừa động viên mọi người và chúng tôi đã cùng nắm tay nhau ở cột mốc 1305 trong tiết trời mùa đông biên cương Bình Liêu dưới làn sương mỏng nhẹ, là mốc giới trên mảnh đất biên cương không dễ…đến này.
Dọc đường lên, tôi cứ tiếc là ý thức du khách lên chơi với núi, với mây ngàn, được ngắm khung cảnh kỳ vĩ, tráng lệ nhường này của quê hương mình mà …rác vứt bừa bãi dọc hai bên đường. Nếu ý thức người dân biết bảo vệ địa điểm du lịch đặc biệt này hơn nữa, thì sẽ tốt biết bao, nếu có nhiều thùng rác, có biển cấm vứt rác thì sẽ hay biết mấy. Và tôi chợt nghĩ, giá có nhiều biển cảnh báo, khuyến cáo du khách không vứt rác trên dọc đường “sống lưng khủng long” thì chắc chắn sẽ góp phần vào việc hạn chế sự vô ý thức trong bảo vệ môi trường cảnh quan ở đây.
Dù còn là điểm hạn chế với các điều kiện phục vụ du lịch lâu dài, thì “sống lưng khủng long” là địa chỉ truy cập luôn “nóng” trên các nền tảng công nghệ số. Du lịch trải nghiệm, chinh phục các vùng đất lạ, độc đáo, hoang sơ… bây giờ rất được đông đảo giới trẻ săn tìm, nhất là các địa chỉ có điểm đặc biệt như ở địa chỉ này. Vì thế tên gọi đi “sống lưng khủng long” được nhiều người quan tâm khi nói đến lên Bình Liêu chơi chỗ nào. Loại hình du lịch tự túc hay gọi là “du lịch bụi, đi phượt”, đang phát triển rầm rộ, và họ - những người tiên phong ấy đã góp phần quảng bá các địa chỉ danh thắng của đất nước nhanh nhất, khi mà các công ty du lịch chưa kịp đến khai thác làm tuar thì dân phượt đã gần như làm tuar trước để họ đưa khách đến. Đó là điều thú vị ở thời đại mới, lớp trẻ tận dụng tiện ích công nghệ để săn tìm những địa chỉ độc, lạ, để thỏa mãn đam mê chinh phục những con đường, những dòng sông, những ngọn núi xa xôi, hẻo lánh mà họ thích. Thời đại của thế kỷ 21 là thời đại công nghệ số và cũng là thời đại của du lịch trải nghiệm lên ngôi. Những người thích khám khá tự lập nhóm đi chứ không thông qua các hãng du lịch. Họ là những người góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam theo cách họ đi. Nhờ cộng đồng du lịch tự phát này mà nhiều người mới biết đến các địa chỉ hấp dẫn trên khắp dải đất hình chữ S và kể cả ở nước ngoài…
Từ chuyến đi nghĩ về du lịch ở địa phương
Với địa hình, địa thế, cảnh quan của Bình Liêu, với sự hấp dẫn của cảnh quan hoang sơ và dẫn dụ khách du lịch về với Bình Liêu rất đông mấy năm nay và du lịch trải nghiệm đang mở ra cho Bình Liêu một ngành dịch vụ mới.
Song, với sự sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp mà chưa có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, khoa học thì cũng sẽ rơi vào sự bùng bát rồi sẽ không phát triển bền vững được. Hiện Bình Liêu còn thiếu nhiều lắm các điều kiện để có thể hình thành một tuar du lịch bền vững để du khách đến rồi vẫn tìm cách trở lại. Khi có đủ các điều kiện cơ bản để đáp ứng được nhu cầu của du khách thì tuar đến Bình Liêu sẽ trở thành các tuar du lịch “bỏ túi” trong mạng lưới du lịch trong nước và nếu đảm bảo các điều kiện khác cho du khách quốc tế khi du khách về với Quảng Ninh, về với vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.
Bình Liêu có khoảng 50km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc, có nhiều sông sâu, núi cao hùng vĩ và có địa thế của vùng sơn thủy tươi đẹp. Bình Liêu còn có đông đảo các dân tộc ít người sinh sống lâu đời ở địa phương, tạo ra một bản sắc văn hóa rất riêng, độc đáo. Các hoạt động văn hóa bản địa còn được bảo tồn khá tốt. Như nghi lễ Then cổ còn lưu giữ, hát giao duyên của người Sán Chỉ vào lễ hội tháng ba, lễ kiêng gió của người Sán Chay vào tháng tư, lễ hội đình Lục Nà vào mùa xuân. Gần chục năm nay, nhờ sự năng động và biết phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương, huyện Bình Liêu có thêm Lễ hội hoa sở và Lễ hội mùa vàng. Lễ hội nào cũng rất đông du khách tìm đến tham quan và hòa mình vào nhịp sống sinh hoạt ở Bình Liêu, tạo nên hiệu ứng lan tỏa tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, tìm hiểu vùng đất con người Bình Liêu. Và dù ở lễ hội mùa vàng, dù ở lễ hội hoa sở hoặc bất cứ lễ hội nào, Bình Liêu vẫn cho mỗi người những cảm xúc riêng về vùng đất này. Dịp này tôi trở lại Bình Liêu đúng ngày Lễ hội hoa sở, cô bạn ở địa phương nói các khách sạn ở thị trấn đã được đặt từ tháng nay rồi, các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ bình dân cũng đã kín phòng. Vào nhà hàng Hà Nga ở ngay trung tâm thị trấn cũng nườm nượp khách của các Câu lạc bộ xe đạp, họ đến từ nhiêu tỉnh thành, cả hai tầng nhà hàng chật kín phòng ăn trong hai ngày khai hội hoa sở. Đường phố Bình Liêu tấp nập người và xe, như thể thị trấn nhỏ hẹp yên bình hàng ngày biến mất, thay vào đó tấp nập dòng người xe và ai cũng nghĩ như ở thành phố đông đúc nào đó…nhưng đó vẫn là Bình Liêu! Thấy mừng cho bà con kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, cho những mặt hàng là sản phẩm của địa phương, là sản phẩm nhu yếu phẩm đến các loại giày dép, quần áo khách đến mua đông hơn… Tuy nhiên vì sản phẩm du lịch vẫn là do người du lịch tạo nên “sóng” như thế, họ đến trong ngày và khiến nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng bị rơi vào thế bị động khi lượng khách tăng vọt. Nhưng khi lễ hội tan thì các nhà hàng, nhà nghỉ lưu trú lại… thừa ra. Vì thế cần có một chiến lược lâu dài để các hộ kinh doanh vừa sinh sống vẫn vừa kinh doanh sản phẩm lưu trú khách ở địa phương ổn định quanh năm.
Một trong những dịch vụ địa phương mà tôi và bạn đồng hành đã sử dụng là xe ôm người địa phương. Tôi hỏi cần đến điểm nào trong hai điểm tôi cần đến thì anh xe ôm cũng trả lời tư vấn cho khách khá kỹ lưỡng, và anh khuyên chúng tôi với thời tiết hiện tại chỉ nên đi cột mốc 1297 cách thị trấn 30km, đường đẹp. Còn đi “sông lưng khủng long” thì không đủ thời gian leo, vì đường xa hơn, vì thời tiết không ủng hộ đau. Họ là một anh người Tày và một anh người Dao. Họ thông thạo đường leo núi, đưa khách đi chinh phục các cột mốc mà khách yêu cầu. Nghe anh người Tày tư vấn thế, chsung tôi nhất trí đi điểm mốc 1297, quãng đường từ thị trấn Bình Liêu lên cột mốc 1297 thuộc địa bàn xã Bắc Xa, huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn chỉ có 30 kilomet, nhưng toàn đường đèo dốc vắng tanh hiểm trở. Họ bảo vẫn chở khách lên thường xuyên và chúng tôi … cũng vô tư leo lên xe phó mặc cho “xe ôm”, chở nhau lên cột mốc 1297 rồi trả lại điểm xuất phát với một mức giá tiền chấp nhận được, đơn giản vậy thôi. Nhưng khi trở về an toàn, tôi mới thở phào, vì…một chặng đường thật sự ám ảnh không có dân cư hai bên đường, điều kiện thời tiết bất thường, đường dốc quanh co, vùng lõm sóng điện thoại, sóng wifi…là một trải nghiệm có thể thú vị với người đi tìm cái mới lạ ở xứ núi... Nhưng với tôi thì là một kỷ niệm nhớ đời vì đang đi thì anh xe ôm chở tôi phải dừng lại giữa đỉnh đèo vì…thủng xăm bánh xe sau. Điện thoại không liên lạc được, nhưng vì biết có đồng đội đi sau nên anh xe ôm chở bạn tôi đi trước đã quay lại và hỗ trợ vá xăm, thật sự là tôi…hú vía. Chúng tôi tới địa chỉ có cột mốc 1297 cũng gặp 4 cô gái đi xe máy lên. Hóa ra họ cũng tự thuê xe máy ở chợ thị trấn Bình Liêu và chạy xe chở nhau lên…Tôi thốt lên, bái phục các em, những cô gái “phượt” có hạng. Nhưng là nỗi niềm của du lịch tự phát. Cảnh đẹp rồi, trải nghiệm như ý rồi, nhưng vẫn cần có những biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với địa bàn, và người dân nên hình thành thói quen là người hướng dẫn du khách thông thái có thể. Nếu được như hai anh xe ôm mà tôi gặp thì đã quý lắm rồi, nhưng nếu tất cả người dân làm dịch vụ đều có được tinh thần đó thì tốt hơn rất nhiều… Và có lẽ tôi còn chưa gặp hết các nhóm “phượt” khác nhau đi các cung đường khác nhau nên chưa thể chủ quan nói họ quá chủ quan quăng tính mang mình vào xe ôm, vào chiếc xe máy cho thuê có an toàn không… Cái giá trả cho tuar du lịch trải nghiệm tự phát, hẳn nhiên sẽ vô cùng đắt khi xảy ra sự cố đáng tiếc nào đó, khi cung đường lên núi đều rất hiểm trở, rất bất an khi gặp thời tiết xấu…Tuy nhiên du lịch tự túc, bụi, phượt … không đi qua công ty du lịch tổ chức vẫn đang nở rộ, vì tính kinh tế của cách lựa chọn này trong cộng đồng du lịch vẫn là có số đông vì họ tự chủ được thời gian, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hơn nếu mua tuar của các công ty du lịch.
Thiết nghĩ với du lịch địa phương có được lợi thế từ hình sông, thế núi, từ bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, khơi dậy và đang phát huy rất tốt như thế, hy vọng Bình Liêu sẽ đón nhiều du khách đến trong tương lai. Sự so sánh nào cũng không hẳn hợp lẽ, khi Bình Liêu vẫn là địa phương thuộc vùng biên giới còn nhiều khó khăn, du lịch chưa hẳn là thế mạnh phát triển, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nhưng nói như những người làm du lịch lâu đời thì mỗi du khách đến chỉ cần bỏ ra một USD thì đã đóng góp cho địa phương thêm một nguồn kinh phí ổn định cho địa phương đó... Mừng cho huyện miền núi biên cương xa xôi đã nhanh nhẹn bắt nhịp kịp với kỷ nguyên công nghệ số và du lịch trải nghiệm phát triển.
12/2023
V.T.N
Người gửi / điện thoại