Lương Ky
GÃ ĐÀN ÔNG RÂU QUAI NÓN
Đại uý Trường đặt từng bước chân trên đoạn đường hẹp kẹt bên những khối đá nhấp nhô. Vết giày của anh gần như trùng vào vết giầy của anh bạn đồng nghiệp là đại uý Ngân- cảnh sát khu vực đang chăm chú bước vì trước mặt lô mô đá tai mèo. Qua lối mòn nhỏ họ ra đến vạt đồi. Đứng đó có thể nhìn thấy xóm Đá với hơn chục nếp nhà. Thấy đấy nhưng đến được cũng gần một giờ. Đại uý Trường liếc nhìn đồng hồ, lẩm bẩm "kịp chán" và anh dừng lại, đưa mắt về phía vạt đá vôi xen lẫn cỏ gianh. Anh vẫn chưa hết bàng hoàng nhận ra cụm đá xám xạm, sắc nhọn...Đại uý Ngân mải đi, vài chục bước ngoái lại không thấy Trường đã quay về chỗ anh đứng. Họ cùng dồn mắt vào một nơi trống vắng.
Nơi trống vắng, rờn rợn kia vô tình gợi lại cho cả hai người câu chuyện buồn xảy ra một năm về trước. Chuyện đau lòng cả xóm Đá, như nhát dao cắt từng khúc ruột vào cái gia đình mà các anh sắp đến và cũng là nỗi canh cánh day dứt trong lòng hai anh. Đại uý Trường làm điều tra viên của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh, còn đại uý Ngân nằm ở địa bàn. Họ đứng lặng bên nhau, trầm ngâm. Dù không ai nói ra, nhưng dám chắc cả hai đang cùng một tâm trạng với hình ảnh bé gái chừng bảy tám tuổi loã thể bị dấu bên hốc đá. Cái xác bầm dập, từng đám nhặng xanh bu quanh, nhung nhúc ròi bọ cùng thứ mùi ngột ngạt khó tả...
Một năm trời trôi qua nhanh. Hôm nay các anh lại cùng về xóm Đá thắp hương cho cháu, đáp lời mời chân tình của mẹ cháu- chị Nhung và gia đình. Họ đến với người nhà nạn nhân mà trong đầu chưa có câu trả lời rõ nét, chưa mang lại hy vọng nhỏ nhoi về kẻ sát nhân.
...Gương mặt thất thần, đôi mắt sưng húp, giọng khản đặc của chị Nhung năm trước ở bên chái nhà ông trưởng thôn cầu Đá vẫn còn như in với đại uý Ngân. Chị Nhung chỉ còn gào đi gào lại " ối giời ơi, là thế nào đây hở trời !" trước mặt anh. Gặng mãi mới nắm được nội dung chị trình bày: "...Sáng ngày, mẹ con cùng ngồi ăn ngô luộc. Em bảo cháu ở nhà, mẹ đi chợ một tý...Con bé hơn bảy tuổi, kể cũng đã biết biết...Em đi dông dài, việc nọ xọ việc kia...Tầm mười giờ em về thì chẳng thấy con bé. Bác hàng xóm bảo hình như con nhỏ đi lững thững ra phía sân kho hợp tác xã cũ, ra chỗ đường thôn...Hình như nhảy lên xe đạp của ông nào...Đến hết chiều, rồi bữa tối, đến tận bây giờ cũng chẳng thấy nó đâu...Các ông, các bà ơi ! Anh công an ơi ! Giúp tìm con em với !...Khổ quá, mấy hôm nay bố nó lại đi vắng...".
Đêm hôm ấy, cả ngày hôm sau xóm làng, công an khu vực dò la, tìm kiếm. Mẩu nhắn tin trên tivi địa phương được lặp lại ba lần nhắn tin, tìm trẻ lạc: "...Cháu Thuý Hồng, 8 tuổi, khi đi mặc quần áo hoa mỏng...Ai thấy cháu ở đâu xin báo tin cho bố mẹ cháu theo địa chỉ...Hoặc đồn công an gần nhất...", kèm theo bức ảnh cô bé ngây thơ, cười phơi hàm răng mới thay trắng đều.
Biệt tăm cả tuần không ai nhận được tin gì, mặc dù gia đình, anh em bạn bè, công an...hết lòng tìm kiếm. Cho tới cuối chiều một ngày hè oi nồng, vô tình đứa trẻ chăn bò phát hiện ra vì tò mò đi về phía vạt đá nặng mùi uế khí...Việc sau đó dĩ nhiên thành chuyện to: Cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra, kỹ thuật hình sự...có mặt. Đại uý Trường và đại uý Ngân cùng đến hiện trường. Các thủ tục cần thiết được tiến hành ngay rồi chôn cháu bé bên ria đồi. Xóm Đá chìm trong nỗi đau. Mấy người vừa dìu, vừa giữ mẹ cháu trên đường về nhà. Qua cây cầu chênh vênh ở đoạn suối Đá, chị Nhung bất ngờ giằng mạnh tay bứt khỏi đám đông, miệng gào thảm thiết "Mẹ sống làm gì nữa con ơi !", và lao xuống rệ suối. Mọi người chưa kịp phản xạ thì nhanh như cắt, bằng một cú nhảy đại uý Trường đã đỡ được tấm thân mềm oặt của người đàn bà nọ, cùng ngã vật xuống ven suối. Anh bị chẹo chân phải nằm ở nhà mất mấy hôm...Cái sinh linh đáng thương ám ảnh anh, làm gần như cả tuần sau không nuốt nổi cơm.
Không tìm ra ngay hung thủ, sự việc bế tắc. Cơ quan công an giao việc cho đại uý Trường tiếp tục là đầu mối số một điều tra vụ này.
Câu chuyện truyền miệng của bàn dân thiên hạ về " đứa trẻ bị hiếp và bóp cổ chết" mà công an tìm mãi chưa ra hung thủ càng làm lòng Trường thêm nặng nề. Và hôm nay, gia đình nạn nhân lấy cái ngày con bé đi khỏi nhà làm giỗ đầu cháu.
Chủ nhà và bà con xóm Đá nhận ra ngay đại uý Ngân, mặc dù anh ăn mặc thường phục, còn đại uý Trường hầu như không ai biết. Chỉ khi anh vào thắp hương cho cháu bé quay ra chị Nhung mới ngờ ngợ, ướm hỏi một câu:
- Có nhẽ đây là bác Trường, anh Ngân nhỉ. Hôm đến mời bác Ngân, em có ý định nhờ bác ấy cùng đến tìm, mời bác. Bác Ngân nhận giúp em...Bác đến, em cảm động quá, quý hoá quá...- Hai hàng nước mắt tuôn ra, chị Nhung nghẹn ngào- Thế là con em thiệt thân, hai anh ơi !...
Đại uý Trường đưa mắt bao quanh khung cảnh đám giỗ. Những gương mặt chân quê lần lượt đi qua. Anh em thân tín của gia chủ mời và sắp xếp mọi người vào mâm. Ai nấy im lặng lắng nghe gia chủ có nhời.
Sự lặng yên dần bị phá vỡ sau vài chén rượu, bắt đầu từ chỗ mấy tay trung niên với câu nói vô tình xoáy vào tai Trường: - Thế là cả công an tỉnh lao vào mà cũng chẳng tìm thấy thằng khốn nạn ấy con bé. Tức chết đi được...
Chuyện cứ lan ra, có cả giọng ai đó xem ra tiêu cực lắm...
Thêm một người khách sách túi hoa quả, thẻ hương đi vào. Anh chàng đến muộn có vẻ lập bập, vội vàng làm thủ tục và chủ nhà mời đến bàn uống nước để sắp chỗ sau. Ngang qua mâm đám trung niên có ai đó ngoái ra, nói luôn:
- Ô ! Hải xồm, sau đến muộn thế ?
- Ơ, chào các ông ! Đường vào nhà này các ông lạ gì. Đi xe máy, xe đạp thì vòng xa, đi tắt lèn đá thì phải cuốc bộ...
Trường và Ngân cùng ngoái về phía họ. Trường không biết người này, nhưng đồng nghiệp của anh thì biết sơ sơ, nói nhỏ vào tai anh: - Đấy là tay Hải, làm đủ nghề: lúc đi xây, lúc đánh đá, làm mộc linh tinh...Hôm nay trông có vẻ bảnh, mặt nhẵn nhụi chứ mọi ngày râu quai nón lởm chởm, thế mới thêm cái đệm xồm. Chắc cũng là chỗ quen biết nhà này, lúc đầu tôi chưa nhận ra...
Anh chàng nhìn qua lại một lượt, mồm miệng tỏ vẻ tự nhiên. Bất ngờ trong đầu Trường lơ mơ gương mặt phong sương, râu ria lởm chởm của anh ta đã gặp hồi năm ngoái, vào cái hôm khám nghiệm hiện trường, vô tình giữa đám dân nhốn nháo hiếu kỳ đến bên đồi có án mạng. Trường thấy anh ta ở xa xa phía ngoài, trên đường về xóm Đá.
Hải xồm được đám đàn ông kia kéo luôn vào mâm " thêm bát thêm đũa ". Anh chàng không phản ứng mà chấp nhận ngay như thể tự nhận lỗi đến muộn của mình ngồi đâu cũng được. Trường bắt gặp Hải xồm đưa mắt sang chỗ đại uý Ngân mấy lần và có lẽ cũng len lén nhìn trộm chị Nhung...
Bữa giỗ đến hồi kết, Trường và Ngân đến chào chủ nhà ra về. Nhìn khuôn mặt chị Nhung vẫn còn nét nhợt nhạt, họ cảm thấy trong lòng trống trải, xót xa của người mắc nợ...Chủ nhà lí nhí, gượng gạo:
- Cảm ơn các anh đã đến với gia đình em...Khi nào có tin gì cho em biết với !
...Được giao nhiệm vụ đảm nhận hoặc tham gia vào nhiều vụ án cùng một lúc, công việc cuốn hút đại uý Trường. Những cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ, phân loại kỹ từng vụ việc đã giúp anh cập nhật thông tin, làm dữ liệu báo cáo cứ dày lên...Cuốn sổ ghi chép các vụ trọng án được đánh dấu kí hiệu riêng, Trường chấm bút đỏ vào hàng chữ " Vụ cháu Hồng, xóm Đá ". Diễn biến vụ này tuy không tiến triển gì nhưng hàng tuần họp giao ban vẫn phải báo cáo. Tuần này cũng vậy, không có thêm dòng đặc sắc nào trên trang sổ tay. Đại uý Trường quay trở lại địa bàn thêm một lần nữa và gặp lại đại uý Ngân. Nơi làm việc của công an khu vực ở một gian đầu chái nhà Uỷ ban xã. Hai người trao đổi chi tiết:
- Tôi thấy như thế này. Đại uý Ngân trình bày- Xóm Đá có mười tám hộ, tám chục khẩu, số đàn ông từ mười sáu tuổi đến sáu chục có ba hai, tiền án tiền sự có ba nhưng chỉ là trộm cắp vặt...à, có một là vụ cưỡng dâm không thành, nhưng đối tượng là kẻ do không lấy được người ta làm vợ nên thằng cha ấy rình cô gái kia tắm tiên ở suối Đá, giở trò...Con bé cũng đáo để, đã kịp cầm đá đập vào đầu thằng đó mấy cái. Chẳng ăn nhằn gì, thằng ấy bị xử án treo mười tám tháng. Chuyện cũ rồi, đã dăm năm trước...
- Theo chị Nhung, con gái rời nhà chừng tám, chín giờ sáng- Trường nói- Đi về phía sân kho cũ, rồi ra đường thôn. Vậy là em bé đã gặp người nào đó cho đi cùng xe đạp như ông hàng xóm nhớ lờ mờ thế...?
Hai anh lộn lại khu vực xóm Đá, có điều họ kiếm mỗi người cái xe đạp, vận đồ dân sự. Bắt đầu từ lối xóm chỗ rẽ vào nhà chị Nhung, ra sân kho rồi túc tắc đạp theo chiều ngược lại. Đoạn đường về cuối địa phận xóm Đá chừng cây số, hai bên đầy lau lách, vắng teo...Giáp địa phận xóm khác có cái chợ xép, quán xá lèo tèo. Duy có quán lòng lợn tiết canh của lão Mận là xôm hơn cả. Tám chín giờ sáng vẫn còn khách. Cái công thức đĩa lòng tổng hợp, bát tiết canh, rượu và bát cháo lòng có lẽ thành món khoái khẩu của nhiều người mấy xóm quanh đó và khách vãng lai...Kể cũng không tốn là mấy, hợp túi bình dân...Có một mâm mấy người ngồi trên phản, đang còn lè phè...Hai anh cũng sà vào quán, kiếm chỗ và gọi theo cái công thức nọ. Họ ngồi nhâm nhi một lát thì cánh kia lẹo xẹo đi ra. Đại uý Trường nhận ra ngay mặt Hải xồm trong đám người. Hôm nay hắn khác hôm ở đám giỗ: râu quai nón rậm xì, đúng với cái tên Hải xồm. Hải xồm chẳng để ý đến ai, nhảy tót lên cái xe đạp cà tàng đằng sau buộc búa, choòng...Xe hắn lượn lẹo trên con đường gập ghềnh...Chủ quán nhìn theo, buông một câu vô cảm: - Cha cái thằng xồm ấy, khoẻ như con trâu. Xấp nào mà đi làm đá qua đây cũng khề khà nửa lít rồi trưa nấu ăn tại mỏ, làm quần quật đến chiều tối...Con vợ quắt xà lai, đít móp lại, chửa đẻ, nạo, xẩy...như gà...
Trường và Ngân ra khỏi quán sau bọn Hải xồm một lúc. Họ quay lại đường cũ, phía trước là cái nhà kho mốc meo. Con đường nối tiếp từ xóm Đá gặp đường liên thôn thành cái ngã ba. Xa xa trên một quả đồi có ngôi nhà của ông hàng xóm chị Nhung- nhà cái ông nói " hình như..." ấy. Phải thôi, khoảng cách đó ai mà dám khẳng định cái gì. Hai anh tiếp tục đạp lọc cọc chừng mười lăm phút thì dừng lại, nhìn qua bên đồi nơi có ngôi nhà tuyềnh toàng cách đường khoảng dăm chục mét. Đây không còn thuộc đất xóm Đá mà đã là xóm ngoài. Đại uý Ngân rành rọt:
- Đây là nhà vợ chồng anh Hoạt, xóm Suối Lớn. Đấy, anh thấy không, suối nhỏ từ xóm Đá chảy ra tới chỗ kia nhập vào suối lớn hơn, chảy qua đây. Vợ chồng nhà ấy đi làm suốt ngày, con cái đi học, tầm này chỉ có mình bà cụ nhà anh ấy...
Họ rẽ vào ngôi nhà. Mấy con chó sủa nhặng xị làm bà cụ từ đâu đó sau nhà đi ra. Các anh thấy ở đầu nhà, dưới tán cây Doi um tùm có mấy cái xe đạp tấp kề nhau dựa vào gốc cây. Cái ngoài cùng hình như của Hải xồm vì nó làm Trường nhớ đến cái xe có nước sơn cũ dỉn, xỉn xanh, không có chắn bùn trước, không chắn xích...mà hắn nhảy lên lúc ở quán lòng lợn.
Đại uý Ngân lên tiếng chào bà cụ, như vô tình, anh hỏi:
- Nhà có khách nào mà đông xe thế cụ ơi ?
- Chào hai bác ! Hai bác vào xơi nước! Vợ chồng em nó đi làm cả. Có khách nào đâu, đám xe của cánh làm đá bỏ đấy cả ngày, chiều tối về lấy. Cánh bác Hải xồm ngoài kia ấy mà...
Từ hiên nhà bà cụ, Trường phóng tầm mắt ngược con suối nhỏ. Con đường lên bãi đá ngoằn ngoèo, có một lỗi rẽ trái. Đại uý Ngân bổ sung:
- Lối trẽ vòng vèo kia là lối tắt ra chỗ đồi hôm nọ mình đi vào xóm Đá từ bên kia trái núi đó, anh Trường.
- Ừ nhỉ !
Họ chuyện trò với bà cụ mấy câu rồi đi. Cuốn sổ tay của Trường chỉ bổ sung thêm vài chi tiết lặt vặt, chẳng sáng sủa gì thêm. Nhưng khuôn mặt méo mó, tái dại đầy nước mắt và những lời đau sót tuôn ra từ cái miệng mếu máo của chị Nhung cứ như lơ lửng trước mặt anh, trên trang giấy.
* * *
Phòng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra...thêm một buổi làm việc rộn rập: Họ phải cử người đến ngay bệnh viện khu vực, nơi có tin báo nạn nhân vừa đưa đến là một cháu gái mươi tuổi quần áo tả tơi, bị cưỡng hiếp, bò lết từ một triền đồi hoang xuống đường xã; ai đó vô tình thấy đã tri hô, kiếm xe ôm chở đi cấp cứu...
Điều tra viên Nguyễn Trường được giao vụ này.
Khuôn mặt thơ ngây, ngơ ngác hoảng loạn của cô bé đập vào mắt Trường qua cửa kính. Các bác sỹ đã ngăn mọi cuộc tiếp xúc với cháu. Người ta chăm sóc cháu tận tình: một cô y tá trẻ đẹp, dịu dàng được cử đến bên cháu, nhưng chưa cho phép hỏi điều gì. Người ta làm thủ tục khám nghiệm và tập tài liệu lấy được gửi đến cho Trường: "...Cổ bị bầm tím, hằn rõ mấy ngón tay. Phía sau đầu chầy sát như bị đập lên, đập xuống nhiều lần...". Điều khổ tâm nhất khiến đại uý Trường phải bậm chặt môi để không bật ra câu chửi thề là cô bé bị tổn thương, vĩnh viễn mất đi trinh trắng. Bác sỹ phải làm các thủ thuật để cháu bớt đau đớn, hi vọng mọi thứ qua đi. Người ta đón mẹ con bé đến phụ cùng chăm sóc. Nhưng người đàn bà nọ với cái lý lịch lăng loàn bất hảo, chung chạ đủ loại đàn ông mà Trường thu thập được ngồi trơ ra đó càng chứng minh rõ về thị: Mười lăm tuổi bỏ học đi bụi; mười sáu tuổi nạo thai lần đầu; chạy chợ, buôn bán vặt; Lấy anh chàng thợ xây tự do, có con bé này; hai ba tuổi bỏ chồng; hai bẩy tái giá, đúng hơn là khác về ở với nhau cùng anh chàng thợ mộc không hẳn thạo nghề, có cưa có đục...ai thuê gì làm đó cũng đã bỏ vợ; họ thêm một đứa con chung...
Ngày thứ ba, bệnh viện đồng ý cho Trường gặp nạn nhân. Cô bé vẫn ở riêng một phòng tránh tiếp xúc và tránh luôn bao con mắt tò mò. Trường mang cho cháu con búp bê xinh xinh, gói kẹo bánh đón tay. Con bé tròn mắt nhìn. Nó chưa biết người này mà chỉ nghe cô y tá giới thiệu có chú Trường đến chơi, không nói gì về chú. Chỉ còn hai người trò chuyện, Trường vuốt nhẹ tóc con bé, vuốt qua phía sau đầu, khẽ hỏi:
- Đầu cháu còn đau không ? Cổ đã quay tốt chưa ? Khi nuốt, họng còn đau không ?
-...
- Cháu có nhớ hôm đó ai đi cùng không ? Ai nào ? Người lớn hay thanh niên ?
- Chú hỏi làm gì, chú là công an à ? Con bé chỉ nhìn con búp bê chằm chặp, nhưng không dám cầm.
- Con búp bê này giá tóc đen thì đẹp hơn nữa đấy. Cháu thích tóc nó đen hay vàng ? Nhà cháu có mấy con búp bê ?
- Chẳng có...con nào, làm gì có ! Con bé buồn thiu, mắt nhìn xuống đất, giọng nhát gừng- Chả ai mua cho bao giờ...
- Chú mang đến để cháu chơi cho vui đấy.
- Thằng em cháu nó sẽ dành ngay. Mẹ cháu cũng bắt phải nhường cho nó...
- Cháu có nhớ mặt cái người đã gặp và làm hại cháu không ?
- Nhớ chứ ! Con bé mủi lòng, mắt dớm lệ- Khéo bác ấy có gặp bố mẹ cháu cũng nên. Bác ấy biết tên mẹ cháu...
- Cháu ăn bánh kẹo nhé ! Sao bác ấy lại hư như thế, cháu nhỉ ?
- ...Cháu đang đi trên đường, định về bà ngoại. Có người đạp xe lạch cạch đằng sau. Qua cháu một đoạn bác ấy quay lại. Cháu cũng không để ý, đến khi bác ấy bảo: " Con mẹ Lưu đi đâu đấy ? Lên xe tao đèo ". Cháu nói về bà ngoại, bác ấy bảo: " Tao biết nhà, cứ ngồi lên ". Bác ấy xuống xe, nhấc cháu đặt lên gác ba ga. Cái xe đi lẹo xẹo, ngoằn ngoèo y như bố dượng cháu say rượu đèo cháu hôm tết. Cái xe thì cũ dỉn, chẳng có cả chắn bùn đằng trước...
- Thế bác ấy nói những gì ? Áo quần ra sao ?
- Quần áo cũ, hôi lắm, toàn mùi rượu. Bác ấy chẳng nói gì. Cháu hỏi:- Bác biết mẹ cháu à ? Bác đi đâu về đấy ? Chẳng thấy trả lời, cứ thở hồng hộc. Qua lối rẽ vào nhà bà ngoại chẳng thấy bác ấy dừng xe, cháu nói to: - Đi lối này cơ mà! Hay cho cháu xuống, cháu khác đi ! Lúc ấy mới thấy bác ấy " ờ ờ, đi với tao ra ngoài kia xem có kem, có kẹo...". Thế là cháu ngồi tiếp. Cháu dại, chú nhỉ, biết thế cháu cứ nhảy xuống.
- Con búp bê này cháu đặt ngửa thì mắt nó tự nhắm, đặt sấp nó biết khóc oe oe...Cháu uống nước đi !
- Ừ nhỉ !- Con nhỏ bẽn lẽn cầm con búp bê lật úp, lật ngửa. Nó nhếch mép cười, nhưng mắt vẫn u ám, vẩn đục.
- Cháu kể tiếp đi nào !
- A, thế chú là công an à ? Cháu sợ công an lắm. Nhà cháu ai cũng sợ công an, công an áo vàng cơ. Bố dượng cháu hay bị công an tìm...
- Cháu kể tiếp cho chú nghe nào. Mình có làm gì xấu đâu mà sợ công an. Cháu nói đi để chú tìm cái người láo lếu hại cháu ấy cho các chú công an áo vàng bắt, hỏi tội nó.
- Bắn chết nó đi chú nhỉ !...Thế là cháu ngồi tiếp trên xe đi vòng vèo theo đường nào đó cháu không biết, đến ria đồi bác ấy bảo: " Nghỉ cái đã ". Hạ xe, bác ấy nhấc bỏ vào bụi cây gần, quay lại người không. Mặt bác ấy nhiều râu, đỏ lựng, hằm hằm như sắp đánh cháu. Cháu sợ quá, lùi xa ra. Bác ấy tiến lại, bế thốc cháu, bịt miệng cháu rồi chạy ngược lên đồi...Cháu chẳng biết gì nữa, đến khi lơ mơ tỉnh lại thấy mình nằm trơ trọi nơi hoang vắng. Kiến bò, đốt quanh người. Cháu quá sợ, kéo quần áo...bò xuôi xuống chân đồi. Cháu nằm vật bên lề đường, đến lúc có người bế lên xe máy...
- Cháu có nhớ rõ mặt người ấy không ?
- Không. Trông bác ấy dữ lắm, nhiều râu lắm...Như quỷ ấy, không dám nhìn.
- Người có to khẻo không ?
- To hơn chú, khoẻ hơn chú.
- A...Cháu ăn bánh đi ! Cháu giỏi lắm. Cố gắng ăn uống, nghỉ thêm vài hôm cho lại sức. Giờ thì chú phải đi về rồi.
Trên đường đi tìm gặp mẹ con bé, đầu óc Trường rất mung lung. Ba ngày qua cảnh sát đã lùng sục, dò hỏi khắp khu vực xảy ra vụ việc xem nhân dân có cung cấp được thông tin nào không. Toàn những tin tức méo mó, trái ngược nhau, thêu dệt nhiều tình tiết...Nhưng có điều rất nhiều người liên tưởng tới vụ ở xóm Đá. Có người còn bô bô chê bai, trách cứ công an. Thông tin từ con bé cũng chỉ có thể tóm gọn: Người đàn ông nọ to cao, râu rậm bao cả cằm, có biết mẹ nó và đi cái xe đạp cà tàng...Hắn là ai ? Vẫn còn mờ tịt.
Mẹ con bé- người đàn bà lạnh lùng, vô cảm làm cho Trường khó chịu, ức chế, muốn quát lên một câu nếu chị ta là người bị khai thác. Trường cố ý gợi cho chị ta tình cảm mẹ con, nhưng ở người đàn bà này không có bao nhiêu. Có lẽ con bé chui ra khỏi bụng mẹ nó cũng là sự bất đắc dĩ nên chị ta mới quản lí chăm sóc nó chểnh mảng đến vậy. Chị ta không nhớ được rõ ràng về cái ngày hôm đó con làm gì, ở đâu...khác hẳn chị Nhung. Đại uý Trường đành xoay sang hỏi thêm một số quan hệ xã hội khác:
- Chị có nhớ ai trong số người quen với anh chị có râu quai nón không ?
- Nhớ thế quái nào được !
- Kể ra người có râu quai nón vùng ta không nhiều.
- Biết thế, nhưng cũng đầy ra đó: Lão Lạc bến đò, ông Bình bến xe, lão Tạo...Ai cũng gọi thêm chữ xồm: Lạc xồm, Bình xồm...à, còn Hải xồm thợ đá...
- Chị có nghi ngờ hay có ý gì về người nào đó gây họa cho cháu không ?
- Ôi dào ơi, công an còn chả tìm ra, anh biết nghi cho ai được. Chuyện tầy đình chứ có là trò đùa đâu. Mình không may dính phải đành thiệt !
- Cảm ơn chị ! Nếu có tin tức gì chị cứ gọi vào hai số máy này, hoặc tìm đến công an.
Trao đổi với đại uý Ngân và một vài anh em cảnh sát địa bàn các xã lân cận, Trường đề nghị họ cung cấp thêm về những người có râu quai nón ở khu vực. Anh nhận được những câu trả lời rời rạc, lẻ tẻ. Hoá ra vấn đề cụ thể này công an cũng đại khái chung chung, thiếu chính xác. Mới hay công tác nắm đặc điểm dân cư của công an khu vực còn có điều bất cập, nông cạn...Nhưng họ thống nhất khoanh đối tượng là người có râu quai nón, không còn trẻ, hay rượu.
Các trinh sát vào cuộc. Họ bất đắc dĩ phải xem mặt những người có râu quai nón. Gần năm chục vị tầm tuổi hai mươi đến sáu mươi vào "tầm ngắm". Công nhân, cán bộ, nông dân, dân tự do...đủ cả. Cái tên có đuôi xồm có đến hai phần ba. Tiếc rằng qua xác minh, những người trên đều đưa ra các bằng chứng ngoại phạm.
Hải xồm cũng bị đại uý Ngân " ngắm nghía". Mặt hắn tỉnh khô. Đúng hơn là mặt hắn lúc nào cũng vậy, rượu vào lì lì...Theo như tin tức thông thường thì hôm ấy Hải xồm vẫn giữ cái "quy trình" cũ: Sáng tiết canh lòng lợn ở quán lão Mận, vứt xe đạp ở nhà anh Hoạt đi làm đá, tối mịt về...Râu thì hôm xồm nhiều, hôm bớt hơn, có hôm cạo nhẵn để đi chơi...Mặt khác hiện trường nơi xẩy ra vụ án cách chỗ Hải xồm làm đá cả chục cây số...
Những gì thu thập được ở hiện trường cả hai vụ án đều mờ nhạt. Đại uý Trường một lần nữa phải ấp úng trước mặt thủ truởng cơ quan điều tra và lãnh đạo ngành. Viên Trung tá phó giám đốc công an tỉnh phụ trách mảng cảnh sát giận sôi me, quát nhặng xị, đưa ra một loạt tình huống giả định cho cấp dưới...Nhưng cuối cùng ông ta cũng đành đấu dịu. Đành phải có thời gian, nôn nóng quá cũng chẳng ích gì...
Cô bé nọ qua cơn ác mộng, mấy tháng nghỉ hè bị dằn vặt nay lại chuẩn bị vào năm học mới. Mồm miệng thiên hạ ồn ã một hồi rồi cũng lắng đi. Chỉ có những người đánh án lòng vẫn canh cánh. Đại uý Trường có cảm giác như người bị gẫy xương, tuy đã can nhưng trở giời nó lại ê ẩm, đau buốt...Sắp đến kì thăng cấp, hàm thiếu ta trong tầm tay, kể cả mấy vụ đó chưa giải quyết được thì các việc khác đối với anh vẫn suôn sẻ, vẫn khẳng định được mình. Tiếc rằng cứ mỗi lần giao ban lại lặp lại cái điệp khúc " cần tiếp tục, cố gắng...".
* * *
Một chuyện tào lao ở bàn bên cạnh, trong nhà hàng Hương quê với món cơm rang thập cẩm khá ngon miệng vào buổi tối thứ bảy khi mấy anh em cùng phòng với Trường đi ăn bữa cơm vui vẻ cuối tuần, không phải tất cả để ý, nhưng anh thì căng tai ra nghe: "...Tối hôm rồi ở xóm tao có con bé mới lớp bảy- Một thanh niên trong đám nhậu đưa chuyện làm quà- Nó đi đến nhà thầy cô giáo hỏi bài hay học thêm học nếm gì đó. Con bé đi một mình vì nhà nó ở đơn lẻ cuối xóm. Tý nữa thì bị thằng bỏ mẹ nào hiếp...May, con bé mười ba tuổi nhưng khá, nó chống trả quyết liệt, gào thét làm thằng đó phải bỏ, phóng xe đạp chuồn mất. Bọn tao nghe tiếng kêu vội tới thì thằng ấy đã cao chạy xa bay. Tức ghê, hôm ấy mà túm được vặt cho không còn cái răng nào. Tiên sư bố nó, sao có loại người đổ đốn đến thế !".
Đám thanh niên vừa ăn vừa lan man nữa, nào là chuyện đó chẳng báo công an làm gì, báo chưa chắc giải quyết được vấn đề, còn rách việc...Bằng cử chỉ " giao lưu rượu " cùng anh em mâm hàng xóm, Trường đã nắm được tên, địa chỉ của chàng thanh niên kia.
Đại uý Trường lặng lẽ tìm gặp đại uý Ngân vì câu chuyện nghe lỏm tối nọ xảy ra trên địa bàn của anh ấy. Đúng là đại uý Ngân đã không hay biết có chuyện đó, tuy thế câu chuyện đã lại cuốn hút ngay cả hai anh làm họ thêm xích gần nhau hơn.
Xác minh thông tin từ chàng thanh niên nọ là có thật, đại uý Trường đã khéo bố trí buổi " tình cờ gặp lại " anh ta bên quầy bia Viger. Kích động vào máu yêng hùng của thanh niên xóm, Trường đã nghe được nhiều tình tiết đáng chú ý qua lời kể: "...Lúc ấy chúng em định truy tìm, nếu thấy tẩn cho một trận đã đành, còn bắt nó chui qua háng con nhỏ...cho nó nhớ đời chứ cũng không nghĩ tới việc đi báo công an đâu. Chẳng tìm thấy, đến cuối xóm chỉ gặp lão Hải xồm rẽ vào nhà tay thợ đá khác...Con nhỏ kia cũng đáo để, nó nắm được râu tóc, cào cấu mặt thằng đó. Nó đành nhả con mồi...". Khéo "dân vận", đại uý Ngân cũng đã tiếp cận được cả hai mẹ con cháu bé, nghe nói thêm: "...Cháu đang đi tự dưng có người nào đi sau một đoạn bỏ xe đạp vào bên đường đi nhanh theo. Cháu không để ý đã bị người đó ôm ngang lưng, định bế đi. Cháu la hét, bị hắn bịt miệng, cháu túm lấy tóc, lấy râu hắn giật thật mạnh, cào cấu...Khéo cháu vặt được cả túm tóc lẫn râu hắn. Mà hình như hắn say rượu...Xin chú đừng nói gì, không có các bạn cháu bêu cháu..."
Không thành vụ án, nhưng câu chuyện đã buộc hai chiến sỹ cảnh sát phải mời cháu bé cùng đến nơi cháu bị kẻ lạ mặt quấy rối. Rất may, họ thu lượm được một nhúm râu tóc lẫn lộn bên vệ đường.
...Một cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ giữ hai người mua chó do đại uý Trường và một đồng sự sắm vai ở quán lòng lợn tiết canh có mặt Hải xồm cùng mấy người thợ trước khi họ lên lèn đá. Gã đi mua chó "quá chén " đi ngang qua chỗ Hải xồm " sơ ý" vồ tay qua Hải xồm túm râu tóc hắn, hình như vào ngay chỗ râu tóc cũng đã bị vặt khi nào, nơi vẫn còn loáng thoáng vết xước ở má như bị cào...Bị bất ngờ và đau điếng, Hải xồm nổi máu đứng dậy nắm áo tay kia dẩy ngã lăn vào đám chai rượu bia, mâm bát...Tay thợ chó loạng choạng đứng lên, miệng méo mó câu xin lỗi, nhưng cũng chửi lại Hải xồm. Hai bên định xông lại đánh nhau thì chủ quán kêu giời lên, can. Mấy người xung quanh cùng đứng dậy đến giằng mỗi người về mỗi phía. Chủ quán xuýt xoa cái khoản thiệt hại, đòi khách phải bồi thường. Hai tay kia mặt mày tía đỏ, cãi lộn thêm, đổ trách nhiệm cho nhau...
Đại uý Ngân quân phục chỉnh tề "tự dưng" từ đâu đó xuất hiện, dựa xe đạp ngoài quán, rẽ vào. Thấy vậy, anh vội lớn tiếng can thiệp, ngăn cả hai người. Xem chừng hai tay nọ chưa thể ngã ngũ tranh chấp việc đền bồi, tiếp tục gầm gừ nhau, đại uý Ngân phải ra tay "hoạnh":
- Mấy anh mua chó kia từ đâu đến ? Mà cái anh Hải này, chuyện va chạm có tý làm sao không dàn xếp được với chủ quán ?
Hai bên gây gổ lại một lần nữa to tiếng, dùn đẩy nhau. Chủ quán ở giữa chẳng còn biết xử lý ra sao đành níu đại uý Ngân giúp. Đại uý Ngân cao giọng gắt:
- Các ông không tự giải quyết được với nhau, vì tôi đang vội đi có việc, tôi yêu cầu các ông đúng hai giờ chiều nay về chỗ tôi làm việc. Các ông rõ chưa ? Cả chủ quán nữa. Bây giờ thì các ông giải tán đi cho, chả có lại rách chuyện.
Chủ quán vội ghi nhanh mấy cái thiệt hại, nói to cho cả hai bên. Hai tốp người dãn về hai ngả chẳng ai chào ai...
Ngay trưa hôm đó phòng kỹ thuật hình sự cho kết quả giám định so sánh túm râu tóc tại hiện trường với túm râu tóc Hải xồm do anh " mua chó" mang về: Cả hai thứ là của một người.
Cuộc gặp của đại uý Ngân với mấy tay gây chuyện ở quán lòng lợn tiết canh theo hẹn diễn ra khá din. Có điều chỉ còn một tay mua chó, nhưng thêm một viên đại uý công an ăn vận chỉnh tề, mặt nghiêm nghị khiến Hải xồm rợn người đôi chút và thấy ngờ ngợ gương mặt hao hao giống cái tay mua chó khác. Hải xồm liếc nhanh phù hiệu" Đại uý Nguyễn Trường " trên ngực áo, nghĩ mình nhầm.
Đại uý Ngân đưa cho mỗi đối tượng một tờ giấy yêu cầu họ viết tường trình. Làm như vô tình, đại uý Trường nhìn vào mắt Hải xồm hỏi độp:
- Ô, mà sao má, cằm anh Hải như bị chầy xước, râu tóc bị vặt linh tinh ?
Một thoáng lúng túng, Hải xồm sửng cồ:
- Sao à, tại cái thằng lái chó sáng nay đấy !
- Đâu có, vết tím như mèo cào kia có vẻ cũ rồi, có đến gần tuần rồi chứ .
Hải xồm tròn mắt, mặt đôi chút biến sắc. Đại uý Trường dập luôn:
- Tối thứ sáu tuần trước, cách đây năm hôm anh đi đâu và làm gì anh có nhớ không ?
- Tôi...tôi đi làm về muộn một chút...Hải xồm ú ớ một tý rồi mặt lì lại, tỉnh khô- Mà sao ? Làm gì anh hỏi tôi linh tinh như thế ?Tôi đến đây là để gặp anh Ngân về cái vụ sáng hôm nay do mấy thằng mua chó gây nên...
- Anh Hải ! Đại uý Ngân chặn họng hắn- Việc sáng nay là một chuyện. Nhưng việc đại uý Trường đây nhân gặp hỏi thêm, giờ tôi hỏi lại:
- Anh gặp ai và đã làm gì trên đoạn đường vắng xóm...tối hôm đấy ?
- Tôi không hiểu, các anh hỏi vớ vẩn gì thế ? Hải xồm phản ứng.
- Tóc và râu anh bị ai vặt, mặt bị ai cào anh có nhớ không ? Đại uý Trường đá thêm- Để tôi cho anh xem ! Anh rút từ cái cặp ra hai túi ni lon nhỏ có râu tóc- Hai túi râu tóc này, một chúng tôi lượm dược tại hiện trường nơi anh đi qua tuần trước và túi kia do tên mua chó sáng nay vặt của anh. Rất tiếc hai thứ ở hai túi đều của một người- của anh ! Bây giờ thì anh nói mau, nói rõ ràng cho- Mắt đại uý Trường như có lửa, nhìn chằm chặp vào khuôn mặt lì lợm của Hải xồm bắt đầu tái đi. " Bộp "- Một cái đấm mạnh ráng xuống mặt bàn của đại uý Ngân làm bộ khay chén, ấm chè văng rơi tứ tung xuống đất.
- Tôi...tôi không biết các ông muốn gì ! Hải xồm vội nói.
Đại uý Trường đứng dậy ra cửa, vẫy tay về phía chái nhà. Một phụ nữ đã đợi sẵn ở đó dắt con bé chừng mười ba tuổi đi tới.
Hải xồm ngoảnh ra, trông thấy run bắn người.
Lệnh tạm giữ Hải xồm được phát ra ngay sau đó. Anh chàng mua chó kia vội kéo chủ quán lòng lợn tiết canh ra " tự nhận trách nhiệm" bồi thường mấy thứ đổ vỡ sáng nay, nói nhỏ: - Thôi, anh ạ, anh thông cảm, ta thoả thuận với nhau mà rút, chẳng dây vào họ làm gì !.
Đại uý Ngân cũng " thống nhất" cách "đặt vấn đề" đó, nhanh chóng bảo họ về mà tự xử.
Hồ sơ về vụ "có ý định cưỡng dâm không thành" của Hải xồm được hoàn tất trong hạn được phép tạm giữ của công an khu vực. Hải xồm "tự giác" nhận hết với lí do " qúa chén em có xằng bậy một tý, nhưng nhận ra cháu còn bé, em thôi ngay. Chưa sơ múi gì, em xin các anh tha, em xin bồi dưỡng cho cháu bé và...các anh ".
Đêm đó nằm đập muỗi một mình, Hải xồm vắt tay lên trán suy tính. Hắn cho rằng "sự việc người ta mới chỉ biết có vậy thì cũng chẳng đi đến đâu...". Vợ Hải xồm hay tin chồng bị công an tạm giữ ở xã lên bù lu bù loa thanh minh cho Hải xồm, rằng "anh Hải nhà em phải cái tật nghiện rượu, nhưng chịu khó làm ăn và rất...hiền".
Đối với điều tra viên Nguyễn Trường thì vụ việc vừa qua mới chỉ như nắm được ngón tay út ở bàn tay tên tội phạm. Làm cách nào để nắm được cả bàn tay hắn, lần ra cả cánh tay...? Việc bậy bạ của Hải xồm thì rõ rồi. Tang vật râu tóc cũng đã phát huy hết tác dụng...Linh cảm đâu đó mách bảo, đại uý Trường tập trung suy nghĩ đến cái xe đạp cà tàng và chính gương mặt xồm xồm của hắn. Có điều sang ngày hôm sau mặt Hải xồm không còn đỏ như gà chọi nữa, nó xạm lại vì thiếu rượu và phờ phạc hẳn. Duy có bộ râu xù ra thêm. Hải xồm bị giữ lại, đưa về công an tỉnh để tiếp tục làm rõ.
Đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đại uý Trường mạnh dạn trình bày cái mình "tưởng tượng và hình dung ra" về Hải xồm với các sự kiện cũ. Một đồng chí lãnh đạo trợn mắt, nói thẳng ra: "Cái việc vừa rồi đâu là vụ lớn, là may mà các cậu vớ được nó. Có cái gì liên quan đến mấy vụ cậu đang "ôm" trước đâu ?"
Đại uý Trường đành lẳng lặng ngồi im, chấp nhận cái chân lý "trọng cứ hơn trọng cung" trong nghề nghiệp của mình. Anh chỉ đề nghị lãnh đạo cho phép khai thác thêm ở Hải xồm một số điều. Nếu không tìm được gì hơn thì xin cấp trên tuỳ theo mức độ mà "quất" Hải xồm.
...Đại uý Trường đã lại tìm đến nhà cháu bé bị hãm hại đưa vào bệnh viện hôm nào. Con bé ở nhà bà ngoại nó. Gặp nhau, chú cháu quấn quít. Anh xin phép bà ngoại cháu cho nó đi phố chơi cùng chú, hẹn chừng hai ba giờ chiều đến đón.
Buổi trưa, Đại uý Trường nhận việc vào gặp và mang cơm cho Hải xồm thay cho vợ hắn. Anh mang đến cho Hải xồm cả đĩa lòng lợn tổng hợp và...cút rượu. Sau khi thúc Hải xồm cố hoàn thiện bản tự thuật, đại uý Trường bảo hắn:- Có món này có khi giúp anh tỉnh ra ! Mắt hắn sáng lên.
Gần ba giờ chiều, sau khi hai chú cháu đi lòng dòng ăn kem, dạo chơi phố, đại uý Trường đưa con bé về nơi mình làm việc "xem chỗ chú ở". Giờ thì con bé biết chú Trường là công an, vì xung quanh chỗ chú rất nhiều công an, có cả nữ...
Đại uý Trường dắt cháu bé đi ngang qua cái xe đạp cà tàng dựa bên ngoài chỗ Hải xồm, cố ý để con nhỏ nhìn thấy. Một thoáng chau mày, con bé trố mắt và lắp bắp:- Chú ơi...Sao cái xe đạp này giống cái xe của bác gì kèm cháu chú hỏi ấy. Mà đúng đấy chú ạ !
Mừng đến ứa nước mắt, Trường quyết định cho ngay con nhỏ đến bên cạnh cái cửa ngách, nơi có thể nhìn rõ vào phòng tạm giữ Hải xồm đang nằm úp mặt vào tường ngáy đều đều sau bữa trưa tươm tất và không bị ai hỏi han quấy rầy. Trường khẽ bảo cháu bé đứng nguyên đó chờ có gì chú bảo sau. Anh vào lay Hải xồm dậy. Hải xồm bừng tỉnh ngồi lên. Đại uý Trường khéo hướng khuôn mặt ngái ngủ gớm giếc của nó về phía cửa nơi cháu bé nhìn vào. Một phút trôi qua, bỗng con bé hét lên: - Chú Trường ơi, cháu sợ, cháu sợ quá ! Đại uý Trường quay ra với cháu bé, không kìm nổi niềm vui, ôm cháu vào lòng rồi nhấc bổng nó lên. Nước mắt tự dưng chảy ra. Con bé thấy vậy bảo: - Chú cũng sợ ạ ? Sao mắt chú đỏ thế ? Trường âu yếm nhìn cháu bé, cười lên cho nó bớt đi sợ hãi...
Đại uý Trường gửi cháu bé cho một nữ công an chăm sóc giúp, còn mình đi tìm gặp lãnh đạo báo cáo và xin ý kiến. Cuộc hội ý chớp nhoáng với cấp trên và cái lệnh " khôi phục tức thì vụ hiếp dâm và sát hại trẻ em vị thành niên ở...".Lãnh đạo cơ quan đồng ý bố trí giáp mặt Hải xồm ngay.
Vẫn cái giọng cũ rích, lặp đi lặp lại như băng rè "em chót dại, em có tội, nhưng việc chưa thành...Xin được tha...". Trường vằn mắt chặn lại:
- Hải xồm ! Anh nghe đây, chú ý nghe cho rõ: Vừa rồi anh nói là chót dại, chưa thực hiện được hành vi tội lỗi...
- Dạ, vâng !
- Anh nghe tiếp đã: Thế cách đây hơn ba tháng, ngày...tháng...anh đã làm gì con chị Lưu ở đồi gianh thôn...xã...? Trút cái nhìn rực lửa vào cặp mắt xùm xụp, ti hí lấm lét trên khuôn mặt bì bì đầy râu ria của hắn, Trường hỏi dồn.
-...Anh nói gì, em không hiểu ? Thế là thế nào ạ ? Hải xồm giả ngô giả ngọng.
- Không hiểu ? Rồi mày sẽ phải hiểu ! Trường nghiến răng, đứng dậy. Hải xồm co rúm người tưởng sắp bị ăn cái bạt tai. Nhưng không, đại uý Trường đi ra ngoài...
Cô công an trẻ dẫn con bé vào cùng chú Trường.
Hải xồm bưng vội hai tay lên mặt và gục đầu xuống bàn.
Đồng chí lãnh đạo từ đầu đến giờ ngồi im nghe Trường " nói chuyện" với Hải xồm và quan sát hắn, từ từ đứng lên nói với Trường và cô chiến sỹ cảnh sát:
- Các đồng chí hoàn tất ngay hồ sơ vụ này. Mà các đồng chí cần làm việc với Viện kiểm sát luôn.
- Rõ !
Đại uý Truờng không thấy lãnh đạo nói thêm câu gì nữa. Anh lấy từ ngăn kéo ra xấp giấy trắng, cây bút bi đặt tộp trước mặt Hải xồm, ra lệnh:
- Anh Hải nghe đây ! Ngẩng mặt lên. Đây, giấy bút...Anh tự tường trình từ lúc anh gặp cháu bé con chị Lưu đến lúc... mày biến khỏi đồi gianh ra sao. Xong lúc nào báo cho trực ban bên cạnh !
Tay Hải xồm run bắn, mắt hắn lừ lừ liếc nhìn mọi người một lượt rồi len lén kéo xấp giấy và cây bút về phía mình. Đại uý Trường móc bao Du lịch hút dở cùng hộp diêm đặt lên bàn, đẩy về phía hắn. Mọi người ra ngoài để Hải xồm một mình trơ trọi.
...Cuộc họp đột xuất của lãnh đạo cơ quan với các phòng nghiệp vụ và bên Viện kiểm sát vào sáng hôm sau mở đầu bằng việc đọc bản tự khai của Hải xồm. Thứ chữ nhàu nát, lộn xộn và hành văn rối rắm của hắn làm đại uý Trường đọc ngắc ngứ mấy chỗ, mặc dù anh đã xem trước.
Có lẽ chẳng còn gì để nói thêm. Hải xồm nhận hết, rõ đến chi tiết, lại còn cả quyết xin nhận sự trừng phạt...Khác xa dự đoán của nhiều người trong cuộc họp.
- Ghê chưa, lại thế nữa kia ! Một đồng chí lãnh đạo ngạc nhiên thốt lên sau khi Trường đọc xong.
- Tôi đề nghị cho hắn diễn lại ! Đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến.
- Tất nhiên phải làm như vậy rồi ! Lãnh đạo phòng cảnh sát điều tra gật đầu.
Thông thường ở những cuộc họp mấy bên hay có nhiều ý kiến, nhưng hôm nay không khí nặng nề, im ắng. Hải xồm đã trình bày kỹ. Mỗi câu hắn viết ra có thể hình dung được. Đại uý Trường nêu ý kiến của mình mà như tâm sự:
- Theo tôi cũng không cần phải diễn lại làm gì. Về vụ này thế là rõ quá rồi. Đề nghị củng cố hồ sơ, khép tội. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Với cháu bé ta khai thác bằng cớ tế nhị hơn, giữ cho cháu, tương lai nó còn dài...Còn Hải xồm, cho phép tôi "quần" kỹ thêm.
- Dư luận công chúng đang mong đợi chúng ta, cần làm nhanh gọn ! Nếu thấy không nhất thiết phải diễn lại, như đồng chí Trường nói, chúng tôi cũng chấp thuận. Đại diện Viện kiểm sát tán đồng. Hội nghị chấp thuận. Nhưng chẳng ai bảo ai mọi người có mặt tại cuộc họp cùng liên tưởng đến vụ cháu bé con chị Nhung xóm Đá. Đến giờ vụ đó vẫn chìm trong bóng tối...
Việc phong hàm của Trường được lãnh đạo duyệt nhanh chóng. Tuy trên vai áo chưa đeo phù hiệu một sao hai gạch thay phù hiệu một gạch bốn sao, nhưng tờ quyết định đã nằm trong túi ngực anh. Buồn vui lẫn lộn, Trường tiếp tục vụ án Hải xồm mà vẫn luôn bị khuôn mặt đau đớn tột cùng của người mẹ xóm Đá mất con ám ảnh. Một mặt khẩn trương củng cố hồ sơ truy tố Hải xồm, thiếu tá Trường xin mượn toàn bộ hồ sơ vụ xóm Đá về chong đèn nghiên cứu. Như có ai ngầm mách bảo, anh tưởng tượng ra cảnh một thằng cha râu xồm nào đó chuyệnh choạng dắt cái xe đạp cà tàng từ quán lòng lợn tiết canh lão Mận ra đường. Mắt hắn ngầu đỏ, nhảy đại lên xe. Phía trước hắn, gần cái sân kho có một bé gái ăn vận xuềnh xoàng đi lang thang bên lề đường. Ngang qua con bé, hắn dòm mặt, chõ cái miệng sặc mùi rượu vào nó, bảo: "- Con nhà mẹ Nhung ! Đi tìm mẹ hả? Lên tao đèo !...". Con nhỏ tin lời, nắm chặt áo hắn mặc cho hắn đưa đi tiếp đoạn đường ra xóm ngoài...Hắn để con bé xuống đường- ý nghĩ tưởng tượng cứ tuôn ra, thiếu tá Trường lim dim mắt tiếp tục hình dung...Dắt cái xe vào ngôi nhà đơn độc hắn quen, tấp vào đầu chái nhà, nơi cây Doi...Chỗ quen, chủ nhà chẳng để ý. Quay ra, hắn bảo con bé " đi tìm mẹ Nhung ở trên nương "...Hắn dắt con nhỏ vào đường lên lò đá. Đến lối mòn trẽ ngang, hắn bế thốc con bé đi nhanh lên vạt đồi đá hoang vắng...Hắn thực hiện trò đểu cáng bất lương...Con nhỏ chết ngất trong tay hắn...Hắn hoảng hồn bế tiếp con nhỏ vào sâu hơn, vứt nó xuống...Hắn lộn về làm đá...Tối mịt lấy xe cùng cả hội...Có chăng còn chi tiết thiếu tá Trường băn khoăn là lí do hắn đến làm đá muộn hơn cánh thợ khác. Nhưng có làm sao, hội thợ chắc không ai để ý. Ai cũng nghĩ hắn đi, hắn đến chỉ có một mình. Có hỏi cụ bà ở cái nhà đơn lẻ cánh thợ đá gửi xe cũng nghe được câu trả lởi cũ mèm "lúc nào các ông ấy chả thế". Cho nên đại uý Ngân và các trinh sát khác dò la khu vực này cũng chỉ vẻn vẹn có được chừng đó thông tin...
...Ngồi đối diện với Hải xồm trong buổi hỏi cung sáng nay, thiếu tá Trường không vội vàng. Anh từ tốn giót cốc nước chè, đặt bao Du lịch, ra hiệu mời hắn. Đại uý Ngân được mời dự cùng.
Hải xồm không còn vẻ giật mình như lần nhìn thấy con bé nhà chị Lưu. Mặt hắn lì, đanh lại, có vẻ nhợt nhạt do thiếu hơi men hơn là sợ hãi. Thiếu tá Trường còn mang theo cút rượu. Thực ra không được làm như vậy, nhưng với đối tượng này nếu "nạp" một chút biết đâu hắn lại minh mẫn hơn. Đại uý Ngân sau giây phút ngạc nhiên đã chủ động với ba cái chén vại, cầm cút rượu chắt đầy một chén đẩy sang phía Hải xồm, hai chén còn lại giót phần nửa cho thiếu tá Trường và cho mình. Đại uý Ngân "cạch" với Trường, khẽ nói: " Chúc mừng anh ! Nhưng hôm nào phải khao thật đấy !".
Mắt sáng lên, Hải xồm nhoài người với chén rượu, nói câu cám ơn lí nhí rồi áp cái chén kề đám râu rậm rì, thốc nhanh vào miệng. Mắt hắn tỉnh lên sau tiếng "khà"...Hải xồm đã lại khai gần như đúng trình tự những gì đã khai. Kết thúc, hắn vẫn xuýt xoa " em xin chịu tội".
- Anh thấy cần bổ sung chi tiết gì không ?
- Dạ, không...Em xin hoàn toàn chịu trách nhiệm !
- Anh thấy còn tội lỗi gì nữa không ? Hôm nay có nhiều thời gian, để anh suy nghĩ kể tiếp. Đại uý Ngân bổ sung mấy câu và chắt nốt rượu còn lại cho hắn. Hải xồm mon men tút điếu thuốc, châm lửa rít một hơi dài rồi cầm chén lên. Tay hắn run.
- Dạ, không có gì. Tội em có thế, các anh muốn làm gì thì làm. Đi tù cũng đi ngay ! Mắt Hải xồm vằn đỏ.
Trước mặt thiếu tá Trường như hiện lên từng trang lí lịch trích ngang chẳng lấy gì làm đẹp đẽ với bút tích thu thập hồ sơ về Hải xồm: "Đi bộ đội năm...Bị kỷ luật cảnh cáo về việc mò xuống đoạn suối vắng, chỗ con gái dân tộc trong vùng thường hay tắm tiên gần nơi đơn vị đóng quân. Hắn rượt theo một cô...Mấy năm gần đây gia đình lục đục, hay gây sự với vợ con...Phàm ăn, tục uống, sống tạm bợ, văng mạng...".
Đại uý Ngân thấy Trường ngồi im như pho tượng nên có lời:
- Thiếu tá có hỏi thêm gì nữa không ? Ta kết thúc nhé !
- À...Trường bừng tỉnh, nói:
- Còn, vẫn còn việc đấy. Anh nghiêm nét mặt, nói gãy gọn từng câu với Hải xồm:
- Anh Hải, vụ việc diễn ra ở đồi gianh với con bé nhà chị Lưu hôm nay anh đã khai báo lại thành khẩn, tốt !
- Dạ ! Hải xồm nở mặt, ngắt lời. Rượu vào làm hắn tươi ra.
- Chưa đủ, anh để tôi nói đã: Anh đã chưa khai hết tội lỗi trong quá khứ của mình. Anh biết chưa ?
Hải xồm ra vẻ ngạc nhiên, còn đại uý Ngân thì ngạc nhiên thật sự. Thiếu tá Trường nói thêm rành rọt hơn:
- Anh Hải, bây giờ anh hãy nghe cho kỹ từng câu tôi nói đây: Vào một ngày, cách đây chừng năm rưỡi, ngày...tháng...tầm bảy giờ sáng anh ăn lòng lợn tiết canh tại quán ông Mận khu chợ gần xóm Đá...Sau đó...- Thiếu tá Trường kể vanh vách những điều anh mường tượng tối hôm trước. Mắt anh vằn lên tức giận và xúc động. Thiếu tá đứng lên, tự dưng giáng quả đấm đến rầm xuống mặt bàn. Ba cái chén, cút rượu và mấy thứ linh tinh nhảy xuống đất...Hai hàm răng nghiến bạnh lại, thiếu tá tiến sát đến Hải xồm túm ngực hắn nhấc dậy, mắt như trút lửa vào mặt đối phương, rít lên:
- Mày đã làm một trò cực kỳ đồi bại, trời không dung, đất không tha, mày có biết không ?.
Cái mặt đầy râu ria, thô kệch của Hải xồm méo xẹo đi. Hắn gục xuống, chắp hai tay vào nhau vái lia vái lịa hai anh công an. Hắn thở dốc như con trâu bị đâm, miệng lắp bắp:
- Con...con...biết tội !
...Một buổi sáng đẹp trời, hai anh công an thủng thẳng đi bên lèn đá. Họ xuống xóm Đá, vào nhà chị Nhung tìm chị để mời đến cơ quan công an bổ sung thêm chứng cứ, làm nhân chứng xác định xem cái tên râu xồm quen biết với gia đình chị ở mức nào mà lòng lang dạ thú...Thắp cho cháu bé nén hương, ngắm cái ảnh ngây thơ dễ thương của nó, hai anh công an không cầm nổi nước mắt. Nhìn mẹ cháu, tuy đã có phần bớt đi nhiều nét hốc hác tiều tuỵ hôm nào và cái bụng hơi lùm lùm em bé, thiếu tá Trường lựa lời động viên:
- Sự đã rồi...Kẻ có tội rồi sẽ phải xuống địa ngục tìm cháu mà tạ tội...Thằng Hải xồm chết tiệt ấy...
Họ cùng nhìn ra phía đồi chạy dài từ xóm Đá vào phía núi đá nhấp nhô những hình thù kì thú và bình yên...
L.K
Người gửi / điện thoại