Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHÚT TRẢI LÒNG VỚI LỜI BÌNH

PHÚT TRẢI LÒNG VỚI LỜI BÌNH

PHÚT TRẢI LÒNG
Có một thời ngồi đếm sao thưa
Ngắm áng mây trôi cuối trời bảng lảng
Bao kỷ niệm ngủ vùi trong quên lãng
Bỗng cựa mình sau lớp bụi thời gian.
Dễ gì quên những năm tháng gian nan
Củ sắn, củ khoai một thời bao cấp
Cơm không đủ no, áo không đủ mặc
Chuyện đời thường thành cổ tích đời sau.
Suốt chặng đường dài mình đã có nhau
Sao đôi lúc vẫn mơ về ngày cũ
Ánh mắt nào đốt lên ngọn lửa
Để chúng mình tan chảy giữa mùa yêu.
Mới đấy thôi mà đã...Xế chiều
Tuổi thanh xuân chỉ còn là mơ ước
Và bao điều không thể nào quên được
Phút trải lòng hoài niệm phía...Ngày xưa!
01-11-2024 - Nguyễn Thiết Kế
 
Lời bình của Nghiêm Thản
 
Trong cuộc đời của con người trung bình là 60 năm. Tất nhiên có người sống trên 100 tuổi và có người đang còn rất trẻ đã ra đi. Vậy thì 60 năm cuộc đời có ngắn ngủi không? Nếu sống thọ hơn nữa đến 70 hoặc hơn nữa liệu có còn minh mẫn không? Trong 60 mươi năm kia ta phải tính từ khi ta cất tiếng khóc chào đời. Nếu làm bài toán trừ ta chỉ còn có 35 năm. Vậy 60 năm ta sống, ta đã mất 20 vừa làm trẻ con vừa đi học phổ thông. Làm trẻ con không nghịch ngợm là khá lắm rồi. Rồi học cao nữa ta mất 4 năm hoặc 5 đến 6 năm học đại học. Vậy là ta đã mất sơ sơ 25 năm chưa làm gì được cho cuộc đời. Vào đời! Mỗi con người chúng ta chỉ còn 35 năm. Trong 35 năm ngắn ngủi nếu tính mỗi một ngày là 24 giờ ta đã mất 8 giờ làm việc, 8 giờ ngủ, 3 giờ ăn cơm tính cả hai bữa, 2 giờ cả đi cả về trên đường đến nơi làm việc. Thế là ta đã mất 21 giờ. Vậy chỉ còn có 3 giờ vừa giao tiếp với bạn bè vừa sống với vợ con. Đây là ta tính với những người biết sống và làm việc.
Bài thơ “Phút trải lòng” của Nguyễn Thiết kế, anh viết 4 khổ mỗi khổ 4 câu tất cả là 20 câu. Anh bố cục rất chặt chẽ. Giống như một bài thơ tứ tuyệt: khổ đầu là mở, khổ thứ 2 là thực, khổ thứ 3 là luận, và khổ thứ tư là kết. Nguyễn Thiết Kế như nhà tiên tri sống nơi miền quê thanh bình, yên ả, an nhàn tự tại, đêm đêm ngửa mặt đếm sao trời:
“Có một thời ngồi đếm sao thưa
Ngắm áng mây trôi cuối trời bảng lảng
Bao kỷ niệm ngủ vùi trong quên lãng
Bỗng cựa mình sau lớp bụi thời gian”.
Anh ngắm rồi anh “đếm sao thưa” trong vũ trụ bao la kia có biết bao những vì sao mà anh dám đếm, rồi anh “Ngắm áng mây trôi cuối trời bảng lảng”. Thế là anh bắt đầu trải lòng mình. Anh nhớ tất cả những gì trong kỷ niệm xa xưa, lúc tuổi ấu thơ cắp sách đến trường, bạn bè xa gần đứa ở đứa đi, bây giờ ở đâu và đang làm gì, vợ con ra sao. Biết đâu lại nhớ đến “khi tình yêu bắt đầu từ nơi ấy” và bao nhiêu ký ức không thể nào quên được, “cũng đang cựa mình sau lớp bụi thời gian”. Ở đây ta thấy Nguyễn Thiết Kế dùng từ rất chọn lọc, những ký ức trong quá khứ cũng biết “Cựa mình” sau “lớp bụi thời gian”. Thời gian thì rất xa và rất dài nhưng với anh chỉ là “lớp bụi”. Cũng như nhà thơ Nguyễn Trọng Hiếu cũng đã viết:
“Tôi vẫn muốn ngược dòng về quá khứ.
Khi mọi thứ cứ túc tắc trôi qua.
Nơi vườn hồng đóa hoa vừa thắm đỏ.
Không bộn bề một chút nào âu lo”.
Quá khứ vẫn là quá khứ. Có những điều ta muốn quên đi, nhưng nó cứ ám ảnh vẫn theo ta suốt cuộc đời. Càng những lúc an nhàn thong thả thanh bình ta mới lại càng nhớ đến nó. Có thể nó như một mũi kim đâm xuyên suốt mãi cuộc đời không dễ gì quên được:
“Dễ gì quên những năm tháng gian nan
Củ sắn, củ khoai một thời bao cấp
Cơm không đủ no, áo không đủ mặc
Chuyện đời thường thành cổ tích đời sau”.
Đúng vậy ai mà quên được thời bao cấp. “Chuyện đời thường thành cổ tích đời sau”. Chúng ta vừa đánh Mỹ vừa củng cố hậu phương. Củ khoai củ sắn lót lòng, ta vẫn đi làm, vẫn hăng say lao động. Cái gì cũng cung cấp cái gì cũng phân phối. Chồng đi biền biệt bao khao khát. Bao nhiêu những con người mẹ mất con, vợ mất chồng. Một thời gian nan và vất vả như nhà thơ Trương Thị Anh cũng đã viết:
“Một thời bao cấp ngóng trông
Chia tem, phát phiếu xếp chồng chờ mua
Bữa ăn cơm ít ngô nhiều
Thức ăn có muối với niêu tương cà”
(Một thời bao cấp đã qua)
Tuy dân ta khổ là vậy. Nhưng chúng ta không thể thiếu lương cho bộ đội. Tất cả vì tiền tuyến. Rồi cái gì đến sẽ đến. Ngày 30.4.1975 đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Đất nước ta vẫn còn khó khăn nhiều lắm, tuy thống nhất đất nước nhưng sau 10 năm chúng ta mới bỏ được chế độ bao cấp. Trong những năm tháng gian nan và khổ cực này Nguyễn Thiết Kế vẫn lạc quan tự hào:
“Suốt chặng đường dài mình đã có nhau
Sao đôi lúc vẫn mơ về ngày cũ
Ánh mắt nào đốt lên ngọn lửa
Để chúng mình tan chảy giữa mùa yêu...”
Đây là khổ thứ 3 là khổ luận của anh, anh đã thấy “Suốt chặng đường dài mình đã có nhau” nghĩa là anh rất hạnh phúc, sướng khổ có nhau, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau như ánh mắt nào, tia chớp nào đã đốt bùng lên ngọn lửa tình để hai tâm hồn tan chảy vào nhau, trộn vào nhau giữa mùa yêu, cũng như nhà thơ: Lê Vinh đã thổ lộ tình yêu của mình:
“Kể từ giờ ta hãy sống vì nhau
Cùng chia sẻ niềm đau và hạnh phúc
Ở bên nhau cảm nhận yêu là thực
Chuyến tàu mang hạnh phúc đến ga rồi”
Một tình yêu đích thực từ hai trái tim hồng, họ sẽ sống bên nhau, sống vì nhau, chia bùi sẻ ngọt cho nhau. Chứng tỏ rằng: ”Muốn ngọt bùi phải trải qua cay đắng/ muốn yên vui phải giết hết quân thù”. Đến khổ kết thì sao. Nguyễn Thiết Kế đã thấy:
“Mới đấy thôi mà đã...Xế chiều
Tuổi thanh Xuân chỉ còn là mơ ước
Và bao điều không thể nào quên được
Phút trải lòng hoài niệm phía... Ngày xưa!”
Tuổi đã xế chiều là tuổi đã về già, ai cũng đành phải chấp nhận. Muốn trở lại tuổi thanh Xuân ư? Chỉ còn là điều mơ ước. Sáu bảy mươi năm ta tưởng dài mà ngắn, khi ta đã an nhàn, ung dung tự tại ngẫm lại cuộc đời ta mới thấy thú vị.
Đây là bài thơ anh mới viết nên mới có niên hiệu 01.11.2024. Anh đã có những phút trải lòng để nhớ lại một thời khó quên.
 
Nghiêm Thản
hoa_sung_1
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 85
Trong tuần: 1160
Lượt truy cập: 437198
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.