Nguyễn Nhuận Hồng Phương
“PHIÊU DU MỘT MÌNH”
Lạc vào giấc miên kha Hoàng Quý
Ngồi cạnh tôi trong đêm trình diễn âm nhạc mang tên “Phiêu du một mình” của Nhà thơ Hoàng Quý là Nhà văn An Bình Minh. Ông ngoái lại khán phòng lầu 5 AROMA rộng lớn và tuyệt đẹp, đầy ắp khán thính giả, rồi nói với tôi: “Gọi “Phiêu du một mình” nhưng thực ra Hoàng Quý không phiêu du một mình”. Tôi cũng trùng với ý nghĩ của nhà văn trân quý này. Thực vậy, cách đặt tiêu đề của Hoàng Quý là sự khiêm nhường đúng theo bản chất và phong cách sống của ông. Tôi cũng như nhiều người bạn văn, bạn đọc của nhà thơ đã qua ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà không quản đường xa, từ miền Bắc và nhiều tỉnh, thành tới đây, để thưởng thức một đêm âm nhạc đẹp theo đúng nghĩa và tỏ lòng ngưỡng mộ với một nhà thơ đi “tìm một cách đọc khác thơ mình” bằng điệu tâm hồn riêng ông qua những ca khúc quyến rũ.
Trong bài viết này, tôi không để cập đến những thi phẩm của Hoàng Quý đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc (bởi đã có nhiều nhà phê bình và người yêu thơ ông đã viết về điều đó). Tôi cũng không nhắc về bao nỗi truân chuyên từng trải qua những thước đời ông đã vượt. Và cho dù chưa phải là tất cả, nhưng “Đêm Phiêu du một mình” của Hoàng Quý với tôi, là sự tổng hoà giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ âm thanh mang đến cho người nghe chiêm ngưỡng mỗi khúc, đoạn của một tài năng được bộc lộ qua những cung bậc cuộc đời mà đâu chỉ riêng Thi sĩ họ Hoàng. Giai điệu ấy, ca từ ấy, tiết tấu ấy, quyến cuộn thành những hợp âm tạc nên một cung đường mà ai nấy đều lưu dấu. Đó là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, là dòng sông tuổi thơ vừa hiền hoà vừa dữ dội, là bước phiêu du mang kiếp tha hương trên con đường xa ngái... Màu sắc ca từ, thanh âm bừng lên, cho những đoá tường vi ánh ướt nở trên bức tường niệm hoài về một tình yêu tinh khiết...Tôi như bị đắm chìm trong âm ba vòng vọng từng đợt sóng trào dâng, dồn nén, vỗ về, lưu luyến của muôn ngàn sợi nắng buông lơi, lấp lánh ánh pha lê trên cồn cát của Côn Sơn và bờ cát Vũng Tàu trong một chiều hoàng hôn hoang hoải...
Xin đừng mang những lý thuyết vô hồn, trịch thượng, dạy dỗ và khô ngói đo, đếm dòng suối cảm xúc khi Hoàng Quý phả giai điệu cho ca từ phát sáng riêng một cõi ông. Là ngẫu hứng, nhưng Hoàng Quý không biển thủ lý thuyết kinh điển của âm nhạc, mà là một sự tìm tòi sáng tạo cho thanh âm vươn đến phút giây hoan ca với khả năng có thể. Từ xúc cảm thi hứng, Hoàng Quý để cho ngôn ngữ âm nhạc phiêu linh tự do rồi kết tủa trong tâm hồn nhạy cảm của mình, thể như tình yêu của ông dành cho những gì ông yêu quý nhất. Bởi dòng chảy trong những ca khúc của Hoàng Quý là dòng chảy cuộc đời, là sự sống, là trí huệ của nhân cách, là vẻ đẹp của tâm hồn, là người kể chuyện và người độc thoại...
Tất nhiên, không thể không nói đến phần hoà âm - phối khí, các ca sĩ và dàn nhạc; những người nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, như sắc màu tôn vinh vẻ đẹp đa chiều của một hoạ phẩm; như làn gió nâng cánh diều âm nhạc của Hoàng Quý phiêu du bay lên bầu trời cao rộng… Hãy thả hồn theo “Mùa thu mới qua” tiết tấu thì thầm như tình nhân vương lại “vệt môi thơm mùa thu” trên “khoé môi hồng” của tình nhân... Là sự khát khao chan chứa hy vọng của chàng thiếu sinh Thủ đô mặc áo lính giữa bom rơi, đạn cháy “vẫn giữ niềm tin” đau đáu “và tin rằng em đợi tôi” trở về trong một “ngày đông mưa bụi bay”, cùng nhau tìm lại “góc phố, cửa ô... với nhịp tàu điện rung rộn ràng hồi chuông leng keng đi về...”.
Cứ thế... và nhẹ nhõm thanh khiết thế, Hoàng Quý dẫn ta từ cung bậc này đến cung bậc khác trong âm hưởng du dị mê đắm cuộc người. Sự kết hợp giữa ca từ tinh tế và giai điệu cũng rất riêng ông cho người nghe khi niệm hoài, lâng lâng tràn trong tâm tư. Để được vậy không thể tự nhiên mà có, tự nhiên mà thành. Đọc thi phẩm Hoàng Quý rồi lại được nghe âm nhạc của Hoàng Quý, từ ngạc nhiên đến vỡ oà cảm xúc, từ thừa nhận tài năng đến nể trọng. Một sức lao động trí lự, khổ công, bền bỉ và nghiêm cẩn. Nguồn sáng tạo không chai lỳ khô cứng, không kệch cỡm, múa may, khoe ngôn, bức tử âm thanh, ngôn ngữ mà luôn tinh tế. “... Em mang về cho tôi/ Những hạt trăng em trong như màu trời/ Em âm thầm yêu tôi/ Giấu buồn riêng dành chăm chút tôi/ Tôi mang mộng du tôi/ Hoang đường tôi như diều kia mãi bay/ Em vì tôi chịu đựng/ Em vì tôi đợi chờ/ Con tim tật nguyền tôi trút sang em!”. Nghe, ai chả biết những dòng ca từ và thanh âm ấy Hoàng Quý dành tặng cho người vợ yêu thương, kham nhẫn và hy sinh nhất mực của mình. Nhưng dường như đó còn là sự “thú tội” của một thi nhân đôi khi “... Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn treo ngược ở cành cây...” (Thơ Xuân Diệu) mà quên cả nghĩa vụ làm chồng. Thật đáng yêu và tinh tế làm sao... Và Đêm âm nhạc mang tên “Phiêu du một mình”, không chỉ riêng tôi “được” ruổi theo giấc miên kha Hoàng Quý...
Nhân cách một “Người Thơ”
Tôi muốn viết thêm đôi dòng về Thi sĩ họ Hoàng, về nhân cách ông, nhân cách một Người Thơ.
Để làm một nhà thơ (đúng nghĩa viết hoa) đã khó, nhưng để thành một Người Thơ khó vô cùng. Cố Nhà thơ - Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn từng nói: “Nhà thơ có thể rất nhiều, nhưng để thành một Người Thơ thử hỏi có bao lắm”. Rồi ông nhấn mạnh: “Để thành Người Thơ phải chăng cần hội đủ nhân cách, phẩm cấp và sự tận hiến giữa hỗn thanh cuộc người”. Khi tôi hỏi bài ông viết về thơ Hoàng Quý ngay từ lúc Hoàng Quý chưa được đứng vào hàng ngũ những “Nhà thơ Quốc Doanh” (cách nói hóm hỉnh của Trịnh thi sĩ với những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), ông nghiêm trang bảo: “Hoàng Quý là một Người Thơ đấy!”.
Hoàng Quý ra mắt tập thơ đầu tiên mang tên “Giấc phì nhiêu” rất muộn. Khi ấy ông đã 44 tuổi. Nối tiếp ngay sau đó là thi tập “Đi bên mùa lá rụng” chất chứa ánh nhìn ông trước những đổi màu chóng mặt. Đến “Ngang qua cánh đồng” đã rõ một sức thơ của bậc Người Thơ. Một tập thơ với nhiều dữ dội, vạm vỡ, độc đáo ngôn ngữ tiếng Mẹ. Viết về “Những sạt lở chữ nghĩa” những tháng ngày này, không bỗng dưng cố thi sĩ Du Tử Lê đánh giá: “Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi”… Hơn thế, Du Tử Lê còn khẳng định: “Cảm nhận đầu tiên của tôi (DTL – ghi chú của người viết) là miền hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn”. Chưa dừng lại ở đó, người thi sĩ còn bùi ngùi nói rằng “...trên tất cả tân kỳ, kỹ thuật (dù rất cần thiết cho thơ) với tôi, vẫn là những thông điệp mà họ Hoàng đã gửi, đã gieo trồng trên dặm trường thi ca đời ông”. Và rằng: “Tôi muốn mượn câu thơ mở đầu bài Tự Khúc (thơ Hoàng Quý) để nói với ông rằng: Vâng, ông “đã đến đã gieo trồng và vun xới” cho/với thơ hiện đại như một hiện diện vững chãi, khả tín trước những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa châng lâng, bập bềnh mảng tối…”.
Năm 2003 “Ngang qua cánh đồng” được Liên hiệp Các Hội VH - NT Việt Nam trao giải Nhất. Năm 2008 Hoàng Quý được trao giải Nhì cuộc thi thơ kỷ niệm 50 năm Văn học biên phòng, Năm 2010 Hoàng Quý đoạt giải Ba cuộc thi thơ lớn Thơ về Hà Nội - Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Số tiền của cả ba giải thưởng Hoàng Quý hiến tặng Hội nạn nhân Da cam/Dioxin Việt Nam, Mái ấm người nghèo biên giới - hải đảo, Trường học sinh Khiếm thị Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tôi có viết lạc đề không? Thưa không! Tôi đang ghi tóm tắt đánh giá về phẩm cấp, hành vi và đức văn một Người Thơ. Vậy thì, gần một nghìn khán thính giả trong đó có rất nhiều bạn văn, bạn hữu, bạn đọc và người yêu quý ông tụ hội trong khán trường AROMA để phiêu linh và phiêu du với giai điệu thanh âm Hoàng Quý đêm 31 tháng 5 giữa thành phố biển chan chứa tình yêu người và xinh đẹp như lẽ tất nhiên thôi.
Hoàng Quý chưa bao giờ ngộ nhận ông là nhạc sĩ. Trên hành trình lao động thi ca Hoàng Quý nói: “Tôi là nhà thơ, không phải là nhạc sĩ. Nhưng đôi khi tôi dụng nhạc ghi lại điệu tâm hồn mình, để tìm một cách đọc khác thơ tôi”.
Thưa nhà thơ Hoàng Quý! Đêm 31 tháng 5 năm 2022 lại thêm một trang đáng nhớ nữa, trang Thơ – Âm nhạc riêng cách ông miên kha giấc phiêu du dâng tặng con người!
Thành phố Phúc Yên 6/2022
N.N.H.P