Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHẬN HỒNG NHAN

PHẬN HỒNG NHAN
Truyện ngắn: Vũ Thiện Khái
 
nh_v_thin_khi_1
Tôi nghỉ chân dưới bóng cây đề cổ thu đơn độc giữa cánh đồng. Ngồi bệt lên chùm rễ nồi bò qua nền miếu hoang lổn nhổn gạch vụn, bất giác tôi thấy lành lạnh chạy dọc sống lưng. Quang cảnh vô cùng vắng vẻ và u tịch, dễ gợi niềm hoài niệm buồn buồn. Có lẽ sự hiện diện của một cụ bà im lìm như pho tượng hai tay ôm hai ống chân khẳng khiu như chân hạc ngồi ở dấy tự lúc nào, đã góp phần làm nên tâm trạng ấy. Cảm giác như là cụ vẫn ở chỗ ấy hàng thế kỷ rồi. Lại có cảm tưởng cụ vừa từ cổ tích bước ra. Nếu cụ không ngúc ngoắc mái đầu choàng tấm khăn đen trùm hụp, chỉ chưa hai con mắt nhỏ tí dưới làn mi nhăn nheo nhoèn ướt thì tôi nghĩ đấy là cái xác ướp. Đã là thời buổi các chắt chít nội ngoại nhoay nhoáy bấm đi động mà bà cụ ấy vẫn mặc váy nơm nhuộm bùn rộng thùng thình, lại còn đeo vạt yềm sồi màu mận chín che kín phần trước ngực gầy tong teo. Tôi đoán trăm năm trước, y phục các cụ bà tổ tiên tôi cũng y như vậy. Biết tôi đang trên hành trình tìm về Sông Nguồn, cụ chỉ đường:
- Cháu phải đến làng Điềm. Làng Điềm thời nào cũng sinh ra những vị văn tài võ tướng lương đống của triều đình cả đấy. Làng ấy ở bên con sông to lắm, nghe họ goị Sông Nguồn, chả biết có phải con sông bà cháu đã nói không.
Trai Điềm gái Diễm. Tôi sực nhớ hồi còn tại thế đã vài lần bà tôi vừa ngủ gật vừa rì rầm với tôi như vậy. Con gái làng Diễm đứa nào cũng đẹp như tranh tố nữ. Tuyệt thế giai nhân cả đấy. Nhưng vài ba đời mới nảy ra được một sắc nước hương trời con ạ. Hình như họ đều là con Trời cháu Phật được cử xuống trần gian để cho lòng biển nước mắt thế gian thêm đầy thì phải. Chả có ai trong họ được hạnh phúc vuông tròn. Mỗi hồng nhan một bạc phận đớn đau sầu oán khác nhau. Thương xót lắm. Lớn lên con về làng Diễm mà tìm vợ. Đừng lo bị khổ lây. Quốc sắc thiên hương chả bao giờ đến phần con dân mình đâu. Toàn là của vua của chúa, mới hồng hồng một chút má đào họ đã bị bứng đi cung tiến mất rồi.
Lần khác, chừng như chắp nối được một phần sợi dây ký ức, bà tôi lại lào phào: Cái làng Diễm ấy phong cảnh chả khác làng mình là mấy mà trai làng họ đa phần nho nhã, gái làng họ nết na, yểu điệu, đẹp từ trong trứng đẹp ra. Đứa nào đứa nấy da thịt cứ thơm nức mùi sen mới lạ. Các cụ nhà ta bảo: Người làng mình ăn nước sông Nguồn nên đàn ông cơ bắp cuồn cuộn như con sóng dữ, tính cách phóng khoáng ngang tàng, phát về đàng võ. Còn người làng Diễm ăn nước hồ sen nên con gái tươi mát diụ dàng, con trai thanh lịch văn vẻ như gió mùa sen vậy. Bà nghĩ các cụ nói đúng. Cháu chưa biết đâu, cái hồ sen ấy rộng bằng cả một cánh đồng lớn. Nước chẳng bao giờ cạn. Mùa đông thì vắng vẻ đìu hiu, lều phều trên mặt hồ những cọng sen tàn xơ xác, mà lạ kỳ, hễ chớm sang mùa hạ là như có phép thần, cả vùng hồ bừng bừng một màu lá sen xanh ngút ngát và những bông sen đỏ thắm như cục máu đào cứ chen nhau chui lên từ đáy hồ nở bung ra rực rỡ. Đó là một giống sen rất lạ, chỉ ở đầm ấy mới có màu đỏ thắm ấy và hương thơm cũng chẳng giống thứ sen nào. Mùa sen nở, cơn gió nào thổi qua mặt đầm cũng được tẩm đẫm mùi sen thơm nức, bay xa hàng chục cây số còn vương vấn hương sen lảng đảng. Khách lạ dù nhắm nghiền hai mắt, cứ lần theo cái mùi sao xuyến ấy thế nào cũng tìm được vào làng Diễm. Cho nên ở quê mình, cứ nói gió sen đã thổi thì ai cũng biết đấy là mùa hạ đến rồi. Lại còn một sự lạ nữạ, chẳng đúng hạn kỳ, nhưng cứ khoảng dăm ba năm, nước trong hồ đột nhiên đổi sang màu hồng nhạt như máu loãng độ vài ba ngày. Các cụ nhà mình bảo đấy là máu trinh nữ của cô gái con cụ Đồ làng Diễm ngày xưa đấy. Gặp năm như vậy, bông sen cứ là chen chật mặt hồ, cánh sen cũng đỏ tươi hơn, nhụy sen cũng vàng ươm, ngát thơm hơn. Và cánh đồng làng Diễm trồng cây gì, bỏ giống gì cũng đều làm chơi ăn thật.
Câu chuyện xẩy ra vào đời nhà vua nào chẳng biết. Gia đình cụ Đồ làng Diễm thuở ấy chỉ còn trơ trọi hai bố con. Vợ cụ Đồ vừa sinh cho cụ đứa con gái đầu lòng thì qua đời vì bị băng huyết nặng. Trời thương mỗi năm cho cụ thu nạp được vài ba chục đứa học trò, nhờ vậy hai cha con sống tằn tiện dưa mắm qua ngày cũng đủ. Chẳng may cho con gái cụ lại sinh ra ở cái làng Diễm dồi dào văn vật nhưng cũng lắm nỗi u buồn truyền kiếp này. Lớn lên trong ba gian nhà tranh lồng lộng gió sen, dẫu chẳng được nuôi nấng bằng cơm trắng cá ngon mà da thịt cô gái ấy cứ mỗi ngày một nức nở mùi sen và vóc dáng, chân tay cứ nuột nà như cọng ngó sen vừa nhấc khỏi bùn, trắng nõn. Bao tấm gương hồng nhan bạc phận xưa nay ở trong làng, cụ Đồ đã dư biết ngọn ngành, nên lòng không khỏi âu lo thấp thỏm. Cụ định ráng đợi đến đúng hạn kỳ nữ thập tam, nam thập lục sẽ cho con gái thành hôn với cậu học trò yêu của mình. Nhưng lệnh tiến cung còn nhanh hơn toan tính cụ. Buổi cô đau đớn từ biệt cha già, từ biệt anh học trò cô thầm yêu lên kiệu, chính là cái ngày cô cắn lưỡi đâm nhào xuống hồ sen mất tích. Ngay đêm đó cụ Đồ và anh học trò kia được dân làng giúp đỡ đã xuống thuyền ngược sông Nguồn trốn biệt. Bởi chống lệnh vua, tội tru di ắt không tránh khỏi. Cái giống sen bông đỏ như máu ấy chả ai gây giống đã tự nhiên sinh ra trong hồ từ cái ngày oan nghiệt ấy. Và cái hồ vô danh kia được mang tên Trinh Nữ cũng từ năm ấy. Miếng vườn nhà cụ Đồ ở cuối làng Diễm cũng bỏ hoang từ đấy. Lạ lùng chỉ rặt một loài cỏ trinh nữ gai sắc như mũi kim, bốn mùa rực rỡ những bông tím lịm màu uất hận mọc lên trùm lấp. Đến thời hợp tác xã cho khai phá để làm nhà kho chứa phân hóa học, đã lộ ra y nguyên bốn bức tường bằng đất nện của căn nhà cụ Đồ thuở nào. Tới năm bà theo bố cháu vào Nam, hợp tác chia ruộng cho xã viên tự canh tác, kho phân bỏ không. Chưa đầy năm, cỏ trinh nữ lại bò ra che kín mít khu vườn. Kín tới mức âm u chả ai dám mở lối tìm vào dòm ngó nữa.
Từ biệt cụ bà cổ kính, tôi khoác ba lô trực chỉ hướng sông Nguồn. Con đường đất chạy giữa cánh đồng dẫn tôi về với hồ Trinh Nữ, với làng Diễm khói sương huyền thoại, những cái tên đất tên người vừa gần gũi vừa đẹp vừa buồn luôn xao xác giữa lòng tôi. Đang trưa đứng bóng. Tôi nhìn phía nào cũng chỉ thấy một màu lúa xanh loa lóa. Có cảm tưởng như cánh đồng lan rộng đến tận chân trời. Và con đường đất dưới chân tôi như chẳng có điểm cuối cùng. Cái đích cần đến của tôi lúc này là dãy phi lao cao vút phía xa xa. Tôi thầm đoán là bờ rào bao xung quanh hồ Trinh nữ. Khoảng một giờ sau tôi đã được trút hết mệt nhọc, đứng trong bóng râm miên viễn của một trường thành cành lá kim xanh rì đan bện vào nhau, dày đến độ ánh nắng không xiên nổi. Cảm nhận đầu tiên của tôi là mùi hương sen ngào ngạt tự trong hồ ùa ra vây khắp thân mình. Hình như không phải là hương nữa mà là một thứ khí thơm đậm đăc bao quanh tôi. Cựa mình là chạm phải, giơ bàn tay là vớt được cái làn gió, cái mùi hương quanh quánh gây cho lòng ta sao xuyến đến lạ kỳ. Cái hương thơm tôi chưa ngửi thấy bao giờ, cũng không thể goị thành tên. Vứt ịch ba lô, tôi ngồi tựa gốc phi lao nhắm hờ hai mắt, há mồm tham lam hớp hớp từng ngụm gió thơm lộng lẫy nuốt đầy buồng phổi. Có cảm giác như là tôi đang là là bay lướt quanh hồ.
- Cậu về làng Diễm phải không?
Tôi choàng mở mắt. Vật đầu tiên tôi nhìn thấy cách tôi vài gốc cây là nửa chiếc cần câu vàng óng thò ra ngoài nắng, đầu cần, một con chuồn ớt đỏ chót xoè đôi cánh mỏng đậu im phăng phắc. Nửa cần phía trong chìm trong bóng râm, đoạn cuối cần nằm trong một bàn tay xương xẩu khô quắt. Bàn tay còn lại của ông già đặt lên một bên đùi cụt lủn tới đầu gối. Không nhìn tôi, ông rành rọt từng tiếng, cũng chả đợi tôi trả lời:
- Một cẳng chân của lão đã nằm dưới đầm này mấy chục năm rồi. Bom Mỹ phạt đấy. Hồi đó khẩu đội súng phòng không của ta trực chiến góc đằng kia kìa. Chỗ con cò lửa vừa bay lên ấy.
Tôi xoay hẳn người quan sát lão. Có vẻ lão già yếu hơn bố tôi nhiều. Tôi đoán chỉ hơn bố tôi vài tuổi, nhưng do lam lũ khắc khổ quá nên nét mặt và chòm râu xơ xác như chùm râu ngô tới kỳ thu hoạch.
- Trông cậu tôi biết ngay là trai làng Điềm không lẫn vào đâu được. Lông mày lưỡi mác này. Tóc dựng ngược này, vai dầy như vai gấu ngựa này. Chỉ có đôi mắt sao lại diụ dàng như mắt con gái làng Diễm vậy? Tôi vội thưa:
- Cháu sinh trưởng ở trong Nam thưa ông.
- Ta biết, ta biết. Chắc chắc bố cháu người làng Điềm. Ông nội cháu uống nước sông Nguồn. Bà nội cháu người làng Diễm. Phàm ai đã có gốc gác hai làng này thì không giấu được đâu cháu ạ. Tôi thưa thật bố người Bắc, tên là… ông nội tên là… Nghe vậy, ông lão há mồm sửng sốt, đổi cần câu sang bàn tay trái, rồi giơ cao bàn tay phải vỗ đùi cái đét:
- Cháu của ta ơi, bố cháu ta quen, thân lắm đấy. Một tên tuổi đáng tự hào của làng Điềm chúng ta đấy. Còn ông cháu, cái lão văn thân thối chí ấy cả đời chỉ biết đi ăn giỗ nhà hàng xóm và ngôi lỳ trên bến ao câu cá, nhưng chẳng câu nổi con nào bằng ba ngón tay trẻ con. Vậy mà lúc nào cũng cợt cười, cũng ậm à ngâm những câu như là sinh bất phùng thời, như là thi trung hữu nữ. Còn các cụ tổ của cháu thì khỏi nói, quá oanh liệt. Các vị đang được thờ trong đền trung liệt trên thượng nguồn đấy.
Tôi thần người suy nghĩ. Vậy là tôi đã về đến sông Nguồn. Đây chính là cái hồ Trinh Nữ bà tôi đã gieo vào hồn tôi bao hình ảnh lung linh huyền ảo đó sao. Thảo nào từng bước chân, từng hớp không khí nơi đây tôi nuốt vào lồng ngực có một cái gì quá đỗi thân thương, quá đỗi quen thuộc như hằng ngày từng chung đụng vậy.
- Thế cháu có biết trong đầm này còn có gì đặc biệt nữa không? Cá, phải, những ông cá chép toàn thân đỏ rực như lửa, râu cũng đỏ như tia lửa cháy. Và thịt thì cứ như cục máu đông đỏ thắm, ngọt lừ, bùi ngậy. Là thần dược đấy. Ta may mắn câu được ông cá nào, alô một tiếng, vài giờ sau đã có ôtô trên Hà Nội về chở đi liền. Năm bẩy triệu một ông đấy. Ta ở đây đã mấy chục năm, ngồi câu đủ mười hai tháng mà bà chúa hồ cũng chỉ cho mỗi năm dăm ông là nhiều. Ấy là ta có công góp một cẳng chân và chút máu đào cho thần đầm đấy. Bao nhiêu tay câu cự phách tưởng bở, về đây đều bỏ cuộc giữa chừng. Cháu bảo có lạ không?
Ngừng một chút ông chép miệng: Tiếc là bữa nay không câu được ông cá nào tặng cháu. Mà cháu có nhìn thấy căn lều nhô lên khỏi mặt hồ xa tít kia không? Nhà ta đấy. Ta ở đây đã mấy chục năm rồi. Từ sau cái ngày ta thành thương binh và người con gái ta yêu hy sinh cùng toàn khẩu đội của nàng cũng trong ngày ấy. Mái tóc cô ấy dài tha thướt như gió sen lả lướt mặt hồ .Ta đã tặng em chiếc cặp tóc ta kỳ công mài dũa từ mảnh nhôm xác máy bay. Em đã nhí nhảnh kẹp lưng chừng mái tóc mềm như liễu ấy. Trong mắt ta đấy không phải là chiếc kẹp tóc thông thường, là con bướm trắng óng ánh rung rinh giữa eo lưng thon thả của nàng. Thế mà bom Mỹ đã phạt ngang đám mây huyền bềnh bồng ấy, đem cả con bướm trắng huyền diệu ấy đi rồi. Người ta bảo tóc em bay xuống Sông Nguồn. Ta không chịu. Ta nhất quyết mái tóc em đang chìm giữa lòng hồ Trinh Nữ này. Một ông chép lửa đã mấp máy nói với ta như vậy. Chính vì ta vẫn hy vọng một ngày nào đó tìm được mái tóc em nên mới kiên trì thui thủi chờ đợi ở đây mấy chục năm rồi cháu ạ.
Chao ôi! Chả lẽ người con gái, vị liệt nữ thanh tân ấy chính là cô tôi? Chả lẽ tôi đang được thở cái không khí thơm ngát mấy chục năm trước cô tôi đã từng xao xuyến hít đầy lồng ngực xuân thì mơn mởn? Bất giác tôi quay sang ông, nhìn thẳng vào khuôn mặt phong trần già nua trước tuổi, chợt nhận ra mấy nét quen quen. Cái nòi nhà Hiếng Thọt, mắt le lé, cằm nhọn hoắt, mũi quắp sống liềm và bản mặt dèn dẹt như quả soài nhìn nghiêng. Trăm người như một. Ấy là lời bà tôi mô tả năm nào. Chả lẽ tôi đang đối diện với một trong những hậu duệ dòng tộc Hiếng Thọt đầy tai tiếng một thời?
- Phải ta chính là con út của ông Hiếng Thọt mà bà nội cháu ngày xưa từng mắng mỏ rõ là đồ ăn cướp đấy. Cha ta, cái ông Hiếng Thọt ấy, từng vác giáo chèo thuyền núp bóng bà tướng cướp Tô Thị Hằng cướp vặt trên sông Nguồn, lại đã từng dám một mình dưới làn mưa đạn bơi vo ra giữa sông Nguồn bắt sống tên giặc lái Mỹ đang lúng búng với đám dây rợ tấm dù trắng lốp. Không có ông thì hắn chết ngắc là cái chắc. Mấy chục năm sau viên phi công ấy đã tìm đến làng Điềm với ý định bắt tay cảm ơn người đã bắt sống mình, đã cứu sống mình. Nhưng cha ta đã chết từ tám hoánh. Bữa đó ta thấy cha ta hấp háy đôi mắt lé cười cười sau tấm kính và viên phi công thì khum khum đứng trước ban thờ lóng ngóng cầm ba nén nhang, miệng hắn cười cười, nhưng hai khoé mắt chảy ra hai dòng lệ ướt nhoẹt bộ râu xồm. Thế đấy… thế đấy, mới đấy mà thế gian biến cải khôn lường cháu ạ!
Lúc ấy, một khuôn mặt con gái hồng hào, đôi môi phớt hồng mòng mọng với mớ tóc mượt đen óng ánh rẽ làm đôi phủ đều hai bên vầng trán thanh tú mịn màng hiện ra sau vai ông lão. Chả ngoái đằng sau lão vẫn biết:
- Cháu Diễm đấy phải không? Cùng lúc, tôi gần như choáng váng khi ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt người con gái ấy. Một đôi mắt trong veo, mơ màng, dịu dàng và ngơ ngác bao nỗi niềm của bao nhiêu thiếu nữ con Trời cháu Phật bao đời làng Diễm. Hình như em cũng một thoáng run run đôi nét mày lá liễu nhìn tôi e lệ. Sau đấy rụt rè trao gói trà bảo rằng mẹ em gửi biếu ông. Rồi quay lưng tất tả bước đi. Tôi nhìn theo em ghi trọn hình ảnh con bướm trắng sáng lóng lánh ghim giữa chừng mái tóc đung đưa sau tấm lưng thon thon duyên dáng. Tôi biết từ giờ phút thiêng liêng này tôi đã có con bướm xinh trinh trắng của mình rồi. Và cái mùi hương ít phút trước đây tôi chưa thể gọi thành tên thì bây giờ nó càng nồng nàn choàng ấp quanh tôi, hốt nhiên tôi thốt ra lời:
- Hương Trinh Nữ! Ông già tức khắc reo lên: Phải… phải! Đó là hương trinh nữ. Vừa rồi không ngoái cổ ta vẫn nhận ra cháu Diễm là bởi cái mùi hương trinh nữ ấy. Vậy là cháu đã lớn khôn rồi. Nhụy sen hồ này ướp với trà Tân Cương mới nên trà Trinh Nữ. Được uống một lần trong đời mới biết thế nào là hương trinh nữ nó ám ảnh cả đời.
Chiều muộn, tôi từ biệt ông già. Ông chỉ đường: Theo lối cô gái lúc nãy thì về làng Diễm. Đi ngược lại thì sẽ gặp Sông Nguồn. Qua một đoạn đê ngắn sẽ tới bến Đoạn Tình. Cái bến ấy có nhiều chuyện đời buồn lắm đấy. Họ bảo còn có hồn ma lảng vảng hiện hình ở đấy nữa. Ta thì không tin. Còn cháu cứ thử nghiệm xem. Từ bến Đoạn Tình, rẽ vào làng Diễm cũng được, hoặc ngược sông đi tiếp là tới làng Điềm của cháu.
Tôi tới bến đò Đoạn Tình trời vừa nhập nhoạng. Dường như đây là khoảnh khắc chẳng của Dương Gian, cũng chẳng của Âm phần. Nó lênh loang những sắc màu rờn rợn. Lênh loang khói sương cảnh giới liêu trai. Bờ bên kia, trăng chưa lên nhưng trên đỉnh luỹ tre làng đã vắt ngang một đường viền vàng óng như thép chảy trong lò. Dưới mặt sông loang loáng lăn tăn những làn sóng trắng bạc hấp bóng hoàng hôn thoi thóp. Và ở giữa sông, một cái đầu người nhô lên với hai cánh tay sải bơi sang phía bên này. Thoáng chốc người ấy đã đứng sững bên mép sóng. Anh ta lấy tay vuốt khắp thân hình cường tráng rồi vung vẩy những hạt nước bám trên tấm lưng màu đồng hun, làm tung toé những giọt vàng lóng lánh phản chiếu ánh trăng lấp lánh như vảy cá. Chẳng cần biết tôi là ai anh bảo: Tối rồi. Vào nhà anh tôi mà nghỉ. Nói rồi anh lướt đi trước như làn khói, tôi như bị thôi miên cun cút theo sau. Chạm hai cánh cổng sẵn mở, tôi gặp một ông già râu bạc dài tới rốn đã đứng sẵn chờ. Ông bảo: Nghe tiếng gọi, thì ra là cậu. Quay lại, anh thanh niên kia đã đi đâu mất, tôi thưa có một anh bơi giữa sông dẫn cháu vào đây. Ông cụp mắt như muốn giấu điều gì, rồi nắm tay tôi dắt vào nhà. Đêm ấy hai ông cháu ngủ chung giường, ông thì thầm:
- Cái anh thanh niên vừa rồi là em trai út của tôi đấy. Nói cậu đừng cho là hoang đường. Nó đã chết mấy chục năm rồi cậu ạ. Đã mấy lần tôi rước nó lên chùa Đoạn Tục ăn mày cửa Phật cầu lấy sự siêu thăng Tịnh Độ, nó vẫn chưa chịu. Cứ thỉnh thoảng lại quẫy đạp như cá kình trên Sông Nguồn như muốn đòi lại một cái gì. Kể ra thì thảm lắm. Ngày ấy tôi đang chiến đấu ở chiến trường xa. Nhà chỉ còn mẹ tôi và chú nó. Chú ấy là giáo viên, là hiệu phó trường cấp hai của xã. Ma quỉ xui giục thế nào chú ấy lại yêu một em học sinh con cháu nhà địa chủ. Đang thời chiến gian khổ thiếu thốn đủ bề mà em gái ấy vẫn rực rỡ như một bông hoa. Làng tôi từ xưa, cứ vài chục năm lại xuất hiện một tuyệt sắc như vậy. Chuyện vỡ lở, không chịu được áp lực, chú ấy đã tìm đến cái chết, mấy ngày sau xác dạt vào bến Đoạn Tình. Những năm ấy quan hệ nam nữ, sự phân chia giai cấp còn khắt khe lắm, chả mấy ai dám vượt qua rào cản ấy đâu. Tôi nghiệp em học sinh kia, sau cái chết của em tôi, nó cũng đi tìm cái chết ở bến Đoạn Tình. Khám nghiệm tử thi kết luận em đã mang thai. Cái bến sông làng tôi có tên Đoạn Tình tự cổ. Ngày xưa phải qua đò bến này mới có đường lên Kinh đô. Bao nhiêu tú nữ làng tôi thuở ấy qua sông tiến cung là coi như không còn là người của cha của mẹ nữa rồi.Một đi chẳng có ngày về. Vậy là thảm cảnh đoạn tình, tự nhiên vận vào số phần của bến, của làng. Buồn lắm. Trong số họ, duy nhất có một bà phi may mắn được đặc ân quay lại cố hương, chắc là phần số đã trải nhiều đớn đau oan khuất trong cung cấm, nên bà bỏ tiền ra lập nên chùa Đoạn Tục, rồi vào tu ở đấy. Từ đó đến nay đã có bao nhiêu cô gái tài hoa bạc mệnh xuống tóc làm sư niệm Phật ở chùa này. Hiện một người chị gái con ông bác tôi cũng đang tu ở đấy mấy chục năm rồi.
Chị ấy tên là Huệ. Tốt nghiệp cấp ba đúng lúc cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Chị xung phong nhập ngũ hồn nhiên như bao bạn gái của mình. Hôm chị lên đường đi B, ai cũng thầm lo lắng, chẳng biết một vưu vật vẹn toàn của tạo hoá có chịu nổi sự khốc hại của bom đạn chiến tranh không. Quả nhiên, ngày đi chị tuơi rói một bông hoa, ngày toàn thắng chị héo hắt trở về với căn bệnh tâm thần, đêm cũng như ngày, ngửa ngửa hai bàn tay trước bụng như ẵm em bé đi đi lại lại hát ru, không hát thì hú goi con ơi nghe xé ruột. Một bữa gặp một vị hoà thượng già, chị hỏi: Con tôi đâu? Vị sư hỏi lại: Thí chủ đi đâu? Đáp: Tôi ra Sông Nguồn tìm con. Lại hỏi: Thế mẹ thí chủ mất con lại ra Sông Nguồn tìm thí chủ, thí chủ có đau lòng không? Hốt nhiên chị niệm A Di Đà Phật rồi theo vị sư già về Chùa Đoạn Tục đi tu từ đấy. Tôi đã trải qua gần chục năm lăn lộn chiến trường, sức chịu đựng nam nhi còn muốn ngã gục, huống chi sức vóc mảnh mai đào liễu. Tôi đoan chắc chị đã có một ẩn tình đau đớn lắm mới nên nông nỗi ấy.
Sáng hôm sau ông quyến luyến tiễn chân tôi. Chạm cổng chùa Đoạn Tục, ông bảo nên vào vãng cảnh. Ngôi chùa tĩnh lặng như bao chùa làng khác. Ni sư Diệu Huệ đi khuyến giáo xa. Giữa ao sen nhỏ trước cửa chùa, tôi giật mình nhận ra em Diễm hôm qua đang ngồi thuyền thúng hái những bông sen trắng muốt. Nửa thân hình em nhô lên giữa bụi sen ken dày hoa trắng lá xanh. Sáng nay em mặc áo thung màu hoàng yến. Chiếc cặp tóc sáng bóng sau lưng như cánh bướm trắng chập chờn trên nền hoa vàng rực. Tôi giơ tay vẫy vẫy. Em cũng mạnh dạn vẫy tay chào tôi. Ông chủ nhà hỏi: Câu quen cháu ấy à. Tôi đáp mới gặp chiều qua. Ông bảo: Đám ấy tốt đấy. Cháu ấy gọi sư Diệu Huệ bằng bác. Đang học đại học Du lịch về nghỉ hè. Lâu lắm làng tôi mới lại xuất hiện một tố nữ vẹn toàn như vậy. Trai Điềm gái Diễm. Mong cho hai cháu đẹp đôi. Đừng lặp lại bao cảnh đời buồn đời trước.
Từ biệt ông chủ nhà đáng kính, tôi xăm xăm về phía thượng lưu Sông Nguồn. Từ đây đến làng Điềm của tôi chẳng còn bao xa nữa. Bến Đoạn Tình sớm nay dậy sóng lao sao giai điệu bè trầm rì rào nhiều người cùng hát. Phía giữa sông sương khói mờ ảo dâng đầy. Hình như có một mảng hoa vàng dập dềnh bơi bơi trong đấy. Ô kìa … một con bướm trắng bay bay phất phới trong sương. Tôi trông thấy đôi cánh tay trắng muốt của em Diễm vẫy vẫy tôi. Hình như tôi đang từng bước từng bước nhẹ bay theo nàng. Và hình như có tiếng bà tôi tha thiết sát sau lưng: Quay lại đi cháu ơi! Quay lại đi cháu ơi!
chim_cuoc
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 8
Trong tuần: 751
Lượt truy cập: 449343
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.