PHẠM NHƯ HÀ
trong miền “Mây sông Ninh
Những năm sáu mươi thế kỷ vừa qua, ở Nam Định xuất hiện một lứa trẻ măng “những cây bút làm thơ và đánh giặc”. Họ được thế hệ cha anh yêu quý, kỳ vọng: Nguyễn Khắc Phục, Phạm Như Hà, Nguyễn Vĩnh, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Hồng Vinh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Trần Hữu Đức, Trần Quốc Thực…
Phạm Như Hà – người có thơ in từ năm còn học lớp Năm. Mười bảy tuổi, Phạm Như Hà đoạt giải Nhì thơ trong cuộc thi sáng tác do Ty Văn hóa Nam Định tổ chức, có nhà thơ Nguyễn Bính tham gia Hội đồng chung khảo. Ngày trao giải cũng là lúc “chàng Hà xúng xính bộ đồ tân binh” (thơ Trần Quốc Thực), anh không kịp về nhận giải nhưng bạn đọc lại được đọc thơ anh – chàng tân khoa tân binh - trên trang báo Tết quê nhà năm ấy:
Hội cấy đua tài trăm gái đảm
Má hồng lúa biếc đẹp như tranh
Đầu bờ súng dựng vươn nòng thép
Giờ nghỉ hăng say lại tập tành
(Hội cấy – 1965)
Thử thách lớn nhất của dân tộc ấy là khi phải đối mặt với kẻ xâm lược trong cuộc chiến đấu “vì Độc lập, vì Tự do” - Một thế hệ nữa lên đường! Thế hệ ấy gái cũng như trai, vụt lớn lên trên đôi vai tuổi thanh xuân là nhiệm vụ thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước. Các cô gái quê nhà trong trang phục thanh niên xung phong khi nhà thơ đến thăm:
Anh về bận cuối mùa dưa
Em quàng khăn đỏ, tóc vừa chấm vai
Mà nay cái dáng mảnh mai
Đỡ trên tay cả tuyến dài đường trong…
(Thăm em gái mở đường hỏa tuyến – 1967)
Chỉ một chữ “đỡ” thôi (đỡ trên tay), thơ đã nói được nhiều lắm về các cô gái mở đường năm ấy. Là người lính ra trận, nhưng thật có nghĩa có tình khi thơ Phạm Như Hà dành phần thích đáng để viết về hậu phương, về quê nhà với những lo nghĩ thường ngày:
Ai đi, ai ở lại nhà
Ai lo canh cửi, ai ra chiến trường
Tiếng rằng tiền tuyến hậu phương
Mà trông đâu cũng súng gươm sẵn sàng…
(Gửi về quê mẹ - 1968)
Đó là những năm tháng “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, không ai tiếc sức mình. Thơ Phạm Như Hà hòa vào cuộc sống một nắng hai sương cải tạo ruộng đồng “trên công trường hầm hập chảo bùn sôi”; viết về con đường vượt qua đồng chiêm trũng có “hoa nắng nở tươi cả vũng chân trâu”, những ngôi làng lấn biển ù ù gió cát, các cô gái trải màu xanh cho cánh rừng ngập mặn chắn sóng rồi cả những “tơ vàng sợi trắng lên khung” trong nền nếp tằm tang canh cửi quê nhà. Thơ anh cùng trực chiến bên chiến tuyến bờ biển, ta gặp cả những lão dân quân bám biển “vụ nam kề vụ bắc” khi con trẻ đi chiến đấu ở chiến trường xa – những dáng nét chắc khỏe sáng rực trước biển trời quê hương:
Lão khiêng lưới xuống thuyền
Chân lún sâu bãi cát
Mặt trời không lặn được
Đỏ au tấm lưng trần
(Ông lão đánh cá”
Bạn đọc gặp Phạm Như Hà qua truyện ngắn, bút ký phản ánh tinh nhạy hiện thực sản xuất và phục vụ chiến đấu. Anh viết cả chèo cho liên hoan sân khấu Quân khu III và thơ anh theo sát các chiến dịch…Nhưng có lẽ phần đáng yêu nhất và tinh tế nhất là khi anh viết về miền quê sông Ninh thân yêu. Quê anh, làng Nhự Nương, xã Phương Định vốn là đất Dệt nổi tiếng của huyện Trực Ninh, kề bên sông Ninh, bờ dâu bãi mía xanh ngút ngát với những thuần phong mỹ tục, những hội xuân từ bao đời:
Hội đu anh đã về chưa Chắp tay bái phục ngày xưa quê mình
Đứng trông thì chếnh choáng tình
Đánh chơi thì cả sân đình bay lên…
(Tết quê)
Nền nếp lam làm từ thuở ông bà còn đó:
Buồng tằm buông kín mành
Bà vào ra lụi cụi
Rào rào tiếng tằm ăn
Nhà hăng mùi nhựa mới
Đậu vách ngọn đèn chai
Như con sâu dât nhỏ
Cháu he hé mắt nhìn
Tiếng tằm ăn mờ tỏ…
(Bà ơi)
Thơ tả tiếng tằm ăn lá dâu hay ăn cả ánh sáng ngọn đèn mà tiếng mờ tiếng tỏ? Phạm Như Hà sáng tạo câu hay, chữ đẹp mà không duy mỹ gượng gạo. Viết về tuổi thơ làng quê, anh phát hiện ra điều kỳ thú: “Chủ nhà là người lớn/ Nhưng làng của trẻ con/ Như bầu trời buổi sớm/ Của tiếng chim véo von” …Với tuổi thơ, làng là của chung, không có biên giới nào đâu, tất cả mọi cửa rả, ngõ ngách vào ra cần phải để ngỏ cho các em “Luồn rào sang với nhau”…
Và:
Như thế ở trong làng
Những ngôi nhà riêng đứng
Bâng khuâng một mùi hương
Thơm sang nhau năm tháng…
(Tuổi thơ)
Ai có thể viết hay hơn Phạm Như Hà về tình quê và tuổi thơ với những
ngôi nhà “Thơm sang nhau năm tháng”?
Chuyện học hành, một dẩu hỏi thôi cũng thật thú vị trong con mắt và tấm
lòng nhà thơ yêu trẻ, chia sẻ với bạn đọc nhỏ tuổi:
Ô cái dấu hỏi
Trông ngộ nghĩnh ghê
Như vành tai nhỏ
Hỏi rồi lắng nghe
(Hỏi rồi lắng nghe)
Đây là 2 bài trong chùm thơ 5 bài viết cho thiếu nhi (Măng mọc, Hỏi rồi lắng nghe, Chuyện buổi tối, Bài hát gọi diều, Tuổi thơ) của Phạm Như Hà trong Tuyển tập thơ thiếu nhi Quà tuổi thơ (Bộ môn Thơ Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định – Nhà xuất bản Lao Động) ấn hành năm 2004. Chùm thơ của anh được đánh giá cao cùng với chùm thơ tự chọn các tác giả Trần Mạnh Hảo, Trần Đắc Trung, Phạm Trường Thi, Bùi Công Tường, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Hồng Vinh, Phạm Quốc Tuấn…
Thơ Phạm Như Hà có cả nguồn mạch thẳm sâu nhân ái, nỗi niềm trở trăn, đau đáu tình đời. Anh lặng lẽ trao sang ta những chiêm nghiệm qua năm tháng đời người làm ta giật mình:
Sông trôi cứ ngỡ vẫn thường
Bồi bên nhớ, lở bên thương lúc nào!...
(Sông Ninh)
Thơ ấy không liên quan gì đến thứ câu chữ làm dáng, tán tụng. Thơ ấy là của một người đã ướm cả tuổi trẻ của mình vào những năm tháng hy sinh gian khổ trước sự còn, mất của danh dự và nhân phẩm khi Tổ quốc cần. Dễ hiểu vì sao thơ anh quan tâm đến những thua thiệt, những trắc trở còn trong cuộc sống.
Anh thương mẹ, biết ơn mẹ đã sinh thành những đứa con, trao con cho đất nước, nhận cả nỗi đau, có người thành liệt sĩ, không về với mẹ:
Ai người thương xót mẹ tôi
Nửa đời chạy giặc, nửa đời mong con…
Tôi đi mê mải nước non
Chiều nay đứng giữa chon von kiếp người…
(Mẹ)
Cùng đeo ba lô rời quân ngũ khi hoàn thành nhiệm vụ trở về là bao đồng đội thân yêu. Biết bao khó khăn còn phải vượt qua nhưng quê hương đất nước đã sạch bóng thù để có:
Trời òa xanh dội xuống người sạch trong
(Viết ở Đồng Giao).
Bạn bè một thuở Trường Sơn
Vẫn nguyên cái dáng tất tưởi
Đã chẳng tiếc đời trai trẻ
Giờ buồn chi cho chóng già…
(Bạn cũ)
Vâng, một lớp người con của quê hương, những cây bút chiến sĩ làm thơ và đánh giặc đã đóng góp vào thành tựu văn học chiến tranh vệ quốc những tác phẩm để đời. Chúng ta biết có những người đã về đích thành công. Có những người đã thành liệt sĩ. Có những người lặng lẽ vượt lên, tiếp tục khẳng định sức bền của ngòi bút đã qua thử lửa ở các chiến hào.
Sau hơn mười năm tại ngũ, Phạm Như Hà về nhân công tác tại Hội văn học nghệ thuật của tỉnh ngay từ ngày đầu thành lập Hội. Anh là cán bộ biên tập văn học cần mẫn, được nhiều đồng nghiệp và cộng tác viên yêu quý, tin cậy vì năng lực chuyên môn vững vàng; điềm đạm, thân ái, hết lòng vì công việc được phân công. Anh là nhà thơ được mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, năm 1985.
Về sáng tác, Phạm Như Hà có Khúc hát tặng nhau, tập thơ in chung năm 1983; tặng thưởng thơ hay báo Nhân dân năm 1984; tập thơ Mây sông Ninh – 1994. Anh hai lần được nhận giải thưởng Văn học ghệ thuật Nguyễn Khuyến của tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà về thơ. Anh được trao Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”.
Từ năm 1989, anh là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà – Nam Định, trưởng bộ môn Thơ, là Phó tổng biên tập tạp chí Văn nhân từ năm 1999. Với thơ, Phạm Như Hà tiếp tục có những đóng góp mới, anh là một trong những cây bút hàng đầu của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định.
Ngỏ yêu, tập thơ thứ ba của anh được Phòng xuất bản của Hội ấn hành, hỗ trợ gia đình anh, lúc anh phải nằm giường bệnh sau tai biến. Bạn bè đồng nghiệp xúm lại mong vực anh dậy, tiếp tục công việc của người lao động sáng tạo.
Tiếc thay, một thi sĩ chân tài, sống thật lòng, giản dị, tâm huyết với từng trang viết đã ra đi ở tuổi 57, ngày 24 tháng 6 năm 2004, tại quê nhà, để đó những dự định dở dang bên những trang giấy trắng màu mây khói sông Ninh.
Xin đọc lại đôi dòng Tiễn biệt trong tập Khúc hát tặng nhau ở phần “Giọt sương” anh viết ngày nào:
Bạn ơi trông kìa, bàn tay của hoàng hôn
Xòe rộng cuối trời rưng rưng từng ngón
Nắng sắp tắt rồi chiếc khăn mây trắng nõn
Gió chẳng thể nào mang đến kịp trao…
Sự nghiệp thơ ấy còn khiêm nhường, nhưng chắc chắn những bài thơ tâm đắc, những câu thơ hay của Phạm Như Hà trong “Giọt sương”. “Mây sông Ninh”, “Ngỏ yêu” còn lưu mãi trong lòng bạn đọc.
Phạm Trọng Thanh