Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NIỀM RIÊNG SAU TRƯỚC

Đỗ Ngọc Yên

NIỀM RIÊNG SAU TRƯỚC VẸN TÌNH NƯỚC NON 

    Lê Cảnh Nhạc (*) thuộc lớp nhà thơ trưởng thành sau kháng chiến chống Mỹ. Xuất phát điểm của anh làm nghề giáo và bước ra văn đàn bằng văn xuôi, truyện thiếu nhi. Văn xuôi của anh xuất hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, còn thơ xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Nhưng dường như hiện nay nhiều người biết đến Lê Cảnh Nhạc trong tư cách nhà thơ hơn là nhà văn, mặc dù tập truyện thiếu nhi “Nỗi oan của Đốm” (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 1992) vào những năm 90 của thế kỷ trước được đánh giá cao và được trao giải thưởng văn học viết cho thiếu nhi. Đến nay anh đã có trong tay lưng vốn kha khá, với gần chục tập sách cả thơ và văn xuôi. Đặc biệt, trong năm 2015 anh cho ra mắt bạn đọc cùng một lúc hai tập thơ: “Khúc Thiên thai” (1) và “Non nước đàn trời” (2) đã gây được sự chú ý của dư luận.

Niềm riêng nào của riêng ai
  Với hai tập thơ vừa xuất bản gần đây của Lê Cảnh Nhạc, đã có không ít người cho rằng “Khúc Thiên thai” là thơ tình cá nhân, thuộc về riêng tư, còn Non nước đàn trời mới là bản anh hùng ca về quê hương, đất nước. Ý kiến này, xét ở một khía cạnh nào đấy có thể là đúng, nhưng dường như vẫn còn điều gì đấy chưa thật ổn.
  Có một ai đó đã nói rằng, mọi sự phân chia đều chỉ là tương đối. Điều ấy hoàn toàn đúng với trường hợp phân chia thành hai tập thơ “Khúc Thiên thai” và “Non nước đàn trời” của Lê Cảnh Nhạc. Bởi lẽ, xét đến cùng trong văn chương, nghệ thuật và nhất là thi ca sẽ không có bất cứ cái riêng nào tách bạch tuyệt đối khỏi cái chung của quê hương, đất nước, dân tộc và nhân loại. Ngược lại, cũng không bao giờ có một cái chung treo lơ lửng trên trời xanh, không gắn liền với một mảnh đất, con người, sự kiện lịch sử cụ thể, cũng như với chính chủ thể sáng tạo ra nó- nhà thơ.
  Đương nhiên, cũng là xét một cách tương đối, trong quá trình sáng tạo, nhà thơ thường hướng cảm xúc, suy tư của mình vào một đối tượng khách thể nhất định. Nếu đấy là những vấn đề có tính chất đại sự, bao quát hơn về con người, quê hương, đất nước và cộng đồng quốc tế thì ắt sẽ cho ra các thi phẩm mang tính chung nhiều hơn. Còn nếu nhà thơ hướng cảm xúc và suy tư của mình vào những rung động cá nhân trước một cái gì hay một người nào đấy thì kết quả có được sẽ là những bài thơ nghiêng về sự chia sẻ những nỗi niềm tâm sự riêng tư. Có lẽ, chính vì thế mà Lê Cảnh Nhạc chia tổng số 192 bài thơ thành hai tập như trên, là điều không có gì khó hiểu (!?)
   Là người sinh ra tại mảnh đất bắc miền Trung- Hà Tĩnh, nơi trong chiến tranh và nền kinh tế thời chiến và bao cấp, dường như thiếu thốn tất cả, nhưng lại quá dư thừa khó khăn và nghèo đói, thừa mứa gió Lào và nắng lửa cùng sự bạo liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nói đến nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tôi chợt nhớ đến hai nhà thơ miền Trung khác khá nổi tiếng là Hoàng Trần Cương, quê Nghệ An và Nguyễn Hữu Quý, quê Quảng Bình. Cả ba đều dám vác đá, xếp sỏi xây riêng cho mình ngôi đền thi ca giữa miền Trung nắng cháy bằng một giọng thơ rất riêng, vừa hào sảng, oai hùng khi viết về những vùng đất, con người gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc trong chiến đấu chống lại kẻ thù chung, bảo vệ quê hương, đất nước; vừa da diết, cháy bỏng đến quặn lòng khi viết về những người thân yêu và quê hương mình với lòng tự hào về mảnh đất đã sản sinh ra bao anh hùng, nghĩa liệt, bao thi nhân cho nước nhà, mà thời nào cũng có:
“Cá gỗ, sắn khoai, nhút cà, rau má
Nuôi lớn những anh hùng
Nuôi lớn những thi nhân”
(Miền Trung).
Hoàng Trần Cương trước đây đã từng viết:
“Ôi quê hương
Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước...
Gió bão thù chi với mảnh đất nàynguoihanoi-com-vn-le-canh-nhac
Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen xì ngoài biển
Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến
Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh
Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh
Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt”...
(Nguồn cội)
Còn Lê Cảnh Nhạc khi nghĩ về miền Trung quê anh:
“Miền Trung
 Nắng cong đòn gánh
 Nắng cong bờ biển
 Nắng cong Trường Sơn
 Miền Trung
Chảo lửa túi mưa
Cát trắng tung trời
Gió Lào bạt núi
Biển miền Trung
Còng lưng đón song
Nhoài mình giữ nắng Trường Sa”...
(Miền Trung).
  Hoàng Trần Cương và Lê Cảnh Nhạc thuộc hai thế hệ khác nhau cả về tuổi đời lẫn tuổi văn chương, nhưng lại có chung một cảm thức, một tâm hồn đa cảm và đồng điệu đến lạ thường khi viết về nơi chôn rau, cắt rốn của Mình - miền Trung.  
  Có thể nói “Khúc Thiên thai” là tập thơ nghiêng về nỗi niềm tâm sự cá nhân của nhà thơ. Với 102 bài trong tập này, Lê Cảnh Nhạc đã hé lộ cho bạn đọc thấy những chiều kích phong phú và mới lạ cũng như các cung bậc cảm xúc khác nhau trong thế giới tâm hồn nhà thơ. “Khúc Thiên thai” là những tâm sự, suy tư của nhà thơ về những người phụ nữ mà ít nhiều đã để lại trong anh những khoảnh khắc đẹp, tạo ấn tượng và xúc cảm làm bật dậy những áng thơ nồng nàn tình ái:
“Anh sẽ đến khi em không chờ đợi
Thuyền buông neo quằn quại cánh buồm nâu
Biển trào xô những cơn khát bạc đầu
Chiều xối nắng sóng duyềnh mình đón gió
Anh sẽ đến khi em không chờ nữa
Mây lang thang dồn bão tự bao giờ
Em có biết khi bão ào ạt tới
Bao chắn che con nước sẽ xô bờ”
(Anh sẽ đến)
 Biết là em không chờ nữa, nhưng vì yêu em nên anh vẫn cứ đến. Đấy là một người đàn ông đích thực! Vì anh biết rằng em vẫn còn yêu anh, tất là phải nhớ anh thôi. Quả là chẳng có sai:
“Đêm cồn cào anh có biết không
Chăn trể nãi lật bên nào cũng trống
Ánh đèn khuya nhòa căn phòng lạnh vắng
Gối lệch xô khao khát một vòng tay”
(Đêm khát)
  Thực ra đấy chỉ là những bóng hồng lướt qua đời thi nhân, chứ chẳng phải một cô gái nào, nhưng vẫn cụ thể đến từng chi tiết.
  Viết về người bạn đời rất đỗi thủy chung của mình, nhưng sau khi đọc ai cũng mường tượng ra đấy là những người phụ nữ xứ Nghệ quê anh nói chung:
“Vẫn là em, điên đảo hờn ghen
Nồng như ớt, mặn như là muối bể
Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế
Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng
Vẫn là em, cứ thắc thỏm rối long
Dù chỉ bếp cơm chiều chưa nổi lửa
Đón con tan trường, ngóng chồng gọi cửa
Bát canh riêu bữa tối ngậy thơm nhà
Vẫn là em, chẳng toan tính bao giờ
Bên này chồng con, bên này nội, ngoại
Bè bạn buồn vui, việc tang, việc cưới
Xắn tay lo như chuyện nhà mình
Gừng cứ cay để anh mãi là anh
Đi đến cuối trời không nhạt tình muối mặn
Bến gia đình neo tơ lòng vương vấn
Bởi mãi còn nồng ớt với chua chanh
Vẫn là em...
Lửa ngún của đời anh!”
(Vẫn là em).
  Có thể coi đây là một trong số những bài thơ hay nhất viết về vợ trên thi đàn Việt của Lê Cảnh Nhạc, có thể sánh với các thi phẩm của những người đi trước như: “Thương vợ” của Tú Xương, “Khóc người vợ hiền” của Tú Mỡ, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Nhớ” của Khương Hữu Dụng, “Có một ngày” của Nguyễn Khoa Điềm, “Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay” của Lưu Quang Vũ,... Lòng thủy chung, đức hy sinh và cả sự ghen tuông vô cớ, nhiều khi thái quá cũng chỉ vì yêu chồng thương con luôn là mẫu số chung của tất cả phụ nữ Việt Nam. Nhưng ở mỗi vùng miền, dân tộc, mỗi khác. Cái cách hy sinh, sự ghen tuông của người phụ nữ mang rặt chất miền Trung trong thơ Lê Cảnh Nhạc, chắc chắn chỉ có những người đàn ông nơi đây mới có thể cảm nhận hết được. Cái tài của Lê Cảnh Nhạc ở đây không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt được những phẩm chất riêng biệt, nhưng cũng rất đáng yêu, thậm chí cả những góc khuất trong tâm hồn của người phụ nữ xứ Nghệ, mà quan trọng hơn là anh đã tạc nên hình tượng người phụ nữ ấy bằng những vần thơ vừa cụ thể, chân thật và xúc động, vừa mang tính khái quát cao về những phẩm chất chung của người phụ nữ Việt Nam, không thể trộn lẫn vào đâu được.

Nghĩa tình non nước càng dài, càng sâu
  Miền Trung về mặt địa lý nằm ở giữa đất nước Việt Nam hình chữ S. Thế nhưng không ít người đã nhầm tưởng và suy diễn rằng trung là ở giữa, không thuộc bên nào, đầu nào, bắc không cùng, nam không tận, nên những con người nơi đây thường theo trường phái chiết trung chủ nghĩa, không bao giờ quyết liệt, đi đến cùng, phân chia rạch ròi giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình lịch sử khách quan,... Đấy là một quan niệm hết sức sai nhầm về nhận thức, ít ra là đối với trường hợp Lê Cảnh Nhạc. Anh có nhiều con người xã hội trong một con người thực thể cá nhân. Hiện Lê Cảnh Nhạc là người làm công tác quản lý nhà nước của ngành Y tế, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số; là người quản lý chuyên môn, Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội; là nhà khoa học, Tiến sĩ Giáo dục học, chuyên viên cao cấp; là nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
  Ở bất cứ lĩnh vực nào anh cũng đều làm tốt danh phận của mình, là người sòng phẳng và minh bạch trong công việc, phân biệt rạch ròi từng cương vị công tác mà mình đảm trách, nhưng cũng là người sống rất có trách nhiệm, tình nghĩa, thủy chung với bầu bạn và đồng nghiệp. Theo nhà văn Nguyễn Thế Hùng, có lần Lê Cảnh Nhạc đã từng tâm sự:
  “Tôi không thấy có sự lấn lướt hay chèn ép nào cả khi có sự phân thân rạch ròi trong tư duy và cảm xúc. Khi điều hành công việc quản lý nhà nước thì đừng làm thơ, và khi làm thơ thì đừng tự trói mình vào chiếc ghế quản lý. Cái nào trả về đúng vị trí cái đó. Lúc họp thì đừng “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, còn họp xong, ngồi trên xe một mình là khi thơ lại tự do tung tẩy. Còn hỗ trợ nhau thì có đấy. Tư duy thơ giúp ta xử lý nhiều công việc nhân văn hơn, nhuần nhuyễn hơn, bớt cái ham hố, vụ lợi, đố kỵ đi. Nhiều khi cứ nghĩ theo kiểu AQ: không còn gì thì ta còn thơ. Ngược lại, tư duy quản lý giúp ta tỉnh táo hơn trong lao động nghệ thuật. Những vốn sống, bài học, kinh nghiệm đối nhân xử thế qua công tác quản lý cho ta độ chín và chiêm nghiệm nhiều hơn trong sáng tác. Cái khó nhất trong đời thường là chiến thắng lòng ham muốn của chính mình, còn cái khó nhất trong đời văn là viết cho hay bằng người khác” (3).
  Ở đây chúng tôi muốn nhìn anh trong tư cách là một nhà thơ ở mảng thơ thế sự, in trong tập Non nước đàn trời. Cũng cần nói thêm rằng, đối với Lê Cảnh Nhạc, thơ thế sự được chia ra làm hai dòng chính: Thế sự lịch sử- xã hội và thế sự trữ tình.    
  Ở dòng thơ thế sự lịch sử- xã hội trong tập này có tới 29 bài thơ đã được phổ nhạc, chủ yếu là những bài viết về những vùng đất, những con người gắn liền với các sự kiện lịch sử- xã hội trên khắp mọi miền của tổ quốc. Tuy nhiên trên thực tế, số bài thơ của Lê Cảnh Nhạc được các nhạc sĩ lấy làm lời cho các ca khúc của mình nhiều gần gấp đôi, số bài anh in trong tập này. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Văn hóa- Văn nghệ Công an, ngày 4/2/2015, Lê Cảnh Nhạc cho hay anh đã có 54 ca khúc là con chung với 17 nhạc sĩ. Trong đó có 15 ca khúc được đề nghị viết phần lời, còn nhạc sĩ viết phần nhạc và 39 ca khúc là những bài được các nhạc sĩ phổ nhạc sau khi in báo.
  Như vậy có thể nói, tính cho đến thời điểm này, Lê Cảnh Nhạc là một trong số ít những người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất. Về hiện tượng này thì trước anh duy chỉ có Tạ Hữu Yên đã có tới 165 bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Đất nước”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Cảm xúc tháng Mười”... và đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
  Với dòng thơ thế sự lịch sử- xã hội của Lê Cảnh Nhạc, âm hưởng hào sảng, giọng thơ khỏe khoắn, đậm chất anh hùng ca là đặc điểm nổi bật.
“Đất nước tôi vỗ sóng khúc đàn trời
Trường Sơn giăng dây độc huyền xanh thắm
Nhịp phách biển Đông dư vang sâu lắng
Khúc ví giặm đồng dao ngân trên phím dân ca...
Cả đại dương dồn xoáy biển Đông
 Nhấn chìm mưu toan mọi kẻ thù xâm lược
Bản anh hùng ca âm vang hồn nước
Náo nức thiên cầm những tấu khúc non thiêng”
(Non nước đàn trời)
Khi viết về các địa danh lịch sử, nơi in dấu những chiến công hiển hách về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như Điện Biên Phủ, Đồng Lộc, Côn Đảo... chất anh hùng ca đầy khí thế tự hào của dân tộc càng được tô đậm thêm ở Lê Cảnh Nhạc:
“Hồn nước linh thiêng âm vang Điện Biên
Sông núi uy linh lưu danh Điện Biên
...
Mái ngói đỏ tươi thắm trời Điện Biên mây trắng
 Bản anh hùng ca lắng sâu hồn nước non nhà”
(Âm vang Điện Biên)
  Đặc biệt khi anh viết về Côn Đảo, nơi đã từng được mệnh danh là địa ngục trần gian dưới thời Mỹ- Ngụy chiếm đóng, nay trở thành địa chỉ đỏ cho những ai muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao dân tộc Việt Nam lại có thể chiến thắng một kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất nhì thế giới hiện đại như Mỹ. Với một bút pháp tả chân, không hề né tránh sự thật lịch sử, Lê Cảnh Nhạc đã dựng lại bác tranh Côn Đảo xưa và nay bằng hai màu tối- sáng, với sự khâm phục và lòng ngưỡng vọng đến tột cùng những chiến sĩ Cộng sản đã từng bị đế quốc Mỹ giam cầm và tra tấn hết sức giã man tại đây, nhưng cuối cùng tinh thần của họ đã chiến thắng, giành lại độc lập tự do cho nước non nhà.:
“Không nơi đâu như trên mảnh đất này
Khói nhang vương từng nhành cây ngọn cỏ
Sáu ngàn dân hai mươi ngàn ngôi mộ
Oan khuất những linh hồn vùi cát bóng Hàng Dương”...
Và hôm nay là một Côn Đảo đã hoàn toàn đổi khác, tràn hy vọng về một khu du lịch khám phá lịch sử đầy tiềm năng:
“Chuông nguyện hồn linh thiêng xứ sở yên bình
 Ngân khúc tri ân lưu danh Côn Đảo
 Giục những chồi non, xua tan giông bão
Hàng Dương xanh đón triệu bước chân về.”
(Tiếng chuông chùa Côn Đảo)
  Ở dòng thơ tự sự trữ tình, Lê Cảnh Nhạc đã gặt hái được khá nhiều thành công khi viết về các vùng quê đất Việt như: “Đôi bờ Ví- Giặm”, “Sao em không về quê anh”, “Lãng du hồ Kẻ Gỗ”, “Tình rừng”, “Sương khói Sa Pa”, “Chiều Tam Đảo”...    
  Nhưng theo tôi “Đêm Phiêng Lơi” là một trong những bài thơ hay nhất của Cảnh Nhạc. Bức tranh về một đêm hội xòe của các cô gái Thái ở bản Phiêng Lơi đã khiến người đọc cảm thấy như chính mình cũng được tham sự vào đêm hội ấy. Cố thi sĩ đa tình bậc nhất chốn Kinh Bắc Hoàng Cầm trước đây bị hút hồn bởi chiếc váy của người phụ nữ kinh kỳ trong bài thơ nổi tiếng “Lá Diêu bông”: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.
  Sinh thời liệu ông có biết sau này có một nhà thơ cũng đa tình không kém, đấy là Lê Cảnh Nhạc. Trong cái đêm hội xòe chan chứa tình người, nghĩa đời ấy, anh đã thấy: “Váy bồng nghiêng núi đồi”. Khác chăng là người con gái Đình Bảng trong Lá Diêu bông của Hoàng Cầm sắp trở thành phụ nữ, còn người con gái trong đêm xòe Phiêng Lơi của Lê Cảnh nhạc lại mới chỉ: “Vít rượu cần mười tám” mà thôi. Có lẽ vì thế mà cả không gian đất trời đêm Tây Bắc cũng:
“Trăng lướt khướt ngang đồi
Bóng cây chừng chao đảo
Đất trời nhoà hư ảo
Vòng xoè em chuốc say.”
Rõ ràng là không chỉ có rượu cần, mà cơ bản là sức trẻ của cô gái Thái và một tấm hồn nhạy cảm mới có thể tạo nên đơcj một thi phẩm làm say lòng người đến như vậy:
“Anh thành tro của đá
 Anh thành tàn của cây
 Hồn anh thành mây khói
 Hoang trời đêm Phiêng Lơi.”
  Lê Cảnh Nhạc đã rất tinh tường khi chọn thể thơ ngũ ngôn có giai điệu rất hợp với nhịp bước chân trong ngôn ngữ múa xòe của người Thái. Bài thơ là một thành công rất đáng ghi nhận về thơ của anh.   
Vĩ thanh
  Nhiều người tưởng trong điều kiện công việc quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn bận tối mắt, tối mũi như Lê Cảnh Nhạc, làm gì còn thời gian dành cho nàng thơ, vốn rất kiêu sa và đỏng đảnh. Vậy mà anh vẫn viết đều, viết khỏe. Chỉ có sự lao động cật lực cùng với một niềm đam mê cháy bỏng đối với thi ca anh mới có thể làm được như vậy. Vì thế, có lẽ cần phải hiểu câu nói “Người cùng thì thơ hay” của Nguyễn Du trước đây theo một cách khác chăng? Với Nguyễn tiên sinh cái cùng ở đây là về thời vận, theo nghĩa cùng đường quan lộ. Nhưng còn có một cái cùng khác về mặt thời gian dành cho thi hứng sáng tạo, tức là những công việc khác đã chiếm hết thời gian vật chất, chẳng có lúc nào rảnh rỗi để mà “ru với gió/ mơ theo trăng vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu) như các thi sĩ của phong trào Thơ Mới trước đây. Trái lại nhiều nhà thơ hiện nay nếu không quá bận công việc cơ quan thì cũng phải cật lực bươn chải mà kiếm sống, ấy vậy họ vẫn làm thơ, còn làm hay nữa là khác. Lê Cảnh Nhạc là một người trong số đó.   
  Ngoài sự đam mê thơ ca, Lê Cảnh Nhạc còn là người rất nhạy cảm chính trị. Trước nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của các địa phương và của đất nước, dân tộc anh đều có thơ và phần lớn đã được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Đấy là cái duyên gắn bó giữa thơ và nhạc của anh mà không phải ai cũng có được./. 

                                                                            Đ.N.Y
..................
* Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội 
(1). Khúc Thiên thai. Thơ Lê Cảnh Nhạc. Nxb Hội Nhà văn. H, 2015.
(2). Đàn trời non nước. Thơ Lê Cảnh Nhạc. Nxb Hội Nhà văn. H, 2015.
(3). Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Mỗi lần gặp là một bất ngờ. Nguyễn Thế Hùng.
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 3
Trong tuần: 704
Lượt truy cập: 446471
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.