Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỮNG NGƯỜI CON CỦA NÚI

Hoàng Quảng Uyên
 
HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
ĐẤT VÀ NGƯỜI NÚI HOA
 
   Nhận cuốn tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI CON CỦA NÚI của nhà văn Nông Văn Kim (Nhà xuất bản Hồng Đức - 2023) tôi đọc ngay với sự háo hức và tò mò. Háo hức vì muốn được cảm nhận văn chương trong tiểu thuyết của nhà văn họ Nông ở vùng đất Bắc Kạn nổi danh với Tam Kiệt: Nhà thơ Nông Quốc Chấn; Nhà thơ Nông Viết Toại; Nhà văn Nông Minh Châu. Nhà văn sẽ “dựng” Đất và Người Phja Bjoóc trong giai đoạn trước và sau cách mạng tháng tám năm 1945 như thế nào? Tò mò vì muốn biết cuộc sống, thân phận người Núi Hoa của nhà văn Nông Văn Kim và Người Núi Hoa của nhà văn Nông Minh Châu trong tiểu thuyết Muối Lên Rừng (Cưa Khửn Đông) đã nổi tiếng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước có diện mạo và tâm thế như thế nào? So sánh không phải về độ cao, thấp văn chương mà để ngẫm ngợi, thưởng thức.
   Cuốn sách dày 234 trang, gồm 9 chương dễ đọc và cuốn hút. Đọc xong chương đầu muốn đọc tiếp ngay chương sau để xem sự việc, số phận của nhân vật diễn ra như thế nào?. Rồi tiếp những chương sau nữa...Chương mở đầu với cuộc tụ bàn của các chức dịch địa phương trong một ngôi nhà có của - Gồm Chánh tổng Thành, Đội Lệ, Lý Mưu thôn trưởng Hàm để bàn một việc hệ trọng ảnh hưởng đến cả thôn làng, đến cả xã: Đốt thằng Đàn hủi.
Cuộc đốt hủi được thực hiện rõ đến từng chi tiết, bi thương và rùng rợn:
“ - Làm ngay đi, làm ngay đi
Thằng Poòng chui ra khỏi chòi, đứng bất động nhìn xuống đám đông, lắc đầu. Chánh Thành vớ lấy mảnh khăn trên bàn vừa phất phất lên đồi vừa gọi to:
- Làm ngay đi, làm ngay đi!
Bóng thằng Poòng lại thụt vào trong căn chòi. Chánh Thành quay lại giục:
- Thầy lý chạy nhanh lên, bảo họ làm ngay đi, kẻo mưa đến thì khốn!
Lý Mưu đứng bật dậy định chạy lên, vừa lúc thằng Poòng bước ra khỏi chòi, sau lưng nó bỗng bùng lên một đám lửa; mọi người đều nhìn thấy, hai lính cơ ngồi thụp xuống chĩa súng vào căn chòi, Hai tiếng “Đoàng, đoàng” vang lên át cả những tiếng lốp bốp của củi nứa cháy. Hai lính cơ chạy xuống đồi như bị ma đuổi. Chánh Thành quay lại chỗ ngồi, thở hắt ra như trút được gánh nặng. Bỗng phía trên chòi vang lên tiếng gào thê thảm:
- Ôi trời ơi, nóng quá, nóng quá, bắn cho tôi hai phát nữa đi... trời ơi!
Mọi người thất kinh, hoá ra anh Đàn còn sống? Thế là một không khí nhốn nháo diễn ra, kẻ chạy ra, người chạy vào trong tiếng huyên náo, tiếng gào thét của đám phụ nữ.
- Trời ơi! các ông thiêu sống anh Đàn à!
- Các ông không sợ bị hổ bắt hổ vồ à, đồ dã man, ăn thịt người!
- Các ông không sợ trời tru đất diệt à!
Từ giữa đám khói bốc lên cuồn cuộn, tiếng anh Đàn vẫn gào lên:
- Thàm ơi pa nóng quá, Thàm ơi pa nóng quá...ôi… ôi…
Chánh Thành vội ngoắc tay hai lính cơ đến, hét to:
- Chạy lên bắn hai phát nữa đi!
Hai người lính còn dùng dằng không muốn đi. Chánh Thành khoát tay:
- Cho mỗi thằng một xúc vải nữa, làm nhanh lên!
Hai người lính vừa đi được mấy bước; chợt một quầng lửa bùng lên, tiếng gào bỗng im bặt. Chánh Thành thở phào:
- Thôi, không phải đi nữa!
Bỗng giữa đám áo khăn trắng toát, một bóng nhỏ vụt chạy lên đồi, vừa chạy vừa gào thảm thiết “Pa ơi... Pa ơi”. Mấy người phụ nữ chạy lên níu lại, cái bóng nhỏ quằn quại chạy thoát ra được, nó tiếp tục chạy lên đồi, mỗi lúc một xa. đám phụ nữ bị bỏ lại giữa dốc, kêu khóc chới với như bị chết đuối dưới nước. (Trang 25 - 27)
  Ở chương này, tính cách, sự việc xảy ra, cách ứng xử của từng nhân vật được giới thiệu: Đàn hủi, cậu Hàm, Hân (vợ Đàn) đã mất và đặc biệt là Thàm (nhân vật chính), đứa con gái khổ đau của Đàn hủi và Hân. Mỗi nhân vật xuất hiện một cách hợp lý, đúng hoàn cảnh mở ra một hình ảnh xóm nhỏ miền núi nghèo khó, khổ đau!
 img_5565a
   Xong việc đốt hủi (Chương I) người đọc muốn được tường tận nhân vật Thàm sẽ sống, sẽ tồn tại như thế nào trong một xã hội còn nhiều hủ tục, nhiều đau thương và số phận của Thàm hiện lên ở chương II cũng rõ, cũng chi tiết, cũng bi thương với những bi kịch. Ba năm sau khi Pa Đàn bị đốt tai họa lại ập đến với Thàm và làng Thôm Sang. Tháng Tám quan trên lệnh xuống gom những người hủi đi trại tập trung. Thàm bị liệt vào diện con hủi, làng Thôm Sang là làng hủi! để tập trung người hủi đi trại phải tổ chức khám hủi. Và Thàm, con gái của Đàn hủi bị đốt 3 năm trước là người phải bị khám hủi…Bi kịch mới bắt đầu từ đây! “Thày Lý ba mươi chín tuổi, khoẻ mạnh, đẹp trai, thích tự do” được giao việc khám hủi. Cuộc khám hủi diễn ra. Lý Mưu và Thàm vướng vào chuyện xác thịt, sau đó là cuộc tình oan trái của 2 người mà kết quả là một sinh linh bé nhỏ được kết tinh. Thàm sinh con khi bố của nó (Lý Mưu) xảy chân ngã xuống vực chết mà nguyên do từ Thàm. “- Bân đin ơi! (Trời đất ơi) sao lại đầy đoạ tôi đến nước này! có phải tôi đã giết chồng tôi không! tại sao những người thân của tôi lần lượt phải chết”.
 
  Và…Trong những chương tiếp theo, chương nối chương, mê mải…Thàm gặp cán bộ, cứu cán bộ cách mạng, theo cách mạng. Rồi bước và việc xóa giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thàm đi học với thày giáo Toản, trở thành giáo viên bình dân ở xã Thượng Viễn, lên làm cán bộ huyện. Tình yêu nảy nở với người con trai người Dao – Đặng Tài Vinh…
Một kết thúc có hậu
 
   Vài điều tôi “tóm tắt” cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nông Văn Kim. Tôi chỉ muốn đó là khúc dạo đầu để người đọc nhận ra một hiện thực huyền ảo của tác giả, điều làm nên giá trị của tiểu thuyết Những người con của núi. Những trang văn tả thực rõ tới từng chi tiết với sự quan sát tinh tế, sắc nét nhưng không phải là những trang bút ký trần trụi mà với những suy tưởng, ngẫm ngợi đã trở nên huyền ảo. Có cảm giác như tiểu thuyết là tập hợp những truyện ngắn, vốn là đặc sản của nhà văn Nông Văn Kim. Nhưng những truyện ngắn này không thể tách bạch, lại càng không thể kết nối với nhau để thành một tiểu thuyết.
Với một vốn sống phong phú. Với những trải nghiệm sâu sắc và trí tưởng tượng bay bổng, nhà văn Nông Văn Kim đã mải mê kiếm tìm như một thợ săn thực thụ. Những trang văn tả về những cuộc đi săn, về những người con gái đẹp bị gán cho là “ma gà”, tình cảm của con người với những con vật… có tình người. Thân thiết với con người như tình cảm của Thàm với con Cáp Tao (một loài hổ) là những trang văn chân thực, xúc động, chính là hành trình kiếm tìm và những phút giây thăng hoa của nhà văn - Thợ săn Nông Văn Kim.
 
Nếu có một chút gọi là “nuối tiếc” thì đó là sự nuối tiếc nhẹ nhàng. Với những tư liệu, hiện thực đầy ắp về lịch sử của giai đoạn mà tiểu thuyết lấy làm nền và những hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc về văn hóa, về phong tục, tập quán của một vùng Tày chuẩn đã dẫn dụ nhà tiểu thuyết sa đà, lạc lối vào thể loại ký sự. Chỉ thấy kể, kém chi tiết, bay bổng…
 
Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nông Văn Kim và là cuốn tiểu thuyết thứ hai của vùng Văn Bắc Kạn (sau tiểu thuyết Muối Lên Rừng của nhà văn Nông Minh Châu). Cuốn tiểu thuyết được nhà văn ngẫm ngợi và viết trong thời gian 18 năm (2005 - 2023). Một tiểu thuyết chững chạc, đằm sâu với nhiều suy tưởng, nhiều trang văn tài hoa nối tiếp và nâng cao thành tựu Xứ Văn Bắc Kạn.
Và bây giờ…Mời các bạn nhập vào thế giới văn của nhà văn Nông Văn Kim để cảm nhận về vẻ đẹp Đất và Người Núi Hoa và cuộc đổi đời do cách mạng đem lại.
 
                                                                                                      H.Q.U
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 50
Trong tuần: 629
Lượt truy cập: 417123
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.