Nguyễn Trác
NHỮNG CON TEM VÀ NHỮNG LÁ THƯ
Ngày chúng tôi còn trẻ, đất nước vẫn nghèo, internet chưa ra đời, điện thoại rất hiếm thì những lá thư với con tem xinh xắn trên góc phong bì là phương tiện chính để trai gái vợ chồng bè bạn thông tin liên lạc và tìm đến với nhau. Nhất là mỗi dịp xuân về Tết đến.
Những thùng thư màu vàng đặt trước Nhà Bưu điện luôn đầy ắp thư. Ngày hai lần-trưa và chiều-anh Bưu tá ra mở để lấy thư chuyển tới tay người nhận.
Dù đã bỏ thư vào thùng, nhiều người thấy thùng đầy quá lại tần ngần tìm cái que để ấn nhẹ lá thư của mình cho nó xuống sâu hơn rồi mới yên tâm về.
Có khi vì lí do nào đó không gặp thùng thư người ta chỉ cần đề địa chỉ người nhận lên phong bì rồi gửi lên ô tô hay một toa xe lửa là lá thư thể nào cũng được ai đó mang tới nhà chủ nhân.
Những lá thư sinh viên tranh thủ viết trên giảng đường khi bạn bè nghỉ trưa, lá thư người lính viết trên đường hành quân, lá thư dưới ánh đèn dầu hỏa nơi sơ tán của cô giáo trẻ… Tất cả đều nặng hơn nhiều số gram cơ học của nó và đều thấm đẫm những yêu thương xa cách.
Hà Nội, Sài Gòn… hay nhiều nơi khác ở nước ta giờ ngày càng ít những thùng thư và trong những thùng thư giờ chủ yếu cũng là công văn giấy tờ hành chính công vụ. Người ta ngại viết hơn. Nhớ nhau hẹn nhau đã có điện thoại để gọi hoặc nhắn tin. Những dòng tin nhắn với những kí tự tắt và ngôn ngữ nói tuy khô khan nhưng nhanh và tiện. Sang hơn thì email. Cả lớp trẻ lẫn trung niên người già đều vậy. Trong một thế giới đang tất bật từ fastfood đến broadband và mạng internet thì mọi thông tin cần phải cực kì nhanh chóng và tiện dụng.
Người ta cũng quên dần những bài hát từng nổi tiếng về anh lính quân bưu, người bưu tá hay cô gái giao liên…
Gắn liền với lá thư là chiếc phong bì và những con tem. Cả chúng cũng chứa đựng nhiều những sắc thái tình cảm khác nhau tùy nội dung thư và tâm trạng người gửi.
Tôi nhớ, hồi năm 1972 trong đoàn cán bộ giáo dục vào chiến trường B1 chúng tôi có một thầy giáo trẻ quê Hưng Yên. Anh cao gầy lại mang tên con gái-Phong Lan-nhưng đặc biệt thông minh và hóm hỉnh. Dọc đường anh kể cho chúng tôi nghe chuyện cưới vợ của mình. Không rõ thật đến đâu hay chỉ là chuyện vui cho quên bớt mệt nhọc đường dài. Anh bảo, hồi ở quê anh yêu một cô gái cùng xóm và cô cũng yêu anh. Tình yêu họ chân thành, trong sáng và đằm thắm nhưng không hiểu sao có mấy bà cô ông chú lại cứ nhất quyết phản đối. Bảo vệ tình yêu của mình anh nhất quyết xin bố mẹ hai bên cho cưới. Thiếp mời được gửi đi như mọi đám cưới khác. Duy chỉ có điều đặc biệt là thiếp gửi mấy bà cô ông chú thích “phản đối” kia anh bỏ vào một loại phong bì đặc biệt riêng. Đó là loại phong bì có in hình đoàn xe ra trận cùng dòng chữ đậm bên dưới “Địch phá ta cứ đi”.
Ôi những phong bì và con tem thời chiến. Còn trước mắt tôi giờ là những con tem thời bình tôn vinh chủ quyền Tổ quốc. Đó là bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” mang tính thời sự sâu sắc.
Bác tôi ngày còn sống từng kể cho tôi nghe về những con tem thuộc lớp đầu tiên ở Đông Dương do các họa sĩ Việt Nam thiết kế. Đó là những con tem mang hình ảnh Việt Nam, chữ Việt Nam, gíá tiền Việt Nam phát hành những năm 20 thế kỉ trước như tem Phụ nữ Nam kỳ búi tóc (còn gọi là tem cô Ba), Chùa Thiên Mụ, Vịnh Hạ Long…Còn trước đó không lâu thư từ công văn ở xứ ta vẫn được chuyển đi theo cách bỏ vào những ống tre, hai đầu bịt kín bằng nhựa thông và do các phu trạm đảm trách.
Nhà thơ lớn Hy Lạp A.Rít-xốt từng có một câu thơ nổi tiếng trong tù về niềm thương nhớ Mẹ và sự thiếu thốn, đại ý “không còn cả nước bọt để dán một con tem gửi thư về cho Mẹ”.
Bây giờ chẳng những ít người viết thư, thùng thư khó gặp mà cả những con tem cũng hiếm. Xưa, quầy báo hay hiệu sách nào cũng bán nhưng nay thì hầu như không.
Tem thư đã đi một chặng đường gần 200 năm kể từ khi nó ra đời ở Vương quốc Anh năm 1840. Cùng với sự ra đời của tàu hỏa, vào thời kì chuyển tiếp giữa hai thế kỉ 18 và 19 những chiếc tem thư nhỏ bé đã góp phần cho việc truyền thông liên lạc trên thế giới phát triển mạnh.
Máy móc và dịch vụ ngày nay đang dần thay thế. Chúng làm nhanh và hiệu quả hơn nhiều trong việc giúp đỡ con người. Nhưng mỗi lần gặp trên đường một thùng thư, giở lại bức thư viết tay xưa trên giấy pơ-luya mỏng hay nhìn ngắm một con tem cũ tôi chắc nhiều người vẫn không khỏi bâng khuâng nhớ tới những kỉ niệm về một thời nghèo khó chưa xa .
Đó là những kỉ niệm thách thức thời gian, thách thức sự đổi thay đào thải và khẳng định sự trường tồn của tình cảm con người.
N.T
Người gửi / điện thoại