Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHƯ CÁNH HẠC VỀ TRỜI

Bùi Việt Thắng

NHƯ CÁNH HẠC BAY VỀ TRỜI...

(Về một nhà giáo – nhà văn đất Kinh kỳ)                                                                                                                   

          Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân - Nhà văn Hoàng Như Mai sinh ngày 6 tháng 8 năm 1919 tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thưở nhỏ học tiểu học ở Bắc Giang, học trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) ở Hà Nội. Đỗ Tú tài Triết học năm 1939, vào học Cao đẳng Y khoa Đông Dương, sau một năm chuyển sang học Đại học Luật khoa (học dở vì sức khỏe không đảm bảo). Năm 1943, dạy học ở Trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương). Tham gia Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội. Năm 1946 -1947 tham gia đoàn kịch Độc Lập cùng với các nghệ sĩ Đào Mộng Long, Sỹ Tiến…Đoàn kịch lưu diễn ở các tỉnh miền Trung để tuyên truyền, cổ động nhân dân kháng chiến chống Pháp. Năm 1948 được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên, sau đó được cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Thanh (Thái Bình). Năm 1951-1952 giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc. Từ năm 1953 đến 1957 giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương. Từ năm 1958 đến 1980 giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1981 đến 1990 giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Từ năm 1988 được bầu làm Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh. Từ sau ngày nghỉ hưu, Giáo sư Hoàng Như Mai còn đảm nhận chức Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Văn Hiến, Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Trương Vĩnh Ký, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984 Thầy Hoàng Như Mai được phong học hàm Giáo sư, năm 1990 được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Vì những công lao trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Giáo sư Hoàng Như Mai đã được tặng thưởng các huân chương cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (1961), Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1995).

     hoang_nhu_mai     Nếu tính từ năm 1943, khi bắt đầu tham gia ngành giáo dục, cho đến ngày rời cõi tạm, tròn 70 năm, Giáo sư Hoàng Như Mai đã toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm  thì phải trồng người”. Giáo sư Hoàng Như Mai là một nhà giáo, một nhà hoạt động văn hóa - xã hội, và hơn thế là một nghệ sĩ đa tài. Năm 2005, nhà xuất bản Giáo dục xuất bản tác phẩm Hoàng Như Mai - Tuyển tập (do PGS Trần Hữu Tá tuyển chọn và giới thiệu). Có thể coi đây là công trình của một đời văn, có chất lượng cao và đặc biệt hết sức phong phú về nội dung. Tác phẩm gồm hai phần lớn: Phần thứ nhất (nghiên cứu và phê bình) bao gồm các công trình nghiên cứu văn hóa, văn học và sân khấu cải lương. Phần thứ hai (Hồi ức và sáng tác) bao gồm hồi ký, truyện thiếu nhi, kịch và thơ. Là thế hệ học trò của Giáo sư Hoàng Như Mai, và về sau là đồng nghiệp tham gia giảng dạy môn văn học Việt Nam hiện đại (từ sau năm 1945), tôi có được cái may mắn thụ hưởng những “luống cày vỡ” của Thầy khi tiếp cận giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (1945 -1960) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1961. Nhiều thế hệ học trò khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) còn nhớ như in hình ảnh người thầy có mái đầu bạc như cước, đôi mắt sáng tinh anh, giọng nói trời phú âm vang mà nồng ấm, phong thái vừa khoan thai, vừa như nghệ sĩ trên sân khấu đã truyền lửa cho những sinh viên hiếu học, càng tăng thêm lòng yêu đất nước, quê hương qua những áng văn thơ bỗng nhiên “mọc cánh” từ bài giảng của Thầy. Bí quyết để Thầy chinh phục người nghe, tôi cứ nghĩ, không gì khác ngoài cái tình người, tình đời sâu thẳm. Hay nói cách khác từ một tấm lòng nhân hậu bao la. Thầy không hề cao đàm khoát luận, Thầy xa lạ với lối hàn lâm kinh viện, Thầy có cái khả năng biến những điều phức tạp nhất thành sự giản dị, chân phương. Mãi sau này khi trưởng thành, tôi mới ngẫm ra: Cái đẹp chính là sự giản dị, cũng như chân lí bao giờ cũng giản dị. Năm 1986, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Thầy từ thành phố Hồ Chí Minh đã trở về với đồng nghiệp, với sinh viên của khoa trong ngày hội lớn. Đứng cạnh thầy, riêng tôi có cảm giác như Thầy vừa mang cái hơi ấm của một vùng đất nắng gió phương Nam ra miền Bắc vào cữ tháng mười se se lạnh. Dịp đó Thầy đã viết những dòng thơ giản dị, chân tình và xúc động “Thầy cô người mất người còn/ Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường/ Ba mươi năm một chặng đường/ Về đây có cả buồn thương vui mừng/ Nguyện xin đốt nén hương chung/ Những ai đã khuất hãy cùng lại đây” (Trở về khoa Ngữ văn). Trong tác phẩm Hoàng Như Mai - Tuyển tập, chọn đăng 36 bài thơ của Thầy, ai có dịp đọc sẽ thấy, một tâm hồn thi sĩ, đắm đuối với đời, với người. Dường như không có kĩ thuật, dường như xa lạ với các chủ nghĩa, thơ của Thầy vọt trào lên từ sự sống, một sự sống không bao giờ chán nản. Tôi nghĩ, chính cái chất lạc quan, vui sống đã giúp Thầy trường thọ, khỏe mạnh, tinh anh như chúng ta thấy cho đến tận hôm nay, trước ngày đi xa.

          Sự nghiệp trồng người mà Thầy đã dâng hiến trong 70 năm tròn là một bài học, là một tấm gương sáng cho các thế hệ thầy cô giáo trẻ noi theo. Nhưng tôi còn nghĩ, làm nên bề dày, tầm cao, chiều sâu của một nhà giáo trong nghĩa đích thực, từ đầu đến cuối sự nghiệp giáo dục, Thầy luôn luôn có ý thức sâu sắc và mạnh mẽ về mối dây liên hệ giữa nhà trường và xã hội. Tôi còn nhớ câu Thầy vẫn nhắc nhở khi tôi được thụ giáo “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi xanh tươi”. Những năm tháng tôi (và nhiều đồng nghiệp khác nữa) được Thầy dìu dắt, Thầy vẫn chỉ nhận mình là người chở đò kiên nhẫn, người làm vườn vĩnh cửu. Cái phẩm tính khiêm tốn ấy không dễ gì tìm thấy ở những người chung quanh chúng ta. Nhìn vào tiểu sử của Thầy, bất cứ ai cũng có thể nhận biết một điều hết sức giản dị: có thể sự thành đạt trong trường đời, như ai đó nói, là do cái “số”. Nhưng bằng tấm gương lao động không mệt mỏi của Thầy, tôi lại thấy đó chính là kết quả của sự lao động cần cù, kiên nhẫn; là kết quả của niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa và cái đẹp. Cuộc đời của Thầy không hề giản đơn, suôn sẻ, chỉ đi trên những nẻo lối toàn hoa thơm, chỉ toàn tiếng hoan ca ngây ngất. Bên Thầy nhiều năm tôi mới nhận biết một cách sâu sắc rằng: chính Thầy đã tự tại, đã đắc đạo hơn rất nhiều người cả trong những trạng huống nan nguy nhất trên đường đời. Hình như không thấy Thầy buồn, lại càng không thấy Thầy rơi vào “bĩ cực”, tưởng như Thầy có phép màu biến không thành có, biến bại thành thắng. Không hề như thế, trái lại, Thầy biết cách điều hòa tâm thế, biết rất rõ cái “ngưỡng” của đời sống, Thầy biết “cho” và “nhận” một cách hài hòa theo tinh thần nhà Phật. Thật sự tự đáy lòng, trong giờ phút này, tôi không muốn kể về những gì Thầy đã làm được, mà chỉ muốn tâm niệm và chia sẻ một điều hết sức giản dị - Thầy đã sống như thế nào giữa chúng ta.

          Nhưng hỡi ôi, mấy ai vượt qua được cái quy luật khắt khe của tạo hóa “sinh lão bệnh tử”! Rồi cũng đến cái ngày mà không ai muốn, nhưng không thể chống lại được - con người cuối cùng rồi trở về với đất, cũng có thể vì “người ta là hoa đất” chăng? Giáo sư Hoàng Như Mai đã đi vào cõi thiên thu ngày 27- 9 - 2013. Bài viết của tôi, trong giờ khắc này, như một nén tâm nhang dâng lên linh hồn người Thầy của tôi, của bạn, của chúng ta. Trong tôi, giờ khắc này, bỗng chốc chan hòa cả hai tâm trạng đặc biệt: đau thương và tự hào. Đau thương vì vĩnh quyết một Con Người viết hoa. Tự hào vì thế giới này đã từng sinh ra một Con Người như Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân – Nhà văn Hoàng Như Mai.

          Vĩ thanh (viết thêm nhân kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô, 10/10/1954-10/10/2024): Trong con người Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai hội đủ phẩm tính “3 trong 1” (nhà giáo - nhà văn - nghệ sĩ). Xã hội tôn vinh Thầy là nhà văn không phải vì là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (trong thực tế Thầy là “Nhà văn không phải hội viên”). Nhưng trong Từ điển văn học (Bộ mới, Nxb Thế giới, 2004) có mục từ HOÀNG NHƯ MAI (trang 617-619). Đó là một sự minh định chắc chắn trong thế giới nghệ thuật ngôn từ. Cái tên giản dị này lại được xướng lên trong các công trình tiêu biểu khác như  Nửa thế kỷ khoa Văn học (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006), Chân dung nhà giáo – nhà khoa học tiêu biểu, 1945-2015 (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015), Chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006) và Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Nxb Hà Nội, 2019)./.

                                                                                          Hà Nội, 2013-2024

                                                                                                    B.V.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 86
Trong tuần: 317
Lượt truy cập: 433132
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.