Ấn tượng đầu tiên của ngày đầu tiên khi tôi được chuyển công tác về Tạp chí VNQĐ là cái chìa tay hết sức độ lượng của một người cao lớn, khi ông dắt tôi vào phòng hành chính của cơ quan, giới thiệu người lính mới là tôi, với anh Doãn Trung, trưởng ban trị sự. “Lại thêm một quân nghệ”. Người cao lớn ấy nói vậy rồi phá lên cười sảng khoái, làm tôi quá đổi ngơ ngác không thể hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Mãi hôm sau tôi mới biết người cao lớn ấy là nhà thơ Vũ Cao, Chủ nhiệm Tạp chí, người kia là trưởng ban trị sự Doãn Trung, còn vì sao lại có câu “lại thêm một quân Nghệ” là vì, lúc đó VNQĐ biên chế chỉ có 23 người mà đã có tới 11 người quê xứ Nghệ. Có người gọi vui là Tạp chí “Văn đội quân Nghệ”.
Hôm sau khi được mời dự giao ban cơ quan, tôi mới nhận ra mình đang lạc vào giữa hai hàng ghế quây tròn, thế giới của những vị La Hán và không khỏi cảm giác thân phận bé nhỏ của chàng lính mới tò te. Nhưng một lần nữa, anh Cao vừa trao đổi điều gì đó với người bên cạnh rồi phá lên cười, đưa tôi trở lại trần thế, làm tôi lấy lại chút bình tĩnh. Những ngày đầu tiên về cơ quan, tôi tha thẩn không biết làm gì, không biết chuyện trò với ai, nên cứ xuống thư viện do anh Doãn Trung kiêm thủ thư, mượn sách báo để đọc. Phòng thư viện khá xa phòng anh Cao, vậy mà thỉnh thoàng lại nghe phá lên những tràng cười vang đến tận cuối hành lang, chắc anh đang tiếp khách, một nhà văn nhà thơ nào đó. Mọi người trong cơ quan nghe tiếng cười ấy đã quen, còn tôi ngồi đọc sách, nghe tiếng cười ấy thấy bớt đi sự xa lạ, thấy rất đỗi tin cậy, rất ấm áp, thấy như được an ủi, vỗ về tận sâu trong trái tim mình, bởi vì, ở anh Cao, tiếng cười nói lên mọi phương diện của con người anh về tính tình, một tính tình dễ gần và hiền hậu, về nhân cách, một nhân cách thoáng đạt và cao thượng, về tâm hồn, một tâm hồn đằm thắm và nhân văn..
Tôi khá bất ngờ và thú thật là thấy anh vốn đã cao lớn lại càng như cao lớn thêm, khi biết anh là tác giả của bài thơ Núi Đôi, mà tôi cam đoan bất cứ ai ở lứa tuổi tôi, đặc biệt là sinh viên và những người lính, không ai không thuộc, không ai không chép trong sổ tay của mình, thậm chí chép tặng cả các cô bạn gái, nhờ những câu thơ buồn mà đẹp kia nói hộ những thầm kín của mình. (Xin được mở ngoặc một chút: Bài thơ ấy, đến năm 2000, nhân giao thừa thiên niên kỷ, khi trả lời phỏng vấn, rằng nếu chỉ được phép mang theo vào thiên niên kỷ thứ ba 5 bài thơ hay nhất, anh sẽ chọn những bài nào?. Rất nhiều người không quên Núi Đôi). Trở lại phòng thư viện. Bấy giờ tôi mới lục trên giá sách và phát hiện ra những tác phẩm của Vũ Cao. Hóa ra anh Cao không chỉ có Núi Đôi, anh viết truyện vừa (Truyện một người bị bắt, năm 1957); anh viết truyện ngắn (Những người cùng làng, 1959, Từ một trận địa,1969); anh viết truyện thiếu nhi (Em bé bên bờ sông Lai Vu, 1960, Anh em anh chàng Lược, 1965); anh có ba tập thơ: Sớm nay, Đèo trúc và Núi Đôi.
Vũ Cao thuộc thế hệ những người cầm bút sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng trong thơ anh không có cái buồn tiểu tư sản ban đầu như trong thơ Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Quang Dũng hoặc Thâm Tâm…Thơ Vũ Cao thích bày tỏ, biểu hiện những khoảnh khắc tâm trạng, những xúc động nội tâm mà anh trải nghiệm trên những nẻo đường kháng chiến. Thường là tâm trạng vui, tình tứ và nếu có chút buồn, thì đó là chút buồn vì xa nhà, xa người thân, buồn nhẹ khi chia tay với cảnh, với người mới gặp…
Một buổi bước sang đèo trước mặt
Suốt trời một giải trắng hoa ban
(Hoa)
Không gợn một chút buồn, nhưng có thoáng một chút ngỡ ngàng trước cái đẹp, đủ để nói lên tâm trạng đang dâng đầy của một khoảnh khắc rất thanh cao, mà nếu vướng víu dù chỉ một chút trong tâm tư, cũng sẽ làm biến mất luôn cái ngỡ ngàng rất thi sỹ kia. Cái tinh khiết này làm ta nhớ lại câu thơ đầy cảm giác của anh trong Núi Đôi: “Sương trắng người đi lại nhớ người” hay mà không dễ giải thích. Thường gặp trong thơ Vũ Cao những khoảnh khắc đặc biệt thi sỹ này, nó cho thấy trong lòng người viết thật thanh sạch.
Tôi trông màu rượu
Màu tím hoa cà
Lại nhìn đôi mắt
Sáng tròn như hoa
Lên ngang dốc núi
Chợt thấy mình say
Người ơi hoa tím
Đầy rừng hoa bay
(Ngang dốc núi)
Ở đây có sự trộn lẫn phi thực trong cái nhìn thực tại của thi nhân giữa màu rượu tím và màu hoa tím qua một liên tưởng đầy chất thơ, mà nếu thiếu đi sự tinh tế của ngòi bút, sẽ không có được “độ bay” và “độ say” của câu chữ giàu biểu cảm mà Vũ Cao mang đến. Chủ thể thẩm mỹ thừa nhận “chợt thấy mình say” nên cái màu tím siêu thực kia có sự hòa trộn giữa một bên là hiện thực và một bên là ảo giác. Câu thơ trở nên minh mang khác lạ.
Vũ Cao thích lối thơ kể chuyện, cũng là lối viết quen thuộc của các nhà thơ kháng chiến chống Pháp, như Hữu Loan, Quang Dũng, Thâm Tâm… Câu chuyện được kể, được miêu tả giản dị thôi, cốt để làm cái cớ, cái nền từ đó bày tỏ, biểu hiện con người tư tưởng và tình cảm của người viết. Có thể thấy điều đó qua những bài như Núi Đôi, Như một điều không có thật, Chuyện dân gian, Chuyện đôi ta…Thường gặp trong thơ Vũ Cao là những câu chuyện tình kháng chiến, ở đó cái chung và cái riêng hòa quyện, không hề có chút khiên cưỡng. Cô du kích Phù Linh và câu chuyện “ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng” kia chẳng hạn, riêng tư đã nhuốm màu thời cuộc, bi tráng đã mang vẻ đẹp của cao cả. Nhưng không phải bài nào cũng cố đặt cái riêng vào cái chung như vậy. Vũ Cao cũng có những câu thơ rất riêng tư, kín đáo nhưng cũng nhiều hàm ý:
Buổi ấy đến thăm em
Hai hàng cây gió quá!
Ôi được thấy em
mà vui từ ngọn lá
Một ánh mắt thân tình
đâu đó
tự ngày thơ
Sao bỗng dưng anh gặp lại bây giờ?
Anh ghé đứng bên em
Nhìn tóc em gió thổi
Anh bỗng sợ điều gì không cưỡng nổi
Như đất trời
phút chốc
chẳng bình yên
Đã không còn “lạc quan tếu” nữa mà chen trong những câu thơ là cảm giác lo âu, từ đất trời: “Hai hàng cây gió quá”, từ lòng người: “ bỗng sợ điều gì không cưỡng nổi”, như thể linh cảm được sự chẳng lành đã ẩn hiện đâu đó tận sâu trong tâm can.
Vũ Cao còn có những bài thơ, những câu thơ được viết với một bút pháp hồn hậu, gần gụi, ân tình, đẫm phong vị ca dao, đọc lên là nhận ra ngay cái an lành trong tâm hồn người viết
Quê tôi núi Hổ, chợ Hầu
Bóng mây sông Vị, cây cầu Trình Xuyên
Nhiều lần tôi vẫn ra xem
Nước lên kín bãi, đò nghiêng chòng chành
(Còi tàu)
Đây là một lần bịn rịn trước sự chia xa:
Có lần quay lại núi Gôi
Chào hàng cây với bóng đồi để đi
Mấy đàn chim sẻ, chim ri
Tiễn chân tôi, đã bay về, lại lên
Tôi chú ý hai câu cuối: Mấy đàn chim sẻ, chim ri/ Tiễn chân tôi, đã bay về, lại lên. Đây là mấy đàn chim sẻ chim ri “đã bay về” đưa tiễn anh hồi anh xa nhà. Lúc này, khi từ biệt vùng đất núi Gôi này, nhà thơ lại như thấy đàn chim sẻ, chim ri kia “lại lên” để tiễn mình đi. Gói bấy nhiêu ý vào một cặp sáu tám là việc khó. Vậy mà người viết nén thật giỏi.
Đây là ký ức thường gọi về:
Độ này đang độ quê ta
Heo may ngọt mía, cải già tốt dưa
Và đây là lời nhắn gửi của người đi kháng chiến:
Cho dù kẻ nhớ người mong
Đường không xa lắm, nhưng không tiện đường
Rất dễ nhận thấy trong thơ Vũ Cao đặc tính chung của thơ chiến sỹ thường gặp trong thơ của những nhà thơ lứa tuổi anh. Vũ Cao có những vần thơ rất khỏe khoắn:
Đường ta đi
Ta đứng ngang trời
Mây dưới chân ta, ta vượt mây rồi
Núi đã xuống với đồi nương làm bạn
Không thấy nữa những vòm tre xóm bản
Chỉ còn ta và gió với mây bay…
Những bước chân mang màu sắc huyền thoại mà không xa cái thực bao nhiêu. Đó là bút pháp lãng mạn được cất lên từ hiện thực vậy. Nhưng có lẽ điều đáng nói ở đây là tâm hồn người viết. Một tâm hồn không đủ tin yêu, không đủ lạc quan, không biết tìm cách gạt bỏ những vặt vãnh đời thường, khó có thể có những câu thơ khoáng đạt như vậy.
Trở lên là đôi điều về thơ Vũ Cao. Nhưng xuất phát điểm của ngòi bút Vũ Cao là văn xuôi. Từ một phóng viên của tờ báo Vệ Quốc quân, rồi báo Quân đội Nhân dân, Vũ Cao đến với truyện ngắn, truyện vừa và truyện thiếu nhi như một lẽ tất yếu. Tác phẩm Truyện một người bị bắt (1957), hoàn thành sau ngày chiến thắng Điện Biên phủ vài ba năm, thể hiện sự tâm huyết và bản lĩnh của ngòi bút Vũ Cao. Tác giả kể lại những chiến sỹ của quân đội ta không may sa vào tay giặc ở mặt trận Điện Biên phủ. Đề tài khó vì không gian hẹp, quan hệ giữa các nhân vật đơn giản, bị hạn chế trong ngôn ngữ tự sự, vậy nhưng chỗ đứng của người viết thì khỏe, vững, góc nhìn của người viết thì rõ, sáng và tâm của người viết thì trong, lặng. Trong số những người bị bắt không phải không có những kẻ hèn hạ, đầu hàng giặc, đang hành xử như những kẻ thất trận. Nhưng không chỉ có vậy, trong những người bị bắt kia, không thiếu những người tốt, những đảng viên ưu tú luôn luôn biết giữ mình trong sạch, hơn thế, luôn luôn biết vượt qua hoàn cảnh éo le mà họ đang lâm vào. Một tập thể biết xiết chặt tay nhau mà hạt nhân là những đảng viên trẻ tuổi, không những biết động viên nhau, mà còn biết cách trở thành những người có ích cho thế tiến công chung của quân đội ta, cho đến ngày toàn thắng. Thông điệp rõ ràng mà kín đáo qua từng câu chữ.
Ở những tập truyện khác như Những người cùng làng, Từ một trận địa Vũ Cao rất có biệt tài tạo không khí của truyện. Những con người, dân quân du kích và bộ đội pháo cao xạ trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở một vùng cao tỉnh Hòa Bình hiện lên, đi lại, nói năng, có cả yêu thương và giận hờn…y chang không khí thời chiến ngày nào, được phục dựng qua những trang viết giản dị mà tươi tắn trong truyện ngắn Từ một trận địa. Những công dân bình thường lên vùng cao khai hoang làm kinh tế, vẫn không bỏ nếp ăn ở có bề sâu văn hiến của người thủ đô qua truyện Người dân thủ đô. Những con người lương thiện và tốt bụng luôn hướng về những điều tốt đẹp qua truyện Trong một gia đình. Và cô gái lái đò nghiệp dư, đưa anh bộ đội qua sông, đã làm đò trôi xa bến đỗ hơn một cây số, không biết vì khúc sông quá nhiều sương mù, hay vì có anh bộ đội trẻ trên đò trong truyện ngắn Một đoạn thơ sông Đà…Văn xuôi của Vũ Cao giản dị, hàm chứa những ý tưởng kín đáo của ngòi bút, tránh được sự nôn nóng của ngôn ngữ bình luận, tải đạo mà không gây cộm, giáo huấn một cách không chủ động, trình bày sự việc tưởng như không có gì, vậy mà sau câu chữ là tình người. Văn thơ là người, văn thơ anh Cao nhân hậu như con người anh vậy.
*
Hơn mười năm, từ năm 1965 đến sau ngày hòa bình mấy năm, Tạp chí VNQĐ, thời anh Cao làm Chủ nhiệm là một thời kỳ hoàng kim, vang bóng mà chúng tôi, những người đến sau được thừa hưởng. Đó là thời kỳ số lượng in hàng tháng của tạp chí lên đến trên 10 vạn bản, trong ba lô của người lính nào cũng có một đôi tờ tạp chí. Đó là thời kỳ mà lòng yêu nước của mỗi con người, đặc biệt là của người lính được nâng lên ở bình độ đạo đức trên mỗi trang tạp chí, nên mỗi thành viên của Tạp chí cũng tự nguyện đặt mình trước những tấm gương đạo đức. Văn nghệ Quân đội lúc đó gồm những nhà văn rất tài năng và có cá tính mạnh, nhưng được tập hợp dưới sự chỉ huy của hai người, anh Vũ Cao và anh Từ Bích Hoàng, nên đấy là một tập thể không tồn tại sự đố kỵ, ngược lại luôn biết tìm cách bày tỏ hân hoan trước sự thành công của đồng nghiệp. Tôi rất ngạc nhiên và lấy làm khó hiểu, vì khác với bất cứ đơn vị quân đội nào, khi thấy ở VNQĐ các biên tập viên, mỗi người giữ một phòng to trên căn nhà đẹp phía trước, trong khi hai vị thủ trưởng Vũ Cao và Từ Bích Hoàng thì làm việc trong hai căn phòng tồi tàn lui mãi xuống dãy nhà cấp bốn phía sau. Nhưng một thời gian, tôi biết với tính cách của anh Cao và anh Hoàng, luôn nhường nhịn mọi người từ bác thủ kho đến chị văn thư…thì điều ngạc nhiên kia, không ai giải thích cũng trở nên dễ hiểu. Cơ quan những năm tháng ấy, vì vậy, có người nói “như thời Nghiêu Thuấn”. Những ngày đó, ai đi xa, mỗi khi nghĩ về nhà có anh Cao, anh Hoàng là đủ yên tâm, đủ để giữ mình không vi phạm dù là điều nhỏ nhất, đủ để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày đó, ai cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp, cho cơ quan, ai cũng thành đạt…một phần nhờ ở cách quản lý và khích lệ của anh Cao, anh Hoàng. Triết lý lãnh đạo của anh Vũ Cao là tôn trọng sự tự giác. Cái mà anh Cao thường nói: “Lãnh đạo văn nghệ tức là không lãnh đạo gì cả” chỉ là một lối nói để đề cao tính tự giác ở mỗi người. Thực tình để cơ quan yên ổn, không mất đoàn kết, công việc chạy đều…người lãnh đạo phải thật sự là những người biết hy sinh, là những đầu tàu. Với anh Cao, mọi sự hy sinh nơi anh đươc biểu hiện hết sức tự nhiên, như chính bản chất con người anh vậy. Anh là người biết giữ gìn kể cả việc không để lộ trên gương mặt mình dù chỉ là một thoáng phiền muộn, tư lự với vài người có cá tính khác biệt nào đó trong cơ quan.
Anh Vũ Cao không chỉ là vị Chủ nhiệm của một tờ tạp chí văn chương hàng đầu vào thời điểm ấy, anh còn là một vị thủ trưởng luôn lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình. Nhiều lần tôi thấy anh rất vui, phấn chấn kể cho chúng tôi những cuốn sách của một nhà văn nào đó trong cơ quan vừa đề tặng mà anh mới đọc xong. Có lần anh chỉ cho tôi những căn phòng nhỏ sau vườn chuối, rất an toàn và bí mật, nơi vài năm trước dùng làm chỗ tạm giam những phi công Mỹ vừa rớt dù. Có lần anh kể chuyện cô du kích Phù Linh và xuất xứ của bài Núi Đôi…Và không biết bao nhiêu những câu chuyên về văn chương và thế thái nhân tình khác. Tôi và nhà thơ Vương Trọng về tạp chí gần như cùng lúc, rồi chúng tôi cùng được kết nạp đảng tại cơ quan, cùng được anh Cao đích thân thay mặt nhà trai đi hỏi vợ cho. Rồi chúng tôi được nâng quân hàm trung úy cùng đợt. Nhớ lần anh Cao gõ cửa phòng tôi, rồi chìa qua cửa sổ tờ giấy quyết định nâng quân hàm, vừa mỉm cười vừa nói: “Này!”. Xong rồi anh về phòng mình không nói gì thêm. Một việc vui, anh rất vui nhưng theo anh không cần phải lễ lạt, tuyên bố gì. Tôi hiểu anh xem đó là việc tất nhiên, có lẽ anh nghĩ rằng chả phải công trạng gì từ anh. Nhưng với tôi thì mãi không quên cử chỉ ấy.
Bây giờ thì VNQĐ đã không còn một “quân Nghệ” nào nữa. Anh Cao, anh Hoàng và bao nhiêu các vị “La Hán” cũng đã về Tây Phương cực lạc, như đã khép lại một trang đẹp của cuốn sách cuộc đời. Với anh Cao, vậy là đã 10 năm kể từ cái buổi sáng năm nào, anh lặng lẽ ra đi, mang theo luôn cả tiếng cười xuống đất, để những ai còn sống hôm nay, đã một lần, dù chỉ một lần gặp anh, cũng không bao giờ quên được.