Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ VĂN PHẠM NGỌC CHIỂU

 Anh Chi
 
TRƯỜNG ĐỜI VÀ VĂN CHƯƠNG
 

Không thành nhà vật lý thì làm nhà văn

   Thân phụ của Phạm Ngọc Chiểu là một ông giáo nổi tiếng thông minh, có tài ăn nói, được dân làng quý trọng bầu làm trùm làng, không may đã qua đời khi Phạm Ngọc Chiểu mới bảy tuổi đầu và đứa em trai mới biết đi. Từ đó, người mẹ ở vậy, tần tảo nuôi hai con thơ dại với sự quyết chí, khổ mấy cũng không để con thất học. Hiểu lòng mẹ, nên anh luôn gắng để học giỏi, nhất là môn vật lý. Suốt thời niên thiếu Phạm Ngọc Chiểu luôn mơ ước trở thành nhà vật lý. Tốt nghiệp cấp ba với thành tích rất cao và đã được ban giám hiệu nhà trường đưa vào danh sách đi học nước ngoài. Nhưng không hiểu sao, lãnh đạo địa phương đã phê vào lý lịch của anh: “Trường hợp này lý lịch rất xấu, không được đi học bất cứ trường nào”. Vậy là mộng ước trở thành nhà vật lý tan vỡ, khiến anh trở thành chàng thợ cày. Khi ấy, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lan ra miền Bắc, nhiều trai làng lên đường đi đánh giặc. Phạm Ngọc Chiểu đã ba lần lên xã tình nguyện tòng quân, nhưng vẫn không được chấp nhận. Nhưng anh vẫn nuôi chí chim bằng. Một buổi chiều muộn, vác cày, đưa trâu về nhà, anh xuất thần bay bổng:

Từ gốc phượng sân trường, những cánh chim bay đi
Ta lẻ đàn trở về nơi đồng cũ
Chật chội cánh bèo trong từng ô thửa
Mây gió trên đầu vẫy gọi mênh mông…

  Những câu thơ bất chợt buổi chiều tà ấy khiến Phạm Ngọc Chiểu quyết định, sẽ viết văn. Ngay đêm đó, anh cất hết sách về vật lý đi, bắt đầu viết. Ai cũng nói, nghề văn rất gian khổ, với người ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đêm chong đèn viết cặm cụi, càng gian nan hơn nhiều. Phạm Ngọc Chiểu là người có trí lự, thông minh và biết trân trọng cái đẹp trong thiên nhiên cũng như trong đời sống. Đó là những tố chất để người ta có thể đi vào văn chương. Thế rồi, truyện ngắn Vụ lúa xuân của anh được ty Văn hóa Nam Hà trao giải nhất về văn xuôi năm 1966. 

  Chiến tranh ngày càng ác liệt, sức người, sức của được huy động cao nhất cho tiền tuyến, không phân biệt già trẻ, gái trai, việc lý lịch, thành phần này nọ cũng không mấy coi trọng nữa. Phạm Ngọc Chiểu xin đi thanh niên xung phong (TNXP) và được chính quyền địa phương đồng ý. Đơn vị TNXP của anh nhận nhiệm vụ khai mở con đường 6B, từ Hòa Bình qua suốt huyện Đà Bắc, lên Sơn La, Lai Châu, không phải qua lối Thác Bờ và Suối Rút cheo leo, đầy gian khó. Bước vào quãng đường đời trong chiến tranh dữ dội, Phạm Ngọc Chiểu có được thật nhiều những xúc cảm mới mẻ trong cuộc sống rộng lớn với tất cả những cung bậc buồn vui, sống chết… Biết bao chuyện đời trong khói lửa mà anh trực tiếp nếm trải, dần hiện lên trong những trang văn của anh. Ngày cùng đồng đội mở đường, đêm viết. Ba lô chỉ mấy bộ quần áo lao động và dày cộm những trang bản thảo. Mỗi truyện ngắn viết được thực sự cực nhọc. Những truyện ngắn đó, cùng một số truyện viết sau này, đến năm 1985 anh chọn lựa và đem in vào hai tập sách, Chiều hè oi ả Những mảnh đời khác nhau.

“Dưới tán rừng lặng lẽ” cuộc sống đầy xáo động

  Đường 6B do TNXP mở thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nay đã thành con đường cao tốc hiện đại, thay thế đường số 6 (cũ), từ ngoại thành Hà Nội lên miền Tây Bắc. Hồi hàng vạn TNXP mở đường 6B, do đường đi qua miên man những rừng nguyên sinh, nên cứ xong mỗi chặng là đơn vị lại bàn giao cho một lâm trường quản lý. TNXP thường sống cùng dân lâm nghiệp. Bởi vậy, những hiểu biết về thổ nhưỡng rừng núi miền Tây và cuộc sống của những con người ở lâm trường cứ dần dần thấm vào Phạm Ngọc Chiểu, thành tri thức của anh, rồi thành mối quan tâm, bức xúc, khiến anh viết. Không phải truyện ngắn, năm 1986, anh viết thiên tiểu thuyết Dưới tán rừng lặng lẽ (DTRLL).

  Ngôi chợ phố núi Mai Xuân trước kia chỉ lèo tèo dăm mẹt thuốc lá kẹo bột, giờ đã tấp nập mua bán, ùn ùn tre nứa gỗ lạt không sao kể xiết. Riêng điều đó đã cho thấy, rừng đang bị tàn phá ghê gớm. Cách chợ phố núi này dăm bảy cây số, cơ quan lâm trường Pù Cạng và cơ quan kiểm lâm, có vẻ lặng lẽ dưới tán rợp của rừng nguyên sinh. Không phải vậy, những người ở đây đang sống đầy trăn trở, lắm lo âu, nhiều khi xung đột đến dữ dằn. Họ là ông già Trúc, là Chung, hạt trưởng kiểm lâm, là Sinh, cán bộ lâm sinh, là cô bé Thủy… Câu chuyện về bảo vệ và phát triển rừng, cũng là chuyện những mối quan hệ giữa con người với con người, cái xấu đan xen cái tốt. Đôi khi sự trục lợi của kẻ tham lam có quyền thế lộng hành, đến mức khiến Chung nghĩ ngợi một cách chua chát: “Sao mà cái đời này làm cho người ta khốn khổ, bé nhỏ đi đến vậy? Một số kẻ chỉ loanh quanh lo cho cái ghế của mình”. Có khi lương tri khiến người ta trở nên cam đảm, như lúc Lĩnh, Chi cục trưởng kiểm lâm nói với Bí thư Tỉnh uỷ: “…nói dối đã thành cái bệnh của xã hội chúng ta. Cấp dưới nói dối cấp trên, cấp trên nói dối cấp trên nữa. Sự nói dối thành ra có tầng, có lớp… Đến lượt ông tỉnh, nói anh tha lỗi, nếu các anh lại hám thành tích, sợ trung ương khiển trách cách chức, lại tiếp tục nói dối nữa, thì sự nói dối đó có bề dày chiều rộng lớn hơn rất nhiều”. 

  Năm 1986 là một mốc giới trong đời sống xã hội Việt Nam ta với công cuộc đổi mới. Trong đời sống văn chương, một số nhà văn đã thực sự đổi mới trong tư duy, sáng tạo, sục vào những đề tài có chiều sâu về tư tưởng, chạm đến những nhân vật có quyền lực cao trong xã hội. Phạm Ngọc Chiểu là một trong những nhà văn như vậy. Trong DTRLL, có nhân vật Nhiễu, Bí thư Tỉnh ủy. Là cán bộ cao cấp tuổi còn trẻ, năng động, nhưng ông có những khiếm khuyết lớn trong quan hệ với cấp dưới, nhất là ứng xử với người vợ. Đến mức, bà Sinh phải bỏ ông, đem đứa con nhỏ lên rừng. Là người con gái miền núi, tháo vát, thông minh, bà Sinh trở thành Giám đốc lâm trường Pù Cạng. Không dễ mà buông, nhân việc lâm nghiệp gặp những khó khăn lớn, với quyền to, Bí thư Nhiễu muốn xóa sổ lâm trường. Không chỉ là việc người ta làm tổn thương nhau nữa, mà đã thành việc danh dự của những người bao năm trời sống hết mình với rừng, là việc sống còn của rừng, của ngành lâm nghiệp. Thành một vụ việc lớn trong tỉnh, nên cấp cao hơn đã phải can thiệp, xử lý. Ngòi bút Phạm Ngọc Chiểu thực sự mạnh bạo, như khơi cả lòng dạ các nhân vật ra, kể cả những nhân vật có quyền thế lớn. Càng về cuối thiên tiểu thuyết, kịch tính càng cao khiến người đọc chú mục theo dõi. Nhưng may sao, rồi các nhân vật cũng vượt qua được thử thách quan trọng của đời mình, và rừng Pù Cạng cũng đã tránh được một tổn thương lớn. DTRLL xuất bản lần đầu năm 1987, được dư luận rất khen ngợi. Ít lâu sau, tác phẩm này được đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đọc cả 400 trang sách trên sóng.

Nhà văn sống tận tâm và năng động

  Từ hồi còn ở TNXP, Phạm Ngọc Chiểu luôn hoàn thành công tác của đơn vị, và anh cũng luôn hoàn thành một công việc nữa là viết văn. Có thể nói, suốt hai mươi năm trời, anh thực sự “làm việc bằng hai”. Với công việc thứ hai này, Phạm Ngọc Chiểu cũng năng động như công việc thứ nhất. Thời gian đơn vị TNXP của anh chuyển sang xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, Phạm Ngọc chiểu đã chuyên nghiệp hơn trong văn chương, chủ động viết những bài phản ánh kịp thời cuộc sống sôi động ở địa phương. Với những bài viết đó, anh được chuyển về phòng Sáng tác và xuất bản của ty Văn hóa.

  Được chuyên chú hoàn toàn cho công việc mình mong ước, Phạm Ngọc Chiểu luôn đi thực tế các công trường, nhà máy, và viết. Hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình, Phạm Ngọc Chiểu gặp, rồi thành bạn thân với nhà văn Phượng Vũ, nên được điều về làm việc tại hội Văn nghệ tỉnh. Như được chắp cánh, anh làm việc với cường độ cao, viết cả đêm, cả trong ngày nghỉ. Liên tiếp xuất bản mấy tập truyện ngắn, rồi tiểu thuyết DTRLL được dư luận tốt khiến anh dấn bước với thể tài lớn này. Rồi đều đặn cho ra những tiểu thuyết: Hiệp sĩ giữa đời thường, Vệt buồn trên má, Bên ngoài vành móng ngựa…

 Năm 1982, Phạm Ngọc Chiểu theo học khóa II Trường viết văn Nguyễn Du. Cuộc sống những năm TNXP dọc dài miền Tây Bắc và thực tế các công trường, nhà máy ở Hòa Bình chất chứa trong Phạm Ngọc Chiểu, khiến anh luôn muốn viết. Tốt nghiệp trường Nguyễn Du, rồi về làm Trưởng ban Biên tập của nhà xuất bản Lao Động, dường như anh càng viết khỏe hơn. Kiêm thêm Phó tổng biên tập thường trực tạp chí Văn nghệ công nhân, vẫn viết đều. Trước khi về hưu, Phạm Ngọc Chiểu đã là tác giả chín tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn, truyện ký. Quan trọng hơn, mấy bạn văn chương chúng tôi vẫn thường nói, văn của Chiểu đọc được lắm.

  Nghỉ hưu, Phạm Ngọc Chiểu vẫn luôn nghiền ngẫm về sự đời, để viết, lại còn được nhiều cơ quan báo chí xuất bản mời ra làm việc. Anh đã nhận làm Trưởng ban Biên tập báo Người Hà Nội cuối tuần, Giám đốc Trung tâm khai thác bản thảo và tác quyền của NXB Văn Học, Phó giám đốc Công ty in Hòa Bình… Cùng lúc làm bấy nhiêu việc, anh vẫn sáng tác thiên tiểu thuyết quan trọng của đời mình, Khúc quành định mệnh (KQĐM), NXB Văn Học ấn hành quý III năm 2014.

Bản tự sự về đời văn

   Truyện, nhất là tiểu thuyết của Phạm Ngọc Chiểu thường dồi dào chi tiết với cốt truyện thật cuốn hút. Tôi đã đọc một lèo xong hơn ba trăm trang sách. Mở đầu thiên tiểu thuyết là cái chết tức tưởi của ông Đan, người được một cán bộ kháng chiến bí mật vận động ra làm lý trưởng “hai mang” trong vùng Pháp chiếm đóng. Nhưng ông đã bị chính đội “Diệt tề” giết. Những này đó, người con cả của ông là Đán, một cán bộ kháng chiến cũng anh dũng hy sinh. Từ đó, bà Tầm, vợ ông Đan, suốt ba mươi sáu năm trời một mình nuôi dạy hai con nhỏ là Ngọc mới bảy tuổi và Hùng vừa mới biết đi. Do cái chết của người cha, lý lịch của Ngọc và Hùng “có tỳ vết” cứ đeo đẳng mãi, khiến họ bị vùi dập quá nửa đời người…

   Trong KQĐM, những câu chuyện cuộc sống ở vùng nông thôn Nam Định vào những năm 1960 hiện lên rất sinh động. Và biết bao chuyện đời mồ hôi nước mắt và cả xương máu nữa, của thanh niên xung phong chống Mỹ, của những công nhân làm đường từ Hòa Bình đến Sơn La, Lai Châu, Yên Bái xa xôi heo hút và thật dữ dội, cũng rất lôi cuốn người đọc. Qua một bối cảnh rộng lớn, gian nan, nghiệt ngã trong các quan hệ giữa con người với con người, nhà văn tập trung bút lực cũng như tình thương yêu của mình để tạo nên những nhân vật đầy nghị lực, luôn gắng gỏi vượt qua mọi kỳ thị định kiến của thói đời. Họ đã khẳng định được phẩm giá của mình. Thiên tiểu thuyết chứa đựng biết bao sự đời với những uẩn khúc, buồn thương, xa xót; nhưng KQĐM cũng có có thật nhiều nhân vật là người tốt. Chính nhờ có nhiều người tốt, anh em Ngọc và Hùng đã vượt lên, thực sự có những đóng góp cho cuộc sống chung rộng lớn.

  Có một nhân vật thường xuất hiện trong đời sống tinh thần gia đình bà Tầm, nhưng đến những trang cuối thiên tiểu thuyết mới lộ diện. Đó là ông Trọng Hà, năm mười bảy tuổi đã dẫn đầu đoàn người đi cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông là người cán bộ bí mật đề nghị ông Đan ra làm lý trưởng “hai mang”. Được đào tạo cơ bản trong nước rồi cả ở nước ngoài, cho đến cuối cuộc đời, lúc gặp lại anh em Ngọc và Hùng, ông thấy bàng hoàng. Trong lòng ông bỗng thức dậy tất cả cái thuở ban đầu khi đất nước bước vào khúc ngoặt long trời lở đất, và ông cũng như anh em Ngọc, Hùng cùng biết bao người nữa, đã trải qua…

  Đoạn mở đầu bài này, chúng tôi có viết về việc lãnh đạo địa phương đã phê vào lý lịch Phạm Ngọc Chiểu: “Trường hợp này lý lịch rất xấu…” Còn hai nhân vật Ngọc và Hùng trong KQĐM, cũng do lý lịch “có tỳ vết” nên bị vùi dập biết bao năm trời, rồi cũng vươn lên thành nhà văn… thân phận na ná như tác giả thiên tiểu thuyết. Sinh năm 1943, năm nay Phạm Ngọc Chiểu đã ngoài bảy mươi tuổi. Bắt đầu từ làng Quần Lạc, xã Trực Bình, huyện Nam Trực, Nam Định, anh đã sống, rồi đi trên đường đời dằng dặc bao năm trường. Chính những vần vò của trường đời, lòng yêu thương những con người trong trường đời mà anh được chung sống, khát vọng khôn nguôi về cái đẹp cùng tài năng bẩm sinh, đã tạo nên văn chương của anh…

Vậy có thể nói, Khúc quanh định mệnh chính là Bản tự sự về đời văn Phạm Ngọc Chiểu.

 
                                                                                                         A.C
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 37
Trong ngày: 306
Trong tuần: 1026
Lượt truy cập: 435696
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.