Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ VĂN BÙI VIỆT SỸ

Văn Chinh

BÙI VIỆT SỸ - CÂY BÚT TIỂU THUYẾT CÓ ĐÓNG GÓP VÀO THÀNH TỰU VĂN HỌC VIỆT NAM 20 NĂM ĐỔI MỚI

  Người Hà Nội, viết văn rất sớm, tuổi hai mươi đã viết tiểu thuyết, được mời học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ; làm ở một tờ báo lớn, báo Lao động, nhưng chúng ta ít gặp ông tại các salon văn chương, các quán nhậu mà mới đây được một nữ sĩ coi là nơi "dấn thân" của các nhà văn. Ấy là Bùi Việt Sỹ.

   Là hậu duệ cụ Hoàng giáp Bùi Huy Bích - người hai lần từ chối lời mời làm quan với triều đại mới, hình như Bùi Việt Sỹ cũng thừa kế tính không cố đua ganh của tổ tiên mình? Sau khi có công tích thời kỳ thanh niên xung phong, ông có thể theo học ngành Giao thông vận tải để có thể đã trở thành quan chức của ngành này như đa số bạn bè đồng ngũ; nhưng Bùi Việt Sỹ trót đã mang gen nghệ sỹ trong người, bỏ ngang đi làm báo. Đó là một nhầm lẫn của cả thế hệ tôi, cứ tưởng văn học với báo chí là một. Báo chí là một nghề cần sự căn cơ, chính xác và trực diện; dân nghệ sỹ lạc vào đấy, không bị bật bãi là may, mong gì hiển đạt. Mãi năm gần bốn mươi, Sỹ mới được cử đi học Đại học ở Liên Xô cũ; đó là những năm xứ sở này "Perestroika" (Cải tổ) khiến gã sinh viên già trở nên hoang mang thua thiệt. Ông nói rằng, năm 1980, do công lao cũ, ông có quyền nhận một trong hai đãi ngộ: Đi học Liên Xô hoặc nhận một căn hộ. Thế rồi sau 5 năm đi Tây, số bàn là tủ lạnh mang về quy ra tiền ông mua được quyền thuê đúng một căn hộ - nghĩa là trở về đúng vạch xuất phát. Kinh nghiệm cay đắng này rồi sẽ trở thành một ẩn dụ cay đắng cho một loại nhân vật không may mắn, bị gã đưa đường thọt chân dẫn qua sa mạc, vì thọt chân nên cuối cùng gã lại đưa nhóm người ấy trở về đúng vạch xuất phát. Tiểu thuyết Người đưa đường thọt chân của Bùi Việt Sỹ đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy, như một sự vớt vát cái thời gian đã mất và ngưng kết chúng thành nghệ thuật.

   Câu chuyên của cuốn sách dài 300 trang chỉ xoay quanh bản kê khai hải quan và chỉ diễn ra trong mấy giờ kiểm tra hàng hoá của một du học sinh Việt Nam sẽ gửi theo đường biển về nước. Thắng, vị tiến sĩ tân khoa là tuýp người điển hình cho cái thời gian khó ấy: Anh tháo vát, lanh lợi, chấp nhận hành xử hèn hèn để mưu cầu sự đổi đời cho mình và vợ con. Nhưng dù hoàn cảnh đã "uốn nắn" tính cách Thắng mềm đi đến mấy, Thắng vẫn còn hạt nhân lương tri và nó khiến anh day dứt khôn nguôi. Thắng khác hầu hết các nhân vật cùng loại, những chàng trọc phú hớn hở hợm hĩnh với mấy ngàn Dmak bồi thường không cả cần biết tới tương lai vô nghề nghiệp từng xuất hiện trên văn đàn thời đầu thập kỷ trước. Tiểu thuyết hấp dẫn chính nhờ tính cách hèn hèn nhưng vẫn đầy khát vọng cao sang của Thắng. Thắng mang hoa hồng đến làm thân với bà thiếu tá Hải quan Nga, chứ không mang tiền. Khi trả lời bà thiếu tá, đôi khi Thắng cũng nói dối cho qua chuyện, chẳng hạn với câu hỏi Mục đích đến Liên Xô, anh nghĩ rằng để đổi đời nhưng lại trả lời rằng để học tập; còn về cơ bản anh trả lời bằng các câu chuyện để qua nó làm mềm lòng người đàn bà thép với các câu hỏi tờ khai lạnh lùng. Để trả lời câu Từ đâu đến nước Nga và đã đến như thế nào? Thắng đã qua câu nói nổi tiếng của vợ một viên tướng trong phim Moscow không tin những giọt nước mắt: "Muốn có một vị tướng à? Thế thì trước hết hãy lấy một viên trung uý mới ra trường và theo hắn 15 năm hết các vùng biên cương này đến hải đảo xa xôi kia, cuối cùng còn phải chờ xem số phận có mỉm cười với mình không..." để kể lại hơn mười năm phấn đấu từ một học sinh xuất sắc, anh phải tham gia phục vụ chiến đấu trên mặt trận giao thông, lập nhiều công tích nhưng rồi vẫn phải hèn hèn làm thân với vợ chồng ông Viện trưởng, rồi lại phải mưu mẹo vượt qua các trò ma lanh khác để kiếm một suất sang đây. Để trả lời câu Mày làm gì ra mà nhiều tiền để mua nhiều hàng như thế, Thắng đã không đến nỗi nói rằng tôi sống bằng nước lã, nhưng anh cũng không dám nói toàn bộ sự thật về cuộc buôn bán chợ đen như một nền kinh tế thực sự hoạt động dưới cái vỏ của nó là nền kinh tế in giá cả lên hàng hoá nhưng mua xong bán lại thì vẫn kiếm lời từ chính nền kinh tế ấy. Những trang Thắng hồi tưởng về việc sản xuất áo lông thú giả cổ, việc bán nó và có thể đã bị lừa mất trắng, việc mua tủ đá chỉ dành bán cho những người có công huân... đã lột tả thật thê thảm hình ảnh một tiến sĩ học ở Liên Xô mà chỉ có hơn 70 từ tiếng Nga làm vốn và trả thi bằng những trò láu lỉnh được cho qua trong tinh thần hữu nghị, chiếu cố vì đất nước có chiến tranh. Khi chiếc tủ đá bị hải quan giữ lại, Thắng cay đắng nghĩ đến đêm anh lạc đường, không có chiếc taxi nào chứa nổi nó, khiến anh phải chui vào ruột tủ đá mà ngủ qua đêm đã gây được ám ảnh nghệ thuật. Thắng láu lỉnh khôn ranh, để đối phó với chính sách hạn chế hàng hoá đối với lưu học sinh, anh đã bỏ hẳn ba tháng săn lùng hàng độc: tủ đá, máy công cụ, đàn dương cầm... nhưng rồi chúng bị hải quan giữ lại khiến anh trắng tay; sự khôn ngoan láu lỉnh của Thắng đã thành kẻ đưa đường thọt chân của chính mình. Trong bối cảnh như vậy, Thắng nhận được hung tin bên nhà. Bố anh, một vị cựu Vụ trưởng nghỉ hưu trong khi tiền mất giá, bố mẹ anh đã đem tiền bán cái tủ Saratop cho vay lãi rồi bị lừa; mẹ anh đã phải bắt vụng con gà hàng xóm lạc vào nhà mình để dưỡng bệnh cho bố anh. Ông cụ đã chết trong cảm giác nhục nhã và hung tin đã đến với Thắng đúng lúc trắng tay khiến anh gục ngã.

   Nhưng, nếu như cái tinh khôn đã không giúp gì cho Thắng trong nền kinh tế in giá tiền lên hàng hoá và được điều khiển bằng các lệnh cấm thì nó lại giúp anh có cơ đứng dậy nhờ tin vui đổi mới cơ chế từ bên nhà do Minh đưa sang. Minh biết rõ Thắng, từng chịu ơn anh; Minh đã đứng đầu một tổ hợp sản xuất kinh doanh và trở lại nước Nga lần này là để tìm đối tác liên doanh. Hình ảnh Minh tiêu bằng tiền đô, cư xử có phần "trên tiền" với vũ nữ Nga đã khiến Thắng tìm lại cảm giác tự tin - cái cảm giác mà suốt những năm qua anh đã đánh mất. Tiểu thuyết đã có một cái kết mở ra như vậy và tuy nhà văn không bình luận gì thêm, ta vẫn vững tin rằng, rồi đây, Thắng sẽ tự tin và thành công trên con đường tự chủ làm ăn ngay trên xứ sở quê hương như người bố vợ hụt của anh đã không ngừng tin tưởng như thế.

  Người đưa đường thọt chân ra đời đã 18 năm và vừa được tái bản lần thứ ba đúng như dự cảm ngay từ ngày ấy của nhiều đồng nghiệp; đây là cuốn sách chịu được thử thách khắc nghiệt của thời gian. Một bố cục vững chãi, chuỗi hành xử của các nhân vật trước nhiều tình huống luôn mở ra sự chân thực của tâm lý; một kết cục thất bại các toan tính của nhân vật chính không đưa tiểu thuyết đến bế tắc yếm thế là thành công của tiểu thuyết mà chúng ta cần ghi nhận như một thành tựu của văn xuôi 20 năm đổi mới.

   Nhưng có vẻ như trong con mắt của số đông, cuốn tiểu thuyết thứ nhất này của Bùi Việt Sỹ còn thiếu một thứ và nó sẽ được bổ khuyết bằng cuốn thứ hai, Anh và hai người đàn bà. Quả thật, ở cuốn trước, tình yêu thực chỉ "diễn ra" trong trí nhớ; tình dục chỉ lướt qua nhưng lại mang hàm ý nhọc nhằn của gã đàn ông tha hương kiếm tiền và rồi nó liền bị tan rã bởi "tình phí" quá cao! Trong cuốn sau này, nhân vật chính Huấn lại dính líu tới hai người đàn bà. Họ đều rất đẹp, mỗi người mỗi vẻ. Huấn yêu Thảo thật hồn nhiên nhưng lại ngưỡng vọng Hằng, khi đó đã là vợ của một phó tiến sĩ mới Tây học về; cặp vợ chồng tuy có chênh lệch về ngoại hình lại là hình ảnh lý tưởng của tuổi trẻ trong khu tập thể một thời. Không phải là vô cớ. Thảo đã không thể chờ được cho đến khi mơ ước lãng mạn của Huấn trở thành hiện thực; đêm trước ngày cưới Thảo đã chủ động rủ Huấn đi chơi để hiến dâng - sự hiến dâng quả quyết như một toan tính kết thúc có hậu cho một thời lãng mạn. Nhưng Huấn chưa đủ từng trải để có thể mất tân với các hình dung đẹp đẽ của anh về tương lai. Thảo đã sớm lấy chồng giàu và già, có lẽ trực cảm của một cô gái từng ngâm trong bất hạnh ấu thơ đã mách bảo, đó cũng là cách để Thảo đỡ đần cậu mợ từng thay bố mẹ nuôi nấng cô. Thế rồi gia đình Thảo đã gặp rủi ro chính vì nhan sắc lộng lẫy của cô; tay giám đốc xí nghiệp nơi ông chồng già thợ bậc cao của cô làm việc nảy sinh tà tâm và bị cô cự tuyệt; ông chồng bị sa thải bởi lý do lý lịch không rõ ràng (khổ, một Viều kiều ở Tân thế giới về nước thì lý lịch làm sao mà rõ ràng được?) Họ bị ném ra vỉa hè rồi ông chồng Thảo đã bị chết trên đường di tản. Hằng đã ly dị với anh chồng trí thức đầy mưu toan để yêu và lấy anh chồng cơ bắp từng vô địch việt dã nhưng rồi lại tan vỡ. Còn Huấn thì đã kịp trở thành phó tiến sĩ - nghĩa là thành hình ảnh mơ ước xưa của chính mình khi câu chuyện đang diễn ra. Thế rồi, đúng vào lúc Hằng và Huấn có thể sẽ bước thêm nửa bước mà đến với nhau thì Thảo xuất hiện, với tư cách Việt kiều về thăm cố hương.

  Thực ra, khi từ Đông Âu trở về, Huấn cũng đã cứng tuổi và bị bầm dập bởi nhân tình thế thái. Hồi còn trẻ, sau những cống hiến bằng tài năng, Huấn phải đi vòng vèo qua các cửa quyền nhằm một suất đi Tây; khi có bằng cấp trở về thì cơ quan đã đâu vào đấy, Huấn bị đẩy sang làm tạp chí ngành như một sự ra rìa. Anh khôn ngoan thoát ra khỏi sự "đeo bám" của các cô choai choai ở cùng khu tập thể; Huấn đã không còn đủ độ trẻ nên chỉ có thể rung động với cái đẹp dĩ vãng - đúng hơn, đó chỉ là những mảnh của dĩ vãng anh không nguôi hoài niệm. Huấn tha thẩn chăm sóc, chữa chạy cho con của Hằng là cháu Mỹ Hạnh tật nguyền. Rồi anh lại là chỗ dựa cho chính Hằng khi cô bị đối xử bất công, cho những tủi cực của nghệ sĩ hát về già. Rốt cuộc, Huấn cũng là một kiểu bất hạnh: Một trí thức tài năng không được sử dụng; anh chỉ còn là một thứ thuốc thang băng gạc cho quá khứ - cái quá khứ từng là ước mơ khát vọng.

  Anh và hai người đàn bà - Cuốn tiểu thuyết thứ hai này dường như đã có đủ cả: Cái đẹp bị bật ra khỏi những âm mưu, toan tính và những khuôn phép của quan niệm cứng nhắc; tài năng - một cái đẹp kiểu khác bị "uốn nắn" đến không còn là chính mình rồi bị ném ra rìa vốn là các yếu tố quan trọng cho hình tượng nghệ thuật kinh điển. Lý do khách quan là họ ở cách nhau khá xa và người này thì làm ăn buôn bán còn kẻ kia lại theo đuổi nghệ thuật. Nhưng cả hai đều là cố nhân đối với Huấn, người này là quá khứ hiện thực còn người kia là quá khứ ngưỡng vọng. Nếu ví tiểu thuyết như cây trường thương, còn truyện ngắn là thanh đoản kiếm thì Bùi Việt Sỹ đều có thể sử dụng hiệu quả cả hai loại "binh khí" này. Mặc dù truyện ngắn ông viết không nhiều, nhưng ba truyện Mùi thật thà, Sương mùVề đi cún con ơi của ông đều là các truyện ngắn đặc sắc với bố cục chặt, tinh tế rất gợi mở - nhiều ẩn dụ các ý nghĩa sâu xa.

  Bùi Việt Sỹ viết chưa thật nhiều - với bốn cuốn tiểu thuyết và hơn chục cái truyện ngắn - nhưng ông đã chứng tỏ được là một cây bút văn xuôi có nội lực mạnh mẽ và thâm hậu, giống như các "cao thủ võ lâm" trong các chuyện "chưởng" của Kim Dung, chỉ xuất hiện và giải quyết trong các tình huống điển hình, gay cấn nhất, mà các nhân vật thường xuyên có mặt không thể xoay chuyển được...

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 148
Trong tuần: 671
Lượt truy cập: 439779
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.