NHÀ THƠ NGÔ THẾ TRƯỜNG
Sinh năm 1952 tại Hải Phòng
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Đã xuất bản:
- Vàng dưới biển xanh (Bút ký – in chung) NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh – Năm 1983
- Biển nắng (Bút ký – in chung) NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh – Năm 1984
- Xã Xía không xa xôi (Bút ký) NXB Hội Nhà văn – Năm 2011
- Sóng mặn (Thơ) NXB Hội Nhà văn – Năm 2012
- Mùa sương muối biển (Thơ) NXB Hội Nhà văn – Năm 2013
- Mặt trời đáy bể (Thơ) NXB Hội Nhà văn – Năm 2014
- Thơ Biển (Thơ) NXB Hội Nhà văn – Năm 2014
- Những lỗ vuông (Thơ) NXB Hội Nhà văn – Năm 2016
- Đàn bà chợ sắt (Tiểu thuyết) NXB Hội Nhà văn – Năm 2022
Giải thưởng:
- Giải B (Bút ký) – Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1982
- Giải nhì (hông có giải nhất) cuộc thi “Nhịp sống mới trong thơ” do Báo Người Hà Nội tổ chức năm 2013
- Giải nhì thơ cuộc thi đề tài Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2010 – 2013
- Giải thưởng về Biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.
Văn Chinh
NHỮNG TÍNH CÁCH HẢI PHÒNG QUA TIỂU THUYẾT ĐÀN BÀ CHỢ SẮT
[tiểu thuyết của Ngô Thế Trường, NXB Hội nhà văn, 2022]
Nhà thơ Ngô Thế Trường nhuần nhuyễn thi pháp quá khổ quá tải mà bình dân. Đây là cách ông hình dung về thân thể đất nước:
Núi không cao
Đáy biển không sâu
Một Phú Quốc cởi trần trên sóng
Dãy Trường Sơn dằng dặc đến đây nằm
Đây là cách ông nhìn một địa chỉ cụ thể, một góc nhìn đẹp và lạ mà “Đồ Bàn tứ hữu” đã bỏ qua:
Núi như người tình lớn
Đè nghiêng chiều Quy Nhơn
Quá khổ quá tải ở đây còn như một nghịch lý. Ông viết về các lỗ chừa lấy phân của những bức tường xây bên dòng Tam Bạc một thời, Dăm ba phu phen quấn kín áo mưa/ Mùi bẩn bay dài phố; vậy mà qua ký ức ông, nó lại chứa chất thẩm mỹ bền vững thanh sạch. Chỉ vài nét chấm phá, hiện ra cả một thời xưa cũ Hải Phòng; không tài không viết được thế, không yêu Hải Phòng đến độ cũng khó viết thành:
Những lỗ vuông sát đất mất dần
Những bức tranh Tam Bạc thuở xưa
Treo mãi
Hằn những lỗ vuông
Nhưng quy luật lắng lọc này sẽ làm khó cho văn xuôi, kiểu như hiện thực XHCN một thời làm khó các nhà văn. Ngô Thế Trường có trao đổi với tôi khi bắt đầu viết tiểu thuyết này, tôi đã nói như vậy. Rồi nói thêm: Viết về thế hệ bố mẹ ông bà là rất khó, không viết về cái dở của các cụ, bạn đọc sẽ thấy không thật, người ta bỏ sách; mà viết thật thì dễ mang tiếng là bất kính. Tóm lại, thành tựu về thơ của ông không giúp gì cho văn xuôi cả, ngoại trừ tấm lòng nhân hậu; còn thì văn minh đầy mình như Robinson Crusoe khi bị ném vào hoang đảo, anh ta nhất thiết phải bắt đầu từ chọc lỗ tra hạt.
Thật khó nói Ngô Thế Trường đã đóng góp gì mới cho thi pháp tiểu thuyết. Trở về với ký ức tuổi thơ, về với thế giới gia đình họ hàng vốn là motif quen thuộc trong các tiểu thuyết Đông Tây, nó đã thành kinh điển. Cái đáng kể nhất ở Đàn bà chợ Sắt phải chăng là chỗ nó đúng là văn xuôi, thơ không lại gạo trong tiểu thuyết như một số nhà thơ viết văn. Nhờ kể như đời sống thật, không khí rồi không gian lịch sử cứ từ tốn hiện dần, sống động dần mà làm nên tính cuốn hút. Có điều rất đáng mừng là văn dẫn chuyện, văn đối thoại cũng như văn kể lại chuyện của nhân vật đều nhằm khắc họa tính cách của chúng, lời ai nấy nói, chứ không là cái mặt nạ phát ngôn của nhà văn; buồn thay, lại đang là lối văn chủ yếu của các nhà văn – kể cả những người đã thành danh. Đây là loại sách có thể đọc một mạch.
Thật thú vị, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, rồi ra thành hình tượng nghệ thuật làm nên linh hồn của Đàn bà chợ Sắt là Hạnh lại “chào khán giả” bằng hành vi lén bớt thịt bò bỏ vào làn trong khi bán hàng cho chị gái, giấu mang về cho ông anh trai đãi bạn; trong những người bạn của anh, có Trí mà cả hai đã phải lòng nhau. Là con gái mới lớn, nhưng Hạnh dám đi qua miếu oan hồn lúc chưa sáng hẳn. Là cô gái nhan sắc, có duyên mà ngồi bên phản thịt hay đi đâu cũng có con dao thái thịt bò sắc đến nỗi chỉ vung lên mà lẹm mất hai đốt ngón tay của Tư Ngang sàm sỡ mình. Chính một lần đi nhận thịt bò sớm, Hạnh đã gặp Thái - người đàn bà giả điên, che mắt mật thám để lấy được đầu chồng mình bị Pháp bắt chém rồi bêu ở cổng trại giam; đã cưu mang, chữa lành nỗi đau, tạo cơ hội để Thái có lại được hạnh phúc với Râu Đinh – bạn cùng hội với Tư Ngang; vâng sự đời nó vậy. Cái cách Hạnh cưu mang Thái, rồi về sau chia sẻ với nỗi bất hạnh của Nội khi anh chàng họa sĩ Tư bị ốm, bị chết hay về sau đèo Nội vượt hàng trăm cây số về quê lão Đài để xem lão nói gì về cái thai do lão cưỡng chiếm Nội mà có cho thấy thân phận những người đàn bà thật gieo neo, khốn khổ nhưng cũng thật quyết liệt, tận cùng. Xin hãy đọc vài dòng về họ:“Những người đàn bà chợ Sắt sẵn sàng hỏa táng cuộc đời mình bằng chính ngọn lửa của tình yêu mà họ đanh đá, sắc sảo để âm thầm lưu giữ…” Người đọc tự hỏi, hai cô đưa nhau tìm lão Đài làm gì nhỉ? Đó là vụ cưỡng chiếm, Nội ghê tởm lão đến mức giội nước nóng vào chậu ngồi lên mà tẩy rửa cho kỳ hết dấu vết lão? Chỉ cần lão hèn đớn hay trắng trợn xí xóa thì không biết tai họa sẽ xảy ra với gia đình lão theo phương án nào. May là lão khôn ngoan lấp liếm trước mặt vợ con rồi tối đưa hai cô ra đê biển hóng gió, phấn khởi thừa nhận đứa con, còn tái khẳng định tình yêu của mình. Để rồi hai cô lại đèo nhau về, hàng trăm cây số, cốt chỉ kiểm tra tính người của một con người.
Hạnh thương Nội là thương một thân phận đàn bà, bởi chính cô cũng là thân phận kiểu khác, đều do chiến tranh gây ra. Trên đường tìm em về để còn theo Chúa vào Nam, con đò chở cô bị bom đánh đắm. May có ông giáo nghèo góa vợ bên sông Quèn cứu sống. Bơ vơ giữa bốn bề bom đạn, lại có dân kẻ Thơi bàn vào, Hạnh đã nhận lời làm vợ ông với điều kiện khi nào yên hàn cô sẽ về lại Phòng. Vì gá nghĩa, Hạnh đã lam lũ trồng chăm vườn thuốc lào, gánh cả cái gia đình nheo nhóc với khoai luộc sáng, khoai trừ bữa trưa còn tối thì khoai độn cơm bằng thúng mủng chạy chợ. Vậy rồi, đúng là người đàn bà chợ Sắt, vừa ngớt đạn bom, Hạnh đã tha lôi hai đứa con gần như là đi bộ hết quốc lộ 1 từ chợ Giát sang quốc lộ 10 mà về được Hải Phòng. Cái cách Hạnh vượt thoát khỏi nghèo đói, gia trưởng để trở về Phòng dẫu rằng, để trở về, cô đã phải dấn thân vào trầm luân hơn, gieo neo hơn; có lúc đã gần như phải bán con, nhưng rồi vừa căng sữa vừa nhớ thương con, cô đùng đùng đi bộ từ bến đò Quý Cao nơi Thái Bình giáp Hải Dương mà trở lại Nam Định đòi con; đấy là cái cách con người vượt thoát khỏi trầm luân số phận. Đấy cũng là cái làm nên tính cách người Hải Phòng: Nhặm nhuội, cần lao, quyết liệt, chết thôi nhưng vẫn phải vượt lên để làm người cho ra một đẳng cấp người.
Tiểu thuyết bắt đầu bằng đám tang cụ Cai máy đèn, do ông con cả là Phúc thư ký cho chủ nhà máy gạch đứng chủ tang. Cụ Cai mất đi, ông Phúc cũng chỉ lờ vờ vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi di cư vào Nam theo Chúa; như một ngụ ý rằng thế hệ các cụ làm cho Tây thực dân vậy là đã xong phận sự. Từ đây sẽ xuất hiện kiểu cư dân Hải Phòng mới; thế hệ tự tạo lấy nghề vừa nuôi sống gia đình mình, vừa nuôi sống rồi tạo nên diện mạo Hải Phòng mà xương sống của nó là chợ Sắt. Họ là Hạnh, bà Lan, bà Liêm Chính đều là em gái ông Phúc. Là Nội, là ông Trí đầu bếp tài hoa đến Tây phải nể phục. Họ còn là đám cửu vạn kiêm bảo kê, đòi nợ thuê, xin “đểu”. Họ đến Hải Phòng từ khắp các miền quê, mỗi người một kiểu khác nhau nhưng chỉ Hạnh là được kể đi kể lại, khắc họa như một kiểu người quá khổ quá tải để thành nét bản sắc không lẫn với người của thành phố khác.
Hạnh là hình tượng nghệ thuật lớn không phải vì vẻ ngoài đặc sắc hay bởi là cự phú gia mệnh phụ. Nó hấp dẫn trước hết bởi tính chân thực, người đến tận chân tơ kẽ tóc. Là con gái giao thời cũ lẫn mới, bà lấy chồng như một gá nghĩa đền ơn, bỏ chồng khi Cả Nghi vũ phu gia trưởng muốn vừa níu kéo vừa đè nén bà trong gia giáo khắc nghiệt nghèo đói tủi hổ nên bà đã dứt áo ra đi. Như mèo mẹ tha con hàng mấy trăm cây số, về đến Phòng, bà mua khăn xô quấn cho mình rồi cho hai đứa con như một đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ. Đang bán thịt hộ chị gái, Hạnh sợ mang tiếng với các con cháu nhà chồng của chị, nên bỏ mà đi buôn hàng vải lãi lờ chỉ đủ “nuôi” đám trộm cắp chợ Sắt đông như ruồi. Yêu tự do là yếu tố đầu tiên để làm thị dân, với Hạnh, nó trở thành điều kiện làm người. Yếu tố thị dân thứ hai là buộc phải chung sống với thuế vụ, bảo kê, chôm chỉa Hạnh cũng biết cách điều tiết khiến chúng nể sợ. Cái cách Hạnh xử với Thọ Sẹo khác với Tư Ngang mặc dù, đứng về mặt côn đồ, Thọ Sẹo anh chị hơn Tư Ngang. Bắt đầu từ việc cho tiền để Thọ Sẹo không ăn cắp của mình và của chúng chị em, tiến dần đến mức “vay” vàng (đến 5 cây) để buôn bán đồ ăn cắp. Lại cho tiền rồi đi cưới vợ cho. Đến khi bị mất sạch, nó lại đến như Chí Phèo đến nhà Bá Kiến. “Bà Hạnh kéo con dao chọc tiết bò ngày xưa còn lại, bóng loáng để trên mặt bàn:
- Mày mang con dao đến đây hở Thọ Sẹo? Tao cho mày thêm ba cây nữa. Mày phải bỏ buôn hàng ăn cắp. Con dao chọc tiết lợn của mày ngắn lắm.”
Trở lên, hẳn bạn đọc cũng đồng ý với tôi rằng, trí lự của Hạnh – của người đàn bà chợ Sắt đã thấp thoáng đây đó. Trình trí lự đậm đặc ở cái cách bà lấy lại ngôi nhà lừng lẫy một thời, ngôi nhà hiệu thịt bò Liêm Chính. Bà Liêm Chính đã luống tuổi, nghỉ buôn bán để hưởng thụ cuộc sống thời bao cấp mà ăn cơm với tôm hùm kho lẫn thịt. Bà cho vợ chồng Thoa thuê nhà để mở cửa hàng, làm ăn phát đạt mà tiền thuê cả năm không thèm trả, phải đưa ra tòa xử. Tòa xử thua vẫn không thèm trả, tòa phải ra lệnh cưỡng chế. Khi lực lượng cưỡng chế đến đã thấy đầy nhà các can xăng sẵn sàng đốt cùng đám bảo kê lượn lờ xung quanh. Đành thua keo ấy. Vậy rồi chồng cô Thoa tự nhiên bị “hai thanh niên cắp nách mời về quận làm việc”và thế là bà Thoa run như cầy sấy, xin trả tiền thuê, trả lại nhà cho bà Liêm Chính để đổi lấy ngôi nhà khác bà mua cho theo quy định của pháp luật cùng việc vợ chồng gia đình “vô can” yên ấm. Chi tiết thật ấn tượng về tính cách đàn bà chợ Sắt, tính cách Hải Phòng.
Do có tư cách thủ lĩnh, chị em thương nhân chợ Sắt nhất trí bầu Hạnh làm chủ nhiệm HTX may mặc ngay từ khi nó được thành lập; hợp tác chuyên nhận hàng may mặc sẵn cho ngành thương nghiệp thành phố. Và bà không phụ chị em. Thẳng thắn, liêm chính và công bằng bà đã thu xếp để cái HTX may mặc của mình đỡ nhem nhuốc nhất trong cái nền nhếch nhác chung, ăn bớt ăn xén, nhộm nhoạng lợi nhuận con con, miếng chín của thời bao cấp. Lại dưới mưa bom bão đạn, vừa tha lôi con về nhà họ hàng sơ tán, vừa theo hợp tác đi sơ tán chỗ khác; công việc vẫn trôi chảy, bị khiếm khuyết, hụt thước tấc thì xử lý bằng nằn nì, cơm rượu, chai rượu gói chè… Nói chung, ta thấy Hạnh - con người “tiền tích lũy thị trường” bắt kịp rất nhanh, rất thạo với phương thức sản xuất sau nó là tổ hợp thủ công. Cho đến khi người yêu già của bà – cái ông Trí đầu bếp Tây phải nể ấy bị ốm nặng, bà đã dứt khoát chọn người thay thế để trở lại chợ Sắt.
Mối tình Trí Hạnh cũng khiến tiểu thuyết thêm hấp dẫn. Nó là mảnh lụa lãng mạn xưa còn sót lại, vắt ngang thời bao cấp, với những cái bánh bao nhân thịt mà nguyên liệu chắc chắn là bớt xén của công ông Trí mang đến cho hai thằng con trai của người tình. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở nhớ nhớ thương thương. Có đánh ghen và suýt có án mạng, nhưng hai kẻ cố nhân gặp nhau chỉ để những ngày nhọc nhằn buồn tẻ bớt khô khốc nhờ mưa dĩ vãng. Chuyện tình như thể cứ nhẩn nha về kết chợt bừng lên ở hai ngả: Người vợ mù lòa cùng con gái nhớn của ông Trí chết bom, ông đã xung phong đi khai thác lâm sản trên Tuyên Quang cho ngành. Tiếng là để “làm nhà cho thằng con cưới vợ” nhưng thực cũng là để có tổ ấm cho hạnh phúc hai mảnh đời ghép. Còn bà Hạnh thì dứt khoát bàn giao chủ nhiệm để trở lại chợ Sắt. Hai con trai bà đã trưởng thành, hiện đang chiến đấu ở chiến trường nhưng về lâu dài, bà phải nuôi hai đứa ăn học đỗ đạt. Còn hơn thế tuy âm thầm, bà trước mắt phải lo cho người tình ốm ngã nước từ Tuyên về.
Thực ra, tiểu thuyết đến đây là hết chuyện. Những trang viết về cuộc đoàn tụ sau chiến tranh của con ông Phúc với con bà Hạnh là lý do lửng lép hơn cả so với toàn bộ tình huống cư xử, hành động, bộc lộ tính cách đều có logic tâm lý mập mẩy trong Đàn bà chợ Sắt. Nó, cùng với những trang viết về cuộc di cư năm 1954 – 55 theo cách phản ánh báo chí như là ký sinh, chúng có thể rất quan trọng và hay khi tồn tại trong một tiểu thuyết khác chứ ở cuốn này, nó bị dôi dư.
Tôi cũng không thích cái chết của Thọ Sẹo. Người như hắn không thể chết do say rượu rồi có vẻ như dính cảm mà ngã xuống sông, đấy là cách chết của nhà thơ, không phải của côn đồ bụi đời. Tôi tin rằng, Thọ Sẹo đã làm ra gấp mấy số 3 cây vàng bà Hạnh cho, rồi lại dốc túi chơi “canh bạc vét” bằng lô hàng moi từ các container ngoài cảng mà bị bắt, bị tịch thu thành tay trắng. Thọ Sẹo sẽ bị tù rồi bà Hạnh lại “cẩu” nó ra; lại cho tiền nhưng lần này là giao cho Lý vợ y. Vợ chồng sẽ mở hàng tạp hóa nhỏ hoặc bán chè chén ở chợ Sắt. Ngày ngày y sẽ ngồi bên quán của vợ, lúc nào cũng ngà ngà say rồi khoác lác về một “thời oanh liệt” đã xa.
Cố nhiên đó chỉ là cái tiếc của riêng tôi, bên cạnh việc quý trọng một giọng văn trầm tĩnh hiền hậu dẫn đến một đẳng cấp văn xuôi. Xin hình dung, mối tình của Hạnh – Cả Nghi rồi Hạnh – Trí đều được nhìn nhận qua đôi mắt trẻ thơ của thằng Sơn trước những củ khoai luộc, những chiếc bánh bao nhiều nhân thịt vừa lung linh hiền dịu vừa nhân nhẩn đắng đót. Tính nết của văn xuôi là không thèm nói ra cái điều muốn nói.
V.C