Vũ Nho
NGUYỄN HUY HOÀNG MIỆT MÀI TRÊN CÁNH ĐỒNG CHỮ
Qua hai tập thơ Vẫn còn có bao điều tốt đẹp (2008) và Giữa thanh thiên bạch nhật (2009), nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Huy Hoàng làm nghề dạy học nhưng lại là cây bút quan trọng của cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga. Có lẽ hoàn cảnh riêng đặc biệt với nỗi đau ám ảnh đã khiến cho Nguyễn Huy Hoàng cầm bút. Và lạ thay, tính mực thước của người nghiên cứu không hề cản trở những cảm xúc mạnh mẽ, ào ạt, vượt ra ngoài khuôn thước để cái tên Nguyễn Huy Hoàng trở thành một cái tên quen thuộc, thân thiết với cộng đồng người Việt ở Nga, thân thiết với những người công dân bình thường, những cảnh đời, những số phận vị dập vùi, bươn chải trong cuộc đời lầm than, cay đắng.
Trong lời thưa cùng bạn đọc có phần nào tự bạch của tác giả, Nguyễn Huy Hoàng đã tỉnh táo nhìn nhận thơ của mình như sau: “Bên cạnh những phong cách trữ tình quen thuộc, có phần cố hữu, thơ tôi còn mang tính đa thanh, với chất trào lộng, hài hước- trữ tình; có những bài đã phá rào sang sân chính luận. Điều đó, không phải là do tôi muốn thế. Chủ đề, ý tưởng của bài thơ đã buộc tôi phải chọn cách thể hiện phù hợp, nội dung đã quy định hình thức của nó. Có lẽ hình như đó cũng là một chút sở đoản của tôi”.
Đánh giá như thế là tương đối khách quan. Nói là tương đối vì theo tôi, tính chính luận trong thơ Nguyễn Huy Hoàng là một mặt mạnh của thơ anh. Điều này có thể bắt nguồn từ sự nghiên cứu sâu của tác giả về thơ Công dân Nga, và cố nhiên, anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đối tượng nghiên cứu. Chính điều này làm cho thơ của anh gắn liền với số phận của cộng đồng người Việt ở Nga, đồng thời cũng gắn bó sâu nặng với dân tộc, đất nước, dù anh ở nơi ngàn dặm cách xa.
Một số người viết không muốn thơ mình hướng ngoại như trước, họ tìm vào con đường hướng nội, bộc lộ những nỗi niềm, những khắc khoải về thân phận cá nhân. Tất nhiên, bây giờ không ai bài xích hay phản đối nói về chuyện này. Nhưng nếu thơ chỉ là chuyện riêng tư, chuyện cá nhân thì làm sao tìm được sự đồng tình, sẻ chia của đông đảo người đọc. Một người làm thơ trở thành nhà thơ của công chúng chỉ khi nào anh ta buồn vui, gắn bó máu thịt với những người lao động, những thường dân đang tất bật, nhọc nhằn với cuộc mưu sinh. Nguyễn Huy Hoàng là người như vậy. Có nỗi buồn đau riêng thăm thẳm, anh không quên. Nhưng anh còn buồn cái buồn chân chính của một con người, một công dân trước thế sự: Đáng buồn là những việc đáng buồn
Mà không ai buồn cả
Đáng buồn
Nguyễn Huy Hoàng buồn nỗi buồn nhân tình thế thái, những nỗi buồn thời cuộc xứ người:
Mátxcơva bây giờ đã khác
Những cái nhìn đầy ắp nỗi lo âu
Mátxcơva bây giờ đã khác
Anh buồn vì thời xô viết đã khác quá xa thời bây giờ, đặc biệt, đất nước đã từng cứu nhân loại khỏi họa phát xít thế mà “…giờ đây, giữa thanh thiên bạch nhật/ Kẻ giết người, thói phát xít vẫn nhơn nhơn” (Giữa thanh thiên bạch nhật). Anh không chỉ buồn cho bản thân mình:
Cầm lòng một miếng bánh Nga
Nhiều khi lẫn nước mắt hòa bên trong
Đủ rồi
Nỗi trăn trở lớn của anh là nỗi buồn cho những thân phận máu đỏ da vàng, những đồng bào bươn chải kiếm sống nơi xứ lạ quê người, long đong, lênh đênh “Giữa biển đời lũ cuốn, cánh bèo trôi”. Đó là một đồng đội cũ “Mang trên lưng cả gánh nặng nợ nần/ Chẳng quen biết, chẳng tiếng tăm, vốn liếng/ Đành gồng người khuân vác suốt quanh năm” (Gặp đồng đội cũ). Đó là người bạn trôi nổi hai mươi năm trên xứ người chưa về quê vì nghèo cực: “Sống dặt dẹo lần hồi, thay chỗ ở/ Không địa chỉ, cuộc đời như quán trọ” (Trôi dạt). Đó là những cô thợ may xuất khẩu lao động làm việc cực nhọc, sống trong “tường cao rào sắt bốn bề” chẳng khác gì tù ngục: “Tiền công chủ cầm không phát/Giấy tờ chủ giữ không cho/ Ngột ngạt tối tăm phòng ở/Hấp hơi như ngủ trong lò” (Lời tự than của một nữ thợ may).
Tuy nhiên, nỗi trăn trở trong trái tim đa cảm của Nguyễn Huy Hoàng không chỉ có thế. Tuy sống ngàn dặm xa, nhưng tấm lòng anh luôn hướng về quê nhà, về nơi quê nghèo đã nuôi dưỡng anh khôn lớn, trưởng thành; đã cho anh một trí tuệ, một tình yêu lớn để anh làm một người lương dân dù mòn chân đời lưu lạc. Sẽ còn mãi trong anh một Hà Nội, một quê hương Hà Tĩnh, một miền đất Việt thân thiết, những con người lam lũ với cuộc đời không mấy đổi thay: “Vẫn ao đầm vẫn giếng khơi/Quần chằng áo đụp vẫn phơi quanh rào/ Chân chì bước thấp, bước cao” (Về thăm quê bạn). Quê hương trong tâm tưởng của người con xa xứ trong những hoài niệm dù nghèo thường bao giờ cũng tươi tắn, lung linh:
Xa rồi khói thơm bếp rạ
Rặng tre đưa võng trong vườn
Xa rồi cây rơm đầu ngõ
Đàn gà mới nở vàng ươm
Chùm hoa dâm bụt
Nhưng khi vượt ngàn dặm về thăm, hiện thực không khỏi làm cho đau lòng, nghĩ ngợi “Rối bời trăm mảnh tơ lòng cố hương” trước những đổi thay:
Cây đa trăm tuổi trơ cành
Sân đình quy hoạch xây thành chợ phiên
Nhà lầu ngất ngưởng mọc lên
Bóng che đổ xuống vách phên liếp gầy
Nỗi niềm quê cũ
Sự đối lập xưa nay, đối lập giàu nghèo, sang hèn, thiện ác thường xuất hiện trong con mắt nhìn so sánh của người thơ nặng tình với quê hương đất nước. Nỗi buồn xa xứ người về càng thêm trĩu nặng bởi nỗi buồn quê hương, phải chăng vì nguyên nhân sâu xa là vì người viết “dễ trải lòng trước những cảnh đời, những số phận bị vùi dập và nỗi lầm than”? Bạn đọc sẽ bắt gặp nỗi lo toan của người dân quê lo tết đến:
Tiền đâu sắm sanh lễ cúng
Tiền đâu con nộp học thêm
Tiền đâu gối mùa thóc giống
Tiền đâu áo xống, thuốc men
Đêm nằm lo tết đến
Sao có thể dửng dưng trước cảnh người dân mất ruộng vì dự án “má gầy hốc hác, da khô, võ vàng” trong khi “Xa xa, phía cuối đường quan/ Phú ông xe nối hàng đoàn chơi gôn” (Chuyên của người phụ nữ cùng làng). Vẫn biết là có người giàu, kẻ nghèo. Nhưng cái hố giàu nghèo sâu thẳm không khỏi làm cho nhà thơ từng cảm nhận ở nước Nga Địa ngục sâu càng sâu/ thiên đường càng vòi vọi thấy rét ở trong lòng:
Phú gia vào cao lâu
Ghế bành lông ấm áp
Rượu mạnh món ăn Âu
Chân dài lơi lả hát
Bà lão quê ăn mày
Khoác chăn rách bị gậy
Khô héo bàn chân trần
Mắt mờ run lẩy bẩy
Rét
Trước những đối lập, tương phản, trước những điều trông thấy như vậy, ngòi bút thơ Nguyễn Huy Hoàng không thể dửng dưng. Cũng không chỉ có u buồn, đồng cảm. Thơ anh trở thành thơ chính luận. Tôi nghĩ đây chính là thể hiện phẩm chất công dân và tính hữu ích của thơ ca. Nguyễn Huy Hoàng lên án những kẻ” giả nhân, giả nghĩa/ Chẳng cần chi đến liêm sỉ trên đời/ Vờ nhân đức, vờ nam mô lương thiện/ Đóng kịch và xoen xoét ở đầu môi” (Sợ). Anh phê phán những kẻ “Cuộc đời thường đều dửng dưng xa lạ/Hết thảy đều khinh, chỉ quý mỗi tiền” (Cảm nhận vũ trường). Anh xót xa trước thói bạc bẽo của những người con trong cơ chế thị trường: “Con cái mải kinh doanh/ Hết đất rồi lại đất/Hết nhà rồi lại nhà/ Bố mẹ già, bỏ mặc” (Tâm sự của một người cùng quê). Anh lên án lối sống “mackeno” của một nhân vật “tròn như bi”: “Không đụng chạm, nói điều người khác muốn/ Chỉ vỗ tay, hoặc im lặng, hoặc cười/Ngồi nhẵn ghế không nếp nhăn trí não/ Mâm cỗ đầy cứ đủng đỉnh ngồi xơi” (Thực lòng). Và cũng lên án luôn những kẻ cơ hội bất chấp liêm sỉ: ” Lả lơi, một bước, nên bà/ Khom lưng, phút chốc, thế là thành ông” (Thâm cung).
Thiết nghĩ, những vần thơ thế sự thấm đẫm tình cảm công dân của Nguyễn Huy Hoàng đã làm cho thơ anh mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, đồng hành với thân phận và nỗi niềm của những người lao động trong cơn biến động mạnh mẽ của xã hội thời kinh tế thị trường mở cửa.
Nguyễn Huy Hoàng đã in đến 7 tập thơ dày mỏng khác nhau. Điều ấy chứng tỏ một nội lực thơ và sức bút dồi dào. Đề tài và chủ đề trong thơ Nguyễn Huy Hoàng khá phong phú và đa dạng. Ngoài những nỗi niềm của phận người xa xứ, tình cảm với nước Nga cưu mang đùm bọc, tình cảm với quê hương đất nước, tình bạn, tình yêu...người đọc có thể thấy một nghị lực và nhân cách của một công dân, một con người vịn câu thơ đứng dậy kiêu hãnh làm người. Biết bao nhiêu là thăng trầm, khó khăn cho một cuộc đời người xa xứ. Lại cộng thêm những niềm đau riêng thăm thẳm khôn nguôi. Nhưng Nguyễn Huy Hoàng không gục ngã. Bản lĩnh cứng cỏi của người con vùng Nghệ Tĩnh đã cho anh nghị lực và sức mạnh: “Vượt lên mọi niềm đau/ Và bao điều ngang trái” (Những vết sẹo). Anh vẫn tâm niệm và trung thành với một phương châm, một triết lí sống:
Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời
Đừng đánh mất và chớ làm hoen ố
Di huấn của Shukshin
Nhà thơ bằng lòng với cuộc sống lay lắt của một thường dân, nhưng ngạo nghễ coi thường : ”Hạng khom lưng, thói xiểm nịnh rẻ tiền/Những miệng lưỡi uốn éo điều trí trá/Những quý ngài tự đánh bóng tuổi tên!” (Nói thẳng). Và giữa bao nhiêu những sự lựa chọn cơ hội thăng tiến của cuộc đời mình, Nguyễn Huy Hoàng đã tình nguyện lựa chọn làm người thợ cày nhẫn nại gieo chữ trên cánh đồng thơ. Có thể có người cho là ngu ngơ, có thể có người cho là gàn dở khi mà ” Trót mang chuông đến xứ người/Ai nghe?Gõ đến suốt đời chẳng kêu” (Đủ rồi). Nhưng anh vẫn nhận lấy trách nhiệm ấy, gắng bình tâm sống và viết mặc dầu có bao điều trăn trở. Thơ của anh có lẽ chưa phải và không phải ” Là khẩu hiệu, ngọn cờ, là tiếng gọi thiêng liêng” nhưng nó sẽ ” Là tiếng hát tâm tình, là giấc mơ màu nhiệm/ Là ngọn hải đăng chỉ hướng những con thuyền”* cho bản thân anh và những thân phận người xa xứ như anh. Những vần thơ ấy được chắt ra từ một trái tim công dân sẽ làm nên ” Những trang sách giữ hồn cho tiếng Việt/Làm phù sa góp xanh lá cây đời” (Một con người ra đi).
Hà Nội, tháng 3/2010
V.N
-----------------
*) Tự vấn, trong tập Vẫn còn có bao điều tốt đẹp