Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

...NGƯỜI THÀNH ĐẠT

Phạm Đình Ân

NGUYỄN THỊ VÂN ANH - NGƯỜI THÀNH ĐẠT


  1.   Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh có sách in riêng khá sớm, từ năm 1986, tại nhà xuất bản Tác phẩm mới, đó là tập truyện ngắn Cá đuôi cờ khi tác giả vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Nếu nói đến thuở đầu tác giả này viết văn thì lại cần căn cứ vào cái mốc năm 1970 khi chị gia nhập Hội Nhà văn Hà Nội. Như vậy, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh đã trải qua một quãng đường lao động nghệ thuật văn chương khá dài, tính số chẵn là 55 năm. Bỏ qua những năm tháng gián đoạn, do làm báo, làm quản lý cơ quan báo, bạn đọc vẫn ghi nhận một cây bút nữ bền bỉ đối với văn chương trong khoảng mười bốn quyển sách trên nghìn trang gồm nhiều thể loại thuộc văn xuôi như: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký thuộc các loại hình như văn nghệ thuật, văn báo chí, văn dành cho trẻ em và kịch bản phim hoạt hình...

Cuối năm 2023, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh gửi đến bạn đọc Tuyển tập truyện ngắn và ký (470 trang). Lẽ ra, tuyển tập của chị phải dày hơn thế, bố cục thành vài quyển, trong đó có thêm truyện ký và tách riêng phần viết cho trẻ em.

Lao động nghiệp văn và hiệu quả nghệ thuật của nhà văn phái nữ Nguyễn Thị Vân Anh thật đáng nể, không kém gì những nhà văn không vướng bận công việc gia đình.

 

  1. Nhiều nhà văn vừa viết văn vừa làm báo, viết báo. Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh là một trường hợp tiêu biểu và có thể nói là khá nổi bật trong cả đời viết. Ở một số khía cạnh nghề nghiệp, chị nối báo vào văn và đưa văn vào báo. Từ thời trẻ, chị vừa dạy học vừa viết báo và sau đó liên tục làm quản lý nhiều cơ quan báo. Cụ thể là, sau khi làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh lần lượt đảm nhiệm các công việc: Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, Tổng biên tập báo Nhi đồng, Tổng biên tập Tạp chí Vì trẻ thơ, Tổng biên tập báo Nhà báo và công luận. Đáng chú ý hơn là những năm mới đây, khi không còn trẻ nữa, nhà văn nữ này lại đảm nhiệm chức Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam - chị tham gia vào một lĩnh vực báo chí không phải về xã hội, văn hóa thông thường, càng rất xa văn chương, đời hỏi phải hiểu biết nhiều và sâu về kinh tế, tài chính, các ngành nghề…Nhìn bao quát, những năm làm quản lý cơ quan báo, chị vẫn theo đuổi nghiệp văn. Công việc quản lý báo giúp nhà văn có thêm chất liệu viết văn, ở một góc độ cần thiết

Công việc quản lý các cơ quan báo cho trẻ em, vì trẻ em cũng giúp chị viết cho tuổi thơ tốt hơn. Công việc quản lý ở báo kinh tế giúp chị thêm sắc sảo, sâu sắc trong các bút ký, truyện ngắn.

 

  1. Buổi đầu viết văn, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh viết cho trẻ em và sau này chị viết cả cho lứa tuổi trẻ thơ và người trưởng thành. Có thể nói suốt đời viết, chị làm gạch nối nội dung viết và bạn đọc từ trẻ em sang người lớn. Ở khu vực sáng tác dành cho trẻ em, chị cũng có đóng góp lớn. Khi nêu tên tuổi mấy chục tác giả tiêu biểu viết cho trẻ em, chắc chắn bạn đọc nhớ đến nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh. Nhà văn đã được 6 giải thưởng kịch bản phim hoạt hình. Những tập truyện Cá đuôi cờ (1976), Cô bé và con rùa vàng (1978), Chiếc mũ của vịt con (1997), Thung lũng phượng hoàng (1997) đã được bạn đọc nhỏ tuổi các thế hệ nối tiếp nhau hào hứng đón đọc.

Thực tế đời sống khi làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong và sau đó là làm quản lý một số tờ báo, tạp chí cho trẻ em, về trẻ em đã khiến nhà văn viết được nhiều truyện ngắn có tác dụng giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mỹ đối với đối tượng bạn đọc đặc thù.

Về mặt lý thuyết, định hướng sáng tạo, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh rất chú ý đến đối tượng bạn đọc trẻ tuổi. Chị từng tâm sự: “Tuổi thơ của mỗi con người ai cũng say mê cổ tích. Phải chăng chính đó là bản năng hướng tới chân, thiện, mỹ. Bởi thế, người cầm bút viết cho thế hệ trẻ phải nhận ra sứ mệnh của mình là nuôi dưỡng niềm tin yêu cái đẹp, cho dù một lúc nào đó họ có phải dẫm lên bùn lầy” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn, 2020).

 

  1. Về nghệ thuật, tác giả của các tập truyện ngắn như đã nêu trên đây trong suốt quá trình sáng tác đã thủy chung với cách viết truyền thống. Bố cục truyện ít khi có lớp tầng đảo lộn thời gian - không gian. Nhân vật chính - phụ rõ ràng. Chị luôn luôn nêu bật tư tưởng của truyện, gài vào truyện (gói gọn ở kết thúc) ý nghĩa triết lý - nhân sinh. Nhiều khi vẻ bề ngoài của trang viết là sắc lạnh, gay gắt, riết róng nhưng phía sau lại sâu sắc về ân nghĩa và lòng độ lượng. Truyện Trái tim dã thú là một thí dụ. Lời nhân vật: “Trái tim của con khỉ đột mang gien người mà tôi đã thí nghiệm cấy ghép để cứu sống cho thằng Tín. Nhưng giờ tôi chợt hiểu ra rằng nếu chỉ cứu được sự sống mà làm mất đi một con người thì đừng cứu còn hơn. Sẽ thật nguy hiểm cho xã hội này nếu chen chúc giữa đám đông con người là những kẻ mang trái tim dã thú”.

   Một phụ nữ bỏ qua hết thời thanh xuân, chối từ tình yêu, rốt cuộc chỉ là Ảo ảnh thiên đường, đến tuổi năm mươi không chồng con, thậm chí phải vào tù oan. Lời nhân vật Ba Mây nói trước tòa, cũng là lời tác giả nói với bạn đọc: “Phải chi ngày đó tôi đừng mải ngước lên cao và mơ một ảo ảnh thiên đường. Tôi đừng lầm tưởng nông trường có thể thay thế gia đình mình, lũ trẻ tập thể có thể là con mình. Tôi đã lầm. Lấy chồng, sinh con, có một mái ấm gia đình, đó là điều mà người đàn bà cần phải có… “Viên kim cương bị bỏ rơi” chính là đứa bé mà nhân vật chị Hiền làm phúc nhận nuôi từ một người mẹ trẻ từng nhỡ nhàng dại dột, nhờ cậy vào đúng vào lúc cả hai cùng là sản phụ nằm giường cạnh nhau và chị trải qua một cuộc sinh nở không thành (cũng là do chị đang lâm bệnh hiểm nghèo). Chị Hiền đặt tên bé là Thảo Nguyên. Sau này lớn lên Thảo Nguyên rất hiếu thảo đối với mẹ (mẹ nuôi). Chẳng bao lâu -ngẫu nhiên thú vị - chính bác sĩ chữa bệnh cho chị đã nhận ra đứa bé là con ông.

Cuối truyện là lời thông báo với bạn đọc: “Hôm nay, khi tôi viết lại câu chuyện này thì Thảo Nguyên đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Mỹ với tấm bằng Tiến sĩ xuất sắc. Người ta mời nó ở lại làm cán bộ giảng dạy nhưng nó nhất định về giảng dạy ở trường Đại học quốc gia Việt Nam. Nó cũng đã lập gia đình, được hai đứa con đẹp như tranh, một trai, một gái. Khỏi phải nói ông bà nội nó đã sung sướng như thế nào khi được sống trong một đại gia đình đầm ấm và thành đạt như thế. Chị Hiền được đưa sang Singapore điều trị bằng một phương pháp tối tân nhất hiện nay, trở về trông chị tươi tắn hồng hào, khó mà nhận ra chị đang là người có bệnh hiểm nghèo. Tất cả, họ đang sống những ngày thật hạnh phúc. Lắm lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: Ngày ấy nếu chị Hiền không nhân hậu đón lấy giọt máu bị bỏ rơi mà vứt nó vào một trại tế bần nào đó thì hôm nay cuộc sống của nó sẽ ra sao ?”. Nhiều truyện ngắn khác trong Tuyển tập này cũng lôi cuốn bạn đọc, bộc lộ ở cuối tác phẩm ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

    Có thể nói rằng nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh là người thành đạt sau khi trải qua trên năm mươi năm lao động miệt mài cả ở nghề báo chí và nghiệp văn chương, cả ở vị trí một công chức bình thường và người quản lý nhiều cơ quan, cả ở khu vực viết cho người trưởng thành và viết cho trẻ em.

                                                                     P.Đ.Â

 



In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 378
Trong tuần: 1083
Lượt truy cập: 435813
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.