Thanh Ứng
NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN NGẮN PHẠM MINH TÂN
Sau khi cho ra đời 5 tập thơ: Nắng chiều (2008), Tiếng thầm (2011), Khoảng lặng (2014), Khúc ru cánh cò (2017), Miền ban trắng (2019) và được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội theo chuyên ngành thơ, năm 2020, bất ngờ Phạm Minh Tân cho ra mắt tập truyện ngắn: “Là anh” do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Đây là tập gồm 11 truyện ngắn xoay quanh những câu chuyện trong mối quan hệ gia đình, tình yêu, xã hội…trong những mối quan hệ đó, con người đã sống, bươn trải, vươn lên để hòa hợp, làm chủ số phận của mình và lo toan cho những người thân. Gần 150 trang, trong 11 câu chuyện thì hầu như truyện nào cũng có nhân vật là phụ nữ. Một thế giới phụ nữ đa dạng, sinh động như đời sống có mặt trong những trang sách của nữ tác giả này. Mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, một môi trường sống, một quá khứ, một tương lai, một số phận…tạo nên sự phong phú của một nửa dân số toàn cầu mà chúng ta vẫn hằng ngưỡng mộ, tôn vinh. Đó là mẹ con bà bán nước, là bà cụ tốt bụng ta thường gặp trên đường, một bà cụ thương con cháu mà lại gặp oan trái, một bà già lẩm cẩm mà tốt bụng một cô nữ sinh xinh đẹp tràn trề lượng lai phía trước, là cô gái làm nghề “bướm đêm” trong “Động Tiên”, là cô sinh viên mới vào trường Đại học, là chị cán bộ cơ quan có chồng vừa nhập ngũ, là cô gái thất thế được người ta mang về làm vợ…Có lẽ do thiên cảm của một cây bút nữ với sự cảm thông, chia sẻ mà tác giả Phạm Minh Tân dành nhiều trang đậm đà về những người cùng giới với mình. Trong các thiên truyện của chị, ta thường gặp những người mẹ, người bà sống nghèo khổ, chắt chiu thương chồng thương con nhưng không phải bao giờ cũng được hưởng hạnh phúc. Đó là bà Mỵ trong “Cõi tạm”. Chồng mất sớm bà ở vậy nuôi cô con gái và mở quán nước mặt đường. Cô con gái Phương của bà càng lớn càng xinh đẹp nhiều chàng trai ngấp nghé nên phân tán tư tưởng và thi trượt Đại học. Bà vận động, dồn ép và bắt Phương lấy chàng trai vẫn đến uống nước hàng bà mà bà cho là người tốt biết thu vén tằn tiện cho gia đình. Mặc dù đã hai con có nếp, có tẻ nhưng vợ chồng chúng không hạnh phúc. Chồng Phương ngày càng keo bẩn và độc ác. Bà bị bệnh tim hắn không cho tiền để mổ. Phương muốn bán đồ nữ trang của mình để chữa bênh cho mẹ, hắn không cho. Khi biết bà sắp trút hơi thở cuối cùng hắn chạy vào bảo Phương tháo ngay đôi hoa tai của mẹ “kẻo một lát nữa mọi người kéo đến thì không biết thế nào mà lần”. Sau khi mẹ mất, Phương gắng sống và nuôi hai con ăn học, đứa lớn đã là cô giáo mầm non, đứa sau đang học năm cuối Đại học Kiến trúc. Còn Luận, chồng Phượng vẫn không thay đổi gì. Hắn keo kiệt, thu nhặt từng đồng kể cả khi thở hắt ra cũng không cho mọi người đưa đi cấp cứu và chết trên giường với một lá thư dặn lại: đã mua đất ở quê, xây lăng mộ, phải làm đám tang thật linh đình… để làng nước không coi thường thằng Luận này “và họ Cù Văn nhà ta”. Nghe đọc xong thư, Phương qụy xuống, khóc lóc: “Cả đời ông toan tính, tự đầy ải mình, làm khổ vợ con để dành một đống tiền mang xuống mồ… sĩ diện với ai. Rồi bà ngã ra bất tỉnh”. Nỗi khổ của hai mẹ con bà bà Mỵ trở thành niềm ám ảnh người đọc và làm nhiều người nghĩ ngợi: Sao Phương không mạnh mẽ, quyết đóan hơn để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Cái kết của chuyện mở ra nhiều điều suy ngẫm về số phận của những người vợ, người mẹ trong cuộc đời này. Bà Mẫn trong “Chuyện của Sương” cũng không kém nỗi buồn khổ:16 tuổi đã bị “gả cho người đàn ông tật nguyền hơn mình gần hai chục tuổi, để đổi lấy một nương sắn cứu cả nhà khỏi chết đói”, có một đứa con trai, chồng chết, con trai chơi bời rồi đi biệt tích, một mình ở nhà còm cõi sống và trông mong con trai trở về. Là cô gái tên Sương mất cha, mất mẹ sống sót sau một trận lũ lụt. Một bà mẹ hiếm hoi nhận là con nuôi cho ăn học tử tế. Năm lớp 8, mẹ nuôi mất vì tai nạn giao thông, Sương phải bỏ nhà đi vì chống lại ông bố nuôi dâm đãng định bức hại cô. “Như cánh béo trôi dạt”Sương lưu lạc khắp nơi làm đủ nghề:bới rác, ăn xin, làm mướn…sau may mắn được Tuất, con bà Mẫn bây giờ đã là một tay anh chị đất Cảng dẫn đến một nhà hàng làm chân bưng bê, rửa bát có chỗ ăn nghỉ…và đưa Sương về quê chuẩn bị cưới làm vợ. Rồi Sương lại phải nuôi Tuất khi chồng vướng vào cờ bạc bị bọn giang hồ đánh đập, ốm liệt giường hai năm trời. Chồng chết, Sương lại phải vất vả chăm sóc bà Mẫn đến khi bà qua đời. Sương sống một mình trông nom nhà cửa, vườn tược nhà bà Mẫn. Cuối cùng, may mắn cô không trắng tay và bị đuổi ra ngoài đường khi cô có trong tay bản xác nhận thừa kế tài sản của bà Mẫn …Trong truyện, khi Tuất săp chết có dặn lại bà Mẫn: U phải gả chồng cho Sương, cô ấy vẫn còn con gái” Kết truyện, Sương may mắn khi cô còn lại tài sản nhưng cô đã phải hi sinh cả tuổi xuân và trình tiết để sống và tồn tại trên cõi đời này. Bên cạnh còn có Duyên trong “Hạnh phúc”, bà cụ trong “Giời ơi”, Bích trong “Duyên phận”… Trong những truyện ngắn của Phạm Minh Tân, nỗi khổ hoàn cảnh éo le của những người phụ nữ được nhà văn khai thác có chiều sâu và với một tấm lòng sẻ chia, thông cảm. Những người phụ nữ này luôn được nhà văn tìm cách bênh vực, giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn hoặc là bằng lý lẽ của luật pháp hoặc bằng lòng tốt của chính những người trong cuộc. Do đó, dù cuộc sống có khốn khổ, nghèo túng nhưng những người phụ nữ trong trang văn của Phạm Minh Tân vẫn toát lên sự nồng ấm của tình đời, tình người cùng giới1
Phản ánh về người phụ nữ, Phạm Minh Tân không nhìn cuộc sống một chiều, dễ dãi. Nhà văn cũng khai thác những điếm chưa được của giới mình để cùng phân tích đánh giá bằng trái tim và khối óc tỉnh táo. Đó là những truyện tác giả nhận thức được sự biến chất sa ngã của một bộ phận nhỏ chị em do hoàn cảnh khách quan, chủ quan bị đưa đẩy vào cuộc sống đầy cảm dỗ của thời buổi cơ chế thị trường. Đó là Hoài trong “Canh bạc”. Cô đã từ bỏ cuộc sống và tình yêu nơi thôn xóm, làng quê để chạy theo thói ăn chơi, đàn đúm trong các “Động Tiên” và trở thành “Bướm đêm”. Là bà Châm trong “Hạnh phúc” . Một người mộ tín đến mê mẩn chỉ lo cầu kinh niệm phật, đi lễ, cầu siêu ở các chùa… mặc dù chồng không đồng ý. Bà để ông sống một mình, không quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ của người thân…Rồi từ đó xảy ra bao nhiêu sự nghĩ ngờ, bao nhiêu sự việc làm đảo lộn cuộc sống của gia đình, rạn vỡ mối quan hệ vợ chồng, bè bạn và các mối quan hệ khác…Mặc dù số người phụ nữ này được phản ảnh trong truyện của Phạm Minh Tân không nhiều nhưng cũng cho người đọc một bức tranh xã hội thu nhỏ với những màu mảng sáng,, tối cần thiết. Chính điều đó càng tôn thêm vẻ đẹp về thể chất cũng như tâm hồn của người phụ nữ mà tác giả đã dành nhiều trang viết và tâm huyết để phản ánh và sẻ chia. Đó là Dung trong truyện ngắn đầu tiên “Vết sẹo”. Cô là một người con gái đẹp, đã từng là hoa khôi của trường lấy Hà “ là một cặp trai tài gái sắc, được cả công ty ngưỡng mộ”. Tuy vậy, cuộc sống gia đình cũng không hạnh phúc vì Hà có thói ghen tuông vô lối, thường hay chì chiết, bóng gió soi mói vào các quan hệ xã hội bình thường của vợ làm cho Dung “vừa buồn, vừa xấu hổ, nhiều khi Dung đờ đẫn như kẻ mất hồn” Một lần do quá ghen, Hà đem bình rượu ra sân đập chẳng may mảnh bắn tung vào mặt đứa con gái, may vết thương không vào mắt “chỉ một li nữa là con bé mù suốt đời”. Mặc dù chồng như thế nhưng Dung vẫn một lòng thủy chung tìm cách giải thích, lựa lời cặn kẽ để chồng hiểu và luôn dịu dàng nhận lỗi về mình để chồng được nguôi ngoai. Khi chồng bị bỏng do uống rượu say, Dung hết lòng chăm sóc cả khi ở bênh viện lẫn khi đã về nhà...Chính tấm lòng thủy chung và đức làm vợ trong sáng, nhân từ mà Dung đã giúp chồng tỉnh ngộ và chồng đã nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người vợ. Kết truyện là “những bông hồng bạch lặng lẽ” tỏa hương trong căn nhà hạnh phúc dù đã đi qua những bi kịch và đã để lại những “ Vết sẹo” trên người Hà.Câu chuyện cho ta một tấm gương và một bài học đáng trân trọng của những người phụ nữ ta thường gặp trên cuộc đời này. Đó còn là cô bé trong “Là anh”, hồi nhỏ hay nhũng nhiễu, vòi vĩnh anh nhưng đã biết thương anh, lớn lên khi anh bị bệnh đã quan tâm thăm hỏi và luôn tự trách mình: “Vì sao khi được sống gần nhau ta thường vô tâm, không biết trân trọng những tình cảm yêu thương, những điều quý giá mà cuộc đời đã ưu ái dàn cho ta? Chỉ đến khi mọi sự có nguy cơ tuột hỏi tầm tay, ta mới ngộ ra, mới tiếc nuối, mới hết lòng níu kéo”. Đó là những dòng cuối của “Là anh” nhưng cũng chính là tuyển ngôn về quan niệm sống của tác giả. Có lẽ chính vì thế mà Phạm Minh Tân đã lấy tên truyện này đặt tên toàn tập. Trong tập, có một câu chuyện được người đọc chú ý. Đó là truyện ngắn “Ba không”. Đây là câu chuyện của Tâm, người phụ nữ trong truyện. Chồng Tâm là Hiền nhập ngũ trong một trường hợp hi hữu. Anh là người giữ trọng trách trong một ngành phục vụ chiến đấu, đã ngoài ba mươi tuổi đi giao quân nhưng do người lái xe trong danh sách giao quân đột ngột tăng huyết áp, vị bác sĩ yêu cầu giữ lại để giám định. Thế là cơ quan thiếu chỉ tiêu và Hiền phải thế vào đó. Đã ba tháng nay, Tâm khắc khắc khoải mong tin chồng. Sau khi được người thủ trưởng đơn vị chồng trao thư và biết được nơi chồng đóng quân, Tâm quyết định xin cơ quan cho nghỉ phép tìm đến thăm chồng. Cuộc hành trình của Tâm đến nơi chồng đóng quân được tác giả miêu tả tường tận, tỉ mỉ như chính nhà văn là người trong cuộc.Từ tang tảng sáng, đạp xe đến bến ô tô thời chống Mỹ. Cảnh bán vé nhốn nháo, tiêu cực thời đó. Nhờ cái bụng đang mang thai mà Tâm có vé đi chuyến này.Đến quá trưa, xe trả khách ở bến cuối. Cái xe đạp của Tâm trên nóc xe đưa xuống thì các phụ tùng vênh váo hết cả. Thế rồi xe cũng được sửa và Tâm lại phải đạp mấy chục cây số nữa. Tâm hỏi địa chỉ nơi đóng quân của chồng thì ai cũng lắc đầu “Không biết”. Lúc này đang là thời chiến, toàn dân thực hiện “Ba không” để bảo đảm bí mật quân sự phòng gián điệp theo dõi, chỉ điểm đánh phá Tâm vẫn đạp xe khi cái thai trong bụng cuộn lên liên tục…Biết con đói nhưng không thể ăn được khi chỉ có một mình nơi đồng không hiu quạnh này. Rồi đạp đến những mảnh ruộng hi vọng có ruộng là có người nhưng không có gì, vẫn là những khoảng không với nhiều hình thù ghê rợn. Rồi đêm xuống, bao nhiêu âm thanh kì quái của loài ăn đêm làm cho Tâm cảm thấy run sợ. Tâm cố lấy hết can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi men theo một bờ ao mà đạp nhưng rồi “Bất thần bánh xe vấp vào một mỏm đất cao, thế là cả người và xe ngã nhào xuống ao.” Đó là một cái ao bùn, cả người Tâm và xe cứ như đang chìm dần. Tâm dùng hết sức lực, hai tay ghì chặt chiếc xe đạp, hi vọng kéo dài thời gian bị chìm nghỉm. Trong giây phút hoảng loạn rối bời ấy, Tâm cảm nhận cái chết đang đến dần, chị nghĩ đến các con thơ dại, mẹ già đau yếu…và cả đứa con đang trong bụng…Chính trong thời khắc nguy kịch đến tính mạng đó một sự thần kì đã đến. Một em bé tên Hùng đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Tâm đã hướng ánh đèn pin về phía Tâm, kéo Tâm lên và đưa chị về nhà. Hai bà cháu giúp Tâm làm vệ sinh cá nhân và lau rửa xe đạp… Bà của Hùng thấy thế xuýt xoa: “Mô phật! Đại phúc, đại phúc! Trâu bò sa xuống đó còn chìm nghỉm nữa là…Tội nghiệp”. Đoạn truyện hấp dẫn người đọc bởi những chi tiết của đời sống rất thực thời chiến tranh và còn gây xúc động với người đọc bởi sự can đảm, cứng cỏi của một người phụ nữ trong hoàn cảnh thật ngặt nghèo, Lòng thương chồng, thương con, thương mẹ già và bản lĩnh người phụ nữ và sự giúp đỡ của những người xung quanh đã giúp Tâm vượt qua tất cả và Tâm đã gặp chồng. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi người và là niềm tự hào của tình chồng vợ thủy chung, son sắt. Đọc “Ba không”, ta còn gặp những câu chuyện nằm trong truyện. Đó là câu chuyện của hai bà cháu Hùng. Bà cũng có chồng là bộ đội đánh Pháp, có thằng con trai là bộ đội đánh Mỹ.” Chồng bà chết bệnh sau chiến dịch Điện Biên, con bà lấy vợ đẻ ra thằng Hùng rồi đi đánh Mỹ chẳng có tin tức gì. Bà xin mở cái quán này để có tiền bà cháu rau cháo nuôi nhau và thường xuyên giúp đỡ những người cơ nhỡ. Đó còn là câu chuyện của Hiền, anh nhập ngũ với một lí do thật kì lạ và những tháng trong quân ngũ xa vợ, nhớ con giữa những người lính trẻ…và cuộc gặp giữa hai người trong hoàn cảnh thật đáng nhớ! Trong đó còn câu chuyện tình nghĩa của Tâm với những người đã cưu mang mình trong cơn hoạn nạn. Khí đưa chồng những gì đã chuẩn bị ở nhà, riêng tiền, Hiền bảo cô mang về, Tâm đã gửi lại bọc lượng khô và số tiền đó cho bà cháu Hùng. Tâm hứa là sẽ trở lại thăm hai bà cháu, nhưng cô không thực hiện được vì vùng đó về sau trở thành một nhà máy lớn tất cả đã di chuyển không làm sao tìm được tung tích hai bà cháu…Cuối chuyện là đoạn kết có hậu: Khi trở về, đã hết xe, may mắn Tâm lại được một chuyến xe bộ đội cho đi nhờ về nhà…Đó còn là câu chuyện của lòng tốt, của tình người cảm động trong thời chiến. Truyện có tên “Ba Không” nhưng thực ra là có tất cả. Có đức hi sinh, có lòng quả cảm, dũng cảm vượt lên của người phụ nữ, có tình người và sự vị tha nhân ái đáng quý, có cả sự đời đắng đót của một thời chiến tranh và sâu rộng hơn là hiện thực sinh động của hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta. Phạm Minh Tân đã thể hiện những điều đó trong từng trang truyện đậm đà chất thi ca vơi những dòng văn giầu cảm xúc có sức lan truyền đến trái tim người đọc…
Đọc tác phẩm của Phạm Minh Tân ta nhận rõ cái Tâm của người cầm bút. Nhà văn muốn đem đến người đọc những ý tưởng nhân ái mà mình nung nấu qua những mảnh ghép của cuộc đời thực mà mình nghe kể hoặc chứng kiến, qua những trải nghiệm của chính bản thân.Từ đó người đọc có thế nhận ra chân dung người viết: Một phụ nữ chân thành, đôn hậu, giàu tình yêu thương và cũng rất cứng cỏi,mạnh mẽ trong cuộc sống. Tuy nhiên với tư cách nhà văn, người đọc còn đòi hỏi chị nhiều hơn thế trong việc hư cấu xây dựng cốt truyện (hoặc có thể không cần cốt truyện ) để có thể là những truyện ngắn thực sự .Cách viết cũngg cần chọn lọc, gia công nhiều hơn vào các mạch văn để giọng kể được đa dạng, phong phú góp phần vào những trang văn hay của thiên truyện.
Tôi tin chị sẽ thành công ở thể tài truyện ngắn này! Xin chúc mừng nhà thơ Phạm Minh Tân.
Hà Đông tháng 3/2021
T.Ư
Người gửi / điện thoại