Vũ Quốc Long
NGƯỜI CỦA MỘT THỜI – TRANG VĂN MỘT NGƯỜI LÀM VƯỜN
Người của một thời kể về ông chủ tịch, Bí thư đảng ủy xã Sơn Đông, một điển hình quan chức cơ hội, thủ đoạn, mưu mô xảo quyệt và con đường tha hóa, biến chất, trở nên đểu cáng, bị cả xã hội khinh ghét gọi bằng định danh Toàn “Bí”. Lúc hết thời, hết chỗ bòn rút, Toàn phải trả giá cho cả một đời “ăn mặn”, trở nên keo kiệt bủn xỉn, không chút tình người. Cái định danh “Bí” của Toàn có thể hiểu theo hai nghĩa ẩn ý Bí thư hay Bí tắc, chẳng hiểu người dân dùng với nghĩa nào, hay cả hai. Chuỗi ngày cuối đời của Toàn là chuỗi ngày điên dại. Bối cảnh câu chuyện là làng Hạc, một ngôi làng cổ xinh xắn, yên bình và giàu có.
Mở đầu truyện là hình ảnh Lão Toàn trợn trừng, trợn trạo nhìn lên trần nhà, chẳng nói chẳng rằng khi bà vợ xin thêm lão 50 ngàn đồng mua quà thăm người bác của lão là ông Cả, đang trở bệnh rất nặng có dấu hiệu không qua khỏi. Vẻ trợn trạo là dấu hiệu rất bất thường khi lão nghỉ hưu, rời ghế quan trường.
Sự thay đổi tính cách của lão Toàn từ lúc nghỉ hưu khiến bà Thoa lo lắng. Vừa làm bà vừa nghĩ, trước đây đang công tác lão ấy có như thế đâu? Đứng trên bục, nói phét, nói lác, đến con rắn trong lỗ cũng phải chui ra, bây giờ thì lại câm như hến. Bà phán đoán, thôi đúng rồi, ngày trước mình nghe dân tình họ vẫn xì xào rằng, muốn làm quan thời nay thì phải giả, giả câm, giả điếc, giả thong manh và phải khéo luồn, khéo bò thì mới đọng được. Lão làm chủ nhiệm, chủ tịch, rồi bí thư đảng ủy xã, tính ra phải đến hơn ba mươi năm. Phải giả câm, giả điếc, giả thong manh ngần ấy thời gian, thì làm gì mà chẳng bị nhiễm.
Nhận xét hồn nhiên của bà vợ ông quan ngang hàng Chánh tổng xưa cho thấy cái nhìn của người dân với quan chức nói chung và quan chức nông thôn thời nay nói riêng: buồn, đau, mà xót xa lắm.
Những suy nghĩ lan man của bà Thoa về chồng cũng cho thấy khá nhiều vấn đề về thực tế tình trạng bổ nhiệm cán bộ ở nông thôn và công tác đào tạo cán bộ của các trường học chính trị.
Ra quân một thời gian, dưới cái bóng của ông anh họ làm chủ nhiệm, Toàn được trên phân công cho làm đội trưởng đội sản xuất rau, chỉ huy hơn tám chục lao động. Hàng ngày lão ra phân công công việc cho người này người kia, léng phéng một lúc rồi chuồn. Dân tình kêu ca, nhưng cậy ông anh, lão phớt hết. Sau một năm làm đội trưởng, lão được cất nhắc vào ban quản trị hợp tác xã, giữ chân phó chủ nhiệm, rồi được cử đi học trường Lê Hồng Phong. Tiếng là đi học, nhưng lão thường trốn về làm việc nhà. Giấy báo sát hạch học kỳ nhà trường gửi về toàn điểm một với điểm không. Nhưng chẳng hiểu sao, khi kết thúc khóa học, lão vẫn được cấp chứng chỉ là học xong khóa đào tạo sơ cấp chính trị. Tờ chứng chỉ thành bùa tiến thân cho lão. Năm sau, ông chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Đông, được huyện kéo lên làm cán bộ tăng cường. Thế là lão nhảy tót lên ghế chủ nhiệm.
Qua Toàn, tình trạng cai trị ở các địa phương, bè nhóm thủ đoạn thanh toán đối thủ từ lâu cũng được Nguyễn Đạo Vinh phản ánh và mổ xẻ trong tác phẩm.
Làm chủ nhiệm hơn năm thì Toàn cho Đại hội xã viên, bầu ban quản trị mới. Toàn thay gần hết số người cũ, với lý do già cả chậm chạp văn hóa thấp. Kế vào đó là tay chân thân tín, những bộ sậu của Toàn và những phần tử nịnh hót. Toàn xây dựng hẳn một đội quân dạng như chim lợn chuyên đi theo dõi, nghe ngóng rồi về báo cáo. Bởi thế cho nên, lão không cần bước chân ra cổng, cũng nắm được tuốt tuột mọi việc.
Tình trạng biến chất của cán bộ cơ sở dưới ngòi bút của Nguyễn Đạo Vinh, thật như bức ảnh nguyên mẫu. Để kín đáo và dễ bề hoạt động, Toàn biến nhà lão thành trụ sở chính của HTX. Lão lấy gạch ngói của hợp tác xã về, làm riêng một căn nhà ba gian giữa vườn, chuyên để tiếp cấp trên xuống. Đó cũng là nơi diễn ra những cuộc bù khú thâu đêm suốt sáng diễn ra triền miên. Vịt, gà, cá, trứng… hợp tác xã nuôi để bán cho nhà nước, nhưng ngày nào cũng được bắt về mổ thịt với lý do để tiếp khách. Không phải là hợp tác xã không có trụ sở. Cái hội trường to đoành, mới xây đầy đủ tiện nghi chỉ cách nhà lão không xa, nhưng lão không khoái ra đấy. Đơn giản vì ở nhà lão “kín” hơn, thế thôi!
Bà Thoa vợ lão giờ không phải đi làm, chỉ ở nhà trông nom, sai vặt mấy tay bộ sậu ăn theo của chồng. Cách đi đứng, ăn mặc của bà từ đó cũng thay đổi. Bà không khác một bà Hoàng.
Tình trạng móc ngoặc vòi vĩnh đút lót ở nông thôn thời HTX diễn ra đặc biệt rõ và sôi nổi vào dịp Tết Nguyên đán. Từ hai mươi tháng chạp trở đi, nhà lão Toàn lúc nào cũng đông khách. Các nhân viên ban này, sở nọ trên tỉnh, trên huyện kéo đến để “xin gạo, xin lợn”. Khi vào họ đem theo túi quà, khui được ở các cửa hàng mậu dịch. Khi ra họ chỉ cầm theo mẩu giấy con con bằng hai ngón tay, bên trong có mấy chữ: đồng ý cho phòng này, ban nọ con lợn năm mươi ký, hoặc một trăm ký, vài ba chục cân gạo nếp. Tờ giấy tuy rất nhẹ nhưng giá trị của nó thì thật ghê gớm với người nông dân bởi số thóc để nuôi được con lợn như vậy là đủ cho vài nhân khẩu ăn trong một suốt năm. Mà đâu chỉ là một vài con, cứ phải vài ba chục con mỗi năm.
Cho người cũng là lấy cho mình. Các đơn vị cơ quan xin lợn xong, dù thịt ở nhà lão hay đem đi đâu thì khi chia, đương nhiên lão vẫn có một suất. Bởi vậy, suốt từ hai bẩy, hai tám đến ba mươi tết, nhà lão lúc nào cũng ngào ngạt mùi thịt quay. Những năm giá rét, thịt nhà lão ăn đến tháng hai chưa hết. Chẳng may phải năm trời nồm thì khổ, mới ba mươi tết, thịt đã bốc mùi. Đợi đến đêm khuya, hai mẹ con bà Thoa thậm thụt khênh ra ruộng phần trăm, đào hố để chôn. Trong khi đó tất cả các hộ xã viên trong HTX, mỗi nhân khẩu chỉ được có cân hơi, thịt ra còn được bốn lạng cả thịt lẫn xương. Dân tình biết cả, nhưng họ biết nói với ai? Nhà lão dựa vào chuyện tiếp khách để sống một cách sung sướng, phè phỡn. Người dân thì cơm không có ăn, quanh năm chẳng có hạt đường, giọt mỡ nào trừ ba ngày tết. Sự trái ngược về đời sống giữa cán bộ và người dân thời HTX như vậy đủ thấy mâu thuẫn xã hội đã hình thành trong thể chế mới mà báo chí vẫn ngợi ca là dân chủ, bình đẳng, tốt đẹp.
Tệ nạn bần cùng hóa, áp bức bóc lột dân đến cùng cực, cùng bộ mặt quan chức nông thôn hãnh tiến nịnh trên nạt dưới thời HTX được Nguyễn Đạo Vinh miêu tả rất ngoạn mục và sinh động qua nhân vật Toàn.
Khi lão lên làm chủ nhiệm chính thức được một năm, để tâng công với cấp trên, hòng leo lên các vị trí cao hơn, Toàn nhận chỉ tiêu nghĩa vụ cao gấp rưỡi, gấp đôi mọi năm, rồi cứ thế đem về, chẻ cổ xã viên ra nhét vào. Người dân è cổ ra làm cũng không tài nào giao đủ chỉ tiêu nghĩa vụ cho hợp tác xã, bởi thiếu lao động, thiếu vật tư kĩ thuật, lại bị thiên tai sâu bệnh tàn phá. Mặc dịch bệnh, thiên tai, cuối năm Toàn vẫn đè cổ dân ra để phạt. Nhiều nhà không còn hột thóc nào để ăn, có nhà mang đi cất giấu cốt giữ mạng sống, lão cho dân quân, bảo vệ vào khám xét, thu hồi bằng hết. Những gia đình tàn tật, ốm đau, những anh em ở chiến trường ra, bị sốt rét tái lại, không làm được đủ nghĩa vụ cũng không được tha. Nhà nào không trả nổi, lão tính lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, xã viên cứ nai lưng làm trả nợ. Họ sinh chán nản bỏ ruộng, chạy chợ kiếm sống cho qua ngày.
Tình trạng ép đuổi dân đi kinh tế mới và cướp ruộng vườn của họ là vấn đề báo chí và văn học trước đây thường “né”, nếu có đề cập thì cũng chỉ hời hợt, chấm phá. Nhưng Nguyễn Đạo Vinh thì khác.
Anh kể: Cũng vào cuối năm ấy, trên có chủ trương vận động nhân dân đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở Lao Cai, Yên Bái, Lâm Đồng. Chỉ tiêu huyện giao cho HTX, là phải vận động được năm hộ. Lão đứng lên trước hội nghị, xin nhận chỉ tiêu cao gấp năm lần. Về nhà lão tổ chức họp bàn rầm rộ, xây dựng hẳn một ban đi vận động nhưng thực chất là ép các gia đình neo đơn, nợ đọng phải đăng ký xin đi. Lão hứa sẽ xóa nợ cho các hộ đó. Nhiều gia đình cùng quẫn, không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận làm đơn xin đi. Lão chiếm luôn mấy ngôi nhà và những mảnh đất phần trăm nục nạc nhất, của các hộ đi làm kinh tế dâng cho mấy tay cán bộ tổ chức ở huyện, với lý do, chiếu cố hoàn cảnh khó khăn. Cuối năm đó lão được trên cho đi báo cáo điển hình, được tặng quà lưu niệm, bằng khen, giấy khen... Đại hội huyện đảng bộ nhiệm kỳ đó, lão được bố trí vào ủy viên ban chấp hành huyện đảng bộ.
Thấy cảnh ngộ trớ trêu, ác độc, tàn nhẫn, bất công và phi lí, bạn bè, anh em, những người tâm huyết đến tận nhà góp ý với lão một cách chân tình, thẳng thắn, nhưng lão phớt hết. Lão khăng khăng cho rằng, lão đã đi đúng đường lối lãnh đạo của Đảng. Với nhân vật Toàn, tình trạng nhân danh Đảng để chống nhân dân của cán bộ thời HTX đã được phanh phui, mổ xẻ không thương tiếc, kể cả sự làm ngơ của các đảng viên, sự bất lực của những thành phần tích cực cũng được đề cập trong tác phẩm không chút giấu giếm.
Toàn là một con người độc ác. Quá trình hành sự quan chức của Toàn là quá trình bần cùng hóa, triệt hết đường sống của người dân. Toàn cũng là điển hình về sự tha hóa về nhân cách, đạo đức, là điển hình của tình trạng một cá nhân vô hiệu hóa cả một tổ chức xuất hiện đó đây.
Nhân vật tích cực có thế lực và có khả năng đấu tranh trong NGƯỜI CỦA MỘT THỜI không nhiều. Điều này cũng cho thấy tính chân thực và giá trị nhận thức cao của tác phẩm. Nhân vật tích cực trong tác phẩm không ai khác, chính là ông Cả là anh ruột mẹ Toàn, hiện đang làm cán bộ kiểm tra của huyện Đăng Trà. Nghe được tin về Toàn lộng hành, ông phẫn uất lắm. Ông quyết bỏ ra mấy ngày, để trực tiếp điều tra xem xét. Đi đến đâu ông cũng được nghe những lời nói bóng gió của bà con xã viên, đại loại như: “Giỏi giang gì cái loại ấy, chẳng qua có người bợ đỡ. Hoặc “không có chó bắt mèo ăn cứt” và những lời ta thán về nỗi khổ của người dân… Sau một thời gian tìm hiểu, ông đã nắm được những chứng cứ cụ thể về một số việc làm sai trái của Toàn. Ông gọi Toàn sang để chỉnh đốn, nhắc nhở, nhưng Toàn liên tục né tránh bằng lí do bận. Hôm nay là ngày nghỉ, ông Cả đích thân sang nhà Toàn để chỉnh đốn.
Cuộc đối thoại giữa Ông Cả vừa là bác ruột, vừa là đồng chí, vừa là cấp trên với Toàn cho thấy ranh giới cái đúng, cái sai, cái có lý và cái vô lý trong thực tế là rất mong manh, khó xác định. Cái ranh giới bất phân đó khiến ông Cả cũng bất lực. Ông từ mặt thằng cháu đốn mạt, không coi nó là cháu mình nữa.
Ông Cả uất ức vì chính ông là người đã nâng đỡ Toàn, đã tác động để Toàn được đứng vào các vị trí lãnh đạo. Khi nghe dân tình phản ảnh, về những biểu hiện khuất tất của Toàn, ông đã đích thân sang nhà để răn đe. Toàn không chịu nhận cứ đổ vấy, cho đó là những yếu tố khách quan, tất yếu và cần thiết phải làm. Đến khi lên giữ ghế chủ tịch, Toàn còn mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng hơn. Ngoài quan liêu, đặc quyền đặc lợi, Toàn còn thêm tội ăn hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân, trai gái, bồ bịch, gây bè kéo cánh, triệt hạ, trù dập người tích cực thẳng thắn, làm cho việc đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong tổ chức đảng dần dần bị tê liệt. Lực lượng lãnh đạo của xã Sơn Đông bấy giờ, đa số là những phần tử thoái hóa biến chất hoặc bồ nhí của Toàn, do Toàn cài cắm. Họ vào hùa với nhau, để chia chác, mưu lợi, làm những việc bất nhân, vô đạo.
Toàn được làm cán bộ một thời gian dài như vậy, là do lão khéo vận dụng sự ngoắt ngoéo của cơ chế, chính sách. Bản chất cáo già, Toàn dùng đủ các thủ đoạn, từ mua chuộc, dụ dỗ đến dọa dẫm, rồi đánh bật người không ăn cánh, cài cắm người của mình vào các thôn, tổ, các vị trí quan trọng ở địa phương.
Ông Cả thấy vậy lại về tận nhà Toàn để chỉnh đốn, Toàn cãi bay không chịu nhận. Ông cả bất lực, buồn bã nói với Toàn: Hôm nay tôi chỉ tạm hỏi anh mấy điều như vậy nhưng tôi chưa tha cho anh đâu. Ông buồn bã đứng lên ra về. Tiễn ông Cả ra cổng, Toàn quay vào, vừa đi, vừa bưng miệng cười khỉnh. “Tưởng thế nào, hóa ra cũng xoàng thôi. Xưa nay mình cứ sợ bóng, sợ vía”. Không tha cho Toàn thật, hôm ấy, nhân buổi giỗ tổ, ông Cả tuyên bố với mọi người rằng, từ nay ông không có thằng Toàn, vì nó là thằng bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa. Toàn cũng xa lánh ông Cả kể từ dạo đó. Việc ông Cả từ mặt Toàn, cha chú không dạy được cháu con cùng với việc Toàn tỏ thái độ khinh khi ông Cả là biểu hiện của sự sa sút đến tan vỡ về đạo lý gia đình, sự xuống cấp trầm trọng của ý thức tổ chức và hệ thống chính trị cấp cơ sở ở nông thôn.
Ông Cả vừa mất. Tờ di chúc do chính tay ông Cả viết, có nội dung là không cho Toàn đội khăn tang khi ông qua đời. Đọc xong Toàn ân hận, rú lên, chạy ra chỗ ông Cả nằm, khóc lóc thảm thiết. Bỗng nhiên ông Cả vùng dậy mở to đôi mắt trừng trừng nhìn Toàn, như muốn bóp chết thằng cháu hư đốn, khốn nạn. Toàn sợ quá thét lên, ôm mặt chạy, đâm sầm vào người này, người nọ, đâm cả vào cột điện bụi cây, mặt be bét máu. Một vài người thấy vậy đuổi theo giữ, nhưng không được, lão cứ ôm mặt chạy. Trong nhà lúc này cũng một phen náo loạn, bởi từ xưa đến nay, ở làng Hạc và toàn xã Sơn Đông, chưa từng xảy ra hiện tựợng nào như vậy. Mọi người lùi hết ra sân, đứng chắp tay vái, mồm lầm rầm cầu khấn. Hương vẫn đứng cạnh đỡ lưng cho bố, anh nói:
- Bố ạ! Người ta biết sai, biết ăn năn hối cải đến xin lỗi, bố nể mặt dân làng, nể mặt vong linh tiên tổ mà tha cho họ. Bấy giờ ông Cả mới từ từ nhắm mắt, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Đây là một chi tiết cực đắt về tính nhân đạo của người Việt Nam trong tác phẩm. Sự tha thứ khiến lòng người nhẹ nhõm!
Trong NGƯỜI CỦA MỘT THỜI, Toàn là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng suy sụp trong sản xuất của HTX và thu nhập của người nông dân. Sau bốn năm điều hành một bộ máy cồng kềnh, làm việc không hiệu quả được Toàn dựng lên. Cả hợp tác xã có 420 lao động, thì đã có 120 người hưởng công gián tiếp, cộng với việc vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống... đều khan hiếm nghiêm trọng. Mọi hoạt động trong xã, từ biểu diễn văn nghệ, đặt vòng tránh thai, tất tật mọi việc, đều chỉ trông chờ vào bốn góc ruộng. Thời tiết lại thay đổi thất thường, những trận giá rét làm chết mạ, chết lúa, rồi sâu bệnh phá hoại mùa màng. Ngày công lao động của xã viên tính bằng thóc, đang từ 1kg/công, xuống còn 0,6 kg/công. Xã viên phải nộp cho hợp tác xã, hai hào một công mới lấy được sáu lạng thóc về. Kho tàng rỗng tuếch, chuồng trại, ruộng đồng bỏ hoang, nợ nần chồng chất. Dân tình chán nản kêu ca, họ kéo nhau đi làm ăn nơi khác. Nguy cơ vỡ hợp tác xã đang đến rất gần.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Toàn quyết định tìm mọi cách, nhảy ra khỏi mớ bòng bong này càng nhanh càng tốt. Kế thoát hiểm của Toàn đã được xác định. Toàn vội vàng tìm đến nhà Phong để nhờ vả, yêu cầu Phong đưa mình lên làm chủ tịch xã. Phong đồng ý ngay, bởi trước đây, Phong được Toàn cấp cho hơn sào đất ở, và ngôi nhà ba gian liền mặt đường. Nay Phong đang giữ chức trưởng ban tổ chức chính quyền của huyện. Nghe Toàn trình bày ý định của mình xong, Phong nói với Toàn: “Việc đưa ông lên làm chủ tịch xã đối với tôi, thì dễ như trở bàn tay, bởi dù sao ông cũng đã có thâm niên trong hội đồng nhân dân xã. Nếu tính chi li, thì ông đã có bốn khóa làm đại biểu hội đồng rồi còn gỉ? Nhưng... nhưng… tôi còn ngại... Phong cứ ậm ờ, ấp úng mãi. Thấy thái độ của Phong như vậy Toàn “bắt vị” ngay, liền hỏi thẳng: “Anh muốn có tí chút để lo liệu chứ gì?” Phong nở mày nở mặt: “Đúng thế!” Hai bàn tay đưa lên, một tiếng “đét” phát ra, Toàn vừa cười vừa nói với Phong: “Quá đơn giản!”
Toàn chủ động kéo Phong ra nhà hàng đánh chén. Ngót tháng sau, hội nghị tổng kết năm của hội đồng nhân dân xã Sơn Đông được tổ chức. Toàn được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thay ông Cố vì ông đã già. Toàn đã chi cho hội nghị ấy, hai tạ lợn, năm mươi cân gạo nếp. Các đại biểu có mặt hôm đó, được đánh chén một bữa túy lúy do vậy số phiếu của Toàn đã vượt quá bán. Toàn đắc cử!
Việc đút lót chạy tội bằng chạy chức ở nông thôn thật đơn giản. Từ một chủ nhiệm HTX đầy tội lỗi, Toàn đường hoàng lên chức chủ tịch UBND xã.
Toàn là một điển hình của phần tử thoái hóa, biến chất trong Đảng. Đòn vũ khí của Toàn chính là các nguyên tắc của Đảng. Càng ngày Toàn càng già dơ hơn sau các đợt chỉnh đốn. Toàn sử dụng rất khéo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và những điều cấm kị đảng viên không được làm để tạo thêm vỏ bọc cho mình, đồng thời biến nó thành cây gậy để phang vào những đảng viên tích cực, hăng hái đấu tranh, vu cho họ là phần tử gây rối làm mất đoàn kết nội bộ v.v.. Toàn thường mớm lời hoặc ép cấp dưới, phải nói và làm theo ý mình, để khi biểu quyết xong, nó sẽ trở thành ý kiến tập thể, tránh được những tội vạ sau này.
Tham lam, Toàn không chỉ thoán đoạt đất đai của người ngoài, mà còn thoán đoạt của cả chú mình. Khi Toàn lên làm chủ tịch được hai năm, thì ông Hưng chú họ của Toàn, có miếng đất năm phần trăm sát ngã ba đường liên xã, đệ đơn xin làm nhà cho thằng con lớn vừa cưới vợ. Toàn không đồng ý, viện lý do đó là đất phần trăm, nhà nước không cho làm. Nhưng thực ra lão có ý đồ chiếm mảnh đất ấy từ lâu. Lão tính nay mai về hưu sẽ mở quán bán thịt chó. Lão dồn hết tiền nhờ mụ Hớn đến hỏi và đứng tên mua giúp.
Mấy năm làm chủ tịch UBND xã Toàn một tay tác oai tác quái. Toàn không từ một thủ đoạn nào để cài cắm người của mình vào hệ thống lãnh đạo, tạo thành một nhóm “bộ sậu”. Nhưng lúc rời ghế mất chức, tất cả đều quay lưng phản bội Toàn.
Sự phản bội của nhóm bộ sậu là điều khiến lão Toàn phát choáng. Lúc Toàn đương chức, cả một đống cán bộ lớn nhỏ đứng vây quanh. Hô đúng, hô sai, bảo hay, bảo dở, tất thảy đều răm rắp làm theo. Đi đâu Toàn cũng được bọn họ tung hô. Động mở mồm ra là báo cáo thủ trưởng, thủ nọ, thủ kia. Bây giờ thì chẳng còn ai ủng hộ lão nữa? Chúng đã phản lão, ngay sau khi lão có quyết định nghỉ hưu.
Bộ Sậu của lão là ai? Là thằng Hậu phó chủ tịch xã, con Ngà phó chủ tịch xã, thằng Hải trưởng công an xã.
Thằng Hậu phó chủ tịch xã tháo cả buji xe máy của lão. Lão uất quá. Cái thằng thật khốn nạn! Lão đã cưu mang, giúp đỡ, đối xử với gia đình, vợ con nó còn hơn cả anh em ruột thịt. Vậy mà bây giờ nó phản lão... Lão nhớ, Hậu là một tên lính đào ngũ. Năm 1976 Hậu bị gọi đi cải tạo lao động thời hạn sáu tháng. Trong thời gian cải tạo, Hậu vắt óc suy nghĩ làm thế nào để có được một chân trong hàng ngũ lãnh đạo. Một kế hoạch táo tợn được dựng lên trong đầu Hậu. Hậu mưu tính dùng vợ để lừa lão Toàn.
Hậu có cô vợ tên là Vân quê ở Thạch Thất. Vân có vóc dáng xinh xắn, rất ưa nhìn. Hậu quyết định dùng vợ mình làm con mồi để nhử, rồi sau đó tìm cách thít thòng lọng vào cổ Toàn. Sau thời gian dài đi lại làm quen, Toàn và Hậu thường xuyên lui tới nhà nhau. Lần nào Toàn đến là Hậu lại giả vờ đi chỗ nọ, chỗ kia, để cho Toàn được thoải mái tán tỉnh, gạ gẫm, chim chuột cô vợ hắn.
Một hôm, Hậu làm cơm rượu mời Toàn. Sau khi chén chú chén anh, Hậu giả vờ say lăn quay ra ngủ. Vợ Hậu trong bộ đồ gợi cảm đi ra. Toàn lăn xả vào Vân ngay bên mâm rượu. Bàn tay lão thọc vào áo Vân, mơn man cặp vú trắng hồng và du ngoạn khắp cơ thể người đàn bà hứng tình.
Cao trào, khi Toàn vừa bật nốt chiếc khuy quần còn lại, chuẩn bị đè Vân xuống, thì bỗng dưng Hậu “tỉnh”. Hắn liên tục đập tay xuống nền nhà và khóc nức nở: “Sao mà đời tôi lại nhục thế này?” Toàn giật bắn mình, quay ra xin lỗi Hậu vì “quá chén” và hưá mai kia cố gắng sắp xếp cho Hậu một chân lãnh đạo.
Thế rồi Hậu được Toàn lo cho mọi việc, từ nhập khẩu đến bố trí công ăn việc làm. Mới đầu Hậu được Toàn đưa vào làm xã đội phó. Sau một thời gian Toàn giới thiệu Hậu vào đảng. Chi bộ có mười người thì chín người phản đối, đấu lên, đấu xuống mãi, Toàn phải đứng ra bảo lãnh, thì việc kết nạp đảng của Hậu mới thành.
Vụ Toàn cài cắm thằng Hải vào hàng ngũ lãnh đạo mới thật hi hữu. Nhét được thằng Hải vào ghế trưởng công an là vô cùng khó khăn khổ sở, bởi dân làng không ai ưa thằng này, họ bới lên, bới xuống đủ chuyện. Thằng Hải văn hóa chỉ mới lớp ba, trước đây làm nghề mổ lợn thuê. Cứ sau mỗi buổi đi làm về, hắn lại đem theo chai tiết, tý nội tạng để đánh tiết canh. Hôm nào hắn cũng mời Toàn sang nhắm, lâu dần Toàn đâm nghiện. Và để thể hiện tình cảm với những bữa ăn nhậu đó, Toàn kéo thằng Hải lên làm trưởng công an. Hải được Toàn cho một mình ba suất đất, lại được Toàn giao bốn tỷ tiền quỹ đen, mua hơn hai trăm mét đất mặt đường. Nhưng rồi thằng này ăn bẩn bị bọn xã hội đen đập chết.
Toàn cay cú nhất vẫn là ba con bồ nhí giời đánh, thánh vật: con Hớn, con Hằng, con Ngà.
Con Hớn, xuất thân là một nông dân quèn, chuyên chọn việc, được ông anh là chủ nhiệm tiền nhiệm của Toàn tuyển làm kế toán và hầu hạ xác thịt. Hớn nhỏ nhắn chanh chao, trông cũng “tàm tạm”. Trước đây mụ ta thường xuyên thậm thụt biếu xén ông chủ nhiệm cũ, từ ca đậu xanh, cân lạc đến cả thân xác, rồi được ông đưa vào làm nhân viên kế toán. Con Hớn làm Toàn chết thèm và cả hai người đều có tình ý với nhau. Khi lên làm chủ tịch, Toàn liền kéo mụ lên giữ chân “thư ký”. Thế rồi ông chủ tịch, bà thư ký lúc nào cũng kè kè bên nhau. Những cuộc tình mây mưa vụng trộm, thường xuyên diễn ra ngay tại trụ sở làm việc, đã đôi lần bị nhân viên bảo vệ bắt gặp, nhưng chẳng có ai dám nói ra vì sợ bị trù úm. Thế nhưng chẳng hiểu sao, tiếng vẫn lọt đến tai chồng mụ. Anh ta đêm ngày rình rập, bắt được quả tang, lão Toàn cùng Hớn đang làm tình tại nhà. Từ đó những cuộc cãi vã, đánh chửi nhau giữa hai vợ chồng mụ Hớn liên tục xảy ra. Tay chồng viết đơn đòi ly dỵ, nhưng mụ nhất quyết không ký. Anh ta phải im vì được lão Toàn, bồi hoàn cho một miếng đất rộng ngót sào cạnh đường quốc lộ, để buôn bán kiếm sống.
Con giời đánh thứ hai là em Hằng. Em Hằng người ở xã bên là tình nhân mới của lão. Khi nhà nước có dự án mở rộng đường quốc lộ, những nhà hai ven đường phải giải tỏa. Lãnh đạo dự án phải xin đất địa phương để làm khu tái định cư. Lão cắt đất cho họ và nghiễm nhiên lão có một suất ăn không, tiền cứ thun thút chảy vào túi lão. Miếng đất mới lão không dám để vợ con đứng tên vì sợ bị lộ. Nghĩ nát óc mới tìm được nhân vật đáng tin cậy để nhờ vả đó là Hằng. Lão dồn cả số tiền, giao cho em Hằng đứng tên sổ đỏ và làm nhà hộ. Căn nhà bốn tầng, được khởi công đầu năm ngoái, lão là người trực tiếp xem ngày, động thổ. Thi thoảng, lão giả vờ lên kiểm tra, để xí xớn với Hằng. Xây xong, vợ chồng Hằng xin ở nhờ, với lý do, căn nhà đang ở phải chung đụng với anh trai chật chội quá. Nhưng khi Toàn nghỉ hưu, dính vụ cài bẫy của con Ngà phó chủ tịch, đến đòi nhà thì vợ chồng Hằng lật mặt, tuyên bố đất sổ đỏ mang tên họ, nhà họ bỏ tiền xây. Họ thẳng tay đuổi lão ra khỏi nhà cùng nỗi uất ức tột độ.
Vụ cài cắm cô quét rác tên Ngà nhân viên công ty môi trường vào ghế phó chủ tịch xã và vụ sập bẫy tình của Ngà mới thật đẩy Toàn đến phát điên.
Ngà chinh phục lão Toàn nhanh chóng chỉ qua một cuộc gặp ánh mắt đầu mày với nhau trong một vụ mụ giả vờ va quệt vào Toàn. Toàn trực tiếp giới thiệu Ngà trong đợt bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, rồi giới thiệu cô ta vào ứng cử chức phó chủ tịch xã. Ở cương vị mới, Ngà được lão “tận tình” săn sóc, giúp đỡ về mọi mặt. Cô đã cho lão được hưởng những khoái cảm xác thịt tột đỉnh, mà chưa người đàn bà nào trước đây, đã từng chung đụng cho lão. Những cuộc tình vụng trộm cứ diễn ra triền miên. Hai người xoắn vào nhau, qua từng cử chi và hành động.
Sáng hôm ấy, lão đang họp một cuộc họp quan trọng ở huyện, thì bỗng có chuông điện thoại, lão vội ra ngoài hành lang để nghe. Tiếng Ngà ngọt lịm, nũng nịu: “Trưa nay bằng mọi giá anh phải về, chồng em nó bận đi ăn cỗ. Em sẽ chiêu đãi anh món “mực tươi” mà anh hằng ao ước”. Họp xong lão bỏ luôn bữa ăn trưa ở huyện, để về với Ngà. Cả hai cùng vồ lấy nhau hôn hít, như mấy chục năm mới gặp. Lúc sau hai người đã mình trần như nhộng, quện nhau xoắn xuýt. Những vòng tay cuồng loạn siết chặt lấy nhau, đè sấp, đè ngửa, lộn lên, lộn xuống, cười khanh khách. Đột nhiên, chồng Ngà đi vào, tay cầm điện thoại di động, bấm chụp liên tục. Chồng Ngà ra điều kiện Toàn nộp 2 tỷ, bằng không hắn sẽ nộp bằng chứng cho công an. Toàn cắn răng chấp nhận vì khi nó nộp bằng chứng cho công an lão sẽ bị xử lý, không chỉ mất hết mà còn nhục lắm.
Vừa phải lo tiền nộp cho chồng Ngà, vừa phải lo khoản tiền khổng lồ cho thằng con do thua cá độ mà dù có bán cả nhà đi cũng không đủ, lão Toàn nghĩ lung lắm rồi cuối cùng lão quyết định hy sinh thằng con để giữ được chiếc ghế đang ngồi. Nó phải chết để cả nhà sống. Khi lão Toàn nói với thằng con về quyết định chết người đó, thằng con bốp lại: “Cái chết đó nên dành cho ông thì hơn, bởi ông sống không chỉ làm cho gia đình mình tan nát, mà còn làm cho hàng trăm, hàng ngàn người dân khác khổ lây”.
Lão Toàn sững người vì thằng con từ xưa đến nay bảo sao nghe vậy nay bỗng dưng dám lộn đầu, quay cổ cãi. Lão điên tiết xô vào quật ngã thằng con xuống nền nhà, tay bóp mồm, tay dốc thuốc chuột vào mồm nó. Hai bố con quần nhau cả tiếng đồng hồ. Đã mấy lần, lão Toàn sắp dốc được gói thuốc vào mồm con, nhưng đều bị nó gạt ra. Nó ra sức chống cự, hất vung gói thuốc ra ngoài. Không còn cách nào khác, lão Toàn đưa cùi tay vào chẹn cổ. Thằng con trai cứ ằng ặc, ằng ặc, mắt trợn ngược rồi ngoẽo đầu sang một bên. Lão thở hồng hộc mãi sau mới ngồi dậy được. Nhìn thằng con đang nằm thẳng dẵng dưới nền nhà, hai hàng nước mắt lão chảy dài thên má. Đang hối hận về việc làm bất nhân thất đức của mình, thì bất ngờ lão nhận ngay được cú đạp vào giữa mặt, đầu đập mạnh vào tường, lão nằm sõng soài bất động. Thằng con tưởng lão đã chết, liền lên giường ngủ tiếp.
Gần sáng lão Toàn tỉnh đậy, thấy con nằm trên giường ngáy o o, trong đầu lão nghĩ: “Cứ tưởng mình nhẫn tâm, hóa ra nó còn độc địa hơn. Nếu để nó sống thì mình phải chết. Số mình chưa tận, đây là thời cơ có một không hai để mình thanh toán cho xong món nợ này”. Lão khẽ khàng đi xuống cầu thang, lát sau lại rón rén đi lên, tay cầm mẩu dây điện đã được gọt sẵn hai đầu. Lão buộc một đầu vào khoeo thằng con, cắm đầu còn lại vào ổ điện, thằng con bị điện giật chết không kịp ngáp. Sáng ra, lão bảo với vợ là con mình bị cảm chết đột tử. Vụ lão Toàn giết thằng con trai cho thấy cái nhân tình, nhân tính của một ông quan chức nông thôn hết sức kinh khủng.
Bị người tình lừa và phản bội, Lão Toàn nung nấu một ý định trả thù, nhưng bằng cách nào thì lão chưa nghĩ ra được. Trong cơn khủng hoảng, Toàn nảy ra ý định đến chơi nhà bạn CCB đồng ngũ để giải khuây. Nhưng bạn bè, cả thằng Quang thằng Sửu đều từ chối hoặc đón tiếp lão nhạt nhẽo, thậm chí cố tìm cách tống khứ lão đi.
Thằng Sinh con trai thứ hai của lão Toàn về dự đám tang ông Cả rồi đưa bố ra viện khám. Bác sỹ cho biết lão Toàn bị chấn động thần kinh, và ảnh hưởng tới hai con mắt quá nặng. Họ chuyển lão sang bệnh viện tâm thần để điều trị… Rồi bẵng đi một thời gian, khoảng mấy năm sau cứ chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, người làng Hạc lại thấy có một ông lão hao hao như Toàn “Bí” ngày nào, cầm chiếc gậy tre khuơ khuơ dò dẫm. Lão thường đứng tựa lưng vào cây cột điện ven đường, người còm nhom, đôi mắt trắng đục vô hồn nhìn về cõi xa xăm… Lão chẳng nhìn thấy ai qua lại, mà cũng chẳng ai rỗi hơi để nói chuyện về một thời của lão.
Hết thời, lão đã chết trong con mắt nhân dân.
Làng Diễn, ngày 02-9-2021
V.Q.L
Người gửi / điện thoại