Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI BƯỚC RA...

NHÀ THƠ PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO-
“NGƯỜI BƯỚC RA TỪ BỨC TRANH ĐÀ LẠT”
(Đọc trường ca “Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt”- Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn 2023)

 
   Phạm Thị Phương Thảo đến Đà Lạt từ những năm 80 của thế kỷ trước và sau này chị cũng nhiều lần trở lại và viết về Đà Lạt. Tập trường ca Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt (NBRTBTĐL) có thể coi là một “tập đại thành” hành trình sáng tác về Đà Lạt và tình cảm đặc biệt của nhà thơ dành cho xứ sở ngàn hoa.
 
   1.Trường ca NBRTBTĐL là tập sách văn học thứ 23 và tập trường ca thứ 3 của Phương Thảo. Tác phẩm như một kỷ niệm với Đà Lạt (ĐL), đồng thời đánh dấu chặng đường sáng tác văn chương “đầy đam mê và nhọc nhằn” của tác giả, khi chị bước sang tuổi 65. Và đây cũng là cuốn sách tâm đắc của nữ sĩ. Bản trường ca gồm 36 chương, gần 160 trang sách với tranh bìa Giấc Sen kèm cùng 12 phụ bản trnh vẽ về thiên nhiên, hoa cỏ do chính tác giả vẽ. Mỗi chương như một “lát cắt”, một nốt nhạc trầm bổng theo cung bậc mùa, mở ra những không gian, mảng màu của bức tranh ĐL. Trong bức tranh đó là vẻ đẹp đầy quyến rũ, mộng mị, bí ẩn của thiên nhiên, con người nơi đây. Đặc biệt, nhân vật “Nàng” hiện diện suốt bản trường ca không chỉ với vai trò người kể những câu chuyện về ĐL mà còn như một “Nàng thơ” của vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, mộng mơ và quyến rũ này.
  1. Thể loại.
Viết trường ca luôn đòi hỏi các tác giả phải dành nhiều thời gian , tâm sức và trí tuệ cho tác phẩm. NBRTBTĐL bao gồm  nhiều thể loại: thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ 1-2-3, và thêm một chút thơ vần điệu, thơ truyền thống. Phần lớn các thể loại ấy đều giống nhau ở sự tự do, phóng túng. Vì thế, cuốn sách nhiều lúc tưởng như “tản mạn”, nhưng lại là ý đồ sắp đặt của tác giả..
 
  1. Bút pháp và giọng điệu.z5730544295709_5e7101f0c756abddabf21c2873dee43a
Vì đối tượng miêu tả, kể chuyện là vùng đất mà tác giả “đặc biệt yêu thích” với thông, hoa, sương mù, núi non, cây lá, khu vườn, nắng mưa…nên người viết đã lựa chọn bút pháp lãng mạn, trữ tình: quan tâm đến chất thơ của đời sống, lời văn giàu hình ảnh và nhịp điệu, nhân vật người kể chuyện hay bộc lộ nội tâm.
Đặc biệt, giọng điệu trường ca của người viết rất riêng. Đó là giọng trữ tình đôi khi suy tư, triết lý. Với Phương Thảo, ĐL là nơi lãng mạn nhất để người nghệ sĩ sáng tạo và thăng hoa. Chính sự nhiệt thành, giọng kể hào hứng luôn ở “bè cao” của tác giả đã truyền cảm hứng tới người đọc, nhất là với những ai đã trót đem lòng yêu ĐL.
  1. Bức tranh Đà Lạt.
36 khúc trong bản trường ca cho ta thấy một ĐL khá đủ đầy với thiên nhiên và con người, với quá khứ đan xen hiện tại cùng với nhiều trải nghiệm, chiêm nghiệm của người viết.

  4.1 Thiên nhiên Đà Lạt.
 Dưới ngòi bút của Phương Thảo ĐL đẹp như một miền cổ tích, một vườn địa đàng, một cõi vĩnh hằng. ĐL “thuần khiết”, “trong veo”, “trầm lắng”,“mênh mang”, “sương khói” với thiên nhiên xanh, khí hậu mát mẻ. Đó là xứ sở của Ngàn hoa, Ngàn sương, Ngàn mưa, Ngàn thông…và tất nhiên, của Ngàn thương, Ngàn nhớ. Tất cả những cái “Ngàn” ấy đã làm nên xứ sở lớn lao của Tình yêu.
Theo chân người kể chuyện, thiên nhiên trong lành của miền đất trù phú ba zan hiện lên với rất nhiều sắc thái biểu hiện: những triền đồi, dốc gió, rừng thông, những cung đường phủ đầy sương. Rồi những sắc màu của mưa hồng, dã quỳ vàng, cỏ nâu, sương ngà, trời xanh mây trắng… đến gió cũng chuyển màu lam của sắc chiều. Rồi những tiểu cảnh của: “mặt hồ sóng hát lao xao”, “sương lãng đãng mờ ảo”, “mưa buồn giăng kín” khi mùa mưa đến trên cao nguyên. Rồi nhạc Trịnh, những căn biệt thự cổ kiểu Pháp, những quán café ẩn khuất trên đồi cao, những đồi cỏ hồng- một nét đẹp riêng của ĐL, những kỳ hoa, dị thảo… Đó là những “đặc sản” quý hiếm và riêng của ĐL, làm nên một ĐL đẹp như mơ.
  Nhưng ĐL không chỉ đẹp mà còn đáng quý, đáng yêu bởi “Đà Lạt chân thành hơn tất cả mọi thứ”. Nơi đó thật thơm thảo vì “cây lá bốn mùa biết xoa dịu hồn người”. Vì vậy, Phương Thảo đã thật dịu dàng, âu yếm khi đặt tên cho vạn vật nơi đây từ giọt sương, bông hoa hé nở trên mặt nước, chú cá vàng, con chim nhỏ, bông hoa dại, đám cỏ, đến cô bé những cái tên gắn liền với chữ “Thảo” thật dễ thương: Sương Thảo, Thủy Thảo, Ngư Thảo, Cầm Thảo, Hoa Linh Thảo, Thảo Chi và Thảo Nhi…
ĐL là thiên đường cho những kẻ mộng mơ; là nơi lãng mạn nhất để các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư…thăng hoa. Đến đây, họ thỏa sức sáng tạo.ĐL còn là nơi chữa lành, là nơi để ta sống chậm, nơi những lúc lòng không bình yên nhất ta lại muốn tìm về. Nơi ĐL mù sương, nghe thời gian chảy trôi thật chậm. Nơi đó thật trầm lắng, u buồn, dịu dàng với vẻ đẹp hoài cổ. Người ta đến đây để hâm nóng những mối tình đã trở nên cũ mèm, hay đến ôn lại một thời son trẻ. Kiếp người mong manh ước đến để chữa lành những nỗi đau. Dẫu có thế nào, ĐL đều bao dung và chở che tất cả. Ở đó, người ta có thể cảm thức về thời gian và kiếp người. ĐL là thiên đường nghỉ dưỡng.
  Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, thổ nhưỡng tốt tươi, bức tranh ĐL của Phương Thảo còn có những trầm tích văn hóa: những dinh thự, biệt thự cổ; những nhà thờ, chùa chiền, thiền viện trúc lâm, nhà bảo tàng…Đó là những điểm hẹn lý tưởng cho mọi du khách.

4.2 Con người Đà Lạt.
  Thiên nhiên ấy sẽ hình thành phong cách người ĐL.
Do sống gần gũi với thiên nhiên, người ĐL chịu ảnh hưởng của thiên nhiên. Thiên nhiên ĐL tĩnh lặng- cái môi trường thanh sạch, thuần khiết bao quanh là chất xúc tác để an bình trong lòng mỗi con người nơi đây được khơi dậy, góp phần tạo nét đẹp hiền hòa, nhẹ nhàng, thanh lịch, kín đáo và mến khách.
  Ở những trang đầu của tác phẩm, trong giấc mơ về ĐL, nhân vật trữ tình “Nàng” đã gặp những tiền nhân, vĩ nhân của ĐL. Người đầu tiên nàng nhìn thấy là bác sĩ- nhà thám hiểm Alecxandre Yesin, người đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên từ năm 1893, người có công khai mở thành phố trên cao nguyên hoang sơ.
  Rồi những con người bình dị- những công dân của thành phố. Họ có thể là một cô gái đi trên phố núi trong một chiều mưa; những nghệ nhân thêu tranh XQ “có bàn tay tài hoa và trái tim mẫn cảm” mang đậm tính thiền; những người đàn ông làm vườn, những người đàn bà trồng hoa; những người phụ nữ dân tộc Ê Đê, Ba Na, K-Ho ở các bản làng. Họ hiện ra thật đẹp trong thơ Phương Thảo:
“Những người đàn ông lặng lẽ như bóng thông
Những người đàn bà mềm mại như cánh hoa
Những người đàn ông, đàn bà của xứ thông xanh và ngàn hoa
Họ vừa bước ra
Từ bức tranh Đà Lạt”.
  Rồi những trí thức trẻ như kiến trúc sư Trịnh Bá Dũng tài hoa- người đã làm nên “Đường hầm điêu khắc kiến trúc”, một công trình điêu khắc kỳ công và ấn tượng bậc nhất Việt Nam. Rồi những văn nghệ sĩ tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nhất Linh, Tú Mỡ, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly…đã từng sống ở đây và tên tuổi của họ đã làm rạng danh vùng đất Đà Lạt.
  Tất cả những con người ấy hiện ra thật lung linh, thật đẹp, như vừa bước ra từ bức tranh rộng lớn nơi cao nguyên và trò chuyện cùng ta. Cùng với thiên nhiên nơi đây, họ thật quyến rũ du khách khi đặt chân lên mảnh đất này.
  Như vậy, dưới ngòi bút của Phương Thảo, ĐL hiện ra với tất cả vẻ đẹp yêu kiều, sự mê hoặc và gợi cảm. ĐL chính là “Nàng thơ” của người viết. Mỗi “lát cắt” về miền đất ấy như tự cất lên trong lòng tác giả một cái “tứ” mới mẻ cho những bài thơ ngắn, những áng thơ văn xuôi thanh thoát dịu dàng, những bài thơ 1-2-3 sâu lắng, những bài lục bát điệu đàng theo lối trend đổi mới và cả những bức tranh minh họa.

5…Và “Nàng”
  Hiện diện trong suốt tập trường ca, “Nàng” là người dẫn dụ ta về ĐL trong một chuyến bay đêm. “Nàng” dìu ta vào những giấc mơ cao nguyên, nâng tâm hồn ta bay bổng cùng thi ca.

5.1 “Nàng”- người yêu ĐL say đắm.
Tình yêu ấy thật chan chứa ngay từ chương 1- khúc dạo đầu của tập trường ca:
“Đà Lạt choàng lên giấc mơ
Em duỗi dài trong mùa sương trắng
Đầu gối lên trầm mặc
Cao vút một chiều Lang Biang
…Em choàng lên giấc mơ một trăm ba mươi năm Đà Lạt”
“Nàng” là một “Nàng thơ” của ĐL với vẻ đẹp yêu kiều, dịu dàng, thanh thoát, mong manh:
“Nàng xuống phố đón mùa
Khăn voan bay trong gió
Tóc xõa một dải mây”
   Cũng như ĐL, “Nàng” thơm ngát: “Em môi thơm, bát ngát hoa hồng”. Cái cảm giác của nàng được “ướp thơm” giấc ngủ trong hơi sương và hương rừng, gió núi, của thông xanh Lang Biang và muôn thứ hoa thật tuyệt vời.
  ĐL đem đến cho “nàng” những cảm giác “bất ngờ”, “thảng thốt”, “đắm say và lãng mạn”, với tình yêu “khao khát và vụng dại”. Nơi ấy thật “lộng lẫy và thiêng liêng”, một “cảnh giới đáng mơ ước”. Đến đấy “Nàng” được “sống khác”.
  Yêu ĐL, “Nàng” cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Đã bao lần từ “bay” vang lên: Nàng bay, bay lên cùng đôi cánh thi ca, bay lên và thời gian không gian mở rộng, bay lên cùng bức tranh thêu ở XQ sử quán, hay bay trên đôi cánh mây mải miết…Rồi nàng “chạm tay trên một nhành lá”, “nâng nhẹ một chiếc lá”, “chạm chân trên đất” để lang thang những bước chân trên vùng đất mình yêu quý. Có những lúc nàng “ngồi im lắng nghe tiếng chim, hoa nở, thả hồn ngắm ánh bình minh”. Sự giao cảm của nàng thật đặc biệt, đó là lúc nhắm mắt, ngồi thiền, “nàng thiền cùng núi để nghe tạo vật: mây trên đầu, nắng trên vai, tiếng thì thầm của non cao, thông xanh, mây trắng, búp non, của cây trái, của dòng suối, giọt sương(…)nghe những nỗi nhớ thương đang dâng lên”. Những câu văn chan chứa chất thơ- chất thơ của tạo vật, chất thơ của lòng người đến nỗi người viết bài này không thể không trích dẫn.
  Yêu ĐL, “Nàng” thú nhận: Đó là sự rung động trước “người tình lớn lao”, đẹp từ cái nhìn đầu tiên “ngọt ngào như thuở ban đầu”; đó là tình yêu muôn đời với thiên nhiên ở đây “nó như một tôn giáo”. Tình yêu ấy trong sáng, thuần khiết, thủy chung, vững bền qua năm tháng. Cho nên, mỗi lần nàng đến đây “nàng đều thấy tràn ngập cảm xúc lãng mạn, yêu thương và dâng hiến (…) cảm giác hạnh phúc, thư thái và bình an tràn ngập”, “yêu, gắn bó và mê đắm, đến cuồng si”.
Yêu và nhớ. Nhớ rừng thông, nhớ thác, nhớ hoa, nhớ những con dốc, đường mòn quanh co, những ngọn gió cao nguyên, những trận mưa dầm dề buồn dai dẳng…Có ai yêu ĐL như Phương Thảo? Tác giả đã viết tập trường ca này trong một tâm trạng thật thăng hoa, trong những “phút giây huyền diệu” (thơ Pushkin), viết như một sự giãi bày, một sự tri ân.
“Nàng” là ai? “Nàng” mang bóng dáng của Phương Thảo và cả những gì người nữ sĩ ấy mơ ước, khát khao, những cái đích để mình vươn tới: từ bóng dáng yêu kiều thướt tha, sự tinh khôi thuần khiết và tinh tế, thanh cao, thánh thiện.

5.2 “Nàng” với những trăn trở, suy tư.
  NBRTBTĐL không chỉ là những câu chuyện mang nhiều mơ mộng, suy tưởng về vẻ đẹp sương khói và cảm hứng thi ca về ĐL của Phương Thảo mà còn lặng thầm những chiêm nghiệm, trăn trở, suy tư, triết lý của nữ sĩ về ĐL hôm nay. Người viết đến cao nguyên còn để lắng lòng lại, tận hưởng và nghĩ.
  “Nàng” nghĩ về thông, hoa, sương mù…về tất cả những “đặc sản” làm nên ĐL; nghĩ về những người đã bước ra từ bức tranh ĐL; nghĩ về một tách café buổi sáng, về một “Đêm café Trịnh” và nàng nhận ra rằng: “Café Đà Lạt là một nét đầy thi vị và đậm tính triết lý trên vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió”.
  Một nhận xét thật tinh tế. Bởi, nếu Buôn Mê Thuột được xem là thủ phủ café thì ĐL xứng danh là thủ phủ quán café. Ngồi nhâm nhi tách café nóng “Nàng” nhận thấy rằng: “Người ta đo đếm sự ngưng đọng của thời gian qua từng giọt café” và “café là một nét đẹp” của xứ sở ngàn sương.
Trong “ái” có “ưu”, “nàng” đến ĐL còn để nhớ. Có một sự tương đồng nào đó giữa ĐL và Sa pa quê nàng- một thị trấn trên núi cao với những con đường và mái nhà nhỏ bé, mù sương. Ở đó, nàng có tuổi thơ và ký ức xa vời…
  Nhìn thiên nhiên như một kẻ chịu ơn, ngày tháng trôi qua thật buồn và tiếc nuối khi “Nàng” nghĩ: “sẽ chẳng có gì là mãi mãi, chẳng có gì giống y như ngày cũ”. Với những suy tưởng tầng tầng lớp lớp về sự hữu hạn, mong manh của cái đẹp, cả chương 26- 27 với 9 trang viết tác giả chỉ nói về thông của ĐL, bởi: “thông xanh đã làm nên nét đẹp đặc trưng và riêng biệt của thành phố mù sương”. Và một câu hỏi day dứt: “Thông đã là bài ca từ muôn thuở của Đà Lạt và liệu có còn reo ca được mãi đến muôn sau?”. Cái cảm giác bất an về Cái Đẹp lâm nguy, lâm nguy từ nhiều phía càng về cuối càng “nóng”. “Nàng” lo lắng vì “cái đẹp sương khói của Đà Lạt đang mất dần”, vì “những rừng thông xanh đang bị phá hủy”, những tòa dinh thự cổ từ thời Pháp thuộc đang bị mất đi. “Nàng” lo ngại trước công cuộc xây dựng bê tông hóa với những tòa nhà mới cao vút, vì thiên nhiên xanh ĐL đang bị tàn phá, vì những trận lũ quét sạt lở khủng khiếp, ngập lụt trong thành phố ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đến bài thơ “Về một đêm mưa lũ và sói lở”, người viết đã lên án và tố cáo:
“Lũ quét không dự báo
Phơi bày nhiều loại mặt nạ không kịp che chắn
Những kẻ trịnh trọng luôn đeo mặt nạ đang trốn ở đâu
…Hay họ đang còn toan tính thiệt hơn”
  Rồi một vài thông điệp mà người viết gửi gắm về khát vọng được sống và cống hiến của người nghệ sĩ chân chính, về những giấc mơ chỉ đến có một lần, về tôn trọng sự khác biệt trong sáng tạo. Rồi những câu hỏi về các thi sĩ, tự truy vấn về sự tồn tại và ý nghĩa, giá trị sống của mỗi người…
 
   Những trang viết giàu chiêm nghiệm, nghĩ ngợi, trăn trở, suy tư làm tăng thêm sức nặng của tập trường ca. Ở đó không chỉ có “tình yêu” mà còn có cả “trách nhiệm” của người viết với vùng đất mà mình yêu mến. Từ những suy tư, trăn trở ấy hành trình của ngôn từ đã vang lên với những trải nghiệm của cả một đời tràn đầy tình yêu với Cái Đẹp. “Nàng” ở một mức độ nào là bức chân dung tự họa của nữ sĩ tài hoa Phạm Thị Phương Thảo. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển ĐL (1893-2023), ngày 21/12/2023 trường ca NBRTBTĐL đã được ra mắt thật ý nghĩa stại thành phố ngàn hoa. Cuốn sách như một món quà quý nhà thơ Phương Thảo dâng tặng vùng đất mà chị rất mực yêu quý. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao không dễ có trong cuộc đời của người cầm bút.
 
                                                 Hải Dương, đầu Hạ năm 2024.
                                                        NGUYỄN THỊ LAN
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 362
Trong tuần: 1069
Lượt truy cập: 435781
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.