Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGHỆ SĨ VÙNG MỎ THANH VIỆT

Vũ Thảo Ngọc
 
NGHỆ SĨ VÙNG MỎ THANH VIỆT, NỮ CÔNG NHÂN MỎ ĐẦU TIÊN
ĐI RA THẾ GIỚI BẰNG GIỌNG CA VÀNG
                                                          
          Tuổi thơ nghèo khó
          Tôi là thế hệ trưởng thành sau chị rất xa. Nhưng tên tuổi của Nghệ sĩ vùng mỏ (NSVM) Thanh Việt thì đã vang lừng vượt khỏi phà Bãi Cháy, vượt khỏi Quảng Ninh, vượt khỏi biên giới Tổ quốc Việt Nam với các bài hát Đường ta đi dài theo đất nước,Đất nước lời ru…từ rất sớm.
 Chị sinh vào năm 1950 tại Mai Siu, Bến Tắm huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, rồi theo cha mẹ chạy loạn ra trú ngụ ở khu vực Cái Đá, Công Kêu thuộc thị xã Hồng Gai, rồi dịch chuyển tiếp đến thị trấn Hà Lầm, thị trấn có một mỏ than cùng tên Hà Lầm. Vì nhà nghèo nên chị cũng lam lũ như bao bạn bè cùng trang lứa ở thị trấn Hà Lầm, nhặt than, theo cha mẹ đi nhặt than, nhặt đá…từ rất sớm. Bù lại cthời ấy có phong trào thiếu nhi rất sôi nổi ở thị trấn, vốn dĩ nhanh nhảu, thích ca hát nên chị đã tham gia đội thiếu nhi của Hà Lầm rất tự nhiên. Nào hát, múa, các hoạt động đoàn dội…chị tham gia hết, chị nhớ khi đó là lớp thiếu nhi đầu tiên ở thị trấn Hà Lầm được sự dìu dắt của thanh niên mỏ trong phong trào ca hát ngày đó. Chị nhớ lại hồi đó là anh Nguyễn Ngọc Sính - sau này là giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏ - khi ấy đang công tác ở trường dạy nghề Hà Lầm phụ trách đội thiếu nhi của chị. Và tuổi hoa niên nghèo khó cứ qua đi, vì nhà nghèo không được đi học cao lên nữa, chị đành bỏ học, khai tăng tuổi xin vào mỏ Hà Lầm làm công nhân đội đá, đội than. Nhờ có năng khiếu ca hát, nhờ cái vóc dáng xinh xắn nhỏ nhắn, làn da trắng trẻo mà chị đã trở thành người lĩnh xướng trong các chương trình ca hát thiếu nhi ở thị trấn lúc nào không hay. Vì thế, khi được nhận vào làm công nhân mỏ, sở trường ca hát ấy được phát huy hết khả năng. Chị nhanh chóng được huy động vào đội văn nghệ xung kích của mỏ. Vì thế, năm 1968, khi vừa đến tuổi mười tám chị đã giành Huy chương Vàng với bài hát Gửi anh thợ lò (sáng tác Phạm Dũng) tại cuộc thi Tiếng hát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là món quà vô giá của chị để con đường hoạt động nghệ thuật không chuyên của chị cứ thế lan tỏa, và khẳng định một tài năng thiên bẩm. Tiếng hát của chị cùng đội văn nghệ xung kích của Than Hòn Gai khi đó đã làm nên những nét nhấn đẹp cho bức tranh phong trào ca hát của vùng mỏ khi ấy….
          Nghệ sĩ và người quản lý, những chuyện giờ mới kểimages1057207__nh_thanh_vi_t_10_a
        Bây giờ, vào những ngày cuối mùa xuân năm 2020, tôi gặp lại NSVM Thanh Việt, cứ nghĩ chị mới đến 60 tuổi, ai ngờ…chị đã 70, nhìn chị vẫn nhanh nhẹn hoạt bát ít ai ngờ người ca sĩ ấy đã bước vào ‘tuổi xưa nay hiếm” như người xưa vẫn nói. Chị ngồi kể về những năm tháng từ cô công nhân yêu ca hát rồi đến vai trò người quản lý với nhiều trường đoạn bi hài. Khi ấy, đường xá đi lại còn khó khăn, nhưng được cử ra làm phụ trách nhà nghỉ của Hà Lầm ở Trà Cổ, con thì còn nhỏ, hỏi chồng đồng ý cho đi không, anh vốn là cán bộ mỏ (sau này là phó bí thư mỏ Hà Lầm) rất gương mẫu  nên gật đầu đồng ý cho chị đi luôn, ở nhà tự lo toan cho đàn con ba đứa... Chị cười, giá như bây giờ thì người ta sẽ có thể thoái thác, anh lại còn là cán bộ mỏ, thì cớ gì phải để vợ đi làm xa như thế, nhưng ngày ấy, khi đã khoác trách nhiệm trên vai thì không thể từ chối nhiệm vụ được giao. Ngày ấy danh dự và trách nhiệm cao lắm, không chỉ cán bộ mà công nhân cũng thế, cái sĩ diện con người nó cao ghê gớm. Nhà nghỉ Trà Cổ những năm đầu thập niên 1990 còn rất nhiều khó khăn, chị ra đó và cũng xắn tay áo cùng anh chị em nhân viên ở đó ngày ngày làm lụng để chăm lo ngôi nhà nghỉ dưỡng cho thợ lò ấy chu toàn. Cho đến khi được điều chuyển về làm phụ trách nhà khách Hồng Ngọc thuộc một đơn vị dịch vụ của Tổng Công ty Than khi ấy thì cũng thế, việc của nhân viên cũng phải quán xuyến hàng ngày, hàng đêm. Là phải quán xuyến kiểm tra từ cái ly, cái bát đặt trên bàn tiệc đến ca gác của mấy anh bảo vệ bỏ bê…có những bữa tiệc mà nhân viên vô ý đặt cốc lên bàn vẫn còn cả búi rơm quấn theo. Là nhân viên còn thuổng trộm đồ dùng phục vụ trong nhà khách. Chị nhớ nhất vụ bị nhân viên trộm cả bộ loa đài phục vụ hát karaoke, đến khi nhờ được đối tác mua hộ, tiền không có, họ cho trả nợ dần bằng cách đơn vị họ có cán bộ đi công tác đến Quảng Ninh thì cho họ ở đó và…trừ nợ dần! Và, vì người ta giúp mình cho...trả nợ dần, thì mình cũng giúp họ nếu có thể là đi...hát trong các cuộc giao lưu khách hàng mà họ cần! Chị rưng rưng rưng kể về chi tiết này, và bảo mang tiếng là giám đốc nhà khách thật, nhưng những năm tháng ấy chị phải lao vào công việc như nhân viên làm còn hơn cả cánh đàn ông, chị bảo có những điều nhọc nhằn không thể kể hết khi đảm nhiệm vai trò giám đốc nhà khách Hồng Ngọc, vì thế thời gian hơn mười năm trước khi nghỉ hưu, chị gần như không dám…hát! Năm 2003, sau nghỉ hưu thì chị về khu phố tại Vườn Đào, thuộc phường bãi Cháy, niềm đam mê ca hát như được bùng lên khi được huy động tham gia ca hát ở khu, phường, chị đã hát, dàn dựng các chương trình cho khu phố tham gia hoặt động văn nghệ tại địa bàn và lần nào cũng được giải cao. Kể đến đây, đôi mắt nghệ sĩ như rưng rưng, rồi khi tôi chưa kịp hỏi gì, chị đã nói thêm, chị sẽ tham gia hát đến khi nào có thể, vì chị sinh ra là để hát, đấy là đuyên phận trời trao! Kể đến đây ánh mắt chị như có lửa!
   Nhân chuyện chị kể về nhà khách Hồng Ngọc, tôi nhớ mãi, cái đận chị làm Giám đốc Nhà khách Hồng Ngọc (nhà khách của cán bộ cơ quan điều hành Tổng Công ty Than Việt Nam đầu tiên tại Quảng Ninh) Nhà khách này gần bến phà Bãi Cháy cũ, năm 1998 các hội viên thuộc Câu lạc bộ Văn hóa thể thao toàn ngành Than đã được Tổng giám đốc Đoàn Văn Kiển triệu tập về dự một hội nghị của riêng Câu lạc bộ là một buổi tối rất đặc biệt. Các văn nghệ sĩ của ngành Than từ các mỏ than được mời về đây và mọi người rất vui khi đồng chí Tổng Giám đốc giới thiệu ca sĩ, NSVM Thanh Việt là giám đốc nhà khách này. Mọi người ồ lên thán phục vì NSVM Thanh Việt giỏi giang quá, đã biết hát lại còn làm quản lý. Kỷ niệm đó càng tô đậm thêm trong tôi về hình ảnh NSVM, ca sĩ không chuyên Thanh Việt, người nữ công nhân mỏ thật giỏi giang và chị đã đi xa hơn vai trò của một người phụ nữ bình thường. Và hôm nay ngồi nghe chị kể lại những tháng năm còn công tác ấy, tôi cũng là phụ nữ, thật sự đồng cảm với chị. Làm quản lý đối với đàn ông đã là cả một vấn đề, làm quản lý với phụ nữ là một gánh nặng không hề nhẹ và lại ở trên vai một phụ nữ mang tâm hồn nghệ sĩ thì thật sự càng có nhiều khó khăn hơn…
   Với hoạt động ca hát của chị, có thể nói chị đã hồn nhiên đến với ca hát hoàn toàn nhờ bản năng, nội lực sẵn có của mình. Chặng đường dài ấy, chỉ có duy nhất chị được tham gia lớp tập huấn tại đoàn văn công ca múa nhạc của tỉnh Quảng Ninh, chứ chị chưa có một ngày giờ lên lớp hẳn hoi nào cho việc học hành bài bản luyện thanh, luyện khí! Nhưng tiếng hát của chị vẫn bay xa, vang xa hơn bầu trời Vùng mỏ. Vì thế, đến Năm 1991, Nghệ sĩ Vùng mỏ Thanh Việt đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba. Đến năm 2000, chị cũng đã giành Huy chương Vàng khi tham gia cuộc thi Giọng hát Người cao tuổi toàn quốc với bài hát "Đất nước lời ru " (sáng tác của nhạc sĩ Văn Thành Nho). Và chị đã có tới hơn 20 Huy chương Vàng và giải A trong các kỳ hội diễn. Năm 1986, Thanh Việt là một trong 10 người đầu tiên ở Quảng Ninh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ.
    Chị là người thể hiện thành công nhiều ca khúc về vùng mỏ, về Quảng Ninh và công chúng yêu ca nhạc vùng mỏ đã rất nhớ hình ảnh chị và các nghệ sĩ khác trong các bài hát quen thuộc khi  ấy. Nói như bây giờ là chị là gương mặt, là giọng hát đã “phủ sóng” rất rộng ở mọi nẻo đường vùng mỏ, cái tên Thanh Việt được nhắc đến khắp nơi, ở vùng mỏ, ngoài biên giới và trong các Hội diễn lớn của ngành Than, của tỉnh Quảng Ninh.  Những bài hát chị thể hiện rất thành công, được người yêu nhạc vùng mỏ rất ấn tượng như: "Cái duyên cô gái Vùng than" (sáng tác của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối), "Chiều biên giới", "Trên biển trời Đông Bắc" (đều là sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung). Năm 1976, Thanh Việt cùng với ca sĩ Biên Hòa được cử đi phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IV tại Nhà hát Lớn Hà Nội, và cặp đôi ca sĩ đã thể hiện rất thành công với bài hát: "Đất mỏ quê ta" (sáng tác của nhạc sĩ Đức Minh).
  Và từ thành công ở các sân khấu lớn đó, nghệ sĩ vùng mỏ Thanh Việt  thực sự trở thành một ca sĩ không chuyên sáng giá ở vùng mỏ Quảng Ninh. Chị không dừng ở mức độ  "hạt nhân nòng cốt" cho phong trào văn nghệ quần chúng của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh nữa mà chi cùng các ca sĩ nghệ sĩ chuyên và không chuyên như  Văn Anh, Biên Hòa, Văn Tuất, Phan Cầu, Trọng Khang, Kim Oanh, Đào Cường, Đức Nhuần, Thanh Tĩnh..., mang tiếng hát đi biểu diễn phục vụ  các nhà máy, công trường, hầm mỏ và đi phục vụ các chiến sĩ đóng quân ở khu vực biên giới, hải đảo Quảng Ninh… Tiếng hát của cô công nhân mỏ Thanh Việt đã bay xa và làn tỏa khắp nơi, định danh giọng ca của mình vào đất trời Vùng mỏ mến yêu. Năm 1986, chị được mời tham gia đi dự Festival thế giới ở Tây Ban Nha, và Pháp trong thời gian ba tháng. Sau thì chị còn được mời đi biểu diễn ở Liên Xô. Chị là một trong những ca sĩ, nghệ sĩ ở Quảng Ninh không chuyên đã vượt xa mọi biên giới địa lý và mọi rào cản về chuyên môn để mang tiếng hát Vàng ra ngoài biên giới nước Việt với niềm tự hào vô cùng lớn khi được hát những khúc ca về đất nước mình trên trường quốc tế.
         Chia tay chị trong một chiều tháng tư, Bãi Cháy vẫn trong những ngày giãn cách xã hội giữa đại dịch virut Wuhan nên khu phố đẹp sầm uất của chị thật vắng vẻ. Bầu trời hôm nay đã nắng, chị tiễn tôi thêm một đoạn đường, cái bóng người nghệ sĩ nhỏ nhắn đã bước vào tuổi 70 ấy, cứ làm tôi xốn xang. Chợt dâng lên trong tôi giọng chị ngân nga, réo rắt lời ca khúc Bài ca gửi anh thợ lò của Vũ Trọng Hối: … “em đứng đây giữa đất mỏ giàu đẹp bao la/cái duyên cô gái vùng than/hòn than đang nhảy múa trên sàng/nó đang rúc rích…như hàng ngũ trên băng chuyền…”
 
                                                                                           V.T.N
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 49
Trong tuần: 701
Lượt truy cập: 415032
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.