Văn bản bài thơ chữ Nôm, bản Tiếng Việt của Trần Văn Giáp
CÂY CHUỐI (BA TIÊU)
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..
(Hai câu cuối của bài có thể lấy ý từ bài Vị triển ba tiêu của Tiền Hử đời Đường (Trung Quốc).
Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976).
Đôi điều cảm nhận
Nguyễn Trãi (1380-1442) là bậc đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Thơ Nguyễn Trãi cả chữ Hán và chữ Nôm có giá trị rất phong phú, đa dạng về đề tài, nội dung cũng như nghệ thuật. Trong số đó, tôi rất ấn tượng với bài ”Cây chuối”:
“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem”
Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, rút từ phần ”Môn hoa mộc” trong “Quốc âm thi tập”. Nét độc đáo của hồn thơ Nguyễn Trãi là mang đậm phong cách riêng, được thể hiện trong bài thơ ở nhiều khía cạnh: vừa bình dị, mộc mạc vừa tinh tế, lãng mạn.
Câu thừa đề: ”Đầy buồng lạ màu thâu đêm” tả sự khác lạ của cây chuối khi trỗ buồng. “Màu” trong câu thơ là từ cổ, chỉ mùi hương. ”Buồng lạ” ở đây chỉ sự khác biệt thường thấy của cây chuối trỗ buồng so với lúc chưa trỗ. Khi đã trổ hoa rồi đậu quả, cây chuối được mang thiên chức thiêng liêng làm mẹ. Từ thời điểm đó, cây dồn hết dinh dưỡng nuôi buồng quả và cây con, còn cây chuối mẹ dần trở nên héo mòn. Đến lúc quả đã chín thì cây tàn tạ. Câu thơ tả khái quát cây chuối ở thời điểm có buồng quả chín, mùi hương lan tỏa suốt đêm thâu thật dễ chịu. Tôi không tán thành với cách hiểu “buồng lạ” là buồng của người con gái như một vài ý kiến, văn bản và ngôn từ trong cả bài thơ đều nhất quán nói về cây chuối cho thấy rõ điều đó.
Thực tế cây chuối đã có buồng, có quả chín không thể có lá non. Khi ấy, cây chuối trở nên tiều tụy đi, điều đó được nói đến trong bài “Đời cây chuối” của nhà thơ Dương Đoàn Trọng (hội nhà văn Hà Nội). Trong bài thơ Đường luật bát cú này, tác giả tả cây chuối trỗ buồng qua những hình ảnh ở hai câu thực như “Yếm đỏ phai màu không đậy kín/ Áo nâu rách vạt chẳng ôm tròn”. Chỉ có cây chuối con đã lớn mới có tàu chuối non cuộn tròn “phong còn kín” như vậy. Với tâm hồn tinh tế của bậc thi sĩ, Nguyễn Trãi có cái nhìn rất trẻ trung, tươi mới nên miêu tả cái đọt cây chuối màu xanh vàng nõn nà đang còn cuộn tròn kia như một bức ”tình thư” chưa mở niêm phong. Nói theo cách nói của Nguyễn Bính thì “Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng” (Mưa xuân), khơi gợi bao khao khát tìm hiểu, khám phá. Vì thế, câu thơ hợp kết bài được
nối tiếp rất tự nhiên: “Gió nơi đâu gượng mở xem”. Hai câu kết của bài có hình tượng sáng tạo hơn
cả, gây ấn tượng mạnh với cả tâm và trí người
đọc. Đặc biệt, câu thơ lục ngôn là linh hồn của toàn bài. Đang mạch thơ thất ngôn, đến câu này số
âm tiết gọn lại, ý thơ được nhấn mạnh hơn nhiều, buộc người đọc phải chú ý. Chỉ Nguyễn Trãi mới có sự cảm nhận cái đọt chuối non còn cuộn chặt như là một bức thư tình. Muốn đọc thư, nhất lại
là thư tình, trước hết thao tác mở cần phải rất nhẹ nhàng, cẩn trọng. Tác giả nêu lên câu hỏi tu từ trong câu thơ - hỏi mà không đợi phải trả lời - nhưng cũng lại như lời gọi mời làn gió xuân đang du ngoạn ”nơi đâu” hãy tới đây “gượng mở xem”. “Nhãn tự” trong bài thơ là ở những động từ liên tiếp này. “Gượng mở xem” có nghĩa là cố lựa cách sao cho khẽ khàng, tránh va chạm mạnh dễ làm
vỡ hay bị rách. Chỉ một từ “gượng” nhưng ấn trong đó là thái độ nâng niu, âu yếm của “một tấm lòng đối với một tấm lòng”, tinh cảm của chủ thể trữ
tình với cây chuối biết bao trân trọng, yêu quý.
Câu thơ chỉ gồm sáu âm tiết này là một sáng tạo riêng của Nguyễn Trãi, xuất hiện trong rất nhiều bài thơ khác nữa. “Tập thơ Quốc âm thi tập có 254 bài thơ thất ngôn Đường luật, trong đó có 185 bài thơ
thất ngôn có xen câu thơ lục ngôn. Vì thế, có thể khẳng định Nguyễn Trãi là người đã sáng tạo ra thể thơ Thất ngôn xen lục ngôn”. (Báo Văn nghệ Ngày 6/6/2020) như một đặc sản riêng.
Vẻ đẹp của hồn thơ Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ thơ uyển chuyển, dung dị, rất đời thường gần với nếp cảm nếp nghĩ của dân tộc nhưng
lại rất tinh tế. Vẻ đẹp ấy nằm trong cả đề tài và hình tượng thơ, thể hiện qua cấu tứ của bài gắn liền với mạch thơ: hơi xuân, hương xuân, tình xuân, gió xuân. Bài thơ cho thấy sự đa dạng, phong phú của hồn thơ Nguyên Trãi. Trong những áng thơ khác, chẳng hạn bài thất ngôn trường thiên có nhan đề “Tùng”, ông từng ví mình như cây thông sống nơi núi rừng khắc nghiệt, lam sơn chướng khí nhưng vẫn xanh tốt quanh năm “Một mình lạt thuở ba đông”. Vạn vật xung quanh úa tàn, chỉ riêng cây thông vẫn không hề thay đổi, nó bất chấp thử thách giá rét của ngoại cảnh. Tấm lòng “ưu thời mẫn thế” với dân với nước của Nguyễn Trãi lúc nào cũng cuồn cuộn trào dâng như sóng biển (“Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” - Thuật hứng 5), nay lại dung dị, chân mộc, rất hữu ích mà không kém phần lãng mạn như cây chuối. Tâm hồn Nguyễn Trãi hiện lên trong bài thơ thật trẻ trung, dung dị mà thanh cao, chân tình mà phong lưu, tình tứ vô cùng. Với những giá trị nhiều mặt, bài thơ được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình Sách Ngữ Văn học lớp 10, giai đoạn 1990 - 2006.
Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn, một Danh nhân Văn hóa nhân loại, thi hào lỗi lạc của dân tộc đồng thời là đỉnh cao chói lọi về nghệ thuật thơ dưới triều đại nhà Lê nói riêng, thơ ca Trung đại Việt Nam nói chung. Bài thơ Cây chuối quả như một viên ngọc lấp lánh trong kho tàng sáng tác phong phú của Người khiến chúng ta càng thêm trân quý, ngưỡng mộ bậc đại thi hào. Đúng như Nguyễn Mộng Tuân - người bạn sống cùng thời với Nguyễn Trãi đã viết “Gió thanh hây hẩy gác vàng, Người như một ông tiên ở trong tòa ngọc, cái tài làm hay, làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ”. Và nửa thế kỷ trước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta”.
Hà Nội - Xuân Quý Mão 2023
TƯ LIỆU THAM KHẢO
Người gửi / điện thoại