NHÀ THƠ TRẦN QUANG ĐẠO ĐÃ VỀ MIỀN MÂY TRẮNG!
XIN CHIA BUỒN VỚI TS LA KIM LIÊN VÀ GIA ĐÌNH!
XIN ĐĂNG LỜI BÌNH BÀI THƠ CỦA TRẦN QUANG ĐẠO NHƯ NÉN NHANG TIỄN BIỆT!
TRANG NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
À ơi...
Trần Quang Đạo
Chị ngồi
ru giấc ngủ anh
Qua bao năm tháng rừng xanh đã về
Thiu thiu ngọn cỏ bờ đê
Trong tim chị thức lời thề năm xưa
Chị ngồi
ru giấc ngủ trưa
Con cò đi đón cơn mưa chân trời
à ơi
à ơi
ru hời
Một chân ở lại xa vời Trường Sơn
Ru đôi nạng gỗ bên sườn
Tháng ngày bấm xuống đường trơn đường lầy
Nhẹ êm chị vỗ bàn tay
Phổ lời lên vết thương ngày chiến tranh
Anh về người chẳng nguyên lành
Chị chờ quá tuổi xuân xanh muộn màng
Mái nhà dựng vội mép làng
Chị trồng chuối mật từng hàng trước sân
Bây giờ đã nhớ thương gần
Chị ru anh có nửa phần dành riêng
Ru mình
có một nỗi niềm
Mong tiếng con trẻ đã mềm nỗi mong
Giờ trưa này
chị ru chồng
Lời ru dành để mặn nồng ru con.
24.8.1990
LỜI BÌNH CỦA VŨ NHO
Đã là người Việt Nam thì dù là con nhà giàu sang phú quí hay nghèo khó bần hàn, ai mà chẳng một lần được đắm mình trong lời ru rất đỗi thân thương của bà, của mẹ, của chị, hay của những người ruột thịt. Bởi vậy chăng mà bao đời tiếng ru hời sau luỹ tre làng hay trong khu tập thể chật chội của những chung cư, ở đâu nghe cũng xôn xang. à ơi... Ru hời... Giọng thanh, giọng đục, giọng bổng, giọng trầm. Dù là giọng của người bà tóc đã phơ phơ mây trắng, hay của cô gái mắt đen thuở nào giờ mới làm mẹ dăm hôm, hay của bé em còn đang tuổi nghịch búp bê được đôn lên thành chị... Ai hát thì lời ru vẫn có vị ngọt ngào, êm dịu, buồn buồn như lắng hồn, như thôi miên con trẻ.
Nhưng lời ru không chỉ khuôn gọn trong phạm vi những khúc hát ru mang tính chất dân gian. Nó còn tràn sang thơ ca, làm thành mảng đề tài thơ ru độc đáo. Tiếng ru ( Tố Hữu ), Lời ru đồng đội ( Nguyễn Duy ) Lời ru con của người yêu cũ ( Phạm Ngà ) Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ( Nguyễn Khoa Điềm ) Tôi ru con gái tôi ( Đỗ Trung Lai ) Ru em giấc ngủ canh tà ( Chử Văn Long ) Lời ru hài cốt ngủ trên lưng ( Bùi Nguyên Ngọc )...
Vịn vào những giai điệu à ơi mặn nồng thân thiết, ta cùng Trần Quang Đạo lần tìm đến với mái nhà đơn sơ dựng vội ở mép làng kia. Đó là một tổ ấm hạnh phúc. Càng gần tới nơi, ta càng bâng khuâng với lời ru chan chứa yêu thương được ru thiết tha đến nỗi " thiu thiu ngọn cỏ bờ đê ", cỏ cây như muốn thiếp dần vào giấc ngủ.
Nhón chân khe khẽ lặng lẽ vào nhà. Ta bỗng giật mình sửng sốt. Chiếc nôi không hề có. Cũng chẳng hề có một cô bé hay chú bé kháu khỉnh như thiên thần nào cả. Trước mắt ta là đôi nạng gỗ. Một đôi nạng của người tàn tật xám ngắt, tháp thô. Bây giờ ta mới nhận ra người đàn ông cạnh đôi nạng đó, con người " qua bao năm tháng rừng xanh đã về " đang ngủ giấc trẻ thơ.
Bàn tay nhẹ êm dịu dàng của chị, con cò đi đón cơn mưa trong câu hát xửa xưa của chị, tất cả đang vỗ về, đang làm dịu đi vết thương anh. Cả vết thương chiến tranh " một chân ở lại xa vời Trường Sơn " lẫn vết thương tinh thần trở thành tàn tật, vật lộn với đường đời trơn lầy gian khó " Tháng ngày bấm xuống đường trơn đường lầy ".
Nếu chỉ với bấy nhiêu thôi, cũng đủ để ghi nhận một tấm lòng, một tâm hồn rất đỗi bao dung, nhân hậu. Nhưng lời ru của chị dịu êm thế, nhẹ nhàng thế mà nghe kỹ ra sao như có lửa đốt. Anh đã thiếp ngủ trong lời chị ru, còn chị, càng ru, chị càng " thức ". Cái " nửa phần dành riêng " trong lời hát ru, ấy mới là chỗ sâu thẳm, là cao trào của bài ca.
Anh về người chẳng nguyên lành
Chị chờ quá tuổi thanh xuân muộn màng
Chi li tính toán ra, so với bạn bè đồng lứa trong chiến tranh thì chị và anh vẫn được xem như là may mắn. Chẳng nguyên lành nhưng dù sao anh đã trở về. Chị chờ quá tuổi xuân xanh nhưng dù sao sự chờ đợi vẫn được đền đáp và an ủi. Khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Biết bao thiếu nữ cùng chung cảnh chờ đợi ấy nhưng :
úp mặt lên chiếc gối ố giọt buồn
Tóc rụng chéo những đường hằn trên vải
Anh không về...
Mái tóc (Trần Quang Đạo)
Nên có thể coi chị và anh là những người hạnh phúc. Tuy thế, hạnh phúc quá muộn màng, hạnh phúc đến, khi một bên " chẳng nguyên lành ", một bên " quá tuổi xuân xanh " lại sinh ra bất hạnh mới. Người phụ nữ có thể có những ý tưởng thật dữ dội :
Thà rằng anh đã chết
Thà rằng anh đã chết
Để cho lòng nguôi quên
Va đim Kovđa
Không ! Sống vẫn là hơn, là ngàn lần hơn chứ ! Tuy nhiên, xin đừng nhìn hạnh phúc một cách hình thức, hời hợt. Mái nhà dựng vội mép làng kia với mảnh sân toàn chuối "Chị trồng chuối mật từng hàng trước sân " không khỏi khiến ta nao lòng. Khi sum họp vợ chồng thành lứa thành đôi thì họ đã không thể trồng na được nữa ( Trẻ trồng na, già trồng chuối). Họ đã tự xem mình là những người ở bên kia dốc cuộc đời. Vì thế khát vọng làm mẹ càng thiêu đốt, càng trở nên xa vời. Người Việt Nam mình vốn có truyền thống coi con hơn của.
Có vàng vàng chẳng hay phô
Có con con nói trầm trồ dễ ưa
Mái nhà dựng tạm mép làng ấy sẽ ấm áp lên rất nhiều nếu có tiếng trẻ bi bô. Đôi nạng gỗ kia dù phải bấm vào đường trơn đường lầy bao nhiêu đi nữa, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có bàn tay nhỏ mềm như cánh cò của trẻ thơ nâng đỡ. Thế mà.
Mong tiếng con trẻ đã mềm nỗi mong
Chắc là không còn bao nhiêu hi vọng.
Tuổi cao, thương tật, muộn màng... Biết đâu lại còn cả chất độc hoá học màu da cam nữa...
Bấy nhiêu điều đã làm cho người vợ tuyệt vọng, tưởng không thể gượng gắng được.
Nhưng chị vẫn phải làm chỗ dựa cho anh.
Nhưng chị vẫn phải trụ vững để xoá dần những vết thương chiến tranh, mang lại cho anh những bữa cơm dẻo, canh ngọt, giấc ngủ yên lành.
Giờ trưa này chị ru chồng
Lời ru dành để mặn nồng ru con
Ru chồng bằng lời hát ru con. Càng ru nỗi niềm càng đau nhức. Vậy mà vẫn cứ ngọt ngào à ơi, à ơi, ru hời...
Người phụ nữ Việt Nam mình là thế đấy !
Nhìn thấu nỗi lòng chị, cảm thông với chị, và ca ngợi chị bằng lời thơ à ơi giản dị như Trần Quang Đạo đã làm, tưởng cũng là hiếm thấy xưa nay.
Người gửi / điện thoại