Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NẬM PUNG

Nguyễn Xuân Mẫn

CÂY LÊ TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI NẬM PUNG

                                     Bút ký

           Có một bản nhỏ của người Dao đỏ, tiếng quan hỏa gọi là Nậm Pung nghĩa là làng bên hồ nước đọng. Mấy trăm năm con người khai phá vùng rừng hoang thành làng bản ruộng nương nên bây giờ không ai biết hồ đọng nước kia ở đâu. Chỉ có điều khe nâng núi trập trùng ba bề bốn bên vây gần 3.890 ha đất Nậm Pung thành vùng đất như chiếc hồ cạn tù túng trên lưng trời, không muốn cho cư dân giao tiếp với bên ngoài. Cũng như nhiều vùng cao khác vì giá lạnh, cây lúa cây ngô chỉ cây được một vụ mùa. Cây sắn vốn là giống cây dễ trồng nhưng không cư trú nổi vì giá lạnh. Bù lại trời và đất Nậm Pung là nơi sinh trưởng của nhiều loài cây ăn quả và rau ôn đới. Mùa hè đến người Dao, người Hà Nhì ở Nậm Pung thồ xuống chợ Mường Hum và chợ Bản Xèo nào đào, nào mận, nào dâu da, còn mùa đông thì sơn tra còn gọi là táo mèo. Đó là chưa kể đến bầu bí dưa các loại đều to và ngon hơn hẳn trồng dưới vùng thấp. Loại rau quả gì cũng vậy, đặt gùi xuống chợ mươi lăm phút là không còn một quả.

Hơn chục năm trước, ngành nông nghiệp chọn Nậm Pung làm nơi thử nghiệm trồng giống lê tai nung. Hợp với thủy thổ Nậm Pung cây lê  bén rễ đâm chồi tươi tốt và ba năm sau đã cho lứa quả đều tiên để trở thành mũi chủ công trong xóa đói giảm nghèo.

Nói là vậy nhưng cây lê tai nung muốn đứng vững vàng trên đất Nậm Pung cũng trải qua chặng đường gập gềnh vất vả. Sau khi trồng ở các trại giống cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao cây lê tai nung được đưa đi trồng ở một số nơi vùng cao trong tỉnh với khí hậu thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp với cây lê, trong đó có Nậm Pung. Năm 2009 nhiều cuộc họp giữa các nhà khoa học nông nghiệp với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Nâm Pung để bàn việc đưa lê tai nung lên trồng. Dù rằng Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí mua vật tư, phân bón và cấp cây giống nhưng ai cũng lo trồng không thành cây chứ chưa nói thành quả thì mất công nhiều lắm, thà rằng trồng ngô trồng đậu mấy tháng sau là được thu, còn trồng lê phải ba bốn năm mới ra quả nhưng đã chắc gì thu được nhiều tiền. Không riêng gì dân mà một số cán bộ, đảng viên cũng băn khoăn. Nhiều người nghi hoặc đã là thử nghiệm thì liệu nó có thành qủa hay không. Nậm Pung chỉ quen với cây đào cây mận vì nó tự mọc rồi tự lớn chẳng phải chăm sóc gì, và đến mùa cho quả hái đi chợ. Bây giờ trồng cây lê liệu nó có chịu ở với vùng nước đọng mình hay không?  Cùng nỗi nghi ngại chưa chắc đã thành ăn thì diễn ra nhiều lời lẽ khác nhau. Có suy tính rất sát thực với cuộc sống thường ngày là loại quả này không thể phơi khô như hạt ngô hạt thóc được mà cũng không thể thay làm thức ăn chăn nuôi như quả bí quả bầu. Xã mình là đường cụt, mùa lê chín lại là mùa mưa nhỡ sạt lở đường hàng tháng không đi được thì bán cho ai. Những suy nghĩ luẩn quẩn của người sống trong vùng nước đọng cũng dần nguôi ngoai khi một số cán bộ xã sang thăm trại cây ăn quả bên Bắc Hà về phổ biến: Tuy nó là giống lê nhập ngoại nhưng trồng ở vùng cao mình sai quả lắm, lại chín trước lê của ta chừng một tháng nên dễ bán. Nghỉ hè, mấy học sinh người Dao học trường thanh niên dân tộc nội trú tỉnh đi thăm bạn cùng học bên Sa Pa, mang về một túi quả lê, to đẹp, ai ăn cũng khen ngon hơn lê Tàu bán dưới chợ Mường Hum. Mấy ông cụ bà cụ đều bảo: Các kỹ sư nông nghiệp đã xem xét kỹ đất mình biết là trồng được cây lê nên bảo mình trồng để xóa đói giảm nghèo.  

screenshot_723

Khi những cây lê tai nung đầu tiên đưa về trồng ở hai thôn Kin Chu Phìn, có người nửa đùa nửa thật rằng:  Làng mình gọi theo tiếng Kinh là bãi bằng có rừng trúc, thì liệu có lấy tiền được từ cây ăn quả không? Khi những cây lê tai nung trồng trong vườn của cán bộ đảng viên cư trú ở Kin Chu Phìn mỗi ngày một xanh tốt đã tạo niềm tin cho nhân dân. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài vừa không để cỏ dại mọc, những cây lê được trồng xen trong nương ngô nương lúa và các cây mầu khác rồi đến năm thứ ba trở tán lê tỏa rộng kín đất, nó trở thành cây làm chủ nương vườn. 

Những cây lê theo chương trình thử nghiệm ra lứa quả đầu tiên đã tạo niềm tin là cây góp phần xóa đói giảm nghèo trên vùng hồ nước đọng. Song để quả lê trở thành hàng hóa thì đòi hỏi phải có chất lượng cao, vì thế không thể canh tác đơn thuần hoặc để nó sinh trưởng tự nhiên rồi đến mùa hái quả. Dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp, người trồng lê ở Nậm Pung đã áp dụng canh tác theo chương trình VietGAP. Đây là việc làm không hề dễ dàng bởi lề lối sản xuất nông nghiệp lạc hậu manh mún vẫn ẩn náu trong cách nghĩ cách làm của người vùng cao. Cùng với đó là lâu nay người dân quen dùng phân hóa học, hóa chất trừ sâu, diệt cỏ.  Chương trình VietGAP không chỉ đòi hỏi đầu tư tiền vốn cao mà phải thực hiện quy trình khoa học kỹ thuật ngặt nghèo, nhất thiết không được dùng các hóa chất trong kích thích sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh. Khi có hiện tượng sâu bệnh, chỉ được dùng thuốc sinh học để phòng trừ, tuyệt đối không dùng hóa chất độc hại. Phân bón cho cây phải là phân hữu cơ được ủ mục và phân vi sinh không có dư lượng hóa chất gây hại sức khỏe con người. Cuối tháng chạp phải bón phân chuồng ủ mục để tiếp sức để vào xuân, cây đơm hoa nẩy lộc. Những ngày khô hạn phải có hệ thống tưới nước giữ độ ẩm hợp lý cho cây sinh trưởng. Nậm Pung nằm ở độ cao hơn 1.000 so với mực nước biển nên mùa đông đến thường bị sương muối kéo dài và đôi khi có băng tuyết nên người trồng lên phải dùng nilon che phủ cho lê. Vì vậy vào vườn lê nào cũng thấy những dây thép chăng ngang dọc để đỡ ni lon.  

Năm 2009 mới trồng thử nghiệm nhưng ba năm sau vườn lê cho thu tiền gấp ba bốn lần tra lúa trồng ngô cấy lúa nên tán lê ở Nậm Pung tỏa rộng dần theo năm tháng, cây lê đã tỏa bóng gần 163 ha. Năm nay 60 ha cho thu hoạch hơn 90 tấn quả, nếu cứ tính theo giá 30 nghìn đồng một cân thì quả lê năm nay đưa về cho Nậm Pung 2,7 tỷ đồng. Chỉ cần diện tích như hiện nay ra quả thì sẽ cho Nậm Pung thu về 7,2 tỷ đồng. Trong ngày lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê năm nay, chị Lý Tả Mẩy ở thôn Kin Chu Phìn vừa mời khách thưởng thức quả lê hái trong vườn nhà vừa khoe: Trồng cây lê vừa đỡ vất vả nhưng thu nhập cao gấp ba bốn lần hạt thóc hạt ngô. Còn anh Phù gì Xe người Hà Nì thì bảo: Mình sẽ trồng thêm lê trên đất nương ngô để xóa đói nghèo thôi!  

Màu xanh cây lê mở rộng đã giúp Nậm Pung xóa thế là xã cụt vì trước đây chỉ có 6 km đường độc đạo từ Mường Hum lên. Hơn 4 năm trước, con đường ô tô chỉ dài hơn 2 km từ đường Hoàng Liên Sơn 1 vào xã Nậm Pung đã giúp Nậm Pung về huyện lỵ Bát Xát gần hơn và thông thương với khu du lịch Sa Pa. Hai con đường trên đất Nậm Pung nối với nhau tạo thành vòng cung đường nối Sa Pa với Mường Hum và Y Tý. Không chỉ giúp cho cây lê phát triển, mà con đường này đã đón cá nước lạnh về bơi trên khe suối để Nậm Pung thu nhiều bạc hơn. Từ ngày có thêm con đường mới, khách du lịch đến khám phá vùng hồ nước đọng trên lưng trời ngày một đông hơn. Tiết thanh minh, du khách được ngắm nhìn màu hoa lê trắng tinh khôi đến nao lòng và ai cũng khen cụ Nguyễn Du chỉ có một câu thơ mà miêu tả cả một mùa xuân trong sáng: “...Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…”. Mùa quả chín, du khách thỏa lòng được thưởng thức quả lê nêm đủ 5 mùi và không quên mang về làm quà cho người thân.   Đường ô tô cũ và đường ô tô mới cùng cây lê mới và các cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao chắc chắn sẽ giúp Nậm Pung nhanh chóng trở thành xã nông thôn mới.   

                                                               Lào Cai tháng 7 năm 2023

                                                                                N.X.M

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 21
Trong tuần: 839
Lượt truy cập: 451076
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.