Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NĂM LOẠI ANH CHỊ EM

Năm loại anh, chị, em

                                    

Truyện ngắn của NGUYỄN KIM RẪN                                         

         

          Tôi hỏi Nguyễn Trần Hương Sen:

          - Con có mấy anh, chị, em?

          - Thầy hỏi anh, em nào cơ ạ?

          - Thì cùng bố mẹ con sinh ra ấy!

          - Thế thì chỉ có một em thôi ạ!

          - Chả lẽ còn anh, em nào khác?

          - Có đấy thưa thầy. Nhà con có năm loại anh, chị, em tất cả.

          - Sao lại thế?

          - Đây nhé, em do cùng bố mẹ với con là một. Em do bố con và dì sinh ra là hai. Em do mẹ con và bác Công sinh ra là ba. Anh do dì và chồng cũ của dì sinh ra trước khi lấy bố con là bốn. Và, cuối cùng là chị do bác Công và vợ cũ của bác sinh ra là năm. Thầy thấy có đúng là năm loại anh, chị, em tất cả không nào?

          - À ra vậy...

          Tôi trầm ngâm. Thảo nào Hương Sen lại có tính cách như thế. Đó là tính bất cần. Thích làm gì thì làm. Thích đi học thì đi. Và, Nguyễn Trần Hương Sen đã nghỉ học khá nhiều buổi. Lúc mới vào dạy và chủ nhiệm lớp ấy, tôi rất khó chịu. Song hôm chấm bài văn số một của Hương Sen thì tôi giật mình. Tuy kiến thức chưa nhiều nhưng giọng văn khá sắc sảo và có xúc cảm thực sự. Tôi nghi ngờ nên hỏi Sen : «Đã bao giờ con tham gia trong Đội tuyển học sinh giỏi Văn chưa » ? Sen ngước nhìn tôi bằng đôi mắt sáng loáng và nói : «Có chứ ạ ! Những năm ở cấp Trung học cơ sở con toàn là học sinh giỏi Văn thầy ạ ! Có năm con còn được giải Nhì cấp quận cơ đấy» ! Và tôi đã chọn em vào Đội tuyển Ngữ văn của tôi !

          - Con có hay gặp các chị, em của con không?

          - Chỉ hay đến chơi với con Cún, tức là Nguyễn Trần Hương Huệ thôi!

          - Em cùng bố mẹ?

          - Vâng!

          - Các trường hợp khác?

          - Con nói đùa thôi chứ em của mẹ và bác Công thì chưa sinh. Chỉ sắp thôi. Còn cái bà chị, con riêng của bác ấy thì con không muốn nhìn mặt.

          - Sao vậy?

          - Thầy không biết đấy, bà ấy hành mẹ con tới số! 

          - Mẹ con chịu để cho hành à?

          - Biết sao được. Thầy có biết không? Bác Công đã góa vợ từ năm chị ấy mười tuổi. Mọi người khuyên bác ấy tái giá. Trước khi lấy mẹ con, bác ấy đã yêu một cô nhưng chị ấy phản đối kịch liệt. Cô ấy đến chơi, mua cho chị ấy một cái túi rất "xịn", hàng triệu đồng. Vừa thấy cô ấy, chị ta đã vùng vằng bỏ đi. Khi bố chị ấy gọi chị ấy ra chào cô, chị ấy đáp gọn lỏn : "chào cô". Khi cô ấy đem túi tặng, chị ấy đẩy mạnh trở lại, làm túi rơi ngay xuống chân cô. Lại còn thét vào mặt cô ấy một câu xanh rờn:

- Cô đừng có mua chuộc cháu. Cháu nói trước, cháu không đồng ý cho cô lấy bố cháu đâu!

- Cô chỉ đến thăm bố con cháu thôi mà!

Chị ấy đốp lại luôn:

- Cô tưởng cháu ngu đấy à? Bằng này tuổi đầu cháu không hiểu thế nào là tình ý, là âm mưu à! Cô mua chuộc cháu để dần dần cháu mủi lòng chứ gì? Đừng có tưởng bở.....

Đôi ba lần như vậy rồi cô ấy cũng phải "Cao chạy, xa bay".

Hôm cưới mẹ con, chị ấy bỏ nhà đi và ném tờ giấy vào nhà bạn chị ấy. Đại ý là: "Tao không muốn sống nữa. Tao vĩnh biết chúng mày nhé! Tìm xác tao ở chân cầu Long Biên..."  Chị ấy ra bãi ngoài và ngồi dưới gầm cầu. Chán đời và uất ức thật sự. Bọn bạn chị ấy được báo tin, nháo nhào đi tìm. Khi thấy các bạn từ xa, chi ấy chạy ra sông và nhào xuống. Bọn nó nhào theo và vớt lên. Chúng khóc lóc dỗ dành chị ấy. Chị ấy về nhà chứ không đến chỗ diễn ra đám cưới.

Mãi khuya, mẹ con và bác Công vừa định đi nghỉ thì bà nội chị ấy lên gọi giật đùng đùng như cháy nhà:

          - Này, dậy mà xem con bé kìa!

          - Ở đâu ạ!

          - Phòng thờ

          - Khi hai người tới - Hương Sen kể tiếp - thì thấy chị ta đang khóc lóc kể lể, gọi mẹ thảm thiết. Tóc xõa ra như con điên. Mùi hương sặc sụa khắp phòng... Thầy bảo, đêm tân hôn mà như thế thì có khổ không? Ngủ sao được? Con thương mẹ con lắm. Mẹ con chịu nhẫn nhục chứ như con thì đã thuê bọn đầu gấu dần cho chị ta một mẻ từ lâu rồi!

          - Hiện nay thì thế nào?

          - Có đỡ hơn! Nhất là hôm bà nội chị ta qua đời. Mẹ con lo đám tang rất chu đáo. Họ nhà bác Công rất khâm phục, ai cũng khen. Ai cũng khuyên bảo chị ta nên có đỡ hơn. Trước đây, mẹ con hầu hạ chị ta đủ thứ mà vẫn bị nghe những câu tức anh ách.

          - Theo con kể thì mẹ con tuyệt lắm nhỉ?

          - Nói chung là như vậy - Hương Sen khẳng định. Mắt nhìn tôi rất nhanh rôi lại nhìn xuống cười tủm - Có điều,... hơi "tẩm" một chút.

          - Sao lại tẩm?

          - Thí cứ suốt ngày mò mẫm, việc nọ, việc kia... chẳng lo trang điểm gì. Thậm chí có lần, bố con rủ đi du lịch, xem xét gì đó lại lý do còn phải lo việc nhà. Chỉ bà nội con là thích. Trước đây có mẹ con, bà chẳng phải đi mua bán gì. Mẹ con, hôm nào về cũng mua thức ăn cho cả ngày hôm sau. Bà chỉ việc nấu. Bây giờ bà phải làm tất. Thỉnh thoảng mẹ con mới qua cho quà thôi.

          - Con có hành mẹ kế của con giống chị ấy không?

          - Con chẳng hành tỏi gì nhưng bắt nạt con cũng khó!  - Hương Sen ngước nhìn tôi cười ranh mãnh.

          - Thế thì có khác gì chị con!

          - Khác nhiều chứ thầy.

          - Vì sao?

          - Mẹ chị ấy đã chết. Bố chị ấy cần có người chăm lo nội trợ. Con thấy nhiều ngưởi nói : thành công của người đàn ông là có một phần của bàn tay phụ nữ đó thôi. Bố con thì khac. Bố con đang sống trong một gia đình ấm cúng. Bà ấy đến cướp chồng người khác, phá vỡ gia đình con. Con không căm bà ấy sao được.

          - Cũng tại cả bố con nữa chứ!

          - Có phần nào như vậy. Những người lớn vẫn bảo nhau: "đàn ông mấy ai thoát được ải mĩ nhân". Bố con chắc cũng thế. Bà ấy chẳng phải là mỹ nhân gì nhưng trẻ hơn mẹ con, mới có một con. Biết ăn chơi, õng ẹo, mơn trớn đàn ông. Bà ấy mới mười tám tuổi đã sinh con. Có chồng rồi vẫn tí tởn với nhiều người khác. Chính vì vậy chồng bà ta mới không chịu được. Mấy đứa bạn con ở gần nhà bà ấy kể: Bà ấy cặp bồ,  chồng bắt quả tang dần cho một mẻ, sau đó thì đem nhau ra tòa. Đứa con chung của hai người ở cùng bố. Mẹ con thì ... Hôm bố con dẫn người đàn bà ấy về, cả bà con và con đều lộn ruột. Bà thì bảo:

                             Phượng hoàng cắt cánh đuổi đi

                     Rước con bìm bịp đem về mà nuôi.

          Hôm tổ chức, bố con phải nói mãi, bà con mới ra nhà hàng để dự đám cưới. Con bỏ về nhà bà ngoại.

          - Sau đó thì sao ?

          - Con đi học về, ngồi ăn, vào bàn học, trò chuyện cùng bà, sau đó ngủ. Sáng dậy đi học ...

          - Không nói chuyện với bố và mẹ kế à ?

          - Không ạ !

- Thế thì căng quá!

- Nhưng chỉ một thời gian thôi thầy ạ. Chỉ vài tháng sau, bố con đưa bà ấy vào thành phố Hồ Chí Minh, nói là để làm ăn. ...

Không hiểu sao, hôm ấy Sen nói chuyện với tôi rất nhiều, rất chân thành, Có thể do lâu nay, chẳng người lớn nào trò chuyện cùng chăng? Về vật chất có lẽ Sen không thiếu gì song về tình cảm rõ ràng đang trống trếnh. Con trẻ rất cần cha mẹ bên cạnh sớm chiều. Vậy mà, Sen thì không có. Tương lai rồi sẽ ra sao ? Kể từ hôm đó, tôi luôn gần gũi trò chuyện cùng Sen như một người cha, nhất là sau những buổi học bồi dưỡng học sinh giỏi. Việc học tập của Sen cũng tiến bộ rõ rệt. Là người có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm, tôi tin đợt thi học sinh giỏi cấp cum sắp tới, chắc chắn em sẽ đoạt giải.

Vừa kết thúc học kỳ một được mấy hôm thì Sen nghỉ học liên tục mấy ngày. Không lý do. Chưa hiểu vì sao? Tôi hỏi thăm đến nhà mới biết bà Sen ốm, đang cấp cứu tại bệnh viên thành phố. Sen nghỉ học trông bà! Không hiểu sao, Sen không viết giấy xin phép. Tôi lại vào bệnh viện. Đang hỏi, tìm xem bà Sen nằm ở phòng nào thì một cô gái đổ sầm vào ôm lấy tôi, khóc nức nở:

- Ôi! Thầy ơi, bà con chết mất.

- Bà thế nào? Cứ bình tĩnh con!

- Bà con bị ngất, đưa vào viện mấy ngày rồi, thầy ơi! Bác sĩ bảo bị đột quỵ,  khó qua được ... Hu .. hu ... u... Vậy thì con ở với ai?... ???

Tôi không biết nói thế nào. Cũng không hề nghĩ đến chuyện phê bình con về tội nghỉ học, không xin phép. Chỉ đành an ủi con: “Chắc bà sẽ khỏe lại thôi”...

 

Nhưng, bà cụ vẫn cứ đi.  Sau mấy ngày tang gia, tôi và mấy bạn em đến thăm thì thấy Sen phờ phạc, rộc hẳn người đi. Tôi nhẹ nhàng bảo Sen:

- Mai con đi học được chưa?

Sen ngước nhìn tôi, đôi mắt đen tròn trong sáng bông dàn dụa nước mắt:

- Con tiếc quá thầy ơi! Lần đầu tiên trong đời, con được một người thầy hiểu và quan tâm tới con sâu sắc đến thế, nhưng có khi con phải chuyển trường rồi thầy !

- Sao vậy con?

- Con phải đi theo bố con vào thành phố Hồ Chí Minh. Con không thích đâu nhưng mọi người ở đây đều cho là hợp lý.

Tôi lặng người. Nguyễn Trần Hương Sen sẽ đi ư? Như vậy là tôi vừa nhẹ người, vừa tiêng tiếc. Hiện nay, Sen như con ngựa quý bất kham. Nếu khéo điều hành thì tốt, không thì thế nào cũng phá bĩnh. Sen đi, lớp tôi chắc sẽ không còn có học sinh cá biệt nhưng tôi chắc sẽ mất một giải học sinh giỏi Văn. Và, Sen đi rồi, đời em sẽ ra sao? Cuộc sống ở nơi mới có ổn không? Điều chắc chắn là sống  không có bà, lại ở cùng mẹ kế (mà Sen vốn không ưa) không thể như sống với bà nội và thỉnh thoảng có mẹ đẻ. Ở lại thì không được vỉ tòa đã xử cho con ở với bố. Về với mẹ đẻ thì cũng khó vì còn có gia đình nhà chồng và nhất là cái “bà chị” con của chồng mới của mẹ Sen! Biết nói sao đây? Tôi đành trầm giọng bảo Sen:

- Con đi thầy tiếc lắm!

Sen tru lên khóc:

- Con cũng không muốn đi thầy ơi! Con đang quen dần với các bạn trong lớp, đang được thầy thương con, bảo ban con, bây giờ đến nơi mới không biết con sống sao đây? Cái bà ấy có để cho con yên không? Bao giờ con mới lại được gặp lại thầy, các bạn, mẹ và em con! Hu... hu...

- Đừng khóc nữa. Con cứ cố gắng  là cuộc sống ổn thôi. Có khó khăn, có biện pháp là sẽ có hy vọng con ạ! Con còn nhớ câu của M. Gor- ki chứ: “Ở đâu cũng là sân bay cho chúng ta cất cánh” . Lo gì!

- Nhưng mà đấy là văn thầy ạ.

- Văn là cuộc sống, là con người con ạ! Thầy tin, với khả năng của con, con, nhất định sẽ tốt.

Sen vâng, dạ rồi vào thắp hương bàn thờ bà. Chúng tôi ra về. Tất cả đều lặng lẽ...

*

*     *

Tôi giúp Sen làm thủ tục chuyển trường vào thành phố Hồ Chí Minh nên việc thuyên chuyển cũng không khó khăn gì. Trước khi Sen đi, tôi tổ chức cho lớp chia tay thật long trọng. Bạn bè hiểu được hoàn cảnh của Sen nên nhiều em rớm nước mắt. Tôi dành cả buổi tối để viết cho em một bức tâm thư, vừa nói về cách thức học tập, vừa nói về kinh nghiệm sống và đạo lý ở đời để may ra em có thể sống tốt ở môi trường mới.

Kết thúc năm học, tôi nhận được thư của Sen. Thư khá dài. Đại khái là : Sen đã hòa nhập được với môi trường trong đó. Nhớ Hà Nội, nhớ thầy và các bạn lắm. Cuối năm học đạt Học sinh Tiên tiến. Một hôm mở Facebook ra thì thấy có lời mời kết bạn. Người mời có tên là Hương Sen Nguyễn Trần. Tôi vội vào xem thì thấy có ảnh Sen. Và thế là từ đó, thầy trò tôi thường trò chuyện với nhau qua mạng. Thôi thì đủ chuyện vui buồn, gặp gì nói ngay. Những lần trò chuyện cùng Sen, tôi luôn dành thời gian thích đáng để an ủi, động viên. Đến cuối lớp 11 thì không thấy Sen vào Facebook nữa. Tôi có nhắn tin nhưng cũng không thấy trả lời. Các bạn Sen cũng không hề biết tin tức gì. Sốt ruột quá, tôi tìm gặp mẹ của Sen. Vừa thấy tôi, chị đã thảng thốt :

- Ôi, thầy giáo ! Em chào thầy giáo. Em đã định gặp thầy mà bận quá

chưa gặp được!

- Cháu Nguyễn Trần Hương Sen dạo này thế nào chị ?

- Tôi định đến thầy cũng là chuyện của cháu đấy ạ ! Là vì, trước khi vào

tù, cháu bảo tôi thế nào cũng phải đến để xin thầy tha lỗi cho cháu !

- Sao thế ? Sao lại tù ?

 - Chuyện dài lắm thầy ơi ! Trăm sự là tại cái con vợ sau này của bố cháu.

Theo giai, bỏ chồng, bỏ con. Thế là chồng nó lại đi rước cái của nợ về, suốt ngày gia đình lục đục. Thằng con trai, vì vậy suốt ngày chơi bời, lêu lổng, bỏ học. Không chịu được lại đùn đẩy cho vợ. Bố Hương Sen vì nể vợ và lại có điều kiện nên cho vào ở cùng. Thế là có chuyện. Lúc đầu, nó còn giữ ý. Sau thì  « nhàn cư vi bât thiện » buông lời bỡn cợt. Mà, con Hương Sen nhà em thì thầy biết rồi, nó mắng cho té tát. Nó đã nói cho bố nó, nhưng bố nó lại chủ quan, cho rằng, anh, em đùa nhau cho vui. Nào ngờ, một hôm, cả nhà đi vắng, con bé đang ngồi học thì nó xông vào, định giở trò đốn mạt. Con bé chống trả, đun đẩy. Nó đẩy con bé ngã xuống giường. Con bé đạp mạnh vào bụng dưới của nó. Nó lảo đảo lùi lại bị trượt chân, ngã vật ngửa, đầu đập vào cạnh bàn học của con bé, bất tỉnh. Nó chết. Bố nó và người nhà đe dọa giết cháu Sen và mẹ kế của cháu. Bố nó muốn trả thù. Rất may, tòa căn cứ vào xác nhận của hàng xóm, và lời khai của cháu, tình trạng cảm xúc của cháu nên chỉ xử theo tội danh, làm chết người do tự vệ chính đáng. Chỉ bị ba năm tù giam thôi. Khổ thân cháu quá thầy ạ !

Tôi lặng người nghe mẹ Sen kể một mach. Tự nhiên thờ dài và trầm giọng lại :

- Thật là bất hạnh cho cháu quá ! Biết làm sao đây ? Đành phải chờ thôi chị ạ ! Sau khi ra tù, cháu sẽ làm lại cuộc đời. Mong rằng sau này cháu không gặp bất trắc nữa. Khi nào vào thăm cháu, chị chuyển lời thăm hỏi của tôi tới cháu nhé. Nói với cháu rằng : thầy vẫn rất yêu quý con. Thầy vẫn tin rằng  sau những gì đã trải qua, con sẽ rút được nhiều kinh nghiệm sống để bước tiếp.

Tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Tôi cứ băn khoăn : giá như bố Sen nghĩ đến gia đình một chút, giá như người mẹ kế kia của Sen nghĩ đến chồng con một chút thì đâu có cảnh này ???

                                                Cổ Nhuế, tháng 11 năm 2017  

ruong_thang_co_gai

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 362
Trong tuần: 1069
Lượt truy cập: 435780
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.