Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MỘT NGÀY TỬ TẾ

trechantrau

MỘT NGÀY TỬ TẾ

 

                       HỒ BÁ THƯỢC

 

Không biết, một con người trong đời, đã làm được bao việc tử tế? Chắc, không có người tử tế nào, lại ngồi kiểm đếm việc tử tế, cho mất thời gian. Thật tình, có đáng gì đâu, để kiểm đếm. Chỉ hiềm một nỗi, chưa làm được nhiều điều tử tế cho đời, còn thời gian làm việc ấy, không hôm nay, thì ngày mai. Vậy đâu cần phải vội vã, tốn nhiều công sức?

Riêng tôi, tôi có cảm giác, từ xưa tới nay, mình chưa làm được điều gì tử tế cả, nhất là những việc tử tế “cứu nhân độ thế”, mà các chư vị thánh nhân, trong thiên hạ, đang háo hức làm. Cái trí tuệ nông cạn của tôi, cho rằng việc tử tế, là việc làm lợi cho mình, cho người, cho đời, không hại ai cả. Bởi thế, cũng không nên rạch ròi tử tế cho mình, hay tử tế cho ai. Để rồi, không biết tử tế là gì nữa. Tóm lại, tử tế là tử tế, thế thôi. Khi đã lý giải được những điều xưa nay còn lấn cấn trong đầu, tôi quyết tâm cho mình làm Một ngày tử tế.

Việc tử tế đầu tiên trong ngày tử tế, là có mặt tại quán, phụ bán nước chè chén, âu cũng giúp người đời tỉnh táo, tâm hồn hoan hỷ, ít nhiều, mình cũng có thu nhập. Thật ra, quán nước này không phải của tôi, nó là của ông bạn, quen gọi quán cóc. Cóc con, chứ không phải cóc mẹ, bởi quán rất nhỏ. Chỉ có bốn chiếc ghế nhựa dành cho khách ngồi, và một ghế để cốc chén, dùng chung. Phích nước, ấm trà, để dưới sàn vỉa hè. Qui mô quán rất gọn nhẹ. Nếu có “biến”, năm chiếc ghế xếp chồng lên nhau, lật ngửa lên để ấm chén vào lòng ghế. Tay kia xách phích nước, đứng lên, đi lại như khách bộ hành. Áp dụng chiến thuật “vận động chiến” này, công an cũng khó phát hiện, nói chi đến việc bắt bớ, thu hồi tang vật.

Việc tôi đến phục vụ tại quán nước của ông bạn, cũng rất tình cờ. Hôm có việc đi qua phố Hỏa Lò, thấy ông ngồi quán cóc. Tưởng ông ngồi chơi uống nước, ai dè ông là chủ quán. Nhiều người đi qua, dừng lại, vội vã uống chén nước, trả tiền rồi đi. Tôi thấy lạ lạ, hay hay, muốn được thụ giáo nghề nghiệp, liền ngỏ ý được phục vụ tại quán.

Ở Hà thành, vỉa hè trước nhà mình, dù rộng hay hẹp, đều là đất công. Vì nó ở trước nhà, người nơi khác không ai dám đến xí phần, hiển nhiên, đất ấy thuộc về nhà mình. Tôi thấy lạ, vì ông bạn ở tận dưới Khương Thượng, làm sao mở quán được ở đây? Hỏi chủ quán, chỉ thấy ông cười khà khà. Giàu óc tưởng tượng đến mấy, cũng không thể đoán, ông thuộc tầng lớp nào: Ông có dây mơ rễ má với quan chức sở tại, dân xã hội đen, hay dân chày bửa?

Cũng dài dòng nói thêm một chút. Tôi với ông chủ quán, vốn xưa kia đã từng ở Trường Sơn. Ông ở một đơn vị Giao thông X67, tôi vào bộ đội, thuộc Đoàn 14. Thế rồi, số phận đưa đẩy thế nào không biết, chúng tôi cùng nhau tham gia mở đường 20 Quyết Thắng, ở miền Tây Quảng Bình. Hết thời bom đạn, lại gặp nhau tại quán nước. Đất nước mình rộng, thế mà hẹp. Chui ra từ mảnh đất, chỗ nào cũng có mảnh bom, mảnh đạn, rồi lại gặp nhau giữa đất đế đô.

Ông người gốc Hà Nội nho nhã, nhỏ con, có bộ ria mép vểnh ngược như dân nghệ sĩ. Ông hóm hỉnh, hài hước, vui là chính, nên mới có ý tưởng mở quán cóc này. Thấy tôi nhiệt tình, vui vẻ, xin thụ giáo nghề nghiệp, ông tán thành ngay. Ông hồ hởi:

- Vui lắm ông ạ. Vừa bụi bặm, vừa quan sát sự đời, với muôn vàn khuôn mặt, nếu ông có thời gian…

Về hưu, thời gian tôi có thừa. Thế là ngày ngày, vợ con sắm cơm hai bữa, tôi lên quán nước làm chân phụ việc. Vẫn còn chút sắc phục bộ đội, tôi khoác lên người bộ quân phục màu xanh, nai nịt đàng hoàng. Chân đi dày “Côxơgin”, trông rất “ngầu”, ngồi chễm chệ một góc quán. Phụ việc cho quán nước, cũng không có việc gì nhiều. Khách đi qua, tươi cười, mời chào. Thấy có dấu hiệu “ăn” khách, liền bày bốn cái ghế cho khách ngồi. Uống xong, khách đứng lên, mình đổ nước thừa trong cốc xuống lòng đường, rồi xếp ghế lại, ngồi chờ vị khách mới.

Cuối ngày thấy không còn khách, cả hai tươi cười thu dọn bàn ghế. Chủ quán chẳng cần đếm, bốc cho nắm tiền lẻ, tôi lắc đầu không nhận, nói còn phải cảm ơn, vì học được nhiều điều ở ông. Rồi chủ tớ ai về nhà nấy.

Được một tháng, vợ hỏi:

- Anh đi làm, tiền lương đâu?

- Ôi dào, lương với bổng gì cơ chứ. Đi cho vui ấy mà.

- Thế, lấy gì ăn?

- Tổng thống nhiều nước, người ta tự nguyện, có lĩnh lương đâu!

- Anh đi mà làm tổng thống.

Đấy, muốn làm tử tế, đâu có ngon ăn. Lúc nào vợ cũng dè bỉu, càu nhàu. Nhưng, với ông bạn tôi thì khác. Ông bảo:

- Từ ngày ông lên đây với tôi, công an họ tử
tế lắm.

- Tại sao?

- Thấy ông mặc quần áo bộ đội, là họ ngại, tôi không phải “chạy” quán nữa.

- Chuyện! - Tôi xì một tiếng tỏ oai. Vì mải mê câu chuyện, ông bạn không để ý mũi tôi có vẻ phổng lên một tý. Ông chủ quán tiếp tục, theo đà:

- Ở ngã ba, ngã tư, đèn xanh, đèn đỏ, công an giao thông thấy xe bộ đội vượt đèn đỏ, đố dám thổi còi. Không chừng, xe biển đỏ còn “oách” hơn xe biển xanh nữa, chứ chả chơi?

Đang lúc vắng khách, ông chủ quán lau cốc bằng một chiếc khăn, đã úa màu bã chè. Không thể xác định được sạch hay bẩn. Ông kể tiếp:

- Tôi quen một ông bạn, trước kia là bộ đội Trường Sơn, đi đâu cũng ba hoa chém gió. Nhưng khi về nhà vợ, lại im như thóc, không dám nói một câu.

- Tại sao?

- Nhà người ta, toàn công an cả đấy.

- Thế thì làm sao?

- Ôi dào, ngoài đường đã vậy, trong nhà cũng vậy thôi. Đời là vậy. Ít sợ nhiều. - Thấy tôi lăn tăn không hiểu, ông bồi thêm cho tôi bài học như đinh đóng cột:

- Ít sợ nhiều, là luật đời đấy, nhớ đừng quên!

Tôi nhập tâm bài học luật đời: Ít sợ nhiều. Không rõ hôm nay, ngày mai, tôi có bị luật này chi phối trong trường hợp cụ thể nào không?

Được đà, không phải “chạy” quán nữa, ông chủ quán cho ra một mặt hàng mới toe: bán than tổ ong. Nơi ông ngồi, ngôi nhà lấn một chút vỉa hè, nhô ra khỏi tường tạo thành một góc chết. Ông để chiếc thùng gỗ nhỏ, chứa vài chục viên than tổ ong ở đó. Trên nóc thùng, hờ hững ba viên than, đủ cỡ cho khách hàng lựa chọn. Nếu đi dưới lòng đường, khách hàng dễ nhìn thấy viên than, nhưng công an đi trên vỉa hè, chỉ chú ý đến quán cóc, mà không nhìn thấy chiếc thùng để than. Vì vậy, mặt hàng này được duy trì khá lâu, và ông bạn tôi có nguồn thu nhập dài dài.

Từ ngày thêm hàng mới, quán cóc vui đáo để. Ngoại trừ, các cô gái mắt xanh, mỏ đỏ, phấn son thơm ngát, không mấy quan tâm. Còn các bà nội trợ, họ phát hiện ngay, thứ mình đang cần. Ngoài phụ bán nước, bây giờ tôi kiêm luôn việc ngoáy thông lỗ các viên than cho khách. Không được như Thuần Vu Phân bên Tầu, ngồi bên gốc hòe, chìm trong Giấc mộng Nam Kha, vinh hiển không kể xiết. Còn tôi, có thừa thời gian tưởng tượng ra đủ thứ chuyện. Đương nhiên, chuyện “tự sướng”, nhiều hơn chuyện “tự buồn”.

Tầm quãng chín giờ thưa khách, tôi lại có dịp làm thêm một việc tử tế nữa. Một cô gái trông rất “ngon” mắt, xuất hiện trước quán cóc. Không biết có mua than hay không, nhưng cô đứng hơi lâu. Có lẽ cô nhìn tôi đang ngoáy lỗ viên than, vô cùng điệu nghệ. Cùng lúc, trí tưởng tượng của tôi bắt đầu bật công tắc, cho rằng cô đang ngắm nghía tôi, chứ không phải mấy viên than tội nghiệp xếp trên thùng.

- Tại sao, họ lại không ngắm tôi cơ chứ. - Tôi huyễn hoặc mình - Kể ra, người tôi cũng dễ coi. Khuôn mặt nam tính, mái tóc quăn tự nhiên, bồng bềnh thành năm nếp sóng, mốt đang thịnh hành của trai Hà thành. Nhưng kỳ thực, chưa ai bảo tôi là người đàn ông hoàn hảo. Nhìn kỹ nửa phía trên, người tôi cũng tàm tạm được. Còn phần dưới, đôi chân ngắn tũn, thật quá sầu. Mua quần áo may sẵn, tôi phải “xén” cả gang tay, mà ống quần vẫn dài lệt phệt trên mặt đất. Nhưng không sao, để tăng chiều cao của mình, chí ít trong mắt cô gái, tôi bắt đầu duỗi chân trên vỉa hè, với sự hỗ trợ tích cực của đôi giày “khủng”. Sự co duỗi, căng cơ, khiến mười ngón chân trong dày đau nhói. Nhưng, để tăng lên mười phân chiều cao, dù có bị cụt mười đầu ngón chân, tôi vẫn cho là việc nên làm. Nếu so với các cô gái chân dài, suốt ngày đi trên mười đầu ngón chân, tôi bị đau một chút, có thấm tháp vào đâu?

Thật lòng, cô gái ngắm tôi qua quýt còn được. Nhưng cứ “soi” mãi thế này, e rằng, túm tóc mới nhuộm trên đầu của tôi, cũng bị cô ta lôi ra mất. Chỉ mới nghĩ đến điều đó thôi, tôi bắt đầu hoang mang, muốn van nài cô, đừng nhìn tôi với con mắt xoi mói như thế. Đầu óc tôi đang phấn khích mơ màng, cô gái bỗng kéo tôi về thực tại:

- Cho tôi mười viên than!

Trời ạ! Thì ra, từ nãy giờ, cô chỉ nhìn tôi ngoáy thông lỗ viên than, chứ có ngắm nghía gì tôi đâu! Thấy mình bị xúc phạm ghê gớm, tôi thầm rủa cô ta:

- Cô thật đáng ghét, thật xấu xa.

Tôi định hét lên thật to, nhưng ông chủ quán ôn tồn bảo:

- Đây là khách quen, ông đưa than đến nhà cho khách.

Chưa kịp bóp mồm mình lại, nghe chủ quán bảo, tôi mới ngộ ra mình lại được làm thêm một việc tử tế nữa. Tôi vui vẻ, làm theo lời ông chủ quán.

Cô khách hàng thong thả đạp xe phía trước, mùi nước hoa thoang thoảng để lại phía sau, như người vô hình dẫn đường. Cứ theo mùi hương, làm sao bị lạc? Đấy, làm việc tử tế dù có vất vả một chút, nhưng ngược lại, mình cũng được thơm lây, không phải ai cũng có diễm phúc này.

Đang lâng lâng tận hưởng, bỗng người và xe, tự nhiên đổ “rầm” xuống mặt đường. Tôi bò lồm cồm, dựng xe lên, chợt thấy một cậu bé con đang ngoáy lỗ mũi, khiêu khích nhìn tôi rồi phóng xe chạy mất dạng. Tôi định đuổi theo, nhưng sực nhớ hôm nay là ngày tử tế, chặc lưỡi:

- Nó như con cháu trong nhà, thôi tha cho nó.

Về khoản thanh toán, đương nhiên khách hàng chỉ thanh toán sáu viên than còn lành lặn, bốn viên vỡ, tôi bù đủ tiền giao cho ông chủ quán cóc. Nếu kể lại chuyện vừa xảy ra, chắc ông bạn không nỡ để tôi thua thiệt. Đôi khi làm việc tử tế, chịu thiệt một chút, cũng là chuyện bình thường.

Hình như chuyện than gio đã ngấm vào máu tôi rồi hay sao ấy? Từ sau ngày bộ đội về hưu, bồng bềnh buôn than trên sông, biển, tôi vẫn chưa chán. Bây giờ thấy ông chủ quán cóc bán than, tôi lại thấy thèm. Buôn tận gốc, bán tận ngọn, chẳng mấy chốc mà giàu to, có khi thành đại gia? Chung qui vẫn là tiền. Tiền? Tìm cách làm ra tiền cho mình, chẳng hại ai, cũng là việc tử tế chứ sao. Tôi cứ lẩm bẩm mãi như thế.

Rất may, được ông chủ quán cho nghỉ cả buổi hôm ấy, vì ông thấy mặt mũi tôi lem nhem quá. Âu cũng là dịp tự sướng, tự làm một việc tử tế cho mình. Được đà, tôi phi thẳng sang Gia Lâm mua lại cái máy dập than tổ ong, như lời ông bạn đã hứa hơn chục hôm trước.

Vừa mới le te đầu cầu Long Biên, đã thấy ba vị đầu trọc, cởi trần, áo vắt vai, người xăm loang lổ đi ngược về phía mình. Tôi chột dạ: “Bọn đầu trọc” đây rồi! Hôm nay là ngày tử tế của mình, hãy bình tĩnh. Nhớ bài học được giáo huấn về luật đời “ít sợ nhiều”, tôi thầm trấn an trước tai họa có thể ập đến. Cẩn thận hơn, tôi xuống xe dắt bộ, lánh sang làn đường bên phải, cum cúp đi. “Rầm”, xe đổ, người tôi đổ theo. À, thì ra đại ca đi trên lề cầu, cuồng chân đá vào bánh xe sau của tôi.

- Thằng này láo! Ông đang đi trên này, mày đi dưới mà cũng dám tông vào chúng ông à?

Một tiếng quát to đến mức Trương Phi sống lại cũng phải trợn mắt, bái phục.

- Em xin các đại ca. Em già rồi, mắt mũi lèm nhèm , vô ý đụng vào. Đại ca tha cho em. - Tôi hạ mình van nài. Chắc thấy tôi nhũn lép, thằng đầu đàn khen đểu:

- A! Thằng này ngoan! Nhưng mày hóa trang để dọa chúng ông à?

- Không ạ, em vô ý lau mồ hôi đấy ạ. (Nếu có gương soi mình cũng chết khiếp, nói gì đến các đại ca!)

 - Này vô ý! Này vô ý!

Chiếc xe đạp cà tàng bay vèo qua lan can, rơi xuống bãi cát sông Hồng. Các đại ca vừa đi vừa phủi tay, miệng lẩm bẩm chửi thề câu gì đó, tôi nghe không rõ.

- Chết tôi rồi, cả nhà chỉ trông mong vào chiếc xe đạp đi làm. Bây giờ biết làm sao đây? Tôi ngó xuống bãi cát, thấy ba bốn người đang xúm xít quanh chiếc xe, bàn luận gì đó sôi nổi lắm, lắc đầu, bỏ đi. Việc đầu tiên phải cứu lấy xe đạp. Nghĩ thế, tôi trèo qua lan can, lựa thế, thả người từ trên cầu rơi xuống bãi cát, gần với “nạn nhân” xe đạp.

Không biết dòng giống nhà tôi vào loại “thấp bé nhẹ cân”, hay vì thời buổi khó khăn, nên cơ thể chỉ được một nhúm da, lẫn thịt. Nếu cộng tất tần tật quần áo với đôi dày “khủng”, cũng chỉ khoảng bốn lăm kí lô. Một trọng lượng khiêm tốn như thế, dù có rơi xuống bãi cát hay sàn bê tông, sắt thép bên dưới, thân thể tôi cũng không sao cả. Thấy mình yên lành, không sây sát, tôi lại liên tưởng đến sự khốn khổ cho những ai, nếu to béo bị rơi xuống, không tan xương, cũng nát thịt. Bởi thế, nếu đã béo tốt, cao sang thì đừng làm người tử tế, để rồi bọn đầu trọc có lý do hành hạ, khổ thân.

Lôi được chiếc xe đạp lên dốc đầu cầu, bà cụ bán nước chè chén ngồi trên lối đi bộ, kêu lên:

- Ối giời ơi! Bác nói câu gì, mà không bị chúng đánh đập, lại còn lấy được xe? Bác không biết đâu, nếu cự cãi, chúng đánh cho nhừ đòn, quẳng xe xuống bãi. Dưới đó, đã có bọn đệ tử đón lõng cướp đi rồi.
Rõ khổ.

- Cụ à, cháu hiểu mà, ít thì sợ nhiều. Cháu có lời xin lỗi tử tế, vẫn xảy ra nông nỗi này.

Cụ nhìn tôi với đôi mắt nhăn nheo, luôn mồm “Phúc đức quá, phúc đức quá”. Không biết có nên mừng, khi cụ khen tôi có phúc, có đức? Nhưng, một khi đại ca đã khen thằng này “ngoan”, ắt hẳn, tôi là người tử tế.

Quá trưa, bụng đói cồn cào, nhưng tôi cũng lôi được cái máy dập than tổ ong cà tàng về nhà. Tôi vui vì làm được việc tử tế cho mình. Trong mắt vợ tôi, cháy lên niềm hy vọng giàu có, khi ngắm nghía máy dập than, như ngắm con gà, sắp đẻ trứng vàng. Tôi rất mừng, vì mọi việc cho mẻ than đầu tiên, đã hoàn tất. Nhưng thật lòng, tâm trí tôi vẫn gửi nơi ông chủ quán cóc. Xa ông, thấy tiếc vì những kỳ bí trong thương trường của ông, tôi chưa được thụ huấn bao nhiêu. Nhưng thôi, có máy dập than tổ ong, chắc chắn tôi thoát khỏi những lời mát mẻ của vợ:

- Thôi, anh đừng hành động ngông cuồng như ông tổng thống nữa. Về làm ông chủ than, ắt có tiền.

Tôi giật mình, tự hỏi tại sao tôi lại có người đàn bà thông minh đến thế? Hơn nữa, người đàn bà đó là vợ tôi. Một triết lý thật đơn giản: Chủ là có tiền! Té ra mấy tháng nay, phụ bán nước ở quán cóc, tôi trắng tay chỉ vì chưa là ông chủ?

 Tôi hăm hở thực thi cái “chủ thuyết” ấy của vợ, phóng xe đạp lên Công ty than khoáng chất ở phố Nguyễn Văn Trỗi, mua chục bao than cám. Đến nơi mới ngã ngửa, than gio bay đi đâu hết. Thay vào đó, ngổn ngang sắt thép, bê tông, chuẩn bị xây nhà cao tầng. Họ đô thị hóa mất rồi. Nguy cơ chưa làm ông chủ, đã thấy thất bại nhỡn tiền. Tuy vậy, vẫn mua được một bao than, do ông bảo vệ quen biết, vốn là người tử tế vét váy nể tình bán cho.

Ở ngã ba Đuôi Cá, gần nhà tôi có một vòi nước công cộng. Ai đi qua rửa ráy thỏa thích, chẳng đồng hồ, đồng chảo gì cả, miễn phí hoàn toàn. Dân tình xung quanh, coi đây là biểu tượng tử tế của chính quyền địa phương, nhờ nó ai cũng được hưởng lợi. Tôi tự nói với mình:

- Nào, ta vào rửa cái mặt cho thoáng mát, ai cũng có quyền hưởng chút tử tế này cơ mà.

Tôi dựng xe cạnh bên vòi nước. Chưa vục được ngụm nước nào, bỗng dưng một bàn chân của ai đó chĩa thẳng vào mặt, nước bắn tung tóe. Vừa ngẩng mặt lên, chưa kịp nhìn, tôi được lĩnh trọn một cú đá vào giữa mặt, người hất ra phía sau, đập xuống hai cục gạch kê rửa chân, máu từ miệng trào ra (chắc gãy vài cái răng?). Tôi vô tình chạm tay vào cục gạch phía sau. Chớp mắt, nắm luôn cục gach, vùng đuổi theo. Một chọi một, đâu có giống như cảnh sáng nay, trên cầu Long Biên, ít sợ nhiều!

Bỗng nhiên, trong quán nước có bốn thằng xông ra, túm chặt, nâng bổng người tôi, như một con ngoé, rồi hô to:

- Có thằng giết người, bà con ơi! Có thằng…

Tôi vùng vẫy, muốn thoát nhanh không thì bị đánh “hội đồng” như chơi. Thấy thằng đồng bọn chuồn rồi, chúng ném tôi xuống đất, mỗi đứa bồi thêm một cú đạp.

Tại sao chúng lại đánh tôi? Có phải, vì mình dùng vòi nước công cộng mới xảy ra cơ sự? Đây là sự tử tế của chính quyền, ai cũng được hưởng cơ mà? Chỉ một chút nhỏ thôi đã thành sự, huống chi những cái to lớn của dân, của nước, mà tranh giành nhau, ắt hẳn còn đánh nhau to?

Về nhà thấy vợ con đi vắng hết, tôi lôi khẩu súng ngắn giấu dưới gầm tủ. Đây là “chiến lợi phẩm” năm xưa, tôi thu được khi địch đánh vào xe chở vũ khí. Bán súng bị cháy sém, nhưng nòng súng còn tốt. Bao năm tôi giấu giếm, phòng thân. Lau khô máu trên mặt, tôi dắt súng vào cạp quần, chạy ra vòi nước. Vừa chạy, vừa nghĩ “Ta đang làm việc tử tế, sao chúng đẩy ta làm việc không tử tế?”. Bất giác tôi bấm ổ, trong nòng còn hai viên đạn. Hắn một, ta một.

Vòi nước công cộng vắng người. Hai viên gạch còn thấm máu, nằm chỏng chơ trước quán nước, nơi bà cụ đang ngồi lau chén. Bọn lúc nãy chuồn mất.

Đạn đã lên nòng, tôi bắn một phát súng lên trời, kết thúc Một ngày tử tế.

 

                                           Hà Nội, 5/2017

anh_cua_trung_nguyen_11

      

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 72
Trong tuần: 752
Lượt truy cập: 439995
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.