Đỗ Ngọc Yên
MỘT HỒN THƠ ĐONG ĐẦY QUAN HỌ
Đọc kỹ 5 tập thơ của Đại tá, nhà thơ Vũ Tuấn Anh, trong đó có tập vừa xin xong vào tháng 1- 2017 còn nóng hôi hổi, với tiêu đề khá hấp dẫn Cược với thời gian, các tập còn lại đã được in từ khoảng 5 năm trở lại đây (2011- 2016), tôi nhận ra một điều là, dù đi đâu, về đâu, làm gì thì bản tính nhà thơ cũng khó có thể giấu nổi nguồn cội của mình.
*
Những gì tôi biết về nhà thơ quê gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh) Vũ Tuấn Anh đều qua bạn thơ trao gửi lại, có thể là qua trò chuyện trực tiếp, cũng có thể là qua các bài viết của họ về Vũ Tuấn Anh đã được công bố trên các báo, tạp chí về văn chương, thơ phú trong khoảng thời gian cách đây chưa xa hoặc qua một vài số liệu ít ỏi mà tôi được anh gửi cho.
Ngoài tên thật thường gọi là Vũ Tuấn Anh, nhà thơ còn có các bút danh khác như: Ngọc Quan, Nam Anh... Vũ Tuấn Anh sinh năm Giáp Thìn (1964) ở làng Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, mảnh đất mà cố thi sĩ đa tài và đa tình quê Kinh Bắc Hoàng Cầm từng nhắc đến trong bài thơ Bên kia sông Đuống một tác phẩm sống mãi với thời gian từ cách đây gần 60 năm (4- 1948):
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Theo gia phả họ Vũ, người họ Vũ làng Ngọc Quan có nguồn gốc ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương... Ngọc Quan nổi tiếng trong vùng là làng khoa bảng, làng văn chương, chữ nghĩa. Nhà thơ Vũ Tuấn Anh là con của làng văn nhưng lại sớm theo binh nghiệp trở thành một sĩ quan Quân đội nhân dân mang quân hàm đại tá. Hiện anh đang công tác ở một doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hậu cần của Quân đội.
Từ tuổi thiếu thời, cậu bé con nhà họ Vũ này đã ham mê đọc sách và tập làm thơ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đôi khi văn chương, thơ phú lại không mấy chiều lòng người, nên phải đến tuổi ngoại tứ tuần (2007) thì Vũ Tuấn Anh mới tìm được cho mình ngã rẽ riêng vào văn chương. Anh viết nhiều và đều đặn hơn. Dù mới chỉ có trên dưới 10 năm cầm bút sáng tác mà Vũ Tuấn Anh cũng đã có hàng trăm lượt bài thơ in trên các báo và tạp chí ở trung ương và địa phương, trong ấy có những tờ báo có uy tín về văn chương như báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Quân đội nhân dân và Quân đội Nhân dân cuối tuần, Báo Biên phòng... Nhà thơ Vũ Tuấn Anh đã từng theo học lớp Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam, khóa VIII, năm 2014.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Vũ Tuấn Anh đã cho ra mắt độc giả 5 tập thơ: Thì thầm đường quê (Nxb Văn học, 2011), Quan họ ơi... đừng (Nxb Văn học, 2012), Nhặt (Nxb Hội Nhà văn, 2013), Mắc nợ tháng Tư (Nxb Hội Nhà văn, 2016) và gần đây nhất 1- 2017, anh vừa cho ra mắt tập thơ mới với tên gọi Cược với thời gian (Nxb Hội Nhà văn). Vũ Tuấn Anh đã từng nhận được Giải Ba cho bài thơ Quan họ ngỏ lời do Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống tổ chức với tiêu đề cuộc thi Quê hương và nỗi nhớ lần thứ nhất, năm 2016. Ngoài ra anh có thơ in chung trong các tập sách như: Tiễn người vào cõi bất tử, Thơ và bạn thơ, Tuyển tập thơ văn Việt,... và cũng đã có những bài thơ được phổ nhạc như Thì thầm đường quê, Anh lại về Lim của nhạc sĩ Quang Hiển, Ngọc Quan - Làng tôi, Quan họ ngỏ lời của nhạc sỹ Khắc Hiển, Hành khúc Tổng cục Hậu cần của nhạc sĩ Đức Trịnh...
*
Dù Vũ Tuấn Anh có quãng thời gian cấm bút làm thơ chưa lâu, nhưng điều khác biệt giữa anh với nhiều người chính là tự tạo ra cho mình một giọng điệu riêng, tạm gọi là phong cách thơ, thấm đẫm chất Quan họ, quê anh.
Có thể nói trong cả 5 tập thơ, Vũ Tuấn Anh đã trải lòng mình đến với mọi miền quê hương, đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo, thành thị, nông thôn, dường như bất cứ chỗ nào đặt chân đến là anh có thơ kỷ niệm. Nhưng viết về con người và mảnh đất Kinh Bắc vẫn là mảng đề tài được anh “ưu tiên” hơn cả, với những góc nhìn rất đa dạng, những suy tư đa chiều, nhưng vẫn không quá khó để nhận ra chất giọng đong đầy Quan họ. Về con người, đấy là những bậc sinh thành và những người thân yêu trong gia đình như vợ, con, họ hàng hay:
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu,...
(Bên kia sông Đuống- Hoàng Cầm)
mà ít nhất cũng không dưới một lần nhà thơ đã từng gặp họ ở đâu đó trong đời. Đã cầm bút làm thơ, ai cũng đã từng ít nhất một lần viết về những người thân của mình, nhưng viết như thế nào lại tùy thuộc vào tâm tính và tài năng cũng như tình cảm mà nhà thơ dành cho họ.
Vũ Tuấn Anh đã dành tới một số lượng bài viết trực tiếp về cha, mẹ tương đối nhiều, (16 bài). Cụ thể: Thì thầm đường quê (7 bài) gồm: Tri ân, Thương mẹ tháng giao mùa, Ơn mẹ, Điều ước dành cho Mẹ, Với mẹ, Tặng cha, Khúc tự tình bên cha; Nhặt (3 bài) gồm: Thương mẹ, Gửi cha, Con về lễ tết; Mắc nợ tháng Tư (6 bài) gồm: Nhớ cha, Khúc ca tặng mẹ, Lưng mẹ còng thêm, Mẹ và quê, Tạ ơn, Con vẫn mong,... Ấy là chưa kể nhiều bài viết có liên quan, gửi gắm tâm tư, tình cảm thông qua những chủ đề, đề tài về quê hương, đất nước.
Có một sự tương đồng khá thú vị là những bài thơ viết về mảnh đất, con người Kinh Bắc và những bài thơ viết về các bậc sinh thành, mẹ cha, Vũ Tuấn Anh đều sử dụng thể thơ lục bát truyền thống thuần Việt. Chỉ có một bài duy nhất, anh sử dụng thể thơ khác, là bài Tri ân, có vẻ như hơi “lạc điệu”, còn lại 16 bài trong mảng thơ viết về cha mẹ của Vũ Tuấn Anh viết khá đều tay cả về xúc cảm, giọng điệu và ngôn ngữ thể hiện. Bài Thương mẹ là một trong số những bài thơ khá hay mà tôi rất thích:
Thế là gió bấc lại sang
Vặn nghiêng những chiếc lá vàng trên cây...
Xót xa nhớ dáng mẹ gầy
Áo khăn liệu có đủ dầy ấm không?
Cả đời thương lúa trên đồng
Lưng còng mẹ vẫn gánh gồng sớm hôm
Đời xuôi theo những lối mòn
Mỗi đông lại ước mẹ còn mãi xuân
Gió bấc vặn nghiêng những chiếc là vàng khi đông về là một quan sát tinh tế và một câu thơ hay, ám ảnh nói lên nỗi khổ của những người mẹ nông dân chân lấm tay bùn suốt đời lặn lội trên những cánh đồng quê. Có thể nói, ở một số bài, khổ thơ người viết tỏ ta khá có nghề và có những câu thơ xuất thần, ngỡ chẳng có gì, nhưng ngay cả những nhà thơ đã thành danh cũng không dễ gì có thể viết được như vậy. Những ai có cùng hoàn cảnh xuất thân như Vũ Tuấn Anh thì mới có thể đồng cảm và chia sẻ với anh: Thế là gió bấc lại sang/ Vặn nghiêng những chiếc lá vàng trên cây... Chỉ có những người con hết mực quí thương, quan tâm đến mẹ thì mới có thể viết nên những câu thơ quặn lòng đến thế này:
Xót xa nhớ dáng mẹ gầy
Áo khăn liệu có đủ dầy ấm không?
Cả đời thương lúa trên đồng
Lưng còng mẹ vẫn gánh gồng sớm hôm...
Nhưng trong cuộc sống thời chiến tranh, người đàn ông ra trận, chịu đựng bao vất vả, có khi còn đổ cả xương máu. Người khuất núi đã đi một nhẽ. Người còn sống trở về nhiều khi mang thương tích cả đời, nhất là những lúc trái gió trở giời, vết thương, bệnh tật lại hoành hành, mà đâu dám kêu ca, phàn nàn hay oán trách ai. Chúng ta hãy nghe cái cách bày tỏ tình cảm đối với người cha thân yêu của mình khi lâm bệnh trọng của Vũ Tuấn Anh qua Khúc tự tình bên cha:
Bên giường bệnh mấy ngày qua
Điều con mong nhất bố qua hiểm nghèo
Mạch tim, huyết áp dõi theo
Phập phồng khi nhịp lên đèo xuống khe
Nhọc nhằn bố thở con nghe
Ngực con muốn vỡ, lòng se sắt lòng
Công Cha chẳng đấu nào đong
Đáp đền con vẫn chưa xong một phần
Âm thầm cầu nguyện ngàn lần
Phật Trời ban phúc hồng ân nhà mình
Con xin viết khúc tự tình
Tiếp cha thêm sức bình sinh lúc này
Nhịp tim người cha mà khi lên đèo, lúc xuống khe quả là không bình thường, nhưng con vẫn mong cha qua cơn nguy kịch này. Bởi trên đời này Công Cha chẳng đấu nào đong/ Đáp đền con vẫn chưa xong một phần. Nói ra được những điều đơn giản ấy bằng thơ quả là một điều không dễ chút nào. Chỉ những ai thật sự ghi xương, khắc cốt công lao trời biển của những bậc sinh thành, gặp vận hội cảm xúc dâng trào thì mới có thể viết được những câu thơ như vậy.
*
Cách nói đong đưa, vừa nửa đùa nửa thật vừa như để ướm thử lòng dạ của các cô gái, trong ca dao, dân ca Việt cổ khá phổ biến. Hôm qua tát nước đầu đình là một bài dân ca rất điển hình về điều ấy:
Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi, anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp em năm thúng xôi vò,
Ba con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Còn Vũ Tuấn Anh cũng đã có nhiều bài nói theo cách này. Và đây là một trong những bài thơ điển hình nhất của anh về chất giọng Quan họ:
Anh mê đắm điệu dân ca
Mong em chớ gọi nhau là “Liền anh”
Đêm rằm trăng sáng thật thanh
Danh xưng “Liền chị” em dành người ta...
Cùng yêu Quan họ quê nhà
Nhưng mong hơn nữa được là phu thê
Để không phải đợi xuân về
Gặp nhau “Giã bạn”,... nguyện thề chẳng trao
Ta về “Ngồi tựa song đào”
“Yêu nhau cởi áo”... nôn nao riêng mình
Em đừng là trúc đầu đình
Chỉ anh được thấy em xinh đủ rồi...
Cùng nhau hát mãi “Người ơi”
Thiên thai, loan phượng trọn đời trao duyên
(Mong ước liền anh)
Tuy nhiên, trong kho tàng dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang), lối nói này được tiếp thu, khai thác khá triệt để, bất chấp chúng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu thuộc vùng văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng. Một trong những đặc điểm dễ thấy là hầu hết ca từ của các bài dân ca Quan họ Kinh Bắc đều được sáng tác, phóng tác hay hòa vận theo thể thơ lục bát, dù ở một số làn điệu có sử dụng ca từ viết theo thể thơ song thất lục bát hay tự do, nhưng không nhiều.
Nói đến chất giọng Quan họ, mới nghe có vẻ đơn giản là vậy, nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể làm được, dù người ấy có được sinh ra và lớn lên ở những miền quê Quan họ. Bởi lẽ khi một vùng đất, một con người hay một sự kiện nào đấy chưa thật sự thấm sâu vào máu thịt, chưa thường trực trong từng hơi thở, xúc cảm, nghĩ suy, trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày của nhà thơ thì dù có thể bắt chước được, cùng lắm cũng chỉ được đôi lần, chứ không thể tạo ra được một phong cách thơ riêng cho người làm thơ. Nếu không có một tình yêu da diết mà cháy bỏng đối với những người thân yêu của mình, với mảnh đất mình từng chôn rau, cắt rốn làm sao có thể lúc nào cũng đều hướng về một giọng điệu đặc trưng Quan họ như Vũ Tuấn Anh.
Có thể khẳng định rằng 341 bài trong cả 5 tập, thơ Vũ Tuấn Anh ít nhiều đều mang giọng nói, hơi thở, không khí và ngôn ngữ của người Kinh Bắc, thấm đẫm chất Quan họ. Nhưng những bài thơ của anh trực tiếp viết về vùng đất, con người Quan họ có khoảng 19 bài, chia tương đối đều cho các tập. Cụ thể là: Quan họ nhớ em, Anh lại về Lim, Mong ước liền anh và Về Kinh Bắc (Thì thầm đường quê); Quan họ ngỏ lời, Mong em về Hội Lim, Mơ hồ, Nhắn ai, Quan họ ngỏ lời (Nhặt); Về hội Lim em nhé, Phải chi, Quan họ ơi... Đừng, Gửi lại liền chị, Hãy ở lại (Quan họ ơi... Đừng); Gửi người Kinh Bắc, Miền yêu (Mắc nợ Tháng Tư) Gửi người quan họ, Riêng mãi ước ao, Trách kẻ đa đoan (Cược với thời gian)...
Mặt khác, tất cả những bài thơ về Quan họ đều được Vũ Tuấn Anh viết theo thể lục bát, một thể thơ truyền thống thuần Việt đã được các bậc liền anh, liền chị từ ngày xưa khai thác triệt để, lấy làm ca từ cho hầu hết các làn điệu dân ca Quan họ Kinh Bắc, một Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận từ tháng 10/2009.
Xuân này anh vẫn về Lim
Nghe câu Quan họ, mong tìm được em...
(Quan họ nhớ em)
Hay:
Đến hẹn anh lại về Lim
Không đi trẩy Hội để tìm em thôi
Bồn chồn câu hát “Người ơi ...”
Thôi đừng giăng mắc những lời trao duyên
Bóng ai “Ngồi tựa mạn thuyền”
Để ai tơ tưởng hão huyền mộng mơ
Hội đông vẫn thấy bơ vơ
Lời thương đành gửi vào thơ muộn màng
Vãn rồi lại đợi xuân sang
Lại mong chỉ rộng một gang sông Cầu...
(Anh lại về Lim)
Có thể nói xúc cảm chỉ ở mức xao lòng, say nắng trong thơ Tuấn Anh, chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong các làn điệu dân ca Quan họ Kinh Bắc. Vũ Tuấn Anh đã triệt để khai thác về giọng điệu, lối nói và ngôn từ của người Kinh Bắc, một tài sản vô giá mà các thế hệ ông cha đã để lại cho con cháu nói chung và Vũ Tuấn Anh nói riêng. Dưới mái đình làng Việt xưa, có bóng cây đa cổ thụ, trong những dịp lễ tết, hội hè, đám hỉ hay ngồi trên mạn thuyền giữa dòng sông Cầu, sông Thương, sông Đuống buổi tối khi trăng vừa nhú qua rặng tre ngà, trong lúc nông nhàn, khi ấy cũng là những lúc người ta chẳng cần vội vã làm gì. Chính những lúc như thế này, cái sự dùng dằng nửa đi, nửa ở, nửa nhớ, nửa thương âu cũng là lẽ thường tình và rất dễ được mọi người chấp nhận. Ở đây không có quan hệ tình cảm mãnh liệt, gay cấn hoặc quá rõ ràng trắng đen, mà mọi mối quan hệ chỉ dừng ở mức độ như rượu quê vừa mới bắt men, chưa cay nên cũng chưa kịp nồng. Nhưng cái thứ rượu vừa bắt men ấy giống như một thứ bùa ngãi, dẫn độ con người đi vào cõi mộng ảo vừa thực lại vừa hư, rồi làm cho người ta say, nghiện nó lúc nào mà không hay biết.
*
Trong tất cả 5 tập thơ của Vũ Tuấn Anh, tôi bắt gặp một bài thơ viết khá giản dị về một việc làm không có gì là to tát cả. Nhưng cái tình người được gửi gắm trong bài thơ lại có sức lan tỏa thật sự lớn lao, mà nếu không để ý, chắc nhiều người sẽ bỏ qua. Đấy là bài Gửi em học sinh vùng cao:
Báo đăng thơ, được thùng mì
Gửi em... ấm bụng, mỗi khi đến trường
Làm thơ bày tỏ vấn vương
Góp gom mong ngắn con đường lầy trơn
Ước gì thơ có giá hơn
Để em thêm chút thảo thơm của đời.
Bài thơ thật sự gây xúc động và có sức ám ảnh lạ kỳ đối với cá nhân tôi và có thể với nhiều khác nữa. Ai cũng biết, nhuận bút một bài thơ từ xưa đến nay, ở nhiều báo làm gì mua nổi một thùng mì tôm đâu. Vậy mà có một nhà thơ - người lính dám đem cả nhuận bút của một (hay mấy) bài thơ ra để mua mì tôm tặng các em nhỏ vùng cao. Quả là các cụ ta ngày xưa nói chẳng có sai bao giờ: Của một đồng, công một nén. Của cho không bằng cách cho. Đúng là gói mì tôm chỉ đủ làm ấm bụng các em khi phải lặn lội quãng được quá xa để đến trường học cái chữ trong những ngày mưa rét như mấy ngày cận tết năm nay, nó quí biết nhường nào. Và nhà thơ chỉ ước mong cho tiền nhuận bút thơ kha khá lên đôi chút để các em có thêm được nhiều thùng mì tôm như thế, xua bớt đi cái đói, cái rét ở những bản làng vùng cao. Quả là cuộc sống hôm nay, nhất là đối với đồng bào và các em nhỏ vùng núi cao đang rất cần những tấm lòng thơm thảo như thế, nhưng phỏng được bao nhiêu. Bài thơ đơn giản mà lay động bao tâm hồn, hàng ngàn, hàng vạn trái tim ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
*
Có thể nói trên thế gian này có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu kiểu loại thơ hay. Đương nhiên là thơ có thể hay với người này, còn với người khác thì ngược lại. Vả thơ hay cũng có dăm bảy loại. Giản dị hay, triết lý cao siêu cũng hay, chân thật hay và ám ảnh cũng hay, truyền thống hay và cách tân cũng hay, thơ tự do hay và thơ theo niêm luật cũng hay. Vấn đề là tùy gu thẩm mỹ, khả năng cảm nhận, lý trí phân tích của từng người mà thích loại thơ hay nào. Với tôi, tất cả mọi thể loại, trường phái thơ đều có thể hay, còn hay đến đâu và hay như thế nào lại là một câu chuyện dài chưa đến hồi kết.
Phần lớn các bài thơ trong cả 5 tập của Vũ Tuấn Anh viết khá đều tay, chắc chắn và chứng tỏ ở một khía cạnh nào đấy, người thơ có nghề. Thơ Vũ Tuấn Anh theo tôi hay ở cái gọi là lề lối mang phong vị dân dã thôn quê, thấm đậm chất ca dao, dân ca Kinh Bắc nói riêng, vùng châu thổ sông Hồng nói riêng. Đong đưa đấy mà cũng đằm thắm đấy, giống như thứ rượu quê đựng trong be sành nút lá chuối mà các cụ nhà ta tin dùng. Thứ rượu không bao giờ cay, sốc như rượu Tây, mà cứ êm êm, dịu nhẹ, nhưng khi nhởn nha uống đến độ thì say không thể nào cưỡng nổi. Và tôi là người đã, đang nhâm nhi thứ rượu ấy của Vũ Tuấn Anh. Tôi tin rằng, với một phong vị thơ như thế này Vũ Tuấn Anh có thể còn đem đến cho người đọc những trải nghiệm mới về một thứ rượu quê đặc sản riêng của vùng Kinh Bắc mà không nơi nào có được. Chúc mừng anh./.
Đ.N.Y