Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

MỘT DÒNG VĂN HỌC BỊ LÃNG QUÊN

Phạm Ngọc Chiểu

MỘT DÒNG VĂN HỌC ĐANG BỊ LÃNG QUÊN

  1. Đôi nét khái niệm về Dòng Văn học

          Gần đây, trên diễn đàn Văn chương và cả trong câu chuyện đời thường, đây đó đã có câu hỏi nghi ngờ, thậm chí có cả sự giễu cợt không thân thiện, muốn phủ nhận rằng: không có cái gọi là “Văn học Công nhân”. Những ý kiến này còn lớn tiếng đặt vấn đề: Văn học là Văn học, sao lại phải phân ra Văn học Công nhân? Vậy thì nay mai lại sẽ có Văn học Nông dân, Văn học Thương mại, Văn học nuôi ong… nữa sao?

          Trước khi phải trả lời những câu hỏi không thiện chí này, rất cần phải nêu lại khái niệm về một dòng Văn học trong nền Văn học Việt Nam hiện đại.

          Một nền Văn học nói chung và nền Văn học Việt Nam hiện đại trong 100 năm qua là bao gồm nhiều dòng Văn học khác nhau hợp thành. Nói một cách hình tượng thì nền Văn học là dòng sông Cái (sông Mẹ), do hợp lưu của nhiều dòng sông nhỏ mà nên. Văn học Việt Nam 100 năm qua-tính từ đầu những năm 20 của thế kỷ 20, với sự xuất hiện của những tác phẩm chính luận, cùng truyện, ký, kịch của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, đã mở đầu cho dòng Văn học cách mạng. Đến nay, trong Văn học hiện đại Việt Nam, cùng với dòng Văn học chủ lưu là Văn học cách mạng, còn có các dòng Văn học: Văn học lãng mạn, (mang tên Tự lực Văn đoàn), Văn học hiện thưc phê phán, Phong trào Thơ mới, Văn học kháng chiến, Văn học Công nhân… Và, nhiều năm trước đây, ở ta còn có thêm khái niệm Văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa nữa.

          Chương trình Văn học sử phổ thông và các công trình lý luận về Văn học và Dòng Văn học đã chỉ ra rằng, muốn tạo nên một Dòng Văn học cần có ba yếu tố: Có người khởi xướng (phất cờ); Có một đội ngũ tác giả chung một chí hướng sáng tác (cùng yêu thích viết về một chủ đề-đề tài, cùng quan tâm đến thân phận một tầng lớp người trong xã hội); và yếu tố thứ ba rất quan trọng là: Có những thành tựu Văn học được xã hội thừa nhận.

          Nhìn lại những dòng Văn học vừa kể trên, ta thấy rất rõ ba yếu tố này và cũng rất rõ sự khác nhau giữa một dòng Văn học và một đề tài Văn học-điều mà các vị nêu những câu hỏi diễu cợt Văn học Công nhân đã không phân biệt được. Để rõ hơn vấn đề này ta cùng khảo sát các dòng Văn học của Văn học Việt Nam hiện đại.

          - Dòng Văn học Cách mạng: Với ngọn cờ là Nhà văn hóa lớn đã được vinh danh “Danh nhân Văn hóa” Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, đội ngũ tác giả của dòng Văn học chủ lưu này là những chiến sĩ Cách mạng nổi tiếng, tác giả của những tác phẩm rất nổi tiếng. Đó là Văn chính luận và Thơ của Trường Chinh-Sóng Hồng, là Thơ của Tố Hữu, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh, Xuân Thủy…

          - Dòng Văn học lãng mạn: Với hai chủ soái Khái Hưng và Nhất Linh cùng Hoàng Đạo, nhất là Thạch Lam, và nhiều Nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ… đã lập nên Văn phái mang tên Tự lực Văn đoàn tồn tại nhiều năm, trao nhiều giải thưởng Văn chương danh giá.

          - Dòng Văn học Hiện thực phê phán: Với những cây đại bút cùng ồ ạt xuất hiện, nổi tiếng nhất là các Nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân. Có thể kể thêm: Lan Khai, Tam Lang… Những tên tuổi và những tác phẩm của các Nhà văn vừa nêu đã làm nên một Dòng Văn học lớn, khác biệt trong nền Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

          - Phong trào Thơ mới: Đây là dòng Văn học đã làm nên một cuộc Cách mạng Thi ca của Việt Nam, đạt kết quả rực rỡ, mang lại cho nền Thơ Việt Nam một gương mặt, một giọng điệu thật sự mới mẻ, khước từ thơ Đường cổ điển quá khuôn thước; theo trường phái thơ Pháp tiên tiến, cởi mở. Ngọn cờ khởi xướng là Nhà thơ, Nhà viết kịch nổi tiếng, đầy uy tín Thế Lữ, với tác phẩm thơ “Nhớ rừng”, Phong trào Thơ mới xuất hiện một đội ngũ những nhà thơ tài năng: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư…

          - Dòng Văn học Chiến tranh Cách mạng và Kháng chiến: Dòng Văn học được hình thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và chống Mỹ từ 1954 đến 30/4/1975. Dòng Văn học này còn có tên dân dã thân yêu là “Văn học của những tác giả mặc áo lính”, ra đời khi dân tộc Việt Nam buộc phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giành Tự do, Độc lập và Thống nhất toàn vẹn đất nước. Đội ngũ tác giả của dòng Văn học này lúc đầu chỉ gồm các Nhà văn, Nhà thơ được tập hợp trong tổ chức Văn hóa cứu quốc  như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng và các cây bút của Thơ mới và của Văn học hiện thực phê phán tự nguyện dấn thân theo kháng chiến như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh…; dần được bổ sung ngày càng nhiều những cây bút mặc áo lính vừa đánh giặc vừa làm thơ, viết văn phục vụ công cuộc kháng chiến cứu nước. Đó là các nhà thơ: Thanh Tịnh, Chính Hữu, Vũ Cao, Hoàng Cầm, Lưu Trừng Dương, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh, Lê Đạt… Và đó là các Nhà văn: Hồ Phương, Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Trần Dần, Hữu Mai… Bước sang kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ Nhà văn, Nhà thơ mặc áo lính được bổ sung những tên tuổi sáng giá: Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc… (thơ); và Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu… (Văn xuôi). Tiếp đó, xuất hiện cả loạt những Nhà văn trẻ: Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Khắc Phục, Dương Duy Ngữ, Trần Nhương, Hà Phạm Phú… Điều cần ghi nhận là, đội ngũ tác giả của dòng Văn học này ngày càng trở thành những cây bút chủ lực của Văn học Việt Nam cả trong chiến tranh và những năm sau chiến thắng 30/4/1975.

          Bây giờ, đến lúc trả lời câu hỏi: Có một Dòng Văn học Công nhân trong nền Văn học Việt Nam hiện đại không?

  1. Văn học Công nhân-Sự ra đời và phát triểnpham-ngoc-chieu-vanvn

          Cần khẳng định ngay rằng: Quả thật có một Dòng văn học Công nhân trong nền Văn học Việt Nam hiện đại. Sự ra đời và quá trình phát triển của dòng Văn học này là rất rõ ràng, được ghi nhận cả trong Văn học sử và các công trình lý luận Văn học đã xuất bản trong những năm qua.

          Cụ thể là: Với sự xuất hiện và được trao Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam, năm 1951 tặng cho tiểu thuyết Vùng mỏ của người cán bộ Công đoàn kiêm Nhà văn Võ Huy Tâm, Dòng Văn học Công nhân chính thức hiện diện, không chỉ với danh xưng rõ ràng mà có cả một tổ chức mang tên Hội đồng Văn học Công nhân do Hội Nhà văn và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức, gồm các Nhà văn của hai ngành chủ quản thống nhất cử ra. Đó là các Nhà văn: Võ Huy Tâm, Huy Phương, Lê Minh, sau bổ sung thêm các Nhà văn Xuân Cang, Ma Văn Kháng. Sự ra đời của dòng Văn học này vào lúc miền Bắc được hưởng nền hòa bình sau Hiệp định Giơ ne vơ, bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Xã hội chủ nghĩa với việc tổ chức các Hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn sau Cải cách ruộng đất, và xây dựng nền Công nghiệp mới với định hướng Ưu tiên phát triển Công nghiệp nặng, xây dựng ba vùng Công nghiệp: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, sau thêm vùng Công nghiệp Thái  Nguyên xây dựng nhà máy Gang-Thép và khu công nghiệp Việt Trì, rồi công trình xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Theo đó, các Nhà văn nòng cốt của Văn học Công nhân trở về các khu xây dựng Công nghiệp để có thực tế đời sống làm tư liệu sáng tác. Nhà văn Võ Huy Tâm trở lại vùng mỏ Quảng Ninh thân thuộc. Nhà văn Nguyên Hồng và nhà thơ Nguyễn Viết Lãm về Hải Phòng.  Nhà văn Xuân Cang và Lê Minh lên cắm chốt ở khu Gang Thép-Thái Nguyên. Ma Văn Kháng lên dạy học ở Lao Cai. Các Nhà văn, Nhà thơ này, ngoài việc sáng tác tác phẩm, còn có nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ đang xuất hiện ở địa phương mình đứng chân. Nhờ vậy, đội ngũ những người viết về công nhân, công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các vùng xây dựng Công nghiệp. Cùng với tiểu thuyết Những người thợ mỏ và tập truyện Chiếc cán búa của Nhà văn Võ Huy Tâm, đất mỏ Quảng Ninh xuất hiện hàng loạt cây bút tài năng, ngày càng khẳng định tên tuổi trên Văn đàn. Đó là Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Sĩ Hồng, Nguyễn Sơn Hà, Tạ Hữu Đỉnh, Võ Khắc Nghiêm, Nam Ninh, Nguyễn Đức Huệ, Hoàng Văn Lương… (văn xuôi) là Trần Nhuận Minh, Đào Ngọc Vĩnh, Phạm Hồng Nhật, Yên Đức, Mai Phương, Triệu Nguyễn…. (thơ). Ở đất Cảng Hải Phòng, ngọn cờ vững chãi của Nhà văn Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết Cửa biển, cùng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cũng xây dựng được một đội ngũ làm thơ, viết văn sáng giá: Trần Tự, Nguyễn Quang Thân, Đào Cảng, Chu Văn Mười, Vũ Hữu Ái… (văn xuôi); Thanh Tùng, Trịnh Hoài Giang, Thi Hoàng, Vân Long. Nguyễn Tùng Linh, Vũ Châu Phối… (thơ). Trong khi đó, khu công nghiệp Hà Nội và các vùng phụ cận cũng nở rộ tài năng văn chương. Những cây bút văn xuôi tài năng và cá tính thi nhau xuất hiện: Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Dũng, Lưu Nghiệp Quỳnh, Tùng Điển, Đỗ Bảo Châu, Trần Hoàng Bách, thêm Anh Chi, Đặng Ái (Thanh Hóa), Trần Chinh Vũ, Phạm Ngọc Chiểu, Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự, Hà Trung Nghĩa từ công trường thủy điện Hòa Bình bổ sung về. Thơ thì có Chử Văn Long, Vân Long, Nguyễn Bùi Vợi, Dương Kiều Minh, Đinh Đăng Lượng, Đào Khang Hải, Nguyễn Tấn Việt, Quách Ngọc Thiên, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Lương Ngọc… Cũng phải kể thêm nhóm  Nhà thơ hào hoa của đất kinh kỳ: Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Thực tế cho thấy, đội ngũ Nhà văn, Nhà thơ thuộc dòng Văn học Công nhân xuất hiện tại các Khu Công nghiệp đã thật sự thành một lực lượng đông đảo, đầy tài năng, hiện diện trên Văn đàn với hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang dư luận, liên tiếp đoạt những giải thưởng Văn chương của những cuộc thi Truyện ngắn và Thơ do báo Văn nghệ của Hội Nhà văn và Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Trước thực tế ấy, Hội Nhà văn và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định lập Giải thưởng Văn học Công nhân, tổ chức trao định kỳ 5 năm một lần cho những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Qua những lần trao Giải thưởng Văn học Công nhân đã khẳng định tên tuổi của những Nhà văn, Nhà thơ: Lê Minh, Xuân Cang, Ma Văn Kháng, Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Dũng, Đỗ Bảo Châu, Trần Chinh Vũ, Phạm Ngọc Chiểu, Chử Văn Long, Anh Chi, Đặng Ái, Lê Văn Sự, Trần Tự, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Nguyễn Tùng Linh. Và, Vân Long, Nguyễn Bùi Vợi, Lý Biên Cương, Dương Hướng, Trần Nhuận Minh, Sĩ Hồng, Nam Ninh, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Huệ…

          Đội ngũ cầm bút có thể nói trùng điệp ấy của dòng Văn học Công nhân đã làm ra cả rừng trang Thơ, Truyện, Tiểu thuyết hiện diện trên Văn đàn, đến nay chưa thể tính đếm hết được. Chỉ một Ma Văn Kháng đã viết và in 200 truyện ngắn, 20 tiểu thuyết, chưa kể các tập Bút ký về nghề Văn và Hồi ký đời Văn của ông. Chỉ một  Nguyễn Mạnh Tuấn sau nhiều năm chiếm lĩnh Văn đàn với mấy chục tập Truyện ngắn và Tiểu thuyết, đã nhảy sang địa hạt Sân Khấu, Điện Ảnh, Truyền hình, thành một Kịch tác gia sừng sỏ với mấy chục Kịch bản mà ngay tác giả cũng chưa kịp thống kê hết.

          Đầu năm 2000, để dòng Văn học Công nhân thật hoàn chỉnh, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Bộ Văn hóa cho được xuất bản tạp chí Văn nghệ Công nhân. Đây là diễn đàn Văn học Nghệ thuật của tổ chức Công đoàn và giai cấp Công nhân Việt Nam, cũng được coi là cơ quan ngôn luận của Văn học Công nhân xuất bản hàng tháng, phát hành rộng rãi trong hệ thống Công đoàn và toàn xã hội. Với độ dày 120 trang in khổ 16x24cm, Tạp chí có nhiều chuyên mục tạo sức hút bạn đọc như: Thời luận, Phóng sự điều tra, Truyện ngắn chọn lọc, Chân dung tác giả… do ông Phan Đào Nguyên-Giám đốc NXB Lao động, người được Tổng Liên đoàn ủy thác lo kinh phí cho tạp chí-làm Tổng biên tập. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu-Phó Tổng biên tập thường trực chịu trách nhiệm thiết kế nội dung và tổ chức xuất bản tạp chí. Khi nhà văn Phạm Ngọc Chiểu nghỉ hưu thì dịch giả Lê Huy Hòa-Giám đốc mới của Nhà xuất bản Lao động thay nhà văn Phạm Ngọc Chiểu đảm trách công việc. Tạp chí không chỉ tập hợp được hầu hết các cây bút viết về công nhân, lao động, có sức hấp dẫn bạn đọc, mà có thể nói Tạp chí Văn học Công nhân chính là mắt xích cuối cùng làm cho dòng Văn học Công nhân thật sự hoàn chỉnh cả về tổ chức và nội dung hoạt động, xứng đáng là một dòng Văn học mạnh của nền Văn học Việt Nam hiện đại.

          Như vậy, đã thật rõ ràng, Văn học Công nhân thực sự là một dòng Văn học được tổ chức cẩn thận bởi hai ngành Chủ quản là Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ra đời khi miềm Bắc thực hiện Công nghiệp hóa mạnh mẽ sau hòa bình năm 1954, với sự hiện diện một đội ngũ cầm bút hung hậu, đầy tài năng, đóng góp cho Văn đàn Việt Nam những Văn phẩm không chỉ nhiều về số lượng mà còn đem đến cho Văn học hào khí về một chủ đề mới, một hệ thống nhân vật mới là những người Lao động (bao gồn cả những người lao động chân tay và lao động trí óc), đồng thời nền Văn học có thêm một Giải thưởng Văn chương và một tạp chí Văn học uy tín.

  1. Ba sự thật của một nguy cơ

          Định hướng xây dựng đất nước ta từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050-hai dịp kỷ niệm trọng thể 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước vẫn là Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước. Người viết bài này và đội ngũ những người cầm bút của dòng Văn học Công nhân khấp khởi vui mừng vì định hướng sẽ là nền tảng thúc đẩy dòng Văn học này phát triển mạnh mẽ hơn.

          Nhưng đã có ba sự thật dẫn đến một nguy cơ của Văn học Công nhân

          - Sự thật thứ nhất: Kể từ lần trao Giải thưởng Văn học Công nhân gần đây nhất, đến nay mười năm trôi qua rồi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã “quên” cái định kỳ trao giải 5 năm một lần, không tổ chức lựa chọn để trao giải thêm một lần nào nữa. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cũng “quên” luôn chức trách Ngành Chủ quản , không một lần bàn bạc cùng lãnh đạo Hội Nhà văn xem cái Hội đồng Văn học Công nhân tồn tại thế nào ?

          - Sự thật thứ hai: Đến lượt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, với chức trách Đồng Chủ quản tổ chức Văn học Công nhân, trong nhiệm kỳ thứ 9 đã tái thành lập và duy trì hoạt động của Ban Văn học Công nhân (theo phương thức Xã hội hóa toàn bộ kinh phí hoạt động, Hội chỉ phân cho một phòng làm việc chung), nhưng sang Nhiệm kỳ thứ 10 của Ban chấp hành mới, Hội Nhà văn đã chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của Ban này!

          - Sự thật thứ ba: Đây là sự thật phũ phàng nhất, cay đắng nhất đối với dòng Văn học Công nhân, là từ ngày lập ra Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Quốc gia, do Bộ Văn hóa được giao trọng trách tổ chức, trong ý niệm của các thành viên Hội đồng này dường như không tồn tại Văn học Công nhân Giải thưởng Văn học Công nhân. Trong đầu các vị này chỉ có Hội Nhà văn và Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, thậm chí Giải thưởng của báo Văn nghệ là cơ quan cấp hai của Hội, thêm một Giải thưởng cũng được ưu ái lấy làm cơ sở để xét tặng là Giải thưởng của Bộ Quốc Phòng trao tặng cho các Nhà văn, Nhà thơ mặc áo lính.

          Vậy đấy, một dòng Văn học tồn tại suốt từ những năm 50 thế kỷ trước đến nay, có cả một đội ngũ cầm bút hùng hậu, có một Giải thưởng Văn chương và một tạp chí Văn nghệ uy tín, nhưng vẫn là số 0 trong cách nhìn của các vị quan chức ở hai cơ quan Chủ quản và các quan chức được giao trọng trách xem xét, đánh giá, trao thưởng ở cấp Quốc gia (!)

          Trước ba sự thật đã và đang dẫn đến nguy cơ sự lãng quên một dòng Văn học có truyền thống tồn tại hai phần ba thế kỷ Văn học Việt Nam hiện đại, và trước định hướng tiếp tục xây dựng Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa và Cách mạng 4.0, Chuyển đổi số, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vận hội mới là xây dựng một nước Việt Nam phát triển, sánh vai cùng các cường quốc thế giới như Bác Hồ vạch hướng, thiết nghĩ dòng Văn học Công nhân sẽ vẫn tồn tại, phát triển, cho dù hiện tại nó đang bị đối xử không công bằng, thiếu hẳn sự quan tâm, chăm sóc cần thiết của những người có trách nhiệm !

 

Hà Nội, 30/11/2024

        P.N.C

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 249
Trong tuần: 754
Lượt truy cập: 486232
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.