Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG

Phạm Ngọc Chiểu
 
NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG
Cây bút tiểu thuyết bền bỉ, vững vàng
 
img_4434
         
     Nói về Văn xuôi đương đại tỉnh Vĩnh Phúc, tôi nhớ ngay đến “Tứ đại Văn nhân” gồm các tên tuổi: Ngô Văn Phú, Hà Đình Cẩn, Xuân Mai và Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Cái duyên Văn chương cho tôi cơ may được gặp cả bốn văn tài của vùng Đất cổ Trung du này, thành bạn cầm bút của bốn người. Trong bốn vị ấy, nhìn theo góc độ tuổi đời và tuổi nghề, nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đứng bậc em út, cũng là người để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với tôi.
   Không thể quên lần đầu tiên Nguyễn Nhuận Hồng Phương tìm đến với tôi. Bấy giờ tôi đang gánh vác Tạp chí Văn nghệ Công nhân, với thứ bậc Phó tổng biên tập Thường trực nhưng tôi phải lo mọi chuyện của tờ Tạp chí Văn nghệ mới này của Tồng liên đoàn Lao động Việt Nam. Một hôm, thấy người đàn ông lạ tìm gặp tôi, rụt rè đưa bản thảo truyện ngắn, đề nghị tôi đọc thẩm định. Vì bận việc, tôi đưa bản thảo cho nhà văn Trần Dũng. Ông là Phó giám đốc – Tổng biên tập NXB Lao Động, nhận đọc giúp tôi các bản thảo truyện ngắn để in vào các số Tạp chí. Một giờ sau Trần Dũng đưa lại cho tôi truyện ngắn của Nguyễn Nhuận Hồng Phương, với lời đề nghị duyệt in, có chữ ký biên tập đàng hoàng. Trần Dũng nói thêm: Trông tay này có dung mạo giông giống ông Goóc ky của Liên Xô. Tôi nhớ lại ông tác giả mới, thấy nhận xét của nhà văn Trần Dũng khá săc sảo. Cao lớn, vạm vỡ, tóc húi cao, gương mặt đầy sự khắc khổ, từng trải, Nguyễn Nhuận Hồng Phương quả là có nhiều nét hao hao ông Tổ của Văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Sau này, được biết thêm về sự “xuất thân” của Phương, tôi càng phục sự nắm bắt thần thái nhân vật của Trần Dũng.
   Sinh năm 1947 tại làng Lệ Mật, xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 12 tuổi thì mẹ mất, chưa đầy ba năm sau cha mất tiếp, học chưa hết lớp 5 phổ thông Nguyễn Nhuận Hồng Phương phải bỏ học vào đời kiếm sống lúc chưa đầy mười bẩy tuổi, chàng trai mồ côi cha mẹ rời quê lên tận Lào Cai kiếm việc làm nuôi thân. Qua nhiều nghề như công nhân khai thác đá, thợ xẻ gỗ, lái thuyền vận tải trên sông Hổng, sau đó đi bộ đội đánh Mỹ, khi giải ngũ chuyển ngành về lái ô tô ở Công ty Thi công cơ giới Hoàng Liên Sơn, vừa đi làm vừa cố học Bổ túc văn hóa cho hết lớp 7 để đọc sách và tập viết văn. Cuối cùng nghỉ một cục, lấy tiền về thị xã Phúc Yên mở xưởng cơ khí làm kế sinh nhai nuôi vợ con và nuôi chí hướng Văn chương của mình. Khi gặp tôi Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã in được trường ca “Khúc hát Mê Linh” và bài ba bản thảo truyện ngắn. Để rồi sau mấy truyện được in trên “Văn nghệ Công nhân”, tôi và Trần Dũng bàn nhau duyệt in cho Nguyễn Nhuận Hồng Phương tập truyện “Trong rác không có rác” và tiểu thuyết “Đồng vọng ngược chiều”. Và, năm 2006 sau ba năm cầm bút Nguyễn Nhuận Hồng Phương được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
dongvongnguocchieu
                                           ***
    Tiểu thuyết – một thể loại văn xuôi đặc biệt, được nhà văn lừng danh Sô lô khốp của Liên Xô, người được trao Giải thưởng Nô ben về Văn học, ví như vũ khí trọng pháo của quân đội. Còn ở Việt Nam ta, nhà văn Ma Văn Kháng, cây bút Văn xuôi thuộc đẳng cấp đầu bảng của Văn học Việt Nam đương đại, thì khẳng định: “Nếu chưa viết được tiểu thuyết thật sự là tiểu thuyết, nghĩa là một tiểu thuyết có chất lượng cả về nội dung sâu sắc và nghệ thuật hấp dẫn, được bạn viết và bạn đọc cùng công nhận, thì có nghĩa cây bút đó chưa phải là một nhà văn đích thực!”. Ông viết rõ ý này trước hết là tự dặn mình, sau khi được nhận Giải thưởng cao tại cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ, và lúc đã in được hai tập truyện ngắn, rồi cả khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ đến khi ông dành ra ngót chục năm trời, để viết và in trọn vẹn bộ tiểu thuyết sử thi hai tập mang tên “Đồng bạc trắng hoa xòe” “Vùng biên ải” dày ngàn rưỡi trang in, bấy giờ ông mới thở phào tin rằng mình thật sự là Nhà văn!
    Vì sao Tiểu thuyết được các nhà văn xem trọng đến thế? Là vì, Tiểu thuyết, cho dù chỉ là một tập không nhiều trang chữ, hay gồm nhiều tập thành bộ sách dày dặn tời ngàn trang in, đều thông qua số phận các nhân vật phản ánh hiện thực xã hội của các nhân vật đó sống, nổi bật giá trị Nhân văn sâu sắc, đồng thời còn phải làm được việc dự báo đường hướng đi tới của xã hội. Mà, muốn đạt được thế, Nhà văn phải có vốn sống phong phú, nhiều trải nghiệm những cảnh đời và những mẫu người. Lại phải có vốn tri thức văn hóa, và nhất là vốn ngôn ngữ tích cóp được từ đời sống và sách vở càng dày dặn càng tốt. Cuối cùng là, người viết tiểu thuyết phải có gan dám nghĩ, dám làm! Chính vì Tiểu thuyết đòi hỏi người viết có nhiều vốn liếng như thế nên mới có chuyện người viết được tiểu thuyết không nhiều, và không phải Nhà văn nào cũng dám dấn thân viết tiểu thuyết, cũng viết được tiểu thuyết.
    Tôi viết những điều trên đây hoàn toàn không phải chỉ viết theo lý thuyết sách vở, mà chính từ trải nghiệm sau những năm tháng cầm bút của bản thân tôi. Năm 1986 tôi viết và in tập truyện ngắn đầu tay “Chiều hè oi ả” (NXB Lao động), thì năm 1987 tôi viết tập truyện ngắn thứ hai “Những mảnh đời khác nhau” (NXB Tác phẩm mới), đồng thời tôi cũng viết và in xong tiểu thuyết đầu tay “Dưới tán rừng lặng lẽ” (NXB Lao động). Bảy năm tiếp theo, tôi xuất bản thêm một tập truyện ngắn “Đừng vô tình chuyện đó” (NXB Lao động) và 9 tiểu thuyết. Với trải nghiệm đủ sự vất vả, nhọc nhằn của nghiệp cầm bút, đặc biệt là viết và xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết, đủ cho tôi rút ra những điều vừa bộc bạch, san sẻ, và vì thế tôi rất đồng cảm và quý mến đối với Nguyễn Nhuận Hồng Phương – người nhập vào Nghiệp Văn chương sau tôi 42 năm, nhưng đã có bước tiến chóng mặt trên đường văn, nhất là lĩnh vực Tiểu thuyết. Như vậy sau 22 năm theo nghiệp cầm bút, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã viết và đưa in: 13 đầu sách, gồm 1 trường ca, 4 tập truyện ngắn và 8 tiểu thuyết. (Ấy là chưa kể kịch bản 20 tập phim truyện truyền hình ông chuyển thể từ tiểu thuyết “Vận may” của chính ông). Và như vậy, tuy là em út xét cả tuổi đời lẫn tuổi nghề trong nghiệp Văn chương, nhưng với 8 tiểu thuyết đã xuất bản, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã vượt qua ba ông nhà văn đàn anh, thành “anh cả” trong việc sáng tạo tiểu thuyết. Một thể loại theo quan niệm của nhà văn Sô lô khốp được ví là “Trọng pháo của Văn học”, và xứng đáng là một Nhà văn theo suy nghĩ của nhà văn Ma Văn Kháng.
    Sẽ có người đặt câu hỏi: Viết và in nhiều tiểu thuyết như thế, nhưng vấn đề chất lượng các tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương thế nào?
   Về vấn đền này, tại diễn đàn Hội thảo Văn xuôi Vĩnh Phúc lần thứ nhất tổ chức năm 2014, tôi đã có dịp trình bày về những thành công rất đáng ghi nhận trong các tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương, nổi bật nhất là tiểu thuyết đầu tay “Đồng vọng ngược chiều”. Đây là cuốn tiểu thuyết kể về những diễn biến của xã hội suốt mấy chục năm – từ Cách mạng tháng 8/1945 cho đến năm 1986 khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới. Đây cũng chính là mấy chục năm cuộc đời Nguyễn Thừa – nhân vật chính của tiểu thuyết – từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi trở thành Nhà báo có tiếng trong thời cơ chế thị trường. Cái hay, cái lạ của tiểu thuyết này là vậy, viết về cả cuộc đời của nhân vật, qua thủ pháp Đồng hiện, gợi ta nhớ tới tiểu thuyết “Pi e đại đế” của Văn hào A lếch xây tôn stôi. Đáng chú ý nữa, đây là tiểu thuyết đầu tay, và là một tiểu thuyết không có một cốt truyện có thể kể, để lôi kéo người đọc mà vẫn hấp dẫn, vẫn bắt người ta đọc đến trang cuối cùng của tiểu thuyết.
    Tiểu thuyết thứ hai tạo được dấu ấn của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương là tiểu thuyết “Nền móng”. Quyển sách này vượt qua các tiểu thuyết “Phá sản”, “Phố thị”, “Vận may”, “Ngoài vòng tay của Chúa”. Nó cũng nhỉnh hơn cả “Tấn kịch ở Hạ Lỗi” cả về vấn đề cuốn sách đề cập, và nhất là bút pháp cùng các thủ pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng. Mừng cho Hồng Phương, tôi đã hào hứng viết một bài tiểu luận về cuốn sánh này (xin đọc “Dấu son mới của một Nghiệp văn” in trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc; báo Văn nghệ, và trong cuốn chân dung các Văn – Nghệ sĩ “Những trang sách – Những cuộc đời” (trang 121 – 130 NXB Lao động quý I/2024).

   Vậy đấy, vượt bao vất vả, nhọc nhằn, nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã quyết định đi vào thế giới Tiểu thuyết để gặt hái thành công. Tôi nhớ mãi ngày anh về quê gốc làng Lệ Mật ngoại thành Hà Nội, cùng con cháu vào nhà thờ họ để quỳ trước ban thờ Tiên Tổ, chắp tay thành kính run run dâng cao quyển tiểu thuyết “Đồng vọng ngược chiều” kính cáo với các bậc tiền nhân của phả tộc, rằng anh, con cháu dòng họ Nguyễn làng Lệ Mật, chỉ chuyên nghề bắt rắn và kinh doanh thịt rắn, đã chính thức đặt chân vào Con Đường Văn Chương, và hứa với Tổ Tiên sẽ dấn thân vào cái Nghiệp cao quý và thiêng liêng này đến trọn đời! Buổi dâng lễ ấy càng chứng tỏ Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã rất xem trọng thể loại Tiểu thuyết thế nào. Chẳng trách anh bền bỉ, gắn bó với Tiểu thuyết như thế và có được thành công đến thế. Trong “Tứ đại Văn nhân” Vĩnh Phúc, (cùng 3 Nhà văn Ngô Văn Phú; Hà Đình Cẩn; Xuân Mai) anh là người đến sau, là em út, nhưng với 8 đầu sách tiểu thuyết, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã vượt lên trên thành Nhà văn dẫn đầu bộ tứ ở thể loại quan trọng bậc nhất này!

                                                                     Mùa xuân Ất Tỵ 2025

                                                                                    P.N.C

 
                                                                     
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 96
Trong tuần: 730
Lượt truy cập: 485949
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.