Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MẬT MÃ LẠC QUAN

Nguyễn Tiến Hóa

MẬT MÃ LẠC QUAN


    Tôi vốn không ưa sự ồn ào, huyên náo nơi phố chợ, vì thế cái nhà của bố mẹ để lại, tôi đã nhượng cho chú em ruột. Cái nhà mà bao kẻ ước ao, thậm chí nằm mơ cũng không thể có. Phần thì vợ chồng con cái chúng tôi đều không theo đường buôn bán, phần thì cậu em cứ khẩn khoản, cậy nhờ. Thôi thì lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt. Số tiền bán nhà tôi trích một phần mua căn nhà nhỏ ở ngoại thành, cách trung tâm thành phố chỉ nửa giờ xe máy. Số còn lại tôi cho các con và gửi tiết kiệm phòng khi trái nắng trở giời. Nhiều người bảo vợ chồng tôi dại, bỏ phố về làng, người thì bảo tôi gàn tôi dở. Cũng có người đồng cảm, nhưng thực tình người khen thì ít, kẻ chê thì nhiều. Biết làm sao chiều lòng thiên hạ được. Hãy sống theo sở thích của mình, đừng làm chuyện “đẽo cày giữa đường” chỉ tổ mệt.

    Cả xóm mới này ban đầu tôi chỉ quen một người. Người đó là bạn đồng ngũ với tôi từ thời đánh Mỹ. Nhờ anh giới thiệu, tôi mua được căn nhà và trở thành người hàng xóm gần gựa với anh. Tính anh đa cảm thương người. Hồi còn quân ngũ anh thường giúp đồng đội đến đồng lương cuối cùng khi họ gặp khó khăn. Nhưng quan lộ của anh lại gặp trắc trở, không mát mái xuôi chèo. Về hưu rồi anh vẫn miệt mài công tác với chức danh trưởng thôn, kiêm trưởng ban hoà giải của xã. Anh thích làm cán bộ, thích oai, thích được diễn thuyết đăng đàn. Anh tự hào hứng khởi khi được dân tín nhiệm bầu vào chức danh này. Tôi mừng vì trong thời buổi mới, anh vẫn còn giữ được lòng nhiệt tình hăng hái của anh “bộ đội Cụ Hồ”, về hưu nhưng vẫn không chịu nghỉ. Tường nhà anh treo la liệt, đầy những bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương. Có loại đã bay mầu không còn hình chữ. Anh biết tôi đã từng làm lãnh đạo quản lý, nhiều cấp, nhiều nơi nên anh ngỏ lời rủ tôi tham gia công việc của thôn, để không bị hụt hẫng, lạc hậu với thời cuộc. Tôi cám ơn cái sự thịnh tình ưu ái của anh. Tôi đã đổi sự ồn ào phố xá lấy sự tĩnh lặng để ngẫm sự đời, muốn được yên bình để được nghỉ ngơi. Nhưng tôi đã lầm.

    Cái phố mới này không tĩnh lặng như tôi đã nghĩ. Tôi về đây chưa được một tuần thì nhà hàng xóm đối diện mở quán hát vi tính chọn bài. Ở phố là chuyện thường nhưng ở đây lại là sự lạ. Mấy nhân viên chân dài áo trễ cổ, mắt xanh mỏ đỏ, lúng liếng đưa đẩy mời chào. Người ta kéo đến đây nườm nượp. Ai cũng muốn ngồi với các em chân dài, ai cũng muốn khoe, muốn thử giọng ca vàng. Nhiều người ngộ nhận nghĩ mình là ca sĩ. Thế là xong. Khi ở phố cũ, tôi đã bị tra tấn bởi loại dịch vụ này. Về khu ngoại thành tưởng thoát, ai ngờ lại được “tẩm bổ” đầy đủ hơn. Từ sáng sớm đến quá nửa đêm các giọng ca đủ loại, thét lên qua cái thùng loa mở volume đến mức đinh tai nhức óc. Chả có ai nhắc nhở kiểm tra. Chả có ai xử phạt hành chính. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Thành phố đang lớn lên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó lớn lên theo chiều cao và cả chiều ngang chiều dọc. Cư dân thời mở cửa của thành phố tăng lên đột ngột, gấp mấy lần so với thời bao cấp trước đây. Làng Cát ngoại thị của tôi đã thành tên phố. Cái phố Cát thay cho làng Cát. Người trong phố đổ ra đây, đua nhau mua đất xây nhà, lập nhà vườn, nhà nghỉ. Cả mấy trăm mẫu ruộng thổ canh nhường chỗ cho những dự án, nhà hàng. Làng lên phố, một trăm phần trăm phố chứ không phải phố rởm, phố chờ.

    Nước mình bây giờ có nhiều chuyện lạ: Anh phó tiến sĩ qua một đêm trở thành tiến sĩ, thị xã lên thành phố mới kịp thay biển, dấu triện, đã lập tức xuống cấp đổi thành một quận. Những lần đổi thay như vậy, tiêu phí biết bao nhiêu tiền của, nhưng người ta không xót, lại bảo chủ trương này đúng đắn. Rằng phương án đã chuẩn bị từ lâu. Trong vòng xoáy cuộc đời, anh bạn tôi từ trưởng thôn phút chốc trở thành trưởng phố. Một sự chuyển đổi đột ngột không kịp chuẩn bị. Anh sắm bộ comlê mới, tập nói, tập phát biểu, tập đi đứng khoan thai đĩnh đạc cho hợp với khẩu khí, phong thái của người thành phố. Tôi thấy anh họp hành liên miên suốt ngày, nhiều lúc phờ phạc. Có thể anh mệt vì làm quá sức hay bởi năng lực hạn chế của mình. Anh mệt thì làm sao tôi yên được. Đúng như tôi dự cảm. Phố xá treo biển được mấy ngày, anh đã xồng xộc đến gặp tôi phân trần. Nào là vấn đề làng lên phố gấp gáp, cán bộ chưa được chuẩn bị, chưa được tập huấn đào tạo, cư dân tứ chiếng kéo về, mang theo đủ loại hình tiêu cực. Nhà thì chồng vợ bất hoà, nhà thì con chửi bố, bố chửi ông bà, nhà mất gà, mất chó, rồi cờ bạc giai gái trăm thứ bà rằn, họ đều kéo đến nhờ ông trưởng phố giúp đỡ giải quyết. Anh bảo: Ở các nước văn minh luật pháp họ rất đầy đủ, ghi rõ từng trường hợp, dân trí họ lại cao nên làm cán bộ bên họ nhàn, sướng chứ không như ở nước mình khi mà pháp luật đang trong giai đoạn phát triển sơ khai. Không biết anh đọc ở đâu, hay nghe ai nói vậy? Anh nhờ tôi xử lý giúp những trường hợp nan giải. Tôi bảo anh pháp luật chỉ có thể đưa ra những điều khoản cơ bản, dựa vào đó các cơ quan tư pháp xử lý giải quyết, chứ pháp luật không thể đưa hết từng sự việc, từng trường hợp tranh chấp, trong gia đình, xã hội. Nếu đưa hết thì bộ luật dân sự nặng và dày đến đâu.screenshot_755

    Tôi đã kinh qua nhiều năm làm quản lý nên những việc này đối với tôi không khó. Tôi phân tích và chỉ giúp anh cách giải quyết một vài trường hợp. Anh lấy sổ ghi chép tỉ mỉ từng lời. Tôi hy vọng anh sẽ dần dần quen việc, chủ động giải quyết không cần sự trợ giúp của tôi. Anh vốn trưởng thành trong môi trường quân đội, quân lệnh như sơn. Người nhận lệnh phải nhắc lại nội dung cho người ra lệnh. Nơi người ta làm việc nhất nhất tuân theo chỉ thị, tất cả là sự phục tùng cấp dưới với cấp trên. Tôi còn nhớ trường hợp khi còn trong quân ngũ, có lần đơn vị anh chuyển quân, mệnh lệnh ghi nhầm địa phương tập kết, anh vẫn dẫn bộ đội vượt bộ hai mươi cây số đường rừng, đến đúng địa điểm này. Có chiến sĩ thắc măc:

- Tại sao thủ trưởng không chịu dẫn quân đi nơi khác?

- Phải chờ lệnh. Quân lệnh phải như sơn. Muốn điều quân đi đâu phải có lệnh chính thức, không thể tuỳ tiện được.

 Xét về mặt chấp hành mệnh lệnh thì anh đạt loại “a còng”- Một sự chấp hành thái quá, máy móc đến độ mất bình thường. Thời kỳ huấn luyện có lần anh bị đại đội trưởng xử phạt đứng ngoài nắng giữa trưa ba mươi phút. Anh chính trị viên đi qua mủi lòng can thiệp cho anh vào nhà, nhưng anh nhất định không vào. Anh bảo phải có lệnh dừng phạt của chính người ra lệnh, anh mới chịu vào. Từ khi về hưu sống trong môi trường dân sự anh cảm thấy có nhiều khác biệt. Sự khác biệt dẫn đến sự va đập tất yếu sẽ xảy ra. Và tôi trở thành người giúp việc, trợ lý không công của anh, nơi để anh trút bỏ sự bức bối hay dốc bầu tâm sự khi vui khi buồn. Anh hỏi tôi:

- Cậu có thể giải thích cho mình tại sao những người đã có một thời phấn đấu, có chức, có quyền, nay về hưu thì lại tha hoá bỏ sinh hoạt, tự xoá tên mình?

- Mỗi người có quyền tham gia hoặc ngừng tham gia một tổ chức. Có thể vì sức khoẻ hoặc họ làm chưa đúng thủ tục, nhưng chưa thể nói họ tha hoá biến chất.

- Tại sao có những người trước đây làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, có công xoá sổ các tụ điểm tệ nạn xã hội nay lại là người suốt ngày cờ bạc?

- Thực tế có những người như vậy nhưng họ chỉ là thiểu số.

   Càng ngày tiếp xúc với anh tôi mới thấy hết sự bất cập, hụt hẫng trong con người anh. Bây giờ mà anh lại lấy tiêu chuẩn ngày xưa để làm công bộc thì không ổn rồi. Anh đang làm cái công việc vác tù và hàng tổng thời nay. Mà vác tù và thời nay đâu có dễ. Anh đau đầu về các quán Ka ra ô kê. Một lần anh cùng hai người bạn trong tổ cựu chiến binh đến nhà tôi. Anh hỏi tôi cách dẹp các quán đó. Sao lại dẹp một dịch vụ văn hoá? Người ta chỉ yêu cầu các quán hoạt động đúng chức năng, đúng thời gian, chứ không phải không thích là dẹp. Nghe anh bức xúc bộc bạch, một anh bạn tỏ ra ủng hộ, còn anh kia thì chỉ mỉm cười. Lẽ ra việc này tôi cậy nhờ đến anh, nhưng anh lại nhờ tôi. Anh không biết tôi cũng đang là nạn nhân của dịch vụ đó. Rõ là cán bộ quan liêu.

   Tôi biết anh làm công bộc thời nay rất mệt. Nhưng sao anh lại mê say, trong khi những người quen việc thì lại tìm cách né tránh. Người có khả năng lại không muốn làm, người không có khả năng lại muốn làm. Thật là nghịch lý. Như kiểu người chưa được họp thì phấn đấu để giành quyền đi họp. Người đã họp nhiều thì sợ họp như sợ bệnh dịch. Người ta bảo anh đang làm cái việc trong chán ngoài thèm. Nói như vậy không biết có đúng với mọi người không, nhưng với anh thì có phần đúng. Vợ anh suốt ngày than thở với tôi vì cái tội anh vác tù và hàng tổng. Các con anh khuyên bố nghỉ ngơi nhưng anh không nghe, chúng đành phải chịu. Thôi thì bố thích làm gì cũng phải chiều. Bạn bè người thân ủng hộ anh đã là một nhẽ, nhưng đằng này lại có cả những kẻ trước đây là đối thủ của anh cũng ra sức ủng hộ. Chả biết đâu là thật, đâu là giả. Bây giờ không chỉ có hàng giả mà có cả người giả, biết đâu mà lường. Thời cuộc đổi thay con người cũng phải bươn bả, hoà đồng, nhưng anh thì không. Anh ghét cay, ghét đắng lối sống xu thời ba phải, tháng năm cũng ừ, tháng tư cũng gật. Anh đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Anh luôn tự tin rằng đấu tranh cho quyền lợi cho mọi người, cũng như đấu tranh cho chính mình. Điều gì anh cho là đúng, anh kiên quyết bảo vệ đến cùng. Hồi Đảng đổi tên Lao động thành Cộng sản, báo đăng, đài nói sa sả, nhưng anh vẫn cứ viết, cứ nói Đảng Lao động Việt Nam. Ai góp ý anh trả lời tỉnh queo: Chưa có thông báo đổi tên Đảng.

Biết tôi công tác ở bộ phận đối ngoại, anh hỏi:

- Cậu thấy tình hình nước Nga thế nào?

- Rất phức tạp anh ạ.

- Cậu đừng bi quan thế! Nhất định nước Nga sẽ phục hồi, Liên- xô sẽ trở lại.

 Anh đúng là một con người lạc quan hiếm thấy. Lạc quan đến mức ngây thơ không tưởng, như người từ hành tinh khác đến. Anh hỏi tôi:

- Quan hệ Việt- Mỹ hiện nay có gì mới không?

- Có chiều hướng tích cực.

- Cậu không được dùng chữ tích cực - Anh chấn chỉnh.

   Đến mức này thì tôi vái sống anh rồi. Anh đúng là con người nguyên vẹn với nếp nghĩ xưa. Xã hội đang mở cửa đi lên, còn anh lại đứng yên khép lại. Anh từng bộc bạch với tôi: Anh rất sợ hoà nhập, hoà nhập rồi sẽ hoà tan. Đây là điều anh lo đến mất ăn mất ngủ. Anh rất bức xúc với các tệ nạn cờ bạc, trai gái, rượu chè, hút sách. Những tệ nạn này đang làm tha hoá con người, gậm nhấm chế độ, đe dọa đến tương lai, tiền đồ dân tộc. Anh đã trực tiếp kiểm tra nhắc nhở, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, nhưng chỉ vài hôm, đâu lại vào đấy. Như kiểu ném đá vào ao bèo tấm, như đánh bùn sang ao. Tệ nạn xã hội ai ai cũng biết, nhưng sao người ta cứ nhắm mắt làm ngơ? Đôi khi những tụ điểm này còn là nguồn sống cho những người quản lý. Tại sao cán bộ đương chức, đương quyền lại ra vào nhà hàng như đi chợ? Họ lấy tiền ở đâu? Người thì bảo họ lấy tiền chùa, người thì bảo họ bỏ tiền túi. Bao nhiêu cái làm sao, ở đâu, bao nhiêu câu hỏi cứ vật vờ, quẩn quanh trong đầu anh.

    Anh trăn trở đêm ngày, đến từng nhà dân giúp đỡ vận động mọi người tham gia xây dựng khối phố văn minh. Trong hội nghị tổng kết thi đua của quận, khu phố anh đã được nhận giấy khen. Cứ đà này danh hiệu khu phố văn minh chắc không tuột khỏi tay anh. Và nhiệm kỳ tới anh sẽ tái đắc cử. Anh luôn tâm niệm rằng: Gái có công thì chồng chẳng phụ. Còn ai trong khu phố này vượt mặt anh. Hôm phố anh họp tổng kết cuối năm, anh cho người trang hoàng hội trường từ chiều hôm trước. Khẩu hiệu, biểu ngữ, băng rôn được căng dán khắp hội trường. Anh mặc bộ “củ” đời mới, ca vát cổ cồn. Gặp ai anh cũng bắt tay niềm nở. Bài diễn văn tổng kết nhiệm kỳ của anh lâm ly khúc triết, được nhiều người gật gù, tán thưởng vỗ tay. Anh lâng lâng, bồng bềnh như say. Điều quan trọng nhất của người cán bộ là được nhiều người tín nhiệm. Anh đinh ninh mình sẽ tiếp tục trúng cử để được làm công bộc cho dân. Anh bỏ ngoài tai những lời ác ý: Anh là cán bộ hết đát, bảo thủ, hết thời. Người cán bộ tận tụy thì không bao giờ hết đát, chỉ sợ hết nhiệt tình cách mạng. Anh đã chuẩn bị bài phát biểu cám ơn thống thiết. Lại còn chuẩn bị hai két bia xịn, cùng đậu phộng để chiêu đãi mọi người.

    Hết phần thứ nhất, hội nghị chuyển sang phần bầu cử. Ban bầu cử thông qua qui định bỏ phiếu. Mười lăm phút giải lao, ban kiểm phiếu làm việc. Ông trưởng ban công bố kết quả. Anh lắng tai, chờ đón giây phút này. Bụng anh trạng rạng khấp khởi nghe ông trưởng ban dõng dạc: Người trúng cử nhiệm kỳ này là ông Nguyễn Văn...Nguyễn Văn Gì chứ còn ai nữa. Sao ông ta cứ ấp úng thế. Tay anh luồn vào túi áo vân vê bài phát biểu. Chỉ còn vài giây nữa anh sẽ lên bục nói lời cảm tạ và lời hứa hẹn anh đó thuộc lòng. Anh lặng người, sững sờ: Dị chứ không phải Gì. Có phải mình nghe nhầm không? Anh không tin vào tai mình nữa. Nguyễn Văn Dị trúng cử chứ không phải Nguyễn Văn Gì. Có tiếng xì xầm. Mặt anh trắng bệch, mắt đổ hoa cà hoa cải. May thay anh còn kịp ngồi xuống dựa đầu vào thành ghế. Giữa ban ngày ban mặt, giữa hội trường quỵ ngã, có mà độn thổ. Rồi người ta sẽ đàm tiếu cả đời. Trớ trêu thay đậu phộng, két bia anh mua người ta dùng hết, nhưng bài phát biểu của anh không ai đụng tới, nó vẫn cuộn tròn trong túi. Định thần trấn tĩnh, anh miễn cưỡng đứng lên nói lời cám ơn và chúc tân trưởng phố hoàn thành nhiệm vụ.

   Từ hội trường về nhà, anh miên man suy nghĩ. Không hiểu lý do gì? Không hiểu sao một người tận tụy, mẫn cán như mình lại không được lòng mọi người? Có thể khoá này họ chưa hiểu, khoá sau họ sẽ hiểu và anh vẫn còn cơ hội làm cán bộ, giữ gìn kỷ cương phép nước. Còn tôi nghe anh về đây để được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, né tránh việc đời, ai ngờ lại trở thành người công bộc bất đắc dĩ của anh.

                                                                                                                   N.T.H

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 15
Trong tuần: 834
Lượt truy cập: 451070
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.