Phạm Thị Phin
NGHỆ SĨ VÙNG MỎ TRANG NHUNG
MỘT GIỌNG THƠ MANG HƯƠNG VỊ BIỂN
Trung tuần tháng 7 mà cái nắng cứ rang rang phủ khắp vùng đất Phật. Vạn vật trốn tìm chỗ nương thân dưới những tán cây bồ đề cổ thụ. Ông Cóc đã gọi khản giọng mà Ông Trời vẫn chưa nghe thấy. Thần Sấm mải đi dập dịch tận Phương Nam chưa về.
Tôi thực hiện 5k trong cái hòm bê tông 72 m2. Quạt trần mở hết số mà anh nắng vẫn thò tay qua cửa vén áo lên sát nách.
Một lới nhắn nhủ của Nàng Thơ phố Biển – Nghệ sỹ vùng mỏ Trang Nhung. Những lời thơ trầm bổng, trong trẻo, thân thương đã ru mềm cả bờ cát Bái tử Long. Và chất giọng quý hiếm ấy đã mang về cho chị danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Vùng Mỏ (NSVM)
Hôm nay chị làm tôi bất ngờ bởi trang thơ do chị sáng tác trong thời gian gần đây.
Thơ HaiKau là dòng thơ có nguồn gốc từ Nhật Bản vào thế kỷ 17. Chị viết:
Nép vào cái tuổi rạ rơm
Củ khoai ủ lửa còn thơm đến giờ
Một tứ ngắn, gọn mà sâu sắc. Tuổi rạ rơm ta tạm hiểu là lũ trẻ nghèo chăn trâu, chân đất mình trần lang thang khắp cánh đồng quê sau mùa lúa. Tôi còn nhớ lúc nhỏ thường được các già gọi là lũ quỷ. Ai cũng có một tuổi thơ trong trắng, hồn nhiên và ham chơi. Mọi thứ chỉ đủ cho vào cái bụng rỗng dù chua cay hay mặn chát. Nhưng hương vị của củ khoai nướng đi ăn trộm thì ngon đến lạ lùng. Khi miếng khoai được chia nhau cắn ngập vào răng sau cái miệng đen nhẻm là cả bầu trời sung sướng. Hạnh Phúc trào dâng tột độ vì cái bụng đã chịu nằm im cho lũ trẻ giặt mình vào dòng sông bận rộn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Miếng khoai tháng ba ngày tám đã cứu mấy chục triệu dân trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm. (Nạn đói năm 1945). Ngày hôm nay, tôi ngồi bên nồi lẩu nghi nghút khói, những món đặc sản đắt tiền hớ hênh mời gọi nhưng tôi vẫn gắp miếng khoai lang trước. Tôi nhắm mắt lại tận hưởng, miếng khoai đã gom cả hương trời, vị biển nhưng vẫn không giống miếng khoai mà lúc nhỏ tụi con nít moi trộm ngoài đồng về nướng trong cái lò vôi bên bến sông Tiên Hưng.Không riêng gì tôi mà những ai đã từng có tuổi thơ tại những vùng quê đều rất nhớ vị thơm của khoai nướng vội. Cái hương vị ấy theo ta suốt cuộc đời khi mà mấy đứa trẻ cắn chung nhau một củ khoai, cắn chung nhau những mảnh đầu đời trong trẻo trước khi còn là vị thành niên.
Cái khó và khéo của tác giả nó nằm ở chỗ đó. Củ khoai thơm suốt cả những bước thăng trầm của đời người, cái hương quê ấy là động lực để người ta phấn đấu vươn lên xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Đừng vì mắt liếc dao đưa
Mà quên hạt muối đêm mưa nhạt lòng.
Thoạt nghe giống như cầu đồng giao truyền miệng trong dân gian. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng lời khuyên mỏng như làn gió ấy còn sắc hơn cả con dao bổ cau làm tám. Người đàn ông có chỉn chu bao nhiêu, bận rộn bao nhiêu cũng không thể bỏ qua sự quyến rũ mê hồn của giai nhân. Vua mất nước, Vua dâng cả nửa đất nước cho láng giềng chỉ để lấy được công chúa.
Lời khuyên nhủ thiết tha, dịu dàng như lạt mềm buộc chặt nhắc nhở người chồng dù vui bao nhiêu hãy nhớ hạt muối đêm mưa đó là một lâu đài vĩnh cửu, một biểu tượng thiêng liêng của tình yêu mà người đàn ông có trách nhiệm phải gìn giữ và bảo vệ. Câu thơ này thể hiện đúng bản chất của tác giả khi mở lòng mình.
Nghe câu hát lúc trăng treo
Sương giăng mỏng mảnh cánh bèo lặng trôi
(Ai vô xứ Huế)
Phải chăng Tác giả đã thấu hiểu, đã cảm thông với phận đời cô kỹ nữ trên sông Hương. Tiếng hát em lẫn vào sóng rồi da diết lúc vút lên như làn gió gọi mùa vui, lúc lại ngụp thật sâu đợi nốt nhạc trầm bổng nâng lên cho tròn nhịp mõ. Em cứ hát say sưa chiều lòng lữ khách mà không biết trăng đã treo tự lúc nào. Tàn cuộc vui, em lại mỏng manh như cánh bèo dễ vỡ với những đồng tiền bo phận đời ký gửi.
Em hỏi? thơ anh sao trống vắng
Trống vắng tột cùng chỉ để có riêng em
Vâng! Tình yêu không có tuổi, tình yêu không khoảng cách, tình yêu vô bến bờ chỉ có người yêu nhau mới hiểu. Trong chúng ta ai đã không qua một lần yêu. Khi yêu họ cảm thấy vạn vật ngủ yên chỉ có hai người họ thức. Họ ngấm vào nhau trong từng thớ thịt, hơi thở của nhịp đập con tim. Còn với những người yêu thơ thì tình yêu là cơm ăn, áo mặc, dưỡng khí ô xy và cả một bầu trời xuân rộn rã sắc hương.
Những tứ thơ lóe lên trong não bộ cũng mang âm hưởng của sự trống vắng khi họ chưa đan những ngón tay ngoan vào nhau mà chờ đợi cái giây phút thiêng liêng nơi phồn thực.
Ta nang niu những trang đời mơ ước
Lật từng đêm qua song cửa loang mờ
(Thơ kỷ niệm)
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm chị ngồi lật lại trang đời trên sóng nước Hạ Long. Phía trứớc cửa là đường bao biển đẹp như mơ, cứ thêng thang trải dài trên sắc thu huyễn hoặc. Kỷ niệm xưa tỏ mờ trên trên trang viết. Cái thủa yêu còn còn chưa dám nói, cứ lặng thầm cất kỹ góc con tim để rồi lẫn vào dòng đời bươn chải. Nay giở ra gói cũ, kỷ niệm ùa về hoang hoải một miền xưa. Một lâu đài tình ái, một mớ hỗn độn, một gói rất riêng chị cứ nhẩn nha thả dáng mà ngắm nhìn qua lăng kính khi chiều còn đang treo ngang dốc.
Hoàng hôn một chấm chân trời
Mênh mông vàng dát nắng phơi mặt hồ
(Chiều Đại Lải)
Chiều Đại Lải đẹp mê hồn trong con mắt nhà thơ. Hoàng Hôn xuất phát từ một chấm rồi tỏa ra hay buông rèm rồi thu nhỏ thành một chấm thì quả là một tứ thơ rất mới. Tác giả không chỉ khéo trong cách nhìn mà còn giỏi trong việc sử dụng yếu tố nhân sinh quan.
Vạt nắng chiều buông đúng là mỏng tang như dát mỹ kim nhưng dát rồi lại mang phơi trên mặt hồ để tạo ra một không gian mở đắm chìm khiến khách quan ngơ ngẩn.
…Tôi bước ra sân. Vài giọt thu vừa đậu vào vai áo. Tôi nhìn về phương ấy, nơi có những cây hoa ban tím quyến rũ mời gọi… Chị tôi; Người đàn bà yêu thơ vẫn hồn nhiên tươi trẻ ở cái tuổi xưa nay hiếm. Chúc chị sức khỏe, tiếp tục sự nghiệp sáng tác và biểu diễn.
P.T.P