LƯỠI TẦM SÉT
TRÊN SÂN BAY ĐÀ NẴNG
BÙI QUANG THANH
LƯỠI TẦM SÉT
TRÊN SÂN BAY ĐÀ NẴNG
BÙI QUANG THANH
33 năm sau ngày giải phóng, sân bay Đà Nẵng đã
là Cụm cảng hàng không lớn nhất miền Trung,
là đầu mối giao thông của hòa bình, hữu nghị và hợp tác
phát triển. Ngày xưa đây là sân bay chiến lược của không
lực Hoa Kỳ, từ đường băng này những con quạ sắt Mỹ
gieo rắc tội ác khắp nơi trên bán đảo Đông Dương. Tuy
vậy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mặc vành đai bảo vệ
của cả hàng chục vạn quân Mỹ - ngụy và chư hầu, những
“nàng Cachiusa” Việt Nam của Trung đoàn pháo binh
575 như lưỡi tầm sét treo lơ lửng trên đầu lũ giặc và hơn
300 lần đập nát căn cứ không quân này.
Hôm nay, trên sườn đồi Dương Lõm (xã Hoà Phong,
Hoà Vang) - nơi cách đây 41 năm, những “nàng Cachiusa
Việt Nam” lấy đất Mẹ làm điểm tựa bắn nát sân bay Đà
Nẵng, mở màn cho cuộc chiến 10 năm oanh liệt của Trung
đoàn - một tượng đài chiến thắng bằng đá quý Ngũ Hành
Sơn được dựng lên sừng sững nhắc nhở chúng ta về một
thời oanh liệt chưa xa. Khối bạch thạch của quần thể tượng
đài kể về sự tích chiến công của những người lính pháo
binh Quân Giải phóng “chân đồng vai sắt” và sức mạnh
tình quân dân quyết đánh, quyết thắng.
Được tách ra từ Lữ đoàn pháo binh 368 (Đoàn Yên Thế)
từ tháng 3.1966, Trung đoàn pháo binh 575 nhanh chóng
ổn định tổ chức, làm quen với loại vũ khí mới (DKB) vừa
được trang bị rồi hành quân vào chiến trường Quảng
Nam - Đà Nẵng trực thuộc Quân khu 5. Ngày 30.4.1967,
toàn Trung đoàn đã tập kết an toàn, bí mật tại Bình Sơn,
chuẩn bị chiến trường và đêm 14.7.1967 những quả hoả
tiễn đối đất của Trung đoàn đã trút bão lửa xuống sân bay
Đà Nẵng - căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại miền
Trung - phá huỷ 87 máy bay, 250 xe quân sự, thiêu cháy
7 triệu lít xăng, làm nổ tung kho chứa đạn bom hàng vạn
quả, tiêu diệt 548 tên địch mà phần lớn là giặc lái, nhân
viên kĩ thuật của Mỹ.
Mặc dầu đây không phải là lần đầu sân bay Đà Nẵng
bị tiến công, trước đó tiểu đoàn 99 - một trong những đơn
vị đã vào ém ở chiến trường Quảng Đà, sau này là D1 của
Trung đoàn - đã hai lần pháo kích vào đây (ngày 2.2 và
15.3.1967) tiêu diệt 1.685 tên Mỹ, phá huỷ 112 máy bay
các loại, 270 xe quân sự và Trung tâm thông tin, hệ thống
rađa... nhưng trận đánh mở màn của Trung đoàn đã làm
nức lòng quân dân cả nước, làm quân thù vô cùng hoảng
loạn và cay cú. Đại tá MaLo, Chỉ huy trưởng sân bay thú
nhận: đây là thiệt hại lớn nhất so với các sân bay bị tiến
công từ trước tới nay. Báo Nhân Dân số ra ngày 5.8.1967
bình luận: “Đây là một trong những trận đánh xuất sắc nhất
của Quân Giải phóng, một trận đánh nhanh gọn và có hiệu
suất lớn buộc chúng phải há hốc mồm mà chuốc lấy thất bại
nhục nhã. Kỹ thuật đánh là hoàn toàn không thể hiểu được đối
với lý thuyết quân sự Mỹ. Một lực lượng quan trọng của Mỹ
bị tiêu diệt còn Quân Giải phóng không mất một người nào,
thậm chí đến cái bóng của người chiến thắng “rađa mắt thần”
Mỹ cũng không phát hiện được. Đà Nẵng là điển hình rực rỡ về
lối đánh tài tình và bước truởng thành nhanh chóng của Quân
Giải phóng...”
Bị cấp tập bởi những quả Cachiusa 140 li có sức sát
thương rất lớn của ta, bọn Mỹ vô cùng hoảng loạn, chúng
nống quân truy lùng, cản phá hòng tiêu diệt pháo binh
Quân Giải phóng. Dưới đất thì thám báo, biệt kích, điệp
viên; trên trời máy bay do thám quần lượn; những cuộc
hành quân tìm diệt liên miên; hậu cứ của Đoàn 575 bị đánh
phá ác liệt. Vừa bí mật di chuyển, nghi trang bảo toàn lực
lượng, vừa chuẩn bị kĩ chiến trường, đêm 27.8.1967, D1 bất
ngờ dội bão lửa xuống sân bay Nước Mặn tiêu diệt 150 tên
Mỹ, phá huỷ 50 máy bay trực thăng. Cũng thời gian này,
D3 đánh tổng kho Bầu Mạc, trận địa pháo Thanh Vinh;
Đại đội 1 (D1) luồn sâu pháo kích sân bay Đà Nẵng... Hỏa
tiễn của ta khi phân tán khi tập trung, bất ngờ xuất hiện
đó đây, cơ động trong bán kính hàng trăm km tiêu diệt
từng bộ phận, từng căn cứ địch làm cho chúng ăn không
ngon, ngủ không yên; Các mục tiêu: Sở chỉ huy Sư đoàn
thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Sủng Mây, Trại huấn luyện Hoà
Cầm, bãi xe cơ giới Cẩm Bình; các căn cứ: Thượng Đức, Bồ
Bồ, Núi Lở, động Gò Sống, quận lỵ Hoà Vang, quận lỵ Đại
Lộc bị đánh đi đánh lại nhiều lần; Sân bay Đà Nẵng như
con cá nằm trên thớt chịu sự băm vằm bất cứ lúc nào. Từ
tháng 1 đến tháng 4 năm 1968, Trung đoàn đã pháo kích
5 lần vào căn cứ này gây cho địch nhiều tổn thất, làm tê
liệt hoạt động nhiều ngày. Năm 1971, với tinh thần hiệp
đồng chiến đấu phối hợp các chiến trường, giam chân và
tiêu diệt địch ngay trên địa bàn mình hoạt động, Đoàn
575 đã pháo kích vào bãi đỗ máy bay và đường băng sân
bay Đà Nẵng diệt hàng trăm lính Mỹ, thiêu rụi 50 máy
bay trong đó có cả chiếc “Pháo đài bay” B52 do bị trúng
thương phải hạ cánh xuống đây cũng như nhiều máy bay
chứa đầy bom chuẩn bị tham chiến ở Đường 9 - Nam Lào.
Trận này đạn pháo của đơn vị đã giết chết tên đại tá Mỹ
Cavanop. Bọn chỉ huy Mỹ phải kêu lên:”Đà Nẵng là thành
phố Rốc - két”.
Để đối phó lại các cuộc tấn công ngày càng quy mô,
kĩ xảo và hiệu quả của pháo binh ta, bọn địch dùng nhiều
thủ đoạn hòng ngăn chặn sự thâm nhập của Đoàn 575.
Pháo sáng treo suốt đêm trên bầu trời xung quanh sân
bay Đà Nẵng và các căn cứ khác; máy bay C130 túc trực
thám sát công kích các trận địa quân ta; hàng trăm ngàn
lớp hàng rào kẽm gai chất chồng từ sân bay ra mãi vùng
phụ cận dày 15 - 20 cây số; mìn sáng, mìn clâymo, mìn
lá, mìn ríp... gieo rắc cạm bẫy khắp nơi. Rồi hành quân
càn quét, rồi rải thảm B52, bom đào, bom sát thương, phi
pháo... (có thời điểm chúng bắn liên tục 40 ngày liền); cả
chất độc hoá học, bom cháy thiêu rụi núi rừng tạo ra vùng
trắng mêng mông. Đêm đêm máy bay trực thăng soi đèn
sát mặt đường mòn tìm kiếm. Thời kì này Đoàn pháo binh
575 gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất. Thiếu gạo, thiếu
thuốc men, đặc biệt là thiếu đạn. Những viên hoả tiễn
nặng nề vận chuyển bằng vai, bằng các phương tiện thô
sơ băng rừng vượt núi vào tới tay các chiến sĩ pháo binh
thấm không biết bao nhiêu mồ hôi và máu của đồng đội,
đồng bào. Cũng không ít lần những viên đạn quý hơn cả
sinh mệnh người lính ấy rơi vào tay kẻ thù thâm ác. Đêm
23.7.1972, một bộ phận chiến sĩ và nhân dân vận chuyển
đạn xuống vùng sâu cất giấu. Từ xã Điện Sơn (Điện Bàn)
đi Hoà Lợi (Hoà Vang) thì bị địch phát hiện. Trận bao vây
đánh phá này của địch đã làm 23 người hy sinh, nhiều
người bị thương, bị bắt. Hàng mấy chục quả đạn quý giá
rơi vào tay địch, chúng còn đào bới một địa điểm ở Hoà
Phú cướp đi 35 viên đạn nữa. Nhưng mất mát đau thương
không làm nản lòng bộ đội. Trận đánh phục thù vào sân
bay Đà Nẵng chỉ 9 ngày sau đó đã làm vợi bớt nỗi đau
trên, tăng thêm lòng tin vào thắng lợi của cách mạng. Táo
bạo và bất ngờ, các trận địa pháo của Đoàn 575 đặt ngay
Hoà Bình và Điện Sơn phát hoả lúc 5 giờ 35 phút sáng
ngày 2.8, ngay trước mũi hành quân tìm diệt của địch
(cách trận địa Hoà Bình chỉ vài trăm mét). 80 viên hoả tiễn
rơi trúng mục tiêu, phá huỷ 57 máy bay, diệt 147 tên Mỹ
hầu hết là sĩ quan, giặc lái; kho xăng trong sân bay bốc
cháy dữ dội 5 giờ liền, nhiều phương tiện chiến tranh bị
phá huỷ. Trận đánh để đời của Đoàn 575 giữa thanh thiên
bạch nhật đã làm giặc Mỹ ngớ ra không kịp đối phó. Ngay
trong đêm 2.8 ấy, Đài Phát thanh giải phóng đã bình luận:
“Pháo binh Quân giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã
đánh giỏi, bắn trúng, đánh đêm cũng giỏi mà đánh ngày cũng
thắng lợi giòn giã.”
Trong gần mười năm bám trụ chiến trường Quảng Đà,
được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự giúp
đỡ tận tình của nhân dân và sự phối hợp chiến đấu rất tốt
của các quân binh chủng khác, Đoàn pháo binh 575 đã
đánh hơn 500 trận, trong đó có hơn hai phần ba số trận
đánh vào sân bay Đà Nẵng, tiêu diệt 6.000 địch với hàng
ngàn tên sĩ quan; phá huỷ 780 máy bay, 1.000 xe quân sự,
200 khẩu pháo các loại, thiêu cháy 50 triệu lít xăng dầu và
rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Đơn
vị đã được Đảng, Nhà nước tặng 10 Huân chương Quân
công, hàng trăm Huân chương cChiến công, được tuyên
dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.
* Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng (nguyên chiến sĩ quan
trắc của Trung đoàn 575 và các tài liệu liên quan khác.)
Người gửi / điện thoại