Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LỐI SEN SƯƠNG

Đỗ Nguyên Thương
 
LỐI SEN SƯƠNG
(Về tập thơ viết theo thể loại 1-2-3 của Vũ Thanh Thủy)
 
   Biết em là nhà văn, từng viết nhiều thơ và truyện ngắn; biết em là phụ nữ của gia đình, đảm đang và chăm chỉ. Từng đọc em qua Vía đá, đã biết em yêu thơ 1-2-3. Hôm nay, được em tặng cả một tập thơ viết theo thể 1-2-3 mang tên Lối sen sương, thêm lần tôi nể trọng em- Nhà thơ Vũ Thanh Thủy.
“Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu, tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ.
Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng có giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3”.
Vâng, đó là tất cả những gì cần thiết cho tác giả khi sáng tác thơ 1-2-3. Tôi “đem thước” ấy áp cho thơ của Vũ Thanh Thủy. Tất nhiên, không thể chỉ đo đếm một cách cơ học hay áp đặt một cách máy móc. Và bước đầu nhìn nhận, cả tập thơ nhỏ xinh 45 bài thơ của Vũ Thanh Thủy đều đảm bảo cấu trúc và yêu cầu cơ bản về hình thức, nội dung.
sensuong
  Dễ dàng nhận thấy tập thơ chia 4 phần với các tên gọi: SEN, VỌNG, ĐỜI, NÚI.
Sen gồm 4 bài thơ: Bạch liên, Lối sen sương, Giấc luân hồi và Sen thanh tân. Ngay cách đặt nhan đề cho mỗi bài thơ đã chiếm được cảm tình của người đọc, thậm chí đầy sức gợi, khiến trí tò mò không bị ngủ quên. Vũ Thanh Thủy không thuần túy tả sen mà nhìn sen như một sinh thể sống động, có tư duy, có cảm xúc như con người. Kiếp sống của sen cũng là kiếp luân hồi. Đã là hoa, dù là vua của các loài hoa thì cũng không tránh được quy luật “sớm nở tối tàn”, vòng đời ngắn ngủi. Tuy nhiên, dẫu là quy luật thì khi “chuyển kiếp” cũng không khỏi bâng khuâng và có phần đau đớn:
 
Bạch liên
 
Sen rùng mình trút giấc mùa thiên thần
xuống mặt bàn loang ố  
      
Người tri kỷ châm trà nhìn bạch liên bong từng lớp đời
thác về nơi hoa không sinh ra
uống cả nỗi buồn tha hương chưa kịp tới.
 
  “người tri kỷ” đọc được nỗi niềm của sen, sinh ra từ nơi khác, khi thành hoa, làm đẹp cho đời, “thác về nơi hoa không sinh ra”, buồn. Đây là nỗi buồn mang tính nhân sinh đáng trân trọng. Vòng đời của sen qua thanh tân, qua cống hiến, làm đẹp cho đời là “thác về nơi hoa không sinh ra”. Tuy nhiên, từ cánh sen, nụ sen, nõn đến cẫng sen khi hoa tàn đều được nâng niu trong ánh nhìn tri kỷ. Chỉ vậy thôi, đủ thấy vẻ đẹp nhân sinh trong sáng tác của nhà thơ.
Phần 2 với tiêu đề “VỌNG”, là quá khứ, trong đó, nổi lên là quá khứ của gia đình, chủ yếu là nỗi nhớ về người Cha, người Mẹ- về Đấng sinh thành với tấm tình ấm áp, yêu thương của người con hiếu thảo. Vũ Thanh Thủy quê gốc Hà thành, sinh sống tại Đất Tổ Vua Hùng. Quá khứ của Vũ Thanh Thủy có một người Cha đáng kính, là họa sỹ, là người có tài năng và ý chí, rời Hà thành theo tiếng gọi của tình yêu. Mẹ của nhà thơ cũng là họa sỹ, đẹp người, đẹp nết. Nghe nói mối tình của người Cha khá éo le, trắc trở. Vượt qua rào cản của gia đình và sự xa xôi cách trở về địa lý:
 
Cha dời Hàng Bông ngược rừng gánh nặng nghĩa trăm năm
Chuyến xe ly hương xa khuất
Đất mới vỡ hoang cha giấu kỹ phận mình
                      (Cha ngược rừng gánh nghĩa trăm năm).
 
Cha nguyện làm người tỉnh lẻ/Từ khi hiểu mẹ thăng trầm
Cảm động trước mối tình của Cha dành cho Mẹ, lại hồi ức về kỷ niệm đẹp, khi bé được Cha mua “tặng búp bê” và hạnh phúc khi “Tôi lớn bằng nào bố mẹ vẫn dõi theo”. Nhớ Cha mẹ là nhớ về những nỗi niềm đau đáu của cha mẹ lúc sinh thời
 
Cha mẹ sinh con là phận nữ
 
Cha mẹ sinh con là phận nữ
Càng yêu thương càng lo rằng nó khổ
 
Trước khi dạy chữ đã răn biết nghĩa tình
Cổ học tinh hoa cùng những lời bình
Con ngấm khi chưa thuộc lòng chữ cái
 
Vì được thừa hưởng những lời răn dạy từ cha mẹ, từ cổ học tinh hoa nên Vũ Thanh Thủy biết sống ân tình. VỌNG là phần thứ 2 trong tập thơ đã thể hiện rõ điều đó. Phần 3 có tên ĐỜI, ở đó nhắc tới Anh, tới Chị, tới các mối quan hệ dọc, ngang và đau đáu phận mình
 
Đời đàn bà bước qua nắng quái
 
Vệt nắng xiên qua thẩm thấu vị cuộc người
Đời đàn bà như vừng dương xuống núi
 
Rùng mình mở chiếc tủ quá khứ
lục tìm chiếc áo ảo nhất mặc vào hiện tại
Quên mình ngắm lại bỗng vui.
 
   “Nắng quái” trong dân gian là ánh nắng chiều của những ngày mùa hạ, nắng rất gay gắt, khiến con người khi tiếp xúc cảm thấy khó chịu hơn cả nắng chính ngọ. Nắng quái giống nắng “xiên khoai” thường xiên ngang. Bởi vậy, tác giả liên tưởng khá sâu sắc qua câu thơ “Vệt nắng xiên qua thẩm thấu cuộc đời”. Đàn bà bước qua nắng quái là đàn bà không còn trẻ nữa, từng trải nghiệm đắng cay của cuộc đời. Tôi đặc biệt thích câu “Rùng mình mở chiếc tủ quá khứ”, cái rùng mình kia phản ánh chiều sâu nội tâm, có u ẩn, có hoài niệm, có tiếc nuối… Đơn giản nhất là nuối tiếc tuổi trẻ không thể lặp lại; tâm trạng hơn là nuối tiếc thời trẻ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ … Trong tủ quá khứ có cái áo ảo nhất, mặc vào để quên mình trong hiện tại, để vui… Bất giác tôi nhớ tới hình ảnh cô Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, khi muốn mặc áo đẹp là khi muốn đi chơi, đi chơi theo tiếng sáo của đêm tình mùa xuân réo rắt, gọi mời. Như thế có thể hiểu dẫu thân là của hiện tại thì tâm vẫn thuộc về quá khứ và tuổi trẻ là sức sống, là tình yêu… Cho hay, bài thơ này dùng khá nhiều hình ảnh ẩn dụ, và biện pháp tu từ đó đã phát huy tính năng tuyệt vời, khiến cho bạn đọc thấy bài thơ trở nên hấp dẫn hơn.
         Đó là một trong những nét cảm xúc tâm trạng rất thực, rất ĐỜI.
         ĐỜI còn lưu dấu ấn về nhiều bài thơ nói về những đặc sắc của quê hương Đất Tổ. Nơi đó có Truyện cười Văn Lang
 
TruyệnVăn Lang bay lan trên đồng ruộng
 
Những tiếng cười nở bung miền văn hóa
Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai
 
Truyện Văn Lang bay lan trên đồng ruộng
Mong ước lâu dần tích tụ hóa hài vui
Ai dừng chân Phú Thọ mà mua kho sảng khoái làng tôi.
 
Có lẽ cả nước đều từng đọc hoặc nghe khái niệm “Văn Lang cả làng nói phét”.       Nói phét ở đây chính là khả năng gây cười, sản phẩm của trí tuệ, là niềm tự hào của quê hương Phú Thọ nói chung và vùng đất Văn Lương- huyện Tam Nông (tên Văn Lang xưa) nói riêng. Khi viết
 
Những tiếng cười nở bung miền văn hóa
Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai
 
   Vũ Thanh Thủy hẳn mang theo niềm tự hào về nét đẹp văn hóa quê hương. Nơi ấy có câu chuyện “Củ sắn xuyên qua đường 24”, có câu chuyện trèo lên cây rau dền nhìn thấy Thủ đô Hà Nội, có câu chuyện người phụ nữ đi làm đồng về, rũ cạp váy ra là cả nhà được bữa canh cua thật đặc, thật ngon…Những câu chuyện ấy gắn với nền văn minh lúa nước, gắn với gốc rạ, bờ tre đậm chất quê mộc mạc, ân tình, mời gọi “Ai dừng chân Phú Thọ mà mua kho sảng khoái làng tôi để xả stress sau những ngày lao động vất vả. Mỗi bài thơ trong phần ĐỜI đều có vẻ đẹp riêng, làm nên giá trị cho cả tập thơ 1-2-3 Lối sen sương.
 
         Khép lại tập thơ là phần NÚI với 4 bài thơ Cái mình sống cạn lòng với núi, Từ đất nứt điều kỳ ảo, Chợ tan dong cái nhớ và Người thắp núi ấm lên. Mỗi bài thơ gọn gàng 6 câu thơ ăm ắp tình núi, cảnh núi. Trong đó, bám dai dẳng vào tiềm thức người đọc là “Chợ tan dong cái nhớ”
 
Chợ tan dong cái nhớ
 
Có một nàng Tây Bắc gùi năm tháng đắm say
Cất thương vào xa lắc, mất! cuống cuồng quắt quay
 
Khèn yêu da diết gọi xiêu núi rừng chiều nay
Nàng bâng lâng tình cũ quên lối về một ngày
Chợ tan dong cái nhớ vắt vẻo bước vào mây.
 
         Không nói chợ tan nỗi nhớ theo về mà nói “Chợ tan dong cái nhớ”, chắc hẳn tác giả am hiểu người dân Tây Bắc, đã từng khảo sát ngôn từ người miền núi nên cách thức đưa chất liệu hiện thực của cuộc đời vào thơ thật nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn. Thời điểm nhớ là lúc chợ tan. Vậy khi chợ chưa tan thì có gì hấp dẫn? Phải chăng đây là nỗi nhớ sau đêm “Chợ tình”?nthuong-tthuy
 
    Một số vùng đồng bào miền núi vẫn có chợ tình; Với Sa Pa chợ tình họp vào thứ 7 hàng tuần; Với  Mộc Châu- Sơn La chợ tình họp theo năm (Từ 28/8 đến mùng 2 tháng 9). Nhiều năm về trước, đến Chợ tình, trai gái được quyền tự do gặp lại người yêu cũ, được phép tâm tình qua đêm; hôm sau lại trở về với cuộc sống thường nhật. Nhiều người cho rằng chợ tình là nhân văn… Đến với Chợ tình, trai gái đã qua thì xuân sắc, bất kể tuổi tác, miễn là quá khứ họ có người yêu hoặc có chồng/vợ cũ, vì lý do nào đó mà không lấy được nhau. Hiện nay, Chợ tình không chỉ nơi hẹn hò của những người đã nên vợ nên chồng tìm về để gặp lại người yêu  mà còn là  nơi hẹn hò, nơi tìm vợ, tìm chồng của các chàng trai, cô gái trẻ. Bởi thế, đến với chợ tình là đến với nét đẹp văn hóa của Thành phố Sa Pa hay các cao nguyên lộng gió như Mộc Châu- Sơn La, Khâu Vai- Hà Giang…
Đến với chợ tình là đến với tình yêu cho nên người phụ nữ ngập tràn háo hức Có một nàng Tây Bắc gùi năm tháng đắm say/Cất thương vào xa lắc, mất! cuống cuồng quắt quay”; đi theo tiếng Khèn yêu da diết gọi xiêu núi rừng chiều nay… để rồi quên lối về một ngày, sống cho mình, sống bằng cảm xúc mê say để mai ngày trở về hiện tại, thêm yêu cuộc đời. Theo với Chợ tan dong cái nhớ, lây cảm xúc nhớ nhung, tôi dong theo mình nỗi nhớ, niềm yêu được diễn tả một cách da diết và đằm sâu qua thơ Vũ Thanh Thủy.
 
   Với phần 4 này, Vũ Thanh Thủy đã diễn tả một cách rất thơ, rất thực, rất đời những mối tình của NÚI! NÚI là hiện thực, NÚI là quá khứ, NÚI là tình yêu, NÚI là khát vọng, là nhân văn….
Tập thơ nho nhỏ, 45 bài thơ 1-2-3, mỗi bài mỗi vẻ nhưng cùng chung nét đẹp khi chúng là đứa con tinh thần của người phụ nữ chuyên chở cảm xúc nhân văn trong mạch nguồn cảm hứng!

Và, tôi đồng cảm với em- Nhà thơ Vũ Thanh Thủy.
 
                                                   Phú Thọ 4/7/2024
                                                             Đ.N.T
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 40
Trong ngày: 128
Trong tuần: 769
Lượt truy cập: 415124
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.