Vũ Thảo Ngọc
LÊ LIÊN VÀ CHUYỆN ĐỜI MẸ
Với tôi khi nhận được cuốn truyện ký Chuyện đời mẹ của nữ tác giả Lê Liên gửi tặng là điều rất đặc biệt, mừng vì đội ngũ văn xuôi tỉnh Quảng Ninh được bổ sung thêm một cây bút nữ viết văn xuôi.
Tập truyện ký Chuyện đời mẹ do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý 2 năm 2024, tác giả hiện là hội viên Hội VHNT thành phố Cẩm Phả. Tôi biết Lê Liên làm thơ, chị không dám dấn thân với văn chương nhiều vì sự níu giữ cuộc sống với bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền… Và giữa mùa hè năm 2024 chị …bỗng nhiên xuất hiện với tập sách dầy dặn khiến tôi và bạn bè hoạt động văn học với chị đều hết sức bất ngờ.
Những trang viết đầu tiên của cuốn Chuyện đời mẹ đã cho độc giả cùng trào dâng một niềm xúc động vô bờ bến của người con gái viết lại câu chuyện của mẹ mình. Chị đã ghi chép và tái hiện thành công những khoảnh khắc chiến tranh thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở nơi quê hương chị, là xã Chi Lăng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương
Với tư duy sắc bén, với lao động chữ nghĩa nghiêm túc, tác giả Lê Liên đã khắc họa những câu chuyện đầy bi hùng của nữ du kích Vũ Thị Đảo- nhân vật chính-cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường với giặc Pháp thời kỳ đó. Cuốn sách có độ dài về thời gian và không gian, có độ dày về tư liệu rất giá trị. Chị đã góp phần làm sáng thêm tinh tinh thần yêu nước của thế hệ cha anh đầu thế kỷ 20 trong sự kìm kẹp của giặc ngoại xâm. Là một biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những con người bình dị mang trong mình trái tim yêu nước, mang tinh thần quả cảm trước họng súng của kẻ thù.
Nhân vật chính là mẹ chị đã kể cho con gái về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tác giả đã ghi chép lại và bằng lao động chữ nghĩa chị đã làm sáng lên những chiến công của mẹ và đồng đội của mẹ ngày đó. Qua ngòi bút của nữ tác giả Lê Liên, chị đã tái hiện được khoảnh khắc lịch sử đất nước đặc biệt ngày đó. Là những làng quê bị giặc Pháp chiếm đóng, là giặc Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, là nạn đói năm 1945, là những người du kích làng vùng lên phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân làng…
Với mạch văn hoạt, nhiều chi tiết đắt, lối viết nhẹ nhàng, tiết tấu nhanh hấp dẫn, câu chuyện đã lôi cuốn người đọc, như tôi đã đọc liền mạch hơn 200 trang sách. Nhiều trang viết của chị khiến tôi rơi lệ khi kể về sự hy sinh của những người du kích ở làng, về chi tiết quân Pháp bắt những người Việt Minh chôn xuống hố và đưa trâu ra để trâu kéo bừa qua những “tội hình” đó. Trâu vùng khỏi sự áp đặt dã man của những tên giặc khát máu thì những tên giặc khát máu đã trực tiếp đứa cầm bừa, đứa kéo bừa làm việc đó. Hình ảnh những mũi nhọn của lưỡi bừa chà lên những người Việt Minh quả cảm dưới hố kia là tội ác kinh hoàng gây một nỗi ám ảnh vô cùng cho độc giả. Họ bị những lưỡi bừa tra tấn lên thân thể mình vẫn hô vang Việt Nam độc lập muôn năm…
Những trang viết tái hiện một khoảnh khắc lịch sử đau thương vô hạn khi dân tộc còn bị áp bức của ngoại xâm là nỗi đau, nỗi căm thù giặc sâu sắc. Tác giả đã tái hiện lại để thế hệ sau không bao giờ được quên sự hy sinh vô giá của thế hệ cha ông đã phải hy sinh vì nền độc lập dân tộc trong nỗi đau tận cùng như thế…
Với nội dung cuốn sách được tác giả chia thành 19 phần rất mạch lạc, mỗi phần là một câu chuyện của mẹ, của gia đình, của đồng đội rất có lý. Các chi tiết liên quan đến nhân vật nữ du kích Vũ Thị Đảo được tác giả tái hiện lại khá sinh động, cuốn hút. Là tác giả ghi theo lời kể của mẹ, không có ý định dựng câu chuyện về nhân vật mẹ thành tiểu thuyết văn học. Nhưng quả thực, đọc những trang viết trong Chuyện đời mẹ xuyên suốt trong hơn 200 trang sách rất mạch lạc thực sự chinh phục người đọc. Tôi chợt nghĩ chị đã có tâm thế của người viết tiểu thuyết.
Mặc dù tác giả cứ sợ người ta chưa hiểu mình, muốn chứng minh là câu chuyện có thật, chị đã đưa vài phân đoạn không cần thiết. Tôi thấy tác giả đã tự làm…yếu đi mạch truyện với vốn tư liệu vô cùng dầy dặn quý giá kia. Nếu, tôi nghĩ, nếu chị đặt tâm thế là người sáng tạo văn học, hẳn nhiên từ kho tư liệu giá trị này chị hoàn toàn có thể dựng được cuốn tiểu thuyết giá trị về thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ câu chuyện của mẹ kẻ.
Câu chuyện về Nữ du kích Vũ Thị Đảo khôn khéo, mưu mẹo, quả cảm cùng đồng đội là du kích xã Chi Lăng, cùng các lực lượng bộ đội chủ lực của ta ngày đó đã góp phần giành thắng lợi trọn vẹn ở nhiều nhiệm vụ. Là khi tải thương binh đi khu 4 sau khi đánh bốt Chày, phối hợp cùng đồng đội “nội gián” cướp bốt Nhật Lệ không tốn một viên đạn. Là những người du kích ngã xuống ở đường làng vì đạn thù, như hình ảnh nữ du kích tên Băng hy sinh ở chân đống Mặt Nguyệt - một hình ảnh đầy bi hùng mà nhà văn khó sáng tạo! Là người dân vô tội bị đạn giặc cướp đi giữa cánh đồng khi chạy giặc càn vào làng. Là những trận chống càn nữ du kích cùng đồng đội vừa khóc vừa tiễn đồng đội hy sinh, vừa băng bó vết thương cho người bị thương. Là khi đối mặt với kẻ thù trong lần chuyển tài liệu từ xã lên huyện, với chi tiết đầy mưu mẹo là bện tài liệu vào lá chuối cùng đôi quang gánh với đôi chân phồng rộp đi bộ qua mấy chục kilomet và qua nhiều trạm gác kiểm soát gắt gao của kẻ thù trở về an toàn… Các câu chuyện xung quanh người mẹ - nhân vật Vũ Thị Đảo cùng nhiều đồng đội của bà, có một cuộc chiến đấu anh dũng, mưu mẹo và quả cảm và đầy tự hào.
Theo mạch kể của nữ tác giả Lê Liên đã thông qua lời kể của mẹ để tái hiện câu chuyện làng quê Bắc bộ trong những ngày còn bị kìm kẹp của thực dân Pháp, là các du kích làng gồm những người nông dân chân lấm tay bùn đã trở thành những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Là những ngôi sao không tên trong muôn vàn vì sao sáng của một dân tộc luôn khát mong độc lập dân tộc, hòa bình và tự do. Họ, những người du kích bình dị ở làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ ấy vẫn vượt qua mọi sự đói khổ, chấp nhận hy sinh bản thân vì mục tiêu dất nước thoát khỏi gót giầy xâm lăng của kẻ thù…
Nếu là người viết chuyên nghiệp, là người có tư duy từ câu chuyện của mẹ, với nguồn tư liệu mà chị Lê Liên có được, chắc chắn sẽ trở thành một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và có giá trị mà những dòng ngắn ngủi ở cuốn lịch sử quê hương chắc không thể ghi được hết về những thân phân người dân Việt Nam nói chung thời kỳ đó. Dù biết, nữ tác giả muốn thể hiện mình là sợi dây kết nối toàn bộ câu chuyện đầy bi hùng của một thời cha mẹ chị - thế hệ những con người mang danh là du kích đánh Pháp đầy quả cảm ở làng quê giữa đồng bằng Bắc bộ. Là những tập tục của cư dân đồng bằng Bắc bộ, là hình ảnh những người nông dân chân lấm tay bùn, không được học hành vẫn luôn nhen lên ngọn lửa cách mạng rất mạnh mẽ nơi làng quê… Nhưng khi đặt mình vào vai của người sáng tạo văn học thì nhất định không được lệ thuộc vào những yếu tố cá nhân khiến cuốn sách về phần cuối bị đuối đi so với phần đầu chị đã dày công tái hiện.
Nhưng, tôi nghĩ, cuốn truyện ký “Chuyện đời mẹ” của nữ tác giả Lê Liên là một ghi nhật lao động chữ nghĩa nghiêm túc, chị xuất hiện lần đầu và đã khiến nhiều bạn văn đều tỏ bày sự khâm phục, vì văn xuôi luôn là thể loại thách thức với người viết.
Nhưng có lẽ vì ý nghĩ mà tôi vừa trình bày, nên nữ tác giả Lê Liên đã bỏ qua một cơ hội hiếm hoi của mình với tư cách là nhà văn - thiên chức của nhà văn mới làm bật hơn lên cái tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì đất nước của thế hệ cha anh khi bị ngoại xâm giầy xéo trên quê hương mình. Mới làm bật lên bản hùng ca của dân tộc từ những người du kích làng bình dị ấy, như nhân vật là mẹ chị bà Vũ Thị Đảo.
Vì thế, tôi đọc xong cuốn sách với một nỗi tiếc nuối cho chị, chị đã bỏ qua một cơ hội rất ý nghĩa đó để chuyển câu chuyện đội nữ du kích xã Chi Lăng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương trong kháng chiến chống Pháp thành một cuốn tiểu thuyết dầy dặn. Là những trang viết có giá trị về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, cái thời mà chỉ đòn gánh của người nông dân Việt Nam dám đọ với xe tăng, súng ống tối tân của thực dân Pháp...
Vì với tinh thần ghi chép lại câu chuyên cuộc đời của cha mẹ mình, nên đoạn cuối cuốn sách nữ tác giả đưa những câu chuyện hiện tại như phường sở tại của mẹ Vũ Thị Đảo không cập nhật bà là Người có công với cách mạng để làm chế độ. Những câu chuyện cuộc đời đưa cha mẹ về quê an táng… những mẩu vụn này giá như chị biết xử lý tư liệu và đặt đúng vị trí mới hay.
Và những lỗi nhỏ ấy đã làm giảm giá trị ít nhiều cuốn truyện ký “Chuyện đời mẹ” của nữ tác giả Lê Liên
Với tư cách là bạn viết, là người sáng tác văn xuôi tôi thật sự khâm phục sức lao động của chị. Chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, vừa ghi chép lại lời mẹ già kể lại, chị đã hoàn thiện một cuốn sách để đời. Tôi nghĩ, chị sẽ khó có cuốn thứ hai.
Nhưng tôi vẫn tin, với niềm đam mê văn học như nữ tác giả Lê Liên, dù xuất hiện muộn, nhưng chị vẫn lao động sáng tạo văn học một cách nghiêm túc thì sẽ có thành công tiếp theo.
Hạ Long, 17/5/2024
V.T.N
Người gửi / điện thoại