Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (Chương I)

Nguyễn Đạo Vinh
n.daovinh

CHƯƠNG I 

Vào tháng Ba âm lịch, đứng trên bờ đê sông Cái nhìn xuống phía nam, một dải đất xanh mờ hiện ra trước mắt. Nổi bật trên nền xanh mờ ấy, là những chùm hoa gạo đỏ ối của cây gạo cổ thụ, cao khoảng trên ba mươi thước tây.
Nơi ấy chính là làng Cò Quay. Người xưa kể lại, thời trước làng nhiều cò lắm, nhiều đến mức đi đường chỉ cần quờ tay một cái, là đã tóm được vài con. Chiều chiều sau một ngày đi kiếm ăn, chúng kéo nhau về tổ ở các lũy tre quanh làng. Cây tre nào cũng bị đổ ngang, không đứng thẳng lên được. Chúng tranh nhau chỗ đậu, chỗ làm tổ, nhảy lên, dùng cánh dùng mỏ đánh nhau kêu quoặc, quoặc.
Một số người dân ở làng, lợi dụng vào nguồn sản vật tự nhiên dồi dào ấy, hàng tối họ đi bắt cò về làm thịt, rồi đưa lên dàn than hồng nướng. Hôm sau đem ra chợ bán, lâu dần cái tên chợ Cò Quay, rồi làng Cò Quay, được coi là tên gọi chính thức của làng.
        Làng Cò Quay có con sông Đào chảy qua, đưa nước phù sa từ sông Cái về, tưới cho đồng ruộng, bởi vậy quanh năm cây trái tốt tươi. Những trái bưởi tròn xoe, vàng ươm lủng lẳng treo trên cành. Vào tháng Mười một, tháng Mười hai âm lịch nó tỏa ra vị hương thơm dìu dịu, một vị hương đặc trưng cho cả vùng xứ Đoài. Những quả cam chín đỏ hằn rõ múi ra ngoài, ăn vào ngọt mát. Loại cam này được dùng để dâng lên Vua, cho nên dân làng gọi là cam tiến Vua hoặc cam đường, cam giấy. Những vườn hồng xiêm rộng vài ba mẫu, quả to bằng nắm đấm người lớn. Khi quả già bứt xuống, cọ rửa từng quả, đem ra hong gió cho ráo nước, rồi cho vào chum hoặc vại giấm. Loại hồng này cũng là một đặc sản quý của làng. Bên cạnh các vườn bưởi, cam, hồng xiêm là những trại nhãn, trại vải rộng tới vài chục mẫu. Hàng năm cho ra thị trường vài ba chục tấn long nhãn, nhãn quà.
Nghề sản xuất chính của dân làng là trồng hoa huệ. Một thứ hoa trắng tinh khiết hương thơm rất lâu. Các diện tích còn lại trồng lúa, ngô, khoai, rau, đậu đỗ…
Phía Nam Làng Cò Quay, có con đường quốc lộ. Hàng ngày những gánh rau, hoa quả nườm nượp theo nhau ra chợ huyện, chợ tỉnh. Họ rủ nhau đi từ lúc gà gáy. Trên vai người nào người nấy, những chiếc đòn gánh cong tớn bởi hai sọt hàng nặng trĩu. Chính vì vậy làng Cò Quay trở thành một làng trù phú, giàu có nhất nhì trong vùng.              
Khi những chùm hoa, nở rộ, đỏ rực, trên cây gạo cổ thụ đầu đình, cũng là lúc dân làng mở hội. Sáu đội thuyền của sáu phe giáp thi nhau luyện tập cả tháng, để chuẩn bị thi đấu. Dân quanh vùng lũ lượt kéo nhau đến xem. Ngoài đua thuyền còn có đấu vật, cờ người, những đêm hát ả đào, diễn chèo cổ, sân đình chật cứng người xem.
         Làng mở hội đúng vào lúc nông nhàn, vì thế nhà nào cũng làm bánh chưng, bánh dày, bánh gai, mổ lợn, gà, nhiều nhà rủ nhau mổ trâu, bò. Tiếng  giã giò thùm thụp suốt ngày. Họ chuẩn bị lương thực, thực phẩm ăn trong ba đến năm ngày, vì vậy làng sinh ra lệ cấm lửa. Trong ba ngày lễ chính, nhà nào nổi lửa là bị làng phạt vạ.
 Người dân làng Cò Quay, những tưởng sẽ mãi mãi được sống trong cảnh hạnh phúc thanh bình. Nhưng than ôi! Bỗng một chiều kia, giặc Pháp đưa quân sang xâm lược. Giặc Nhật nhảy vào hất cẳng người Pháp. Mặt trận Việt Minh do Cụ Hồ lãnh đạo, hô hào nhân dân vùng lên đấu tranh, giành chính quyền bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Pháp quay trở lại, chiến tranh nổ ra, và được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên lừng lẫy năm châu. Biết bao người con làng Cò ra đi mà không trở về. Họ đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.
Hòa bình được trở lại ở Miền Bắc.
Cuối năm 1959, làng Cò Quay vận động nhân dân vào hợp tác xã, làm ăn tập thể, nhằm xóa bỏ những tư duy bảo thủ, lạc hậu phong kiến lỗi thời, xây dựng nên một xã hội mới. đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội...
Lúc đầu chỉ có mấy gia đình cố nông tự nguyện xin vào, bởi họ cho mình là lực lượng tiên phong, phải gương mẫu đi đầu. Nhưng lý do cơ bản là từ xưa đến nay, họ không biết tính toán, lo liệu, sống tạm bợ, còn phần lớn, dân chưa muốn vào, vì họ chưa tin vào lề lối làm ăn này. Và quan trọng hơn tất cả là họ còn đắn đo suy tính, bởi những miếng ruộng, mảnh vườn, những con trâu, con bò là tài sản quí giá nhất, là máu, là thịt của họ. Nó đã nuôi sống bao thế hệ gia đình họ, nó làm cho họ sung túc giàu có. Vậy thì dễ gì họ lại bỏ ra cho người khác quản lý, hưởng lợi. Do vậy các ông bà cốt cán, phải đi vận động từng nhà. Đến cuối năm 1960, mới có già nửa số hộ xin vào. Sau cùng họ đưa ra biện pháp, ai không vào, sẽ không được cấp sổ mua hàng. Một số hộ đành phải viết đơn xin vào, nhưng vẫn còn nhiều hộ đứng ngoài. Cán bộ địa phương, coi các hộ đó là những phần tử chậm tiến, họ dùng mọi hình thức ép buộc. Gia đình nào có con đi học luôn bị các thầy cô nhắc nhở, các bạn kì thị không chơi. Những anh chị ngấp nghé ngưỡng thanh niên, không được tham gia sinh hoạt Đoàn. Họ cảm thấy tủi thân xấu hổ, về nhà họ đay nghiến, chì chiết cha mẹ, làm cho các ông bố bà mẹ điên đầu, buộc phải viết đơn xin vào. Hộ nào cố tình không vào, họ thu ruộng, rồi giao cho chỗ khác, vừa xa lại vừa xấu với lý do, không thể để ruộng tư, lẫn ruộng công được, các hộ này cuối cùng cũng phải xin vào nốt.
Ban đầu xã viên đi làm có trống giong cờ mở, không khí thật sôi động. Các em học sinh cấp một, cấp hai, cũng góp phần rất lớn, vào công cuộc vận động.
 Hôm nay là thứ năm, thầy giáo Nam hiệu trưởng trường cấp một xã Đoài đến nhà Thăng, Chi đội trưởng đội Thiếu niên tiền phong, làm chiếc loa, để chuẩn bị cho ngày đi vận động. Chiếc loa hai thầy trò làm, có đường kính hai mươi phân cứ thon dần, thon dần, về cưối chỉ to bằng miệng chén uống nước và được gắn một bìa giấy cong ngược trở lại, để hứng âm thanh phát ra.
Thầy mượn được chiếc loa sắt, làm cốt bên trong, quần các tờ báo đã được Thăng phết bún. Hai thầy trò cắm cúi làm trong một tiếng, chiếc loa đã xong, thầy đưa lên miệng:
  • A lô, a lô, a lô. “Cầm vàng còn sợ vàng rơi, vào hợp tác xã đời đời ấm no” . Giọng ồm, ồm giở ngâm giở tuồng của thầy phát ra, nghe đến tức cười.
* * *
        Thăng cầm chiếc loa đứng đầu hàng, một bạn đi cạnh cầm lá cờ đỏ sao vàng, tiếp theo là các bạn đeo trống cái, trống con. Hơn trăm học sinh được xếp thành ba hàng, theo sau là các anh chị phụ trách, dân quân, du kích, các nhân vật cốt cán ở địa phương. Thăng đưa loa lên mồm dõng dạc hô:
  • Nổi trống...
Tùng! Tùng! Tùng... Tà rà tùng... Tà rà tùng... Đoàn người diễu hành theo nhịp trống. Còn cách cổng nhà bà Lâm khoảng hai chục thước Thăng chõ loa hô:
  • Nhà bà Lâm đã vào hợp tác xã chưa?
Tất cả đều đồng thanh :
  • Chưa ạ!
Thăng hô tiếp:
  • Mời bà Lâm tối về viết đơn xin vào hợp tác xã nhé.
Mọi người lại đồng thanh hô theo.
Đoàn người rồng rắn quanh làng, đến nhà nào chưa vào hợp tác xã lại đồng thanh hô to :
  • Xin mời bà Xoan, bà Bưởi, bà Bòng, bà Cam, bà Quýt… viết đơn xin vào hợp tác xã ngay nhé! Rồi họ lại cùng nhau ngân nga: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi, vào hợp tác xã đời đời ấm no”. Những dòng chữ ấy viết bằng vôi trắng ở các bờ tường, vách nhà, đi đến đâu cũng dễ dàng nhìn thấy.   
Trong những năm Thăng đang học cấp ba, cũng là lúc giặc Mỹ leo thang đánh  phá miền Bắc ác liệt nhất. Anh cùng các bạn, viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội, ba, bốn lần mà cấp trên vẫn không chấp thuận, vì đơn giản, anh là con trai độc nhất, của một cán bộ trung cấp trong quân đội. Mẹ anh lại bị trật đốt sống, do lao động quá sức.
Thăng thi đỗ tốt nghiệp cấp ba, với số điểm đạt loại ưu. Trên cho anh đi học nước ngoài, song anh nhất quyết không đi. Nguyện vọng của Thăng, một là được cầm súng chiến đấu, hai là ở lại xây dựng quê hương.
Sau nhiều lần suy tính, trên xếp cho anh đi học Đại học nông nghiệp, để đào tạo lớp cán bộ nguồn cho mai sau, và được ở gần để chăm sóc mẹ già.
Suốt quá trình học tập, anh đạt thành tích xuất sắc trong tất cả các bộ môn. Nhà trường muốn giữ lại, để bổ sung cho đội ngũ giáo viên còn thiếu. Thăng một mực xin về, đem kiến thức đã học để phục vụ nhân dân, làm giàu cho quê hương.
Thăng ra trường vào đúng lúc hợp tác xã nông nghiệp thôn Cò Quay mở đại hội xã viên, bầu ban quản trị mới. Anh xung phong ứng cử, rồi trúng cử với số phiếu cao, được phân công làm phó chủ nhiệm phụ trách kế hoạch.
 
 Thăng xắn quần lội xuống ruộng, vơ nắm bèo bóp mạnh. Cách chỗ anh đứng độ mươi bước chân, một cô gái đang tát nước nhìn thấy, liền chạy lên quát:
  • Anh xuống ruộng của người ta để làm gì, định phá hoại à?
Đến gần, nhận ra anh phó chủ nhiệm mới, cô ngập ngừng một lát rồi nói:
  • .. em xin lỗi, anh ra thăm đồng ạ!
        Thăng cười rồi nói:
        -  Em là Cúc, tổ trưởng tổ sản xuất bèo dâu phải không? Anh xuống kiểm tra bèo, anh đâu dám làm gì.
         Sau đó anh ân cần chỉ bảo cho Cúc, cách kiểm tra sâu hại bèo, hướng dẫn cho Cúc các biện pháp phòng trừ. Do vậy năm ấy, tổ sản xuất bèo dâu của Cúc làm vượt chỉ tiêu số lượng trên giao. Cúc được phong là kiện tướng bèo dâu, được kết nạp vào Đoàn. Hôm làm lễ kết nạp, đọc lời tuyên thệ xong, Thăng được mời lên, gắn huy hiệu đoàn cho Cúc, tay anh run run, luống cuống. Cúc thấy vậy, liền đưa tay lên để gắn. Chạm phải tay Thăng, một luồng điện râm ran chạy khắp người, lòng dạ cô xốn xang, trống ngực đập thình thịch. Và cũng chính từ hôm đó, lúc nào cô cũng mơ màng nghĩ đến Thăng.
         Cũng từ hôm đó, Thăng cứ bồn chồn rạo rực, luôn tìm cớ để gặp Cúc. Rồi một hôm, anh mạnh dạn lấy tư cách Phó chủ nhiệm hợp tác xã, đến hỏi lượng phân xanh, bèo dâu do phân đoàn Cúc đăng ký. Thăng vào nhà vừa lúc gia đình đã ăn cơm xong, anh cất lời chào:
  • Cháu chào cả nhà ạ!
Cúc nghe thấy thế cười ngặt ngẽo. Bà Hoàn nguýt Cúc rồi mắng:
  • Vô duyên! Bà nháy chồng lui sang hàng xóm, cậu em cũng ngồi vào học bài.
 Thăng đỏ mặt tía tai chả biết nói năng gì, mãi sau anh mới ấp úng:
  • .. anh... đến ... đến hỏi xem, phân đoàn mình sản xuất được bao nhiêu tấn phân xanh, để còn định liệu giao cho các đội.
  • Phân đoàn mình, phân đoàn minh. Chưa chi đã vơ vào...
 Mặt Thăng lúc này lại càng đỏ, Cúc thấy vậy thôi không trêu anh nữa, cô chủ động nắm tay anh:
  • Ta ra ngoài này cho thoáng. Cúc kéo Thăng ra hè, hai người toàn nói chuyện đâu đâu. Tiếng kẻng ở trụ sở thôn kêu vang, báo hiệu cho mọi người phải về nhà, để anh em dân quân đi tuần tra ban đêm.
  • Mấy bố già hoa mắt, gõ kẻng sớm thế?
  • Đúng đấy Cúc ạ, cũng đã muộn rồi anh phải về.
Vừa nói Thăng vừa đứng lên. Nghe Thăng nói vậy, Cúc nắm chặt tay anh. Rồi bỗng nhiên, hai người như hai cục nam châm hút chặt lấy nhau. Khi bố mẹ Cúc về nhìn thấy liền đánh động, lúc ấy cả hai mới vội vàng rời nhau. Thăng xấu hổ cúi mặt, mồm lí nhí chào ông bà Hoàn rồi đi luôn.
Hôm nay là cuối Thu, trời se se lạnh, ông trăng bắt đầu ló lên, những hạt sương li ti đọng trên các cành lá lấp lánh trông như hàng ngàn, hàng vạn con đom đóm nhỏ đậu vào. Thăng bước trên đường mà lòng vui khó tả. Thế rồi ngày nào anh cũng tìm ra đủ mọi lí do để qua nhà Cúc chơi.
Thăng và Cúc yêu nhau thấm thoắt đã được một năm. Hôm nay là tiết lập Đông, buổi sáng đi ra thăm đồng sương dính ướt hai ống quần. Về đến trụ sở, anh định bụng sẽ triệu tập các đội trưởng đội phó lên, để bàn kế hoạch thu lúa vụ mùa Vào đến nơi anh thấy, ông Hoan bí thư đảng ủy xã, ông Cầu chủ tịch ủy ban hành chính xã, và mấy cán bộ chính sách, cùng ông huyện đội trưởng, vẻ mặt ai cũng đượm buồn. Chờ Thăng vào phòng, ông Hoan bí thư đảng bộ xã đứng lên nói:
  • Tôi ngỡ đồng chí còn ở nhà, định cho cậu Sáng đến mời. Giờ đồng chí đã có mặt ở đây, chúng tôi xin thông báo luôn. Cụ nhà đã hi sinh tại chiến trường miền Tây Nam Bộ. Đồng thời hỏi ý kiến đồng chí, có nên tổ chức lễ truy điệu cụ ngay hay để sau, vì chúng tôi sợ, cụ bà được tin này, sinh ra ốm lại vất vả cho đồng chí.
Nghe ông bí thư  nói, Thăng chết lặng hồi lâu, mãi sau anh mới cất được lên lời:
  • Thưa các đồng chí! Thật là đột ngột cho tôi khi nghe được tin này. Nhưng trước khi vào chiến trường bố tôi có dặn. “ Giả sử bố vào trong đó, nếu có hy sinh. Con chớ có yếu đuối mềm lòng, gắng phấn đấu học tập, chăm sóc cho mẹ thật tốt”... - Ngừng một lúc, Thăng nói tiếp - Mẹ tôi đã từng chịu đựng ngần ấy năm, mòn mỏi trông chờ. Không có lẽ chúng ta cứ phải giấu giếm một sự thật, giấu mãi được sao? Xin các đồng chí cứ cho làm lễ truy điệu. Nếu có mệnh hệ gì, tôi xin chịu trách nhiệm.
 Nghe đến đây ông Cầu nói:
  • Các đồng chí ạ! Đồng chí Thăng đã nói vậy, tôi đề nghị, đúng hai giờ chiều nay mời tất cả các ban nghành đoàn thể, đến nhà đồng chí Thăng để làm lễ truy điệu .
Ông trao bức ảnh bố Thăng, kèm theo tút thuốc, vài gói chè. Thăng giơ hai tay đón, nước mắt rơi lã chã.
Trời hôm nay thật ảm đạm, mây đen cứ vần vũ trên đỉnh đầu, thỉnh thoảng lại phóng ra những tia chớp xanh, báo hiệu cơn giông lớn sẽ ập tới.
Cúc được ai loan tin cũng hớt hải chạy về. Gặp Thăng ôm bức ảnh bố, nước mắt giàn giụa, đang lững thững bước đi. Cô lẽo đẽo theo sau.
Bà Tường ngóng lên trời, nhìn những đám mây đen đuổi nhau, bà lẩm bẩm:
  • Sắp có mưa to gió lớn rồi đây. Bà định đi vào nhà, chợt thấy bóng con ôm theo bức ảnh của chồng, bà sững người hoảng hốt thốt lên - Con mang bố con về đấy ư?
 Rồi bà ngã vật xuống đất. Cúc thấy vậy lao đến, bế thốc bà vào nhà. Ngoài trời một tiếng sét khô khốc vang lên, những cột nước ào, ào đổ xuống, căn nhà nhỏ chao đảo trong những cơn gió giật.
Cúc giật tóc mai, luôn mồm gọi, lúc sau tỉnh lại bà bảo:
  • Cháu ra với Thăng đi, nó cần được an ủi, cứ kệ bác. Nói được vài câu bà lại ngất. Vừa may lúc đó, ông Sơn em trai bà được tin cũng bổ lên, ngồi động viên an ủi chị.
        Thăng ngồi khư khư ôm bức ảnh bố. Ngoài trời mưa vẫn như trút, nước đã ngấp nghé mép hè, những chỗ rạ nát trên mái ngấm nước, chảy tong tóc xuống nền nhà. Cúc chạy đi, chạy lại tìm các dụng cụ để hứng.
Trận cuồng phong đến nhanh và tan đi cũng nhanh. Trời đã ngớt mưa, gió đã ngừng thổi, lúc sau các đám mây kéo nhau đi hết, để lại một khoảng trời trong veo, xanh ngắt.
Cúc chạy về nhà lấy mấy quả trứng gà, bứt nắm tía tô đem sang. Tới nơi đã thấy các ông bà hàng xóm ngồi chật kín. Cúc đi thẳng vào bếp.
  • Tao bắt quả tang nhé! - Xoan, bạn thân của Cúc vừa nói vừa đi vào, mở bị ra xem - A lại còn trứng gà nữa, để xem lần này mày còn cãi tao nữa không ?
  • Bố anh Thăng hy sinh. Chiều làm lễ truy điệu phải nấu bát cơm, quả trứng để thắp hương cho cụ chứ.
Nghe Cúc nói vậy, Xoan không trêu bạn nữa, Cúc nói nhỏ:
  • Trên nhà đông người, mình sợ lắm. Xoan lên lấy hộ mình vài cái xoong, ít gạo nấu bát cơm cúng, và bát cháo cho mẹ anh Thăng.
Xoan gật đầu đi lên nhà. Cúc thò tay vào trái trấu, lấy rạ ra đun, sờ vào góc nào, rạ cũng ướt nhen nhét, Cúc bào với Xoan:
  • Cậu ở đây, tớ phải về đem ít rạ sang. Ra đến cổng Cúc gặp các bạn đoàn viên trong chi đoàn đang đi vào. Hai bạn đi trước khênh theo một bó củi to. Cúc sững người. Hà phân đoàn trưởng phân đoàn ba lên tiếng :
  • Bọn em được tin, chiều nay làm lễ truy điệu cụ Tường, bảo nhau gom góp ít củi mang sang để đun nước.
Cúc rơm rớm nước mắt nói:
  • Mình cũng định trưa đi báo các cậu, hai giờ có mặt ở đây để cùng nhân dân trong thôn làm lễ truy điệu, giờ các bạn đã đến, mình đề nghị tất cả chúng ta vào dọn dẹp, xếp sắp lại các vật dụng cho gọn, đồng thời an ủi động viên gia đình.
Các bạn nghe Cúc nói, mỗi người tản đi một nơi để thu dọn. Chỉ trong phút chốc, trong nhà ngoài sân, đã ngăn nắp, sạch sẽ. Ông Sơn nhìn lũ trẻ chạy đi, chạy lại giúp đỡ, ông cảm động quá nghẹn ngào lúc lâu, mãi sau ông mới cất được lên lời:
        - Bác thay mặt gia đình, cám ơn các cháu nhé!
 Cúc ngó nghiêng hết chỗ nọ đến chỗ kia tìm mảnh giẻ để lau dọn bàn thờ. Bàn thờ nhà bà Tường có đoạn tre dài được đóng chặt vào hai cột con gần bức vách hậu, bên trên dùng những nan tre làm sàn. Lau dọn sạch sẽ, bàn thờ, bát hương xong Cúc bảo Thăng :
  • Anh đưa ảnh bố để em đặt lên.
Thăng chẳng nói chẳng rằng đưa ảnh cho cô, Cúc lau đi, lau lại xung quanh mặt kính rồi dâng lên. Các bạn trong chi đoàn đến giúp, mọi việc đã xong họ lục tục kéo nhau ra về. Cúc quay ra dặn với:
  • Cố đến đúng giờ nhé!
Tất cả đồng thanh:
  • Thưa bí thư, bọn em sẽ đến sớm trước nửa tiếng.
Cúc nghe bạn nói vậy cảm thấy thèn thẹn. Cúc và Xoan đều vừa được chi đoàn bầu vào Ban chấp hành, Cúc được chỉ định là bí thư, Xoan làm phó bí thư.
Trận cuồng phong ban sáng, đã làm bung tấm liếp che chuồng lợn. Trong chuồng, hai chú lợn choai thấy người đến, nghển cổ lên đòi ăn, kêu ịt ịt. Xoan và Cúc mỗi người một đầu, dâng tấm liếp lấy lạt buộc chặt sau đó Xoan bảo Cúc:
  • Nồi cháo đã nhừ, cậu múc lên cho bác và anh Thăng ăn, tớ về kiếm lọ hoa.
Vừa nói Xoan vừa đi ra ngoài.
Cúc múc hai bát cháo bê lên. Mùi gạo nếp, tía tô, hành quện vào nhau, bốc lên thơm phức. Cúc đưa ông Sơn, nhờ ông bón giúp cho bà Tường, bê nốt bát còn lại ra cho Thăng:
  • Anh ăn đi! Thăng lắc đầu quầy quậy. Bên kia giường tiếng ông Sơn vọng sang:
  • Chị ơi, chị dậy ăn cháo, con cháu Cúc nó nấu cho chị đây.
Bà khẽ ngoái đầu lại nói:
  • Cậu cứ để đấy, tý nữa chị ăn!
  • Không được đâu, cháo trứng gà đấy, để nguội ăn tanh lắm. - Quay sang phía Thăng, ông nói - Con ăn đi, đừng gieo thêm nỗi buồn cho người khác nữa, làm như vậy là có tội đấy con ạ!
Thăng vẫn ngồi im nhìn vào bát cháo, Cúc nói mãi Thăng vẫn không chịu ăn, cô vừa khóc, vừa nói:
  • Anh có muốn em ở đây với mẹ và anh không? Hay anh muốn đuổi em đi.
Nghe đến đây Thăng miễn cưỡng bê bát cháo, lấy thìa xúc từng miếng nhỏ cho vào mồm, cổ họng đắng ngắt, đơ đơ không muốn nuốt. Cúc ngồi bên cạnh dịu dàng, an ủi. Thăng ăn được già nửa bát rồi bỏ xuống. Cúc cố nài, Thăng vẫn không chịu ăn thêm .
Ông Sơn  thấy Cúc từ sáng tới giờ, cứ chạy đi, chạy lại như con thoi để lo việc cho mẹ con Thăng, ông cảm động lắm và thầm ao ước, có được đứa cháu dâu như Cúc đây thì phúc cho chị mình quá!
Cúc đang rửa nắm lá vối ngoài sân giếng thì Xoan đi vào. Vừa đưa lọ hoa cho Cúc, Xoan vừa bảo:
  • Cậu đặt lọ hoa này lên bàn thờ, rồi về ăn cơm kẻo đói. Đón lọ hoa trên tay bạn, Cúc đi vào hai tay cung kính dâng lên.
          Đúng hai giờ chiều, ngoài sân, trong nhà bà Tường chật cứng người. Ông Hoan bí thư đảng ủy xã, đọc tóm tắt tiểu sử và công trạng của đồng chí Cao xuân Tường, sau đó ông huyện đội trưởng lên trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, ông Vương Chí Thông thay mặt lãnh đạo xã phát biểu:
  • Noi gương đức hy sinh quên mình vì dân, vì nước của đồng chí Cao Xuân Tường chúng tôi nguyện một lòng quyết tâm phấn đấu học tập tấm gương đồng chí. Trước vong linh đồng chí chúng tôi xin hứa sẽ mãi mãi xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Sau cùng bà Tường được ông Sơn dìu đứng dậy, bà nói:
  • Tôi xin chân thành cảm ơn dân làng, cảm ơn tất cả. Tôi cũng đã chuẩn bị trước và nghĩ rằng thế nào cũng có ngày này, bởi mình đã tự nguyện đi vào nơi hòn tên, mũi đạn thì tránh sao khỏi tổn thất mất mát, âu cũng là số trời thôi.
Bà dừng nói thở hổn hển, ra hiệu cho ông Sơn dìu bà vào giường. Mọi người tới dự ai cũng rưng rưng nước mắt.
Liền mấy ngày sau, Thăng nằm bệt không dậy. Bà Tường nhiều đêm không ngủ ngồi nhìn ảnh chồng cho tới gần sáng mới chịu ngả lưng.  Họ mạc, làng xóm luôn động viên, thăm hỏi, chăm sóc hai mẹ con. Cúc sáng nào cũng đến sớm giúp đỡ, xong mọi việc cô mới đi làm.
Tới ngày thứ ba, Thăng gượng gạo đi ra ngoài vườn quét dọn. Sau đó anh đi vào để an ủi động viên mẹ, nào ngờ vừa  đến nơi, mẹ anh ngồi dậy bảo:
  • Con ạ, bố con mất đi là một tổn thất lớn cho gia đình ta, ngần ấy năm tháng đợi chờ nước mắt mẹ đã cạn. Nhiều lúc nghĩ quẩn mẹ chỉ muốn chết quách đi cho nhẹ nợ. Sau mẹ lại nghĩ, đất nước mình hàng triệu người cũng giống cảnh nhà ta. Họ cũng mất chồng, mất con, họ cũng đau buồn lắm chứ. Nhưng nói gì thì nói, họ vẫn phải sống, phải làm việc, phải sinh sôi nảy nở, thì mới có ăn, có mặc, có người cầm súng giữ nước. Cho nên con phải gắng gượng ra gánh vác công việc, chứ đừng nằm mãi, nó sẽ làm hỏng con đấy.
Nghe mẹ nói Thăng cảm thấy xấu hổ, anh cứ tưởng mẹ mềm yếu, hóa ra mẹ lại dạy cho anh một bài học. Anh  chào mẹ rồi cầm cuốn sổ đi luôn. 
Hôm nay là buổi gặt thứ hai, các bó lúa được xã viên đem về, chất đống cao ngất. Tiếng máy chạy rè rè, mấy cô gái đứng gảy rơm rỡn nhau cười rúc rích. Cúc đang bê  thóc dưới gầm máy đổ vào đống, thấy Thăng đến gần cô hỏi:
- Anh đã ra làm đấy ư?
Thăng gật đầu thay câu trả lời. Đảo mắt nhìn khắp sân, mọi người đang hối hả làm việc, hơi nóng từ bên trong đống lúa, ngùn ngụt bốc lên. Thăng nghĩ không giải phóng nhanh các đống lúa này, thì năng suất chất lượng sẽ giảm đáng kể. Anh định lên văn phòng hỏi ông Cẩm, xem công việc mấy ngày nay ra sao? Bỗng xoẹt..ứ…ứ.
Lại mất điện, vẻ mặt ai cũng bần thần buồn bã, mấy cô đứng máy gieo mình xuống đống lúa, Thăng tức tốc mời các đội trưởng có mặt ở đó, đến hội ý, anh nói:
  • Lúa ngoài đồng đang cần thu hoạch gấp để kịp làm mạ, trồng cây vụ đông. Điện mấy ngày nay mất liên tục, vì vậy yêu cầu các đội chủ động tìm cách khắc phục, huy động toàn bộ già trẻ, tận dụng mọi công cụ thô sơ, tách hạt thóc ra khỏi bông lúa một cách nhanh nhất. Lực lượng chuyên máy trực chiến hai bốn trên hai bốn. có điện lúc nào là hoạt động ngay, rơm phải rũ sạch mới được chia. Các đội trưởng kiểm tra chéo lẫn nhau đội nào cố tình làm gian dối sẽ bị phạt, số công phạt sẽ trừ vào công gián tiếp của ban chỉ huy đội. Tất cả các vị có mặt trong cuộc họp đều tán thành. Hội ý xong anh đi lên trụ sở. Vào đến nơi, thấy ông Cẩm đang ngồi tiếp rượu mấy vị bên chi nhánh điện, ngần ngừ một lát chưa biết nên vào hay nên ra thì bà Tý lém xộc tới:  
        - Anh ra ngay, thừa cơ anh đi, đội bà Phong cho chia rơm chưa rũ. Bà thấy ông Cẩm đang tiếp rượu mấy tay bên chi nhánh điện, bà liền đánh câu. - Lại “chó leo dây điện, lợn đóng cầu dao” mới xong đây.
         Thăng quay ra sân kho, đúng là đội bà Phong đang chia rơm chưa rũ, anh yêu cầu dừng lại, rũ hết chỗ rơm, số thóc cân lên được sáu tạ hai. Anh tuyên bố phạt đội bà Phong năm mươi công cảnh cáo.
         Nhờ vậy từ đó trở đi, không có hiện tượng mỗi mô rơm một thúng thóc. Mọi người đều lao động cật lục mười tám đến hai mươi  tiếng mỗi ngày, họ vừa làm, vừa ngủ gật. Thăng cùng ban quản trị đã bàn từ mấy hôm trước, đến gặt sẽ cho mỗi đội một tạ lợn móc để bồi dưỡng sức dân, nhưng ông Cẩm không  nghe, lấy lí do để bán cho nhà nước.     
Do mất nguồn thu lớn từ thóc lẫn trong rơm, như mọi năm mang lại, một số xã viên đội bà Phong cay cú, gặp Thăng ở đâu là họ chửi mánh, chửi khóe. “Mày cứ nối đời mà làm được mãi”. Thăng biết, nhưng anh nghĩ, đã là cán bộ thi phải có thái độ kiên quyết không để cái sai lấn lướt. Có làm được như vậy mới tận thu được sản phẩm, nâng cao giá trị ngày công, đảm bảo công bằng cho mọi người, và không phụ lòng tin của xã viên.
Một vụ mới lại bắt đầu. Những chân vàm cao được cày bừa kỹ để trồng ngô, khoai, đậu, những mảnh chân mạ được đưa nước vào để làm dầm. Chỉ hơn chục ngày nữa là phải gieo đợt mạ đầu, rồi nạo vét sửa chữa mương máng. Thăng xoay như chong chóng cho nên chả còn thời gian đâu mà nghỉ ngơi.
Hôm qua anh được huyện mời về họp để triển khai kế hoạch làm nghĩa vụ lương thực,  thực phẩm và được nghe tình hình chiến sự Miền Nam. Anh quyết định làm đơn xung phong đi đợt này, nhưng chưa dám thưa với mẹ, Thăng hẹn Cúc tối nay sang chơi, rồi cùng bàn tính.
Cơm nước xong, Thăng ngồi vào bàn xem lại sổ sách, chốt các số liệu để lên phương án ăn chia thì Cúc vào, Cúc cất lời:
  • Con chào bác!
  • Cúc đấy ư ? Lại đây, ngồi xuống đi con.
Thăng tiến lại gần Cúc anh nói với mẹ:
- Con xin phép mẹ, cho con nói chuyện riêng với Cúc. Mồm nói, tay kéo, Cúc đành miễn cưỡng đi ra. Ra đến ngoài vườn anh ôm ghì Cúc vào lòng hôn lên đôi môi tươi rói. Cúc lim dim đôi mắt, thẫn thờ đón nhận những nụ hôn say đắm. Lát sau Thăng quờ tay bẻ quặt tàu lá chuối trải xuống rồi cả hai cùng ngồi. Tối nay trăng sáng vằng vặc, soi rõ từng gốc cây, ụ đất trong vườn. Tiếng hát của ca sĩ Quốc Hương bài “Chiếc gậy trường sơn” từ cái đài bên nhà ông Tiềm phát ra, làm cả hai chú ý lắng nghe. Máu trong người Thăng sôi lên. Bài hát vừa dứt, Thăng nói:
  • Em ạ! Đợt này anh xung phong đi bộ đội. Làm trai thời loạn mà không xông pha trận mạc, cứ ru rú xó nhà thì hèn lắm.
Nghe tới đây Cúc ôm ghì lấy Thăng, thổn thức, thổn thức mãi, lúc lâu sau cô mới cất được lên lời:
  • Anh …. anh định bỏ mẹ, bỏ em lại để đi ư?
Vừa lấy tay gạt những giọt nước mắt nóng hổi của Cúc, Thăng vừa an ủi:
  • Đừng khóc nữa. Em xem ở làng ta đây, có còn ai như anh không, toàn ông già, bà cả với đám phụ nữ thôi. Thanh niên lớn lên là đi sạch. Đành rằng anh là con liệt sĩ được miễn, nhưng không đi anh thẹn với làng xóm, với lương tâm mình lắm. Anh muốn nói trước để em đồng ý, và cũng vận động mẹ cho anh.
 Mặc, Cúc cứ dụi mặt vào ngực Thăng khóc mãi. Lúc sau Thăng dắt tay Cúc đi vào nhà, mẹ anh đã đi nằm, chăn đắp kín mặt. Thăng quờ tay sang bên ấp nốt mép chăn vào lưng cho mẹ vừa hỏi:
  • Mẹ đã ngủ rồi à?
Bà liền mở chăn hỏi lại:
  • Cúc đâu hả con?
  • Cúc đang ngồi cạnh mẹ.
Nghe thấy thế, bà vùng dậy khoác chăn lên người rồi kéo Cúc vào lòng, bà bảo:
  • Ngồi sát đây cho ấm!
 Thăng gãi đầu, gãi tai, anh ngập ngừng một lát rồi mới dám thưa với mẹ:
  • Mẹ ơi! Con đã viết đơn tình nguyện xin đi nghĩa vụ đợt tới rồi mẹ ạ. Hôm nọ con được nghe nói chuyện về tình hình chiến sự Miền Nam, đang ở giai đoạn cam go ác liệt lắm. Tất cả mọi người đều đứng ngồi không yên, có lẽ nào con viện lý do để ở nhà hả mẹ?
Im lặng một lúc mẹ anh nói:
  • Đất nước có giặc phải đi đánh giặc, mẹ không giữ, nhưng con phải đồng ý với mẹ một điều, là lấy vợ nghe chưa?
  • Mẹ bảo con lấy ai?
  • Lấy ai hả? Lấy cái người mà mày vừa ôm nó, nó đang ngồi với tao đây này.
 Thăng và Cúc đều tủm tỉm cười.
  • Nhưng biết họ có ưng con không, mà có ưng thì cũng chưa cưới được?
  • Sao lại chưa cưới được? Mẹ Thăng vặn lại.
  • Cô ấy chưa đủ tuổi kết hôn mẹ ạ!
Cúc nghe Thăng nói, đấm thùm thụp vào người anh rồi ra chiều giận dỗi.
  • Bố anh! Ngày xưa bố anh mười sáu, tôi mười tám vẫn lấy nhau đấy thôi.
  • Ngày xưa khác, giờ khác mẹ ạ. Chúng con đều là cán bộ làm thế thì còn ra thể thống gì, còn nói được ai?
  • Tao mặc kệ, tao lên xã nói với các ông, không đồng ý cho mày cưới, tao không cho đi.
  • Tùy mẹ!
Thăng trả lời rồi tóm tay Cúc kéo đi. Hai người dắt tay nhau ra cổng nép vào bụi râm bụt đứng ôm nhau mãi không muốn rời. Gần mười hai giờ đêm Thăng mới  đưa Cúc về.
 
                                                                                                                         N.Đ.V  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 44
Trong ngày: 403
Trong tuần: 1825
Lượt truy cập: 403954

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.