Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (Chương 8-9-10)

Nguyễn Đạo Vinh

LÀNG CÒ (Chương 8+9+10)

Chương 8 
 Ông Cẩm năm nay tuổi đã ngót sáu mươi, dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng mịn, đi đứng khoan thai. Trước khi làm chủ nhiệm hợp tác xã ông là một bác phó cối.
Ông học nghề phó cối từ năm mười bốn tuổi, chính thức thành nghề năm mười tám tuổi. Ông Tiềm là chú họ, nên ông bảo Cẩm cho Tốn đi theo học nghề. Hàng ngày cu Tốn phải gánh trên vai những thứ cần thiết như búa, răm, vanh, một ít đất sét. Tất cả được đựng trong hai cái bồ con, Tốn đi trước vừa đi, vừa rao:
  • Ai cối ơ …, ai cối ơ….
           Nhà nào cần thó lại cối, nghe tiếng rao thì chạy ra mời hai thầy trò vào, xem xét mặc cả. Đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi, phó nhỏ đưa đòn gánh lên vai, rồi tiếng rao lại được cất lên:
  • Cối ơ … ai cối ơ…..
Do có ngoại hình ưa mắt, cho nên ai đã mời ông vào nhà thì ít khi phải mặc cả lâu, hầu hết đều ưng thuận để ông làm, cho nên hai thầy trò thường xuyên có việc.
 Muốn có được bát cơm ăn, người nông dân ở làng Cò Quay, cũng như nông dân ở các vùng lân cận khác, ngoài việc cấy trồng, chăm sóc thu hoạch, phơi phóng ra, còn phải qua hai cung đoạn nữa, thì hạt thóc mới trở thành hạt gạo. Cung đoạn thứ nhất là đổ thóc vào cối xay, làm trật vỏ hạt thóc, sau đó sàng xẩy sạch trấu rồi đổ vào cối giã. Được cối gạo thì cũng vất vả lắm. Nhà đông miệng ăn, thì gần như ngày nào cũng phải xay giã.
Khi phó nhỏ đặt đôi bồ xuống để ngồi thở, cũng là lúc chủ nhà dẫn ông vào xem. Nếu chủ nhà là các bà nạ dòng, thì ông vừa xem vừa giả vờ vung tay, đụng chạm vào chỗ kín của các bà, mồm nói:
  • “Cối” của bà mòn lắm phải phụ thêm ít đất nữa.
Bà chủ nào “thả ra” để cho ông mó máy, xem đi xem lại “cối của mình” thì lúc mặc cả ông bớt cho năm hào, hoặc một đồng tùy theo. Bà nào không chịu thả, giữ bo bo, thì cứ bốn đồng mà phệt, rồi cối còn sống nữa chứ. Mặc cả xong, ông gọi phó nhỏ vào bê cái thớt trên, thớt dưới ra, đất cũ ở lòng cối được lấy ra, đập thật vụn, rồi lấy rây như rây bột trẻ em, sau đó cho ít nước vào nhào nặn. Trong khi phó nhỏ ở ngoài nhào nặn đất để cho vào cối, thì ở trong buồng, ông Cẩm với bà chủ cũng “nhào nặn”. Chừng nửa tiếng sau, ông buông bà ra để bà còn thịt gà, hoặc đi chợ mua thức ăn về làm cơm trưa đãi bác phó.
Ông Cẩm “nhào nặn” cho bà chủ xong đi ra, thì cũng là lúc phó nhỏ nhào xong đất. Nếu cốt còn tốt thì phó nhỏ cho đất vào, lấy chày lèn chặt. Nếu cốt bị tuột hoặc đã sờn miệng, ông lấy vài nan tre ra đan vào. Khi phó nhỏ lèn xong đất, ông bắt đầu dùng con dao mỏng, cạo cạo, gọt gọt. Cái nghề thó cối này hay thật, vừa được tiền, lại vừa được cả cái khoản kia. Nói cho đúng nếu bình thường, hai thầy trò chỉ làm trong khoảng vài giờ là xong, nhưng tội gì, cứ giăng giăng ra để còn kiếm bữa cơm trưa chứ.
Buổi trưa nhà nào hẩu, hoặc do tâm lý sợ “ cơm dối, cối sống” thì thịt con gà, hoặc mua vài lạng thịt, dăm bìa đậu bê lên mời ông xơi. Nếu ông chủ có nhà thì được ngồi cùng ông, ông chủ không có nhà thì bà chủ phải ngồi rót rượu, gắp thức ăn, hoặc quạt cho ông khi trời nóng nực. Ông ăn xong còn cái gì gia chủ dọn xuống bếp, cùng với phó nhỏ và con cái ăn nốt. Hai giờ chiều ông ngủ dậy, ấm nước đã pha sẵn, ngồi uống một chặp rồi mới xắn tay vào làm. Khâu này mới là khâu quyết định. Bà nào “chịu thả” cơm nước hậu hĩ thì ông cho dăm nhãn đóng dày. Bà chủ nào không “chịu thả”, cơm nước qua loa ông cho dăm bồ đề đóng thưa, chỉ xay được vài thúng thóc là hỏng. Xong đâu đấy gia chủ thanh toán tiền, ông đút vào túi, thằng Tốn cầm đòn gánh đặt lên vai, hai thầy trò lại nghễu nghện đi về.
Ông Cẩm hành nghề phó cối được hơn hai chục năm, chả biết ông đã làm được bao nhiêu cái, ông cũng không rõ mình để lại cho thiên hạ bao nhiêu đứa con. Ông phải giải nghệ vì một lý do đơn giản, là quê ông cùng các vùng lân cận đã có điện và có máy xay xát. Ông đành hậm hực quay về làm ruộng. Ông nhớ lại, lúc còn đi theo làm phó nhỏ cho ông Quy. Hôm ấy hai thầy trò vào thó cho một gia đình làm nghề bói toán, ông thầy bói nhìn mặt ông một lúc lâu rồi bảo:
  • Số anh sau này sướng lắm, luôn có quý nhân phù trợ. Thế mà bây giờ phải về làm ruộng, cày bừa chả biết, nhổ mạ tát nước cũng không, mà ông lại sợ đỉa nữa chứ.
Ông nằm nhà mấy ngày liền chả biết làm gì, cơm trưa, cơm tối trẻ dọn lên chỉ có đĩa rau luộc với mấy quả cà, rượu chẳng có giọt nào, nhạt mồm nhạt miệng ăn uống sao nổi. Đang nằm chán trường suy nghĩ thì ngoài sân có tiếng gọi:
  • Ông Cẩm đâu rồi?
Nghe thấy có người gọi ông ngóc đầu lên, tưởng ai hóa ra là Vương Trí Thông em vợ. Ông liền trở dậy pha ấm nước. Lão Thông vừa ngồi xuống ghế vừa nói:
  • Ông thất nghiệp rồi hả? Tôi giao việc cho ông đây.
  • Ông định bảo tôi làm gì?
  • Giao cho ông cái máy xát gạo, ông có đồng ý không?
  • Thế thì còn gì bằng, ông khéo xếp thế.
  • Thôi uống nước đi rồi ra nhận việc.
Hai tay ngồi uống hết ấm trà rồi mới đi ra. Nhà xát gạo dài năm gian được lợp bằng phên nứa, xung quanh trát bùn rơm, bên trong có cái máy xát, chiếc loa to lắm đổ hai thúng thóc chưa đầy. Ông Thông hướng dẫn ông Cẩm đóng máy chạy thử. Gạo lẫn cám, trấu chảy ra, ông hứng tay vào đưa lên mồm thổi phù phù, trấu, cám bay hết còn trơ ra toàn gạo trắng muốt, ông bảo:
  • Tài thật, thánh thật!
Ông Cẩm đứng máy sát gạo được một tháng, thì được điều động lên làm tổ trưởng tổ cơ khí phụ trách điện, máy nước, sát gạo, rèn. Thoát khỏi nơi bụi bặm, bây giờ quần là áo lượt, phóng xe đi kiểm tra các nơi. Năm một chín sáu tám chiến trường đang rất cần bổ sung quân, ông trong diện phải đi đợt ấy. Hôm lên đường ông lấy lý do con lợn sề nhà mình đang trở dạ, ông bảo đỡ đẻ cho nó xong rồi ông đi. Do thiếu người xã lại bổ sung ông Hoàn vào. Ông Hoàn đi được một tháng sức khỏe không tốt lại trở về. Thế là ông Cẩm trốn được đợt đi nghĩa vụ, đàng hoàng ở nhà với vợ con. Phụ trách cơ khí độ vài năm thì hợp tác xã thôn Cò Quay đại hội xã viên. Ông được trên xắp xếp để bầu vào ban quản trị. Sau vài tháng Vương Chí Thông được kéo lên ủy ban, thế là ông Cẩm được tâng lên làm chủ nhiệm.
Hội nghị ban quản trị vừa tan thì lão Thông ra, hai người rỉ tai nhau nói chuyện gì đó, rồi Thông kéo Cẩm về.
Vào đến nhà Thông, Cẩm nhìn thấy lão Cự đã ngồi trễm trệ trên phản, trước mặt là một mâm thịt chó đầy ú ụ, đủ các món, nào chả, nào hấp, rựa mận, lòng dồi còn tiết canh nữa chứ. Lão Cự giơ tay ra bắt:
  • Khỏe chứ, khỏe chứ, ngồi xuống đây. À gì nhẩy, tối hôm qua về, nghĩ đến thịt chó thèm quá, tao bảo lão Thông hôm nay làm mời chúng mày, à gì nhẩy nhưng thằng Hội, thằng Cơ lại đi họp huyện. Tao muốn nhờ chúng mày đứng ra tổ chức đám cưới cho thằng Tu.
Ba chén rượu đã được rót sẵn, ba cánh tay giơ lên. Vừa ăn uống họ vừa nói chuyện với nhau rất rôm rả. Vương Trí Thông tu liền mấy chén rồi cao hứng nói:
  • Anh Cự biết không? Hôm nọ em phải dùng mẹo Gia Cát mới kéo được con Cúc về cho thằng Tu nhà anh đấy.
  • À gì nhẩy? Mày thì mẹo mực cái chó gì? Đầu đất thó, à gì nhẩy chẳng qua là con mẹ Hoàn hám của, xui con Cúc bỏ thằng Thăng, để lấy thằng Tu nhà tao. Tao còn lạ gì?
  • Em phải mất không nghìn ngói đấy, không thì có khối mà nó nghe.
  • Được rồi, tao không để cho mày thiệt đâu.
Trong lúc lão Cự và lão Thông nói chuyện, Cẩm tranh thủ nhét lấy, nhét để thức ăn vào mồm nhai ngấu nghiến. Cẩm vừa ăn, vừa nghĩ: “đã lâu lắm chưa được ngửi hơi con đàn bà nào, chiều nay, chiều ngay, mình phải ra gặp em Xoan để dụ em vào đời”. Cự thấy  Cẩm cứ tì tì ăn chả góp chuyện, lão quát:
  • Cẩm!
           Cẩm đang mải nghĩ, nghe lão Cự gọi giật mình xuýt làm rơi đũa, lão ngẩng đầu lên:
  • Dạ, anh bảo gì em?
  • Dạo này làm ăn có được không?
  • Anh bảo làm gì cơ ạ?
  • Tao hỏi hợp tác xã mày, à gì nhẩy, có làm ăn được không chứ còn làm gì? À gì nhẩy, lại mải nghĩ tới con bé nào hả?
  • Anh cứ nói thế?
  • Tao còn lạ gì cái tính ăn vụng của mày.
 Lão Thông nghe lão Cự cứ dồn hỏi Cẩm, liền đưa ra câu khôi hài:
  • Ôi dào, lòng vả cũng như lòng sung. Ông tám lạng, ông nửa cân, khác quái gì nhau mà cứ đì. Thôi uống.
Cả ba cánh tay lại giơ lên.
  • Nào mời các ông giải quyết cái món này.
Lão Thông cầm bát ô tô tiết canh, xẻ vào bát lão Cự và bát ông Cẩm, còn lại lão đưa lên mồm húp xoàn xoạt rồi,phồng mồm, trợn mắt nhai.
          Lão Cự lấy tay vỗ vỗ vào đùi Cẩm:
  • Mày nhìn kìa, à gì nhẩy, mồm thằng Thông có khác gì đàn bà đến tháng không?
Cẩm nhìn sang, những cục tiết bám quanh bộ râu của Thông, rồi vỗ đùi cười khanh khách.
 Chống hai tay vào đầu gối, hắng giọng mọt lát rồi Cự nói:
  • À gì nhẩy. Tôi giao cho hai ông lo giúp hai con lợn khoảng một tạ móc cho nhà gái, còn nhà trai tôi đã bố trí lấy gà, cá ở Hạ Trì. À gì nhẩy, bò hợp tác xã Xuân Tân cho một con, thiếu đâu lấy ở cửa hàng thực phẩm huyện. À gì nhẩy, tôi dự kiến chiều hôm trước, à gì nhẩy độ trăm mâm, hôm sau bữa trưa khoảng hai trăm. À gì nhẩy. Tôi đưa các bà đầu bếp của huyện về nấu, các ông lo cho tôi độ chục thằng khỏe mạnh chuyên bê cỗ. À gì nhẩy và khoảng mươi đứa con gái trông khau kháu ăn mặc tươm tất một tí, đến tiếp khách giúp nghe chưa?
          Lão Thông và  Cẩm cùng đồng thanh:
  • Dạ!
 Trầm ngâm một lúc lâu, Cẩm mới lên tiếng:
  • Anh muốn lấy lợn cho nhà gái thì viết cho em cái giấy.
  • Ôi dào! À gì nhẩy, ông cần trăm cái cũng có, yên tâm đi.
  • Dạ! Thế cưới cho hai đứa vào ngày nào hả anh?
  • Ờ đấy tý quên. À gì nhẩy, tao định tổ chức cho hai đứa vào ngày mười chín tháng một. À gì nhẩy. Thầy cao tay ở Nghệ An xem cho đấy, ngày đó, à gì nhẩy là ngày hoàng đạo đẹp nhất trong năm, còn ngày ăn hỏi, dẫn cưới là mười sáu này tức là chỉ còn, à gì nhẩy có bốn hôm nữa thôi. Việc tao giao, bọn mày phải tiến hành ngay từ giờ. À gì nhẩy, đừng có để nhỡ nghe chưa.
Thông và Cẩm đều khúm lúm thưa:
  • Dạ, chúng em nhớ rồi ạ!
           Lão Cự cảm thấy đã căng da bụng, chùng da mắt liền ra lệnh cho hai đàn em thu dọn, rồi ngả lưng luôn ở đó.
 Thông cùng Cẩm thu dọn xong ,cũng khoèo luôn ra phản. Cả ba nằm ngáy như bò rống. Bốn giờ chiều, Cẩm ra giếng múc nước té lên mặt, rồi dắt xe đi. Bà Sinh đang dạng chân phát bờ nhìn thấy Cẩm đi ra liền lên tiếng.
  • Ối bà con ơi, hôm nay mặt trời mọc đằng tây. Không khéo đêm nay lại bão hoặc mưa rào to.
Ông Cẩm nghe bà Sinh nói, biết là bà đang kháy mình, ông cũng táo tợn buông mồm trả đũa:
  • Các bà ơi! Thỉnh thoảng cũng phải làm vài cái ngược, chứ cứ xuôi mãi thì chán lắm.
  • Thằng ông mãnh! Bà Tý lém nghe Cẩm nói vậy liền chặn luôn một câu, tất cả lại cười vui vẻ.
           Cẩm đứng trên bờ vẫy vẫy rồi be hai bàn tay lên mồm gào to:
         - Xoan...ơ...... ơi, lên đây bác nhờ một tẹo! Từ xa nghe có tiếng gọi, Xoan vội  vàng nhao đến. Tới nơi cô hỏi:
  • Bác bảo gì cháu đấy? Chờ cho Xoan đến thật gần, ông ghé tai cô nói nhỏ:
  • Sáng nay họp ban quản trị hợp tác xã, Thăng nó yêu cầu tìm người để bàn giao. Bác nhắm cháu, trước mắt tối cháu lên, bác đưa sang ông Dần, giúp ông làm phương án cho kịp. Dạo này ông ấy yếu lắm, muốn xin nghỉ.
Xoan nghe ông Cẩm nói vậy, trong bụng lấy làm mừng lắm, nhưng còn giả vờ sĩ diện, cô nói:
  • Cháu không làm được đâu, bác tìm người khác đi!
  • Cháu yên tâm, gần bác, bác bồi dưỡng cho, làm được hết. Thế nhé!                                ==========                 
langco1
Chương 9
        Ông Cẩm ngồi hút thuốc, bà Cẩm nấu cám lợn dưới bếp. Con ông đứa lớn ông xin cho đi bán hàng, mấy đứa ông xin vào làm công nhân quốc phòng gần nhà. Ông có một chế độ ưu tiên đặc biệt vì ông đã cắt hơn ba mẫu đất của hợp tác xã, cho không mấy tay lãnh đạo các cơ quan gần đó. Con ông, cháu ông, mặc dù chưa qua lớp năm, lớp bảy, ông đều xin được tất. Tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe ông còn tốt lắm, tóc vẫn xanh rờn. Trông ông,người ta đoán ông chỉ khoảng ngót bốn mươi là cùng. Bà vợ thì lại hơn ông bốn tuổi, mắt kèm nhèm, lưng còng gập đi đứng chậm chạp. Xoan bước chân qua bậu cửa rồi lên tiếng
  • Bác ngồi chờ cháu đấy ư? Cháu sang hơi muộn, bác thông cảm nhé!
  • Không sao, không sao, mình đi luôn thôi.
          Vừa nói, ông vừa đi ra, Xoan theo sau. Ra đến ngoài đường ông đi trước, Xoan đi sau, hai người cách nhau độ vài bước chân, thi thoảng ông dừng lại đột ngột, với lý do mắt kém không nhìn rõ, sợ đâm phải hàng rào hoặc ngã xuống ao, làm cho Xoan mấy lần bị vồ vào ông,  Xoan tỏ ý xin lỗi, ông nói:
  • Không sao, không sao có thế mới được cười vui chứ.
           Xoan thấy mỗi lần vồ phải, là thế nào ông cũng quơ tay sờ soạng đôi chút. Xoan liền bảo:
  • Để cháu đi trước.
  • Nếu Xoan đi trước thì đưa tay ra đây để mình tóm, kẻo lại ngã. 
Nghe lời ông Cẩm, Xoan đưa tay ra cho ông nắm. Cổ tay con gái mười bảy cứ tròn lẳn, trắng nõn, đã mấy lần đến chỗ bụi cây, ông định kéo Xoan vào để hôn, nhưng lại nghĩ không nên vội vàng quá, nhỡ nó không đồng ý, nó kêu lên thì mình bỏ mẹ, thôi cứ từ từ.
Vào tới nhà ông Dần, thấy ông nằm đắp chăn rên hừ hừ. Bà vợ đang ngồi cạnh xoa bóp. Ông Cẩm đánh tiếng:
  • Ông ốm nặng thế ư ?
          Bà Dần đáp thay chồng:
  • Ông nhà tôi ốm quá có lẽ phải đưa đi viện ông ạ!
  • Thế thì gay go nhỉ? Thôi bây giờ thế này. Tôi đưa cô Xoan sang để giúp ông làm phương án cho nhanh, cho kịp với các đội khác. Ông cố dậy xem sổ sách, giấy tờ nào, bàn giao lại cho cô Xoan, để cô ấy tính toán làm nốt. Nếu có đi viện hay nằm nhà cũng yên tâm mà dưỡng bệnh.
           Ông Dần nghe ông Cẩm nói xong liền bảo vợ:
  • Bà ra lấy hết giấy tờ sổ sách trong ngăn tủ của tôi, đưa cho cô Xoan.
           Xoan cùng ông Cẩm ngồi xuống xắp xếp gọn ghẽ, bó thành một bó. Hai người chào ông bà Dần ra về. Xoan khệ nệ ôm bọc giấy, cô khấp khởi mừng thầm, vì từ nay mình sẽ làm đội trưởng, cái con Cúc bây giờ thì chả là cái thá gì. Ra đến ngoài đường ông Cẩm bảo với Xoan:
  • Giờ mình phải đi song song chỗ nào có ao, có rãnh, thì bảo tớ nhé!
  • Bác cứ yên tâm.
          Hai người đi gần đến đoạn bụi cây tôi tối, ông Cẩm nói với Xoan:
  • Xoan tắm gội bằng nước gì, mà tỏa ra toàn mùi thơm như thế?
  • Từ bé đến giờ, minh chưa được ngửi mùi thơm như vậy đâu. Xoan dừng lại cho mình hà hít một tẹo. Ông dí mũi vào tóc vào người Xoan, hít lấy hít để rồi tiếp - Cứ được đi bên Xoan mà ngửi cái mùi thơm này, có chết cũng nên đời.
           Xoan lí nhí trong cổ họng:
  • Cái bác này! Bác cứ nói thế, bác gái còn thơm bằng mấy cháu.
  • Bác nói thật nhé, từ thủa bác lấy bà ấy đến nay, chưa khi nào bà ấy tắm gội bằng bồ kết, lá xả đâu, toàn xuống cầu ao múc nước dội ào ào thì lấy đâu ra mà thơm. Người lúc nào cũng hôi như chuột chù ấy.
           Xoan nói trêu:
  • Thế sao bác đẻ lắm thế?
  • Ôi dào, con cái trời cho bao nhiêu là được bấy nhiêu, chứ còn... Đến đây ông dừng lại nói lấp lửng, ước gì, ước gì giờ mình chỉ độ hai nhăm ba mươi thì tốt biết bao.  Ông sườn sượt thở dài. Còn một đoạn ngắn thì tới nhà, ông bảo Xoan - Đi từ từ thôi để cho mình được hưởng thêm tí hương vị thần tiên này chứ.
           Nghe lời ông, Xoan bước chầm chậm hơn. Ông đi sóng đôi cùng Xoan, tay vung lên như quả lắc đồng hồ, nó cứ đập vào mông Xoan đều đều. Về tới cổng, ông Cẩm bảo Xoan:
  • Đem hết mọi thứ vào đây. Mai sang bên này mà làm, ở nhà ông cụ cứ gõ cành cạch suốt ngày, thánh cũng chả làm được. Hai nữa làm ở đây, có gì bí mình còn giúp. 
          Xoan nghe lời ông vác bó sổ sách đi thẳng vào nhà.
          Thấy bà Cẩm ngồi trên giường thõng đôi chân xuống đất, mồm  đang  bỏm bẻm nhai trầu, Xoan cất lời:
  • Bác sắp đi ngủ chưa?
  • Xoan đấy à? Bác cũng chuẩn bị đi nằm. Làm cả ngày người mỏi lắm. Ông ấy nhà bác lúc nào cũng bảo bận, đi suốt, có hộ được gì đâu, chỉ hầu ông ấy thôi.
          Cẩm thấy vợ nói vậy liền ra oai:
  • Bà lại tị nhau với tôi ư? Bà có ra làm chủ nhiệm được như tôi không?
 Bà Cẩm liền xẵng giọng:
  • Dân chả bầu, chứ bầu tôi làm được tuốt.
  • Á, bà này giỏi nhỉ?
  • Chứ không à? Ông nghĩ ông là ai? Bản thân là một anh phó cối, chữ viết chưa thạo, một tý kiến thức nông nghiệp cũng chả có. Làm cái chân chủ nhiệm như ông thì ai chả làm được. Chẳng qua anh em nhà ông, lôi nhau vào, kết bè kéo cánh để giữ ghế cho nhau, tôi còn lạ gì? Tối tụ tập tổ tôm thâu đêm suốt sáng, lấy lý do tiếp khách để giết gà, mổ lợn rồi bâu vào ăn. Dân họ biết cả nhưng biết kêu ai bây giờ. Cứ chẻ cổ dân ra nhồi nghĩa vụ nọ, nhét định mức kia vào. Làm một ông cán bộ đứng đầu dân, thì phải biết phân biệt đúng sai, phải trái, để bênh vực quyền lợi cho dân. Đằng này cứ dập khuôn, trên bảo sao dưới làm vậy.
Ông Cẩm bị bà vợ đì nghiến, nghe chừng đã cáu, ông lên gọng quát:
  • Bà nói thế có nghĩa là ...
  • Tôi chả biết đúng sai ở đâu, chỉ biết các ông bắt mỗi lao động, một năm phải cân hai mươi cân lợn hơi cho nhà nước gọi là nghĩa vụ. Giống, thức ăn, công chăn nuôi các ông có hỗ trợ cho được tý nào không? Cho nó ăn đất để nó lớn à? Hôm nọ bà Di có con lợn độ ba mươi cân lăn ra ốm, gọi thú y đến tiêm, thú y kêu hết thuốc. Bà nấu cháo bón từng thìa, đốt sưởi, rải chiếu nằm ngủ cùng với lợn, đánh gió liên tục, chăm lợn hơn chăm con mà nó vẫn lăn ra chết. Bà nhờ hàng xóm thịt hộ đem ra chợ làng bán để kiếm tiền con giống. Nào ngờ một lúc sau, ông Ngọc gọi bà là thím ruột, đi ra yêu cầu bà gánh theo số thịt lên xã để lập biên bản. Hai thím cháu cãi nhau một trận to. Lão Ngọc cho dân quân ra thu rồi đưa về xã . Về xã chả ai đứng ra giải quyết thế là để thối. Một đằng thì dân thèm quắt tai không có mà ăn, một đằng để thối vứt đi. Mà chả biết có vứt đi, hay các ông lại chia nhau cũng nên?
          Ông Cẩm nghe đến đây trừng mắt quát lớn:
  • Bà đừng nói láo, cán bộ ai làm thế!
  • Hừ, ai biết ma ăn cỗ!
          Bà  nhổ toẹt nước trầu trong mồm ra góc nhà, rồi nói tiếp:
  • Ông làm chủ nhiệm ông quá rõ rồi còn gì. Năm ngoái cả làng có sảu mươi tư hộ không bán đủ nghĩa vụ lợn cho nhà nước. Ông ra lệnh phạt rồi cho đội trưởng, đội phó, dân quân đến các nhà thu thóc lúa của họ. Chả cãi nhau đánh nhau to, suýt nữa xảy ra án mạng còn gì ? Ông còn nhớ, ông Chín đã chỉ thẳng vào mặt ông nói gì không ?
Ông Cẩm nghe đến đây tức quá quát:
  • Bà im cái mồm đi, bà có làm đâu mà biết!
          Bị ông Cảm quát, bà Cẩm đã có phần nhượng bộ. Nhưng dường như không chịu được những bức bách trong lòng, bà lải nhải tiếp :
  • Ông tưởng mình giỏi giang lắm à? Một số ông bà cán bộ có cân đủ nghĩa vụ lợn đâu, sao các ông không vào thu? Chẳng qua là các ông lấp liếm cho nhau ai còn lạ gì? Còn cả cái chuyện khai man tuổi tác để trốn nghĩa vụ nữa chứ. Ai ti toe được các ông cất nhắc lên làm cán bộ, là vợ có ngay cái giấy miễn lao động nặng, để ở nhà chạy chợ, chân trong, chân ngoài.
Ông Cẩm sợ bị bẽ mặt với Xoan liền lên giọng quát to hơn:
  • Bà câm cái mồm đi!
         -Tôi không câm đấy ông làm gì được tôi. Đừng tưởng bịt mắt được thiên hạ? Các ông muốn làm gì thì làm, nhưng cũng phải để cho dân họ thở. Cứ o ép người ta quá cũng không hay đâu. Bảo sao họ hay vơ váo. Họ không vơ váo để họ chết à? Nói dại, họ mà chết thì ai nuôi các ông?
 Xoan thấy ông bà Cẩm vặc nhau liền xin phép đi về. Đến ngã ba gặp Thăng, cô hỏi:
  • Anh Thăng đi đâu đấy? 
  • Anh đến nhà ông Dần, thấy bảo ông ốm nặng lắm, xem ông có làm được phương án ăn chia không? Nếu không làm được, anh bảo Hoài và Côn đến hỗ trợ.
  • Anh khỏi lo, nãy em với ông Cẩm đem phương án về nhà ông ấy rồi. Mai em sang bên đó làm.
  • Thế hả? May quá, anh đang lo. Em không ra tập văn nghệ à? 
  • Có lẽ anh phải giúp em, cho các bạn tập vậy. Bây giờ ông Cẩm giao cho em làm phương án, em đi sao được.
  • Gay go nhỉ. Hay Xoan bảo Cúc cố ra mà tập với chi đoàn.
  • Ứ, anh đến mà bảo.
  • Thế thì nói làm quái gì?
           Thấy Xoan có biểu hiện không muốn hợp tác, Thăng liền bỏ đi, Xoan thấy vậy chaỵ theo bám vào tay Thăng nũng nịu:
  • Có thế mà đã .... 
          Ra đến trụ sở, Thăng thấy các bạn túm năm, tụm ba cãi nhau om sòm. Thăng nghĩ kiểu này mình lại phải xắn tay vào thì mới xong đây. Các bạn nhìn thấy Xoan và Thăng đi vào, nhao nhao lên hỏi:
  • Anh chị đi chơi bỏ chúng em sao?
          Thăng nhẹ nhàng giải thích:
  • Các bạn hiểu lầm rồi, Xoan vừa đi nhận bàn giao sổ sách để làm phương án cho đội ông Dần.
  • A chị Xoan được làm đội trưởng rồi, oách nhỉ.
Xoan cảm thấy hãnh diện, cô nói với Thăng :
  • Cúc bí thư, bỏ không sinh hoạt, em thì thế đấy, anh xem ra sao? 
Thăng nghĩ một lúc rồi nói:
  • Anh sẽ hỗ trợ khi còn ở nhà. Bây giờ tạm thời cử Côn làm tổ trưởng, Tâm làm tổ phó để có người chỉ huy, nếu không cứ như rắn mất đầu, chả ai bảo ai thì vỡ mất.
Xoan nghe xong gật đầu lia lịa, cô yêu cầu các bạn vào họp, công bố quyết định vừa được Thăng bàn bạc xắp xếp. Tất cả đoàn viên thanh niên đều nhất trí, riêng Thanh có ý kiến:
  • Tôi nhất trí phương án vừa đưa ra. Tổ văn nghệ phải tập luyện thêm các buổi trưa, sau đó diễn thử. Chỗ nào chưa được ta bổ sung ngay để các bạn chấn chỉnh. Ai là người đứng ra giới thiêu các tiết mục, phải phân công từ giờ, cho họ còn có thời gian chuẩn bị.
Thanh dứt lời hội nghị vỗ tay rào rào.
  • Đồng ý.
Thăng yêu cầu mọi người giữ trật tự, anh nói:
  • Các bạn đã nhất trí với phương án vừa nêu, kể cả ý kiến góp ý của đồng chí Thanh, tôi đề nghị mọi người phải hết sức cố gắng trong tập luyện. Tuân thủ triệt để, ý kiến của các đồng chí đã được phân công. Tối hai mươi ta tổng duyệt, còn sân khấu tôi sẽ huy động các lớp học gần đây cho mượn bàn ghế. Thôi bây giờ đề nghị đồng chi Thanh, lên hướng dẫn các bạn.
Thăng ra ngoài ngửa mặt lên nhìn. Trời hôm nay nhiều mây chỉ còn thưa thớt mấy vì sao. Những chú chim đậu trên ngọn cây muỗm muốn đổi chỗ, cứ vỗ cánh phành phạch.
   Trong nhà tiếng hát của các bạn trẻ vọng ra, họ đang đồng ca bài Bắc Sơn của nhạc sỹ Văn Cao. Thanh đang gò, uốn lại đoạn cuối cửa bài, giọng cô trong trẻo cất lên.: Bắc sơn nơi hố sâu mồ chôn, rừng núi vang tiếng hú căm hờn, Bắc Sơn nơi đó sa trường xưa, Bắc Sơn nơi núi rừng mến yêu!
Thăng nhìn thấy Xoan đang õng ẹo đi ra, anh lủi vào bụi cây , Xoan tìm quanh không thấy liền bỏ về. Cô lên giường nằm nghĩ, ông Cẩm tự dưng lại thay đổi cách xưng hô, nào mình, nào ta. Ông lại dễ dãi với mình thế, thưởng ngay năm mươi công cho mình vì có công phát hiện ra bèo bị sâu. Thực ra thì mình cũng lơ là, có để ý đến đâu, mà để ý làm gì cho mệt. Chẳng qua cái con Cúc dở hơi, lúc nào cũng lo cho ruộng bèo, chiều lại còn đem tro của nhà ra vung nữa chứ. Ai cần? Nhưng nếu nó không phát hiện ra bảo mình, thì mình lấy đâu mà được ông Cẩm biểu dương khen thưởng. Thì làm gì có tối nay, được nhận bàn giao sổ sách. Cái chức đội trưởng rồi phó chủ nhiệm hợp tác xã đang nằm trong tầm tay, chỉ có...  chỉ có, mình có chịu làm theo ý ông Cẩm không mà thôi”. Thực tình thì Xoan biết thừa, tính tình của chủ nhiệm Cẩm. Thấy gái là mắt cứ tít lại, hau háu nhìn vào đũng quần. Lúc chiều ông đứng với cô ở ruộng bèo, mắt ông đỏ vằn nhìn chằm chằm vào ngực vào người cô. Lúc tối ông vờ dừng lại để cô vồ vào, rồi lấy cớ quờ quoạng, sờ mó. Nhưng thôi, sự đời là vậy, được cái nọ thì phải mất cái kia. Mà khi tối, ông ta đụng chạm vào người, cô cũng thấy thinh thích. Xoan chìm vào giấc ngủ, trên môi còn nở nụ cười mãn nguyện.
 Xoan dậy sớm soi gương, ngắm đi, ngắm lại mãi vẫn chưa ưng. Cô vào buồng, lôi ra chiếc quần xa tanh. Chiếc quần này cô định để dành đến khi lấy chồng, hoặc đi đại hội mới xỏ vào, nhưng hôm nay cô quyết định đem ra mặc. Cô đứng ngắm, quay trước quay sau, thấy mình đẹp hơn mọi ngày. Cô tự tin đi đến nhà chủ nhiệm Cẩm.
Nhà chủ nhiệm Cẩm là một ngôi nhà cổ năm gian, trên lợp ngói ta, được làm theo kiểu nội tự ngoại khách. Tường quanh nhà được xây bằng gạch bìa, cổng cũng được xây theo kiểu cổ, phần trên được trang trí hoa văn rất đẹp. Cánh cổng được làm từ mấy mảnh ván thôi ghép lại. Xoan đứng ngắm một lúc rồi đẩy cửa bước vào, vừa đến  giữa sân, cô đã nghe thấy tiếng ông Cẩm bên trong vọng ra:
  • Xoan đến đấy hả? Vào đi.
Xoan đang mải ngắm cái dại còn chưa kịp trả lời, bất ngờ cô hỏi:
  • Bác nhờ ai đóng cho cái dại mà đẹp thế?
  • Cái dại này mình phải sang làng Phạm, vời ông phó Thọ đến đóng giúp đấy.
Vừa nói ông vừa đi ra chỗ Xoan. Để khoe khoang về sự hiểu biết sâu rộng của mình ông đột ngột hỏi:
  • Xoan có biết, người xưa nghĩ ra cái dại này để làm gì không?
  • Để chắn mưa gió bác ạ!
  • Đúng đấy, nhưng chỉ đúng có một phần thôi. Thế này nhé. Nó không chỉ che mưa nắng hắt vào, mà còn có cái lợi nữa là gà qué, chó má không vào được nhà quấy bẩn. Sau nữa còn có tác dụng tối quan trọng hơn, là chỉ có người ở bên trong nhìn ra được, còn ở bên ngoài nhìn vào thì không được.  Kẻ trộm rất lo sợ vì nghĩ rằng có người ở trong đang theo dõi mình.
Dại nhà ông Cẩm chạy dài hết ba gian, gian bên cạnh để một khoảng đi lại rộng hơn chiều ngang chiếc mâm một tí và được treo một cái mành tre.
Ông Cẩm giải thích cho Xoan một hồi, rồi lôi tuột Xoan vào nhà, ông nói:
  • Sáng nay Xoan với mình giở phương án ra xem, ông Dần đã làm tới mục nào, sau đó lên kế hoạch làm tiếp.
Vừa nói ông vừa đưa quyển phương án cho Xoan. Xoan lật từng trang, cô dán mắt vào các dòng chữ. Các con số, các cột mục cứ nối liền nhau trông hoa cả mắt. Ông Cẩm cũng nhìn, nhưng mắt có nhìn vào đấy đâu, mà cứ xói vào đũng quần Xoan. Ông lẩm nhẩm trong đầu “hôm nay lại mặc quần xatanh kia đấy”, lúc sau ông nói:
  • Xoan xinh thế.
Xoan hơi đỏ mặt nói lí nhí:
  • Cháu nhìn vào phương án, mắt cứ hoa lên chả hiểu gì cả.
  • Không sao, không sao, đâu khắc có đó, tý nữa mình hướng dẫn cho cách làm.
Ông giả vờ buông tay vào vùng kín của cô, Xoan hơi nhoay người rồi lại lật dở mấy trang tiếp theo. Ông Cẩm thấy Xoan không có biểu hiện phản ứng, liền vòng tay lên cổ Xoan ghì chặt. Xoan khẽ đẩy ông ra mồm nói:
  • Đừng làm thế bác! 
Mặc ông Cẩm cứ hôn lấy hôn để, tay kia lần xuống cạp quần. Xoan đẩy mạnh, ông Cẩm bị bật ngửa, đầu đập vào thành ghế. Xoan hốt hoảng nâng đầu ông Cẩm lên rồi hỏi:
  • Bác có sao không?
  • Không sao, không sao?
Vừa nói, Cẩm vừa vòng tay lên kéo ghì Xoan xuống.
  • Bác làm thế này, ai nhìn thấy thì chết.
  • Không sao, không sao, cổng đóng chặt rồi. Chiều mình đi, mình sẽ thu xếp cho Xoan chân phó chủ nhiệm hợp tác xã.
Xoan nghe ông Cẩm nói vậy liền bảo thẳng:
  • Ông hứa đấy nhé! Nếu tôi không được làm phó chủ nhiêm tôi kiện ông đấy!
  • Yên tâm, yên tâm đi...
 Rồi ông bế thốc Xoan vào giường. Một thoáng sau, có tiếng rên nhè nhẹ, kèm theo những tiếng thở gấp gáp..rồi tắt lịm. Mươi phút sau, Cẩm đứng lên kéo quần. Xoan cứ nhăn nhó, xuýt xoa, hai giọt nước mắt còn đọng trên má. Xong việc Cẩm bảo Xoan:
  • Tối qua khi Xoan về, mình giở phương án ra xem, ông Dần đã làm gần xong, chỉ còn cộng chốt, cho nên chả vội gì. Cứ ở nhà ăn chơi cho sướng, tội chó gì mà dầm mình giữa cái thời tiết giá rét này.
 Xoan chẳng nói chẳng rằng, đưa tay lên quệt những giọt nước mắt, rồi rê người ra mép giường. Ông Cẩm liền bảo:
  • Thôi sáng nay nghỉ, hai giờ chiều đến đây, mình ngồi đọc cho Xoan cộng nhé.
Xoan cầm nón ra về. Cẩm  lăn ra giường đánh một giấc đến trưa.
========
 nguyendaovinhChương 10
Đã lâu lắm rồi, dân làng Cò Quay không được đội chiếu phim nào về phục vụ. Nghe nói tối nay, chi đoàn thôn biểu diễn văn nghệ, ai nấy đều háo hức bảo nhau về sớm để ra xem.
Thăng liên hệ với nhà trường mượn bàn ghế học sinh, huy động đoàn viên thanh niên ra khuân vác. Sau bốn giờ đồng hồ, sân khấu đã được dựng xong. Hai bên cánh gà có hai dải vải đỏ, bốn, năm ngọn đèn măng xông, được chằng lên trên đỉnh cột, sáng chói cả một vùng.
Mới sáu giờ tối, trẻ con đã tụ tập, chúng chạy nhảy nô đùa vang cả cái sân kho rộng lớn. Lúc sau từng tốp, từng tốp hai ba chục người lục tục kéo ra, vừa đi họ vừa nói chuyện rôm rả. Đúng bảy giờ tối, sân kho đã đông nghịt người đến xem, Thanh trong trang phục quần đen áo sơ mi hoa, bước ra sân khấu, cô cúi đầu chào khán giả, rồi trịnh trọng:
- Kính thưa các đồng chí đại biểu, kính thưa toàn thể nhân dân thôn nhà. Để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Hôm nay chi đoàn thôn Cò Quay xin biểu diễn một số tiết mục văn nghệ, mời các đồng chí đại biểu, và bà con cùng thưởng thức. Sau đây là tiết mục đồng ca, bài Bắc Sơn nhạc và lời của Văn Cao.           Trên sân khấu lúc này hơn hai chục đoàn viên thanh niên, dàn thành hai hàng ngang. Thanh đứng ở giữa bắt nhịp tiếng hát vang lên hoành tráng.
Sau tiết mục đồng ca là tiết mục múa, bài hoa đẹp chăm pa.  Rồi đến múa sạp. Xoan chạy đến chỗ Thăng đang đứng, cô giật giật áo anh:
  • Anh Thăng, anh với em hát bài hôm nọ em bảo ấy.
Thăng giả vờ hỏi lại :
  • Bài hôm nọ là bài gì?
Xoan ngoay ngoảy nũng nịu.
  • Anh cứ giả vờ, bài mà anh hay hát. À bài anh ở đầu sông em cuối sông.
  • Đầu đề chả thuộc, lại còn đòi hát.
  • Ứ, anh lên hát với em cơ.
Cô cứ ngoay ngoảy nhõng nhẽo. Mấy bà ngồi bên cạnh thấy vậy bưng miệng cười.
Thăng thấy Xoan cứ nằng nặc đòi anh lên hát, cũng không nỡ để cô phật ý đành gật đầu. Xoan mừng quá chạy ra chỗ Thanh yêu cầu Thanh giới thiệu. Thanh ngần ngừ một lát rồi bảo:
  • Chị để gần cuối nhé, các tiêt mục em đã khớp lời rồi. Giờ xen vào sẽ bị nhỡ.
Xoan bĩu môi:
  • Để gần cuối thì đây chả thèm.
Thanh nghe Xoan nói vậy không được hài lòng lắm, nhưng vì nể anh Thăng nên cô đành bảo:
  • Chị lên hát mà ngấp ngứ là hỏng hết buổi văn nghệ của chi đoàn, chị phải chịu trách nhiệm đấy.
Xoan vênh vênh cái mặt, vừa đi, vừa nói:
  • Đừng có lên mặt!
Côn, một đoàn viên trẻ măng mới được kết nạp đơn ca bài Việt Nam đường chúng ta đi của nhạc sỹ Huy Du. Tiếng hát vừa dứt mọi người có mặt ở sân đứng lên vô tay rầm rập không ngớt. Chờ cho tiếng vỗ tay dứt hẳn, Thanh giới thiệu:
- Tiếp theo chương trình là bài, anh ở đầu sông em cuối sông, do Xuân Thăng và Mộng Xoan trình bày
Xoan đang đứng níu tay Thăng, nghe giới thiệu mình với Thăng lên hát, cô mừng quá nhảy phốc lên sân khấu. Mọi người nhìn thấy cười ồ. Thăng đĩnh đạc đi lên. Tới giữa sân khấu anh cúi đầu chào khán giả. Một tràng vỗ tay dài. Xoan rỉ tai Thăng:
  • Anh vào trước, chỗ nào em quên thì anh hát đạy cho nhé!
Thăng gật đầu và hát:
Anh ở đầu sông em cuối sông uống chung dòng nước vàm cỏ đông. Xa nhau đã chín ba mùa lúa, chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông. Ôi bát ngát……
Thăng có một chất giọng thật tốt, trầm ấm, ngọt ngào da diết. Khi anh hát vào đoạn: Gió, gió nhớ thương ai mà lay bờ lá, tím tình yêu cả ước mong. Xoan hát được vài câu rồi cứ đứng đực trên sân khấu, ngước mắt lên nhìn Thăng. Tiếng hát của Thăng được láy đi láy lại ba lần ở đoạn cuối em đón anh về thỏa chờ mong, em đón anh về ..thỏa chờ mong…. Tiếng vỗ tay rộ lên một hồi dài. Khán giả đề nghị Thăng hát lại, Thăng cảm ơn rồi cúi đầu chào mọi người.
                                                              ***
         Biết là tối nay có văn nghệ, Tu ăn cơm sớm để sang nhà bà Hoàn, ngồi chờ Cúc tắm rửa, ăn cơm xong, Tu bảo:
  • Em với anh ra xem văn nghệ nhé!
          Thực tình từ mấy hôm trước, nghe các bạn nói chuyện, chi đoàn biểu diễn văn nghệ. Cúc cũng muốn ra tập cùng các bạn, nhưng lại sợ phải giáp mặt Thăng, hơn nữa tối nào Tu cũng  đến chầu chực từ sớm, cho nên cô không ra được. Hôm nay Tu rủ ra xem, cô đồng ý ngay.  Về phần Tu, anh chỉ muốn nhân cơ hội này dẫn Cúc đi cho dân tình rõ việc quan hệ của mình, để mấy hôm nữa có dẫn lễ sang hỏi, xin cưới thì dân làng đỡ dị nghị.
Hai người xem đến đoạn Thăng hát song ca với Xoan, tự dưng Cúc cảm thấy choáng váng, mắt hoa lên như sắp ngã. Tu vội vàng sốc nách  cô, anh hỏi:
  • Em sao thế?
  • Em thấy váng đầu quá, em về trước đây.
Cúc chệnh choạng bước đi.
Chi đoàn còn biểu diễn đến mười giờ.  Nhân dân làng Cò Quay hôm nay được xem văn nghệ, cây nhà, lá vườn, nhưng ai cũng tấm tắc khen.
  • Giá cứ mỗi tháng lại có một buổi văn nghệ như thế này thì tốt biết bao. Không ngờ làng ta lại có nhiều giọng hát hay đến thế.
Họ vừa đi vừa nói chuyện rôm rả chỉ đến khi ai về nhà nấy, lên giường ngủ mới thôi.
          Có lẽ do dư âm mà khán giả để lại, cộng với sự thành công của buổi biểu diễn hôm nay, trong lòng các bạn thanh niên đang dâng lên niềm vui sướng, phấn khởi. Họ túm tụm bàn tán cười đùa, quên cả cái đói, cái rét. Thanh và Côn phải nhắc đến lần thứ ba họ mới chịu vào phòng. Thanh hô hào các bạn trật tự rồi đưa ra các nhận xét:
  • Nói chung buổi biễu diễn hôm nay đạt kết quả rất tốt, đã góp phần cho phong trào văn hóa văn nghệ của chi đoàn đi lên, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Về khuyết điểm, vì biểu diễn lần đầu cho nên đa số các bạn có tâm lý sợ sệt. vẫn còn run, giọng chưa được chuẩn. Phong cách biểu diễn chưa có, đề nghị tất cả mọi người hãy cố gắng rèn luyện để lần sau biểu diễn đạt kết quả tốt hơn. Hôm nay chi đoàn ta được sự quan tâm của ban quản trị hợp tác xã cho mười cân thóc nếp, chúng tôi xay xát thổi xôi, nấu chè mời tất cả các đồng chí dùng tạm cho đỡ đói.
          Thanh dứt lời, một tràng pháo tay nổi lên. Thanh nói tiếp:
  • Đề nghị anh Thăng cho ý kiến thêm.
           Thăng đứng dậy nói:
  • Giờ cũng đã khuya, xin phép tất cả để khi khác. Nào mời các đồng chí.
Họ cùng nhau ăn uống vui vẻ, lúc sắp ra về ông Cẩm và Xoan ở đâu lại mò vào. Vừa tới cửa Cẩm đã lên tiếng chì chiết:
  • Các cô, các cậu không cho mình chén với à?
          Thăng thấy vậy đứng lên mời ông Cẩm và Xoan:
  • Cháu sơ ý quá, quên khuấy đi mất. Nào mời bác và Xoan cùng ngồi.
          Xoan có vẻ hơi ngượng, có lẽ vì lý do ban nãy cô hát không được, hay là vì cô đi cùng với ông Cẩm.
 
                                                 * * *
 
Tu dìu Cúc về đến nhà. Bà Hoàn và thằng Tý đi xem văn nghệ, còn mỗi ông Hoàn ở nhà. Nghe thấy động ông vùng dậy hỏi:
  • Ai đấy?
  • Dạ con đây, con đưa em về. Em bị váng đầu.
  • Khổ quá, bố đã bảo rồi, chờ cho khỏi hẳn hãy đi làm. Không chịu nghe, tham công tiếc việc làm gì!
           Cúc trả lời:
  • Con chỉ hơi váng đầu chút thôi. Anh ngồi đây chơi với bố, em xin phép vào nằm.
Tu nghe Cúc nói vậy liền bảo:
  • Để anh vào cạo gió cho em!
  • Thôi anh ạ! Bôi tý dầu vào là khỏi.
           Mặc cho Cúc nói vậy Tu vẫn theo cô vào buồng. Vào đến giường Tu ôm choàng lấy Cúc. Cúc bảo:
  • Anh thương em, anh để cho em nghỉ một tẹo, thời gian còn dài việc gì phải vội!
  • Nhưng anh…..nhưng anh…..
  • Không có nhưng gì hết! Em van anh, anh tha cho em.
Nghe Cúc nói vậy, Tu bực mình liếm mép đi ra. Thấy ông Hoàn đã trùm chăn kín đầu, Tu không thèm chào lên xe phóng về.
 Tu mở quạt cho chạy hết tốc lực. Lúc sau cơn bốc hỏa đã dịu đi,Tu nghĩ: Đã bao nhiêu đứa, mình chỉ cần vẩy tay một cái, là nó phải chạy theo, cầu xin để được hầu hạ. Vậy mà cái con nhà quê này lại làm cao đến thế? Được rồi mai kia cưới xong ông sẽ bắt mày phải quỳ dưới chân, ông sẽ không thèm động, cho đến khi mày phát điên, phát rồ lên ông mới tha. Nếu cần ông cho mày nằm chết khô cả đời. Tu nhảy lên xe máy phóng ra phố huyện, tìm ả Hoa mọi ngày vẫn hầu hạ Tu, với ý định trả thù Cúc.
                                                                      N.Đ.V
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 147
Trong tuần: 646
Lượt truy cập: 417467
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.