Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (11-12)

Nguyễn Đạo Vinh

LÀNG CÒ 
 
Chương11
 
         Cúc đang rửa bát ở sân giếng thấy có người đi vào, khi qua chỗ đèn sáng từ trong nhà hắt ra, Cúc mới nhận rõ là lão Thông. Lão ngó nghiêng quanh quất, chả thấy ai trong nhà, lão bèn đánh tiếng:
  • Ông Hoàn, bà Hoàn đi đâu cả rồi?
  • Dạ tôi đây, ai hỏi gì đấy?
Bà Hoàn ở bếp chui ra, thấy lão Thông bà liền bảo:
  • À hóa ra là ông!
  • Ông nhà bà đâu, bà gọi ông ấy về, tôi cần trao đổi.
Ông Hoàn đang đứng vặn van xả nước ra cái nồi đình kêu tồ tồ, thấy lão Thông hỏi liền đi vào:
  • Không phải đi gọi, tôi đây, ông vào chơi.
Ông Hoàn rót cốc nước vối đưa cho lão Thông, Lão dốc cả vào mồm xúc miệng kêu òng ọc, nuốt đánh ực xong lão nói:
  • Ông bà xem, số tôi nó vất vả thế đấy. Ăn cơm chưa nuốt khỏi cổ đã phải đi, cũng vì con vì cháu cả thôi. Chuyện là thế này, hôm nọ ông Cự có trao đổi với tôi, họ đằng nhà ông ấy toàn hàng con cháu, nên đến nói chuyện thì không phải phép. Ông ấy nhờ tôi đến đánh tiếng trước với ông bà, ngày kia, ngày mười sáu tháng một âm lịch, cho phép ông bà và họ mạc bên đó, đem cơi trầu sang ăn hỏi, ông bà cho ý kiến.
Ông Hoàn nghe lão Thông nói xong liền bảo:
  • Ý tôi muốn cho hai cháu nó tìm hiểu thêm.
Bà Hoàn nghe ông Hoàn nói vậy liền đâm ngang:
  • Ôi dào, giai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Để ở nhà nó như quả bom nổ chậm, báu bở gì, gả lúc nào thoát lúc ấy.
         - Đúng đấy, đúng đấy.
         Lão Thông nghe bà Hoàn nói trúng ý mình, vội chộp luôn, lão nói tiếp:
         - Thôi thống nhất thế, tôi về đây.
          Vừa nói, lão vừa đi như chạy ra cổng. Lão thở phào như trút được gánh nặng trên vai. Trong đầu lão nghĩ tới cái xe Dimant và hai chỉ vàng mà Tu hứa hôm nọ.
Nghe hết câu chuyện, chờ lão Thông đi khỏi một tẹo Cúc mới rón rén vào nhà, cô thấy bố chép miệng than thở:
  • Con mình đẻ ra, chăm bẵm nó từ lúc là giọt máu đến giờ, có gả chồng cho con thì cũng phải từ từ, dòm đi, ngó lại chứ, chưa chi đã đồng ý như mớ rau khoai lang còn ra thể thóng gì?
Bà Hoàn như bị điểm huyệt vội bật lò xo:
  • Nó về nhà ấy ngày nào, sướng ngày đó, ông phải mừng cho nó, lại còn phàn nàn chì chiết.
Nói xong bà vùng vằng đi ra.  Cúc lên tiếng:
  • Con thấy bố con nói đúng đấy, mẹ vội vàng thế, để mong con lấy chồng sớm, được hưởng cái sung sướng của nhà chồng. Nhưng không phải thế đâu, mẹ làm như vậy là họ khinh thường nhà mình.
Bà Hoàn mắng át:
  • Sao nãy cô không vào mà nói?
  • Mẹ nói thế mà nghe được à? Con nào dám vào nói chuyện ngang hàng với họ, với bố mẹ.
           Cúc ngao ngán đi ra, ngồi lên thành giếng nghĩ ngợi. Mới cách đây không lâu cô và Thăng cũng ngồi ở chỗ này, vào đêm trăng sáng đẹp trời hai người rủ rỉ chuyện trò, cùng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước, ông trăng trên trời cũng chui xuống giếng để nghe lỏm câu chuyện của hai đứa, giờ thì… giờ thì…còn chi để mà tâm sự đây. Thăng thì phụ bạc, Xoan đứa bạn thân thiết thì cứ lảng tránh hay là … hay là nó khinh mình vì mình hám của, chả qua mình bị dồn vào bước đường cùng mà thôi. Có ai đã từng nói “ đàn bà như hạt mưa sa” mình cũng chỉ là hạt mưa sa, may thì rơi vào bông hoa, chẳng may rơi tõm vào bãi phân trâu cũng phải chịu, chứ biết làm thế nào? Hơn một năm cô yêu Thăng, bao tâm sự vui buồn cô đều kể hết. Anh lắng nghe, chia sẻ, an ủi, động viên, cho nên trong người cô lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm thanh thoát, nụ cười luôn thường trực trên môi. Từ ngày Tu đến với cô, cô chưa bao giờ được cười. Hễ gần nhau là Tu chỉ muốn đè lên người cô để thỏa mãn cơn khát dục vọng mà thôi, chưa bao giờ Tu biết lắng nghe cô nói. Tu luôn sử dụng thế thượng phong của mình để áp đảo cô. Nhiều lần Tu định chiếm đoạt thân xác cô nhưng cô đã tỉnh táo, có phần khôn khéo để tránh khỏi cạm bẫy cám dỗ. Hôm nọ cô bị váng đầu Tu đưa cô về nhà, Tu đã cố tình bất chấp, định chiếm đoạt cô,  bần cùng  quá cô phải xẵng giọng, thâm chí van xin Tu, Tu mới buông tha. Tu không thực hiện được ý định, đã bỏ mặc cô hậm hực đi về, chả cần chào bố mình. Liệu cả đời phải ăn ở với người như Tu thì sẽ ra sao. Hay là … hay là mình quay lại với anh Thăng nói cho rõ sự tình. Không được, biết đâu anh lại từ chối, xỉ vả mình nữa thì sao? Đúng là lòng người thật khó lường. Cô còn nghe các bạn hôm qua kể, giờ Xoan đã làm thay ông Dần, nay mai còn làm chức phó chủ nhiệm hợp tác xã. Đúng rồi họ gạt mình ra, để đưa nhau lên. Thế mà mình lại còn hi vọng ở con người này. Thôi đành, đời người chỉ có một lần. Thôi đành….
* * *langco1
                                              
Ngày Mười sáu tháng Một âm lịch, đúng tám giờ sáng, một đoàn người rẽ vào cổng nhà ông Hoàn, đi đầu là Dương Đình Cự. Lão Cự mặc bộ comple màu xám tro, đeo cà vạt xanh, chân đi đôi giầy da đen, bóng loáng, Vương Trí Thông đi bên phải,  Trần Xuân Cẩm đi bên trái, sau đó bảy thanh niên choai choai mười lăm mười sáu, đội bảy tráp trên đầu, cái nào cũng được phủ một miếng vải đỏ có chữ song hỷ. Tiếp đến là đoàn tùy tùng vài chục người ở độ tuổi trung niên. Tu đi sau đám đội tráp mặc comple trắng thát cà vạt đỏ trông rất oách.
Nhà ông bà Hoàn hôm nay cũng được trang hoàng, cửa chính giữa mở toang, trên bàn thờ bày biện ít hoa quả. Ngoài chiếc bàn uống nước hàng ngày, còn có thêm hai bộ bàn ghế kê ở gian giữa, bên trên được phủ một lớp khăn trải bàn màu xanh lá cây. Hai cụ lão họ đại diện cho bên nội và bên ngoại ông Hoàn, cùng cô gì chú bác của Cúc đang ngồi trên phản uống nước. Đoàn nhà trai do lão Cự dẫn đầu đi vào, Cự cúi đầu:
  • Xin chào các cụ ạ!
Mọi người nhà trai vào ngồi chật ba bàn, tốp thanh niên đội tráp đứng ngoài sân đang giỡn nhau, khúc khích cười đùa. Chờ cho mọi người ngồi ổn định, lão Thông đứng lên lấy tay sửa lại chiếc cà vạt rồi nói:
  • Kính thưa các cụ, các ông, các bà và các cháu đại diện cho hai họ. Được sự nhất trí của họ nhà gái, và nhất là ông bà Hoàn. Hôm nay họ nhà trai chúng tôi có sửa lễ đến để trình tổ mong các cụ cho phép.
Lão Thông nói xong ngồi xuống. Ông Nghĩa đại diện cho họ nhà gái đứng lên:
  • Kính thưa các cụ, người xưa có câu, trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, cho nên hai cháu đã đồng ý, hai bên gia đình đều ưng thuận, thì chúng ta phải đứng ra lo cho con cho cháu. Qua lời ông Thông đại diện cho nhà trai, tôi đại diện nhà gái xin vâng.
Lão Thông đứng dậy nói tiếp:
  • Xin phép các cụ cho dâng lễ.
Từng cái tráp theo thứ tự được bà Hoàn đón nhận đưa lên bàn thờ,  ông Nghĩa ra thắp mấy nén nhang , khấn vái tổ tiên, như sực nhớ, ông quay ra gọi to:
  • Cháu Cúc đâu nhỉ.
Cúc đang ngồi với Thanh, nghe thấy ông Nghĩa gọi liền chạy lên:
  • Dạ, cháu đây ạ!
  • Cháu và Tu đi vào lễ tổ.
Ông đưa cho Cúc và Tu mỗi người một nén nhang đang cháy. Cúc cầm nén nhang hai tay chắp trước ngực, cúi đầu vài, Tu cầm nén nhang đứng ưỡn ngực, đực mặt, cứ thế cắm nhang vào bát rồi xoay người đi ra. Lão Thông dứng lên nói tiếp:
  • Thưa các cụ hai họ, thủ tục làm lễ ăn hỏi và dẫn cưới đã xong. Tôi xin chính thức công bố, lịch tổ chức lễ cưới cho hai cháu được nhà trai ấn định như sau. Chiều nay ông bà Hoàn cho cháu Cúc lên xã đăng ký. Lễ cưới sẽ được tổ chức vào ngày mười chín tháng này, tức là chủ nhật tới. Lễ xin dâu và đón dâu vào hồi tám giờ sáng cùng ngày.
Ông Nghĩa nghe xong liền đáp lời:
  • Các cụ bên nhà làm gì mà gấp gáp thế, để cho hai cháu nó tìm hiểu nhau thêm, phần nữa là để cho ông bà Hoàn còn có thời gian chuẩn bị.
Lão Cự  nghe ông Nghĩa nói ra câu ấy liền đứng phắt dậy:
  • Thưa các cụ, cháu Tu con tôi được nhà nước cử sang nước ngoài học tập, ba năm mới về phép một lần, thời gian nghỉ có hạn, vả lại tôi vào tận Nghệ An để xem ngày cho cháu, ông thầy cao tay phán. Cả năm chỉ có ngày mười chín tới là tốt nhất không còn có ngày nào tốt nữa, mong các cụ thông cảm. Tôi nghĩ thủ tục ăn hỏi xin cưới đến đây là xong, xin phép các cụ.
Vừa nói Cự vừa nháy mắt ra hiệu cho lão Thông. Lão Thông hiểu ý đứng dậy giục mọi người ra về. Ông Nghĩa thấy thế vội vàng đứng lên :
  • Các cụ hãy thư thư cho một lát, để nhà gái còn lại quả.
Cự cộc lốc:
  • Khỏi cần, khỏi cần, chiều cháu Tu sang nó đèo về.
Đoàn nhà trai vừa đi ra tới cổng, cụ Do không nén nổi bực dọc liền chửi:
  • Mẹ cha chúng nó, tổ sư chúng nó, cậy lắm tiền nhiều của, cậy làm quan to à? Khinh người ra mặt, không thèm vái ông bà ông vải nhà mình lấy một vái. Hỏi vợ cho con mà cứ như là đi ăn cướp. Con cháu nhà mình là người hẳn hoi, tử tế, có phải là mớ rau, mớ cỏ đâu mà chúng nó xử sự như thế.
Bà Hoàn thấy cụ Do chửi các ông bên nhà trai táo tợn quá, bà cứ chắp hai tay xin cụ tha thứ. Cụ Do nghe chừng chửi đã chán mồm, lại thấy bà Hoàn cứ chắp tay xin xỏ, cụ bực mình bỏ về. Mấy cụ còn lại và ông Nghĩa thấy vậy cũng xin phép rút lui.
Ông Hoàn tiếng là chủ gia đình thật, ngồi từ đầu đến cuối, chứng kiến mọi sự việc, ông không phải là không biết gì. Ông biết rõ tất cả nhưng ông không dám nói chỉ vì ông mang ơn bà Hoàn đã cứu mình, ông mang ơn hai cụ thân sinh ra bà Hoàn đã dạy dỗ, coi mình như con đẻ để rồi lại gả bà Hoàn cho ông. Ông sống được đến giờ là nhờ bà Hoàn, cho nên mọi việc quyết đáp trong nhà ông không dám bàn. Ông tự coi mình là loại người bỏ đi ông chỉ như một cái bóng trong nhà. Ông nhớ lại cách đây hơn chục năm, do vấp ngã làm đổ cái phạng đựng mỡ bị bà Hoàn té tát, day dí hàng tháng trời không tha. Hễ ông định góp ý cái gì, đều bị bà Hoàn chặn họng không cho nói. Ông như con trạch nằm trong giỏ cua, nó cắp, nó nghiến lúc nào không biết, vì thế ông trở nên âm thầm, nhu nhược, cho nên bà Hoàn càng ngày càng làm già. Mọi việc từ to đến nhỏ bà đều quyết đáp không cho ông tham gia.
Cúc rất thương bố, và lại càng thương hơn, khi nghe được câu chuyện mẹ kể lại tối hôm mẹ vào nằm với cô.. Chờ bà Hoàn đi xuống bếp, cô tiến lại gần bố rồi nói:
  • Con biết bố không hài lòng cho con lấy Tu. Chính bản thân con cũng chả yêu gì anh ấy, nhưng vì… Nhưng vì mẹ con cứ bắt ép con phải lấy Tu, phần nữa anh Thăng lại ruồng rẫy con, con đau khổ lắm bố ạ, con đành phải chấp nhận lấy Tu cho bố đỡ bị mẹ con đay nghiến chì chiết.
Ông Hoàn nghe Cúc nói, khóc rưng rức, nấc lên, nấc xuống mấy lần, mãi sau ông mới bảo:
  • Con ạ, bố thương con lắm nhưng chả biết làm thế nào, con cũng thông cảm cho bố.
                                                                   * * *
 
Ngay từ lúc đoàn nhà trai đội lễ ăn hỏi dẫn cưới sang nhà bà Hoàn, dân làng Cò Quay đã túm tụm nhau bàn tán, những người được tận mắt chứng kiến đều xuýt xoa:
  • Con bé Cúc có số đào hoa sướng thật. Từ thủa cha sinh, mẹ đẻ đến nay mới thấy có đám này là một, ăn hỏi gì mà những bảy tráp.
Họ còn kháo nhau, nhà trai sắm cho cô dâu một cái dây chuyền vàng, to bằng cái xích chó. Một đôi hoa tai năm chỉ, mấy cái nhẫn đeo tay, cũng có người bĩu môi dè bỉu: Ôi dào, hám của thì chết, đừng tưởng bở cứ thấy mỡ là húp, nó dử cho một tẹo lăn vào, bố con nó nhào nặn, chỉ còn bộ hom, lại cắp sống cắp áo về nhà mẹ đẻ sớm.
Hai giờ chiều Tu phóng xe đến để đèo Cúc lên xã đăng ký. Cúc ngồi trong buồng suy nghĩ. Cô lại nhớ đến Thăng, cô tự đặt câu hỏi. Tại sao ngần ấy thời gian, kể từ khi mình viết lá thư cho anh mà anh chẳng gặp, và nói với cô dù chỉ một câu thôi. Sao ở con người anh lai có điều gì khó hiểu đến vậy. Nấn ná mãi đến khi Tu vào kéo cô, cô mới chịu đi. Tu cho xe nổ máy rồi bảo Cúc  ngồi lên, Cúc cắp chiếc nón lưỡng lự chưa muốn đi, cô bảo :
  • Anh đi trước, em đạp xe theo sau cũng được.
Tu nghe thấy Cúc nói thế trong lòng bực lắm nhưng cố kìm nén, ngọt ngào cất giọng:
  • Em lên xe anh đèo, đăng ký xong còn đi mua sắm mấy thứ .
Bà Hoàn thấy Cúc cứ nhùng nhằng mãi, bà liền quát:
  • Mày có đi không thì bảo?
           Sợ mẹ nóng giận mắng chửi lại khổ lây cho bố, Cúc miễn cưỡng ngồi lên phía sau. Chiếc xe từ từ đi ra ngõ, một tốp các bà, các chị em đứng tụ tập chuyện trò, cô xấu hổ lấy nón che mặt, đằng sau vài ba tiếng nói với theo:
  • Sướng nhé !
Ra đến đường làng, Tu phóng nhanh làm chiếc nón tuột khỏi tay, Cúc bảo:
  • Anh đỗ lại em nhặt cái nón!
  • Thôi vứt đi, chốc mua cái mới.
         Tu cho xe phóng nhanh hơn, Cúc sợ quá nhắm mắt, hai tay ôm chặt lấy Tu. Xe đỗ, Cúc thấy mình đang ở giữa sân ủy ban xã. Tu xuống xe, bảo Cúc đi theo.
Lão Thông ngồi trong phòng thường trực nhìn thấy Tu, lão đưa tay vẫy:
  • Lại đây, lại đây! Bác đã viết sẵn chờ hai đứa ký là xong.
Vừa nói lão Thông vừa đưa tờ giấy cho Tu, Tu rút chiếc bút ra ngoáý ngoáy. Cúc vẫn thập thò ở ngoài, Tu liền giục:
  • Vào ký để còn đi. Cúc nguây nguẩy:
  • Thôi anh ký hộ.
Tu lại lấy bút ngoáy tiếp. Bỏ tờ đăng ký vào túi rồi kéo Cúc ra xe.
Tu lao ra thẳng phố huyện, vào cửa hàng may đo mua cho cô cái quần xatanh, một áo popơlin trắng, rồi kéo Cúc đến hàng tạp hóa. Tu chỉ tay vào các mẫu thiếp:
         - Em chọn thiếp đi.
         - Anh chọn thế nào tùy anh.
         Tu ngồi xuống giở mấy mẫu thiếp ra xem, lấy ba trăm chiếc, nhặt thêm một tá cặp cài nơ đưa cho Cúc:
  • Em xem đẹp không, có muốn mua gì nữa không?
Cúc lắc đầu ra hiệu. Tu bó chặt ba bó thiếp đưa cho Cúc, Cúc vừa đón vừa hỏỉ:
         - Giờ về chứ anh!
  • Đã xong đâu, còn mấy việc nữa, em lên xe đi.
Cúc nghe theo ngồi lên, đi một đoạn Tu dừng lại trước cửa một hiệu nhỏ, bên ngoài bầy bán cuốc xẻng. Anh kéo cô vào sâu bên trong. Tu ra hiệu cho ông chủ cửa hàng, ông biết ý cầm ra một hộp. Trong hộp đựng toàn đồ trang sức vàng, bạc. Tu nhặt hai cái nhẫn đeo vào tay mỗi người một cái. Lấy sợi dây chuyền hai chỉ rưỡi, thêm đôi hoa chỉ rưỡi đeo cho Cúc rồi đứng ngắm, Tu thốt lên:
  • Ôi nữ hoàng của anh. Bây giờ, anh và em vào mời tay Hoàng, nhờ nó ngày kia vào trang trí phông màn hộ. Thằng này khéo tay lắm, chuyên trang trí đám cưới và các hội nghị ở huyện mình đấy.
         Hoàng ở trong nhà nhìn thấy Tu vào liền chạy ra, anh nhìn chằm chằm vào Cúc rồi hỏi:
          -Mày kiếm đâu ra được cô tiên này thế?
  -Vợ tao đấy!
          - Cưới bao giờ mà không mời tao?
          - Ngày kia vào trang trí, cho tao mượn hai cái phông to ở ủy ban huyện nhé. Mày không mời tao vào uống nước được à ?
          Như sực tỉnh Hoàng đưa cả hai tay ra:
  • Mời, mời bà tiên vào nhà.
Tu kéo Cúc đi vào, Cúc đặt bọc thiếp mời, quần áo  xuống chiếc giường bên cạnh, ra ghế ngồi cùng Tu. Tu đứng lên nháy Hoàng ra ngoài hai người nói gì với nhau, Cúc chỉ nghe lõm bõm:
  • Bên phải!
         Hoàng vào ngăn trong bê ra hai cốc nước, Hoàng bảo:
  • Hai bạn ngồi chơi uống nước, mình đi đón thằng cu.
Nói xong, Hoàng dắt xe đi.
Còn lại Tu và Cúc, Tu đưa cốc nước bảo Cúc uống, cầm cốc còn lại làm một hơi. Cúc uống từng ngụm nhỏ rồi đặt cốc xuống bàn. Tu mừng thầm. Hôm nay thì hết đường tránh, đang hí hửng như sắp vớ được con mồi, tự dưng hai mắt cứ díp lại không tài nào mở ra được. Tu lăn ngay xuống đất, Cúc thấy vậy sợ quá kêu thất thanh:
  • Anh Tu, anh Tu ơi, anh làm sao thế này?
Cô giật tóc mai lay gọi mãi không thấy Tu mở mắt, liền chạy ra ngoài tìm người cầu cứu. Vừa lúc đó vợ Hoàng đèo con về, thấy có người lạ đang hốt hoảng đứng ở sân nhà mình, cô hỏi:
  • Sao chị lại đứng đây?
Cúc như người chết đuối vớ được cọc liền thưa:
  • Chị ơi, chị vào xem anh Tu em làm sao? Vừa mới uống hết cốc nước anh Hoàng đưa cho, đã lăn quay xuống đất. Em lay gọi mãi chả thấy anh ấy mở mắt, em cũng uống một cốc nhưng có làm sao đâu?
Vợ Hoàng nghe Cúc nói vậy vội chạy vào, chị lấy tay sờ vào mạch cổ Tu, quan sát mặt, không có biểu hiện gì, chị bảo:
  • Anh ấy chắc phải lo công việc, mệt quá lăn ra ngủ đấy thôi, không việc gì đâu. À thế anh Hoàng nhà chị đi đâu?
  • Anh đi đón cháu chị ạ!
  • Thế em với Tu đây là thế nào?
  • Em với anh ấy chiều nay lên xã đăng ký kết hôn rồi đi mua sắm, sau đó vào đây để mời anh chị. Đến ngày kia chúng em làm lễ cưới, chị vào mừng cho chúng em nhé .
  • Ờ chị sẽ vào, ông này phải ngủ ít nhất đến mười giờ đêm mới dậy, cô cứ yên trí ngồi chơi.
Nghe vợ Hoàng nói vậy Cúc giẫy nẩy:
  • Thế này thì gay quá, biết làm sao bây giờ.
Chị Hoàng thấy Cúc tỏ ra lo lắng liền hỏi:
  • Em làm gì mà vội thế, ở đây ăn cơm cùng vợ chồng chị, chờ Tu tỉnh lại đèo em về.
  • Chị ơi! Bố em không thấy em về sinh lo lắng. Chị cất giúp em mấy thứ này, lúc nào anh Tu dậy chị đưa hộ em, kẻo lên ô tô bọn lưu manh nó giật mất.
  • Ừ phải đấy !
Chị Hoàng cầm món tư trang cất vào tủ rồi dặn con:
  • Con ngồi trông nhà, mẹ đèo cô ra bến xe cho kịp.
Thằng cu nghe mẹ dặn gật đầu, ngồi xuống bậu cửa. Chị giục Cúc :
  • Lên mau chị đèo.
           Hoàng đi đâu về xộc thẳng lên nhà, nhìn thấy Tu nằm thẳng cẳng, anh quay ra hỏi vợ:
  • Thằng Tu nó làm sao hở em, con bé kia đâu rồi ?
  • Anh tự hỏi mình ấy.
Hoàng ra vẻ không biết liền hỏi lại:
  • Em bảo anh tự hỏi anh là thế nào?
Vợ Hoàng nhẹ nhàng bảo:
  • Ông chồng quý hóa của em ơi, anh quên em là một bác sĩ hay sao?
Nghe đến đây Hoàng chột dạ đứng im, không dám nói gì nữa. Lúc sau vợ Hoàng bảo:
  • Đàn ông các anh hèn lắm.
Nghe vợ nói câu ấy Hoàng nghĩ, vợ mình đã biết không thể giấu nổi. Anh hỏi lại nhằm lấp liếm các suy nghĩ, lo lắng của mình:
  • Cái con bé đi với Tu nó đâu?
Vợ Hoàng rành rọi từng câu:
  • Cô - ấy - về - rồi- anh- có- tiếc- không.?
Hoàng lại bị vợ dồn cho một câu nữa đau hơn. Anh đành thú thực.
  • Tại thằng Tu nó nhờ anh, anh mới giúp nó. Anh đâu có thế!
  • Ừ thì cứ cho là Tu nó nhờ anh, chứ không thì anh không làm. Nhưng anh thử ngồi quan sát xem con gà, con chó nó muốn làm tình với nhau, nó còn phải vờn vã nhau chán, nó dần dần từng bước, từng bước một đến khi cả hai đều cảm thấy hưng phấn thì nó mới thực hiện hành vi giao phối, và sản phẩm của cuộc giao phối ấy nó mới có giá trị về mọi mặt. Đằng này các anh định làm tình trên cái cơ thể, chỉ còn sống như thực vật, không biết một tí gì, chỉ cốt giải quyết cơn thèm khát dục vọng mà thôi.
Hoàng nghe vợ phân tích rất có lý, liền đưa ra câu có tính chất xoa dịu:
  • Em nói cứ như một nhà nghiên cứu về tình dục học?
  • Ồ, anh thấy em nói sai hả?
  • Không rất đúng , còn quá đúng là khác. Anh chắp tay xin chịu em, không có cái gì lọt qua được mắt em. Anh hứa từ nay ạnh không dại dột làm những việc tương tự như thế nữa.
                                                   
* * *
 
Cúc và Tu đi khỏi, bà Hoàn vào nhà ngồi soạn lễ. Tráp ăn hỏi thỉ chả nói làm gì có buồng cau năm chục quả, một chai rượu nửa lít, ba chục lá trầu. Tráp thứ hai có ba tút thuốc lá Cửu Long. Tráp thứ ba có năm chục cau rời với vài cân chè bồm, quả đáng tội có thêm hai lạng chè móc.Tráp thứ năm bà dỡ ra được một túi bằng giấy tráng nến trong đựng độ hai ba cân bánh quy. Tráp thứ sáu có hơn chục gói kẹo gia công. Tráp thứ bảy toàn cau khô kèm theo một phong bì dầy cộp, bà chắc mẩm tất cả nó nằm trong này. Mở phong bì ra, đếm đi, đếm lại ba, bốn lần tất cả có đúng hai trăm bạc. Bà lẩm bẩm tổ sư nó giầu thế mà kiết lõ. Không giấu hết nổi sự chán chường, bà nằm vật ra đất thở dài. Bà nghĩ, thế này thì lấy mả bố nó ở đâu ra để mua sắm bây giờ, cỗ bàn thì trông vào đâu? Cũng may là hôm nọ chưa đưa tiền ngói cho lão Thông. Trong nhà còn được hai ngàn bạc chi tiết kiệm thì may ra cũng đủ. Hay là …. Hay là đem bán chai rượu tây thằng Tu biếu hôm nọ. Nó bảo trị giá khoảng năm sáu tấn thóc, giờ mình bán rẻ lấy tấn thôi cũng được. Nhưng bán ở đâu, bán cho ai bây giờ, bà cứ bần thần, hết đi ra lại đi vào, chẳng nghĩ được việc gì cho ra hồn. Cuối cùng bà đổ hết cau tươi, cau khô vào một cái mủng, nhét vào gầm giường Trầu không bà dem ra dấp nước rồi rải hết xuống đất, chè thuốc cho vào ngăn tủ, bánh kẹo cho vào một cái thúng treo lơ lửng trên xà nhà. Bà đem bảy cái tráp ra vứt chồng đống ở đầu hè.
Bà giận mình đã nghe lời lão Thông đẩy con vào, không biết nó có sống nổi ở nhà ấy không. Bà hận bố con thằng Tu ăn ở không biết điều. Dọn dẹp xong đâu đấy, thì Cúc cũng về đến nhà, Cúc hỏi mẹ:
  • Mẹ nấu cơm tối chưa!
Bà Hoàn bực mình gắt:
  • Chưa về đến nhà đã cơm với cháo.
  • Ơ hay hôm nay mẹ làm sao thế!
  • Còn làm sao nữa. Thằng Tu đâu?
  • Anh ấy chưa về mẹ ạ, con phải đi ô tô về trước.
  • Được rồi, để tý nó về đây tao chửi cho một trận. Khốn nạn! Dẫn cưới ăn hỏi được trăm quả cau, ít kẹo bánh mốc. Tiền có hai trăm đồng bạc thì mua sắm gì?
  • Mẹ nói khẽ thôi, bên ngoài nghe tiếng họ cười cho.
Hai mẹ con kéo nhau vào buồng thì thầm. Bà Hoàn nghe con gái kể lại, chuyện Tu mua cho cô ngần ấy thứ và Tu còn bảo ông bô xin hợp tác xã hai con lợn cỡ tạ móc đem sang. Bà Hoàn nghe xong nét mặt lại tươi rói, bà bảo:
  • Thôi ra dọn cơm, ăn xong còn lên danh sách để mời cho kịp con ạ
 
Chương 12
 
Mới có hơn sáu giờ sáng, Thăng đã quần áo chỉnh tề, chải đầu gọn gẽ. Bà Tường hỏi:
  • Mới mờ đất mà con đã định đi đâu vậy?
  • Con hôm nay phải duyệt phương án của các đội, để mai còn lên huyện mẹ ạ. Có lẽ trưa nay con về muộn, mẹ có đói cứ ăn cơm trước đi, con đi đây.
 Thăng lao ngay ra ngoài. Trời hôm nay ít sương nhưng giá buốt quá. Không biết đợt mạ cuối gieo cách đây chục hôm, có qua khỏi đận rét này không. Lý do hôm nay anh đi làm sớm, vì mẹ anh nghe tin hôm nay là ngày ăn hỏi, dẫn cưới của Cúc. Từ lúc được tin ấy cụ buồn lắm, chả nhẽ cứ ở nhà ngồi nhìn mẹ trong tâm thái như thế. Thăng ra đến trụ sở, cửa phòng đã mở. Ông Dần đang kiểm tra lại các con số. Vào tới nơi Thăng hỏi:
  • Bác hôm nay ra sớm thế?
  • Ôi dào, ở nhà có mỗi ngọn đèn, mấy đứa tranh nhau ngồi học, cãi nhau chí chóe. Tôi ra đây làm cho đỡ điếc tai.
  • Cháu tưởng Xoan làm xong cho bác rồi?
       - Tối hôm kia cô ấy mang phương án sang rồi bảo: “cháu làm xong hết rồi”.  Tôi bảo lại, thế thì cháu đem ra mà duyệt, sao lại còn đem sang cho bác. Nó trả lời: “Ngày kia nhà ông Cự ăn hỏi cho anh Tu, cháu được trên phân công làm trưởng ban lễ tân, không ra được”. Chán quá, chán ơi là chán. Hôm bàn giao cho cô Xoan, phương án tôi làm đã gần xong, chỉ còn chốt sổ cân đối lại. Thế mà chả biết nó cộng trừ, nhân chia kiểu gì, cứ tẩy xóa lung tung, không còn nhìn được rõ con số nào. Tôi phải lục tung tìm lại các bản nháp. May quá nó vẫn còn, chứ nếu không phải dỡ ra làm lại.
       Ông Dần nói một thôi dài rồi lại cắm cúi vào làm. Lúc sau Thăng hỏi:
  • Liệu từ giờ đến trưa bác có làm xong không?
  • Xong anh ạ, anh để tôi duyệt cuối cùng vậy.
Thăng đi ra ngoài gọi:
  • Anh Sáng, anh Sáng có đây không ?
Sáng ngồi dưới phòng bảo vệ nghe tiếng chạy lên hỏi Thăng :
  • Chú bảo gì anh đấy?
  • Anh xem có phòng nào trống, dọn dẹp sạch sẽ để ông Dần xuống dưới đó làm cho tĩnh.
Sáng gật đầu đi luôn.
Ông Dần vừa nói đến Xoan làm cho Thăng nhớ lại. Có lẽ phải đến tuần lễ nay anh chưa gặp mặt, trước đó cứ gặp ở đâu là cô ta xoắn xuýt vào, làm anh lắm lúc ngượng tím mặt. Thăng ra cửa ngóng, kia rồi mấy bà đội trưởng đang đi vào. Gần đến chỗ Thăng, bà Tuyển mở màn hỏi:
  • Chú đến sớm thế?
  • Vâng! Mời các bà vào xơi nước. Hôm nay duyệt tất các đội, có lẽ phải quá trưa mới xong. Đội ông Dần xin duyệt sau vì còn phải tính toán lại.
Bà Tý lém lên tiếng:
  • Thế ông Dần đâu? Tôi tưởng cô Xoan làm hộ xong rồi cơ mà?
Bà Phong nghe thấy bà Tý nói vậy liền buông lời:
  • Ứ ừ, cái ngữ ấy thì làm được cái gì? Còn đang định đưa nhau lên làm phó chủ nhiệm thay anh Thăng nữa kia. Chó mặc áo hoa.
Bà Hòe từ lúc vào đến giờ ngồi im, nghe mọi người bàn tán bà cũng chêm vào:
  • Chả biết làm cái việc gì, mà hôm nào cũng sang nhà ông Cẩm. Có hôm còn ăn cơm trưa ở đấy không về, tôi nghe chính mồm bà Duy nói ra. Chuyến này làng ta có khối kịch hay để mà xem đây.
Thăng chờ mọi người dứt chuyện anh đứng lên nói:
  • Thôi ta làm việc, đề nghị bà Tuyền mở phương án của đội, báo cáo cụ thể từng mục một, các đội trưởng còn lại, ngồi nghe xem số liệu đã đúng chưa, muốn hỏi hoặc góp ý chỗ nào thì để sau.
                                                             * * *
 
          Bà Tường đang ngồi thái bèo, nghe có tiếng gọi ở cổng. Bà nhìn ra thấy vợ chồng ông Tiềm đang đi vào, bà liền cất lời.
  • Gớm! Tiếng là hàng xóm láng giềng, tắt lửa tối đèn, mà một năm chả ngồi với nhau được vài lần, trừ mấy ngày tết.
Bà Tường đổ nắm bèo đã thái vào xô rồi nói tiếp:
  • Mời ông em, bà em vào chơi. Trách thì trách vậy thôi, chứ tôi biết, ông bà phải đi làm tối mắt, tối mũi có đâu thời gian mà chơi.
Vào đến tận nơi, bà Tiềm mới ân cần hỏi:
  • Bà chị dạo này có còn đau không?
  • Ôi đau lắm bà ạ, cũng tại mình cả thôi, lúc khỏe làm cố quá, gánh gạch cứ chất đến ngọn quang. Đi khám họ bảo là sụt mất hai đốt sống, thôi vào nhà đi.
Bà rót hai cốc nước đưa cho ông, bà Tiềm. Ông Tiềm đón cốc nước rồi nói:
  • Bà cứ mặc em!
Bà Tiềm nhổ miếng bã trầu vào ống rồi cất lời:
  • Bà chị ạ, bà thông cảm cho chúng em, cũng bởi quanh năm ngày tháng, có lúc nào ngẩng mặt lên được đâu. Em nhớ lần này là lần thứ ba trong năm, em mới sang đến đây. Chả giấu gì bà, cách đây mấy hôm, em về ăn giỗ cụ thân sinh ra em. Thằng cháu con ông anh gửi thư về hỏi thăm và biếu em hộp kẹo. Họ gọi là gì nhỉ… là kẹo cô tiên hay cô tiếc gì, em chả rõ.
 Ông Tiềm nghe vợ nói bật cười bào:
  • Kẹo sô- cô- la ở bên Đức.
Cả ba cùng cười.
  • Thôi để em nói nốt. À cái hộp kẹo gì ấy, em thắp hương các cụ, hôm nay mới giở ra, đem biếu chị vài cái ăn cho biết. Ngon hay không đừng chê.
  • Quý hóa quá, quý hóa quá, ông bà có lòng thế thì còn ai dám chê.
Bà Tường giơ hai tay ra đỡ, rồi đặt lên ban thờ, bà rối rít nói:
  • Ông bà xơi nước đi, Trên đời này quý nhau nhất là ở cái tấm lòng thơm thảo, luôn luôn nghĩ về nhau, lo cho nhau, anh em chín bỏ làm mười. Chứ giầu mà không có bụng thì cũng vứt hết, vứt hết.
Ông Tiềm nhấp một ngụm nước rồi nói:
  • Em còn nhớ như in cái đêm anh Tường về. Năm ấy vào khoảng năm bốn chín hay năm mươi gì đấy. Hôm ấy chả biết làm sao, em tự dưng mất ngủ. Em cứ đi loăng quăng, rồi bỗng dưng nghe thấy tiếng loạt xoạt ở góc vườn. Em ngồi xuống quan sát định kiếm cái gậy vì ngỡ là trộm, sau đó lại thôi, em hỏi: Ai? Anh đây, khẽ chứ! Nhận ra tiếng anh Tường nhà mình, em liền xán lại, rồi được anh cho biết. Anh được trên giao nhiệm vụ, xuống hậu phương xây dựng lực lượng, để quấy rối không cho bọn Pháp rảnh tay, tập trung lực lượng đánh vào khu căn cứ địa Việt Bắc. Anh tạt qua nhà một tý xem sao. Anh bị kẹt ở bãi sông Cái đã hai ngày nay vì bọn Pháp và bọn tề phục ghê lắm, không làm sao vượt được. Cũng may tối đó có một bè gỗ xuôi, chúng mở cống cho bè vào, anh bám theo bè về đến đoạn sông nhà, mò mẫm mãi mới về tới đây. Em giục anh vào nhà thay quần áo, không dễ bị cảm lạnh lắm.
Nghe đến đây bà Tường liền ôm lấy ông Tiềm gào to:
  • Ối ông em ơi là ông em ơi. Không có ông em thì làm sao tôi có thằng Thăng, làm sao tôi ngẩng đầu lên nhìn thiên hạ được.
Bà sụt sùi khóc. Ông Tiềm bảo:
  • Chị có muốn em kể nữa không ?
  • Có, có chứ, em kể đi, chị nghe đây.
 Bà cứ cuống quýt nói, sợ ông Tiềm đổi ý. Ông Tiềm nhấp nốt chỗ nước rồi kể tiếp:
  • Em ngồi canh cho đến khi anh đi một lúc, em mới vào ngủ. Em còn thấy cụ bà giả vờ xuống nấu cám để hong quần áo cho anh. Sau chị chửa Thằng Thăng, dân làng họ xì xào là chị chửa hoang, em cứ mặc kệ. Rồi cái năm cải cách, tay Thông, tay Cự nó vu cho ông Tường nhà mình là gián điệp của Quốc dân đảng, nó bắt rồi cùm anh ở nhà ông Ngô. Cự và Thông bàn nhau đem anh đi thủ tiêu. Em nghe được, liền tìm cách đưa anh đi trốn.
  • Ối giời ơi là giời, đất ơi là đất tôi không ngờ lại có ông em đây, là quý nhân phù trợ cho gia đình tôi có được niềm vui hôm nay.
Bà định quỳ xuống vái ông Tiềm, ông Tiềm bảo:
  • Chị không được làm thế, thì em mới kể.
Bà Tiềm ngồi từ nãy đến giờ nghe ông Tiềm nói chuyện, bà ngạc nhiên bảo:
  • Ở với ông bao nhiêu năm chả thấy ông cậy răng nói với tôi câu nào? Sao hôm nay ông nhiều chuyện thế!
  • Tôi thì thiếu gì chuyện, nhưng thôi hôm nay tạm khất bà, mạn phép chị để khi khác. Giờ em phải về để đi sang thiến hộ ông Đạm con lợn.
 
* * *
        Công việc duyệt phương án của các đội, đến quá trưa mới xong. Mọi người đã ra về hết Thăng vẫn ngồi ở lại, chống hai tay lên cằm mắt nhìn xa xăm. Anh ngao ngán cho thân phận nghèo hèn của mình, rồi anh lại tự động viên an ủi. Chẳng qua mỗi người mỗi hoàn cảnh, vả lại đất nước còn đang chiến tranh, người nông dân phải nhịn ăn, nhịn mặc để cung cấp lương thực,  thực phẩm, áo quần, thuốc men cho tiền tuyến, chứ bình thường thì chắc gì Tu đã hơn mình. Chẳng qua là bố nó làm to, luồn lọt xin xỏ chứ là cái quái gì. Nghĩ đến đây anh thu dọn sổ sách đứng lên đi về, vừa đến sân, anh gọi:
  • Mẹ ơi! Mẹ ăn cơm chưa ?
  • Mẹ vừa nấu xong, sắp chín, con đi rửa mặt mũi chân tay rồi vào ăn là vừa. À này, mẹ dặn để khỏi quên nhé. Hôm nào rỗi con sắm cái lễ sang bên ông bà Tiềm, bây giờ mẹ cho con sang, làm con đỡ đầu ông bà bên ấy.
  • Sao tự dưng mẹ lại cho con, làm con đỡ đầu của ông bà Tiềm. Mẹ có lẫn không đấy?
  • Không mẹ chả lẫn đâu con ạ! Cứ rửa ráy, vào ăn cơm, rồi mẹ kể cho mà nghe.
Cơm nước xong, mẹ anh bảo:
          Ông bà Tiềm sáng nay sang đây chơi, ông kể lại thời kỳ hoạt động với bố con. Qua lời ông, mẹ mới rõ, sao có người hàng xóm tốt bụng và lại kín tiếng đến thế? Rồi bà kể hết mọi chuyện cho con nghe. Nghe xong Thăng đứng dậy nói:
  • Mẹ ơi, cả gia đình nhà mình có được như ngày hôm nay, cũng bởi bao người đã hy sinh tính mạng của cải, họ không sợ chết, không màng danh lợi, địa vị. Bởi thế cho nên mình cần phải báo đáp mẹ ạ ! Mai lên huyện họp, lúc về con sẽ mua ít hoa quả, tối hai mẹ con mình sang. Con xin phép mẹ cho con đi nằm.
           Bà Tường bảo:
  • Ừ nghỉ đi! Con biết được như thế là mẹ rất mừng.
Anh nằm xuống, định nhắm mắt cố ngủ cho đỡ mệt, nhưng hình ảnh Cúc cứ lởn vởn, lởn vởn đâu đây. Mới hôm nào cô bê bát cháo, nước mắt nhạt nhòa đưa cho anh, mới hôm nào cô còn ngồi cùng mẹ anh ở cái giường kia. Mới hôm nào anh còn đứng ôm cô đến mười hai giờ đêm, ở ngoài bụi râm bụt gần cổng ra vào kia. Từ hôm nay và mãi mãi về sau anh phải xa Cúc, nghĩ đến đây nước mắt anh lại tuôn ra. Người đời thường hay nói “ cái duyên, cái số ” có lẽ cũng đúng chăng. Thôi thì đành chấp nhận vậy, mà suy cho cùng thì phải chấp nhận, chứ bắt ép người ta sao được.
Hôm nay ăn hỏi dẫn cưới, thì chắc chỉ dăm bữa nửa tháng nữa là cưới. Mình nên mua tặng phẩm gì cho Cúc đây? Gương lược ư? Không được. Quần áo ư? Lại càng không. Nghĩ mãi, anh quyết định mua tặng Cúc đôi khăn tắm, để ngày ngày Cúc dùng đến, nó sẽ thay mình ngắm những đường nét trên cơ thể nàng.
                                                                                N.Đ.V


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 141
Trong tuần: 665
Lượt truy cập: 439771
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.