Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KỶ VẬT

Ngyễn Hồng Quang
 
KỈ VẬT YÊU THƯƠNG (Truyện ký)
 
          Thế là Cụ đã xa các con, cháu, chắt về với các bậc tiền bối được hơn hai mươi năm rồi. Mỗi khi nhớ tới ông tôi lại thấy lòng mình thật ray rứt và thương cảm.
Ông đã để lại trong tôi rất nhiều kí ức sâu đậm không thể phai mờ.
 
            Ngày ấy nhà nào làm được căn nhà gỗ, cột kê thì đã là khá lắm rồi. Thường thì trên cái “nóng cốt –xà nóc, họ hay viết chữ “Hoàn thành” vào ngày tháng năm nào và thêm mấy nét hoa văn trang trí cho đẹp. Ông chỉ cần một ngọn tre non đập dập và mấy lõi quả pin đài cũ bỏ đi, ông đập lấy phần than đen trộn với một ít muội đít xoong nồi, hoặc bồ hóng gác bếp, đem giã nhỏ, trộn với một chút bột gạo nếp rồi đem đun sôi lên sẽ thành một loại mực đen nhánh không kém gì mực Tàu. Viết trên nền gỗ đã bào nhẵn cũng khá nổi mà lại giữ màu lâu, qua thời gian, nhiều ngôi nhà bị cũ, hỏng mà màu mực ấy vẫn còn gần như mới.
          Đến các ngày lễ lớn như 3-2. Quốc khánh 2-9, hoặc các đợt tòng quân, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chống Mĩ cứu nước, thì tại đầu làng thường dựng cổng chào bằng tre nứa.  Người ta lấy cây nứa chẻ nan, đan thành tấm lá cót, đem quét nước vôi, để khô cho trắng rồi kẻ, viết khẩu hiệu lên đó. Ngày ấy chưa có vải hay pa- nô áp phích như bây giờ. Tôi còn nhớ các câu khẩu hiệu như: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược,, “Thanh niên ba sẵn sàng , phụ nữ ba đảm đang,, … Nhìn những dòng chữ khẩu hiệu được viết, kẻ to nổi bật trên các cổng chào ra vào thôn bản, lòng tràn đầy niềm tin tưởng và thôi thúc hành động. Ai đi qua cũng phải ngước nhìn lên.
     Ông làm việc ở trên Ủy ban xã cách xa nhà hơn năm cây số mà toàn đi bộ vì đường mòn nhỏ hẹp lại qua rừng, qua suối. Một hôm mưa dầm gió rét cả nhà đợi cơm tối mà mãi chưa thấy bố về, đến tận gần khuya mới thấy bố cầm bó đuốc lập lòe, bên vai đeo một cái túi vải khá to đựng giấy tờ. T ôi chạy ra cửa đón bố hỏi dồn dập:
  - Sao hôm nay bố về muộn thế? Bố có đói lắm không? Cả nhà đang đợi bố đấy!
 Bố vui vẻ đáp:
     -Hôm nay có rất nhiều việc đột xuất nên họp muộn mới xong, con ạ. Mà xã mình vừa bắt được một tên nghi là thám báo đấy.
        Rồi bố cởi chiếc áo khoác ra treo lên móc ở chiếc cột cái giữa nhà. Bố vặn to ngọn đèn dầu dang cháy tù mù trên bàn, thấy mâm cơm còn nguyên chưa ai ăn. Bố vội đi rửa tay rồi giục mọi người ăn cơm kẻo đã khá muộn rồi”
 Thức ăn đợi lâu đã nguội lạnh, nhưng cả nhà quây quần bên mâm cơm rất đầm ấm vui vẻ. Vừa ăn bố vừa kể chuyện thời sự cho cả nhà nghe.
 Bố nói:
   - Đấy các con chú ý nhé, bọn thám báo giả danh là đi mua trâu rồi hỏi thăm đường vào hang Dơi, rồi đường lên đồi tự vệ phòng không của xã. Nhìn thấy dáng điệu khả nghi mấy em thiếu nhi đang chăn trâu ở đầu làng đã nhanh trí vừa giả vờ dẫn họ đi vừa cử nhau chạy đến báo cho chú công an xã biết tin. Qua kiểm tra giấy tờ phát hiện ra đây là bọn đi dò la các trận địa phòng không của ta.
            Bố tôi phụ trách bên Văn hóa xã và kiêm luôn cả giữ thư báo nên bố tôi hay mang về nhà cho chúng tôi những tờ báo cũ đã xuất bản cách đó gần nửa tháng, chúng tôi đọc chẳng bỏ sót chỗ nào. Kể cả mục “thời tiết hôm nay” Nhưng thú vị nhất là phần tin chiến sự ở miền Nam ta tiêu diệt bao nhiêu tên giặc, giải phóng vùng nào… Rồi mục “khoa học thường thức,, dạy cách giữ vệ sinh cá nhân hay chống rét cho trâu bò …muoimuccanh
 
         Ngày ấy, đất nước có chiến tranh máy bay Mĩ bắn phá ném bom miền Bắc. Tàn phá nhiều thành phố làng mạc, gây bao đau thương tang tóc. Nhưng chúng đã bị quân và dân ta trừng trị, bắn rơi rất nhiềumáy bay Mỹ.
           Một hôm bố tôi đi ra thị trấn, gần cây cầu, nhặt được mấy mảnh xác máy bay Mỹ rơi ở đó mang về nhà. Mấy anh em chúng tôi chưa thấy thứ này bao giờ.
Bố tôi nói:
   - Đây là Đuya ra (Tức là hợp kim nhôm) loại này mềm hơn sắt nhưng cứng hơn nhôm và không bị rỉ sét.
    Mấy hôm sau thấy bố tôi dùng cái cưa sắt cắt thành từng mảnh to nhỏ miếng hình tròn, miếng hình vuông hình chữ nhật, sau đó bố tôi đào chỗ đất cứng thành một cái hố tròn tròn, rồi đặt tấm đuya- ra lên trên đó, dùng cái chầy gỗ giã xuống cho lõm tấm đuya -ra thành cái chảo, dùng dũa tu sửa cho nhẵn cạnh sắc và đột lỗ làm tai chảo để cầm. Ngày đó chẳng có máy móc và dụng cụ cắt gọt như bây giờ, mọi việc đều làm thủ công vất vả lắm, chỉ có chiếc cưa sắt, mấy cái đột, chạm và đe búa cùng chiếc dũa ba cạnh. Bố tôi làm cặm cụi mấy buổi mới làm xong được một chiếc chảo.
         Sau đó tùy theo những mảnh to nhỏ mà bố tôi làm ra những chiếc lược chải tóc, phiễu ruôn dầu, ruôn rượu hay cả những chiếc muôi vũm sâu lòng để múc canh, chiếc muôi dãng để xào cơm rang, xào thức ăn và làm cả thìa nhỏ.
 
         Làm cái muôi thì cũng khá giống như làm cái chảo. Nhưng muôi nhỏ hơn lại có phần tay cầm dài và nhỏ hơn, nó sẽ khó đập lõm hơn. Vì thế không làm khuôn ở đất được. Bố tôi nghĩ cách đục hình cái muôi lõm xuống tấm gỗ cứng, việc đục vậy cũng khó khăn lắm nhưng bố tôi vừa đục vừa dùng một ít dầu hỏa đổ xuống để đốt cho cháy mặt gỗ lõm xuống được sâu thêm và nhẵn. Nhưng đốt cũng phải khéo và dập tắt cẩn thận, thì mới được như ý. Có khuôn rồi bố tôi bắt đầu làm muôi từ một tấm đuya ra đã cắt thành hình, làm phần múc của chiếc muôi có lẽ còn dễ hơn khi làm phần tay cầm. Bởi chiếc muôi bố tôi làm có cả phần nhọn được uốn cong để móc và còn được đục lỗ sâu dây thép để treo cho tiện.
    Làm chảo thì có loại chảo to, chảo nhỏ hoặc đáy nông đáy sâu. Còn làm xoong thì sau khi gõ, đập cong lõm dần xuống thì lại dùng đầu một chiếc cột tròn làm đe để gò tiếp
cho tròn và thành chiếc xoong có lòng sâu tùy ý. Gò xong thì đến công đoạn làm tai xoong tức là làm tay cầm. Có hai loại, tay cầm loại đơn giản chỉ cần đục bốn lỗ nhỏ đều hai bên rồi sâu hai sợi dây thép và uốn cong lại là xong. Còn tai cầm bắt ốc hoặc tán đinh thì làm
khó và lâu hơn nhiều, nhưng bền hơn và khi đun nấu nếu có nước đầy thì không bị nước chảy ra theo chỗ tai cầm ấy.
     Làm cái lược thì khâu đầu tiên tương đối dễ, nhưng đến công đoạn cắt răng lược thì phải chú ý cắt cưa cho đúng vạch nếu không thì răng lược không đều hoặc bị chéo dẫn đến đứt, mất răng lược.  Mà cái nào bị mất một, hai răng thì coi như bị loại bỏ. Bố tôi làm hai loại: Lược nam thì nhỏ và thẳng. Lược cho nữ thì to hơn và lưng lược cong cong. Làm lược thì công cưa, dũa thì nhiều hơn cả và cũng phải thật khéo tay và tỉ mỷ từng chi tiết nhỏ. Tôi còn nhớ hồi đó bố tôi làm và còn bán cho bà con xung quanh được mấy chục cái lược, hàng chục cái chảo và mấy cái xoong…
     
       Năm tháng dần trôi, đất nước không còn chiến tranh, đời sống vật chất đã nhiều thay đổi. Những đồ vật mà tự tay bố tôi làm không còn sử dụng mấy nữa, cái thì hỏng cái thì bị quên lãng vứt bỏ. Nhưng chỉ còn cái muôi to thì hai ông bà vẫn thường xuyên dùng, bởỉ chiếc muôi này sâu lòng nên múc được nhiều thức ăn, mà lại đỡ bị nóng vì có phần tay cầm khá dài.
     Một hôm khi ra thăm ông bà, tôi nhìn thấy cảnh hai ông bà đang ăn cơm và trên mâm có chiếc muôi to ấy. Tự nhiên tôi nhớ đến cái cảnh ông chế ra cái muôi đã trôi qua hơn ba mươi năm rồi mà cái muôi vẫn còn dùng tốt và gần như nguyên vẹn. Và tôi nhớ đã bao lần tôi dùng chiếc muôi này múc ngô bung, múc cháo, đặc biệt múc canh rau đay, rau muống cho cả nhà ăn. Chiếc muôi này cũng đã từng múc bao nhiêu ngô, khoai, sắn nuôi anh em chúng tôi lớn lên, đi học rồi đi công tác. Bất chợt tôi nghĩ:
       -Ồ! Mình phải lưu giữ chiếc muôi đó.
Thế rồi, mấy hôm sau tôi đã đi mua mấy chiếc muôi mới nhỏ nhắn hơn đem cho ông bà dùng. Và tôi nói đổ đi rằng:
        -Ông bà ơi! Chiếc muôi này vừa to vừa nặng mà lại cũ quá rồi, con mua muôi mới đổi cho ông bà đây này
Ông đang ngồi đọc báo, ngẩng đầu lên nhìn tôi, rồi ông bảo:
    -Ừ, cứ để đấy cho bố.
   Sau đó tôi bỏ mấy cái muôi mới vào trạn bát dưới bếp cho ông bà và lặng lẽ cất chiếc muôi cũ đem về nhà mình để cất, lưu giữ.
 
    Khoảng hơn một năm sau, bước sang tuổi 83 được dăm tháng thì ông bị đau bụng. Khi xuống Hà Nội vào viện Bạch Mai khám và sinh thiết xong, bác sỹ gọi tôi vào để nói rõ kết quả là ông có khối u ở đại tràng, đã sang giai đoạn cuối. Tôi vô cùng buồn bã, nhưng cũng cố gắng kiềm chế để tạo niềm vui cho ông. Tôi giấu ông và ghi ngệch ngoạc giả làm chữ bác sỹ là ông bị rối loạn đường ruột về nhà cần ăn nhiều rau, uống nhiều nước và uống thêm các loại vi ta min…
        Hôm khám bệnh xong tôi và người anh trai có gia đình ở Hà Nội, cố tạo điều kiện để ông đi thăm vài nơi ở thủ đô. Nơi mà ngày xưa ông đã từng làm công nhân ở nhà máy in
Tiến Bộ, ông thuộc rất nhiều địa danh phố phừơng Hà Nội. Đặc biệt ông rất tự hào khi đến thăm lăng Bác. Chính anh trai tôi là một trong 10 người công nhân của tỉnh Hà Giang được tuyển chọn cử đi xây lăng Bác cùng với công nhân các tỉnh khác. Khi công việc xây Lăng Bác đã hoàn thành, thì anh tôi được cử đi lao động 3 năm ở Bun- Ga -Ri vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước. Vả lại ông cụ là bộ đội chống Pháp, đảng viên kì cựu nên ông rất thích thăm quan viện bảo tàng cách mạng.
          Tối hôm đó khi cơm nước xong tôi nói với ông:
-Mai hai cha con mình đi thăm lăng Bác, ông nhé!
Ông hỏi lại tôi:
-Thế anh đã vào lăng viếng Bác lần nào chưa?
Tôi đáp:
-Dạ con chưa ạ!
Rồi ông nói:
-Thế thì mai tôi sẽ dẫn anh đi.
     Sáng sớm hôm sau tôi thuê một chuyến tắc xi cùng ông đi thăm Lăng Bác, thăm nhà sàn của Bác, thăm Viện bảo tàng cách mạng. Hai cha con đi tới đâu ông cũng chỉ dẫn cho tôi nghe rất nhiều và thật tỷ mỉ. Đến xế trưa tôi và ông chụp ảnh kỉ niệm ở bên cạnh ao cá Bác Hồ.
       Tôi đưa ông đi tham quan như là cách để ông thư giãn quên đi bệnh tật đau đớn, muốn tỏ lòng hiếu thảo với người cha thân yêu của mình. Nhưng ông lại nghĩ rằng, chính
ông phải có trách nhiệm hướng dẫn cho tôi thăm các di tích lịch sử đó. Bởi tôi chưa có dịp đến thăm lần nào.
     Tôi đưa ông đi tham quan và dạo chơi phố phường. Rồi chọn một nhà hàng ẩm thực khá thoáng đãng đưa ông vào ăn thứ gì đó. Tôi hỏi ý kiến ông, rồi gọi hai tô cháo lươn rất nóng giòn thơm phức. Vừa ăn ông vừa nói:
   -Chỉ ở Hà Nội mới có món cháo lươn tuyệt vời này. Họ có bí quyết riêng đấy con ạ. Tôi đáp:
- Vâng ạ!
        Rồi tôi cố tạo ra không khí vui vẻ và chú ý nghe những lời ông nói. Chứ thật lòng tôi chẳng có hứng thú gì ăn uống gì cả. Bởi tôi ngắm nhìn thấy ông gầy đi nhiều quá, và chạnh lòng nghĩ ông đã trải qua bao khó khăn thử thách, bao nỗi thăng trầm của cuộc đời. Cảnh nhà nghèo đông con, ông cố gắng bươn chải, tằn tiện để nuôi anh em chúng tôi lớn lên, được đi học, rồi đi công tác, đến giờ vừa mới bớt được chút vất vả thì tuổi già rồi bệnh tật hiểm nghèo lại ập đến …Vẫn biết không ai có thể tránh được qui luật của tạo hoá nhưng lòng tôi buồn lắm. Tôi tự hứa với chính lòng mình là làm tất cả những gì có thể để ông được vui vẻ.
 
       Mặc dầu là đi khám bệnh, nhưng tinh thần ông luôn lạc quan, tác phong người lính Địên Biên năm xưa vẫn còn sâu đậm trong ông. Ông hào hứng kể cho tôi nghe và nhắc đến nhiều địa danh ở Hà Nội mà lần đầu tôi được biết.
 
     Thế rồi thời gian trôi đi, sau khi ông mất được 10 năm và bà cũng đã đi cùng ông được 7 năm, thì xây nhà mồ mới cho hai cụ. Hôm khánh thành, trong bữa cơm gia đình có cả những người con cháu ở xa về. Tôi mới mang chiếc muôi này ra để giới thiệu
 
       Tôi đã nói với mọi người là chiếc muôi này do chính tay ông cụ làm ra, giờ đây ông cụ đã đi xa. Chiếc muôi là một kỉ vật vô cùng quí giá đối với tôi và anh em con cháu chúng tôi. Nhắc nhớ về ông, về những năm tháng khó khăn gian khổ khi xưa.
      Thứ nhất: Chiếc muôi đươc làm ra từ mảnh xác máy bay Mĩ bị bắn rơi, nhắc nhớ ta về một thời kì chiến tranh ác liệt, và là chiến tích lịch sử hào hùng của đất nước
      Thứ hai:  Chiếc muôi này do chính đôi bàn tay ông làm ra bằng những công cụ hết sức đơn sơ. Ông đã đi xa giờ không thể có chiếc muôi nào như chiếc muôi này được nữa.
        Thứ ba: Chiếc muôi này đã múc không biết bao nhiêu lượt cơm, canh, ngô, khoai, sắn … Nuôi anh em chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Và chiếc muôi đã chứng kiến bao nhiêu ngày tháng gian nan, thăng trầm cơ cực của ngày trước.
 
    Trong niềm xúc động dâng trào, rất tự nhiên tôi nẩy ra một ý nghĩ là mời uống rượu bằng chính chiếc muôi này. Tôi rót rượu từ chai ra cái chén, từ chén đem đổ vào chiếc muôi, rồi tôi cầm muôi lần lượt mời rượu từng người có mặt trong bữa cơm hôm đó. Ai cũng nâng muôi trên hai tay thật trân trọng và uống rượu rất vui vẻ, vừa uống vừa chụp ảnh làm lưu niệm. Nhiều người thấy thích thú và cảm động vì lần đầu tiên được uống rượu bằng muôi và là chiếc muôi đặc biệt. Trong một ngày cũng rất đặc biệt như ngày hôm nay. Tôi phấn khích đọc tặng cả nhà bài thơ tôi vừa mới cảm tác:
    CHIẾC MUÔI. Con viết bài thơ dâng kính cha/Chiếc muôi -  kỉ vật của nhà ta /Xưa muôi múc canh rau, khoai sắn /Múc cả gian nan suốt một thời…Con uống rượu thơm một chút thôi /Lấy muôi làm chén khó đầy vơi /Chiếc muôi như chiếc thuyền yêu mến /Chở cả xưa -nay dạ bồi hồi …/Chiếc muôi nay như biết nói cười /Như nắng bừng lên rạng niềm vui /Múc đầy nữa thêm tình đoàn kết /Uống mãi yêu thương tưởng nhớ Người
            Rồi hàng năm cứ đến ngày giỗ ông, tôi lại mang chiếc muôi ra thắp hương và mời mọi người thưởng chút rượu thơm, thừa lộc, bằng chính chiếc muôi do tay ông cụ chế tác ra. Chiếc muôi múc cơm, canh mà ngỡ như đang đong đầy cả những thương yêu mênh mông vô bờ bến của ông dành cho con cháu qua chiếc muôi nhỏ bé này.
 
                 Thời gian cứ dần trôi, cuộc sống có bao điều thay đổi. Nhưng tôi tin rằng những kí ức về ông, người lính Cụ Hồ. Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Về chiếc muôi và những tháng năm gian khó mà hào hùng, sẽ mãi còn trong tâm trí của anh em con cháu chúng tôi. Giờ đây chiếc muôi nhỏ này mãi là niềm tự hào về ông. Là kỉ vật yêu thương vô giá. Nhắc nhớ và động viên anh em con cháu tinh thần đoàn kết, vượt qua gian khó để dựng xây cuộc sống đi lên ngày một no ấm, vững vàng hơn, tốt đẹp hơn. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và ngày mai đi dự lễ giỗ Cụ tôi lại đem chiếc muôi này đặt lên bàn thờ để thắp hương, dùng muôi để mời rượu mọi người. Sẽ giới thiệu cho các con các cháu hiểu nhiều hơn về những năm tháng gian khổ mà hào hùng xưa kia. Cùng nhau gìn giữ chiếu muôi- Kỉ vật yêu thương của cả đại gia đình.
 
                                                                                 4-2024
                                                                                    N.H.Q
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 66
Trong tuần: 748
Lượt truy cập: 439989
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.