Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KỶ NIỆM VỀ X.EXENHIN

NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X.ÊXENHIN

 exenhin

                                                                                    Nadejda Vonpin

      Nadejda Vonpin sinh năm 1900. Năm 1919 tham gia Hiệp hội các nhà thơ Nga. Nhưng sự nghiệp chính của bà là dịch thuật. Bà dịch thơ của Ovidia, Horaxơ, Gớt, Huygo, Bairon ra tiếng Nga. Các tác phẩm của Kupơ, Oantơ Xcot, Merime, Henrich Man…cũng đến tay bạn đọc Nga qua bản dịch của bà.

    Khi tham gia Hiệp hội các nhà thơ, bà là người gần gũi với X. E-xê-nhin. Những trang hồi ức của bà là tư liệu quý báu vì người cùng thời với E-xê-nhin còn lại rất hiếm hoi. (Chú thích của Tạp chí Tuổi trẻ số 10 năm 1986)

 

                        VŨ NHO  dịch

 

                             LẦN QUEN BIẾT ĐẦU TIÊN

Trong trụ sở Hiệp hội các nhà thơ (Những năm đó ở 18, Tơ-ver-xcai-a, quán cà phê “Domino” cũ) tổ chức kỉ niệm hai năm Cách mạng tháng Mười. Có nhiều phát biểu. Các tên tuổi diễn giả hầu như không được nổi lắm. Có ai đó trong số những người điều khiển đi xuống cạnh bàn E-xê-nhin ngồi :

- Xéc-gây, phát biểu chứ ?

- Ấy không, không đâu…

- Không tốt đâu nhé ! Tên cậu có trong áp phích !

- Nhưng mà người ta chẳng hỏi gì tôi… Kiểu ấy thì có thể đưa cả Puskin vào chương trình.

Tôi lấy can đảm đi đến bên con người tóc sáng mà mình chưa quen nhưng lại là khách thường xuyên của “Domino” ( Đó là tên tôi gọi đùa quán cà phê của các nhà thơ). Tôi ấp úng :

- Tự tôi yêu cầu…và thay mặt các bạn bè nữa. Chúng tôi chưa lần nào được nghe anh. Nhưng chúng tôi đã đọc, đã biết anh thuộc lòng…

Nhà thơ đứng lên, nghiêng mình nhã nhặn :

- Đối với các bạn – xin sẵn lòng ! – Và anh bước lên diễn đàn.

Ở đây, cần giải thích một chút. Trước đó hai tuần, khi tôi được tham gia vào Hiệp hội các nhà thơ, cũng ở diễn đàn này, tôi đã đọc thơ của mình. Và sau này người ta kể cho tôi hay rằng E-xê-nhin và Ma-rien-gov cùng với mọi người nghe tôi khen ngợi nồng nhiệt. E-xê-nhin năm 1919 được biết khá rộng rãi nhưng còn chưa nổi tiếng.

Lúc đó anh đã đọc rút từ tập “ Trinh bạch Gioocđani” : “Mẹ - tổ quốc tôi”, “Tôi – người bonsevic”, sau đó là “Bài ca về con chó”.

Tôi không thường xuyên ghé vào “Domino”. Ở đấy, điều thú vị nhất bắt đầu khoảng suýt soát nửa đêm. Mà tôi thì sống ở một căn phòng người ta quy định những điều kiện đặc biệt. Họ không giao cho tôi chìa khóa căn hộ. “ - Hãy bấm chuông, gõ cửa. Agasa sẽ mở”. Chỉ có vào ban ngày, lúc đó tôi mới tới ăn trưa ở chỗ Hội liên hiệp các nhà thơ. Ở chỗ này, trong “Phòng các nhà thơ”, lần nào cũng thấy E-xê-nhin. Nhưng tôi không tin chắc rằng anh nhớ ra tôi. Không phải là không vượt qua được – nhưng tôi không dám chào ! Tôi hình dung anh chìm đắm trong tư lự, trong những ý tưởng và cảm xúc riêng tư… Trong khi đó, chính bản thân anh có lần nhìn tôi chằm chằm từ xa, dường như anh trách cứ…- Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng không là người đầu tiên chào hỏi chứ ? – Tôi cảm thấy thế.

… Tôi ngồi bàn hai với bạn trai từ thời thơ ấu Xa-nhia K. và chúng tôi ăn trưa. Còn từ một cái bàn xa E-xê-nhin nhìn vào chúng tôi. Xa-nhia về trước tôi. Khi đó, E-xê-nhin lại gần bàn :

- Chị có nhận ra không nhỉ ? Hình như chúng ta quen nhau. Và anh hỏi “Cái người trẻ tuổi đẹp giai vừa ngồi với chị” là ai vậy ?

- Nhà thơ trẻ - Người anh em cùng vú nuôi với tôi.

- Cùng vú nuôi à ? Các cô gái thường hay trả lời “lấp lửng” cho sự tò mò không cố ý. Còn chị thì là “cùng vú nuôi” !

Câu chuyện bắt đầu nhen nhóm.

- Vì sao khi chị đi vào, chị không là người chào đầu tiên ?

- Nhưng vì chính anh cũng chẳng lần nào chào hỏi…

       - Tôi thì không có quy định. Chẳng lẽ bà của chị không dạy cho chị rằng người phải chào đầu tiên là phụ nữ, còn đàn ông thì không nên : để không làm cho người phụ nữ ngượng nếu như chị ta không tiện thú nhận sự quen biết trước mọi người.

Tôi mỉm cười :

- Không phải bà, không phải mẹ, mà là người anh lớn dạy tôi giọng nói tốt. Những chữ quan trọng hàng đầu là : Đừng nhát gan ! Đừng hớt lẻo !

Từ ngày hôm ấy, tôi thường xuyên chuyện trò với E-xê-nhin trong các buổi gặp gỡ.

Mùa xuân 1920. Hiệp hội các nhà thơ có bầu cử. Trời nóng khổ sở. Bỏ phiếu kín. Tôi mang tấm phiếu của mình vào căn phòng hoàn toàn nhỏ xíu của Ban chấp hành. Khi đó E-xê-nhin theo sau tôi.

- Tám ba phải không ? – Anh hỏi.

- Không. Tất cả mười. Bảy vào Ban chấp hành, còn…

 - Ôi ! Thế là anh cười phá lên vui vẻ ! – Tôi không nói về bầu cử, mà về đường hẻm Vxe-vo-lo-dơ-xki, thế số nhà ?

Ô, nằng nặc đòi đến thăm nhà ! Cho đến lúc này, khi có chuyện E-xê-nhin tiễn tôi, chúng tôi đều chia tay trước khi đến nhà – Tôi không muốn để anh biết tôi phải gọi cửa Agasa khổ sở như thế nào. Anh sẽ nghĩ gì khi ấy ?

                                 

NGƯỜI TINH VI

Ngày tháng tư ấm áp. Tôi đứng trước quầy sách trong Hiệp hội các nhà thơ. Tôi lựa chọn mấy cuốn. E-xê-nhin hiện ra phía sau, nhìn qua vai tôi :

- Sao chị lại vung phí tiền bạc cho bất cứ thứ đồ bỏ đi nào ?

Tôi lập tức cảm thấy vui thích.

- Tôi chẳng có bao nhiêu, giá như mua cái gì đó thì chẳng đủ. Nhưng giá sách thì lại quá rẻ.

Dầu sao thì nhận xét của E-xê-nhin cũng khắc sâu vào ý thức của tôi. Cái đó, anh hẳn là dạy tôi sự cẩn trọng ? Đặc điểm hết sức nông thôn so với thành thị.

- Không phải tất cả là đồ bỏ. Anh xem này – Tôi chìa ra cuốn sách của Kliuev “ Những tiếng chuông thông ngân”.

Câu chuyện chuyển sang các nhà văn.

- Kliuev…chị, chắc là chị nghĩ…một anh nhà quê từ xứ làng hẻo lánh. Nhưng anh ta là một tay tinh vi. Đến nỗi mình không nắm bắt được. Chị có muốn biết anh ta là gì không ? – Anh ta là Oxca Oai-lơ đi giày cỏ.

Oai-lơ đi giày cỏ ! Theo giọng nói thì không rõ đó là khen ngợi hay quở trách. Nhưng lại gợi ra sự kêu gọi tự bảo vệ : các người phán xét ta như là một kẻ làm giày cỏ nào đó…

Về sau, vào mùa thu năm hai mốt, E-xê-nhin bắt đầu kể cho tôi nghe với giọng giáo huấn về một nền văn học Nga cổ - một nền văn học vĩ đại mà “các trường đại học của chị không thể hiểu nổi, chỉ đào xới ngoài rìa”. Cần phải tìm kiếm nó ở các tầng hầm tu viện, ở những người lang bạt thoát li. Nó có những người săn lùng riêng, những nhà bác học sành sỏi riêng của mình. Cả đời, người ta cũng không thấu hiểu hết được nó. Rồi anh nói thêm như kết luận :

- Trong lĩnh vực  hiểu biết đó, Kliuev là một viện sĩ.

 

                                    NHÀ THƠ VÀ NHÀ PHÊ BÌNH

    Giữa nhiều thứ chủ nghĩa khi đó trong thơ ca, có một thứ chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa biểu hiện. Những người đề xướng nó là các nhà thơ trẻ : Ni-co-lai De-men-cov và Ip-po-lit Xo-co-lov ( Vâng, tôi còn nhớ thêm Gu-ri Xi-do-rov). Vào tháng Tám năm 1919, lần đầu tiên sau khi bước qua ngưỡng cửa Hiệp hội các nhà thơ, tôi đứng cạnh lối vào quầy sách mua cuốn sách trắng gồm 16 trang với nhan đề “ Ip-po-lit Xo-co-lov toàn tập tác phẩm”. Dù tôi không nhồi vào đầu óc non trẻ giàu sức chứa của mình, nhưng cả hai người ấn tượng chủ nghĩa, tôi chỉ nhớ được một nửa dòng thơ “…du thuyền môi”. Mà tôi chỉ nhớ mỗi trọng âm rơi vào âm tiết đầu tiên – như người ta thuyết phục tôi : rất là kiểu Ý.

    Anh chàng Xo-co-lov này thật kì quặc. Anh ta sợ chết khiếp bị dính vào dịch sốt phát ban ở Mat-xcơ-va đói khát. Anh ta không cho phép mình ngồi xuống ghế nơi công cộng. Một lần chính tôi thấy anh ta đứng nghe bài giảng của giáo sư Xa-cu-li-na suốt buổi không ghi chép gì. Nhưng đến mùa xuân năm 1920, Ip-po-lit bắt đầu đổi hướng từ nhà thơ sang nhà phê bình. Ngọn lửa pháo binh của mình, anh ta nhằm cái đầu thứ nhất là E-xê-nhin mà dội xuống.

    Hễ E-xê-nhin đọc cái gì đó ở sân khấu thì anh chàng Ip-po-lit xuất hiện ngay sau đó trước công chúng. Dáng vẻ bề ngoài anh ta không còn trẻ. Cao lớn, đẫy đà, hơi còng còng, khuôn mặt sần sùi nặng nề, trông anh ta già hơn chục tuổi so với tuổi mười tám. Anh ta bước lên sân khấu, rút ra chiếc cặp giấy tờ chuẩn bị sẵn, và với cái giọng rin rít như dao cắt vào đĩa ăn, anh ta giảng giải. Anh ta khẳng định rằng E-xê-nhin chẳng có cái gì của riêng mình. Toàn bộ hệ thống hình tượng, tất cả thánh mẫu cùng với bầy chiên đều bắt chước hoàn toàn theo nhà thơ người Đức Rai-ne-ra Ma-ri Rin-ke. Đúng, của Rin-ke vĩ đại !

    Rồi anh ta đọc to thoạt đầu là những dòng tiếng Đức, sau đó là bản dịch tiếng Nga sát ý từng chữ, và cuối cùng là những dòng rất giống với chúng của E-xê-nhin. Đặc biệt như là “Những đám mây sủa lên/ thinh không nhe nanh vàng gầm thét”.

    Công chúng nghe và buồn bã. Họ đến đây thưởng thức “không theo tiêu chuẩn”, nhìn các nhà thơ sống và lắng nghe họ đọc thơ. Dù E-xê-nhin không phát biểu, nhưng tất cả đều kéo lên sân khấu với “những lời tố cáo” của mình. Ai đó kêu to : “ Thôi đi nào, Ip-po-lit, E-xê-nhin không biết tiếng Đức !”. Ip-po-lit vẫn khăng khăng : “ Thế lại càng tồi tệ hơn. Nghĩa là không ảnh hưởng trực tiếp, mà thông qua sự học đòi thô bỉ, yếu ớt”.

    Lúc đầu, E-xê-nhin nghe với sự cười mỉa. Ip-po-lit nhắc hết lần nọ đến lần kia, cuối cùng nhắc đến từ “ăn cắp văn”. Bản thân Xéc-gây E-xê-nhin không nghe trực tiếp, nhưng khi chuyện đến tai anh, anh yêu cầu cảnh cáo Ip-po-lit rằng nếu anh ta còn lặp lại tương tự thì E-xê-nhin sẽ “đánh vỡ mõm”.

    Hai ngày sau, E-xê-nhin đưa tôi đến Hiệp hội nhà thơ để ăn tối. Chúng tôi ngồi ở “ Phòng các nhà thơ” cách xa chỗ vòm gương – không nhìn rõ sân khấu. Chúng tôi vừa cầm dĩa thì Da-kha-rov – Men-xki gầy và dài ngoẵng bổ đến bên cạnh E-xê-nhin, nói ngọt xớt với sự ham thích thấy trước vụ xì căng đan :

  • Ip-po-lit đã xuất hiện rồi, đang đọc những đoạn trích.

E-xê-nhin yêu cầu tôi đừng đứng dậy, còn anh băng đến chỗ vòm gương. Tôi cũng không thể ngồi.

Ip-po-lit đang nói rất rành rọt, nhấn mạnh : “…ăn cắp văn trực tiếp…”. Anh ta chưa kịp vê tròn cuốn sổ của mình, E-xê-nhin hệt như nghệ sĩ xiếc, bay thẳng lên sàn diễn. Một cú vung tay thẳng cánh. Một nhát tát…không, không có tiếng động. Trên khuôn mặt nhệu nhạo của nhà phê bình, vết bàn tay đỏ tấy.

Ồn ào, náo loạn. Chúng tôi không hiểu sao cũng ăn xong bữa tối. Đã rõ một điều : sẽ có phiên tòa công cộng.

Chúng tôi đi ba người : E-xê-nhin và nhà thơ chủ nghĩa hình tượng Gru-di-nov tiễn tôi qua đại lộ Tơ-ve-rơ-xki về nhà. E-xê-nhin rất xúc động. Anh hình như không bằng lòng với mình. Nhưng có vẻ như ngay bây giờ, anh  chuẩn bị đến thẳng tòa án bào chữa cho hành vi của mình. Sự không hài lòng bản thân càng sâu thêm khi anh nghe tôi nói rằng “Ip-po-lit mới nhìn thì như một ông chú đường bệ, nhưng thực tế thì anh ta chỉ mới mười tám tuổi”. Lập tức, Gru-di-nov, một tâm hồn hiền hậu bấm tôi dừng lại và tỉa nhẹ : - Sự tinh tế phụ nữ của chị ở đâu ? Chị không thấy hay sao ? Anh ấy đang phiền muộn như thế.

Nhưng Xéc-gây tỉnh táo và chứng minh – cho bản thân hơn là cho hai chúng tôi – rằng anh đã hành động theo lẽ công bằng.

- Không thể để yên sự trâng tráo của kẻ cuồng chữ quá đáng được ! Không, tôi sẽ không xin lỗi anh ta trước công chúng…- Và bỗng nhiên, anh tự cắt lời mình : - À, mà Rai-ne-rơ Ma-ri-a của anh ta có lẽ là nhà thơ lớn !

Chẳng phải đợi phiên tòa lâu. Nó diễn ra vào ban ngày ở phòng đầu tiên “ăn nóng” của Hiệp hội các nhà thơ. Bàn được dọn đi. Phòng chật ních. Tôi đứng nghe, cạnh bức tường, không đến được “vòm gương”. Gần hơn một chút là Mai-a-cov-xki. Những lời của E-xê-nhin bay đến chỗ chúng tôi :

- Mỗi người ở địa vị tôi cũng sẽ làm như thế.

Còn Mai-a-cov-xki, sau khi cân nhắc, khẽ khàng nhưng dõng dạc : “Tôi à ? Không bao giờ !”.

    Bản án cũng nhẹ nhàng : E-xê-nhin bị cấm xuất hiện trong “Hiệp hội các nhà thơ” một tháng.

                                        

THUỐC LÁ

Mùa hè năm 1920.

Tôi thú nhận với Gru-di-nov :

- Thật là sợ thay cho E-xê-nhin. Có cảm giác hệt như anh ấy nhắm mắt đi trên dây cáp. Chỉ gọi giật một cái là rớt xuống.

- Nhưng không phải chỉ mình chị nghĩ thế - Gru-di-nov trả lời ngắn gọn, xác đáng.

Sau một dạ hội văn học, tôi và E-xê-nhin đi dạo song đôi rất lâu. Hết đại lộ Tơ-ve-rơ-xki lại theo phố Tơ-ve-rơ-xki…Chúng tôi “thăm hỏi Puskin”.

- Tôi cảm thấy sao đói thế. Chúng mình rẽ vào Hiệp hội các nhà thơ ăn tối nhé ?

Chúng tôi vào. Chương trình đã kết thúc từ lâu. Hoàn toàn vắng người. Trong phòng thứ hai, nơi các thành viên Hiệp hội ăn uống chẳng có ai. Chỉ ở hàng ghế giữa có người ngồi một mình nhả khói – Mai-a-cov-xki.

Chị phục vụ thanh minh rằng chẳng còn món thịt nào, và nói chung chẳng còn gì – Chỉ còn mỗi khoai tây rán, mà rán bằng dầu hướng dương.

- Nhưng tôi thì tôi lại thích khoai tây rán dầu hướng dương- Xéc-gây nói dịu dàng.

Chúng tôi tiếp tục mạn đàm. Mai-a-cov-xki nhìn chúng tôi bằng cái nhìn quở trách. Có thể, nhà thơ nhớ lại hai năm trước trong hiệu Cà phê các nhà thơ ở Na-xtan-xki, anh đã nhìn qua vai tôi và thấy tôi chép thơ vào những chỗ trống trên cuốn sách của anh (“Con người”) và anh đòi xem ; còn tôi thì hoảng sợ từ chối. Còn chuyện này nữa : Khi mặc áo ở phòng gửi, người đồng hành với tôi là Vla-di-mir Ma-xơ cố ý hỏi tôi thật to để Mai-a-cov-xki nghe thấy “Chẳng lẽ chị có thể đọc thuộc lòng tất cả các trường ca của Mai-a-cov-xki ư ? “. Còn tôi thì làu bàu đáp : “ Có thể. Trí nhớ tôi rất tốt”.

Trong khi người ta rán khoai cho chúng tôi, Xéc-gây bỗng nhớ ra là thuốc lá của anh đã hết. Bây giờ thì muộn rồi. Những đứa trẻ bán rong thét lên những tên gọi thuốc lá “ Ira, Ira, Iava thuốc lá điếu !” đã kết thúc ngày của mình. Bối rối nhìn quanh. Anh gật đầu hất sang Mai-a-cov-xki “ Vay anh ta”. Anh đứng lên, đi tới.

Rành rọt, thậm chí trang trọng, Mai-a-cov-xki không nói mà phát âm : - Không dám ! – Rồi mở hộp thuốc lá. Tuy nhiên anh ta nói thêm, trêu chọc và liếc xéo con mắt bò vào tôi :

- Tôi sẽ không cho anh thuốc lá !

Trên mặt E-xê-nhin lộ sự ngơ ngác và bực dọc trẻ thơ (Vâng, đúng là trẻ thơ ! Tôi nhớ lại cho mình “ Nào, hỡi chị em phụ nữ, hãy tìm trẻ thơ trong người đàn ông !” Nhà thông thái nào nói câu đó nhỉ ?). Anh nói với tôi, trước khi ngồi xuống chiếc ghế đã bị gạt ra :

- Tôi sẽ không bao giờ quên anh ta chuyện này !

Anh biết rằng tôi thành kính giữ gìn sự trung thành với lá cờ Mai-a-cov-xki, rằng tôi nhiệt tình luôn luôn dạy những người khác đọc “thơ tự do” đặc biệt của anh ấy có nhịp điệu được chăm chút kĩ lưỡng ! Rằng trong Mai-a-cov-xki, thế hệ trẻ tôn kính nhà thơ thứ nhất của thời đại. Còn ở đây, trong Hiệp hội các nhà thơ, tất cả kết thành vòng, đặc biệt là những người theo phái tượng trưng (trừ có mỗi E-xê-nhin) vội vã hạ bệ Maia : “ Nhà thơ gì anh ta ! – Ivan Gru-di-nov lớn tiếng – Anh ta là kẻ to mồm !”. Còn tôi thì thường xuyên phản đối, rằng họ bị đè bẹp bởi sức mạnh của thơ Maia, và chỉ gào kêu thảm thương dưới đế giày của anh ấy.

Bữa tối được đưa ra và ăn xong. Chúng tôi uống chè. Chè thật cần thiết trong đêm ấm áp này sau một ngày quá nóng ! Sau khi bắn ánh mắt sang bàn bên cạnh ( Mai-a-cov-xki đang buồn bã đứng lên), Xéc-gây dằn từng tiếng :

- Chị sẽ thấy, không đầy một năm, tôi sẽ vượt anh ta !

Vào những năm ấy, đối với rất nhiều nhà thơ, tự khen mình dường như là một thủ pháp văn chương. “ Tôi là Igo Xe-ve-ra-nhin thiên tài !” – Một người kêu lên. “ Hãy ngợi ca tôi ! Vĩ đại không xứng với tôi” – Mai-a-cov-xki yêu cầu. Những dòng chữ đề tặng tự khen của Ma-rien-gov trên sách tặng : “ Ma-rien-gov thông minh, xinh đẹp, tài năng tặng Nadejda Vonpin”. Tất cả những thứ đó không phải là sự huênh hoang, mà như là một thứ mốt. E-xê-nhin không chạy theo mốt đó. Anh cẩn trọng mang trong mình tầm vóc một nhà thơ lớn bẩm sinh nhưng chưa lớn hết tầm. Và tất nhiên, ngay từ hôm nay, trước “Lễ cầu nguyện bốn chục ngày”, trước “Sự xưng tội của kẻ du đãng”, trước “ Pu-ga-chov”- anh đã biết giá trị của mình. Và đã vạch ra thời hạn chính xác : một năm !

                                          NỖI BUỒN

Thời kì nặng nề đối với tôi. Em gái ốm. Khó khăn kinh tế, gia đình suýt lâm vào đói khát. Tôi tha những thùng nước từ tầng một lên tầng bốn của chúng tôi. Tôi cưa gỗ, bổ củi cho “cô tư sản” ( tên một loại lò sưởi). Mới tháng mười mà đã lạnh cóng. Rồi chạy theo các bài học, thăm trường bồi dưỡng viết văn ! Dường như tôi hoàn toàn bị nghiền nát. Và tôi chẳng biết người bà con của thơ ca làm sao có thể lách qua.

 …Quán đóng cửa, nhưng đống lửa ở hẻm chưa cháy tàn. Hai chúng tôi ngồi sưởi lửa. E-xê-nhin bỗng nói - Lần đầu tiên trước tôi – về nỗi buồn không lối thoát, không vượt qua nổi.

- Chị có nỗi buồn thế không ? Sự trống rỗng bên trong ? Tựa như là chán không thiết sống ?

Tôi đáp rằng tôi có nỗi buồn khác : như khát vọng cái mới, hoặc như đau khổ, nhưng vì nó mà tâm hồn tôi đầy đặn hơn. Sự trống rỗng bên trong ư ? Không, tôi không hề quen biết. Tôi thuyết phục Xéc-gây rằng anh không phải như vậy. Anh dốc hết sức lực vào thơ ca – anh đã viết nhiều đến mức có hiệu suất cao nhất ! Nên không thể không có cảm giác ( tôi cố ý dùng chữ “cảm giác” chứ không phải “cảm thấy”) trống rỗng. Tôi nói như thế, nhưng tôi lại không tin. Thậm chí tôi biết rằng cảm giác trống rỗng làm tổ vững chắc trong anh từ lâu !

- Giá mà yêu thật sự ! Hoặc là sốt phát ban, đằng nào cũng được.

“Giá mà yêu” – Cái đó là trách cứ tôi ( tôi yêu nhưng không thú nhận). Còn về sốt phát ban…Khi đó người ta  cho rằng bện sốt phát ban dường như mang đến sự phục sinh chẳng những cho các tế bào cơ thể mà cho cả cơ cấu tinh thần.

Những hòn than cũng đã lụi từ lâu, đã đến lúc chúng tôi chia tay đống lửa. Chúng tôi đi với nhau. Chúng tôi qua các hẻm Tơ-ve-rơ-xcai-a, Di-mi-trov. Chúng tôi tạm biệt nhau ở đây. Xéc-gây rẽ trái, tôi đi thẳng. Sau khi ném lời “chào tạm biệt”, tôi sẽ đi tắt qua cầu. Tôi thấy loáng thoáng : một chiếc xe chạy như điên, người xà ích đứng trên.

Móng ngựa trượt qua đầu. Ánh vó ngựa đập vào mắt. Hơi thở ngựa nóng trên má, những ngón tay siết chặt vai của bạn. Giật mạnh. Chúng tôi lại cạnh nhau trên vỉa hè.

Con ngựa, cỗ xe, người xà ích đứng trên lao vụt qua bên cạnh.

Anh nhìn vào mắt tôi thật buồn và vô cùng thông cảm !

- Em làm sao thế ? Chính em nhìn thấy thế mà không tránh. Mới mấy ngày trước, khi trong nhà, những ống máng ập đổ xuống đầu, than cháy rắc xuống người em , em cũng đã chẳng nhúc nhích lông mày.

Đúng, từng có chuyện xảy ra như thế. Và anh đã nhanh như chớp túm lấy tôi từ dưới những ống máng đổ.

- Em nói không đúng sự thật làm gì ? Em có biết nỗi buồn và sự trống rỗng đó. Dù sao cũng thế thôi, sống hay không sống.

Tất cả những chuyện đó được nói ra với ngôi “em”, hệt như được rút ra từ trái tim.

- Ấy không, không ! Đó chỉ là…chỉ là sự đãng trí.

Tôi không thể giải thích cho anh sự thật. Trong tôi không phải nỗi buồn của tôi mà là nỗi buồn của anh. Tôi gắng hiểu nó chính xác, để sau khi hiểu, vượt qua được nó và sau đó giúp đỡ anh.

Cảm xúc mạnh mẽ và vui sướng. Tôi vui mừng không phải vì trong những ngày đó E-xê-nhin đã hai lần cứu tôi khỏi tai nạn. Tôi thấy rõ rằng sự chiến thắng nguy hiểm dường như thức dậy trong anh niềm vui sống và nâng cao thêm sức mạnh tinh thần.

 

TỪ ĐIỂN CỦA ĐAN

Trong các nhà thơ trẻ của “ Hiệp hội các nhà thơ” xuất hiện “ viện sĩ hàn lâm”. Nó xem xét nghiêm khắc, bắt bẻ tỉ mẩn các trọng âm, hình thức từ ngữ. Ôi chà, nó sẽ khiển trách ra trò ngay cả Ni-co-lai Alec-xay-evit Ne-cra-xov chỉ vì chút xíu trọng âm ! Tê-o-do Le-vit được gọi là “viện sĩ hàn lâm” mà tuổi mới có mười sau. Trong nhóm chúng tôi còn có một người sành ngôn ngữ - Georghi Ni-co-lai-evit Obon-du-ev, nhạc công kiêm nhà thơ – bạn thân của tôi. Hễ khi tranh cãi với một trong số họ, tôi lại phải kiểm tra lại từ. Lại nhòm vào từ điển !

Ngày hôm sau, khi gặp E-xê-nhin, tôi bỗng nhớ cách đây không lâu, anh hết lời khen ngợi “sáng tạo thiên tài của Đan” với bạn bè. Thế là tôi hỏi :

- Anh có từ điển của Đan ?

- Không.

- Thế họ không bày bán ở chỗ anh à ?

- Lâu rồi người ta không mang tới. Vì sao chị lại hỏi ?

- Tranh cãi ấy mà, cần phải tra. Chẳng lẽ anh không bao giờ phải tra cái gì à ?

- Tra ư ? Để làm gì ? – và anh nói thêm kiêu hãnh – Ngôn ngữ - Đó là tôi !

 

THI SĨ VÀ NỮ THI SĨ

“Ngăn phi mã” năm hai mốt (1921). Chính giữa hè. Mùa hè nóng khủng khiếp kết thúc bởi nạn đói ghê gớm ở Povongie.

- Chị trốn vào đâu vậy ! – Tôi nghe giọng E-xê-nhin.

Anh tìm thấy tôi trong gian phòng lớn đằng sau bếp. Tôi ngồi và kiểm tra lại mình đã nhớ kĩ những bài thơ của mình chuẩn bị đọc trên sân khấu hôm nay chưa.

E-xê-nhin liếc lên chiếc giường cao có tấm chăn vải vụn, phê phán chân thành :

- Bao nhiêu lần tôi nài nỉ chị quẳng thứ của nợ này đi ! Thật như nước đổ lá khoai…

Rồi ngay lập tức, dịu giọng hơn, anh lại quay về phía tôi : - Buồn cười thật ! Hóa ra người chơi vi-ô-lông và người đệm nhạc nhảy của chúng ta là hai vợ chồng ! Thật là buồn cười, phải không ? Nhạc công nam lấy nhạc công nữ ! – Rồi như có điều gì đó vụt trong ý nghĩ, anh nói thêm : - Thi sĩ lấy nữ thi sĩ. Thật buồn cười !

- Chẳng lẽ thế ư ? Rô-be Bra-u-nhin cưới nhà thơ nữ Ê-li-da-bét Ba-ret. Lúc đó nữ sĩ đã rất nổi tiếng, còn nhà thơ thì chỉ sắp bắt đầu vinh quang.
Thế nhưng Giu-mi-lep thì lại tức giận vì An-nu-ska của anh ta “cũng làm thơ” - Chỉ vì thế mà vợ chồng A-khơ-ma-tô-va đã li dị.

Chuyện đó xảy ra vào thời kì “đoạn tuyệt” thường kì của chúng tôi : một bước ngoặt không ngờ đến hòa giải.

Còn sau mấy ngày cũng ở đây, sau bếp, Xéc-gây bỗng bảo tôi - chẳng liên quan gì đến chủ đề câu chuyện :

- Chị muốn để tôi suốt đời gánh chịu, như Lau-ra ! Trời đất ơi, như Lau-ra ! Hình như tôi bằng lòng với hạnh phúc ngắn ngủi nhất, nhưng hạnh phúc tròn đầy - không có sự tuẫn nạn cố ý vĩnh cửu. Nó luôn luôn xảy ra như vậy với chúng tôi : tôi kiếm cớ để đi đến cãi nhau, còn Xéc-gây là người làm lành trước (anh dễ dàng hơn vì biết : dù tôi cáu giận thế nào, nhưng tôi yêu bất di bất dịch …)

Cả hai cuộc nói chuyện này - về hai nhạc công và về Lau-ra gợi tôi nhớ lại trong một cuộc trò chuyện khác của chúng tôi : quãng hai tháng sau, nói riêng với nhau, trong căn phòng của anh ở hẻm Bô-gô-lốp-xki :

- Em không bao giờ lừa dối anh chứ ? Không, em lừa dối ! Xéc-gây trách móc - Em nói, rằng em quý anh hơn tất cả trên đời, rằng em yêu anh hơn cả cuộc sống. Không, hơn tất cả trên đời mà em yêu là thơ của em ! Vì em chẳng vì anh mà từ bỏ thơ đúng không ?

Tôi bỗng buồn cười. Khi nào tôi nói chuyện “tôi yêu anh hơn cả cuộc sống” nhỉ ? Mà tôi có nói thật không ? Đấy là anh tự nói với mình - cứ để anh tự biết, không cần những quả quyết của tôi. Tôi cân nhắc trong đầu rồi trả lời :

- Em yêu anh hơn mọi thứ trên đời, hơn cả cuộc sống, hơn cả thơ của mình. Nhưng em còn yêu thơ hơn cả niềm hạnh phúc với anh. Thế đấy !

- Thôi được, đó, có lẽ là, sự thật …

Còn tôi thì buốt trong đầu : vì sao, vì sao anh cần sự hi sinh ấy ? Để tôi phải vứt bỏ thơ ! Hệt như chúng không phải là một phần đời tôi ! Lẽ nào lại đòi hỏi tôi phải chặt tay mình ?

 

KHÔNG PHÒNG NGỪA

    Vào buổi chiều, tôi vừa mới bước vào phòng đã cảm thấy trong đó không khí nặng nề đến nghẹt thở. Ở một góc, trong lô ghế của những người theo chủ nghĩa hình tượng, một mình E-xê-nhin ngồi, cô đơn dường như bị bỏ rơi xuống ghế. Một tay thõng xuống sau đi văng, tay khác lửng lơ không sức sống. Tôi đi lại gần hơn. Những dòng lệ lặng lẽ chảy, anh không giữ chúng mà cũng không lau đi. Nhưng ngực và cổ thì bất động. Chỉ có đôi mắt khóc. Anh ngẩng lên nhìn tôi :

- Người ta thông báo cho chị chưa ? Blôc, Blôc đã chết ! Tiếng ồn ào các giọng nói gần lại :

- Nhà thơ tốt nhất thời đại mình. Không phòng ngừa … Thật xấu hổ cho tất cả … cho tất cả chúng ta !

Giọng ai đó bình thản - triết nhân

- Bốn mươi tuổi ! Đối với nhà thơ Nga không phải là ít quá. Puskin chỉ có ba mươi bảy.

- Chỉ đối với Nga ư ?

Có tiếng trút ra :

- Bai-rơn - ba mươi sáu.

- Còn Kon-sốp ba mươi ba …

- Selli - ba mươi …

- Kitx hai mươi lăm. Trẻ hơn Ler-môn-tôp !

- Tuổi tác nhà thơ … lẽ nào đo bằng con số ?

E-xê-nhin ném câu đó vào chúng tôi.

 

THÊM CHUYỆN VỀ MAI-A-CÔP-XKI

Tháng tám năm hai mốt. “Ngăn Phi mã”. Lô ghế của những người theo chủ nghĩa hình tượng. Ai đó chỉ ra :

- Hãy xem kìa, cặp đi vào mới đẹp làm sao !

E-xê-nhin :

- Còn tôi thì không biết “người đẹp” nghĩa là thế nào, “người không đẹp” là thế nào. Với tôi, những gương mặt chỉ có thể là “thông minh”, “sắc sảo”, “đôn hậu”, “biểu cảm” … Mai-a-cốp-xki tuyệt vời !

 

 NÓI MỘT CÁCH SÒNG PHẲNG

Năm hai mốt. Mùa thu. Tôi ngồi với Man-đen-stam trong gian thứ hai của Hiệp hội các nhà thơ. Nhìn qua gương tôi nom thấy E-xê-nhin đi vào. Gật đầu nhẹ và nháy mắt. Rồi ngồi xuống bàn bên cạnh. Một mình. Tôi ngồi quay lưng lại phía anh.

Man-đen-stam tiếp tục say sưa đoạn văn trích tiếp : Về Pê-tơ-rap-ka hay về Đăng-tơ ? Tôi nghe rất chăm chú. E-xê-nhin bỗng nhổm phắt dậy, đi vòng qua ghế của tôi và sau khi dừng lại một cách ngoạn mục trước người đàm thoại với tôi, nhìn vào mặt anh ta bằng cặp mắt nheo lại. Sau đó lùi ra xa nửa bước, đoạn ném qua vai, dường như là nhân tiện, nhưng rành rọt :

- Còn anh, O-xip E-mi-le-vit, đang viết những câu thơ tồi !

Man-đen-stam nổi khùng, đứng vọt lên. Nhưng lại ngồi xuống, cười gằn. E-xê-nhin đi xa hơn - vào phòng ban chấp hành.

- Vì sao anh ta làm thế nhỉ ? - Và sau khi nhún vai, O-xip E-mi-le-vit quay lại với cà phê của mình và với chủ đề. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi đã không còn sôi nổi nữa. Tôi mất hứng và nghe rất kém.

Nhưng có thể chuyện này làm cho tôi nhớ chính xác đến mối liên hệ với chuyện sau đó. Qua một tuần, trong cuộc nói chuyện riêng với tôi, trong điều kiện ở trong nhà, E-xê-nhin nói một cách khẳng định :

- Nếu như phán xét một cách sòng phẳng - Thơ của ai thật sự tuyệt vời hơn, thì đó chính là thơ của Man-đen-stam. (Nhân thể tôi lưu ý rằng : trong khi nói E-xê-nhin rất hay dùng tính từ “tuyệt vời” …)

- Vậy làm gì mà khi ấy …

Với giọng quở trách, tôi nhắc E-xê-nhin về ‘trò đểu’ của anh tuần trước.

- Ồ, đó chỉ như là trong sự xung khắc của trường phái thơ ca.

Sự xung khắc trường phái ! Nó liên quan gì ở đây ? Nhà ăn vắng người đâu phải bục sân khấu ? Đơn giản là sự ghen tị, không phải là ghen tuông đàn ông, không. Đấy là sự ghen tị với sự chú ý của thế hệ các nhà thơ trẻ. Tôi nhớ lại cách nửa năm Man-đen-stam đã nói :

- Những người theo chủ nghĩa hình tượng ! Hình tượng ! … Bọn họ chỉ làm phức tạp hóa sự đơn giản. Phải nói “Căn bậc hai của bốn”, đâu có thể nói đơn giản “hai”.

Với câu hỏi của tôi, chuyện đó có liên quan đến E-xê-nhin không, anh ta đáp :

- Đặc biệt là với E-xê-nhin - với những người khác chẳng đáng phải bàn … Nhưng E-xê-nhin … anh ta chẳng có gì để nói : anh ta đứng trước gương, ngắm nghía : “Hãy nhìn đây - tôi là thi sĩ !”

Cần phải xác nhận một cách công bằng : Sau khi vượt qua sự khó chịu cá nhân, E-xê-nhin đã biết đánh giá cao thơ của O-xip Man-đen-stam - một loại thơ khác trường phái. Còn Man-đen-stam thì … Đúng, chính xác là E-xê-nhin không chỉ nói một lần : “Hãy nhìn đây - tôi là thi sĩ !” Nhưng bản chất sự sáng tạo của anh không phải là ở đó. Cái đó làm cho E-xê-nhin trở thành nhà thơ của toàn nhân dân thì Man-đen-stam vẫn xa lạ, không vào được nhận thức của anh ta.

 

VIẾT LỘN NGƯỢC

Thu muộn năm hai mươi mốt. Buổi chiều đó E-xê-nhin chờ tôi đến anh. Đã có thỏa thuận trước … Chúng tôi ngồi cạnh nhau bên lò sưởi. Trong lò là những thanh củi ngắn chưa khô lắm. Xéc-gây vội vã nhóm chúng - nhưng không cháy. Tôi coi mình là thợ nhóm lò có hạng. Tôi cố giành phần việc về mình. Anh không cho : “Chị sẽ làm bẩn mất chiếc áo dài đẹp !” Cái áo không phải là của tôi, mà là của mẹ. Tôi tự nhiên đỏ mặt. Tôi tự nhủ thầm trong đầu : “Tôi là đàn bà mà không phải lúc nào cũng nhận thấy đồ mới sắm ở người khác. Thế mà E-xê-nhin ! …”

Cái lò vẫn cứ bướng bỉnh. Xéc-gây cuối cùng phải chịu thua, lôi tất cả ra đưa cho tôi chất lại, vừa những thanh củi, vừa những thứ để nhóm. Tôi mang diêm xòe lên - và tất cả bén cháy nhẹ nhàng. Hơi ấm tỏa lan, câu chuyện tuôn chảy.

- Này chị hãy xem - E-xê-nhin tự cắt lời mình - tôi nhận được trong thư của Khơ-lép-nhi-côp.

Thơ. Bản viết tay, nhưng không rõ lắm. Ve-le-mi Khơ-lép-nhi-côp. Về Xchen-ka Ra-din-sa. Tôi đọc.

- Chị không nhận thấy gì ư ?

- ?

- Thế chị thử đọc từ phải sang trái. Từng dòng một.

- Ô hô ! Đây mới là nó thật !

- Tôi sẽ không in. Tôi sẽ gửi tiền - anh ta sẽ chết đói ở đó mất, nhưng tôi không thể in. Đấy không phải là thơ mà là ảo thuật.

Tôi lao vào cuộc tranh cãi kịch liệt. Trong thơ ca mọi thứ chỉ là ảo thuật. Vần ảo thuật. Nhịp ảo thuật. Luận cứ của tôi cứ thế trút ra. Còn xon-nê, còn ba lát hay rông đô, đoạn thơ onhê-ghin ư ? Hoặc là hãy nghĩ xem, chẳng có ảo thuật với người La Mã khi Hô-ra-sơ dâng tặng họ đoạn thơ la tinh sao ? Nhà thơ muốn viết “lộn ngược” - đó là quyền của anh ta, còn nhiệm vụ của chúng ta là đọc và đưa cho mọi người đọc.

Trong những ngày ấy tôi không biết một điều cơ bản : “viết lộn ngược” không phải là sự bịa đặt của Khơ-lép-nhi-côp, đó là một thủ pháp cũ, có một tên gọi bằng tiếng Hi Lạp Pa-lin-đrô-mon (có nghĩa là “chạy giật lùi”). Nó có từ cổ xưa. Những luận cứ của E-xê-nhin nhìn chung là giản dị.

- Ve-le-mi có quyền viết kiểu gì cũng được, còn tôi thì có quyền chọn vào tuyển tập hoặc vứt đi.

- Nhưng anh không có quyền - tôi vẫn giữ ý mình - Nhà thơ, nhà thơ lớn làm cho anh có vinh dự đề nghị in thơ của mình ! Nhưng lẽ nào thơ sẽ tồi hơn khi có thể đọc chúng ngược lại ?

- Tôi không làm phiền anh ta, anh ta có thể tháo rời, chơi từ ngữ … Theo tôi đó không phải là thơ. Ở đây thơ bị nghẹt. Chẳng có gì để thở … Tôi không có trách nhiệm in !

- Nhưng anh phải in !

- Vì sao nào ?

- Vì rằng anh ấy chịu trách nhiệm trước thơ mình.

Tôi hăng lên. Rất hùng hổ.

- Chúng ta hãy gửi tiền cho người đói. Như của bố thí ! Như ném xương cho con chó. Còn thơ thì chúng ta không tiếp nhận ! Bởi vì sẽ xúc phạm anh ta !

Tôi đã không nói nổi nữa mà kêu thét lên.

Cả hai chúng tôi đứng rất lâu. Mặt đối mặt nhau. E-xê-nhin xanh xám. Còn tôi thì phẫn nộ nói thẳng thừng :

- Chủ nhà xuất bản, chủ cửa hàng sách, chủ quán cà phê, anh muốn tỏ ra mình là ông chủ của của văn-ho…ọc !

- Tuy nhiên, chị có ý kiến rất tốt đẹp về tôi.

Cái đó là sự bình tĩnh ghê gớm của cơn cuồng nộ.

Tôi đã mặc áo khoác. Trong lòng cảm thấy hối lỗi. Tôi muốn nhảy tới ôm cổ anh, xin thứ lỗi. Nhưng tính tự ái vô lí và sự thích gây sự bướng bỉnh đã cản lại. Đã nguôi đi, tôi cố ý ném lại phía sau một câu nói cuối cùng với hi vọng vào điều tốt (xin hãy bỏ quá cho tôi tất cả những lời độc địa trên kia) :

- Tôi biết, với chuyện tiền nong anh chớ nên vội vã !

Dự định đã được thực hiện. Hai ngày sau, trong “Ngăn” tôi ngồi một mình, xa “lô ghế những người theo chủ nghĩa hình tượng”, khi đó E-xê-nhin - thông qua người phục vụ - đưa cho tôi xem mẩu giấy hóa đơn ghi số tiền gửi đi.

Còn “viết lộn ngược” của Khơ-lép-nhi-côp đã không được in vào trong tuyển tập thường kì của những người theo chủ nghĩa hình tượng.

 

VỚI KÔ-NHEN-CỐP

Tháng mười một năm hai mốt. Tôi ngồi với bạn bè trong “Ngăn Phi mã”. Một người cao lớn, vạm vỡ, có bộ râu dài đen rậm hệt như Xchen-ca Ra-din bước vào. Tôi lập tức nhận ra ông ta : Nhà điêu khắc Kô-nhen-cốp. Tôi nhiều lần nhìn thấy ông trong các cuộc triển lãm, trong xưởng của ông ở Pre-xna.

Có ai bước lại gần tôi.

- Na-di-a, hình như chị biết tiếng Anh ?

- Tôi biết, nhưng không thật thạo.

- Ồ, dù thế nào cũng được. Có mấy phóng viên nước ngoài muốn phỏng vấn chuyện gì đó với Kô-nhen-cốp.

Tôi ngồi vào bàn của họ. Kô-nhen-cốp hình như không nhận ra tôi. Tôi dịch tiếng Anh trôi chảy hơn cả mức mình mong đợi. Kô-nhen-cốp không muốn rời tôi ra, thậm chí mời tôi đi với ông sang Mĩ làm phiên dịch cho ông. Tôi từ chối - đâu phải là chỗ của tôi ! Mà công việc kết thúc ra sao ? Bị vứt khỏi tàu, rơi xuống sóng đang xô đến ư ? Mọi người cười.

- Nếu các vị muốn, tôi sẽ giới thiệu với Xéc-gây E-xê-nhin nhé ? Tôi cùng với người bạn sẽ đến chỗ anh ấy bây giờ (ông không gọi tôi bằng chữ “bạn”)

Tôi nắm ngay lời đề nghị - chuyện lí thú khác nào xổ số !

Thế là, chúng tôi đi xe ngựa đến hẻm Bô-gô-lôp-xki. Kô-nhen-cốp bắt đầu giới thiệu tôi với nhà thơ, như lời ông ta, một cô gái nổi tiếng, nói tiếng Anh như gió !

Nhưng E-xê-nhin lập tức chiếm lấy tôi :

- Nào, giỏi lắm, không giận nữa chứ ? - Trước đó chúng tôi có cuộc cãi nhau ra trò.

Lần này, tuy vậy, xổ số không thành. Những gì diễn ra tiếp theo, bây giờ tôi nhớ lại còn xấu hổ. Tôi đã không tôn trọng nhà điêu khắc nổi tiếng ! Dù sao tôi đã cho phép mình càng lúc càng đùa cợt ông.

Chúng tôi ngồi trong một căn phòng dài và lớn (phòng ngủ của Ma-ri-en-gof). Xéc-gây bắt tôi ngồi cạnh anh trên một chiếc đi văng hẹp. Một cái bàn cũ kĩ. Đối diện chúng tôi là Kô-nhen-cốp và người bạn. Kô-nhen-cốp nhận ra rằng “nữ phiên dịch” của ông không chỉ nghiên cứu các thứ tiếng, mà còn là nhà thơ. Và thế là có chuyện : đàn bà viết thơ chẳng đi đến đâu ! “Đấy, anh ta - (ngón tay trỏ vào E-xê-nhin) sẽ thể hiện thay cho mình và cho cả cô nữa ! Còn phụ nữ thì chẳng cần phải viết !”

Thế đấy ! Thơ của phụ nữ bị phê phán. Không có Anna Akhơ-ma-tô-va, cũng chẳng có Xap-phô vĩ đại !

- Dù sao chị hãy đọc cho ông ấy nghe thơ của mình - E-xê-nhin nói bênh vực tôi - Còn bạn hãy nghe : chị ấy viết hay lắm. Mà chẳng theo kiểu phụ nữ !

Ồ, đây là lời khen rất đáng ngờ ! Tôi bắt đầu :

 

Gửi Riu-ric Ip-nhep

Đừng say đắm niềm vinh quang bị nguyền rủa

Hỡi người đẹp trẻ trung

Đừng lao vào trận giao tranh đẫm máu …

Nhận xét của Kô-nhen-cốp độ lượng hơn. Nhưng, rất thân ái, dẫu sao thì … cô không cần phải viết. Xéc-gây sẽ thể hiện mình và thể hiện thay cô tốt hơn.

Tất nhiên, tôi hiểu rằng tôi đã chạy đến khu vực cấm kị : không trung thực … Nhưng sự cám dỗ ít nhiều trả thù cho việc từ chối phụ nữ có quyền sáng tạo thì rất lớn. Tuy nhiên E-xê-nhin đã làm vụn phần kết thúc đã được chuẩn bị của tôi. Anh hỏi :

- Xéc-gây Ti-mô-phê-evit, anh thừa nhận Puskin chứ ?

- Puskin ! Puskin tôi vẫn, Puskin !

E-xê-nhin : “Lúc nãy cô ấy đã đọc cho anh nghe Puskin.”

 

ĐỒ UỐNG TUYỆT DIỆU

Ngoài phố đang mùa đông. Trong phòng xép của tôi cũng thế. Tôi nhanh chóng nhóm lò. Một loại lò tự tạo bằng gạch trên lát những mảnh gang. Lập tức trở nên ấm áp. Ấm nước đang reo. Nhưng Xéc-gây từ chối uống chè mà đòi uống nước. Một nhiệm vụ mới : cái bình trong góc phòng xép không có nước, mà là băng. Sau khi hơ nóng lên một phút, tôi rót ra được một cốc. Xéc-gây uống ngon làn thứ nước vừa tan đó. Rồi anh kể tôi nghe một ngụ ngôn phương Đông : về một người giàu có nhất thế gian.

- … Và một hôm người ta cho ông ta uống đã đời một đồ uống mới.

“Trong đời mình tôi chưa từng được uống thứ gì tuyệt vời hơn - viên nhà giàu, người am tường vĩ đại tất cả các thứ rượu vang trên đời nói - Đồ uống tuyệt diệu ! Tên nó là gì vậy ?”

Người ta trả lời ông : “Nước ạ”.

 

NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA HÌNH TƯỢNG LÊNINGRAT

Năm hai mươi tư, tháng tư…Có tiếng gõ cửa. Vla-di-mia Ri-chot-ti bước vào (trước anh là người theo chủ nghĩa hình tượng dũng cảm). Anh bắt đầu ngượng ngập :

- Chúng ta sẽ đến nhà ăn. Chúng ta sẽ đọc thơ bây giờ … Thảo luận … E-xê-nhin phái tôi đến đón chị.

Tất cả ngồi vào chỗ. Bắt đầu đọc, sau đó phân tích. Người ta phê phán rụt rè, hời hợt. Phải chăng họ sợ đụng chạm lẫn nhau ? Tính dũng cảm của họ ở đâu ? Nhận xét của E-xê-nhin với những lời thật sống động và chắc chắn :

- Thơ ca không chịu nổi sự giả dối. Bao giờ nó cũng trả thù sự giả dối.

Còn gì lọt vào trí nhớ của tôi trong buổi trao đối ấy ? E-rơ-lích nói về “Thư gửi mẹ” mà tôi chưa được nghe. E-xê-nhin nói về bà, người đã nuôi anh khi lên hai tuổi thay cho mẹ anh Ta-chia-na Phê-đo-rôp-na E-xê-nhina. Về mẹ, về bà, nhà thơ kể với tình cảm sâu sắc. Chúng tôi sẽ nhớ cái tên đó : Na-ta-lia Evơ-chep-na Chi-tốp-va, một người phụ nữ, đem sự dịu dàng của mẹ sưởi ấm tuổi thơ côi cút của Xe-ri-ô-gia bé bỏng. Tôi cũng nhớ những lời của ông Chi-tốp nói với đứa cháu : “Không phải người sinh thành, mà người nuôi dưỡng mới là cha”. Tuy thế trong tất cả những năm tháng kết bạn và gần gũi với E-xê-nhin, tôi không bao giờ nghe một lời phàn nàn về cha.

Trái lại, anh còn thuyết phục tôi rằng : anh mang ơn cha về năng khiếu văn chương : cha anh thích thơ và tự mình sáng tác ca dao. Một lần E-xê-nhin đọc cho tôi nghe hai, ba bài trong số đó. Sau đó tôi rất tiếc là đã không cố gắng nhớ lại được ! Còn mẹ, theo lời anh, mẹ thích các bài hát dân gian, biết rất nhiều và hát hay. Và biết những điều vu thác từ mọi tại họa chỉ có thể trút xuống con người.

 

TRONG LÂU ĐÀI LACXAN

Mười bốn tháng tư năm hai mươi tư … Tôi ngồi vào bàn, theo đuổi đơn đặt hàng của Xmê-ta-nhit (Va-len-chin Xche-nhit) dịch Trec-che-tôn “Người đá sống”. Xuất bản dưới tên anh ấy, nhuận bút chia đôi. Vâng, hồi đó có lệ như thế của các nhà xuất bản văn học !

E-xê-nhin làm ngắt công việc của tôi. Anh bước vào, mời đi “với tất cả” (tức là với nhóm “những người hình tượng dũng cảm” Lê-nin-grat) đến dạ hội của anh ở lâu đài Lacxan. Tôi cũng thích đi. Còn anh ấy thì cứ “dứt khoát, dứt khoát” như là ra lệnh cho tôi.

Trên sân khấu một mình E-xê-nhin, đoàn tùy tùng của anh được bố trí ngồi vào một dãy ghế. Anh không bắt đầu ngay vào việc đọc thơ. Đầu tiên là nói chuyện với thính giả. Nói thật tình, cuộc đối thoại không gắn bó lắm. Anh nói đại để là : đất nước đang trên con đường mới, quyết định những điều lớn lao và chưa từng có, còn anh Xéc-gây E-xê-nhin thì ở ngã ba đường, không biết nghĩa vụ thơ ca đòi hỏi ở anh điều gì, đất nước chờ đợi gì ở người thi sĩ của anh. “Xin hãy hiểu cho tôi hoang mang, chính thế, hoang mang” Những lời về sự hoang mang vang lên không chỉ một, hai lần. Nhà hung biện dậm chân tại chỗ. Khi thì đứng lên, khi lại ngồi xuống cạnh bàn trên sân khấu nghiêng về thính giả. Mọi người không chịu nổi. “Thôi được rồi - họ kêu lên - hiểu cả rồi, tốt hơn là hãy đọc thơ”.

Đó chính là điều mà M. Rôi-dơ-man gọi là “phần đầu không thành công của dạ hội” trong cuốn sách cuối cùng của mình. Nhưng có thể sự mở đầu không thành công được xác định do sự thành công lớn của sự trình diễn : người ta nghe thơ E-xê-nhin với sự chăm chú khát khao và thích thú. Mây mù bị xua tan. Nhà thơ đọc đầy hưng phấn với sự chào đón nồng nhiệt của người nghe. Tôi không nhớ khi đó anh đọc cái gì - đối với tôi, mọi thứ đều quen thuộc, chắc là thế, nên tôi không nhớ kĩ. Tôi muốn lúc ấy hiểu ngay vì sao anh cố nài tôi đi. Phải chăng đơn giản vì tôi luôn nói “sự dịu dàng không chấm dứt”. Hay đó chỉ là sự quý trọng việc có mặt của mỗi một thính giả rộng lượng ? Anh tránh thủ pháp lạnh lung - những người Lêningrat nổi tiếng ở Mát-xcơ-va là những người đấu tranh nhiệt tình cho chủ nghĩa cổ điển … ) Nhưng những người “có ý định không tốt” nếu như anh cảm thấy thế, thì đã thích ngồi nhà hơn. Dù thế nào đi nữa thì đây là thắng lợi to lớn của nhà thơ. Anh rời khỏi sân khấu với ý thức rằng thành phố - Pê-téc-bua thời thanh niên của anh - đã bị chinh phục.

Chúng tôi quay về với gia đình thơ ca hòa thuận. Chúng tôi thuê tạm hai “xentaprơ” (tức là hai xe ngựa). Chúng tôi sửa soạn xuất phát, thì có một phụ nữ chen vào sát E-xê-nhin xin chữ kí - chị ta không cao, trạc bốn mươi tuổi, người xấu. Họ của chị ta : Brôc-gau-dơ.

- A … từ điển hả ? E-xê-nhin hỏi.

- Đấy là bác của tôi.

- Đi với chúng tôi đi ! Vôn-phơ Erơ-lích giục E-xê-nhin. ( Anh ấy cần quái gì cái đó).

Nhưng sự trả lời khá bất ngờ :

- Cậu biết đấy, dẫu sao thì … cháu gái của người soạn từ điển !

Câu chuyện đùa tếu chăng ? Đúng, tất cả cười ồ. Cả tôi cũng cười. Tôi cười và nghĩ phải chăng chuyện đùa này không thể hiện khát vọng vinh quang mãnh liệt có ở E-xê-nhin ? Khát vọng, không có nó anh đã không thành anh bây giờ.

Ngay lập tức tôi nhẩm tính trong đầu sự hấp dẫn của nhân cách anh tạo điều kiện thành công cho việc đọc thơ ở mức nào ? Rất lớn, ở mức rất lớn. Nhưng hiển nhiên là chuyện ngược lại : sự hấp dẫn của nhân cách trưởng thành và vững chắc dưới sự tác động của thơ E-xê-nhin, gần gũi với mỗi người, rõ ràng và rung động. Như ánh sáng không tắt của mùa hè phương Bắc.

Vũ Nho, dịch từ tiếng Nga

Tạp chí Tuổi trẻ. 10.1986

 

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 129
Trong tuần: 1147
Lượt truy cập: 436698
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.