Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KIM KHÁNH

Hỏa Diệu Thúy
 
PHẠM KIM KHÁNH – MỘT TIẾNG THƠ NỮ QUYỀN
 
  Tôi gọi cả bốn tập thơ của Kim Khánh là bốn tập ‘tự tình’ với cùng một biểu đạt chính là nội cảm mãnh liệt về khát vọng tình yêu.
 Ta hẹn nhau từ mùa nào/ Mà ngày ngày mùa gặp gỡ/ Mà mùa mùa đều rạng rỡ/ Mà đêm nào cũng sầu nhớ/ (Mùa của ta).
   Chả còn ranh giới “mùa”, chỉ còn “mùa của ta”, vì chỉ cần gặp gỡ nhau thôi thì “rạng rỡ” đã không dấu nổi, từ trong tim, trong dạ hiện ra ánh mắt, nụ cười. Chẳng cần xuân hạ thu đông gì hết, cứ “ngày ngày gặp gỡ” thì mùa mùa đều rạng rỡ! Ai zà, nàng chẳng cần mùa, bất chấp mùa. Tình yêu của nàng không có “mùa”, khi tìm thấy tình yêu của mình, khoảng cách thời gian, không gian dường như không tồn tại, ngỡ như đã có hẹn từ kiếp trước, chính người trong cuộc cũng thấy ngỡ ngàng: Ta hẹn nhau từ mùa nào! Mãnh liệt đến thế là cùng. Tôi gọi cả bốn tập thơ của Kim Khánh là bốn tập “tự tình” với cùng một biểu đạt chính là nội cảm mãnh liệt về khát vọng tình yêu. Có thể nhận thấy thơ Kim Khánh giàu tự tình, hướng nội, cảm xúc thì mãnh liệt với cách biểu đạt ẩn ý, sắc sảo.
  Đọc Vườn tháng Giêng, tập thơ đầu tay của tác giả, bắt gặp lời tự tình ở ngay bài thơ đầu:
   Bàn tay xuân dịu dàng/ băng bó vết thương mùa đời cào xước/ Làn môi xuân dịu dàng/ hôn lên nỗi đau thời gian làm sẹo/ Đánh thức trong ta mầm khát khao ngủ quên/ Xóa trên trán ta ưu tư vết nhăn nghi hoặc/Đổ lá cũ, bóc vỏ ngày cằn cỗi/ Ta đơm mầm nảy nụ dâng xuân./ (Lời của cây).
   Một “thân thể” đầy thương tích, bầm dập vì “mùa đời cào xước”, có chỗ đã thành sẹo, có chỗ còn rớm máu, cho thấy cả một quá trình nhẫn nại chịu đựng. Nhưng rồi một ngày kia “xuân” xuất hiện, “bàn tay xuân dịu dàng băng bó vết thương”, “làn môi xuân dịu dàng hôn lên nỗi đau “Những cử chỉ tình yêu đã “đánh thức” khát khao vẫn “ủ mầm”, “ngủ quên” bấy lâu trong thân thể và một sức sống bừng bừng thức dậy: Xóa trên trán ưu tư vết nhăn nghi hoặc/ Đổ lá cũ, bóc vỏ ngày cằn cỗi. Có bóng dáng nàng Súy Vân nổi loạn, nàngThị Mầu trẻ trung, táo bạo truy tìm hạnh phúc ở đây. Hình ảnh “đổ lá cũ, bóc vỏ ngày cằn cỗi” có cách diễn đạt thật ấn tượng, thể hiện thái độ dứt khoát, quyết liệt. Hai động từ “đổ” và “bóc” diễn tả triệt để hành động rũ bỏ, đoạn tuyệt với ngày tháng cũ bị đè nặng bởi nhịn nhục chịu đựng, để tự cởi trói, giải thoát cho mình, để được sống với niềm đam mê, hòa nhập, tận hiến cho khát vọng sống: Ta đơm mầm nảy nụ dâng xuân!
    Kể từ đấy, không ai khác, nàng thơ tự mình “đánh thức lãng quên”, “vực dậy yếu mềm” và giác quan lúc nào cũng “rì rào… rì rào” thổn thức trước những tín hiệu của tình yêu và sự sống. Các tập thơ nối tiếp nhau, rất nhanh, phô diễn một thái độ sống cuồng nhiệt: Em ùa vào tháng Hai/ Xoay tít một vòng sực nức/ Trĩu nặng chùm chùm hoa mãn khai vàng ngọc/ Dâm da chi chít hoa/ Náo nức ong về (Tháng hai). Tác giả “tự thú” về hành trình tìm lại chính mình, có chút nuối tiếc cho những tháng ngày xưa, song, chủ yếu là bộc lộ ý thức tận hiến cho hiện tại: Sau bao ngày lưu lạc/ Hồn hoang mang đi tìm/ Lang thang con đường vắng/ Lạc vào vườn tháng Giêng. Chỉ ngẫu nhiên “lạc vào vườn tháng giêng” thôi mà lập tức, tất cả các giác quan: thị giác, khứu giác, linh giác… dâng trào xúc cảm tận hưởng: Lá phô lời non tơ/ Hoa nói lời sực nức/ Yến oanh mùa rạo rực/ Tìm nhau trong vườn xuân… (Vườn tháng Giêng). Tháng Giêng thành tín hiệu hồi sinh, thành thông điệp của sự sống vĩnh cửu: Lây phây mưa rây hạt/ Gieo mươn mướt trên cây/ Mát lành đâu từ mây/ Tỏa về theo gió thoảng (Tín hiệu). Có thể nói, Kim Khánh đã tạo ra cả một thế giới tự nhiên phồn thực trong Vườn tháng Giêng. Ở đấy, thiên nhiên phô diễn đến tận cùng sức quyến rũ của chức năng bảo tồn sự sống.kimkhanh
 
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy, xúc cảm tình yêu trong thơ Kim Khánh không phải thứ rung cảm đầu đời mà là thứ rung cảm chiêm ngẫm của kẻ đã đi qua bão dông, đã trầy xước bởi những vết cào của “mùa đời”. Vì vậy, trong những rung cảm kia có hiểu biết về những quy luật, có tính toán thiệt hơn, được mất, nhưng lạ chưa, đứng trước cám dỗ của tình yêu, sự khôn ngoan đành khuất phục, nhường chỗ cho ngây thơ, khờ dại, để trái tim được sống với những “khát khao mộng mị”, để giải thoát cơn khát: Chị nhủ: đời đen bạc/ Đừng cả tin mơ hồ/ Nhưng chị ơi, nghi ngờ/ Thì cả đời em khát! (Chị và em). Mượn ý thơ trong bài “Dại yêu” của Đoàn Thị Lam Luyến, tác giả bày tỏ quan niệm sống, cuộc sống không tình yêu giống như con người phải sống giữa sa mạc. Vì vậy, mặc dù “thuộc lòng” bài học từ đàn chị, “em” vẫn “cãi lại”, vẫn bảo vệ cho cái lý của mình, vẫn chấp nhận “dại yêu” vì không thế thì “cả đời em khát”. Không ai cưỡng được sự vận hành của tạo hóa, đó là quy luật sinh tồn, Kim Khánh thẳng thắn tuyên ngôn về quyền được yêu như ý nghĩa của truy cầu hạnh phúc: Đừng để đời đắm đuối/ Đừng dời bước khỏi bờ/ Thì chị ơi nguyên vẹn/ Vẹn nguyên con số 0! (Chị và em). Thành thực với chính mình cũng chính là thành thực với cuộc sống. Con đường của tình cảm là con đường của sự chân thành, vì vậy, những bối rối, lúng túng của chân thành luôn đáng yêu:
 
Tim lỗi nhịp nóng ran khi bắt gặp cái nhìn/ Cứ lúng túng mỗi khi anh ướm hỏi/ Vẫn chẳng thể lý giải điều anh nói:/ Tự bao giờ? Sao lại thế? Bao lâu? (Chân thành)
 
   Khát vọng tình yêu đồng nghĩa với khát vọng sống đã tạo ra một thế giới sắc dục trong thơ Kim Khánh. Yếu tố nhục cảm đậm đặc trong tập Vườn tháng giêng. Tuy nhiên, sex vào đến thơ chị thăng hoa trong thế giới cảm xúc lãng mạn của thiên đường tình yêu: Đêm ấy trăng khỏa trần trên sóng/ Sóng dưới trăng cũng dứt tấm màn đen/ Ngực sóng vồm lên, trào ra dào dạt/ Ào theo trăng lướt thướt phía bãi bờ…(Hoài niệm). Nhìn hoa mận nở mà liên tưởng tới da thịt ngọc ngà, ngắm vườn tháng hai mà thấy mắt biếc thanh xuân và, lập tức xúc cảm tình yêu ào tới, đắm say: Trong sương hoa mận nở/ Tình thơ cất tiếng chào/ Trắng trong như bột lọc/ Ngan ngát vườn tháng Hai/ Mắt ngời như giếng ngọc/ Tình trong như suối nguồn (Hoa mận).
 
   Cuồng nhiệt sống, cuồng nhiệt yêu với Kim Khánh không đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt mà ngược lại, quan tâm chăm chút hơn, nâng niu trân trọng từngsắc nắng, màu non, mùi hương mơ hồ: Rét không còn ngọt xé/ Nắng chưa kịp hanh vàng/ Lộc chưa xòa lá xanh/ Đêm về trăng chưa tỏ/ Mơ hồ hương bưởi vương (Tháng Giêng). Dễ hiểu vì sao từng phút giây phải chờ đợi người yêu, với người ấy dài như thiên thu. Một ngày xa dài như một kiếp (!), nàng lấy “kiếp” hoa quỳnh để ví với nỗi đau chờ đợi. Lần đầu tiên trong thi ca có sự so sánh nỗi khắc khoải chờ đợi người yêu như “chết đi sống lại” thế này: Sáu ngày rồi đấy, anh biết không? Là bao đời hạt sương trước gió/ Bao kiếp quỳnh hoa chào đời rồi từ bỏ/ Bao lần cánh chuồn chao mặt nước buông lơi/ Bao đời bao kiếp ánh sao rơi…(Đợi).
 
   Trái tim tận hiến cho tình yêu khiến nhiều bài thơ tình của Kim Khánh dễ thương như hạt cải cứ gieo xuống là nở ra vạt thương vàng rực, chẳng lộng lẫy kiêu kỳ mà vẫn có sức hút kỳ lạ:
 
Mưa đừng mưa phía lửa nhen/ Gió ơi đừng thổi phía đèn mới khêu/ Mây đừng che nẻo trăng lên/ Sương đừng giá lá non mềm, nhé sương/ Nắng đừng rát phía con đường/ Đứng trưa, nắng quái người thương đi về/ (Cầu).
 
Với Kim Khánh, tình yêu đúng là không có tuổi. Đọc thơ chị khiến người ta giật mình vì độ trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống, phải gọi, đó là bản lĩnh sống:
 
Nghĩ dại chứ, nhỡ ngày mai ta chết/ Tình đầy bồ chưa đổ ra xay/ Hạt gạo trắng ẩn mình trong vỏ trấu/ Bát cơm tình yêu chưa ấm dạ đời…/ (Nghĩ dại).
 
Thơ Kim Khánh vừa chỉn chu vừa bay bổng trong cách nghĩ, vừa truyền thống vừa sáng tạo trong biểu đạt. Đặc biệt nhất là quan niệm khỏe khoắn và tự tin trong tình yêu và cuộc sống của chị. Dường như đây sẽ là cá tính thơ Kim Khánh bởi nó xuyên suốt cả bốn tập thơ. Ả nàng vốn là con cháu mụ Dạ Dần, từ trong nôi ả nàng đã hít thở không gian của những giai điệu xường, rang lãng mạn, tha thiết: Anh ở Mường Dồ xa lắc/ Anh ở Mường Dồ xa lơ/ Mường Dồ có bảy con suối/ Mường Dồ có tám con khe/ Bảy con suối anh bắc cầu đá/ Tám con khe anh bắc cầu lim/ Anh đón em về bằng câu xường đẹp: “Thương thiệt, thường nồng em ơi! Thương mơi em à…”. Không gian của núi cao, sông sâu, thoáng đãng và mộng mơ xứ Mường Trong đã tạo nên điệu hồn khỏe khoắn; những giai điệu thương nhớ của vùng văn hóa thiêng Đẻ đất đẻ nước đã nhập vào tâm hồn, bay lượn trong tâm thức tạo nên nội cảm lấp lánh hoa Pôông trăng bốn mùa trong thơ Kim Khánh.
 
   Kim Khánh trình làng thơ hơi muộn, không sao, cô ấy đã là độc giả của chính mình suốt từng ấy năm, để rồi một ngày, cô ấy “xim” (tiếng Mường nghĩa là tình tự) cùng ta và người đọc nghe chuyện ả nàng mà có khi quên cả tình tự.
 
                                                                                                                          Thu năm 2022
 
                                                                                             H.D.T
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 45
Trong tuần: 655
Lượt truy cập: 446259
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.