Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KIỀU MẠCH TRẮNG

Tống Ngọc Hân

KIỀU MẠCH TRẮNG

  Chiều ở rừng, khúc củi cháy chưa hết, trời đã tối. Lửa cháy lan man suốt đêm. Nếu không có lửa, Liều cảm thấy đêm không dứt, cứ đêm mãi. Lều nương nhờ ngọn lửa mà bớt lạnh. Đêm nào cũng thế, đợi con cú trên ngọn cây Tống quá sủ già kêu lên vài tiếng, thì Liều mới yên tâm ngủ. Em trai Liều ấy, mười tám tuổi mà sợ tiếng cú, chả bao giờ dám ngủ lại rừng một mình. Liều thì ngược lại. Tiếng cú cô đơn cứ đều đặn mỗi đêm lại khiến Liều thấy bớt trống trải, lạnh lẽo.

 Đàn dê nhà anh trai Liều đông nhất Ma Quái Hồ. Gần trăm con. Trong đàn, duy nhất có một con dê trắng. Anh trai Liều định bán đi con vật lạc lõng ấy nhiều lần, nhưng Liều giữ lại. Vì trong số những con dê cái đẻ, con trắng ngoan nhất. Để lấy lòng thằng em chăm chỉ, nên anh trai Liều giao hẹn. Nếu con dê trắng đẻ ra con nào trắng, thì đều thuộc về Liều. Hai năm nay, kể từ khi anh giao hẹn, con trắng đẻ thêm bốn lứa, tổng cộng chín con, chả có con dê con nào trắng cả. Hằng đêm, cứ thấy tiếng cú kêu, là ngoài chuồng dê có tiếng cọt kẹt. Rồi Liều nghe tiếng kêu rất quen thuộc của con dê trắng. Tiếng kêu rất khẽ. Giống như tiếng rên cho một vết thương trên cơ thể mà đêm về, gió lạnh khiến vết thương buốt nhức.tongngochan

  Bố mẹ Liều về đất, về núi hết cả rồi. Nhà có năm anh em, ba trai hai gái. Chủ nhân của đàn dê hơn chín chục con này là anh trai cả. Anh chị thuộc diện giàu có ở bản. Anh giàu lên là vì đàn dê đấy. Ngoài đàn dê ra, còn có mấy con trâu, mấy con ngựa. Cỏ gần thì ít, cỏ xa mới nhiều. Đàn dê lại đông và chúng khỏe phá nên việc lùa đi về rất khó khăn. Hơn nữa, những con dê cái chửa, đi xa thế không tốt. Nên hai năm nay, dê và trâu ngựa đều ở lại rừng. Mấy anh em đã làm chuồng trại chắc chắn, sạch sẽ, ấm áp cho đàn dê. Chuồng chia làm ba ngăn. Những con dê đực giống và dê thịt ở chung một ngăn. Là ngăn rộng nhất. Những con dê nuôi con bú ở chung một ngăn. Những con dê cái sau khi đã lấy đực ở riêng một ngăn. So với cái chuồng dê, thì cái lều cỏ của Liều nhỏ bé và sơ sài hơn rất nhiều. Chị dâu cả, tính rất khó hiểu. Chị thường ghét những gì mà các em chồng thích. Từ món ăn, cho đến đồ mặc, cho đến cả con dê trắng. Chị rất ghét con dê trắng, chỉ vì Liều và Sò đều thương nó. Thế thôi. Con dê trắng hiền lành, là giống dê núi bản địa còn sót lại trong đàn. Còn lại, hầu hết là giống dê nhập khẩu từ nước ngoài về. Liều thấy anh trai bảo thế. Bọn dê ấy cao to, lông mịn dày, ăn khỏe, chóng lớn, phù hợp với cái xứ sở rét mướt này. Giữa đàn dê ấy, con dê trắng bé nhỏ, lọt thỏm, bụi bặm bùn đất khiến màu lông trắng của nó trở nên lem nhem, nhọ nhĩnh, đôi khi còn xù lên xơ xác. Nên hễ nhà có công việc gì, thì việc đầu tiên là anh bàn chuyện thịt con dê trắng. Như biết cái án tử treo trên đầu mình, con dê trắng chửa đẻ liên tục. Cứ đều đặn mỗi năm hai lứa. Mỗi khi đến gần ngày đẻ, bụng nó tròn xoe, ục ịch, chân nó ngắn nên đi lại rất khó khăn. Nó thường tụt lại cuối đàn. Những lúc nó lại gần Liều, cọ nhẹ đầu vào bắp chân Liều là ý nó muốn nhờ vả. Liều lại cần mẫn dùng tay xoa nặn bầu vú cho nó. Xoa cả cái bụng đang cuộn lên từng chặp. Nó căng sữa đấy mà. Sữa con dê trắng rất đặc nên những con của nó đều mập mạp, chóng lớn. Mấy lần, chính Sò và Liều đỡ đẻ cho con Trắng tại rừng đấy. Những con dê mẹ khác, đẻ xong thì đòi ăn nhau thai cho nhanh lại sức. Còn con Trắng thì không. Nó chỉ lẳng lặng nhìn theo nắm nhau Liều bỏ vào cái xô nhỏ và mang đi. Mang đi đâu thì nó làm sao mà biết. Nhau của những con dê khác, Liều đều mang về cho anh trai, chị dâu chế biến làm thức ăn. Nhưng nhau của con Trắng thì Liều thường đem chôn ở mảnh nương giáp khe suối. Vì chị dâu ghét con Trắng, thì ghét luôn là nắm nhau của nó. Nhiều lần, con Trắng còn mò vào tận lều, đứng đó mà nhìn lên chiếc chõng làm bằng trúc của hai anh em. Nó như muốn nói gì đó mà không thể.

  Anh chị ghét con Trắng bao nhiêu thì Liều và Sò thương nó bấy nhiêu. Thương cái cách nó lân la đến gần những con dê đực phong độ nhất đàn mà gạ gẫm. Thương cái cách nó nhường nhịn con và đồng loại mỗi khi cả đàn ùa đến một vạt rừng nhiều cỏ nào đó. Thương cả tiếng kêu khi đến kì của nó. Tiếng kêu vừa nhỏ bé khiêm tốn, vừa thống thiết dai dẳng. Có lần, con Trắng kêu ròng rã mấy đêm mà không được, Liều chủ động chọn một con dê đực khỏe nhất và lùa nó đi cùng con Trắng đến một chỗ vắng vẻ. Vì Liều biết, nếu con Trắng, chỉ chậm một lứa, hoặc sẩy một lứa, thì cầm chắc là anh cả sẽ thịt nó. Hoặc bán nó. Đến giờ, anh trai cũng không hiểu nổi, tại sao, một con cái xấu xí như thế, lại luôn đẻ con đều đặn nhất đàn.

  Một hôm, sau tiếng cú kêu, Liều không thấy tiếng rên rỉ của con Trắng. Liều trằn trọc không ngủ. Liều vùng dậy, tìm đèn. Thì đèn hết pin. Liều thổi lửa, đập nát ống nứa khô làm đóm, châm lên và soi ra chuồng dê. Cả đàn dê, con thức, con ngủ lố nhố trong chuồng. Khu dành cho dê nuôi con bú, những con cái đang kêu khe khẽ vì bị con rúc vú đau rát. Khu dành cho những con dê cái chửa là yên ắng nhất. Chúng nằm nghiêng, mắt lim dim, nhưng chưa ngủ đâu. Không thấy con Trắng đâu. Liều hốt hoảng. Không phải Liều sợ chị dâu phạt. Sợ anh trai mắng. Mà Liều sợ ai đó làm gì con Trắng rồi. Lúc mặt trời tắt bóng. Chính tay Liều lùa chúng vào chuồng mà. Rồi cẩn thận xích con chó vào cột lều. Con chó chưa sủa tiếng nào. Liều cũng chưa ngủ phút nào. Vậy con Trắng đi đâu?

  Cả đêm ấy, Liều thức trắng, mắt cay xè. Sáng hôm sau, sau khi dặn dò Sò cẩn thận, Liều về bản từ lúc tơ mơ. Khi qua suối, Liều thấy một phụ nữ mặc áo trắng muốt đang ngồi nghịch sỏi trên bờ. Liều không dám nhìn kỹ, chỉ liếc qua rồi chạy về. Tới đầu nhà, đã thấy tiếng anh trai đang quát tháo ai đó. Vào nhà, thì thấy đứa con gái anh đứng dựa cột, mắt hoe đỏ. Ra thế. Liều đi ra bếp, thấy anh đang mài dao. Liều đánh bạo. Anh ơi! Mất con dê trắng rồi. Anh trai mở to mắt, cộc lốc. Mất thật hả? Liều gật đầu. Chị dâu chưa rõ đầu đuôi đã gào lên ngoài sân. Đồ chúng bay ăn hại. Cút khỏi nhà tao! Ai nuôi chúng mày từng ấy năm? Ai cho chúng mày cái chữ cô giáo? Ai cấp sắc cho chúng mày? Ai chuẩn bị bạc chờ ngày chúng mày lấy vợ? Mà chúng mày hại tao? Cút hết cả đi…

  Liều đứng đến chục phút. Thấy anh trai không nói gì. Không rõ ý anh thế nào. Anh muốn Liều đi như chị dâu bảo, hay anh muốn Liều ở lại? Liều vào nhà, chọn mấy bộ quần áo cho vào túi đeo bước ra sân. Chị dâu chạy theo, giằng lấy cái túi, dốc ra đất, nhặt lấy cái áo chàm cúc bạc. Chị lấy răng rứt hết hàng cúc bạc ra, ngậm đầy một bên má. Còn cái áo, chị lấy dao băm nát trước mặt Liều. Chị có quyền làm thế. Vì cái áo ấy, chị vừa sắm cho Liều tháng trước. Liều bặm môi. Thấy nước mắt mặn chát. Liều cúi xuống, nhặt những thứ cũ kỹ cho vào cái túi đeo lên vai, bước đi. Đến bờ suối, Liều dừng chân vì đâu đó vang vang đến lời bài hát quen thuộc. Tóc mai như dựng lên. Mỗi bước chân Liều như có ai đang dõi theo. Liều về đến lều thì trời đã trưa. Ăn vội bát cơm nguội còn lại từ đêm trước. Hai anh em bổ vào rừng tìm kiếm con Trắng. Nhưng ngày ngắn quá, chưa kịp thấy đã lại tối rồi. Liều biết. Nếu không tìm thấy con dê, thì hai anh em không có đường trở về nhà anh cả nữa. Chị dâu đuổi, nhưng không phải là đuổi hẳn. Đuổi hẳn thì lấy ai chăm nom đàn dê, đàn trâu ngựa? Chị dâu lại đang chửa đẻ đứa thứ tư. Nghe thầy cúng nói, đứa này sẽ là con trai. Chị dâu đuổi đi, mà kể lể như thế, có nghĩa là đuổi Liều vào rừng. Là đi tìm bằng được con vật về. Chứ Liều và Sò, sức dài vai rộng, sợ gì không có miếng ăn, không có áo mặc. Liều chỉ sợ tình anh em như bát nước vơi đi, như sừng rượu nhạt đi thôi. Dù không ai nghiêng đổ. Không ai pha thêm nước vào. Vì thế, phải tìm bằng được con dê trắng.

   Hai anh em đi hết mọi ngõ ngách trong rừng Sảng Ma Sáo. Chân tay bầm tím vì gai và đá sắc. Mắt hốc đi vì thiếu ngủ, lo lắng. Suốt hai ngày trên núi, hai anh em mò về bản, điệu bộ thiểu não, quần áo lấm lem, mặt mũi nhọ nhem. Chị dâu không đổ thêm nước vào nồi canh, không bỏ gạo vào nồi mà nấu thêm. Cũng chẳng nói gì, dù hai đứa em chồng về đúng bữa trưa. Chị cũng không dừng lại, vẫn ăn đủ bốn bát như mọi khi. Ba đứa con gái của anh chị cũng thế. Chúng ăn một mạch rồi đứng dậy. Chỉ có anh trai, khề khà chén rượu thóc ngồi lâu. Đợi khi vợ và các con gái đứng lên cả rồi. Anh mới bảo hai thằng máu mủ ngồi xuống mâm. Mỗi đứa sức trai, phải năm bát mới no. Thì giờ chia nhau phần cơm của anh. Mỗi đứa vơi hai bát. Vì anh trót đã ăn một bát rồi. Mấy miếng tiết bò xào với hoa gừng, chị dâu gắp vào bát anh làm mồi nhắm, anh lại chia đều vào bát hai em. Cả ba anh em không nói với nhau lời nào. Vì nhìn mặt hai thằng, là anh biết, chúng nó không tìm thấy con dê ấy. Đôi mắt anh cả như muốn bảo. Đấy, tao nghe chúng mày, nên giờ mới mất toi hai triệu bạc. Đợi khi Liều và Sò húp xong bát nước canh để củng cố cái dạ dày vẫn còn rộng chỗ chứa thì anh cả bảo. Mỗi đứa làm hớp cho ấm bụng. Rồi anh đưa cái ấm sứ sứt vòi lên miệng, nhấp một ngụm sau đó đưa cho Liều. Liều cầm cái ấm rượu, lòng rưng rưng. Vì cái ấm còn khá đầy. Liều đưa mắt liếc ra sân. May quá, chị dâu không nhìn vào. Liều kín một mồm đầy, từ tốn nuốt rồi đưa cái ấm cho Sò. Cảm giác nồng độ cào vào ran rát cả khoang miệng khiến Liều dễ chịu hẳn. Khác với Liều, Sò đưa ấm rượu lên mồm, cứ ngụm một, như kiểu trâu be bú mẹ ấy. Hớp nào lỉm luôn hớp ấy. Uống rượu trong ấm là sướng nhất trên đời. Giống như rượu sừng trâu của người Mông ấy. Anh nào tục rượu, không ai biết, anh nào hèn rượu, cũng không ai biết. Cứ thế uống và truyền tay nhau thôi. Khi cái ấm rượu chỉ còn vỏ thì ba anh em mắt đỏ hoe. Liều mếu máo. Anh đánh em đi. Sò cũng sụt sịt. Anh đánh em, mắng em đi, phạt chúng em đi, thật nặng vào…

 Nhưng anh cả im lặng. Giá như anh chửi ầm lên như chị dâu. Giá như anh lạnh lùng như mấy đứa cháu. Giá như anh không nhường cơm. Giá như anh không nhường rượu. Thì đêm nay, Liều và Sò còn được ngủ trong nhà. Đằng này, hai thân thể rã rượi mệt mỏi, chỉ kịp xuống bếp lấy gạo, lấy muối, lấy mỡ và ít ớt khô rồi lại tấp tểnh lên đường. Đấy là thông điệp từ sự im lặng của anh. Rừng Sảng Ma Sáo là khu rừng lớn nhất nối Ma Quái Hồ với dãy Phan Xi Păng bạt ngàn. Nếu con dê trắng đã đi qua rừng Sảng Ma Sáo về bên kia ngọn núi thì cầm bằng là mất trắng. Hai anh em đến lều thì đã quá muộn. Con chó thấy chủ thì nhảy cẫng lên mừng rỡ, sủa thành tiếng. Liều lấy đèn pin quét qua chuồng dê, thấy cả bọn đang thiêm thiếp. Đi sang khu chuồng trâu, đếm đi đếm lại. Vẫn đủ tám con. Hai anh em trở về lều. Lịch kịch nhóm lửa. Được lửa rồi mới nhớ ra là hết nước. Mỗi anh em bốc nắm gạo sống nhai. Con chó cũng tiến lại gần Liều. Liều xòe bàn tay ra cho con vật liếm gạo sống. Sò chưa đợi tiếng cú kêu thì đã ngủ. Tiếng ngáy ồ ồ của thằng trai mười tám mới thấy thanh thản làm sao. Còn Liều thì không thể ngủ. Cứ chống cằm ngồi trên chõng nhìn lửa đang tàn đi. Thế rồi, tiếng con cú đã rúc lên ba tiếng đều đặn. Liều thấy bồi hồi đến lạ. Liều như nghe tiếng con dê trắng kêu. Vẫn tiếng rên rỉ đớn đau ấy. Lẫn làm sao được. Liều xách đèn pin chạy ra chuồng dê. May quá, con dê trắng đã về. Đang tì bụng lên văng chuồng mà thở. Liều đi đến, mở cửa chuồng cho con Trắng vào. Thấy nó nấn ná. Liều vỗ vào đầu con dê trắng mà mắng. Mày làm chúng tao khốn khổ mấy hôm nhá! Con dê rên lên mấy tiếng vui mừng. Liều sờ tay xuống bụng nó. Khấp khởi. Hay là mày có rồi? Bụng mày lép mà. Nhưng phập phồng sao ấy. Mày đẻ cho tao một đứa thật trắng. Trắng muốt nhé. Liều đi vào lều. Kể với Sò nghe là đã thấy con Trắng. Sò mừng lắm, từ đó đến sáng, Liều không nghe thấy nó ngáy nữa.

   Lâu lắm, dễ đến hơn hai tháng mới thấy Liều về nhà. Anh trai mừng lắm. Mấy lần về lấy gạo, muối, mỡ gần đây, toàn là Sò thôi. Đang mừng vui thế, mà nghe Liều xin anh chị cho được ra ở riêng, tự làm tự ăn thì anh cau mặt lại, buồn ỉu. Anh đưa mắt cho chị dâu. Chị dâu thoăn thoắt bốc nắm ngô hạt ném ra sân. Tay chị cầm hòn đá sắc liệng vào giữa đám gà túm tụm tranh ăn. Một con lăn ra giãy giãy. Chị dâu ra nhặt con gà, đem vào bếp làm thịt. Anh cả lại mang rượu ra. Anh em mà lại. Dao chém nước sao có thể lìa. Trong bữa ăn, anh kể, ở Ma Quái Hồ, xưa có người đàn ông kì lạ. Ông ta có bốn cánh tay, bốn bàn tay. Làm gì cũng trôi chảy thuận lợi và nhanh gấp ba người thường. Ông ta vốn nổi tiếng về sự liều lĩnh và nóng nảy. Một hôm, trong lúc lau chùi cái bình gốm quý của tổ tiên năm đời để lại, một bàn tay sơ ý để tuột, chiếc bình vỡ tan. Giận quá, ông ta lấy dao chặt đứt phăng bàn tay ấy. Lạ thay, máu không chảy và cũng chẳng đau đớn gì. Với ba bàn tay, ông ta vẫn là người giỏi giang nhất bản. Một hôm đi rừng về, gặp con hổ mang chúa to bằng bắp tay đang lè lưỡi ra hù dọa. Chuyện bé tí. Chỉ cần dùng một bàn tay như người thường, ông cũng bắt được. Nhưng do sơ ý và chủ quan, nên con rắn độc đớp vào một ngón tay trên bàn tay được ông giao nhiệm vụ ấy. Thay vì chặt ngón tay, ông ta tiện dao, chém luôn cả bàn. Chỉ vì, hậu đậu mà nên nỗi ấy, không nhanh thì còn mất mạng ấy chứ. Cũng chẳng đau đớn gì cả. Ông ta ghét sự cẩu thả, thiếu tập trung của những bàn tay ấy. Với hai bàn tay còn lại. Ông trở về giống tất cả những người bình thường. Và chả mấy ai còn nhắc đến ông cả. Trong khi ấy, vợ ông, liên tục nói ông vô dụng. Trước đây, ngày bổ hai đống củi to. Dùng hai búa một lúc. Giờ chỉ được một đống. Vì làm trong tinh thần không thoải mái mà ông còn để búa đập vào chân. Tức quá. Ông lấy dao phạt luôn cánh tay trái còn lại. Lần này thì máu chảy rất nhiều. Và vô cùng đau đớn. Ông gần như ngất lịm đi. Vợ ông cởi ngay chiếc thắt lưng phụ nữ bằng vải bông trắng trên người, băng vào vết chém, chả mấy chốc mà chiếc thắt lưng đẫm máu. Và từ đó đến cuối đời, người đàn ông đó chỉ còn một cánh tay, một bàn tay và không bao giờ nguôi tiếc nhớ những cánh tay đã mất.

  Kể đến đó. Người anh trầm giọng xuống, nói tiếp. Anh em ta, như những cánh tay trên một cơ thể, nếu các em bỏ anh đi thì coi như anh vừa tự chặt tay mình. Các em có biết vì sao thắt lưng của phụ nữ Dao Ma Quái Hồ luôn nhuộm màu đỏ như máu không? Là để nhắc nhở con người ta không thể bội bạc nhau đấy. Anh em không thể bỏ nhau đấy! Một lần nữa, anh cả lại trói giữ Liều và Sò bằng một sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt. Lời nào của anh cả cũng biết đường đi sâu vào ngực Liều, khiến Liều đau quặn và cay mắt. Xong cuộc rượu, anh cả đưa cho Liều một số tiền và bảo. Ngày mai, anh sẽ chăn dê, các cháu sẽ chăn trâu ngựa. Hai em lên phố mà chơi cho khuây khỏa. Tiền này đủ để vui say và sắm hai chiếc áo ấm cho mùa đông tới. Nhìn các em rách rưới, lòng anh cũng lạnh giá lắm.

  Sáng hôm sau, đợi Sò về. Mượn xe máy của anh trai, hai anh em lên phố chơi. Ở chợ, trong quán rượu, Liều gặp một ông già người Dao, người cùng làng nhưng lang thang trên phố bán dao lâu rồi. Ông trêu Liều. Mày lên phố tìm vợ à? Cẩn thận nhé. Nếu không lại cưới được đứa vợ áo trắng! Liều giật mình. Vợ áo trắng là sao? Ông già mỉm cười. Là đứa người ngoại tộc. Không biết trồng lanh xe sợi. Không biết nhuộm vải. Không biết thêu thùa. Chỉ biết đem tiền của chồng lên chợ mua quần áo đẹp mà mặc. Những đứa ấy, nếu không tự may quần áo mặc, thì chết đi, thần linh cũng không nhận. Nếu muốn được tổ tiên tha thứ, thì khi chết, phải mặc nguyên đồ trắng và chôn theo một ít lá chàm. Liều thấy tóc gáy mình dựng ngược lên. Và có cơn gió rất lạnh tạt qua mang tai. Liều nhớ đến người đàn bà áo trắng bên suối. Mẹ Liều mất khi Liều bảy tuổi. Thằng Sò có năm tuổi. Nên kí ức về mẹ mù mờ lắm. Mấy năm sau ngày mẹ mất, thì bố Liều cũng mất. Bố chết vì đi đám giỗ về qua suối lũ, cái chân, cái tay đều say rồi, không bơi được, bị lũ cuốn đi. Đến bây giờ cũng chả ai biết bố ở đâu.

   Về đến nhà đã lưng chiều, thấy anh trai đang ngồi hút thuốc, Liều chạy lại hỏi. Anh ơi, hồi mẹ chúng ta mất, mẹ mặc áo gì? Anh cả nhìn Liều một lúc như cố nhớ rồi nói. Mẹ chỉ được mặc áo trắng thôi. Mẹ là người Tày mà. Chứ không được mặc lồng ra ngoài bộ quần áo chàm nữa như những người đàn bà Dao bình thường khác vẫn mặc khi chết. Liều hỏi tiếp. Thế nhà ta đã cúng chay cho mẹ chưa? Anh cả lắc đầu. Chưa em ạ. Cả bố và mẹ chúng ta đều chưa được cúng chay. Nghĩa là, chưa ai được giải thoát khỏi ngục tối. Cũng chưa ai được tắm thơm, được phục sức và đưa về quê cũ Dương Châu. Anh cũng muốn làm lắm chứ. Nhưng chưa thấy bố mẹ báo mộng gì cả nên cũng không dám nhờ thầy tào chọn ngày. Vừa nói, anh vừa đưa tay quệt qua mắt. Liều run bắn người. Nhìn kỹ mặt anh, thấy mặt anh có vết máu. Liều vội hỏi. Sao mặt anh có máu? Anh cả mồi điếu thuốc thứ hai rồi trả lời. Anh giết con dê trắng rồi. Hôm nay sinh nhật chị dâu mà. Để nó làm gì. Có phen, anh em ta mất nhau. Nó đã bỏ ta đi một lần. Thì nó cũng sẽ đi được lần nữa. Liều thảng thốt giây lát rồi đứng bật dậy, chạy thẳng ra bờ suối. Sò lóc nhóc chạy theo.

  Chỗ con vật đã giãy giụa, cát đụn lại từng đống và những vệt máu đã khô sậm lại. Ra thế. Anh trai cho tiền để Sò và Liều lên phố. Để không ai cứu được con vật đáng thương ấy. Sò bốc nắm cát có máu con Trắng, đưa lên mũi ngửi. Rồi nó buông tay, cho nắm cát rơi vào trong cổ áo, luồn qua da thịt buồn buồn, nhột nhạt. Những cơn gió từ trên rừng Sảng Ma Sáo cứ cồn quặn như vướng mắc chi đó không về được bản. Nước suối thì cứ vỗ vào đá bồm bộp như cái tiếng đập tay vào đùi đầy bất lực của hai thằng trai mới lớn. Tối mịt, hai anh em mới thất thểu trở về nhà. Thấy anh trai đang chúc tụng mọi người. Mọi người chúc tụng chị dâu. Bụng chị dâu to kềnh càng. Cái xà tích bạc từ cổ sà xuống, vắt sang hẳn một bên. Anh trai phải uống cả phần chị nên say quá. Thấy hai đứa em về, anh cầm chai rượu, lảo đảo đi ra. Nhưng anh vướng cái chân ghế, loạng choạng ngã xuống. Liều và Sò vực anh vào giường. Anh đập chân xuống giường mấy cái. Liều thấy trong nhà có mùi gì đó vừa lạ vừa quen. Giống máu, nhưng không hẳn là máu. Mùi ấy, Liều đã gặp rất nhiều lần kể từ khi nghỉ học, về chăn dê cho anh. Liều chạy ra chum nước, múc một bát đầy, mang vào, vẩy vào mặt anh cả. Anh choàng tỉnh, ngơ ngơ ngồi dậy. Liều cắn môi, hỏi anh. Anh để đâu rồi? Anh trai ngơ ngác. Cái gì cơ? Con. Các con của nó đâu? Anh trai lấy gót chân dện xuống giường hai cái. Liều cúi đầu. Thò tay vào gầm giường, lôi ra cái chậu nhôm cũ xỉn. Liều ngã ngồi xuống đất. Đoạn Liều ngồi dậy, sục cả hai bàn tay vào cái chậu. Liều nâng lên từng hình hài một. Hai con dê con trắng muốt bằng cổ tay Liều. Người Liều lâng lâng trong cảm giác kì lạ. Mấy lần rồi, Liều đón những con dê con như thế này truội ra từ bụng con Trắng. Mấy lần rồi, tự tay Liều lót ổ cho mẹ con nó. Nhưng sao lần này, chúng mày không mở mắt ra. Mày mở mắt ra đi. Chệnh choạng đứng lên đi…. Tiếng anh trai khàn khàn tựa như thầy cúng cúng thông một tuần không nghỉ. Anh hối hận lắm. Hứa với các em, nó đẻ con trắng là phần các em. Mà giờ thì… Liều ngồi dậy, nhìn anh không chớp mắt. Liều nhớ đến những hôm con Trắng bỏ đi. Nghe nói, bên kia rừng Sảng Ma Sáo, trong đàn dê của người Mông, cũng có những con đực màu trắng. Liều nhìn anh trai, mắt Liều nói. Anh ơi! Năm nào anh cũng làm sinh nhật chu đáo cho vợ anh, các con gái anh. Vậy mà, có cái tiệc cúng chay cho bố mẹ chúng ta, anh không làm được là sao? Anh trai Liều nhìn xuống đất, mắt anh nói. Em ơi, phận đàn bà nước chảy bọt trôi. Đàn bà con gái Dao ta, sống có ngày sinh, chết không có ngày giỗ. Em biết mà. Sao em nỡ lòng ghen tỵ với chị dâu em, với các cháu của em, những người chết không bao giờ cúng giỗ. Liều như kẻ vô hồn, bê cái chậu nhôm đi ra ngoài theo lối cửa ngách. Bỏ xa đám đông đang chúc tụng rền rĩ.

  Liều không ra suối, mà mang xác hai con dê chưa kịp ngậm vú mẹ ra nương Kiều mạch mép khe nước lớn. Nơi Liều vẫn chôn những nắm nhau thai của con Trắng. Mùa này, Kiều mạch đang trổ nụ. Liều dùng dao dựa để đào một cái hố sâu đến đầu gối…Hồi Liều mang hạt giống Kiều mạch về tra trên chỗ nương hay trồng ngô này. Anh cả bảo. Nhà ta, ngô, gà lợn ăn không hết, mọt đục đêm ngày. Nhà ta, tháng ba, lúa chưa bao giờ thiếu một hạt, em trồng làm gì thứ mạch đen này. Chỉ tổ tiên ta, thủa xưa, đói khát, mới ăn đến thôi. Anh ơi, em thấy Kiều mạch ra hoa rất đẹp mà. Ờ. Em trồng Kiều mạch là để dụ gái về à? Muốn lấy vợ rồi à? Nhưng mà, đến giờ, anh vẫn chưa tìm được người tin tưởng để giao cho trông đàn dê ngựa. Mà em cứ ở rừng mãi thì sao tìm được vợ cơ? Anh có tội với các em rồi…

  Một sáng, Liều đang loay hoay chôn lại cái cột lều bị mối xông một góc thì thằng Sò chạy vào. Anh ơi! Xuống đây, xuống đây mau. Gì thế? Sò ghé tai Liều thầm thì. Liều đỏ mặt, tủm tỉm cười. Hai anh em vội vàng ra khỏi rừng. Từ xa, màu trắng nõn nà tinh khiết của nương Kiều mạch trong ánh ban mai rực rỡ khiến Liều mê mẩn. Chân Liều như bị chôn xuống đất, không thể bước đi. Chính Liều cũng bị mê hoặc bởi màu hoa ấy. Liều không ngờ, Kiều mạch Liều trồng và chăm bẵm giờ đền đáp anh màu hoa đẹp đến thế. Anh chưa từng nghe nói đến loài Kiều mạch hoa trắng muốt như thế bao giờ. Lại gần, Sò bấm nhẹ vào tay Liều và kéo Liều ngồi thụp xuống ẩn sau một búi mua to. Sò đưa tay vén những cái lá ram ráp và thì thào. Giữa nương hoa trắng, có hai bông màu hồng rất đẹp kìa. Liều khẽ cười. Trời tháng mười lạnh se sắt khiến má hai cô gái trẻ ửng hồng rạng rỡ. Các cô đang cười và chụp ảnh cho nhau bằng điện thoại rất tự nhiên. Như thể, cả ngọn núi này, chỉ có hai cô ấy. Liều hỏi em. Mày có thích không? Sò hỏi lại anh. Thích, thì mới gọi anh ra xem chứ. Anh có thích không? Liều gật đầu. Thích, nhưng mà… gái áo trắng đấy. Sò, tay mân mê vạt áo chàm bươm rách, ánh mắt mơ màng hướng về phía nương Kiều mạch. Anh à? Chúng ta lấy vợ ngoại tộc thì đã sao? Ờ. Chẳng sao cả. Thì Kiều mạch ấy, vẫn ra hoa trên đất trồng ngô bao đời của người Dao ta đấy thôi…

                                                          T.N.H

   Mời các bạn Click vào đường link dưới đây để nghe đọc truyện này trong chuyên mục "Đọc truyện đêm khuya" của Đài Tiếng nói Việt Nam.

" data-mce-href="">

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 44
Trong ngày: 176
Trong tuần: 909
Lượt truy cập: 435503
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.