Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KHÓI ĐỎ

Bùi Việt Thắng 

ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT
(Ấn tượng về Khói đỏ, tiểu thuyết của Cầm Sơn, Nxb Thanh niên, 2019) 

1.Trong bản thảo lần đầu sau chuyến đi thực tế Bình Phước tháng 7-2018, tiểu thuyết có nhan đề Khoảng trời Nghĩa Đức. Nhà văn Cầm Sơn có nhờ các bạn văn (trong đó có tôi) đọc góp ý. Cẩn thận hơn, ông còn tổ chức một chuyến về Hưng Yên (quê gốc), gặp gỡ các văn nghệ sỹ ở Hội VHNT tỉnh nhà, với thiện ý bản thảo được chính những người ở quê hương “bảo hành”. Là người có thể nói theo sát quá trình viết Khói đỏ, tôi muốn có đôi lời chia sẻ với đông đảo bạn đọc về cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Cầm Sơn. Nhan đề mới này khúc chiết hơn, đa nghĩa hơn và gợi liên tưởng nhiều hơn dẫu cho chúng ta đã đọc đến dòng cuối tác phẩm. Cũng cần nói thêm một ý, khi ra mắt bạn đọc, cấu trúc của Khói đỏ đã thay đổi nhiều so với bản thảo lần một. Tác giả đã viết thêm chừng 50 trang tạo nên sự đầy đặn của tiểu thuyết, quan trọng hơn thay đổi kết cấu tuyến tính thành dạng thức xen kẽ quá khứ và hiện tại trong câu chuyện được kể.

Đề từ: “Khói đỏ” là tác phẩm thay nén tâm nhang của tác giả - trân quý, thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ trên mảnh đất quê hương Hưng Yên yêu dấu!” (Cầm Sơn). Ai biết nhân thân thì mới hiểu được chân tơ kẽ tóc lời Đề từ này của tác giả tiểu  thuyết Khói đỏ - nhà văn Cầm Sơn. Trong chuyến đi thực tế Bình Phước năm 2018 của đoàn nhà văn Việt Nam, tôi có mặt và được nghe câu chuyện nhà văn Cầm Sơn đi tìm cha có thật mười mươi, xúc động và là “bột”, là “cốt” để tác giả cấu trúc tác phẩm. Khói đỏ, nếu có thể nói, được viết nương tựa vào sự thật, nguyên mẫu người cha mà Cầm Sơn nếu có hồi ức thì cũng đôi khi không thật rõ ràng đường nét, dung nhan, thần thái, cá tính, vì ông mất sớm, lại nơi xứ người, trong thời tao loạn của chiến tranh, giặc giã. Nhưng nếu nhà văn chỉ ỷ lại, tựa vào sự thật mười mươi thì nghĩa của hai chữ tiểu thuyết sẽ giảm thiểu rất nhiều (tôi vẫn thích cách định nghĩa “tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”). Bình thường người ta hay nói đến khói đen của đám cháy, hay khói trắng của các ống khói nhà máy. Khói đỏ là một biểu tượng kép. Đỏ biểu trưng cho cách mạng, máu đổ, hy sinh, màu cờ chiến thắng, cay đắng và ngọt ngào, vinh quang và khổ nạn. Khói đỏ là một tập hợp biểu tượng, trộn lẫn bi/ hùng, được/ mất, hủy diệt/ sinh thành.

  1. Cốt truyện và tình huống. Một cốt truyện đậm chất “trinh thám” với những tình huống giàu kịch tính là biệt sắc của Khói đỏ, nhờ đó gia tăng tính hấp dẫn của tiểu thuyết, đặc biệt “vẽ” nhân vật nổi hình, nổi khối. Đọc kỹ sẽ thấy tác giả “cài bẫy” tạo nên những “bước hụt” (tỷ như đang đi trên đường bằng bỗng dưng sa chân), dẫn dắt bạn đọc vào những sự kiện, biến cố bất ngờ. Lấy một vài ví dụ. Ký Khải (Bí danh là Lê Đông, tên thật là Nguyễn Xuân Khải) đã chơi “ván bài lật ngửa” với đối phương, khi tự khai mình là đảng viên, từng giữ chức Chủ tịch UBHCKC huyện, tỉnh Hưng Hà, Bắc Bộ, vào Nam lập nghiệp vì lý do: “Tôi không có ý đồ phản lại Đảng của mình nhưng do sơ xuất bị kỷ luật. Bây giờ họ lại khép tôi vào tội phản Đảng. Một là tôi không còn con đường nào để quay lại, hai là tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa” (tr.17). Vì nhiệm vụ bí mật, Ký Khải đã phải bỏ lại vợ con, mang tiếng xấu để tạo vỏ bọc hợp lý hoạt động tình báo. Người chiến sỹ tình báo thường phải đứng giữa hai làn đạn, vinh quang và cay đắng đủ cả hai đường. Vào Nam hoạt động, Ký Khải lại phải lấy vợ để cho yên ổn, cũng là tạo vỏ bọc mới để hoạt động. Đây là tình huống thường khi người chiến sỹ tình báo phải trải qua. Cô Nam, vợ thứ hai của Ký Khải đã từng lăn tăn về chuyện Ký Khải không tỏ rõ là đàn ông. Nhưng đó là những sang chấn tâm lý đặc biệt của nhân vật này, người ngoài ít biết. Đó cũng là một tình huống thú vị (lý do là vì bà Nam không có cái mùi hoa sữa giống như cô Tư Bích, tức Thúy ở ngoài quê Bắc). Tiểu thuyết Khói đỏ nếu hấp dẫn bạn đọc, tôi nghĩ, chính là câu chuyện về tình cảm của Ký Khải với cô Thúy. Cô sinh ra trong một gia đình có tông (ông ngoại từng làm chánh tổng, bố - ông lang Hanh - làm nghề bốc thuốc Đông dược, có cửa hàng lớn ở phố Lãn Ông, Hà Nội). Thúy được đưa lên Hà Nội học ở trường Trung học Nữ sinh Đồng khánh. Ký Khải là người có họ xa bên ngoại với Thúy. Đôi trai tài gái sắc này sớm đầu mày cuối mắt. Nhưng “đùng một cái” Ký Khải cưới vợ để tạo vỏ bọc hoạt động theo yêu cầu của tổ chức (chị vợ tên là Hải). Lại một tình huống thú vị nữa trong câu chuyện của các nhân vật chính. Buồn vì thất tình, lại đạn bom lu bù nên Thúy rời Hà Nội về quê, mới biết rõ tâm trạng và hoàn cảnh éo le của người mình yêu. Rồi rất tự nhiên do hoàn cảnh đưa đẩy, Thúy cũng tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng và trở thành liên lạc viên của huyện ủy Mỹ Giang (Bí danh là Tư Bích). Tình huống chất đống tình huống khi chị Hải lấy Ký Khải mấy năm cũng chỉ được một mụn con gái. Chị chủ động “hàn gắn” chồng mình với Thúy để hòng có người nối dõi (!?). Cảnh Ký Khải và Tư Bích như Thúy Kiều và Kim Trọng ngày xưa gặp lại nhau, tình cũ không rủ cũng đến (tr. 210-213) cũng là một tình huống thú vị của tiểu thuyết. Tôi nghĩ, ở đây tác giả có ý thức (hoặc không) muốn tô đậm về chất “con người trong con người”. Lê Đông (Ký Khải) sau đó được tổ chức điều vào Nam hoạt động tình báo. Còn Tư Bích (Thúy) sau khi được ra tù mang tiếng là chỉ điểm của Sở mật thám Pháp, chị phải ra Hà Nội lánh nạn, tá túc trong ngôi nhà do chị Hải (vợ chính thức của Lê Đông) và sinh hạ một cháu trai (kết quả cuộc gặp gỡ với Lê Đông trước đó).

Bạn đọc theo dõi câu chuyện được kể không chỉ biết thêm nhiều “chuyện” hay (có cả sự gây cấn, ly kỳ, hồi hộp của các cảnh như chuyện trinh thám), nhưng đằng sau các sự kiện là con người, là số phận, là kiếp người không ai giống ai. Cho nên không ngẫu nhiên mà phần III tiểu thuyết có tựa là “Phận người”. Những ngày hạnh phúc nhất của Thúy là được sống bên Ký Khải và họ có đứa con trai tên Nguyễn Xuân Hoàn. Nhưng rồi Ký Khải đột ngột mất tích (!?), khi con trai chưa đầy một tuổi. Thúy và con trai cùng mẹ con chị Hải sau hòa bình 1954 kéo nhau về quê. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, lại gặp Lê Khanh, tên có máu nhóm 4. Thúy lại phải tìm cách né tránh, bảo vệ mình, sau khi con trai đi bộ đội thì chị lên Sơn Tây sống mai danh ẩn tích. Nguyễn Xuân Hoàn vào chiến trường, chiến đấu và hi sinh anh dũng.

Tiểu thuyết Khói đỏ kết thúc bằng cảnh bà Thúy gặp gỡ mẹ con dì Nam Khải (người vợ chính thức thứ hai của Ký Khải, tức lê Đông). Tâm nguyện cả đời bà Thúy được đền đáp, thủ tục cho người yêu/ người chồng không hôn thú của mình đã hoàn thành: “Danh tính của Ký Khải hay còn gọi là Lê Đông đã được xác định. Đó là Liệt sỹ, Đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Xuân Khải, sinh năm 1922, nguyên quán thôn Nghĩa Đức, Xã Cựu Ước, huyện Mỹ Giang, tỉnh Hưng Hà. Ông còn được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất” (tr. 291).

  1. Vĩ thanh của vĩ thanh: Những dòng cuối tiểu thuyết Khói đỏ: “Tôi tâm nguyện cố gắng đóng góp thêm một chút gì đó của mình để giữ được những linh hồn người thân của bà Thúy mãi mãi quấn quýt bên bà”. Có linh hồn không? Tôi nghĩ là có. Đó chính là đời sống tâm linh của con người. Nếu tác giả khai thác sâu hơn phương diện này, tôi nghĩ, tiểu thuyết sẽ gia tăng tính hấp dẫn hơn những gì nó đã có.

                                           Hà Nội, tháng tri ân, 7-2019

                                                           B.V.T

screenshot_1569 

Đỗ Nguyên Thương

NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ KHÓI ĐỎ

           Nhà văn Cầm Sơn, tên khai sinh Nguyễn Đức Sơn, tuổi Nhâm Thìn; quê Hưng Yên nhưng gắn bó với mảnh đất Phú Thọ, đã từng là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn (Thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Trước khi viết tiểu thuyết Khói đỏ, anh đã từng làm thơ, in 3 tập thơ Tình rừng (2007), Tình núi (2009), Miền xanh (2010), tiếp đó là tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, 4 tập truyện ngắn (Sín Lủ, Đỗ quyên đỏ, Bùa ngải, Chuyện tình người thợ mỏ). Mỗi tác phẩm của anh, dù ở thể loại nào cũng được bạn đọc đón nhận nhiệt thành. Và Khói đỏ được đánh giá là đỉnh cao trong sáng tác của anh (Tính đến thời điểm này).

          Khói đỏ, nhà xuất bản Thanh niên 2019 được gọi là đỉnh cao bởi lẽ cuốn tiểu thuyết được viết với tâm huyết, công phu, mỗi trang viết đều chứa chan cảm xúc, có sức cuốn hút đối với người đọc.

          Không phải chỉ sáng tác thơ mới cần cảm xúc, bất cứ thể loại nào cũng cần cảm xúc. Tiểu thuyết cũng không ngoại lệ. Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có tính hư cấu, bằng cách thông qua câu chuyện và nhân vật để phản ánh hoặc tái hiện lại hiện thực cuộc sống và các vấn đề đang xảy ra trong xã một cách chi tiết và sâu sắc. Tiểu thuyết thường có cốt truyện phức tạp, mô tả và phân tích tâm lý nhân vật, bên cạnh đó còn tạo ra một thế giới tưởng tượng (hư cấu) mà người đọc có thể đắm chìm trong đó.

Để viết được một tiểu thuyết, đòi hỏi người viết phải có vốn sống, có sự trải nghiệm thực tế, cảm xúc sẽ giúp cho quá trình tái hiện hiện thực được phong phú và giúp tác giả có thể tự do sáng tạo và khám phá những khía cạnh mới của cuộc sống.

          Tiểu thuyết Khói đỏ có một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thật rộng lớn, nhà văn đã tái hiện đời sống trong tính chất “toàn cảnh” (thời gian kéo dài vài chục năm, địa bàn rộng lớn từ Bắc vào Nam, nhiều biến cố, nhân vật, sự kiện...). Nguyên mẫu của nhân vật trung tâm được khai thác từ chính người Cha đẻ của nhà văn, đó là một chiến sỹ tình báo hoạt động bí mật, đã phải xa gia đình một cách lặng lẽ và bí hiểm, để lại trong lòng người thân, gia đình sự lo lắng, phấp phỏng khôn nguôi. Nhân vật chính của Khói đỏ đã hy sinh trong thầm lặng khi thực thi nhiệm vụ, mấy chục năm sau người thân mới tìm được hài cốt. Câu chuyện về sự mất tích và lần tìm tung tích người thân không phải là câu chuyện hiếm có trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc. Nhưng câu chuyện trong tiểu thuyết của nhà văn Cầm Sơn vẫn có sức hấp dẫn riêng, chính bởi lối viết đong đầy cảm xúc của nhà văn.

Nhân vật chính, cũng vì công tác của tổ chức giao phó nhiều lúc như phụ bạc gia đình, vợ con. Nói cách khác, nhân vật đã có “một số phận vinh quang và cay đắng” (Bùi Việt Thắng). Vâng, nhân vật Ký Khải có số phận vinh quang khi đảm trách những nhiệm vụ cao cả buộc phải hy sinh tình riêng vì Tổ Quốc. Tuy nhiên cũng đầy cay đắng khi gánh chịu những nghi ngờ từ cả đôi bên “tổ chức”, phải giã biệt vợ trẻ và con thơ… Người vợ mà ông yêu thương nhất là một phụ nữ Việt Nam mang vẻ đẹp truyền thống, đầy nữ tính nhưng rất can trường và giàu lòng vị tha, nhân ái. Con trai của ông cũng hy sinh tại chiến trường. Người đọc rơi nước mắt khi nghe tâm sự thầm thì của bà Thúy, vợ Ký Khải “Dẫu sao thì đến giờ này tôi cũng đã tìm được rõ ràng tung tích của ông, linh hồn ông sẽ được siêu thoát cùng bao nhiêu đồng đội và chiến sĩ, đồng bào đã nằm xuống ngày ấy ở xứ sở đất đỏ miền Đông Nam Bộ gian lao và máu lửa này. Còn thằng Nguyễn Xuân Hoàn, tôi không giữ được nó vì nó là con trai ông, mà tính tình, cốt cách của nó cũng giống ông. Nó bảo nó cần phải ra đi để tìm bố nó. Bây giờ bố con ông đã gặp được nhau chưa? Nó đã nằm lại cùng bao nhiêu đồng đội nữa ở Nghĩa trang Trường Sơn. Nếu nó chưa tìm thấy ông thì ông lại chịu khó đi tìm nó vậy...”. Thật sự, đó là những trang viết “chạm đến trái tim người đọc”.

       “Chạm đến trái tim người đọc”, còn phải kể đến các trang viết về những người phụ nữ từng gắn bó cuộc đời cùng nhân vật chính Ký Khải. Theo yêu cầu của tổ chức nên Ký Khải phải cưới “chị” Hải (con nhà gia thế, hơn Ký Khải 2 tuổi) làm vợ. Công bằng mà nói, chị Hải là người phụ nữ tốt bụng, mang trong mình đầy đủ những nét đẹp của một phụ nữ Việt Nam truyền thống. Cuộc hôn nhân là sự sắp đặt của tổ chức, của gia đình nhưng chị đã sống thật sự trọn nghĩa, vẹn tình, khiến anh em, họ hàng, đồng đội của chồng và bạn bè, hàng xóm vị nể. Khi biết mình không có khả năng sinh con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng, chị đã chủ động tác thành cho chồng với cô Thúy. Nhân vật Thúy (Tư Bích) vốn vừa là bạn, vừa là em, vừa là tri kỉ của Ký Khải. Họ đã từng thầm yêu trộm nhớ nhưng cũng chính do yêu cầu của tổ chức mà Ký Khải lấy vợ, để lại trong Thúy một khoảng trống tưởng chừng không gì bù đắp được. Mặc dù họ chưa từng yêu đương, chưa từng thề non hẹn bể nhưng trong lòng cả hai đều cảm nhận được họ chính là một đôi uyên ương. Thúy vốn xinh đẹp, được học hành chu đáo nhưng cuộc sống cũng không ít thăng trầm. Tình duyên trắc trở, dang dở, Thúy đã từng rơi không ít nước mắt ấm ức, tủi buồn. Người phụ nữ thứ ba làm vợ Ký Khải, cơ bản cũng do yêu cầu của tổ chức (được diễn tả dưới góc nhìn cá nhân), lại chấp nhận mối tình được se duyên ngoài ý muốn. Nhân vật Ký Khải cuối cùng cũng có gia đình kề bên.

       Câu chuyện mối tình trong chiến tranh được mô tả một cách hợp tình, hợp lý. Các nhân vật “chung chồng” không hề ghét bỏ, loại trừ nhau mà cùng làm công việc chăm chồng chính là chăm cho cán bộ Cách mạng, cho sự nghiệp, cho CÁI TA chung. Điều đó cho thấy, trong chiến tranh, nhiều thiệt thòi đã xuất hiện, gắn chặt với cuộc đời nhiều người, nhất là người phụ nữ. Tuy nhiên, chiến tranh gian khó cũng khiến cho “người gần người hơn”, họ vượt lên trên những cung bậc cảm xúc bình thường để trở nên đẹp đẽ hơn trong cuộc sống.

       Nhân vật chính diện trong “Khói đỏ” hiện lên với những tính cách được định hình khá rõ nét. Nhân vật “phản diện” cũng được mô tả rất hấp dẫn, đặc biệt qua nhân vật Lê Khanh. Nhân vật Lê Khanh: nhiều mưu mô, sống tráo trở, cầu lợi, ích kỷ đại diện cho chủ nghĩa cá nhân cần phê phán. Khi tổ chức cần, Khanh luôn có lý do để “chuồn”, để tránh những công việc nguy hiểm đến tính mạng đồng nghĩa với việc đùn đẩy gian khổ, hy sinh cho người khác. Và thực tế, chính Lê Khanh đã đẩy hai cán bộ Việt minh (trong đó có anh Được- chồng cô Liên ) vào cái chết. Khanh nhởn nhơ khi mọi người chịu đựng hy sinh gian khổ, Khanh sẵn sàng chấp nhận hôn nhân không hạnh phúc để cầu lợi. Khanh sống buông thả, ve vãn, tán tỉnh các “cô gái nhà lành”, ve vãn hòng chiếm đoạt Thúy, khi biết chồng cô “đi xa không rõ tăm tích”...

       Nhà văn Cầm Sơn khiến cho nhân vật trở nên sống động hơn khi được đặc tả quan hành động để bộc lộ tính cách. Tiểu thuyết Khói đỏ có nhiều trang cuốn hút người đọc, nhất là những đoạn miêu tả về cuộc đấu tranh nội tâm, những giằng xé và day dứt ám ảnh. Đó là khi Lê Khanh làm đến chức Chủ tịch huyện vẫn mò vào trại lợn để gạ gẫm Thúy. Khi đó, Thúy đã có khoảnh khắc đấu tranh, định tặc lưỡi cho qua vì biết với cương vị Chủ tịch huyện, Lê Khanh có thể lo cho mẹ con Thúy cuộc sống bớt gian nan, bớt lo toan về vật chất, đặc biệt lúc này khi Ký Khải biệt tăm không rõ nguyên nhân. Thúy cũng cô đơn lắm chứ và cũng có những khát khao, bản năng rất thực, rất đời. Nhưng chỉ trong chốc lát, ngay lập tức Thúy lấy lại bình tĩnh, đủ tỉnh táo để khẳng định mình không thể làm vậy, làm vậy là thỏa hiệp, mà thỏa hiệp đồng nghĩa với phản bội, phản bội chồng con và phản bội chính mình. Thúy rất ghét hai chữ phản bội...

         Tiểu thuyết Khói đỏ có bố cục mạch lạc, lời văn giản dị nhưng có sức hấp dẫn đối với người đọc. Tư duy liền mạch khiến người đọc như bị cuốn theo dòng chảy ngôn từ, nhiều câu, nhiều đoạn giàu chất thơ, nhất là những trang miêu tả tình yêu của Thúy và Ký Khải, những lần gặp gỡ ngắn ngủi, lén lút, chớp nhoáng... Cầm Sơn miêu tả tình yêu nam nữ hay những diễn biến cảm xúc của con người một cách “vừa độ”, không khiên cưỡng. Cách đan cài các câu chuyện tình yêu, đôi khi miêu tả sự gần gụi nam nữ cũng rất hấp dẫn, ko bị quả tả hoặc quá hữu. Chính điều đó khắc sâu tính cách và hình tượng nhân vật.

Đó là một trong những lợi thế để cuốn tiểu thuyết này được coi là “cái đinh trong sự nghiệp sáng tác” của nhà văn Cầm Sơn, (tính đến thời điểm này). Vì những thành công nổi trội đó mà người đọc có thể lướt qua hoặc thể tất cho đôi từ ngữ còn mang tính địa phương (như cửa nách mà quen dùng phải là cửa ngách; mười lăm phải được thay thế bằng mười năm...)

Và, đã là tiểu thuyết phải có hư cấu. Trong Khói đỏ có quan hệ đặc biệt giữa sự thật và hư cấu. Đó là nguyên mẫu của nhân vật Ký Khải chính là cha đẻ của tác giả. Tác giả đã từng tâm sự: “Bố tôi đi Nam, vào tận miệt cao su đi dễ khó về một thuở ngay khi tôi mới tám tháng tuổi. Vì vậy, trong lý lịch, tôi buộc phải khai “Bố mất tích". Vì lý do này mà mặc dù phấn đấu hết cỡ tôi vẫn không được nhập ngũ và mãi đến năm 1993, khi là Phó Giám đốc Lâm trường rồi, tôi mới được kết nạp Đảng. Sau này tôi cũng mừng vì không biết bố tôi có thuộc diện hoạt động “trực tuyến” hay không, nhưng sau khi mất tích với cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, tại địa bàn bố tôi hoạt động đều được xác nhận "không có cơ sở cách mạng nào bị vỡ, không có người tham gia hoạt động cách mạng nào bị lộ". Mãi đến năm 2010, sau bốn lần vào Nam, sang tận Camphuchia gia đình chúng tôi mới tìm được hài cốt của bố tôi. Ghi lại chuyện này, tôi đã viết bút ký Hành trình sang Cambodia tìm cha ”                                                               (Congannhandan.Online, 12-9-2016).

Trong Khói đỏ sự thật và hư cấu đan xen, tạo cho người đọc cảm giác về các chi tiết trong đó rất thực, rất gần gũi với cuộc sống bình thường của mỗi con người. Tại sao nhà văn lấy nguyên mẫu là cha đẻ của mình? Có lần tác giả đã chia sẻ “Những tư liệu chiêm nghiệm trong cuộc sống thường nhật cả một đời người nếu chết đem theo thì phí quá, phải viết ra kèm theo chính kiến của mình giãi bày với cộng đồng cùng người thân và con cháu. Những mong đóng góp được một chút nhỏ nhoi cho đời sống văn hóa xã hội, cho nền văn học nước nhà”.

Và anh thực sự đã có những đóng góp tích cực cho nền văn học nước nhà. Nhà văn Cầm Sơn đã nhận Giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 2013 (tác phẩm Đỗ quyên đỏ); Giải thưởng Hùng Vương về VHNT lần thứ 7, năm 2015 của UBND tỉnh Phú Thọ. Sau Khói đỏ, tên tuổi của anh đã rõ nét hơn, sáng hơn trên văn đàn. Cầm Sơn có nụ cười rất đặc biệt, nụ cười tỏa sáng, vang, thân thiện và vô tư. Tôi tin chắc rằng anh đã dành nụ cười đó để đáp lại khen ngợi của độc giả. Và sẽ còn xuất hiện nhiều tiếng cười sảng khoái, vô ưu của nhà văn Cầm Sơn khi được khán giả chúc mừng cho những sáng tác tiếp theo của anh. Tôi hình dung và kỳ vọng thế.

 

                                        Phú Thọ, tháng 7/2024.

                                                     Đ.N.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
23-09-2024 07:32:56 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG VÀ ĐỖ NGUYỄN THƯƠNG!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 53
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423257
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.