Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KHỔ VÌ THƠ

KHỔ VÌ THƠ

                          Truyện ngắn của NGUYỄN KIM RẪN

 

Tôi ngoảnh mặt sang phía phải Hội trường thi phát hiện ra Đực đang thao thao bất tuyệt với Thái Huy. Không biết anh ta có hiểu gì về nhà thơ này không? Tò mò, tôi lách qua mấy hàng ghé sang ngồi bên cạnh. Đực đang đọc thơ của mình. Tôi xen vào hỏi:

- Hai ông quen nhau à?

- Mới vừa nãy – Thái Huy trả lời.

Tôi chỉ Thái Huy hỏi Đực :

- Ông có biết ông này là ai không ?

- Chưa kịp hỏi ạ !

- Đây là nhà thơ Thái Huy. Ông gặp đúng người để dốc bầu tâm sự rồi đấy !

- Huy mủm mỉm cười, còn Đực há hốc mồm, «à »  lên một tiếng rồi nói :

- Em thật có mắt như mù, dám «đánh trống trước cửa nhà sấm », xin nhà thơ bỏ qua.

- Không sao ! Anh cứ tự nhiên !

- Thế, em đọc tiếp để bác góp ý cho em nhé !

Thái Huy sẽ gật đầu.

- Em mới viết bài “Khóc cu gáy”. Chả là báo cáo anh, con cu gáy nhà em nó mới chết. Thương nó quá, em viết như sau:

Cu ơi! Cu hỡi, Hỡi là cu

Anh đã nuôi em được mấy thu

Cứ tưởng em ăn rồi em lớn

Để gáy cho anh tiếng cúc... cù

Nào ngờ em lại lăn ra chết

Để lại cho anh nhớ lu bù

Hồn em siêu thoát đi em nhé!

Mong rằng kiếp tới lại gặp nhau.

- Hờ.... hờ! Ông nhiều tình cảm với chim lắm!...

- Dạ, thưa...anh – Đực cố lấy giọng thật thớ lợ.

- Nhưng mà này!

- Sao ạ?

- Những chữ “lăn ra chết” nghe thô quá! Hay là sửa thành “về kiếp khác” được không?

- Dạ, đúng là chí lý ạ!

- «Lại gặp nhau » cũng chưa ổn, không vần. Thay bằng «được em ru» có hơn không ?

- Ôi ! Đúng là nhà thơ chuyên nghiệp có khác. – Đực xuýt xoa. 

- Ông làm được nhiều chưa ?

- Dạ, gấn một trăm bài rồi ạ !

- Thế cơ à !

Tôi chắc Thái Huy nghe cũng lộn ruột lắm. Anh chỉ cố nén lòng mình đấy thôi. Có lần nhà thơ Xuân Diệu nói với chúng tôi : « Một tháng làm được một bài thơ hay đã là thiên tài rồi ». . Thế mà Đực một anh làm bảo vệ công ty, văn hóa thấp, chưa từng  học hành gì về văn thơ, sao mà làm thơ nhanh thế ! Nói đến bảo vệ mà giỏi thơ văn thì đã có. Tôi đã từng biết một ông bảo vệ ở một Trường Sư phạm. Ông Trịnh Hồng Dương. Ai ngồi nghe ông nói chuyện văn thơ cũng há mồm, như hớp lấy từng lời. Nhiều giáo sinh khoa Ngữ văn, nghe thầy cô giảng thì buồn ngủ mà nghe ông Trịnh Hồng Dương nói chuyện văn thơ thì cả buổi không biết chán. Thực ra ông là một thầy giáo Ngữ văn giỏi, chẳng qua bị một « tội » gì đó, người ta không cho dạy mà bắt đi làm bảo vệ đó thôi. Trên thế giới thì Sếc-xpia, nhà viết kịch nổi tiềng của nước Anh cũng bước vào nghề từ công việc coi rạp hát đấy. Nhưng họ khác. Anh Đực phường ta đâu ví với các bậc ấy được. Các bạn chắc sẽ thắc mắc : Thiếu gì tên gọi mà anh ta lại có cái tên lạ lẫm thế phải không ? Ấy là vì thuở anh ta ra đời, bố anh ta còn nghèo lắm. Dân lúc đó còn lạc hậu lắm. Họ sinh đẻ ngay tại nhà, không ra trạm xá, nhà hộ sinh. Khi mẹ anh ta đau đớn quằn quại trong căn buồng lụp xụp thì bố anh ta thấp thỏm ở ngoài sân. Chờ mãi... chờ mãi thì bỗng giật thót người bởi một tiếng khóc oe,,, e .. của trẻ sơ sinh từ trong phòng cất lên. Anh buột mồm hỏi chõ vào :

- Đực hay cái đấy ?

- Đực – Tiếng bà đỡ đáp vọng ra.

Anh hoa chân múa tay, gào to : «Tuyệt vời rồi ! Thế là có thằng cu chống gậy rồi ! Có thằng nối dõi rồi ! Có thể coi là có con rồi ! Nó là đứa đâm người chứ không để người đâm rồi» ! Thôi thì có bao nhiêu là lời nói bỗ bã của dân quê, anh ta tuôn ra một thôi, một hồi, tuôn ra như sợ thiên hạ không thấu hiểu hết nỗi sung sướng của mình.  Khi đi làm giấy khai sinh, người cán bộ hộ tịch hỏi tên là gì, anh nói ngay :

- Đực ạ !

- Sao đặt tên lạ vậy ? Họ và chữ lót thế nào ?

- Dạ, đực là con trai, là quý tử dấy ạ. Cứ đặt thế cho thực chất, cho yên tâm, đặt hay qúa sợ có điều gì phạm chăng. Như thế là chỉ mình cháu một tên thôi. Ông cứ ghi là Trương Khỏe Đực ạ !

- Tên nghe ngang quá, sửa đi ! Trương Mạnh Đực được không ?

- Dạ được ! Được ! Bác cứ ghi thế cho em !

Thế là cái tên của hắn được chốt từ đó. Sau này lớn lên, chắc hắn cũng xấu hổ nên thường khai chệch đi là Đức. Hồ sơ gốc thì vẫn là Đực. Người ta đi học thường hay nhắc nhau : « lấy cần cù bù khả năng », riêng hắn thì có cả hai cái nhất : dốt nhất và lười nhất lớp. Hắn học cố 9 năm mới hết cấp hai (lúc ấy là 7 lớp). Hắn đã làm khá nhiều nghề, sau nhờ người trong họ làm ở Công ty Đại Dương xin cho một chân bảo vệ. Thế là hắn có công việc ổn định. Nhiều năm lang thang đây đó, hắn nghe được nhiều và cũng nhớ được lõm bõm một số câu tục ngữ, ca dao, hoặc thơ. Gặp cảnh hợp thì vận vào, khiến cho nhiều người cứ tưởng hắn cũng thơ văn kha khá. Thế là hắn cũng tưởng thật. Cứ tưởng hắn có thể làm thơ. Mà thơ là cái gì nhỉ ? Chỉ là nhưng câu có vần chứ gì. Và, thế là nghĩ gì, thấy gì hắn cũng khì khò ngồi vắt óc viết thành những câu có vần. Một hôm, hắn viết ngay về tổ bảo vệ của hắn thế này : 

Bọn tớ đêm ngày đứng lại ngồi

Trông nhà, giữ xưởng chẳng dám ngơi

Thấy người lạ đến xồ ra quát

Phát hiện hơi quen, đến chào mời

Cái mặc, cái ăn do chủ cấp

Nên gắng cả ngày chẳng dám chơi

Tai luôn phải thính, tinh con mắt

Bảo vệ chúng mình thật tuyệt vời.

Hắn khoái chí với tác phẩm của mình lắm. Nhờ đánh máy. In. Phô tô thành nhiều bản phát cho mọi người. Hắn đưa cả cho Ban giám đốc. Ông Giám đốc thích lắm, khen hắn, khen tổ Bảo về và nhắc mọi người cố làm cho tốt như bài thơ. Nhưng trò đới cứ hay đố kỵ. Nhiều công nhân trẻ nói đến tai tổ Bảo vệ. Đực nó làm thơ vậy khác nào nó bảo các ông bảo vệ là chó giữ nhà à? Nào là chủ cho ăn để coi nhà, nào là thính tai, tinh mắt. Kể ra, còn phải thêm là thính mũi nữa mới đủ v... v... Thế là Đực bị anh em trong tổ Bảo vệ mắng cho một mẻ. Đã thế một số cậu công nhân gặp Đực đâu lại nheo mắt tinh nghịch: “Chào bác mắt tinh, mũi... à tai thính nhé”! “Tôi chắc đã quen hơi rồi, không bị các ông xồ ra cắn... à quát đâu nhỉ”? v... v...Tất nhiên, cũng có một số không biết do ngu dốt hay do động viên hắn mà khen lấy khen để. Hắn khoái lắm. Hắn có biết đâu rằng một anh hề vô duyên nhất thì cũng có người vỗ tay tán thưởng, một kẻ ngu nào mà chẳng có một có kẻ ngu hâm mộ. Hắn cũng không hiểu rằng: người ta khen là để đùa cợt cho vui, để húi cho hắn tiếp tục làm trò... cho vui...

Hội nghị tuyên bố bế mạc làm tôi giật mình. Dòng liên tưởng miên man bị chững lại. Mọi người chào nhau, bắt tay nhau. Tôi thấy Đực nắm tay Thái Huy thật chặt, lắc lắc liên tiếp:

- Em cảm ơn bác rất rất nhiều. Nhất định em bố trí thời gian đến gặp bác ạ!

Thái Huy hơi mỉm cười và gật đầu. Khuôn mặt đầy thịt của Đực như cũng rung lên đỏ lựng. Tôi hỏi hắn:

- Ông Huy đã nói gì với ông mà ông có vẻ phấn khởi thế?

- Ông ấy bảo tôi có đam mê và cố gắng đấy!

- Thế à!

- Ông ấy bảo em tập hợp các bài lại rồi đem ra nhà xuất bản để xuất bản thành tập riêng ông ạ! Nhờ ông giới thiệu để em biết ông ấy thật may mắn cho em quá! Em cảm ơn ông nhiều lắm!

- Không có gì!

- Thực ra thì tôi lo thay cho Đực. Hắn không lượng sức mình. Tôi biết, việc in thơ hiện nay không như trước. Trước đây, anh có tác phẩm đem đến nhà xuất bản phải chờ có kế hoạch in. In bằng tiền của nhà nước. Sau đó nhà xuất bản phát hành (thường là in đến đâu bán hết đến đó). Được in rất khó. Nhà thơ lớn cũng mấy năm mới có một tập. Nay, nhà xuất bản cứ cấp giấy phép. Việc in và phát hành là của tác giả. Do vậy, nhiều khi, có tiền là có tập sách riêng. Có sách rồi bán được hay không là cả một vấn đề. Liệu Đực có nên in không? Khuyên anh ta thì rất khó. Anh ta đang cao hứng mà. Đành mặc kệ vậy.

Đực vẫn nhờ Thái Huy giới thiệu để đem thơ của hắn tới nhà xuất bản Tân Trí. Cao Hoàng nhận bản thảo của hắn để đọc và biên tập. Một tuần sau, hắn được mời ra gặp để nghe nhận xét và phổ biến về việc in tập sách. Cao Hoàng nhìn hắn chăm chú và nói rành rọt:

- Tôi đọc kỹ tập thơ “Lời quê” của anh rồi. Anh gửi 70 bài, tôi chọn 45 bài thôi. Gọi là gạn đục khơi trong. Mấy bài kia dở quá, đưa in nghe ra không ổn. Anh vào nộp tiền biên tập nhé!

- Dạ!

- Anh định in ở đâu?

- Cái này… em… em tưởng nhà xuất bản in cho chứ ạ!

- Nhà xuất bản in thì cũng được, song nếu anh quen chỗ nào in rẻ hơn thì tự in cho đỡ tốn.

 Đực thì đi đâu mà quen. Anh ngần ngừ rồi nói:

- Hay… hay là các bác giúp em ạ. Em in lần đầu nên chưa quen ạ.

- Hừm… Thế, anh định in bìa cứng hay mềm, có thuê họa sĩ vẽ bìa không? Có vẽ minh họa không?

- Cứ tùy các bác thôi ạ!

- Thế thì được! Anh sang phòng kế toán - tài vụ để làm hợp đồng theo yêu cầu của họ nhé!

- Dạ!

Xong việc ở phòng kế toán, tài vụ ra trông Đực phờ phạc hẳn. Trời ơi, hắn có ngờ đâu lại phải bỏ tiền ra in thơ. Mà bỏ đâu có ít. Cả biên tập cả thuê họa sĩ trình bày đã hết 5 triệu. Mỗi cuốn giả bìa là 45.000 đồng nhưng in mất 25.000 đồng- đấy là hắn rút từ bìa cứng xuồng bia mềm. Hắn chỉ xin in 500 cuốn (mức thấp nhất) mà đã phải nộp tất tật gần hai chục triệu. Nếu tính cả các lần nước non, quà cáp nữa thì hai chục triệu là cái chắc. Mất năm tháng lương của hắn đấy. Không in thì hắn vẫn phải nộp tiền biên tập cho nhà xuất bản, vì họ đã mất công biên tập rồi. Không in thì lại không có sách. Mà, như vậy thì xấu hổ quá vì hắn đã khoe, đã để cho mọi người biết chuyện hắn sẽ in thơ rồi. Không in mọi người sẽ cho là thơ hắn dở, không đáng in. Thôi thì trót đâm lao phải theo lao. Đành cứ in vậy. 

Trong nhà hắn đang có chục triệu. Đây là số tiền hắn và các em góp  lại để cuối năm nay bốc và xây mộ bố, mẹ. Hắn vay tạm bạn bè, người quen. Mọi người cho hắn vay vì hắn đều hứa, đến tháng lương tới hắn trả hoặc hắn bán thơ hắn trả.

*

*   *

Thế là thơ đã in xong. Năm trăm cuốn bó thành năm bó. Vuông vức, mới, đẹp. Mất tí tiền nhưng mà sướng. Đứa con tinh thần của hắn đã ra đời. Hắn thuê ta xi chở về nhà chất vào góc phòng khách. Những bó ấy lù lù một đống làm cho căn phòng vốn đã chật lại càng chật chội thêm. Hắn đem ra cơ quan 50 cuốn. Hắn tặng từ giám đốc tới công nhân. Công nhân thì hắn chỉ tặng những ai hắn thích thôi nhé! Bao nhiêu người được hắn tặng thơ là có bấy nhiêu kiểu nhận. Mỗi người một vẻ. Giám đốc Báo đang làm việc chăm chú, nghe hắn gõ cửa nói gọn lỏn:

- Cứ vào!

- Dạ, em chào Giám đốc ạ!

- Có gì đấy anh Đực?

- Dạ... không có gì ạ... Chả là em mới in được tập thơ em kính biếu Giám đốc ạ!

- Thế cơ à! Giỏi quá nhỉ?!

- Dạ...

- Cảm ơn nhé! Lúc nào tớ đọc...

- Dạ, em xin phép ạ!

- Nói rồi ông ta lại cúi xuống bàn, như không còn dư âm gì về Đực nữa. Hắn tặng mọi người thì ai cũng nói câu “cám ơn” song đi được vài bước thì nghe thầy loáng thoáng có tiếng đằng sau. Đại loại là: “thơ với chả phú”, “thơ ... thẩn đây”, “thơ con cóc đây mà”, “ồ, có một tập giấy trong tay sao chẳng có lúc có ích ”... vân... vân... và vân... vân... Cũng may mà còn có cu Hừng, văn phòng vừa cầm tập thơ của Đực lên, nó đã reo to:

- Ái chà, nhà thơ của công ty ta có tập thơ riêng rồi cơ à! Xin chúc mừng nhé! Thơ bác em đọc rất dễ hiểu, rất thực tế nhé!

- Cậu có thích bài nào không?

Có chứ, bài “Tổ bảo vệ” chẳng hạn!

- Đực cười như mếu, mặt cúi xuống, có vẻ buồn. Hừng biết mình nhỡ lời bèn chữa:

- Còn nhiều bài khác nữa cơ. Cháu thuộc lòng bài “Làng tôi” của bác đấy nhé! Thế này có đúng không nào?

Làng tôi phong cảnh hữu tình

Có con mương nhỏ, có đình, có đa

Giữa làng có cái ngã ba

Đi về các xóm thật là đông vui

Tôi yêu cái làng của tôi

Năm nào cũng phải về đôi ba lần.

- Đúng! Đúng! Cảm ơn cậu. Đây là làng tôi thật đấy.

- Thì em đã bảo thơ bác rất hiện thực mà!

Đực khoái chí, mắt tít lại, hai cánh mũi phập phồng, hay đáo để.

Đực đã có cả một chương trình bán thơ để trả nợ. Trước hết hắn đi vào các hiệu sách nhờ bán. Các hiệu sách đều trả lời:

- Thơ bây giờ khó bán lắm bác ạ. Ngay thơ của những nhà thơ có tên tuổi cũng còn đang ế đấy.

Không hiệu sách nào nhận bán cả. Có hiệu sách nhận nhưng lại mặc cả:

- Bác cứ để đây. Khi nào bán được cháu báo bác đến lấy tiền và cho chúng cháu bốn mươi phần trăm giá bán nhé!

- Bốn mươi phần trăm cơ à!

- Vâng! Nếu không nhất trí thì bác đi hiệu sách khác vậy.

- Đành vậy!...

Đực buồn bã rút ra 50 cuốn gửi vào hiệu sách. Coi như là đủ tiền in. Không công. Lại có người mách: “Vào các trường học bán cho các thư viện ấy”. Đực làm theo. Nhưng đến đâu người ta cũng từ chối vì kinh phí cho thư viện bị cắt giảm nên chỉ có thể mua sách tham khảo phục vụ các bài học của sách giáo khoa thôi... Thế là đống thơ vẫn cứ lù lù gai ngạnh góc phòng mà tiền nợ thì mỗi lúc một gần đến ngày phải trả. Hai tháng lương hắn dùng trả nợ hết mà vẫn chưa dành được đồng nào để lo việc bố. Vợ cằn nhằn vì mấy tháng chồng không đưa tiền để lo cho sinh hoạt của cả nhà. Mấy ông chú hỏi về việc chuẩn bị cho bốc mộ bố của hắn ra sao? Tất cả làm hắn mụ mị cả đầu. Trời ơi! Ai bảo hắn lại mê thơ cơ chú? Ai bảo hắn lại thích nổi tiếng khi chưa có điều kiện. Những đứa lắm tiền, nhiều của thì mấy chục triệu có là gì, vất đi cũng chẳng sao. Nhưng, với hắn, với hắn thì méo mặt thế này đây. Các cụ nói có sai đâu “chữ tài liền với chữ tai một vần” mà! Hắn cũng đang khốn khổ vì tài thơ của hắn đây...

 

Cổ Nhuế,Trọng đông năm Đinh Dậu (2017)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 386
Trong tuần: 1090
Lượt truy cập: 435822
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.