Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KÊU HOÀI CON CUỐC...ƯỚC CHI?

Đỗ Ngọc Yên
 
KÊU HOÀI CON CUỐC… ƯỚC CHI?
 
   Nói thơ Nguyễn thanh Kim là thơ hướng nội thì xem ra chưa thật ổn lắm, bởi lẽ thơ là tiếng đồng vọng của cõi lòng, nên thơ nào mà chẳng hướng nội. Nhưng cái hướng nội ở Nguyễn Thanh Kim như được cô lại, thật khó tháo gỡ và càng không dễ đổi thay. Chính điều đó làm tôi càng thêm cẩn trọng hơn trong cách nhìn nhận đối với thơ ông nói riêng cũng như với thơ ca nói chung
    Với 48 bài, trong đó có 20 thuộc loại thơ 4 câu và một bài thơ văn xuôi, còn lại đa phần là thể thơ tự do, “Ước chi một thuở” đã đưa bạn đọc đi từ những điều mắt thấy tai nghe hoặc có thể cảm nhận được bằng trực giác, tới miền suy ngẫm, chiêm nghiệm về thế thái, nhân tình và về chính con người nhà thơ của ông. Đấy là một ý tưởng khá rõ nét và sòng phẳng trong “Ước chi một thuở” của Nguyễn Thanh Kim. Tập thơ được chia làm hai mảng khá rõ: một là những bài thơ viết về người, về đời; hai là những bài thơ viết cho riêng mình. Tuy nhiên đấy chỉ là một cách phân chia rất tương đối, chứ nhà thơ nào chẳng làm thơ trước hết là để cho mình. Những bài “Ước chi một thuở”, “Trằn trọc”, “Tự hỏi”, “Ngược núi”, “Tiếng chim buổi sớm”... và đặc biệt là hai bài “Con cuốc kêu hoài...” và “Soi gương” tôi rất thích.
Nguyễn Thanh Kim tự nói về mình trong lời tự bạch ngay đầu tập thơ:
“Tôi - đứa con của phố phường, đồng ruộng.”
(Tự bạch)
 
   Nhưng đọc kỹ “Ước chi một thuở” tôi lại thấy ông là người dường như xa lạ, luôn đứng ngoài cuộc sống phố phường. Hay nói cách khác dù có là người sống ở phố ông cũng không thích và không thể nào chấp nhận được lối sống xô bồ, nhộn nhạo, với đầy những cái mặt vô cảm nhưng rất hợm hĩnh, hám danh và vụ lợi, suốt ngày bon chen, kèn cựa nơi phố phường đô hội:
“Tháng ngày bon chen ngoài phố chợ
Lẫn lộn vàng thau, thật giả người
Ta về ngược núi muôn trùng gió
Trả lại bóng mình chốn xanh khơi...”
(Ngược núi)
 
screenshot_366
 
   Vì chưa một lần nếm trải nên e ngại không dám nhập cuộc hay đã dấn thân đến nỗi ê chề rồi mà chẳng thấy gì hơn đành phải xa lánh cái cuộc sống không mấy hợp với những nghĩ suy và tạng người của ông, âu cũng đều là những lý do chính đáng để Nguyễn Thanh Kim trở về với cái “Một thuở” của riêng mình, dù rằng giờ đây nó chỉ là hoài vọng, khát khao. Nếu như ở bài “Ước chi một thuở” mới chỉ là sự nhớ về kỷ niệm của một mối tình xưa, mà năm tháng đã làm cho nó phôi pha đi: “Ước chi một thuở em gầy/ dấu xưa còn đó xanh ngây mắt nhìn”, thì bài “Con cuốc kêu hoài” đã bộc lộ khá tập trung và rõ nét tâm sự nhớ về cái “Một thuở” của ông:
“Con cuốc kêu hoài ở phía bờ ao
đêm hoang lạnh chìm trong hoang lạnh
ơi bóng cuốc lảnh khảnh khi ẩn khi hiện
chẳng còn đâu- chống chếnh cả bụi cây”
“Thôi đành tìm bóng cuốc lạc vào miền ký ức
thôi đành nghe tiếng cuốc chập chờn trong chiêm bao”
.....
“và tiếng cuốc kêu thương từng day dứt lòng ta trôi dạt bến bờ nào...”
(Con cuốc kêu hoài...)
   Rõ ràng ở đây không còn là sự nuối tiếc một kỷ niệm cụ thể nào mang tính riêng tư nữa, mà đã trở thành nỗi khát khao tìm về cái thời đã mất với bao suy tư về nhân thế. Sự so sánh ngầm về thân phận con cuốc và cuộc đời thi nhân giữa dòng đời dâu bể làm bật dậy sự đồng khí tương cầu giữa hai sinh thể tưởng chừng chẳng có gì liên quan với nhau ấy. Vậy mà, vẳng một tiếng cuốc kêu ngoài bờ ao đã làm thức dậy từ trong tâm khảm nhà thơ một nỗi niềm xa ngái, cái một đi không bao giờ trở lại và nếu có còn cũng chỉ như dáng cuốc nhồi bông như hàng vạn tiêu bản đứng lặng câm sau tủ kính mà thôi.
Nguyễn Thanh Kim là người ý thức rất rõ về mình một khi đã vướng vào nghiệp văn chương. Dưới con mắt thông tục của người đời thì nhà thơ bao giờ mà chẳng dại khờ. Nếu không còn dại khờ anh ta chẳng thể nào làm thơ được nữa. Hay nói cách khác dại khờ là một phẩm chất rất cần cho sáng tạo thi ca:
“Soi gương
sợi đen
chen sợi bạc
ngập ngừng
khuôn mặt đăm chiêu
anh
kẻ dại khờ”
“Thời gian
in
vầng trán nhà thơ
nét khắc
vô tri
niềm hy vọng
cách một tầm tay với
anh
kẻ dại khờ
kẻ dại khờ muôn thuở...”
(Soi gương)
 
  Sống là dấn thân và chấp nhận. Nhưng Nguyễn Thanh Kim đã dấn thân một cách dè dặt và cẩn trọng. Vì thế ông là người chấp nhận không dễ dàng chút nào khi có lúc bất ngờ bỗng gặp cảnh:
“Một cô gái thoa môi đỏ chót ngóng trong đêm tối bóng người đàn ông hẹn lạc thú thân xác một chút hy vọng mong manh nơi khách qua đường.
  Người đàn bà béo nhẫy ngồi đếm từng xếp tiền bên quầy hàng sau những vụ mánh mung thắng đậm với nụ cười hoan hỷ trên môi”
...
 
    “Đêm như biển không đáy, như bầu trời lật ngược phản quang những tia dọi của ký ức quay về”
(Lay phay mưa bụi đêm xuân)
Thực ra những cảnh như thế đối với nhiều người không có gì phải băn khoăn suy nghĩ. Giữa phố phường náo nhiệt, giả người thật của, thời buổi kinh tế thị trường này, cái gì ban ngày người ta không làm được hoặc không tiện phô ra cho người khác thấy, thì khi màn đêm buông xuống những cái đó đều có thể được bày ra trước mắt mọi người. Còn nhà thơ, làm sao anh ta lại có thể trở thành con người trần tục được, dù anh cũng chỉ là một con người. Và thế là trời đã phú cho anh ta một thiên chức là có thể đi ngược thời gian trở về với quá khứ dịu êm và mơ mộng của chính mình, với những con người quê chân chất mộc mạc như củ khoai, hạt lúa, vại cà nơi quê nhà, với những xóm mạc, cánh đồng, tiếng chim, ngọn gió hoang sơ tự thuở nào:
“Tầng cao chẳng khuất đồng chiêm lấm
nhớ rổ khoai quê, nhớ vại cà”
(Tiếng chim buổi sớm)
Ông nhớ về người bạn thưở thiếu thời: “Biết nhau vời xa phượng đỏ”, trong đồng cảm ông mới thực là ông:
“Bạn cùng tre pheo xóm mạc
bạn với bùn đất xênh xang
ai đến mời dăn chén rượu
bá vai thân như người làng”
(Bạn vùng đồi)
    Phải chăng nơi ấy vừa là cái một thời và cũng là cái muôn thuở mà Nguyễn Thanh Kim hằng ao ước.
Cảm xúc, ngôn ngữ và giọng thơ của Nguyyễn Thanh Kim ở mảng đề tài này thật dung dị và nhuần nhuyễn. Những vần thơ anh viết ra cứ nhẹ bẫng như nói chơi vậy, nhưng rất chặt về cấu tứ với một ý tưởng rõ ràng. Điều đó chứng tỏ ông là một nhà thơ có nghề hẳn hoi. Đây là một đặc điểm và cũng là thế mạnh của “Ước chi một thuở”./.
                                                                                  Đ.N.Y
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 5
Trong tuần: 705
Lượt truy cập: 446474
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.