Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HOA MƯỚP CUỐI MÙA

Dương Hiền Nga
 
HOA MƯỚP CUỐI MÙA
 
- Chị Choẹt ơi, ra sân chơi đi!
Nghe tiếng gọi, Choẹt thò đầu ra cửa sổ tầng ba nói vọng xuống:
- Ừ, gọi em Nhím nữa nhé!
Thoắt cái, ba chị em đã gặp nhau ở cầu thang tầng một, mỗi bạn dắt một chiếc xe đạp mi ni. Ở tầng một, em Tôm và em Bi cũng ôm bóng chạy ra. Thấy các anh chị ríu rít, hai em sinh đôi Cua và Ghẹ mới hơn ba tuổi cũng đòi bà ngoại cho ra sân chơi. Khi đi qua cửa nhà bà cụ Lan, Nhím dừng lại nhìn kỹ xuống chân và bảo:
- Chị Choẹt ơi, trứng con gì đẻ ra này.
Cả năm chị em dừng lại xem xét những vẫn không biết là trứng con gì. Bà cụ Lan từ trong nhà đi ra bảo:
- Đấy là hạt mướp, không phải trứng con gì đâu, bà vừa cắt quả mướp già mang ở quê lên để lấy xơ rửa bát các cháu ạ.
- Thế ạ, vậy mà cháu cứ tưởng…
Nhím nhặt lên được tám hạt mướp mầu nâu đen rất mẩy và nhẵn, hạt hình bầu dục hơi dẹp hai đầu. Chị Choẹt lớn nhất đã học lớp năm nên bảo các em:
- Mình thử đem gieo những hạt này vào ô đất của nhà Tôm xem có nẩy mầm không. Cô giáo chị bảo tưới nước đều hạt sẽ nẩy mầm đấy.
Mấy em đều hưởng ứng:
- thế hả chị, nếu nẩy mầm chúng mình sẽ chăm sóc thì mướp có ra quả không nhỉ.
Cả năm chị em quay lại nhà Tôm. Bố Tôm xây một ô vuông to bằng mặt bàn học, đổ đất vào trồng cây lựu nhưng cây lựu bị chết thành ra ô đất vẫn bỏ trống, hàng ngày mẹ Tôm vãn đổ bã chè vào đó nên đất vẫn ẩm ướt. Choẹt xới đất cho tơi lên, vùi hạt xuống rồi tưới đều ít nước. Xong xuôi, cả năm chị em chạy ra sân nô đùa, đạp xe và đá bóng. Hai em Cua và Ghẹ đã ở ngoài sân cũng lũn cũn chạy theo các chị cười hớn hở, váy hoa xanh, dép xanh và nơ buộc tóc cũng xanh giống hệt nhau, trông như hai con búp bê xinh xắn. Tối về Bống khoe với mẹ việc trồng mướp, mẹ mỉm cười bảo:
- Mướp phải gieo sau tết mới đúng vụ con ạ, ăn quả vào mùa hè, bây giờ là cuối tháng chín, sắp sang mùa rét rồi.
Gần một tuần, bọn trẻ chăm chỉ tưới nước mà vẫn không thấy gì, Bống bảo:
- Chắc không nẩy mầm được đâu chị Choẹt ạ, mẹ em bảo hết mùa trồng mướp rồi.
Thế mà chiều hôm sau đi học về, Tôm phát hiện mướp nẩy mầm liền chạy đi thông báo. Cả năm đứa trẻ chạy ùa đến. Chúng reo lên khi thấy năm cái mầm màu xanh nhạt nẩy lên khá mập mạp. Mỗi cây xòe ra hai chiếc lá mầm trắng nõn. Mỗi đứa liến nhận cho mình một cây mướp con. Ngày nào mấy chị em cũng tưới nước và rắc thêm bã chè, chăm sóc mướp xong mới gọi Cua, Ghẹ ra sân chơi. Bọn trẻ vui và hào hứng lắm vì sinh ra ở thành phố, từ bé chưa ai được tự tay trồng và chăm sóc  một cây gì. Mấy hôm sau, những chiếc lá xinh xinh mềm mại đã xòe ra như những bàn tay nhỏ, ngọn mướp vươn dài rất nhanh. Không hiểu sao dây mướp của chị Choẹt lại mập nhất và vươn cao hơn bốn dây kia, đúng là cây của chị cả có khác. Còn dây của em Nhím, đêm qua con gì cắn gẫy ngang thân, ngọn mướp rủ xuống héo lả đi. Nhím tiếc qua súyt khóc nhè. Chị Choẹt bảo:
- Đừng khóc, chị cho em chung cây của chị đấy, năm người bốn cây cũng không sao.
Cả năm chị em cùng học ở ngôi trường tiểu học bên kia đường. Buổi sáng chị Choẹt gọi các em đi học, dắt díu nhau sang đường an toàn, chiều về bốn em lại bám theo chị. Chị Choẹt học lớp năm, Nhím và Bống học lớp ba, còn Tôm và Bi mới học lớp một nhưng mấy chị em chơi với nhau từ bé, đến trường gọi nhau bằng tên khai sinh rất đẹp, chị cả Bảo Anh, hai em gái Hải Yến và Ngọc Mai hai em trai  Quí Lộc, Lâm Bách. Hễ về nhà là ríu rit rất vui vẻ bằng những tên riêng thật là ngộ nghĩnh.hoamuop
Mùa thu ở thành phố mát dịu, bờ tường xi măng không nóng bỏng như mùa hè nên bốn dây mướp bám vào bức tường nhà Tôm vươn lên. Những cái tay mướp đầu tiên vươn dài như múa trong gió rồi xoăn lại bám chặt vào những vết ghồ ghề trên tường. Những chiếc lá mọc ra sau lại to và xanh dày hơn những chiếc mọc trước. Sau hơn một tuần, bốn ngọn mướp đã cao vượt bức tường hơn một mét, chạm ngọn vào tấm lưới B40 bố Tôm chắn bên trên, những cái tay mướp xoắn chặt vào mắt lưới, mấy ngày sau đã bò lan lên mái bếp nhà em Nhím. Chiều nào bọn trẻ cũng tưới nước rồi lên cửa sổ nhà em Bống ở tầng hai để ngắm. Dây mướp của em Nhím và chị Choẹt vẫn dài nhất, bò đến cột ăng ten và bắt đầu leo lên. Từ nách lá, quả mướp đầu tiên nẩy ra cong cong như ngón tay út của hai em Cua và Ghẹ. Năm chị em vui mừng hồi hộp theo dõi quả mướp, nó lớn trông thấy từng ngày. Bọn trẻ đồng thanh: “Mướp ơi, cố lên!”. Và dường như hiểu được sự cổ vũ của bọn trẻ, mấy hôm sau mỗi nách lá lần lượt nẩy ra một quả mướp con, bọn trẻ vui hơn cả khi mẹ đi siêu thị về mua cho gói bim bim. Mấy bông hoa mướp vàng tươi xòe cánh mỏng như lụa nổi bật trên những lá xanh. Từ những ô cửa sổ nhà chị Choẹt, nhà em Bi, em Bống nhìn ra giàn mướp thật xanh tươi, vui mắt. Quả mướp đầu tiên đã to bằng cái bút xóa buông thõng xuống ô cửa sổ nhà em Bi, vỏ căng mọng, nổi những vệt gân mờ. Mấy ngày sau quả mướp đã bằng bắp tay em Bống. khiến dây mướp hơi võng xuống vì nặng. Lá và dây mướp đã phủ kín mái bếp, không thể đếm được chính xác có bao nhiêu quả, từng đàn kiến đen bò lên bò xuống trên những dây mướp xanh biếc. Thỉnh thoảng mấy chú ong mật vo vo bên những bông hoa vàng, đậu vào rồi bay vụt lên, có cả mấy con bọ xít nâu ở đâu bay về, bám vào quả nào thì quả ấy bị cong vẹo đi. Bống còn phát hiện mấy chú chim sâu chân bé tẹo như que tăm ngày nào cũng lích tích trong đám lá mướp, có chú lôi ra một con sâu và nuốt một cách ngon lành. Bống gọi mấy chú chim là “bác sĩ nhỏ”.
Đã sang đầu tháng mười một mà sao mướp vẫn tốt kỳ lạ, chót vót trên ngọn cây ăn ten, dây mướp khoe hoa vàng tươi và bốn năm quả đung đưa trong gió. Đến ngày thu hoạch mướp thật là vui. Bố Tôm bắc thang trèo lên mái bếp nhà em Nhím, hái mướp rồi cho vào túi vải thả xuống, năm chị em đứng dưới đợi chờ, ánh mắt đầy háo hức, tất cả có mười một quả tươi ngon, vỏ xanh mát, bọn trẻ thi nhau đưa lên mũi hít hà từng quả:
- Mướp thơm như mùi cơm nếp ấy.
Mẹ Tôm bảo:
- Đúng là mướp hương rồi.
Chị Choẹt chọn hai quả dài nhất đưa cho bà Lan:
- Chúng cháu cho bà hai quả mướp ạ.
Bố Tôm từ trên thang xuống bảo:
- Các cháu phải nói là chúng cháu biếu bà chứ.
Được bọn trẻ biếu quả mướp hương, bà cụ Lan cười móm mém khen:
- Các cháu ngoan quá, bà không ngờ các cháu lại mang mấy hạt ấy đi gieo, quả sạch này ngon lắm đấy, bà cảm ơn!
Chiều hôm sau chạy ra sân chơi, chị Chọet bảo:
- Chưa bao giờ chị ăn mướp lại ngon như bữa mướp xào hôm qua.
Cả Tôm, Nhím, Bống và em Bi cũng khoe là bố mẹ khen ngon.
Khi những cơn gió mùa đông bắc lạnh lẽo tràn về, ngọn mướp chùn lại, những quả mướp ra sau có vẻ còi cọc, không được phông phao như trước. Những chiếc lá già ngả vàng rồi héo dần. Nhìn dây mướp đang tàn, chị Choẹt bảo với các em:
- Hôm nào ăn xôi gấc chị em mình nhớ cất hạt đi để gieo nhé. Chúng mình sẽ có gấc đỏ cho mẹ thổi xôi. Cả bốn em đều vỗ tay tán thưởng. Hai em Cua và Ghẹ chẳng hiểu gì cũng vỗ tay rồi nhoẻn miệng cười thật dễ thương.
 
                                                                D.H.N
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 48
Trong ngày: 409
Trong tuần: 1831
Lượt truy cập: 403962

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.