Cầm Sơn
HOA LƯ – MỘT NGÀY THU THÁNG TÁM
Nhà văn Lã Thanh Tùng gọi mời tôi về thăm quê hương bạn ông là Nguyễn Minh Tuấn ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, ông nói rõ mục đích chuyến đi để ông lấy tư liệu về một giai đoạn lịch sử có liên quan đến một nhân vật mẫu là bà cụ thân sinh ra ông Nguyễn Minh Tuấn trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Sáng ngày 08 tháng 8 năm 2022. Ngồi trên xe do Nguyễn Minh Tuấn tự lái chạy từ Hà Nội về Ninh Bình còn có Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Chính là anh họ Nguyễn Minh Tuấn, Lã Thanh Tùng và tôi. Điểm đầu tiên xe dừng là nhà ông Phạm Như Hưng và bà Phạm Thị Suốt – Trưởng chi tộc họ Phạm ở thôn Nhân Lý xã Ninh Mỹ huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngay trong buổi sáng, chúng tôi đã đến thăm và lấy tư liệu tại chùa Nhân Lý, gặp gỡ ni sư trụ trì Diệu Minh. Chùa này trước đây là một ngôi chùa nhỏ không có sư trụ trì, chỉ có thủ từ là một cụ đồ nho và con gái cụ thường qua lại, đó là bà cụ thân sinh và ông ngoại Nguyễn Minh Tuấn.
Rời chùa Nhân Lý, chúng tôi còn đến thăm ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1946, hiện tại chủ nhân là ông Bùi Ngọc Hạnh. Ngôi nhà này vào dịp cải cách ruộng đất năm 1955 đã từng là nơi giam giữ ba người bị đấu tố là địa chủ với án tử hình. Trong đó có trường hợp cụ Nguyễn Tử Vang nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã, là một trong 4 Đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên từ những ngày đầu mới thành lập Đảng của thôn Thư Điền nay là xã Ninh Nhất thành phố Ninh Bình. Bà cụ thân sinh ra Nguyễn Minh Tuấn tên là Phạm Thị Đỗ cùng hai nữ du kích nữa, trong phiên trực của mình đã bí mật thả cho ba người trốn ra, nhưng sau đó hai người bị bắt trở lại và bị xử bắn vào ngày hôm sau. Riêng cụ Nguyễn Tử Vang được bà Đỗ cho một cái nón mê, một cái gàu sòng và mấy bơ gạo giả làm người đi thăm đồng tát nước đã trốn thoát và sau khi sửa sai cụ quay trở về tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã mấy khóa nữa rồi mới nghỉ hưu. Bà Đỗ sau khi thả người cũng trốn biệt tích, do không có thông tin gì nên không dám quay trở về quê. Rồi tham gia Thanh niên xung phong, đi công tác và lấy chồng nuôi con, đời sống còn nhiều khó khăn không có điều kiện nên mãi về sau này con cháu mới tìm về nhận quê hương.
Buổi trưa, đoàn quay về nhà ông Hải dùng cơm trưa, tại đây đoàn đã thắp hương phúng viếng tại nhà thờ chi họ Phạm Như.
Đầu giờ chiều đoàn đến thăm khu nhà trước đây là nhà ông bà ngoại Nguyễn Minh Tuấn. Ngôi nhà đã bán cho ông Tiến, sau đó ông Tiến lại bán cho ông Thông. Hiện nay ngôi nhà cũ của ông bà ngoại Nguyễn Minh Tuấn đã bị chủ mới phá bỏ làm một ngôi nhà mới nhưng chủ nhà cũng khóa cửa không ở. Khi đoàn đến thăm chỉ có một anh thanh niên là cháu của chủ nhà đến mở cổng cho vào. Tại đây, đoàn được bà Luyến là một người bà con trong họ Phạm hướng dẫn tham quan. Đoàn tiếp tục di chuyển, trên đường đi ghé vào thắp hương thăm viếng khu mộ họ Phạm tại Nghĩa trang xã nay được mở rộng thành nghĩa trang của thành phố. Sau đó đoàn tiếp tục di chuyển và dừng nghỉ tại nhà ông Bùi Hoàng Đính là em ruột ông Bùi Văn Chính ngụ tại thôn Nguyên Ngoại xã Ninh Nhất thành phố Ninh Bình. Khu đất này có mấy ngôi nhà liền nhau chung một cái sân và một nhà thờ chi họ Bùi của anh em ông Bùi Văn Chính quân quần. Đoàn thắp hương kính lễ nhà thờ.
Đoàn lấy phòng nghỉ tại khách sạn Trường An sau đó đến thăm, gặp gỡ và lấy tư liệu ở nhà bà Bùi Thị Tôn sinh năm 1935. Cùng lớp tuổi với cụ Phạm Thị Đỗ nên bà Tôn cũng cung cấp được nhiều tư liệu bổ ích. Buổi tối, đoàn về dùng cơm tối tại nhà ông Bùi Hoàng Đính.
Sáng ngày 08 tháng 8, ông Bùi Hoàng Đính đã có hẹn với một số nhân vật cần tiếp xúc từ chiều hôm trước, đoàn di chuyển sang thôn Thư Điền. Trước khi đến Thư Điền, đoàn đã ghé vào thắp hương tại nhà thờ quê ngoại cụ Phạm Thị Đỗ, tức họ hàng bà ngoại Nguyễn Minh Tuấn.
Tại thôn Thư Điền, đoàn đến nhà ông Nguyễn Tử Dung nguyên Đại tá quân đội nghỉ hưu là hậu duệ đời thứ 11 theo gia phả dòng họ Nguyễn Tử, tại đây còn được gặp bà Nguyễn Thị Dung nguyên là phó Chủ tịch xã Ninh Nhất. Tuy nhiên hai người này hậu sinh lại đi công tác thoát ly nhiều năm nên không nắm được nội dung gì về cụ Nguyễn Tử Vang. Chúng tôi chỉ được cung cấp một thông tin ngắn ngủi thông qua cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Tử về cụ Nguyễn Tử Vang vẻn vẹ có mấy dòng: Sinh ngày 23 tháng 3 năm Kỷ Dậu (12/5/1909) Chức danh: Bí thư Đảng ủy xã Ninh Nhất, Phó Chủ tịch UBHCKC xã; là một trong số 4 Đảng viên được kết nạp sớm nhất tại chi bộ làng Thư Điền…. Bà Nguyễn Thị Dung hướng dẫn chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Lịch, nguyên Chủ tịch xã Ninh Nhất hai khóa, cùng vai với ông Nguyễn Tử Dung, cháu gọi cụ Nguyễn Tử Vang là ông. Trên đường đi, chúng tôi còn dừng lại thăm mảnh đất trước đây có ngôi nhà của cụ Nguyễn Tử Vang, nay con cháu dọn sạch chỉ còn lại một mảnh tường gạch vôi vữa bong tróc.
Tại nhà bà Nguyễn Thị Lịch, đoàn đã tiếp xúc và được bà Lịch nói nhiều chuyện về cụ Nguyễn Tử Vang. Qua trò chuyện được biết trước đây bà là bộ đội địa phương huyện là quân sĩ dưới quyền chỉ huy của huyện đội trưởng Bùi Kính lại là chị ruột của một người bạn ông Chính. Khi ấy mới vỡ lẽ ra đều là người nhà cả vì cụ Bùi Kính là cha đẻ ông Bùi Văn Chính. Nhà văn Lã Thanh Tùng đã ghi chép được rất nhiều tư liệu bổ ích cho cuốn tiểu thuyết sẽ viết trong tương lai.
Rời nhà bà Nguyễn Thị Lịch, đoàn ghé thăm ngôi chùa Hưng Long, một ngôi chùa bề thế, to rộng với cảnh quan tĩnh lặng, đẹp đẽ đến mê hồn. Do chủa có một cái gác chuông từ lâu đời nên dân gian thường gọi là chùa Chuông.
Buổi trưa đoàn đến thăm và dùng cơm tại nhà anh Tiến là con rể bà Trường, chị dâu cả nhà chi họ Phạm.
Buổi chiều đoàn đến thăm dãy núi mà trước đây cụ Phạm Thị Đỗ thường đi hái củi. Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Văn Chính còn nhớ nhiều kỷ niệm đã thông tin lại cho nhà văn Lã Thanh Tùng. Được biết phía sau dãy núi phía bên kia là khu danh thắng Tràng An.
Hoa Lư, vùng đất địa linh nhân kiệt, kinh đô đầu tiên của các triều đại phong kiến mở đầu từ nhà Đinh. Trải qua hàng ngàn năm vật đổi sao dời với nhiều loại hình tổ chức xã hội của đất nước đến nay vẫn là mảnh đất văn vật. Đã có biết bao nhiêu số phận nếm trải cay, đắng, ngọt, bùi; anh dũng và đớn hèn, vinh quang và nhục nhã, vui và buồn, tiếng cười và nước mắt. Những thân phận oan trái tủi hờn, những mảnh đời âm thầm lặng lẽ, lẫn lộn trong bao nhiêu mảnh đời khác chẳng mấy khi được người đời nhắc tới…. Nhưng chính những mảnh đời ấy, những thân phận ấy đã góp rất nhiều không chỉ là công sức mà còn là cả bằng máu xương để tạo lập nên cuộc sống ngày hôm nay cho lớp lớp đàn con cháu.
Nhà văn là người có trách nhiệm tìm kiếm, làm sáng tỏ, giải mã những điểm mờ của lịch sử còn đang bị khuất lấp để mở ra hòa vào dòng lịch sử của nước nhà. Không để có người nào ở bất cứ giai tầng nào bị lịch sử quên lãng.
Chúng tôi đã có hai ngày làm việc với hiệu quả cao trên mảnh đất Hoa Lư trong khí hậu mát mẻ, đẹp trời của ngày thu tháng tám.
C.S
Người gửi / điện thoại