Vũ Thị Thanh Minh
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG
TRUYỆN NGẮN CỦA TỐNG NGỌC HÂN
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Ba, nổi tiếng với những rừng cọ, đồi chè của tỉnh Phú Thọ, sau khi xây dựng gia đình Tống Ngọc Hân lại bươn chải mưu sinh ở tỉnh Lào Cai. Nơi giáp với biên giới Việt - Trung, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc miền núi sinh sống với những phong tục tập quán riêng biệt, cất giấu biết bao điều kỳ bí rất thực mà cũng rất hư ảo. Kho tư liệu sống, ngồn ngộn tươi ròng cùng với cảm quan tinh tế và ngòi bút sắc bén, Tống Ngọc Hân đã chạm khắc được thân phận những con người và cuộc sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Dao, Giáy, Tày, Nùng... Đặc biệt, Nhà văn đã kiến tạo được hình tượng người phụ nữ vừa mang đậm cá tính, vừa điển hình khái quát.
Tống Ngọc Hân đã nhận ra vẻ đẹp hình dáng và tâm hồn của người phụ nữ. Vẻ đẹp ấy như những bông hoa rừng muôn ngàn sắc hương. Nhưng những bông hoa ấy lại sớm bị vùi dập, tàn phai. Thậm chí vẻ đẹp rực rỡ của Nhu (Truyện “Hoàng hậu lên ngôi”): “Mười tám tuổi, da trắng, tóc dài, môi đỏ, eo thon... Cô đã sớm bị làng chấm cho cái số “hồng nhan bạc mệnh””. Hầu hết nhân vật phụ nữ trong các truyện ngắn của Tống Ngọc Hân không có được những cuộc tình thơ mộng, đắm say. Họ bị trói buộc bởi vòng cương tỏa của các hủ tục. Mới 5, 6 tuổi, các cô bé đã phải lao động cật lực, phải biết làm nương, rẫy, bếp núc, biết tước, xe đay, dệt vải, may váy áo, gối chăn cho mình và cho mọi người trong gia đình. 14, 15 tuổi đã bị ép gả lấy chồng. Đói nghèo, lạc hậu đeo bám lấy cuộc đời họ, khiến họ mòn mỏi, tàn tạ. Tục lệ cướp vợ của người Dao khiến các cô gái không có cơ hội chọn chồng. Tục lệ thách cưới lớn, khiến các cô gái trở thành vật mua bán, về nhà chồng phải làm quần quật như con ở đến kiệt sức để trả nợ. Nhiều người phụ nữ bị đánh đập tàn nhẫn. Nhiều người phải ăn lá độc để quyên sinh... Những cô gái đẹp hay bị chồng ghen vô cớ. Kèm theo cơn ghen là những trận đòn giống như đòn thù. Cô Mẩy (Truyện “Máu và tuyết”) bàng hoàng thốt lên câu hỏi: “Ghen là yêu à? Nhiều đứa con gái Dao được hưởng cái tình yêu như thế chứ không riêng Mẩy”. Cách tự an ủi của Mẩy thật là chua xót, đớn đau. Cô Pha (Truyện “Hai chén rượu đầy”) bị chồng ghen chỉ vì có người đàn ông khen cô đẹp và đảm đang. Cô bị đánh tới mức “gãy xương sườn, dập gan và mặt bị rạch gần chục vết”. Cô phải đi Bệnh viện cấp cứu. Người mẹ (Truyện “Lửa cười, lửa khóc”) phải chịu đựng một tục lệ quái gở. Người con trai thứ hai của mẹ được nghe giải thích vì sao lại có cái tục lệ ấy từ chính bà nội của mình: “Con trai họ Chu từ đời xưa đến giờ chỉ kén vợ đẹp. Thế nên mới có cái tục đánh mẹ chồng để uốn nắn con dâu mới về để đuổi con ma lú ra khỏi người thằng con trai. Nếu không sẽ bị cái đẹp sai khiến làm cho mụ mị. Mẹ mày đẹp người, đẹp nết nên bà chỉ bị ông đánh có một lần. Nay thằng Khiêm cưới vợ mấy mùa cốm rồi, mẹ mày vẫn bị đánh, rõ khổ!”. Bà mẹ đã phải làm việc cực nhọc đến mức ốm cũng không được nghỉ, ốm cũng bị đánh, không ai được lên tiếng bênh vực mẹ: “Không bênh thì bố đánh một. Có người bênh thì bố đánh ba”. Những người phụ nữ trong truyện ngắn của Tống Ngọc Hân không có được nhiều lợi thế. Họ là những người lao động chính trong gia đình, chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng. Tuổi thơ qua nhanh như bóng nắng, chưa kịp hưởng tuổi thiếu nữ, thanh xuân đã phải làm vợ, làm mẹ, không biết hát lời ru con. Ngoài 30 tuổi đã làm bà. Cuộc đời quanh quẩn lên nhà, xuống bếp, ra đồi, ra nương, lưng còng rạp vì thồ hàng. Mắt luôn cúi xuống, không dám ngẩng mặt nhìn lên. Những người phụ nữ ấy không được tôn trọng, khi mất đi không được gia đình và dòng tộc khói hương tưởng nhớ: “Anh trai Liều nhìn xuống đất, mắt anh nói. Em ơi, phận đàn bà nước chảy bọt trôi. Đàn bà con gái Dao ta, sống có ngày sinh, chết không có ngày giỗ” (truyện “Kiều mạch trắng”).
Tuy người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi và áp lực lớn trong cuộc sống, nhưng họ luôn có khát vọng được tôn trọng, được làm chủ mình. Nhà văn thấu hiểu cuộc sống của họ, vận dụng hệ thống ngôn ngữ đặc hữu làm nên những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật. Không lạm dụng phương ngữ, nhân vật nữ có ngôn ngữ giản dị, hình tượng cụ thể, gần với thiên nhiên, cuộc sống nhưng uyển chuyển, giàu sắc thái biểu cảm mang đặc trưng riêng của người dân miền núi phía Bắc. Cách kể chuyện ma mị, mê lạ. Như bị thôi miên, khi câu chuyện khép lại, người đọc vẫn còn mơ màng như đi trong làn sương khói hư thực. Câu chuyện kể về cô gái tên Nhu (Truyện “Hoàng hậu lên ngôi”) là một ví dụ tiêu biểu. Cô gái đẹp tới mức “Nhu lớn lên với vẻ đẹp mà những người sống lâu trong làng thề sống, thề chết là chưa từng thấy bao giờ”. Cô muốn thành công, thành đạt, thành người nổi tiếng với chính vẻ đẹp thiên phú của mình. Điều đó là chính đáng, nhưng cuộc đời Nhu quá đau buồn, kết cục bi đát. Không có bố, mẹ đi lấy chồng xa, tận nơi nào cô không biết. Đói nghèo, lạc hậu, thiếu sự chăm lo của cha mẹ, cô đã sa vào cạm bẫy tình, tiền của kẻ xấu. Bức màn kỳ ảo phủ lên cái chết của Nhu khiến cho người đọc xót thương, cảm thông với khát vọng đổi đời không thành của cô. Trong truyện “Hoàng hậu lên ngôi”, ngoài Nhu còn rất nhiều cô gái bất hạnh khác đã tìm đến cái chết: “Từ khi tao lớn dậy đã thấy rất nhiều đàn bà con gái trẫm mình ở đoạn sông này, có vớt được ai đâu?”. Đó là những cái chết đắng cay, bế tắc. Đây cũng là cách tự giải thoát mình, một cách sống, là sự thản nhiên đón nhận cái chết. Giấc mộng hạnh phúc và tình yêu không thành thì thà chết còn hơn. Tuy vậy, không phải người phụ nữ khốn khổ nào trong truyện ngắn của Tống Ngọc Hân cũng tìm đến cái chết. Chị So (Truyện “Rượu mận”) là người phụ nữ dân tộc Mông Đen bị chồng đánh, tức quá, chị đã định đi thật xa vì cuộc sống này không còn ý nghĩa gì nữa, nhưng nói chuyện với mẹ đẻ xong, cơn tức giận của chị đã nguôi ngoai. Còn chồng chị thì lại tưởng: “Thế mà Pao tưởng thần lá ngón đã đưa mẹ con nó đi rồi. Pao đã chết đi nửa quả tim rồi”. So đã không tìm đến lá độc, bình tĩnh để nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn. Nhân vật “tôi” là cô gái dân tộc Giáy (Truyện “Mầm đắng”) (một trong 10 truyện ngắn hay được Hội Nhà văn Việt Nam bình chọn và đăng tải trên Báo Văn nghệ năm 2014) thông minh, lao động giỏi, cô không chỉ khát khao được học chữ, được đổi đời, cô còn hết sức cảnh giác trước nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thai nhi của bọn buôn người qua biên giới. Nhưng cô không thể ngờ được mà đề phòng chính người cha ruột của mình vì ích kỷ, tham lam, gia trưởng đã biến cô thành con mồi. Cô đau đớn ê chề, tủi nhục nhưng cô không muốn chết. Cô tự nhận mình là “Đứa con gái hèn nhát, tham sống sợ chết, ở chốn tột cùng nhục nhã cô vẫn tha thiết muốn sống, muốn được về nhà với bố”. Đáng thương cho cô gái không được làm chủ cuộc đời mình. Đáng thương hơn khát vọng làm mẹ cũng không được dù sự thực cô không mong muốn có đứa con “mầm đắng” ấy. Vì những đồng tiền nhẫn tâm bẩn thỉu, tội lỗi người ta đã cướp đi đứa trẻ sơ sinh, cướp đi niềm an ủi của cô. Vì nó mà cô còn muốn sống cho nó, vui buồn vì nó.
Nhiều cô gái khát khao đổi đời không thành như cô Nhu (Truyện “Hoàng hậu lên ngôi), “tôi” (Truyện “Mầm đắng”), như “Con Sênh và đám bạn gái đi biệt tăm. Những đứa gái ngẩng mặt thấy núi, cúi đầu thấy suối, sao cưỡng lại được giấc mơ điện sáng, nhà cao tầng, chợ ăm ắp hàng hóa” (Truyện “Núi vỡ”). Nhà văn đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn của nhân vật, lay thức con tim độc giả. Hạnh phúc được làm mẹ, điều ước muốn bình dị nhưng không phải người phụ nào cũng có được, nhiều khi nguyên nhân đau đớn ấy không phải lỗi tại họ. Người đàn bà trong truyện ngắn “Đường mưa” mong mỏi có con, đã ba lần “mụ” nuôi con nuôi nhưng chỉ được một thời gian những đứa trẻ ấy đã bỏ bố mẹ nuôi cuỗm theo một số tiền cao chạy xa bay… Truyện ngắn đã kết thúc như câu chuyện cổ tích dân gian có giá trị nhân văn cao đẹp, khiến người đọc đã phần nào thấu hiểu cảm thông với những người phụ nữ hiếm muộn, khát khao cháy bỏng được làm mẹ đến nhường nào. Nhà văn Tống Ngọc Hân viết về những vấn đề thời sự cấp thiết, nóng bỏng của xã hội, những tác phẩm nào cũng có bóng dáng những người phụ nữ của thời đại. Các truyện ngắn của chị đã để lại dấu son đỏ thắm trong lòng độc giả. Truyện ngắn “Lửa Trạng nguyên” (một trong 10 truyện ngắn ấn tượng 2024, được Hội Nhà văn Việt Nam bình chọn đăng trên Báo Văn nghệ Tết Ất Tỵ 2025) viết về đề tài chống tham nhũng nhưng người chị dâu của nhân vật Hoài chỉ xuất hiện vài dòng của phần kết thúc truyện, bạn đọc không những hiểu được tâm tư, tình cảm của người bố chồng, anh Hoàng chồng chị mà rất ấn tượng về một người phụ nữ hiện đại với biết bao nỗi niềm lo toan, đối nhân xử thế trong gia đình và cuộc đời.
Dù kết thúc như thế nào, nhưng ẩn chứa bên trong tâm hồn những người phụ nữ ấy là một sức sống tiềm tàng; khát vọng hạnh phúc chính đáng mãnh liệt. Đó cũng chính là ý thức về nữ quyền của họ. Viết về những người phụ nữ, truyện ngắn của Tống Ngọc Hân có một phong cách, một giọng điệu văn chương riêng, không giống với ai. Nhân vật có cá tính đa dạng, phong phú như trong cuộc đời thực. Đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam.
V.T. T.M