Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (KHÚC XII)

Lê Tuấn Lộc

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG
 
KHÚC XII - HÁT Ở TÂN TRÀO
 
NGHE HÁT VỀ NGƯỜI
 
Ngày Người rời bến Nhà Rồng
Tay trắng - Nô lệ
Thanh thản và ý chí
Ba mươi tư năm sau, Người về
Theo sau Người
Quân đi trùng trùng lớp lớp
Đất nước độc lập tự do
Người đã có tất cả
Ngày Người về thiên cổ
Cũng tay không
Thanh thản trong bộ kaki vàng
Nguyện vọng của Người
Đất nước thống nhất
Người như kinh Phật
 
Sắc sắc không không
Những bài hát hay nhất về Người
Bây giờ tác giả đã qua đời
Những bài thơ hay nhất về Người
Nhiều tác giả đã qua đời
Chỉ tác phẩm của họ là còn lại
Tôi tự hỏi
Trên đời cái gì còn lại
Của cải? Văn hóa?
Trên đời cái gì quý nhất?
Của cải? Văn hóa?
 
HÁT QUỐC CA Ở TRƯỜNG TÂN TRÀOsachletuanloc
 
Trẻ măng
Áo trắng, khăn quàng đỏ chéo ngực
Hồn nhiên
Răng sún, răng hở... đồng thanh hát
"Đoàn quân Việt Nam đi...".
 
Các em, trăm như một
Mắt nhìn cờ vàng sao
Nghiêm trang như người lớn
"Nước non Việt Nam ta... vững bền"
Còn tôi, nhìn các cháu
Muốn khóc.
 
Thế kỷ 20
khi tôi hát "... Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca"
các cháu còn chưa sinh
cô giáo còn đang học mẫu giáo.
 
Sáng thu nay
Ngòi Thia trong xanh
Rừng đang mùa măng
Văng vẳng lưng trời
"... Nước non Việt Nam ta... vững bền".
 
Tân Trào, 2019
 
TÌM LẠI LAN KHAI
 
Tôi về Tuyên tìm lại Lan Khai
Hỏi ông cán bộ huyện
Không biết
Tôi hỏi cháu học trường phổ thông
Cháu hồn nhiên: Lớp cháu không ai Lan Khai.
 
Tôi hỏi ông già khu phố Xuân Hòa
Ông biết Lan Khai
Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Xuân Hòa thời chống Pháp
Lan Khai, người già biết.
 
Lan Khai, tác giả 48 tiểu thuyết
Có thể bạn không biết
Đại học Sư phạm Hà Nội đến mấy chục luận án tiến sĩ,
                                                            thạc sĩ về ông
Nhiều thầy biết.
 
 
Tôi đi trên thành phố Tuyên Quang
Tra hết bản đồ
Không thấy đường Lan Khai.
 
Tôi về Chiêm Hóa, nơi ông chào đời
Hỏi nhà văn Lan Khai
Dân không ai biết
Người mất đã lâu rồi.
 
Xưa, thầy giảng tôi nghe
Lan Khai, tiểu thuyết Lầm than
Văn học cách mạng.
 
Tôi hỏi thầy giáo dạy Văn
Thầy giơ một ngón tay
Tuyệt!
 
Tôi về Hà Giang
Con út Lan Khai đã 80 rồi
Ông chống gậy tiếp tôi
Rồi lắc đầu buồn bã
Tôi cũng sắp đi rồi
Đừng hỏi Lan Khai.
 
Lan Khai
Nổi tiếng thế,
Nhưng người trẻ không biết ông là ai.
 
Tôi vẫn đang tìm lại Lan Khai
Người biết, người chưa biết
Trường đại học, các luận án vẫn viết
Hồn ông vẫn ở Tuyên.
 
Hà Nội, 16/5/2021
 
 
MẤY CHÁU TUYÊN QUANG
 
Mấy cháu Tuyên Quang làm sếp cả rồi
Tôi ngược Tuyên,
Mấy cháu đòi gọi chú bằng anh
Bố cháu khỏe không?
Bố cháu mất rồi
Tôi nghe buồn man mác.
 
Mấy cháu Tuyên Quang
Làm sếp cả rồi
Xe con, lái vù vù
Gặp tôi, chúng nó cười ha hả
Chú muốn gì, chúng cháu chiều thoải mái
Cá lăng sông Lô, thịt dê Sơn Dương...
Cái Tuyên có giờ tôi không cần
Cái Tuyên cần, giờ tôi không có.
 
Mấy cháu Tuyên Quang
Lên sếp cả rồi
Các cháu bảo chú đừng mày tao nữa
Đừng gọi mấy đứa trẻ
Cháu là giám đốc rồi
Thì ra, tôi sắp là thiên cổ.
 
Mấy cháu Tuyên Quang
Măng đã mọc thành rừng
Tôi xuôi, cháu gọi anh bằng chú.
 
7/5/2021
 
 
SƠN DƯƠNG,
CÒN MỘT NGƯỜI YÊU THƠ TÔI
 
Sơn Dương, còn một người yêu thơ tôi
Chính là em
Bài thơ tôi tặng em năm xưa
Tưởng em quên lâu rồi
Em vẫn nhớ.
 
Sơn Dương, còn một người yêu thơ tôi
Giờ tôi mới biết
Thôi em, đừng nhớ nữa
Thơ như là mây trôi.
 
Thơ như là mây trôi
Người cũng như sương khói
Em nhâm nhi thơ tôi như tôi uống rượu
Em lấy chồng rồi, thơ hãy quên đi!
 
Sơn Dương, còn một người yêu thơ tôi
Thế vẫn còn may chán
Thơ in nghìn bài
Thơ làm chín vạn
Nhớ thơ một người thôi.
 
MỘT NÉT TUYÊN
"Chè Thái, gái Tuyên"
 
Em bất ngờ như sét đánh
Chợt đến chợt đi như gió hoang
Anh cũng bất ngờ như sét đánh
Một Tuyên, nụ hoa, xinh đẹp ngỡ ngàng.
 
Một thu đến, muộn màng quỳnh nở
Một em ngời ngợi, một tài hoa
Một ánh chiều vàng tươi như lụa
Trinh nguyên, non tơ, nõn nà.
 
Em im lặng như trăng đầu tháng
Anh tin xuân sắc độ xuân thì
Em im lặng như là hoa tĩnh vật
Lặng buồn, lặng nở nét kiêu sa.
 
Anh im lặng như em im lặng
Tỏa thơm khao khát nụ hương thầm
Như động đất, sóng ngầm lan tỏa
Em đến
          Muộn rồi
                    Một nét Tuyên!

MỘT THOÁNG SƠN NAM
 
Sơn Nam nghĩa là Nam Sơn Dương
Thế mà tôi không biết
Hai mươi năm rồi tôi đi biền biệt
Tình cờ về Sơn Nam.
 
Sơn Nam mùa xưa lúa đang trĩu bông
Ngô bạt ngàn xanh thắm
Thiếc, Barit năm nào nhiều lắm
Kìn kìn dọc đường đi
Về lại không còn gì.
 
Mới đó hai mươi năm qua nhanh
Nay Sơn Nam, đường bê tông thẳng băng
Bưởi da xanh giống mới
Xưa về Sơn Nam có em đón đợi
Bây giờ ai đợi anh.
 
Sơn Nam mùa này dâu đã xanh
Ngon như vuông lụa nõn
Sông Phó Đáy soi gương trời xa vợi
Tam Đảo xanh xa mờ.
 
Lâu không về Sơn Nam
Nay về thành xa lạ
Sơn Nam
Không còn ai quen cả
Hay ta đã xa mờ?
 
ĐI TRONG LỄ HỘI THÀNH TUYÊN
 
Trống dập dình trong đêm lân tinh
Này cờ này hoa, này đèn này sao
Lễ hội Thành Tuyên "Đến hẹn lại lên"[1]
 
“Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên”[2]
Những gà, những chó, những voi, những kiến... không còn trong truyền thuyết
Những rồng, những phượng, những voi chín ngà, những gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… không còn trong cổ tích
Tất cả xuống đường đi trong Đêm hội Thành Tuyên
Dòng sông Lô sáng lên
Trời Việt Bắc vàng lên trong đêm Hội Trung thu.
 
Đêm hội Thành Tuyên
Em muốn thành phượng
Anh muốn thành rồng...
Để được rước, được rung rinh trong đêm đèn hoa
Đưa ta về dòng sông tuổi thơ
Đi trong Lễ hội Thành Tuyên
Đi trong Ngày Hội văn hóa dân tộc Dao[3]
Đi trong đêm hát Soọng cô của người Sán Dìu[4]...
Đi trong rừng hoa 22 dân tộc anh em cộng đồng xứ Tuyên
Đêm Hội Trung thu Thành Tuyên
Bắt đầu là Tự phát
Dần dần thành Tự giác
Bây giờ thành sự kiện văn hóa:
"Lễ hội Thành Tuyên"
 
Trung thu xưa không có kỷ lục Guinness Việt Nam
Ai mơ: "Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam", "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam", "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam"[5]
 
"Đêm hội Thành Tuyên"
Dòng sông đèn Trung thu trôi trong biển người đẹp Thành Tuyên
Người đẹp rực sáng lên, xinh hơn trong lung linh sông đèn
Du khách mùa du lịch
“Đêm hội Thành Tuyên” - Quà du lịch xứ Tuyên.
 
Lễ hội Thành Tuyên
Này múa, này hát...
Nhiều lên theo thời gian
Kết tủa thành lễ hội.
 
Những điệu hát then
Những đám cưới người Dao...
Lung linh văn hóa Tuyên
Những "Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ"... [6]
Trầm tích thành di sản.
 
Lễ hội Thành Tuyên,
Dư âm còn vọng mãi.
 
Tuyên, Trung thu 2020
 
 
NHỮNG ĐÊM MƠ TUYÊN
ĐƯỜNG XƯA
 
Những đêm mơ Tuyên thấy đường xưa
Đèo Khế cao ngất nga ngất ngưởng
Đèo Phun Do lên đỉnh không dám xuống
Đèo Kháng Nhật, không còn kháng Nhật
... Đèo Gà nhưng không thấy gà đâu.
 
Con đường xưa sống gà sống trâu
Đá lởm chởm, U-oát đi lọc cọc
Xe chết máy đêm, ngồi mà khóc
Mai còn họp
Trăng lu, mờ nhạt ở lưng đèo.
 
 
Như không có giờ, xe bay thẳng băng
Vẽ một nét lên trời thẳng tắp
Phố xá giờ tấp nập
Như không có chợ Bàn Cờ xưa lán cọ lưa thưa.
 
Ta đã xưa, đêm toàn mơ đường xưa
Không có nó, làm gì nên cao tốc
Tuy đường xưa làm ta đi khó nhọc
Nhưng đường xưa đã vạch nên giờ.
 
29/6/2021
 
NGƯỜI XƯA
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Đinh Công Diệp nâng chén nâu cười tủm tỉm
Mai Liễu mỉm cười khó hiểu...
Những tranh xưa Mạnh Đức
Thành Tuyên xưa[7], cổ hơn giờ.
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Gia Dũng ôm sách thơ đi bán
Trời giông bão, trang thơ bay tán loạn
"Chú nai vàng, nghiêng đôi tai ngơ ngác"[8]
Người chưa thành nhà văn Việt Nam[9]
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Nguyễn Trọng Hùng lặng ngồi... văn rồi báo
Mặc kệ đời láo nháo
Ông ôm đàn hát: Bãi cuối sông[10]
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Trịnh Thanh Phong đang viết dở Ma làng[11]
Ta bình phẩm người quát: Đi chỗ khác!
Gáy ta lạnh toát.
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Văn Làn[12] đang vẽ hay đang ngủ
Ông vẽ gì... cây bút lông nhứ nhứ
Người chẳng ra người, chim chẳng ra chim.
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Tân Điều đang ôm đàn dạo nhạc
Một nét thành Tuyên[13] như thật như ảo
Mùa bông[14] đang nở hoa.
 
 
Những đêm mơ Tuyên thấy người xưa
Vũ Tuấn ôm thơ, ôm cả máy truyền hình
Bố quát. Tuấn im lặng
Về Sơn Dương gõ chậu thau mà hát.
 
Ta đã xưa, đêm toàn mơ người xưa
Những mảnh đời... không thành hàng thành lớp
Những vụ việc... không thành chương thành tập
Sao như trăng soi, như bài học bây giờ.
 
29/6/2021
 
 
NHỚ 50 NĂM THÀNH LẬP NƯỚC
Ở QUẢNG TRƯỜNG TÂN TRÀO
 
Đêm mơ Tuyên, tôi nhớ mồng 2 tháng 9 năm 1995
Quảng trường Tân Trào
Rừng cờ, rừng hoa, rừng người
Những sắc màu áo váy dân tộc
Những điệu khèn bè, những trống hội âm vang.
 
Trên khán đài tôi thấy
Nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tổng Bí thư Đỗ Mười
Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh
Thượng tướng Lê Khả Phiêu...
Hà Thị Khiết - Bí thư Tỉnh ủy trong bộ váy áo Tày màu đen, ngực lấp lánh vòng bạc
Các lãnh đạo, các tỉnh trưởng...
Và... các anh hùng ngực lấp lánh huân chương.
 
 
Bí thư Trung ương Đảng - Đỗ Văn Chiến
Lúc đó là Phó Giám đốc Công ty Chè Tân Trào
Anh khiêm tốn ngồi hàng sau cùng
Dưới sân quảng trường Tân Trào...
 
... 60 năm thành lập nước
70 năm thành lập nước... dần dần trôi qua
Tôi mơ
Mai...
100 năm thành lập nước
Nếu làm ở Tân Trào
(Có thể sẽ làm ở Quảng trường Ba Đình, cạnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Có thể những nguyên thủ quốc gia
Những Nguyên Tổng Bí thư, những Nguyên Thủ tướng... đã lên tiên
Hay còn ở trên đời
Tôi tin, tất cả sẽ về dự
(Một rừng người thiên cổ, một rừng người dương gian)
Sẽ đồng loạt phát biểu trên bầu trời Thủ đô xanh Tân Trào
Trên Quảng trường Tân Trào
Rằng: Cái vĩ đại của dân tộc Việt Nam là
Đất nước vẫn tồn tại và hiên ngang phát triển cùng bè bạn năm châu cả khi những người vĩ đại nhất của dân tộc đã về với tổ tiên
Tôi tin. Nghe những câu như thế
Âm vang tự trên trời
Hàng nghìn người dự mít tinh đồng loạt đứng dậy
Hô vang: Muôn năm Việt Nam
200 năm thành lập nước
... 1.000 năm thành lập nước
Trường tồn cùng DÂN TỘC VIỆT NAM.
 
                                    Mùa thu Tân Sửu (2021)
                                                  L.T.L
--------------------    

 [3] Một trong các chủ đề Lễ hội Thành Tuyên năm 2017.

[4] Lễ hội hát Soọng cô của người Sán Dìu, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay ở Sơn Dương, các xã Sơn Nam, Thiện Kế, Ninh Lai, hát Soọng cô vẫn được người Sán Dìu truyền lại cho con cháu.
[5] Những kỷ lục Guinness Việt Nam, được xác nhận tại Lễ hội Thành Tuyên, tháng 9 năm 2019.
[6]1 Một trong những chủ đề Lễ hội Thành Tuyên các năm.
[7] Tranh của họa sĩ Mạnh Đức vẽ Thành nhà Mạc năm 1996.
[8] Câu thơ của Gia Dũng đã thành lời bài hát “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”.
[9] Khi Gia Dũng mất, ông chưa phải là nhà văn Việt Nam.
[10] Bãi cuối sông, tên tập sách của ba người, gồm Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Trọng Hùng và Triệu Đăng Khoa.
[11] “Ma làng”, tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong, được dựng thành phim “Ma làng”,
đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

[12] Văn Làn, họa sĩ đã mất.
[13] “Một nét Thành Tuyên”, thơ Lê Tuấn Lộc, nhạc Tân Điều.
[14] “Mùa bông” thơ Mai Liễu, nhạc Tân Điều.
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 5
Trong tuần: 766
Lượt truy cập: 486630
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.