Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (Khúc I)

Lê Tuấn Lộc
 
HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (KHÚC I)
letuanloc
MỘT NÉT THÀNH TUYÊN
 
Rất khó nhận ra vết thành xưa
Trong sương sớm ảo mờ
Chuông nhà thờ ngân lên
Chìm trong lá
Phố trong nét rừng
Đồi đột ngột nhô lên trên phố
Hao hao chè xanh mỡ
Hao hao một chút cổ xưa thành.
 
Sông Lô xanh hùng tráng “Trường ca xanh”
Dáng núi Cố mờ xanh
Chỉ đường phố thấp thoáng màu ô đỏ
Như là chưa hề có
Một thời Tuyên rất cổ, rất xưa thành.
 
Quán Hương Rừng không có thịt rừng đâu
Không có rượu nếp thơm và thắng cố
Bia lon chai màu xanh màu đỏ
Thành Tuyên nửa tỉnh nửa quê.
 
Du dương, êm êm con bè xuôi
Nửa hoa hậu nửa như là tuổi tác
Em ơi đừng sang vội
Chờ mai cầu vắt ngang trời.
 
Nghe đâu đây một tiếng đàn xưa
Tiếng lóc cóc đường xa ngựa hí
Màu thổ cẩm lưa thưa quá nhỉ
Lúa non trong phố thanh bình.
 
Tôi yêu bản anh hùng ca năm xưa
Tôi yêu màn đêm tháp viba rực rỡ
Đường về chiến khu xe bon bon trong gió
Trời Tuyên rất trẻ
Rất xưa thành.
 
Thành Tuyên, 4/1994
 
NHỮNG TẤM MÀNH TRÚC HÁT
 
Vô tri như mành mà cũng hát ư?
Nhưng quả thực ta đã nghe mành hát
Cảnh biển ban mai nước triều dào dạt
Lá buồm in chân mây xa xa
Con sóng vỗ bao la
Dân chài đang kéo lưới.
 
Vô tri như mành mà cũng hát ư?
Nhưng quả thực ta đã nghe mành hát
Trong hoàng hôn vàng chùa Một Cột
Cánh chim nào bay vội về đâu?
Bên mái chùa cong vút lên một thân cau
Ai đội nón quai thao ca câu quan họ.
Vô tri như mành mà cũng hát ư?
Nhưng quả thực ta đã nghe mành hát
Réo rắt lưng trời lời cây sáo trúc
Cậu bé nào dong trâu về thôn
Tiếng sáo véo von
Trong chiều bằng lặng.
 
Vô tri như mành mà cũng hát ư?
Nhưng quả thực ta đã nghe mành hát
Thiếu nữ bên hồ vừa đàn vừa hát
Tà áo dài xanh xanh thướt tha.
 
Bao căn nhà xinh cửa che mành trúc
Gió vờn trúc va nhau lao xao
Không biết người làm mành trúc ở đâu
Tôi chỉ nghe tấm mành trúc hát.
 
HOÀNG HÔN TRÊN ĐỒNG CỎ
 
Có một đôi cò trắng
In trong ráng chiều hồng
Núi giăng mờ tím biếc
Chiều đi trong mênh mông.
 
Ai đeo tay nải cói
Đi về phía hoàng hôn
Người ơi! Sao bước vội?
Chiều dáng xa gợi buồn…
 
Đồng cỏ xanh thì rộng
Hoàng hôn thì bao la
Ơi cô em cắt cỏ
Sao em chưa về nhà?
 mebe
LỜI RU TRONG ĐÊM
 
Đêm rừng vẳng tiếng à ơi
Mênh mông xa vắng là lời ru đêm
Lời ru không chút dịu êm
Lời ru chua xót của em đắng lòng
Có con mà chẳng có chồng
Trót đa mang chẳng có lòng thương yêu
Trách ai nắng sớm mưa chiều
Cả tin em phải chịu điều đắng cay
Lời ai gió thoảng mây bay
Sông sâu, bể cạn ai hay giữa vời
Xong thôi, người ấy đi rồi
Bốn phương em biết tìm người nơi đâu?
 
Lời thiên hạ sắc hơn dao
Không ai đánh mẹ mà đau cả đời
Nếu không còn có mọi người
Con ơi, đời mẹ chắc rồi lênh đênh
Phút giây dan díu với tình
Bây giờ đơn chiếc một mình mình lo
Phút giây ân ái hẹn hò
Bây giờ trơ trọi con đò sang sông.
 
À ơi! Bế bế bồng bồng
Mẹ đi lấy chồng… Bước nữa hay thôi?
 
Đêm thanh vắng, mẹ ru hời
Còn ai ở cuối chân trời có nghe?
 
NGƯỜI GIEO HẠT
 
Em tung vào bình minh
Những hạt vàng lấp lánh
Từng đôi chim sải cánh
Mải bay trong hừng đông.
 
Em tung vào hoàng hôn
Những hạt cườm lấp lánh
Tay in chiều tím sẫm
Nở thành muôn sao sa.
 
MƯA XUÂN
 
Năm nay xuân đến mưa phùn
Sang năm xuân đến biết còn mưa chăng?
Trắng trời trắng núi mây dăng
Chiều như lụa mỏng dệt bằng mây non
Mưa như một thoáng giận hờn
Để ai gửi một nét buồn trong mưa
Chiều xuân đã cũ hay chưa
Mờ mờ ảo ảo như xưa lắm rồi
Thôi đừng lạnh nhé mưa ơi
Se se cho má em tôi ửng hồng
Cho dù mờ nhạt lạnh lùng
Xin đừng vờ vĩnh giăng mùng cho nhau
Mưa như chưa có mưa đâu
Mưa như mây bụi trắng đầu em tôi
Đào đơm lấm tấm phông trời
Mảnh mai loáng thoáng như người mảnh mai
Năm nay xuân đến mưa rơi
Sang năm xuân đến ai ngồi trông mưa.
 
CHẤM PHÁ SÔNG ĐÀ
 
Cao vút lên bát ngát chọc trời
Sâu hun hút chìm trong lòng đất
Ngoằn ngoèo trong mây xiên xiên vài nét
Trắng trong xanh chấm phá một sông Đà.
 
Thu 1989
 
TRỞ LẠI TUỔI HỌC TRÒ
 
Hai mươi năm trở lại tuổi học trò
Lá bàng xanh và màu hoa phượng đỏ
Qua ô cửa trời cao bao la gió
Hè về náo nức những mùa thi.
 
Những dòng sông êm ả vẫn trôi đi
Tiếng bom nổ cuối trời xa vọng lại
Tiễn đưa nhau, lòng ta lưu luyến mãi
Quân đi thưa vợi nửa sân trường.
Hai mươi năm trở lại tuổi học trò
Sông đã chảy nửa đời chìm nổi
Ta còn nhớ một làn tóc rối
Đã qua rồi mơ ước viển vông xưa.
 
Hai mươi năm trở lại tuổi học trò
Ta trẻ lại trong ánh đèn lóe sáng
Dẫu không quên một thời súng đạn
Lòng còn náo nức giảng đường xưa.
 
Hà Nội, tháng 6/1990
Thành Tuyên, tháng 4/1994
 
NGÀY CƯỚI MẸ TÔI
 
Này nón dứa, áo tứ thân
Này là cỗ cưới trăm mâm cho làng
Ông tôi đâu có giàu sang
Lại vay nợ lãi mà làm cỗ cheo
Cha tôi vấn khăn nhiễu điều
Mẹ tôi vấn tóc như nhiều người xưa
Mẹ tôi nước mắt như mưa
Xóm làng pháo nổ, người đưa ầm ầm
Cha tôi tuổi mới mười lăm
Mẹ tôi mười sáu trăng rằm tròn đâu!
Cưới nhau chưa hề yêu nhau
Chưa hề giáp mặt với nhau một lần
Ông tôi vì thiếu người làm
Thuê người thì tốn, ruộng làng thì xa
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta…”
Tuy rằng ít tuổi nhưng mà tốt duyên.
 
Chẳng vun chẳng vén mà nên
“Người dưng nước lã” nên duyên vợ chồng
Chiều chiều ra ngõ đứng trông
Mẹ tôi nhớ mẹ lại mong chiều chiều…
Cha tôi cưới rồi mới yêu
Mẹ tôi buồn mãi, khóc nhiều rồi quen
Rồi có tôi, rồi có em…
Dòng đời như vẫn êm đềm trôi xuôi
Khi vui, tôi hỏi mẹ tôi
Ngày cha mẹ cưới con ngồi ở đâu?
Mẹ tôi cốc nhẹ lên đầu
Rồi người lại kể từ đầu đến đuôi…
Bây giờ bên các con tôi
Mẹ tôi lại kể: “Cái hồi năm xưa…”.
 
Nông Cống, 29/2/1988
 
NGÀY CHA VỀ HƯU (10)
 
Không đột ngột ngày cha về hưu
Sao cha thấy tự nhiên hẫng hụt
Buồn vui xưa bỗng nhiên xa ngái
Cha như người mệt mỏi dặm đường xa.
 
Như thấy cha lạc lõng với đời thường
Bọn trẻ gọi: Ông già lẩm cẩm
Chúng đâu biết thời chúng còn ẵm ngửa
Súng vang trời ai đã phải ra đi.
 
Cha thấy mình trơ trọi cô đơn
Và bỗng chốc cha thành người khó tính
Cái độ lượng của những năm đời lính
Ở đâu rồi? Rơi rụng ở đâu cha?
 
Người ta về hưu nhà cửa cao sang
Cha lận đận trở về căn nhà lá
Ao cá năm xưa cành sung xanh quả
Lá rơi đầy lối ngõ gốc đa xưa.
 
Xin đừng buồn nhiều lắm cha ơi
Nghe thiên hạ thất điên bát đảo
Trang sách cũ rối bời giông bão
Câu thánh hiền nghĩ lại khác xưa xa.
 
Thôi đừng buồn nhiều lắm cha ơi
Khi cuộc sống đời thường nghiệt ngã
Ai xa lạ thì vẫn là xa lạ
Cánh đồng làng muôn thuở vẫn xanh tươi.
 
Làng Nhiển, tháng 9/1990
 
TẢN MẠN ĐÊM RỪNG
 
Cuối thu đêm lạnh giữa rừng
Tơ mơ ngủ thức, nửa chừng tơ mơ
Ta như sống thuở dại khờ
Bỗng dưng lại nhớ bến bờ sông xưa
Lâu rồi khăn gói gió đưa
Bây giờ chắc đã khác xưa nhiều rồi.
 
… Phải chi quá nửa đời người
Ơn ai chưa trả từ thời hàn vi
Bạn bè cứ rụng dần đi
Lấy ai tâm đắc những khi vui buồn!
Ta thì dại, chỉ người khôn
Bây giờ chân bước hãy còn chông chênh.
 
… Trót đa mang thói đa tình
Để thương, để nhớ mong manh cho người
Mai rồi thác cũng thế thôi
Ai đâu lắm sức, thừa hơi nhớ mình.
 
… Đôi khi mình sợ chính mình
Xa xôi em có chung tình nữa chăng?
Bây giờ lắm gió nhiều trăng
Bây giờ chung thủy nghe chừng mong manh
Đường xa lắm thác nhiều ghềnh
Con ta sống thiếu hơi mình được chăng?
Trông thăm thẳm cánh chim bằng…
 
Sơn Dương, thu 1991
 
TUỔI NĂM MƯƠI
 
Tặng bạn vong niên
 
Giật mình, tuổi đã năm mươi
Mà sao vẫn thấy đất trời mông lung?
Núi cao chưa đến tận cùng
Sông sâu đã hiểu nỗi lòng nông sâu!
Soi gương chưa bạc mái đầu
Mắt chân chim rạn, nhuốm màu gian truân
Khát khao cái tuổi hồi xuân
Ngỡ mình vẫn trẻ mà chân đã chồn
Sông chưa cạn, đá chưa mòn
Hành trình đã biết độ còn bao xa
Trăng lu, trăng tỏ, trăng tà
Bóng chiều chưa xế đường xa đã gần
Bão giông trời đất xoay vần
Việc đời nếm trải mấy lần đắng cay
Khát khao cho dẫu chưa đầy
Tuổi năm mươi đã đong đầy buồn vui.
 
Tuyên Quang, tháng 12/1991
 
LÀNG CŨ
 
Nhà cũ giờ sang chủ khác rồi
Đường xưa ai có đợi chờ tôi
Sông Lê nước vẫn quanh năm đục
Mây vẫn lang thang ở cuối trời.
 
Bạn cũ nay tiều tụy lắm rồi!
Bốn mươi trông như ngoại năm mươi
Thiếu ăn, chinh chiến và lam lũ
Gặm nhấm bao nhiêu sức con người.
 
Bạn cũ, tình xưa, làng cũ ơi!
Cúi đầu vái lạy tổ tiên tôi
Ra đi biết bao giờ trở lại?
Bao giờ lên đỉnh núi Nưa chơi?
 
Nông Cống, tháng 9/1992
 
UỐNG RƯỢU Ở MỎ THIẾC SƠN DƯƠNG
Tặng Đ.C.F
 
Thâu đêm chén rượu chưa tàn
Uống ta, uống bạn cho tràn cung mây
Buồn vui này một chén này
Lòng ta như chén rượu đầy, người ơi!
Ngổn ngang núi, ngổn ngang đồi
Phút giây với bạn, đất trời bung biêng
Nền nhà không phẳng thì nghiêng
Trần nhà chao đảo, chung chiêng trần nhà…
Chén mừng bạn, chén mừng ta
Chén này mình uống, còn ta chén này
Như quên mưa nắng, Khuôn Phầy
Ngòi Chò lũ chẳng dâng đầy, người ơi!
Khi say muốn phá cả trời
Tỉnh ra, ta vẫn là người trần ai
Biết rồi thuốc đắng rượu cay
Vì nhau một chén cầm tay vơi đầy
Chia tay Ngòi Lẹm, Khuôn Phầy
Chén nâng với thiếc hẹn ngày ta lên.
 
20/2/1992
NGHE CHUYỆN TÌNH BÊN HỒ NÚI CỐC
 
Thì ra trên thế gian này
Vì yêu nước mắt rơi đầy thành sông
Chuyện tình núi Cốc - sông Công
Thực hư sao cứ xiết lòng ta đau
Vì yêu không lấy được nhau
Hóa sông hóa núi người sau tôn thờ.
 
Ai qua đảo Đá, đảo Cò
Lung linh Tam Đảo, con đò chơi vơi
Ai về bến Đợi chờ tôi
Sào ai nghiêng, chạm chân trời xiêu xiêu
Vĩnh hằng còn lại tình yêu
Cho dù cay đắng cũng liều vì nhau.
 
Hè 19926117406_80597
 
MÙA XUÂN SÔNG LÔ
 
Sông Lô mưa bụi buồn tênh
Mùa xuân như chỉ để dành cho ai?
Lênh đênh một lá thuyền chài
Một khoang đò dọc cho người lênh đênh…
Không say sóng, cũng chòng chành
Em đừng nghiêng ngửa mảnh tình sang tôi
Để ngô xanh mướt quê người
Chông chênh bóng cọ nghiêng trời Tuyên Quang.
 
Xuân 1992
 
DƯỚI CHÂN NÀNG TÔ THỊ
 
Chinh chiến còn không?
Gươm giáo còn không?
Người lính ra đi ai trở lại?
Nàng cứ đứng chờ chồng mãi mãi!
Mãi mãi còn nhân loại những niềm đau!
 
Nắm xương tàn đã chìm dưới biển sâu
Thôi đừng trách người đi xấu số!
Mô Phật!
Đời là bể khổ!
Sao bắt nàng hóa đá với thời gian?
 
Lạng Sơn, 1993
 
QUA ĐÈO CÔLIA
 
Mây dưới chân ta, lồng lộng trời cao
Nắng vàng giữa bao la non nước
Em xa thế làm sao thấy được
Anh đầu trần vời vợi đỉnh Côlia.
 
Năm tháng trôi qua bão tố phong ba
Vẫn tráng lệ, vẫn hiên ngang hùng vĩ
Trời phương Bắc - Côlia thành lũy
Thanh cao nuôi chí những anh hùng.
 
Dưới xa kia sông núi trập trùng
Bao kiếp sống đã tan vào cát bụi
Ta muốn bay lên làm sao bay nổi
Rồi muôn đời còn mỗi Côlia.
 
Cao Bằng, 1999
 
TIẾNG DƯƠNG CẦM
TRONG DINH BẢO ĐẠI
 
Âm thanh ngân lên tan nát rừng thông
Chiều buồn rượi hồ Xuân Hương man mác
Đà Lạt du dương, bình yên, thơ mộng
Lịch lãm, cao sang mùa thu vĩnh hằng.
 
Ngân lên, bay lên, tha thiết, thê lương
Lại vời vợi như một niềm khao khát
Ta tan ra trong chiều thông Đà Lạt
Người đâu tha hương về lại quê nhà.
 
Một triều vua tàn lụi, chiều tà
Nuối tiếc tiếng dương cầm để lại
Cố hương xa xưa còn đây mãi mãi
Chỉ vương triều tan biến với thời gian.
 
Đà Lạt, 1993
 
CHIỀU XUÂN MÀU CHÀM
 
Lách cách thoi đưa chậm
Bếp lửa sàn lung linh
Tôi ngỡ ngàng lên gác
Men rượu say chòng chành.
 
Cô em ửng má hồng
Nhìn tôi cười khúc khích
Chiều xuân chàm tím biếc
Chiều xuân say lâng lâng.
 
Noọng đang dệt vải chăng?
Sao nhìn anh không nói?
Sóng vải dài đắm đuối
Lan lan xa không cùng
 
Hỏi em cô gái Nùng
Mấy nghìn năm dệt vải?
Xa quay đều, quay mãi
Chiều xuân chàm lung linh.
 
Khuôn Thê, 24/2/1994
NGƯỜI VÁC CÀY TRÊN PHỐ (20)
 
Giữa phố phường nườm nượp người xe
Người vác cày đi trên hè phố
Ngỡ bác đi từ trong truyện cổ
Ngỡ bác đi vào viện bảo tàng.
 
Con trâu đen nghếch sừng đi nghênh ngang
Ngơ ngác nhìn người qua lại
Xe máy ô tô dưới lòng đường chảy mãi
Bên đường đủng đỉnh trâu đi.
 
Người vác cày đi trên hè phố
Bác về đâu? Bề bộn phố phường
Như gợi nhớ một chân trời xưa cũ
Biết còn in lại đến mai sau?
 
Thành Tuyên, 6/4/1994

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
18-04-2024 10:59:40 VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 53
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423249
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.