KHÚC VII
TÔI NGƯỜI XỨ THANH
Tôi người Xứ Thanh
Ông tôi sinh ở Ngàn Nưa
Nửa đời đi ở
Nửa đời hầu hạ người ta.
Tôi người Xứ Thanh
Cha tôi một đời đi đánh giặc
Bây giờ ở tầng năm
Không màng danh lợi
Không hề đua chen.
Tôi người Xứ Thanh
Mẹ tôi chưa bao giờ đến trường
Chữ nghĩa học hàng xóm
Như mọi người
Mẹ tôi nuôi tôi cho cha đi đánh giặc
Một đời bán mặt cho ruộng
Bán lưng cho trời
Ngẩng đầu lên thì tóc mẹ bạc rồi.
Tôi người Xứ Thanh
Bạn tôi thi mãi không đỗ
Về đi cày
Rượu suốt ngày
Hận đời không rõ lý do.
Thôi đừng trêu nhau
“Được mùa Nông Cống…”
Thôi đừng nhại câu
“Biểu tượng quê nhà là cây rau má…”
Không ai chọn quê,
Không ai chọn mẹ
Mẹ ta nghèo vẫn là mẹ của ta.
Tôi người Xứ Thanh
Ai chả biết ông vua Lê Lợi
Ai không thờ Bà Triệu Ngàn Nưa.
Tôi người Xứ Thanh
Quê tôi có những Lê Mã Lương
Anh hùng trận mạc
Có những Lê Văn Hưu
Viết sử Nam lên trời phương Bắc
Sử Việt Nam là sử Xứ Thanh
Kẻ sĩ Xứ Thanh nhiều như lá trên Ngàn Nưa
Anh hùng đông như kiến cỏ
Vương triều bốn bể Đông Tây Nam Bắc... đều có
Hiền tài rải khắp năm châu.
Tôi người Xứ Thanh
Anh Thơ vẫn hát Cây lúa Hàm Rồng
Trọng Tấn còn hát Chào sông Mã anh hùng.
Tôi người Xứ Thanh
Các con tôi đã khai sinh như thế
Các cháu tôi mai sau vẫn khai sinh như thế
Dù đi đâu về đâu.
Hà Nội, 2/9/2003
ĐƯỜNG TỚI VÂN ĐỒN
Đường tới Vân Đồn hoang vu biên cương
Buồn xa vắng trong chiều lặng gió
Mây nước bao la, xanh xanh sú vẹt
Kiếp người như đồn thú cheo leo.
Đường tới Vân Đồn răng tím màu sim
Hoa mua tím, chiều sâm sẫm tím
Như muốn trăng hoa, như thèm bịn rịn
Như xa xưa khăn gói kiếp giang hồ.
Đường tới Vân Đồn buồn như hoang sơ
Nhớ cô quạnh thân tù Côn Đảo
Như giá lạnh, phong phanh ướt áo
Thì cứ ra đi, chí làm trai dặm nghìn da ngựa.
Đường tới Vân Đồn xa xa biên cương
Câu thơ xưa làm đau người xa xứ
“Đường tới Vân Đồn san phục san…”
Trập trùng mây giăng, ta cao hơn núi
Ra đi, ra đi... “… chí làm trai không vương thê nhi”.
Quảng Ninh, 26/8/2004
NGƯỜI TÀY Ở HÀ NỘI
Bố người Kinh
Mẹ người Tày
Đẻ con ở Hà Nội
Con không phải Kinh
Con không phải Tày
Con là Tày lai.
Người Tày ở Hà Nội
Không mặc áo chàm
Không ăn măng đắng
Cơm lam chỉ là cơm nếp nướng thôi.
Người Tày ở Hà Nội
Không nói tiếng Tày
Bạn bè gặp nhau phát sóng ngắn
Uống rượu
Rồi lại nói tiếng Kinh.
Người Tày ở Hà Nội
Nhớ bản như là nhớ ngày xưa
Bao giờ lại có ngày xưa?
25/4/2006
THẦN YONI
Tặng Võ Trọng Hùng
Cần chi phải dịch Yoni là gì
Xem là biết.
Nhưng Yoni hình vuông
Không phải tam giác
Chẳng qua người Chăm cách điệu đi thôi.
Linga bằng cột đình
Yoni bằng cái nong
Quá vừa!
Người Kinh nói: Nồi tròn úp vung tròn.
Người Chăm thờ thần Linga
Lại thờ thần Yoni
Quá đúng!
Trên thế gian này hai thứ đó quý nhất
Sướng nhất
Hạnh phúc trần tục nhất.
Linga chồng lên Yoni
Có suối nước chảy ra
Trần tục
Không cần siêu thực
Quá tài!
Như cái cối xay bột
(hay người Kinh bắt chước làm cối xay bột).
Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), 1/8/2006
THÁI NGUYÊN, NGƯỜI TA ƠI
Thái Nguyên tôi có một người thân
Như chưa hề biết mặt
Người có chờ tôi mỏi mòn con mắt?
Người có tin tôi rồi sẽ trở về?
Thái Nguyên tôi có một người tình
Như chưa hề biết mặt
Người có mong tôi mỏi mòn đôi mắt?
Người có chờ tôi vời xa vời xa?
Hãy để chúng mình chờ nhau trong mơ
Hãy để mỏi mòn chờ trông hy vọng
Hãy để mọi điều như là đang sống
Cho dù mọi điều chưa có gì đâu.
Hãy để tương lai vời xa trước ta
Để ta cầu may, để ta vươn tới
Để ta cầu trời, để ta mong đợi
Để ta huy hoàng ngày mai sáng tươi
Đừng ái mộ tôi người ta xa ơi!
Hà Nội, 15/8/2004
QUÊ NGOẠI Ở ĐỒNG BÔNG
Quê ngoại có nghĩa là Đồng Bông
Bông trắng nõn áo em trắng nõn
Quê ngoại xưa lũ về cuồn cuộn
Là chiều chiều mẹ đứng trông con.
Quê ngoại có nghĩa là Tết ta
Cây nêu tết lá cờ đỏ thắm
Bà tôi nghèo váy nhuộm thâm sột soạt
Tôi le te theo mẹ đến thăm bà.
Quê ngoại có nghĩa là bao la
Bao la gió bao la đồng lúa
Quê ngoại có nghĩa là đói lả
Mùa lũ qua rác nổi lềnh bềnh.
Quê ngoại có nghĩa là Đồng Bông
Đêm đông lạnh thoi đưa lách cách
Bà tôi dệt vuông vải thô trắng bạch
Để kịp tết này bán chợ làng Mưng.
Quê ngoại có một làng Đông Bằng
Mồng Một Tết cỗ ba tầng mẹ đội
Ông Lý Cố áo the khăn xếp
Rượu lè nhè vác gậy dọa trẻ con.
Quê ngoại là những đồng tiền mới
Mẹ mừng tuổi tôi năm mới sang
Tôi cất kỹ tận trong hộc tủ
Chờ ra Giêng mẹ mua gà nuôi.
Quê ngoại Đồng Bông ngày xưa ơi!
Bà tôi khuất núi tự lâu rồi
Tết nay ai lại về mừng tuổi
Quê ngoại ngày xưa xa lắm ơi!
Thanh Hóa mùa Đông Quý Mùi (2003)
HAI NGƯỜI HAI DÂN TỘC (110)
Hai người dân tộc đi trên đường Hà Nội
Người đàn bà Ả Rập
Trùm khăn đi trên đường Hà Nội
Mắt đen tròn xa xăm.
Người đàn bà Tày
Đi trên đường Hà Nội
Quần bò áo chẽn
Hai người gặp nhau tay bắt mặt mừng
Sao chị không mặc áo chàm?
Người Tày không nói
Sao chị trùm khăn đi trên đường Hà Nội
Người Ả Rập cười không nói
Hai người đều không nói
Nhưng họ nói những lời khác nhau.
25/5/2006
NGƯỜI TRẠI VÀO TRUNG ƯƠNG
Tặng Đỗ Văn Chiến
Người Trại vào Trung ương
Người Giáy cũng mừng
Người Tày cũng mừng
Thế là trai bản ta
Nói tiếng bản ta
Vào Trung ương Đảng.
Người Trại vào Trung ương
Hắn thay ta nói lời bản ta cho Đảng
Giành quyền lợi cho bản.
Người Trại vào Trung ương
Bản mừng như tết
Xã mừng như tết
Từ nay bản ta nói gì Trung ương nghe hết
Ô tô sẽ về bản nhiều hơn
Điện sáng nhiều hơn.
Người Trại vào Trung ương
Con đi làm nhiều hơn
Cháu đi học nhiều hơn
Người bản nhiều bác sĩ
Người bản nhiều kỹ sư
Con cháu bản khá hơn
Không ai nghiện hút
Không ai đánh bạc.
Người Trại vào Trung ương
Cả bản thích.
2/5/2006
NGƯỜI NÚI Ở NHÀ CHUNG CƯ
Chủ tịch tỉnh miền núi
Bí thư tỉnh ủy miền núi
Về Hà Nội đều thích ở nhà chung cư
Tiện lợi thoải mái
Điện thoại
Mua hàng
An cư rồi thích một hồi
Mới thấy chung cư dở
Khô cứng
Vuông vức
Đóng cửa lại là cô độc
Không bạn bè không xóm giềng
Gửi thư bằng E-mail
Gọi nhau qua điện thoại
Rất gần nhưng rất xa
Không thấy núi
Không thấy suối
Buồn ơi là buồn.
VỀ LẠI BẾN EN
Rồi anh về lại bến En
Dòng đời trong đục đua chen ai tìm
Bến Em, giờ đã bến En
Con tàu rẽ sóng, con thuyền xưa đâu
Người xưa còn nhớ đến nhau
Thì về bến cũ tìm câu xưa hò.
Sông xưa nay đã thành hồ
Rừng xưa trăng dãi mịt mờ khói sương
Cái thời sông Mực, bến Sung
Cái thời rau má, củ dong đâu rồi?
Trăm năm là mấy kiếp người
Nghìn năm dâu bể đất trời còn không?
Chia tay lòng hẹn với lòng
Mai ngày về lại hát cùng bến En.
Như Thanh (Thanh Hóa), 2001
KHÚC VIII
ÁO MỚI CÔ TẶNG
Nhà nghèo, bản xa trường
Mười tuổi học lớp Một
Áo quần độc nhất bộ
Nếu giặt là ở nhà
Cô tặng trò áo mới
Em vào phòng mặc ngay
Áo may rộng thùng thình
Trông xúng xa xúng xính
Cô cười vui như Tết
Nhìn trò nhảy tung tăng
Gian khổ như quên hết
Tặng quà như được quà
Hôm sau trò đến lớp
Cô hỏi áo mới đâu?
Hồn nhiên trò trả lời
- Bố mượn đi ăn cưới!
Bố mượn đi ăn cưới!
Trò nói vô tư, như cỏ cây
Cô rưng rưng nước mắt...
NƯỚC CHẢY THEO Ý MÌNH
Về Hà Nội
Muốn rửa tay
Chỉ cần giơ tay ra
Nước tự nhiên chảy ra
Không cần vặn vòi
(Vòi nước không có tay vặn)
Bạn cất tay đi là nước thôi chảy
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
Tháng 5/2006
NHÀ SÀN HÀ NỘI
Nhà sàn Hà Nội khác nhà sàn ở bản
Cầu thang bản mình người già chỉ cho làm chín bậc
Cầu thang Hà Nội đến mười lăm bậc.
Cột nhà sàn bản mình bằng gỗ lim
Cột nhà sàn Hà Nội bằng gỗ bạch đàn
Có cột bằng ximăng giả màu gỗ.
Gian giữa nhà sàn bản mình để thờ
Con gái không ai được vào
Nhà sàn Hà Nội
Gian giữa con gái vẫn tung ta tung tăng.
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
Tháng 2/2006
CỬA TỰ ĐỘNG ĐÓNG MỞ
Mình vào khách sạn Daewoo
Cửa đóng im ỉm
Đến nơi cửa tự nhiên mở
Mình qua
Cửa tự nhiên đóng
Không cần người điều khiển.
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
Tháng 9/2006
TUYÊN LÀ EM
Tuyên là em
Và em cùng là Tuyên
Đất nước là con người cụ thể
Ngày anh đi, em nhìn anh lặng lẽ
Sông Lô bình yên bỗng réo gầm vang.
Tuyên là em
Và em cùng là Tuyên
Như chân lý không thể nào khác được
Em giản đơn như là đất nước
Như là Tuyên yêu anh lặng thầm.
Năm tháng càng lùi xa
Tình ta càng nồng
Tình em như tấm gương trong suốt
Càng lùi xa càng rõ nhau hơn.
Tuyên là em
Và em cùng là Tuyên
Đèo Khế chia hai nhưng là một
Hoa gạo đỏ, xuân về như lửa đốt
Cháy lòng anh mùa đông Sơn Dương.
Câu ca xưa “Chè Thái gái Tuyên”
Anh nguyện mang theo về chín suối
Em không nói chính là em đã nói
Tình ta im lặng đến muôn đời.
Chưa kịp hôn nhau anh đã xa rồi
Tình buồn như thu - Mùa lá rụng
Anh vẫn còn Tuyên, còn em một bóng
Dù lá xanh chưa nhuộm đã vàng.
Một ngày kia anh về lại Tuyên
Đêm cầm tay em ngắm trăng sông Đáy
Em cứ buồn như mùa thu vậy
Năm xưa… núi Cố trăng tàn…
24/5/2008
EM ĐẸP
Mắt thì đen lung linh
Môi thì hồng chín mọng
Cổ em thì trắng
Vòng cổ thì bạc
Cổ em đẹp hay vòng bạc em đẹp?
Ngực căng hai quả bưởi
Yếm thổ cẩm thì đỏ
Thêu thì vân sọc xanh
Ngực em đẹp hay là yếm em đẹp?
Ngón tay em thì trắng
Vòng đeo tay thì vàng
Cổ tay trắng in trên màu đồng mun cồng chiêng
Lại càng trắng
Tay em đẹp hay dáng cồng chiêng đẹp?
Cạp váy vân hoa văn
Váy em thì đen
Eo lưng em thon thả
Em đẹp hay là váy em đẹp?
2007
AI LAO CHIỀU BIÊN CƯƠNG
Ai Lao chiều biên cương
Trập trùng, hoang vu hoa lau giăng giăng
Rừng chiều xa dằng dặc
Thung xa mờ sương.
Ai Lao chiều biên cương
Vút lên chiều xanh dãy Trường Sơn bi hùng
Hoang tàn một thời trận mạc
Một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Bây giờ xanh bình yên mênh mông.
Ai Lao chiều biên cương
Thỏa chí ngang tàng
Mây dưới chân ta
Đèo dưới chân ta
Coi thường!
Đất trời trong gang tấc.
Ai Lao chiều biên cương
Những tên xưa rùng rợn một thời
Lao Bảo, Na Mèo, Tây Trang, La Hán…
Xa rồi thời Tây Tiến
Những thân tù Kon Tum tha phương buồn tênh.
Ai Lao chiều biên cương
Quanh co như lòng người
Vòng vèo như lịch sử
Hoang vu như rừng xưa Lac Sao.
Ai Lao chiều biên cương
Nhạc ngựa buồn rung xa dặm trường
Voi lù lù lừng lững
Trăng non cùng ta như tha hương.
Lac Sao (Lào), 21/12/2006
THẮNG CỐ ĐÊM SA PA
Sa Pa cứ mưa phùn
Thắng cố ta cứ uống
Này rượu táo mèo
Này thịt ngựa bạch
Uống cho chảo sôi lên.
Thắng cố
Bạn cứ ăn ào ào
Bạn cứ uống tì tì
Mình cũng uống tì tì
Nhưng mình nhắm tí ti.
Chảo sôi sùng sục
Rượu cay sè sè
Uống đi! Phan Xi Păng thì cao
Lũng Mường Hoa thì sâu
Thắng cố đêm Sa Pa
Say la đà
Tiếng Tây
Tiếng Tàu.
Tiếng Mông
Tiếng Dao…
Hòa thành âm điệu rất Sa Pa!
Áo chàm
Áo thổ cẩm
Khăn Dao Đỏ
Khăn Mông Đen…
Tạo màu y phục rất Sa Pa!
Này tim, này gan
Này phủ tạng, này bao tử...
Gặp nhau trong chảo
Đều trở thành thắng cố
Tạo thành ẩm thực rất Sa Pa!
Sa Pa, 2/8/2008
MÀU MÂY SA PA
Tinh mơ mây xôm xốp
Sương trắng mỏng manh như áo em.
Bình minh mây hồng hồng
Phơn phớt như đào xuân Sa Pa.
Giữa trưa mây lang thang
Trắng nõn vờn quanh ngực núi Phan Xi Păng.
Nửa chiều mây bồng bềnh, nhẹ tênh
Lởn vởn vờn thung Ô Quy Hồ.
Hoàng hôn mây đặc lại
Trắng như trứng gà bóc
Mây âu yếm ôm thông sa mu.
Đêm trăng mây huyền ảo
Như có như không
Sa Pa chìm trong mây
Mây chìm trong trăng.
Ngày nắng
Mây nhẹ hơn lông hồng
Không thổi cũng bay.
Ngày mưa
Mây nặng như chì
Xám xịt như gio
Sũng nước.
Những bức ảnh Sa Pa
Gỡ mây ra
Còn Sa Pa nữa không?
Sa Pa, 2/8/2007
MƯA BAY TRÊN NÚI HÀM RỒNG
Mưa như không mưa
Mây trong mưa nắm được
Mây trong mưa với được
Mưa cho đủ thấm lòng mơ mộng.
Mưa cho đủ mầm lan ra hoa
Cho thi sĩ buồn tênh, khơi nguồn thi tứ
Mưa bay cho rừng thông mờ đi
Biệt thự cổ nhòe đi
Mưa đan trong cây
Mưa lồng trong rừng trúc
Một phông trời thủy mạc trong mưa.
Mưa như không mưa
Làm mờ đi những cây đào cổ thụ
Cho hoa pháo đùng đỏ niềm đam mê.
Một ngày qua nhanh
Một đời trôi nhanh
Mưa như mờ tất cả
Ta trở thành xa lạ
Trong Sa Pa mờ sương.
Mưa bay mưa bay cho lan tươi thắm
Cho rừng thông xưa hơn
Đường mòn trong mây
Rừng chìm trong cây
Hàm Rồng trong mưa buồn xa tê tái
Tuổi thơ ngày xưa bao giờ trở lại.
Sa Pa, 3/8/2008
THỦ THỈ THẦM THÌ VỚI NGƯỜI HÀ NHÌ
Tặng Chu Thùy Liên
Thủ thỉ thầm thì với người Hà Nhì
Anh gặp em tình cờ Hà Nội
Em ngượng ngùng, bối rối
Váy áo Hà Nhì lúng túng à em?
Váy áo Hà Nhì lúng túng à em?
Thôi đừng thay bộ mới
Đừng cởi!
Vòng tai toòng teng đừng sợ leng keng
Cứ đeo như người Hà Nhì.
Đừng nói giọng Hà Nội
Cứ nói như người Hà Nhì
Đừng cởi sà cạp vân xanh vân đỏ
Cứ quấn như người Hà Nhì.
Lần đầu tiên gặp em Hà Nhì
Không nói thì không biết
Anh cứ ngỡ em là người Dao Đỏ
Chàng trai Kinh lớ ngớ
Vào bản Hà Nhì bị tóm như chơi.
Váy áo của em đẹp hơn người Kinh
Đẹp hơn quần bò của người Hà Nội
Cứ để khăn đội đầu tua xanh tua đỏ
Cứ để áo hồng hoa văn đan nhau.
Mai ngược Điện Biên em đừng chê anh
Anh nói như sàm sỡ
Với em anh dám đâu sàm sỡ
Sàm sỡ như đời thường khó lắm em ơi!
Hà Nội, 2007
HÀ NỘI NGƯỜI NÀO CŨNG ĐẸP
Nhiều người đẹp son phấn cho đẹp hơn
Mình nghĩ người đẹp son phấn lại lòe loẹt hơn
Nhiều người xấu son phấn cho đỡ xấu hơn
Mình nghĩ người xấu son phấn lại ngô nghê hơn.
Người dân tộc mình chả thế
Cứ để mọi thứ tự nhiên như đời
Chả cần son phấn.
Mình về Hà Nội thấy người nào cũng đẹp
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
HÀ NỘI KHÔNG THẤY NGƯỜI THIỂU SỐ
Hà Nội không thấy người thiểu số
Mình nói thật đấy
Tìm mà không thấy
Đừng gân cổ lên mà cãi
Cho dù em là người Sán Chay.
Người Sán Chay về Hà Nội nói tiếng Kinh
Không nói tiếng Sán Chay
Người Mường về Hà Nội không nói tiếng Mường
Nói tiếng Kinh Thanh Hóa.
Hà Nội không thấy người thiểu số
Đêm hội Thủ đô không bóng áo chàm
Gái Thái có chồng không búi tằng cẩu
Cô gái người Dao vòng cổ không đeo.
Trong vườn hoa xuân sặc sỡ muôn màu
Anh muốn nhìn em áo màu thổ cẩm
Em thổi pí lè anh nhận ra ngay.
Ai bảo Thủ đô người thiểu số mấy chục nghìn người
Hà Nội không thấy người thiểu số.
Không tin về Hà Nội mà coi.
18/12/2007
ĐI CHỢ Ở HÀ NỘI
Về Hà Nội đừng nói đi chợ
Quê lắm
Phải nói là đi siêu thị
Hay gọi là sốp-ping.
Bạn thích lên tầng trên
Thang cuốn nó kéo bạn đi.
Bạn thích gì cứ lấy
Ra cửa tính tiền
Bạn cũng đừng mặc cả
Người ta cười cho đấy
Siêu thị bán đúng giá.
Vào siêu thị không ăn trộm được đâu
Siêu thị có máy nhìn
Ông chủ ngồi một chỗ thấy hết mọi người.
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
ĐÈN ĐỎ ĐỪNG VƯỢT
Thấy đèn đỏ đừng vượt
Bạn đừng tưởng không có công an áo vàng là cứ đi
Ngã tư có máy nhìn đấy
Bạn chỉ cần vượt qua ngã tư
Chú công an tuýt còi ngay
Bạn sẽ bị nộp phạt
Chú bật màn hình, không chối được đâu.
Không tin về Hà Nội mà coi.
HÀ NỘI CÓ MÁY RÚT TIỀN
Hà Nội có máy rút tiền
Rút lúc nào cũng được.
Ban đêm bạn cần tiền
Có ngay
Gần sáng bạn cần tiền
Có ngay.
Nếu bạn rút quá tiền bạn có
Không sao
Hôm sau trả cũng được
Nhưng lãi cao hơn.
Hà Nội có máy rút tiền
Mình nói thật đấy
Không tin về Hà Nội mà coi.
LỜI CHỦ TỊCH XÃ
Mấy ông huyện đến lằng nhằng
Trồng ngô thì nói trồng ngô
Cứ dẫn dắt con cà con kê.
Mình đến là bận
Này thu thuế
Này đám tang
Chưa xong chống đói nghèo
Lại chống tái mù
Họp một buổi là đủ mà nói suốt hai ngày.
Việc gì phải nói “phụ khoa”
Cứ nói bệnh đàn bà
Cần gì nói kế hoạch hóa gia đình
Nên nói đẻ ít thôi.
Việc chỉ cần nói một vài câu
Giải thích hết một ngày
Ra về mình chả hiểu gì cả.
Người bản mình thích cụ thể
Muốn lấy vợ chỉ cần nói
Tôi thích em lắm
Có lấy tôi không?
ÔNG GIÀ NÙNG YÊU THƠ (30)
Ông già Nùng bản nhỏ
Người rất yêu thơ tôi
Mỗi mùa hoa mận nở
Ông lại đến nhà chơi.
Câu đầu tiên ông hỏi
- Có bài thơ mới không?
- Thơ lúc nào chả có
Vui - Tôi trả lời ông.
Tôi tặng thơ, mừng tuổi
Ông biếu tôi đôi gà
Tôi chối từ không nổi
Ông về vui vô cùng.
Sang năm hoa mận nở
Ông lại ghé thăm nhà
Câu đầu ông lại hỏi
- Có bài thơ mới không?
Tôi tặng thơ, mừng tuổi
Tiễn ông, tôi cười vang
Bác là người số một
Quý thơ như quý vàng.
Rồi tôi xuôi Hà Nội
Lâu không ngược Tuyên Quang
Mỗi mùa hoa mận nở
Lại nhớ ông già Nùng.
Cái thời tiền như nước
Vẫn còn người yêu thơ.
Hà Nội, Xuân Mậu Tý (2008)
NGƯỜI DÂN TỘC TỰ KHAI
Con trai người Tày khai rằng:
Quê Tuyên Quang
Tận bản Khuôn Thê
Bố Tày, họ Nông
Làm nương cấy lúa
Mẹ họ Âu người Cao Lan, dệt vải
Tôi đẻ ra mang họ Nông
Họ hàng tôi đó ở Tuyên năm trăm năm.
Thích uống rượu ngô Na Hang
Thích ăn ngô nếp nương
Quen mặc áo màu chàm
Thích ở nhà sàn ven suối
Xưa thích đẻ nhiều con, nay chỉ đẻ hai con
Mùa thu thích ăn cốm
Mùa xuân thích hát then, xem hội lùng tùng.
Xưa đi xe trâu kéo
Nay đi xe máy.
Nói được tiếng Hoa
Đang học tiếng Anh
Tôi đang làm chủ tịch xã
Con gái người Hmông khai lý lịch:
Bố họ Cù người Hmông ở Lào Cai
Mẹ họ Bàn, người Hmông Đỏ ở Hà Giang
Đều nói tiếng Dao
Đều biết trồng ngô trên hốc đá
Tổ tiên tôi làm ra ruộng bậc thang
(Tác phẩm điêu khắc ngoài trời đẹp nhất thế giới).
Nghề cũ trồng cây thuốc phiện
Nghề mới dệt thổ cẩm.
Xưa bố tôi đi chợ bán lưỡi cày
Bây giờ ngồi bán muối.
Thích ăn mèn mén
Thích uống rượu Sán Lùng
Bố tôi kéo mẹ tôi về làm vợ.
Bây giờ tôi lấy chồng thì khác rồi.
Đi chơi bằng ngựa
Lấy nước bằng bương
Đều tin trưởng bản
Con gái Thái kể cho người Kinh nghe:
Mẹ họ Vi, người Thái ở Tây Bắc
Bố người Kinh ở Thái Bình
Con mang họ mẹ.
Biết đọc chữ Thái cổ
Nói được tiếng Lào.
Thích ăn xôi nếp nương
Thích uống nước suối
Thích ở nhà sàn gỗ trắc.
Thích ngủ với chồng to khỏe
Thích đẻ nhiều con nhưng nay chỉ đẻ hai con.
Nhà xưa có trâu kéo
Nay có xe máy.
Người đàn ông Ba Na kể rằng:
Ta người Ba Na
Lấy vợ Ê Đê
Đẻ con lấy họ Ê Đê.
Nghề cũ săn bắn
Nghề mới trồng cà phê.
Nói tiếng Ba Na
Viết bằng chữ Kinh.
Ăn cơm tẻ
Uống rượu cần
Chỉ thích đến nhà rông
Chơi đàn t’rưng.
Đi rẫy đeo gùi
Mẹ chết dựng nhà mồ.
Hai mươi tuổi rồi
Đang còn học trường nội trú
Thích nói tiếng Anh mà chưa nói được.
Con trai người Chăm xin vào Đảng:
Gốc Chiêm Thành
Nói tiếng Chăm Ninh Thuận
Đang ở rể nhà vợ
Mẹ mình lo tiền cưới bố mình.
Nghề cũ làm gốm
Nghề mới đánh cá ven biển Ninh Thuận.
Ăn cơm tẻ
Uống rượu cần
Mặc xà rông.
Thích theo đạo Bàlamôn
Thích đi hội Katê
Thích đánh trống Paranưng.
Mình đang làm trưởng thôn
Tuổi hai lăm
Chưa vào Đảng
Tin theo Đảng Cộng sản.
Con gái người Pu Péo kể với bạn:
Mình ở xa lắm tận Hà Giang
Dân tộc mình ít lắm
(chỉ có chừng bảy trăm người)
Nói tiếng Pu Péo
Ruộng bậc thang nhiều như lá rừng.
Đi ngựa
Ở nhà sàn
Ăn ngô đồ
Uống rượu bằng bát.
Người Pu Péo giống người Kinh
Tết ăn bánh chưng
Ba mươi Tết có lễ gọi hồn.
Mày lấy tao làm vợ không
Lễ cưới phải cõng tao về nhà.
Con gái Phù Lá tâm sự:
Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu đều có người mình
Nói tiếng Kinh rất sõi
Người Phù Lá đến xứ này ba trăm năm rồi.
Ăn cơm tẻ
Mặc áo hoa
Uống rượu ngô
Đi chơi bằng ngựa
Lên nương bằng ngựa.
Mày có lấy tao làm vợ không
Cầm tay kéo tao về
Yêu nhau thì giữ hồn cho nhau.
Con trai Pà Thẻn tâm sự với bạn gái:
Mình gốc người Hmông
Các cụ xưa đến lập nghiệp hai trăm năm nay rồi
Thích trồng lúa, đi săn
Con trai thích uống rượu
Con gái thích dệt thổ cẩm.
Ăn cơm tẻ
Ở nhà sàn
Uống nước suối
Đi nương cưỡi trâu
Cùng họ không lấy nhau được.
Mày có lấy tao không
Ngày hội ta đi Tết Thanh minh.